Dịch giả: Cao Việt Dũng, Nguyễn Tiên Phong, Nguyễn Văn A
Chương 13 (chương kết)
Kết luận: Trí Tưởng tượng

9/11 đối lại 11/9

 
Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả tri thức - Albert Einstein
Trên mạng Internet, không ai biết bạn là một con chó
- Hai con chó nói chuyện với nhau,
Tranh biếm hoạ trên New Yorker của Peter Steiner, 5/7/1993
Ngẫm nghĩ về thập niên rưỡi vừa qua này, trong đó thế giới trở nên phẳng, tôi chợt nhận ra cuộc sống của chúng ta đã được định hình mạnh mẽ bởi hai ngày: 9/11 và 11/9. Hai ngày này tượng trưng cho hai hình thức tưởng tượng cạnh tranh trên thế giới ngày nay: trí tưởng tượng sáng tạo của ngày 9/11 và trí tượng tượng huỷ diệt tiêu cực của ngày 11/9. Một bên là phá huỷ một bức tường và mở ra các cánh cửa mới cho thế giới - cả hệ thống điều hành và cả loại mà chúng ta nhìn qua. Nó đã giải phóng một nửa hành tinh và làm cho những người ở đó trở thành các đối tác và đối thủ tiềm năng của chúng ta. Còn một bên thì làm sụp đổ Trung tâm Thương mại Thế giới, khép lại mãi mãi các Cửa sổ nhìn ra nhà hàng Thế giới và dựng lên những bức tường bê tông vô hình ngăn cách mọi người vào thời điểm khi chúng ta nghĩ là ngày 9/11 đã xoá sạch chúng mãi mãi.
Bức tường Berlin được phá bỏ vào ngày 9/11 bởi những người dám tưởng tượng về một thế giới khác rộng mở hơn - một thế giới nơi con người có thể tự do thực hiện đầy đủ năng lực tiềm tàng của mình - và sau đó dồn hết cam đảm để hành động theo trí tưởng tượng đó. Các bạn có nhớ điều đó đã xảy ra như thế nào không? Thật đơn giản: tháng 7 năm 1989, hàng trăm người Đông Đức tìm nơi ẩn náu ở Đại sứ quán Tây Đức tại Hungary. Trong tháng chín năm 1989, Hungary đã quyết định bỏ các hạn chế biên giới của mình với Áo. Điều đó có nghĩa là bất kì người Đông Đức nào đi vào Hungary đều có thể chuyển qua Áo và qua thế giới tự do. Đúng như vậy, hơn mười ba nghìn người Đông Đức đã trốn thoát qua cổng sau Hungary. Áp lực đè nặng lên Chính phủ Đông Đức. Vào tháng 11 khi Chính phủ thông báo kế hoạch nới lỏng các hạn chế đi lại, hàng chục ngàn người Đông Đức đã đổ về Bức tường Berlin, nơi, vào ngày 9/11/1989 lính biên phòng đơn giản mở các cổng.
Ai đó ở Hungary, có thể là thủ tướng chính phủ, có thể chỉ là một quan chức, chắc hẳn đã tự nhủ với bản thân rằng “Hãy tưởng tượng - tưởng tượng xem điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta mở cửa biên giới với Áo”. Hãy tưởng tượng nếu Liên bang Xô Viết bị tê liệt tại chỗ. Hãy tưởng tượng - tưởng tượng nếu các công dân Đông Đức, già lẫn trẻ, đàn ông lẫn phụ nữ, được khích lệ khi nhìn thấy những người hàng xóm của mình lũ lượt trốn sang phương Tây mà một ngày họ đã tụ tập quanh Bức tường Berlin đó và bắt đầu phá đổ nó. Một vài người nào đó hẳn đã có cuộc đối thoại hệt như vậy, và bởi vì họ đã làm, nên hàng triệu người Đông Âu đã có thể bước ra từ sau Bức màn sắt và gắn với một thế giới đang phẳng. Đó là một kỉ nguyên vĩ đại để làm một người Mĩ. Chúng ta là siêu cường duy nhất và đời chúng ta đẹp như một bài thơ. Không còn bức tường nào nữa. Thanh niên Mĩ có thể nghĩ về đi du lịch, trong một kì hay một mùa hè, tới nhiều nước hơn bất cứ thế hệ nào trước họ. Quả thực, họ đã có thể đi du lịch đến chừng mực mà họ tưởng tượng và hầu bao của họ cho phép. Họ cũng có thể nhìn quanh các bạn cùng lớp học của mình và thấy những người từ nhiều nước và nhiều nền văn hoá khác nhau hơn bất cứ lớp học nào trước họ.
11/9, tất nhiên, đã làm thay đổi tất cả điều đó. Nó cho ta thấy sức mạnh của một loại tưởng tượng rất khác. Nó cho chúng ta thấy sức mạnh của một nhóm người đầy hận thù, bỏ ra nhiều năm để tưởng tượng xem làm sao để giết được càng nhiều người vô tội càng tốt. Ở điểm nào đó bin Laden và đồng bọn của hắn chắc hẳn đã nhìn nhau và nói rằng, “Hãy tưởng tượng xem nếu chúng ta có thể đâm vào cả hai toà tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở đúng chính xác vị trí, giữa tầng chín tư và tầng chín tám. Và hãy tưởng tượng nếu mỗi toà tháp bị đâm đổ sập xuống giống như tháp xếp bằng các quân bài.” Vâng, tôi rất tiếc phải nói, một số người đã có đối thoại đó nữa. Và kết quả là, đời chúng ta đẹp như bài thơ [nguyên văn: như con hàu] dường như khép lại như một chiếc vỏ sò.
Chưa có khi nào trong lịch sử mà đặc tính của trí tưởng tượng con người lại không quan trọng, nhưng khi viết cuốn sách này tôi nhận ra là chưa bao giờ điều đó lại quan trọng hơn lúc này, bởi vì trong một thế giới phẳng rất nhiều đầu vào và công cụ cộng tác đang trở thành các hàng hoá phổ biến sẵn có cho mọi người. Tất cả đều ở đó cho bất cứ ai để nắm lấy. Tuy nhiên, có một thứ, chưa và chẳng bao giờ có biến thành hàng hoá, và đó là trí tưởng tượng.
Khi sống trong một thế giới tập quyền hơn và được thiết lập theo chiều dọc - nơi nhà nước gần như hoàn toàn độc quyền về quyền lực - thì trí tưởng tượng của cá nhân là một vấn đề lớn khi người đứng đầu của một nhà nước siêu cường – một Stalin, một Mao, hay một Hitler – trở nên lệch lạc. Nhưng ngày nay, khi các các nhân có thể dễ dàng tiếp cận các công cụ cộng tác và bản thân họ, hay các chi bộ nhỏ của họ, là các siêu cường, các cá nhân không cần điều khiển một đất nước để đe doạ một số đông người khác. Kẻ nhỏ có thể hành động rất lớn hiện nay và gây ra nguy hiểm nghiêm trọng cho trật tự thế giới – mà không có các công cụ của một nhà nước.
Do đó, suy nghĩ xem làm sao chúng ta có thể kích thích trí tưởng tượng tích cực là vô cùng quan trọng. Như Irving Wladawsky-Berger, một nhà khoa học máy tính của IBM diễn đạt cho tôi: Hơn bao giờ hết chúng ta cần nghiêm túc nghĩ xem làm thế nào để có thể cổ vũ mọi người tập trung vào tác động tích cực có thể thúc đẩy và liên kết nền văn minh - sự tưởng tượng hoà bình tìm cách “giảm thiểu sự xa lánh và tôn vinh sự phụ thuộc lẫn nhau hơn là sự tự túc, sự gồm vào hơn là sự loại ra”, sự cởi mở, cơ hội và hi vọng hơn là các giới hạn, nghi ngờ và ca thán.
Hãy để tôi thử minh hoạ điều này bằng ví dụ. Đầu năm 1999, hai người đàn ông khởi động các hãng hàng không từ hai bàn tay trắng, chỉ cách nhau vài tuần lễ. Cả hai đều có một ước mơ về hàng không và có hiểu biết để làm gì đó. Một người tên là David Neeleman. Tháng hai 1999, anh khởi động JetBlue. Anh tập hợp được 130 triệu $ vốn mạo hiểm, mua một đội máy bay chở khách Airbus A-320, tuyển phi công và kí với họ hợp đồng làm việc bảy năm, và đã outsource hệ thống đặt chỗ cho các bà mẹ ở nhà và người đã về hưu sống quanh thành phố Salt Lake, Utah, những người đặt vé hành khách trên máy tính gia đình của họ.
Người thứ hai lập hãng bay, như nay chúng ta biết từ Báo cáo của Uỷ ban 11/9, là Osama bin Laden. Tại một cuộc họp tháng ba hay tháng tư 1999 tại Kandahar, Afghanistan, hắn đã chấp thuận một đề xuất ban đầu do Khalid Sheikh Mohammed - một kĩ sư cơ khí sinh ở Pakistan - khởi xướng, là kiến trúc sư của âm mưu 11/9. Khẩu hiệu của JetBlue là “Cùng Cao độ. Khác Thái độ.” Khẩu hiệu của Al-Qaeda là “Allahu Akbar”. Chúa vĩ đại. Cả hai hãng đều dự kiến để bay vào New York City – máy bay của Neeleman bay đến [sân bay] JFK và máy bay của bin Laden bay vào Hạ Manhattan.
Có thể là vì tôi đã đọc báo cáo 11/9 trong khi đi Silicon Valley, nên tôi không thể không để ý Khalid Sheikh Mohammed đã nói nhiều thế nào và giới thiệu mình như chỉ là một kĩ sư - doanh nhân hăng hái nữa, có bằng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và Kĩ thuật Bang Bắc Carolina, đề xuất các ý kiến của mình với Osama bin Laden, xuất hiện cứ như một nhà tư bản mạo hiểm giầu có khác. Còn Mohammed, than ôi, lại tìm kiếm vốn phiêu lưu. Như Báo cáo của Uỷ ban 11/9 diễn đạt “Không ai nêu tấm gương về nhà khởi nghiệp khủng bố rõ hơn Khalid Sheikh Mohammed (KSM), kiến trúc sư chính của vụ tấn công 11/9... Có trình độ giáo dục cao và thoải mái trong một văn phòng chính phủ hay một nơi an toàn cho bọn khủng bố, KSM đã dùng trí tưởng tượng của mình, năng lực kĩ thuật và kĩ năng quản lí của mình để ấp ủ và trù tính một loạt mưu đồ khủng bố lạ thường. Các ý tưởng này bao gồm đánh bom xe hơi truyền thống, mưu sát chính trị, đánh bom máy bay, cướp máy bay, đầu độc bể nước, và, cuối cùng, sử dụng máy bay như các tên lửa do các phi công liều chết dẫn đường... KSM tự giới thiệu hắn như một nhà khởi nghiệp tìm kiếm vốn mạo hiểm và người... Bin Laden đã mời KSM đến Kandahar vào tháng ba hay tháng tư 1999 để bảo hắn ta rằng al-Qaeda sẽ ủng hộ đề nghị của hắn. Từ đó, trong nội bộ al-Qeada âm mưu này được gọi là “chiến dịch máy bay”
Từ trụ sở công ti tại Afghsnistan, Bin Laden tỏ ra là một nhà quản lí chuỗi cung rất khéo léo. Hắn lắp ráp một công ti ảo chỉ cho dự án này - giống hệt bất cứ tập đoàn toàn cầu nào sẽ làm trong thế giới phẳng – tìm đúng chuyên gia cho mỗi nhiệm vụ. Hắn đã outsource toàn bộ thiết kế và kế hoạch 11/9 cho KSM và toàn bộ việc quản lí tài chính cho cháu trai của KSM – Ali Abdul Aziz Ali - người đã điều phối các quỹ khác nhau cho bọn không tặc bằng điện chuyển tiền, tiền mặt, séc du lịch, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ từ các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Bin Laden đã lấy từ bảng phân công của al-Qeada đúng các gã vai u thịt bắp thích hợp từ Tỉnh Asir, Arab Saudi, các phi công thích hợp từ Châu Âu, những đội trưởng thích hợp từ Hamburg và các trợ thủ đắc lực từ Pakistan. Hắn outsource việc đào tạo phi công cho các trường dạy bay ở Mĩ. Bin Laden biết rằng hắn chỉ cần “thuê” các máy bay Boeing 757, 767, A320 và có lẽ 747 cho chiến dịch của mình, và gây đủ quỹ cho đào tạo các phi công về tất cả các máy bay khác nhau này từ một tập đoàn các nhà từ thiện Hồi giáo thân al-Qeada và các nhà tư bản mạo hiểm Hồi giáo khác sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động chống Mĩ. Trong trường hợp 11/9, tổng ngân sách đã là khoảng 400.000 $. Một khi cả đội đã được tập hợp, bin Laden tập trung vào năng lực cốt lõi của mình –lãnh đạo tổng thể và truyền cảm hứng ý thức hệ cho chuỗi cung tự sát của hắn, với sự hỗ trợ của các phó soái của hắn là Mohammed Atef và Ayman Zawahiri
Bạn có thể biết đầy đủ hương vị của chuỗi cung bin Laden, và al-Qeada đã tiếp thu công nghệ mới năng nổ ra sao, bằng chỉ đọc một mục trong cáo trạng chính thức của Toà án Quận của Quận Đông bang Virginia tháng 12 năm 2001 dành cho Zacarias Moussaoui - người được gọi là kẻ không tặc thứ mười chín từ 11/9. Nó thuật lại như sau: “Vào khoảng 6-1999, trong một phỏng vấn với một kênh truyền hình tiếng Arab, Osama bin Laden đã đưa ra một … lời đe doạ ngụ ý rằng tất cả đàn ông Mĩ phải bị giết” Sau đó nó chỉ ra là suốt năm 2000 tất cả các không tặc, kể cả Moussauoi bắt đầu hoặc tham gia hay tìm hiểu về các khoá học trường dạy lái máy bay ở Mĩ: “Vào hay khoảng 29-9-2000, Zacarias Moussaoui liên lạc với Trường đào tạo Phi công ở Norman, Oklahoma, dùng tài khoản e-mail do hắn tạo ra ngày 6 tháng chín với một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Malaysia. Vào hay khoảng tháng mười 2000, Zacarias Moussaoui nhận được các lá thư từ Infocus Tech, một công ti Malaysia, nói rằng Zacarias Moussaoui được chỉ định làm nhà tư vấn marketing của Infocus Tech tại Mĩ, Vương quốc Anh và Châu Âu, và rằng hắn sẽ nhận, giữa các thứ khác, một khoản phụ cấp 2.500 đô la một tháng... Vào hay khoảng 11-12-2000, Mohammed Atta đã mua các cuốn video về buồng điều khiển cho loại máy bay Boeing 767 Model 300ER và Airbus A320 Model 200 từ Cửa hàng Phi công ở Ohio... Vào hay khoảng tháng 6 năm 2001, tại Norman, Oklahoma, Zacarias Moussaoui đã tìm hiểu về việc thành lập một công ti bay rải hoá chất cho cây cối... Vào hay khoảng 16-8-2001 Zacarias Moussaoui, ngoài các thứ khác, đã sở hữu: hai con dao; một ống nhòm; các sách hướng dẫn bay cho Boeing 747 Model 400; một chương trình máy tính mô phỏng bay; găng tay bay và các nẹp bảo vệ chân; một mẩu giấy chỉ dẫn đến máy thu cầm tay của Hệ thống Định vị Toàn cầu và một máy quay video; phầm phềm có thể xem lại các quy trình lái Boeing 747 Model 400; các bức thư cho biết Moussaoui là tư vấn marketing cho Infocus Tech ở Mĩ; một đĩa máy tính chứa thông tin liên quan đến các ứng dụng trên không của thuốc trừ sâu; và một radio hàng không cầm tay.”
David Neeleman, một người mộ đạo theo phái Mormon lớn lên ở Châu Mĩ La tinh nơi bố ông là một phóng viên UPI, trái lại, là một trong các doanh nhân Mĩ cổ điển và một người rất chính trực. Ông chưa bao giờ học Đại học, nhưng đã lập được hai hãng hàng không thành công, Morris Air và JetBlue, và đóng vai trò quan trọng tạo hình hãng thứ ba, Southwest. Ông là cha đẻ của đi máy bay không vé, nay gọi là vé điện tử. “Tôi là một người hoàn toàn lạc quan. Tôi nghĩ bố tôi là một người lạc quan,” ông bảo tôi, cố giải thích các gen sáng tạo của ông đến từ đâu. “Tôi lớn lên trong một gia đình rất hạnh phúc... JetBlue đã hình thành trong tâm trí tôi trước khi nó được tạo ra trên giấy”. Dùng trí tưởng tượng lạc quan và cả năng lực của mình để mau chóng chấp nhận công nghệ mới nhất vì ông không có hệ thống di sản nào để phải lo, Neeleman đã lập nên một hãng hàng không có hiệu quả cao, tạo việc làm, du hành giá rẻ, một hệ thống giải trí độc đáo trên máy bay được vệ tinh hỗ trợ, và một trong các nơi thân thiện nhất để làm việc mà bạn có thể tưởng tượng. Ông cũng lập một quỹ cứu tế thảm hoạ ở công ti mình để giúp các gia đình nhân viên có người thân mất đột ngột hay bị bệnh hiểm nghèo. Neeleman hiến 1$ tiền lương của mình ứng với 1$ mà bất cứ nhân viên nào hiến cho quỹ. “Tôi nghĩ rất quan trọng là mỗi người cho một chút,” Neeleman nói. “Tôi tin là có các quy luật không thể thay đổi của trời rằng khi bạn phục vụ người khác bạn được một chút cảm giác thú vị này”. Năm 2003, Neeleman, một người giàu từ cổ phần JetBlue của ông, đã hiến gần 120.000 $ của 200.000 $ lương của mình vào quỹ cứu tế thảm hoạ của JetBlue.
Tại phòng chờ bên ngoài văn phòng của ông ở thành phố New York có một bức ảnh màu về một máy bay Airbus của JetBlue bay trên Trung tâm Thương Mại Thế giới. Ngày 11/9 Neeleman ở văn phòng của mình và nhìn toà Tháp Đôi bốc cháy, trong khi các máy bay JetBlue của ông lượn quanh sân bay JFK để chờ hạ cánh. Khi tôi giải thích với ông về việc tôi so sánh/tương phản hình ảnh của ông và bin Laden, ông ta vừa cảm thấy khó chịu vừa tò mò. Khi tôi đóng máy tính của mình và chuẩn bị ra về sau cuộc phỏng vấn, ông nói ông có một câu hỏi cho tôi: “Ông có nghĩ rằng Osama thực sự tin có Chúa ở trên kia và Ngài vui sướng với cái ông ta làm?”
Tôi bảo ông tôi cũng chẳng biết nữa. Cái tôi biết là thế này: Có hai cách để làm phẳng thế giới. Một là dùng trí tưởng tượng của bạn để kéo tất cả mọi người lên cùng mức, và cách kia là dùng trí tưởng tượng của bạn để kéo tất cả mọi người xuống cùng mức. David Neeleman đã dùng trí tưởng tượng lạc quan của ông và các công nghệ dễ kiếm của thế giới phẳng để kéo mọi người lên. Ông đã cho ra đời một hãng hàng không mới gây ngạc nhiên và thành công, một phần lợi nhuận của hãng được ông chuyển vào quỹ cứu tế thảm hoạ dành cho nhân viên của mình. Osama bin Laden và các môn đồ của hắn đã dùng trí tưởng tượng méo mó của chúng, và nhiều trong cùng các công cụ, để gây một vụ tấn công bất ngờ, làm cho hai biểu tượng vĩ đại của sức mạnh Mĩ sụp xuống bằng mức của bọn chúng. Tồi tệ hơn, chúng đã quyên tiền bạc và gây ra thảm hoạ giết người hàng loạt này dưới chiêu bài tôn giáo.
Tổng giám đốc Infosys, Nandan Nilekani nhận xét rằng “Từ các đầm lầy ban sơ của toàn cầu hoá đã nổi lên hai biến thể gen khác nhau” - một là al-Qeada và cái kia là các công ti giống như Infosys hay JetBlue. “Do đó tiêu điểm của chúng ta phải là làm sao có thể khuyến khích nhiều hơn các đột biến tốt và ngăn đột biến xấu”.
Tôi không thể đồng ý hơn. Quả thực, nỗ lực đó có thể là điều quan trọng nhất chúng ta học làm để giữ cho hành tinh này là một.
Tôi không nghi ngờ rằng các tiến bộ về công nghệ - từ chụp quét tròng đen mắt đến các máy X-quang - sẽ giúp chúng ta nhận dạng, vạch trần, và tóm những kẻ cố sử dụng các công cụ dễ kiếm của thế giới phẳng để phá huỷ nó. Nhưng cuối cùng, riêng công nghệ không thể giữ cho chúng ta an toàn. Chúng ta thực sự cần tìm ra các cách để tác động đến trí tưởng tượng của những người muốn dùng các công cụ cộng tác đó để phá huỷ chính thế giới đã phát minh ra các công cụ đó. Song làm cách nào để bắt tay vào nuôi dưỡng một trí tưởng tượng đầy hi vọng, khẳng định cuộc sống, và khoan dung hơn trong những người khác? Mọi người phải tự hỏi bản thân mình câu hỏi này. Tôi hỏi với tư cách một người Mĩ. Tôi nhấn mạnh điểm cuối này vì tôi nghĩ nó bắt đầu trước hết và đầu tiên là nước Mĩ nêu một tấm gương. Những người nào trong số chúng ta may mắn được sống trong các xã hội tự do và tiến bộ phải nêu một tấm gương. Chúng ta phải là các công dân toàn cầu tốt nhất ở mức có thể. Chúng ta không thể rút lui khỏi thế giới. Chúng ta phải chắc chắn là chúng ta thắng trí tưởng tượng của riêng mình- và không bao giờ để trí tưởng tượng của chúng ta thắng chúng ta.
Luôn rất khó để biết khi nào chúng ta đã vượt qua ranh giới giữa các biện pháp an toàn hợp lí và để cho trí tưởng tượng của chúng ta thắng chúng ta và do đó làm tê liệt bản thân chúng ta với biện pháp phòng ngừa. Tôi đã tranh luận ngay sau 11/9 rằng lí do mà cơ quan tình báo của chúng ta đã không tóm được những kẻ bày mưu 11/9 là “một thất bại của trí tưởng tượng”. Chúng ta đã đơn giản không có đủ người bên trong cộng đồng tình báo của chúng ta với một trí tưởng tượng đủ bệnh hoạn để sánh được trí tưởng tượng của bin Laden và Khalid Sheikh Mohammed. Chúng ta thực sự cần một vài người giống thế trong ngành tình báo. Nhưng tất cả chúng ta không cần đi theo con đường đó. Tất cả chúng ta không cần bị kích động bởi sự tưởng tượng ra cái tồi tệ nhất trong mỗi người xung quanh chúng ta khiến chúng ta co mình lại.
Năm 2003, con gái lớn của tôi - Orly - ở trong dàn nhạc giao hưởng của trường trung học của nó. Chúng đã tập luyện cả năm để tham gia cuộc thi dàn nhạc các trường trung học toàn quốc tổ chức ở New Orleans tháng Ba đó. Khi tháng Ba đến, có vẻ chúng ta đang lao vào cuộc chiến ở Iraq, nên Ban giám hiệu trường Montgomery County đã huỷ tất cả các chuyến đi ra khỏi thành phố của các nhóm học sinh – kể cả việc tham gia thi giao hưởng tại New Orleans do lo sợ nổ ra khủng bố. Tôi nghĩ điều này là rất dở hơi. Ngay cả sự tưởng tượng xấu xa về 11/9 có các giới hạn của nó. Tại một điểm nào đó bạn phải tự hỏi mình liệu Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri có thực sự ngồi đâu đó trong một cái hang ở Afghsnistan, với Ayman bảo Osama, “Này Osama, có nhớ cuộc thi giao hưởng các trường trung học hàng năm ở New Orleans không? Đấy, nó lại diễn ra vào tuần tới. Hãy gây xôn xao thật sự và cố làm việc đó”
Không, tôi không nghĩ vậy. Hãy để cái hang trú ngụ cho bin Laden. Chúng ta phải làm chủ trí tưởng tượng của mình, đừng là nô lệ. Một người bạn của tôi ở Beirut đã từng nói đùa rằng mỗi khi cô đi máy bay cô gói một trái bom trong vali của cô, bởi vì khả năng của hai người mang bom trên cùng một máy bay cao hơn rất nhiều. Hãy làm bất kì điều gì phải làm, nhưng hãy thoát ra khỏi cửa.
Về điều đó, hãy để tôi chia sẻ câu chuyện 11/9 đã làm tôi cảm động nhất từ một loạt bài “Chân dung của Nỗi đau” của New York Times, các tiểu sử ngắn ngủi của những người bị giết. Đó là câu chuyện về Candace Lee Williams, một sinh viên hai mươi tuổi học kinh doanh ở Đại học Northeastern, đã thực tập tại văn phòng Merrill Lynch trên tầng mười bốn của Trung tâm Thương mại Thế giới 1, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2001. Cả mẹ và các đồng nghiệp của Candace đều mô tả cô cho New York Times như một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết và hoài bão, thích đợt thực tập của cô. Quả thực, các đồng nghiệp của Candace ở Merrill Lynch rất quý cô đến mức đã đưa cô đi ăn tối vào ngày thực tập cuối cùng, đưa cô về nhà bằng xe limousine, và sau đó viết thư cho Northeastern để nói, “Hãy gửi cho chúng tôi 5 người nữa như Candace”. Vài tuần sau khi kết thúc kì kiểm tra giữa kì - cô đang ở kì học từ tháng 6 đến tháng 12 – Candace Lee Williams quyết định đến gặp người bạn cùng phòng của cô tại nhà cô bạn ở California. Candace đã vừa lọt vào danh sách sinh viên giỏi. Bà Sherri - mẹ của Candace đã nói với Times “Chúng đã thuê một chiếc ô tô bỏ mui chuẩn bị cho dịp đó và Candace muốn chụp ảnh với biển hiệu Hollywood đó”.
Không may, Candace đã đi Chuyến 11 của American Airlines xuất phát từ sân bay Logan ở Boston lúc 8:02 sáng 11 tháng Chín năm 2001. Máy bay bị năm người đàn ông, kể cả Mohammed Atta – ngồi ghế số 8D, cướp lúc 8:14 sáng. Với Atta ở bàn điều khiển, chiếc Boeing 767-223ER trệch hướng về Manhattan và lao cả Candace Lee Williams vào đúng Trung tâm Thương mại Thế giới - giữa tầng 94 và 98 – nơi cô đã từng làm việc như một thực tập sinh.
Hồ sơ của hãng hàng không cho biết cô đã ngồi sát một bà cụ 80 tuổi – hai con người ở hai đầu cuộc sống: một tràn đầy kí ức và một tràn đầy mơ ước.
Câu chuyện này nói với tôi điều gì? Nó nói thế này: Khi Candace Lee Williams bước lên Chuyến bay 11 cô ấy có thể đã không tưởng tượng ra nó sẽ kết thúc ra sao. Nhưng sau 11/9, bây giờ không ai trong chúng ta có thể lên máy bay mà không tưởng tượng nó có thể kết thúc ra sao - rằng cái đã xảy ra với Candace Lee Williams liệu cũng có thể xảy ra với chúng ta không. Bây giờ tất cả chúng ta đều biết rõ hơn rất nhiều rằng cuộc sống của một người có thể bị phá huỷ bởi ý muốn độc đoán của một kẻ điên ở trong một cái hang tại Afghanistan. Nhưng sự thực là, ngày nay khả năng các máy bay của chúng ta bị cướp vẫn là rất nhỏ. Chúng ta có khả năng bị thiệt mạng hơn khi xe của chúng ta va phải một con hươu hay bị sét đánh. Như thế cho dù bây giờ chúng ta có thể tưởng tượng cái có thể xảy ra khi chúng ta lên máy bay, chúng ta phải lên máy bay dù thế nào đi nữa. Bởi vì sự lựa chọn không lên máy bay đó đặt chúng ta vào chiếc hang của chính mình. Trí tưởng tượng không thể chỉ là về những điều lặp lại. Nó phải là về viết kịch bản mới của riêng chúng ta. Từ cái tôi đọc được về Candace Lee William tôi biết, cô là một người lạc quan. Tôi cược bất cứ gì là cô vẫn lên máy bay giả như nếu cô có cơ hội. Và tất cả chúng ta cũng phải như vậy.
Vai trò của Mĩ trên thế giới, từ khởi đầu, đã là một nước nhìn về phía trước, không về phía sau. Một trong các điều nguy hiểm nhất đã xảy ra với nước Mĩ từ 11/9, dưới chính quyền Bush, là chúng ta đã chuyển từ xuất khẩu hi vọng sang xuất khẩu sợ hãi. Chúng ta đã chuyển từ dỗ ngọt để được cái tốt nhất của thế giới sang hầm hè nó quá thường xuyên. Và khi bạn xuất khẩu sợ hãi, bạn kết thúc với nhập khẩu sợ hãi từ mọi người khác. Đúng, chúng ta cần những người có thể tưởng tượng điều tồi tệ nhất, vì điều tồi tệ nhất đã xảy ra ngày 11/9 và nó có thể sẽ lại xảy ra. Nhưng, như tôi đã nói, có một đường mảnh giữa phòng ngừa và bệnh hoang tưởng, và đôi khi chúng ta đã đi qua nó. Người Châu Âu và những người khác thường thích cười nhạo tính lạc quan và tính ngây thơ Mĩ – ý niệm điên rồ của chúng ta rằng mọi vấn đề đều có một lời giải, rằng ngày mai có thể tốt đẹp hơn ngày hôm qua, rằng tương lai sẽ chôn vùi quá khứ. Nhưng tôi luôn luôn tin rằng trong thâm tâm, phần còn lại của thế giới thèm muốn sự lạc quan và tính ngây thơ Mĩ đó, họ cần nó. Đó là một trong các thứ giúp giữ thế giới quay quanh trục của nó. Nếu chúng ta trở nên mù mịt với tư cách một xã hội, nếu chúng ta ngừng là “nhà máy mơ ước” của thế giới, chúng ta sẽ làm cho thế giới không chỉ mù mịt hơn mà còn nghèo nàn hơn.
Các nhà phân tích luôn có xu hướng đánh giá một xã hội bằng các số thống kê cổ điển về kinh tế và xã hội: tỉ lệ thâm hụt trên GDP, hay tỉ lệ thất nghiệp, hoặc tỉ lệ phụ nữ biết chữ. Các số thống kê như vậy là quan trọng và bộc lộ. Song có số thống kế khác, khó đo hơn nhiều, mà tôi nghĩ còn quan trọng và bộc lộ hơn: Xã hội bạn có nhiều kí ức hơn ước mơ hay có nhiều ước mơ hơn kí ức.
Ước mơ mà tôi nói đến là loại tích cực, khẳng định cuộc sống. Nhà tư vấn tổ chức kinh doanh Michael Hammer đã có lần nhận xét, “Một thứ cho tôi biết công ti đang gặp trục trặc là khi họ bảo tôi họ đã giỏi ra sao trong quá khứ. Với các nước cũng thế. Bạn không muốn quên đi bản sắc của mình. Tôi vui vì bạn đã vĩ đại ở thế kỉ XIV, song đó là thời ấy và bây giờ là đây. Khi kí ức vượt quá ước mơ, cái chết đến gần. Dấu hiệu của một tổ chức thành đạt thực sự là sự sẵn sàng bỏ cái đã làm nó thành công và bắt đầu mới.”
Trong các xã hội có nhiều kí ức hơn ước mơ, có quá nhiều người tốn quá nhiều ngày để nhìn về quá khứ. Họ nhìn chân giá trị, sự khẳng định và tự trọng không phải bằng khai thác hiện tại mà bằng gậm nhấm quá khứ. Và thậm chí thường không phải một quá khứ thật mà là một quá khứ được tưởng tượng và tô hồng. Quả thực, các xã hội như thế tập trung mọi trí tưởng tượng của họ vào làm cho quá khứ tưởng tượng đó đẹp hơn nó đã từng là, và rồi họ bám víu vào nó như một chuỗi tràng hạt hay một chuỗi buồn lo, hơn là tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn và hành động theo đó. Khá nguy hiểm khi các nước khác đi theo con đường đó; sẽ là thảm hoạ cho Mĩ nếu nó mất phương hướng và đi theo hướng đó. Tôi nghĩ bạn tôi David Rothkopf, cựu quan chức Bộ Thương mại và giờ là thành viên của Quỹ Hiến tặng vì Hoà bình Quốc tế Carnegie, đã nói chí lí: “Lời giải đáp cho chúng ta không nằm ở cái đã thay đổi, mà ở nhận ra cái đã không thay đổi. Bởi vì chỉ qua sự nhìn nhận này chúng ta mới bắt đầu chú trọng đến các vấn đề cơ bản thực sự: một sự đáp ứng đa phương và có hiệu quả đối với việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tạo ra những người đặt cược (trong cuộc) trong toàn cầu hoá giữa những người nghèo, nhu cầu cải cách trong thế giới Arab, và phong cách lãnh đạo của Hoa Kì tìm cách xây dựng cơ sở cho sự ủng hộ trên toàn thế giới bằng khiến thêm nhiều người tự nguyện chấp thuận các giá trị chúng ta. Chúng ta cần nhớ rằng các giá trị đó thực sự là nền tảng cho sự an ninh và là nguồn sức mạnh của chúng ta. Và chúng ta cần nhận ra là các kẻ thù của chúng ta không bao giờ có thể đánh bại chúng ta. Chỉ chúng ta mới có thể đánh bại chính mình, bằng cách vứt bỏ bộ luật đã hoạt động cho chúng ta trong một thời gian dài.”
Tôi tin rằng lịch sử sẽ làm rất rõ là Tổng thống Bush đã trơ tráo khai thác xúc cảm quanh 11/9 vì các mục đích chính trị. Ông ta sử dụng xúc cảm 9/11 đó để đưa ra chương trình nghị sự nội địa Cộng hoà cực hữu về thuế, môi trường, và các vấn đề xã hội từ 10/9 - một chương trình mà ông ta không được sự uỷ thác của nhân dân - và đưa nó vào một thế giới 12/9. Làm như vậy, ông Bush không chỉ đóng một cái nêm giữa người Mĩ với nhau và giữa người Mĩ với thế giới, mà còn đóng một cái nêm vào giữa nước Mĩ và lịch sử và bản sắc của riêng nó. Chính quyền của ông ta đã biến Hoa Kì thành một “Hoa Kì Đánh Chủ nghĩa Khủng bố.” Theo tôi đấy là nguyên nhân thực khiến nhiều người trên thế giới ghét Tổng thống Bush đến thế. Họ cảm thấy ông ta đã lấy mất của họ một cái gì đó rất đáng quý - một nước Mĩ xuất khẩu hi vọng, không phải sợ hãi.
Chúng ta đòi tổng thống của mình trả lại 11/9 vị trí đúng của nó trong lịch - như một ngày sau 10/9 và trước 12/9. Chúng ta không bao giờ để nó trở thành một ngày định nghĩa chúng ta. Bởi vì rốt cục ngày 11/9 là về bọn họ - các kẻ xấu- không phải về chúng ta.
Chúng ta là về ngày 4/7. Chúng ta là về ngày 9/11.
Ngoài cố gắng giữ lại cái tốt nhất của những tưởng tượng của chúng ta, chúng ta có thể làm gì khác nữa với tư cách người Mĩ và một xã hội toàn cầu để thử nuôi dưỡng cùng thứ ở những người khác? Cần tiếp cận câu hỏi này hết sức khiêm tốn. Cái gì dẫn một người thích huỷ hoại, và cái gì dẫn người khác đến thích sáng tạo, cái gì khiến một người tưởng tượng 9/11 và kẻ khác tưởng tượng 11/9, chắc chắn là một trong các bí ẩn lớn của cuộc sống đương đại. Hơn nữa, trong khi đa số chúng ta có thể có manh mối nào đó về việc nuôi dưỡng một trí tưởng tượng tích cực hơn cho con cái chúng ta, và có thể - có thể - cho cả đồng bào chúng ta nữa, là quá tự phụ để nghĩ rằng ta có thể làm điều đó cho những người khác, đặc biệt là những người có nền văn hoá khác, nói tiếng nói khác, và sống xa nửa vòng trái đất. Thế mà 11/9, sự làm phẳng thế giới, sự đe doạ tiếp tục của chủ nghĩa khung bố phá vỡ thế giới gợi ý rằng không nghĩ về điều này sẽ chính là nhẹ dạ nguy hiểm. Như thế tôi cứ nhất định thử làm vậy, nhưng tôi tiếp cận vấn đề này với một nhận thức sâu sắc về các giới hạn của cái mà bất cứ người ngoài nào có thể biết hay làm.
Nói chung, trí tưởng tượng là sản phẩm của hai lực tạo hình. Một là các chuyện kể mà người ta được nuôi dưỡng - các chuyện kể và thần thoại mà họ hay bản thân các lãnh tụ tôn giáo và dân tộc của họ kể - và các chuyện kể đó đã bồi đắp cho trí tưởng tượng của họ thế nào. Lực khác là hoàn cảnh trong đó người ta trưởng thành, nó tác động to lớn đến sự hình thành cách nhìn thế giới và người khác của họ ra sao. Những người ngoài không thể đi vào trong và điều chỉnh chuyện kể Trung Quốc, Arab hay Mêhicô nhiều hơn chuyện kể Mĩ. Chỉ họ mới có thể cắt nghĩa lại chuyện kể của họ, làm cho nó khoan dung hơn hoặc hướng về phía trước hơn, và làm cho nó thích ứng với hiện đại. Không ai có thể làm điều đó cho họ hoặc cùng với họ. Nhưng có thể nghĩ về cộng tác thế nào với những người khác để thay đổi hoàn cảnh của họ - hoàn cảnh trong đó người ta lớn lên và sống cuộc sống hàng ngày của họ - để giúp nuôi dưỡng thêm nhiều người với sức tưởng tượng 9/11 hơn là 11/9.
Hãy để tôi đưa ra vài thí dụ.

EBAY

M eg Whitman, CEO của eBay đã có lần kể cho tôi nghe một câu chuyện lí thú như sau: “Chúng tôi đưa eBay ra công chúng 9-1998, giữa cơn sốt dot-com. Trong tháng 9 và 10 cổ phần của chúng tôi tăng tám mươi điểm và giảm năm mươi chỉ trong một ngày. Tôi nghĩ, ‘thật điên’. Dẫu sao, một hôm ngồi ở ô của tôi, suy ngẫm về công việc kinh doanh của mình, thì thư kí của tôi chạy vào nói ‘Meg, Arthur Levitt, chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đang chờ điện thoại’.” Uỷ ban này giám sát thị trường chứng khoán và luôn lo lắng về các vấn đề tính dễ biến động trong một loại cổ phiếu và liệu có sự thao túng ở đằng sau hay không. Vào các ngày đó, đối với một CEO để nghe “Arthur Levitt đang chờ điện thoại” không phải là cách hay để bắt đầu ngày làm việc.
“Vì thế tôi gọi chánh luật sư của tôi đến, và mặt anh ta trắng bệch ra”, Whitman kể tiếp, “Chúng tôi cùng gọi lại cho Levitt, để điện thoại nói ra loa, tôi nói, ‘Chào ông, tôi là Whitman ở eBay.’ Và ông nói ‘Xin chào, tôi là Arthur Levitt ở SEC. Tôi chưa biết cô và chưa bao giờ gặp cô nhưng tôi biết cô vừa ra công chúng, và tôi muốn biết: Nó diễn ra thế nào? Chúng tôi [SEC] có thân thiện với khách hàng không?’ Thế là tôi thở phào nhẹ nhõm, và chúng tôi nói một chút về chủ đề đó. Rồi Levitt nói: ‘Này, thực ra lí do tôi gọi là tôi vừa nhận được thông tin phản hồi tốt thứ mười trên eBay và tôi được sao vàng. Tôi rất tự hào.’ Sau đó ông nói tiếp, ‘thực ra tôi là người sưu tập đồ thuỷ tinh thời kì suy thoái, sau 1929, và tôi đã mua và bán trên eBay và cô nhận được thông tin phản hồi với tư cách người mua và người bán. Và tôi nghĩ cô cũng muốn biết.”
Mỗi người dùng eBay đều có một hồ sơ phản hồi, gồm các nhận xét từ người sử dụng khác đã có giao dịch, liên quan đến hàng đã mua hay bán có như mong đợi và giao dịch có trôi chảy không. Điều này tạo nên “uy tín eBay” chính thức của bạn. Bạn được điểm +1 cho mỗi nhận xét tốt, 0 cho mỗi nhận xét trung lập, và -1 cho mỗi nhận xét xấu. Một biểu tượng ngôi sao được gắn với ID của bạn trên eBay cho 10 hoặc nhiều hơn điểm phản hồi. ID của tôi trên eBay có thể là TOMF (50) và một ngôi sao xanh, có nghĩa tôi đã nhận được phản hồi tốt từ năm mươi người dùng khác. Bên cạnh đó là một cái hộp, cho bạn biết người bán hàng đó được 100% thông tin phản hồi tốt hay ít hơn, bạn cũng có thể kích vào đấy để đọc tất cả các nhận xét của người mua về người bán đó.
Điểm chính, Whitman nói, là, “tôi nghĩ mỗi người, Arrhur Levitt hay người lao công, cô hầu bàn hay bác sĩ hoặc giáo sư đều cần và mong được công nhận và phản hồi tốt.” Và thật là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng đó phải là tiền. “Có thể là việc thật nhỏ, khi nói với ai đó, ‘Bạn đã làm một công việc tuyệt vời, bạn được công nhận đã làm một bài khoá luận tuyệt vời’. Người dùng nói với chúng tôi [về hệ thống sao của eBay], ‘Có ở nơi nào khác mà khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn có thể biết có bao nhiêu người thích mình?’”
Nhưng cái rất đáng chú ý là, Whitman nói, tuyệt đại đa số phản hồi trên eBay là tốt. Thật thú vị. Người ta thường không viết cho các nhà quản trị Wal-Mart để tán dương họ về một món mua tuyệt vời. Nhưng khi bạn là một phần của cộng đồng mà bạn cảm thấy mình có quyền làm chủ thì tình hình sẽ khác. Bạn có một lợi ích. “Số phản hồi tốt cao nhất mà chúng tôi có là trên 250.000, và bạn có thể xem từng phản hồi,” Whitman nói. “Bạn có thể xem toàn bộ lịch sử của mỗi người mua, người bán, và chúng tôi đã đưa vào khả năng để từ chối... Bạn không thể nặc danh trên eBay. Nếu bạn từ 190 nước, mua bán trên 35 tỉ $ sản phẩm một năm, eBay thực sự là một quốc gia tự quản – V.R.e, Cộng hoà Ảo eBay.
Và nó được cai quản ra sao? Triết lí của eBay là, Whitman nói, “Hãy đặt ra một số ít quy tắc, thực sự thực thi chúng, và rồi tạo ra một môi trường trong đó người ta có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Có cái gì đó diễn ra ở đây ngoài việc mua và bán hàng.” Thông điệp cốt yếu của Whitman thực sự đáng suy ngẫm: “Người ta sẽ nói rằng ‘eBay khôi phục niềm tin của tôi vào nhân loại’ - trái với một thế giới nơi người ta lừa bịp và không cho người ta lợi thế tồn nghi [chưa bị kết tội khi chưa có bằng chứng]. Tôi nghe điều đó hai lần một tuần... EBay mang lại cho gã bé nhỏ, bị tước quyền, một cơ hội cạnh tranh trên một sân chơi hoàn toàn phẳng. Chúng tôi có phần không cân xứng của [những người] xe lăn, khuyết tật và thiểu số, [bởi vì] trên eBay người ta không biết bạn là ai. Bạn chỉ là người tốt như sản phẩm và phản hồi của bạn.”
Whitman kể là một hôm bà nhận e-mail từ một cặp vợ chồng ở Orlando, họ sắp đi dự sự kiện “eBay trực tiếp” nơi bà sẽ phát biểu. Đây là các cuộc họp mặt-hội nghị lớn thức tỉnh niềm tin của những người bán hàng trên eBay. Họ hỏi xem có thể gặp Whitman ở hậu trường sau khi bà phát biểu. “Thế là sau bài phát biểu chính”, bà nhớ lại, “họ đến phòng giải lao của tôi, Cùng đi có mẹ, bố và cậu con trai 17 tuổi ngồi xe lăn - bị liệt não. Họ bảo tôi ‘Kyle tàn tật rất nặng và không thể đi học, [nhưng] nó xây dựng một doanh nghiệp trên eBay, và năm ngoái tôi cùng chồng tôi đã bỏ việc để giúp cháu - chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền trên eBay hơn đã từng kiếm được bằng công việc trước đây.’ Và họ nói thêm điều lạ thường nhất. Họ nói, ‘Trên eBay Kyle không là người khuyết tật’.”
Whitman bảo tôi rằng tại một sự kiện eBay Trực tiếp khác, một chàng trai trẻ, một người bán hàng mạnh trên eBay, tiến lại gần tôi và nói rằng nhờ có kinh doanh trên eBay mà anh ta đã tậu được nhà và ôtô, thuê mướn người, và trở thành ông chủ của chính mình. Nhưng phần hay nhất là anh ta nói thêm, “Tôi đầy hứng khởi về eBay, vì tôi không tốt nghiệp đại học và thuộc loại bị gia đình tôi từ bỏ, và bây giờ tôi là người nổi tiếng của gia đình. Tôi là doanh nhân thành đạt.”
“Hỗn hợp này của cơ hội kinh tế và sự công nhận” đã khiến eBay như vậy, Whitman kết luận. Những người được công nhận trở nên minh bạch như các đối tác tốt, bởi vì đánh giá xấu cũng là một quyền lựa chọn cho cả cộng đồng.
Dòng cuối: eBay không chỉ đơn thuần tạo ra một thị trường trực tuyến. Nó đã tạo ra một cộng đồng tự quản - một bối cảnh – nơi bất cứ ai, từ người bị tật nguyền nặng đến lãnh đạo của SEC, đều có thể tham gia và phát huy tiềm năng của mình và được toàn thể cộng đồng công nhận là một người tốt, đáng tin cậy. Loại lòng tự trọng và được công nhận đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để xoá bỏ tủi nhục và đem lại phẩm giá. Chừng nào mà Hoa Kì có thể cộng tác với các khu vực như thế giới Ả-rập Hồi giáo để tạo ra bối cảnh trong đó những người trẻ có thể thành đạt, có thể phát huy hết tiềm năng của mình trên một sân chơi phẳng, có thể được công nhận và kính trọng từ các thành tựu trên thế giới này - chứ không từ sự tử vì đạo để sang thế giới bên kia - thì chúng ta có thể giúp nuôi dưỡng nhiều người trẻ hơn với nhiều ước mơ hơn kí ức.

ẤN ĐỘ

Nếu bạn muốn xem cùng quá trình này hoạt động ra sao trong một cộng đồng ít ảo hơn, hãy nghiên cứu nước Hồi giáo lớn thứ hai thế giới. Nước Hồi giáo lớn nhất thế giới là Indonesia, và nước lớn thứ hai không phải là Ả-rập Saudi, Iran, Ai Cập hay Pakistan. Nó là Ấn Độ. Với khoảng 150 triệu người Hồi giáo, Ấn Độ có nhiều người Hồi giáo hơn Pakistan. Và đây là một con số thống kê thú vị từ 11/9: Không có người Hồi giáo Ấn Độ nào trong al-Qaeda, và không có người Hồi giáo Ấn Độ nào trong trại giam của Mĩ sau 11/9 ở vịnh Guantánamo. Và không có người Hồi giáo Ấn Độ nào chiến đấu cùng jihad ở Iraq. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta không đọc về những người Hồi giáo Ấn Độ, thiểu số trong một đất nước rộng lớn do đạo Hindu chi phối, đổ lỗi cho Mĩ về tất cả các vấn đề của họ và muốn lao máy bay vào Taj Mahal hoặc sứ quán Anh? Có trời mà biết được, người Hồi giáo Ấn Độ có những lời phàn nàn của họ về tiếp cận đến vốn và và đại diện chính trị. Và bạo lực giữa các tôn giáo thỉnh thoảng vẫn bùng lên ở Ấn Độ với những hậu quả thảm khốc. Tôi tin chắc rằng, trong số 150 triệu người Hồi giáo Ấn Độ, một ngày nào đó sẽ có một vài người tìm đường đến với al-Qaeda - nếu điều đó có thể xảy ra đối với một số người Hồi giáo Mĩ thì cũng có thể xảy ra đối với người Hồi giáo Ấn Độ. Nhưng điều đó không phải là tiêu chuẩn. Tại sao?
Câu trả lời là bối cảnh - và đặc biệt là bối cảnh thế tục, thị trường tự do, dân chủ của Ấn Độ, chịu ảnh hưởng mạnh bởi truyền thống phi bạo lực và sự khoan dung Hindu. M.J.Akbar, biên tập viên Hồi giáo của tờ Asian Age, một nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ chủ yếu do những người Ấn Độ không Hồi giáo tài trợ, diễn đạt cho tôi theo cách này: “Tôi sẽ đưa cho ông một câu đố: Có cộng đồng Hồi giáo lớn nào được hưởng nền dân chủ trong suốt 50 năm qua? Những người Hồi giáo Ấn Độ. Tôi không định cường điệu cơ hội tốt cho người Hồi giáo ở Ấn Độ. Có những căng thẳng, phân biệt đối xử về kinh tế, và khiêu khích, như việc phá huỷ thánh đường ở Ayodhia [bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu năm 1992]. Nhưng sự thực là, Hiến pháp Ấn Độ là thế tục và tạo một cơ hội thực sự cho tiến bộ kinh tế của bất cứ cộng đồng nào có tài năng. Vì thế, tầng lớp trung lưu Hồi giáo ở đây đang lên và không biểu hiện hận thù sâu sắc như ở nhiều nước Hồi giáo không dân chủ khác.”
Ở nơi nào mà Hồi giáo bị gắn vào các xã hội độc đoán, nó có xu hướng trở thành phương tiện phản kháng hung dữ - Ai Cập, Siri, Arab Saudi, Pakistan. Nhưng ở đâu Hồi giáo được gắn vào một xã hội dân chủ đa nguyên- thí dụ, Thổ Nhĩ Kì hay Ấn Độ - các xã hội với một viễn cảnh tiến bộ hơn có cơ hội để được lắng nghe tốt hơn cho lí giải của họ và một diễn đàn dân chủ nơi họ có thể đấu tranh cho các ý tưởng của mình một cách công bằng hơn. Ngày 15 tháng 11 năm 2003, hai giáo đường Do Thái lớn ở Istanbul đã bị tấn công bởi những kẻ đánh bom liều chết. Tôi tình cờ đến Istanbul một vài tháng sau đó, khi chúng mở cửa trở lại. Nhiều thứ đã gây ấn tượng cho tôi. Để bắt đầu, giáo sĩ Do Thái chính xuất hiện ở buổi lễ tay nắm tay với một giáo sĩ Hồi giáo đứng đầu của Istanbul và ông thị trưởng, trong khi đó, các đám đông trên đường phố đã tung hoa cẩm trướng đỏ lên cả hai người. Điều thứ hai, thủ tướng Thổ Nhĩ Kì, Recep Tayyip Erdogan, một người thuộc đảng Hồi giáo đã đến thăm chánh giáo sĩ Do Thái tại phòng của ông - đó là lần đầu tiên một thủ tướng Thổ Nhĩ Kì đến thăm chánh giáo sĩ Do Thái. Cuối cùng, người cha của một trong những kẻ đánh bom liều chết đã nói với báo Zaman của Thổ Nhĩ Kì, “Chúng tôi không thể hiểu được tại sao đứa trẻ này lại đã làm một việc như thế... Trước hết hãy để cho tôi đến gặp chánh giáo sĩ của những người anh em Do Thái của chúng tôi. Hãy để tôi ôm ông ấy. Hãy để tôi hôn tay ông ấy và áo choàng của ông. Để cho tôi nhân danh con trai tôi xin lỗi và cho phép tôi chia buồn cho những người chết... Chúng tôi sẽ bị nguyền rủa nếu chúng tôi không hoà giải với họ.”
Bối cảnh khác, chuyện kể khác, trí tưởng tượng khác.
Tôi nhận thức sâu sắc về các thiếu sót của nền dân chủ Ấn Độ, nó xuất phát từ một hệ thống đẳng cấp áp bức. Tuy nhiên, việc duy trì một nền dân chủ hoạt động với tất cả các khiếm khuyết của nó suốt hơn 50 năm ở một đất nước hơn 1 tỉ dân, nói hàng chục thứ tiếng khác nhau, là cái gì đó kì diệu và là một nguồn ổn định lớn cho thế giới. Hai trong các tổng thống Ấn Độ là người Hồi giáo, và tổng thống đương nhiệm, A.P.J. Abdul Kalam, vừa là người Hồi giáo vừa là cha đẻ của chương trình tên lửa hạt nhân Ấn Độ. Trong khi một người phụ nữ Hồi giáo ngồi trên toà án tối cao Ấn Độ thì ở Arab Saudi, không phụ nữ Hồi giáo nào thậm chí được phép lái xe. Người Hồi giáo Ấn Độ, kể cả phụ nữ, đã là thống đốc nhiều bang Ấn Độ, và người giàu nhất Ấn Độ ngày nay, ở vị trí cao trong danh sách Forbes về tỉ phú toàn cầu, là một người Hồi giáo Ấn Độ: Azim Premji, chủ tịch Wipro, một trong những công ti công nghệ quan trọng nhất của Ấn Độ. Tôi đã ở Ấn Độ ngay sau ngày Mĩ can thiệp vào Afghanistan cuối năm 2001, khi TV Ấn Độ truyền cuộc tranh luận gay gắt giữa một ngôi sao điện ảnh hàng đầu và nghị sĩ - Shabana Azmi, một phụ nữ Hồi giáo - với thầy tế (imam) của giáo đường Hồi giáo lớn nhất New Deli. Vị imam này đã kêu gọi người Hồi giáo Ấn Độ đi Afghanistan gia nhập jihad chống Mĩ, và Azmi phản bác ông ta, trực tiếp trên truyền hình Ấn Độ, bảo vị giáo sĩ hãy đi bộ. Bà bảo ông ta hãy đi sang Kandahar và gia nhập Taliban và hãy để yên những người Hồi giáo Ấn Độ khác. Làm sao bà ta lại không bị trừng phạt? Rất dễ hiểu. Là một phụ nữ Hồi giáo, bà sống trong một hoàn cảnh trao quyền cho bà và bảo vệ bà để nói lên tiếng nói trí tuệ của mình – ngay cả cho một vị giáo sĩ hàng đầu.
Bối cảnh khác, chuyện kể khác, trí tưởng tượng khác.
Điều này cũng không có gì phức tạp: Hãy cho các bạn trẻ một bối cảnh nơi họ có thể biến sức tưởng tượng tích cực thành hiện thực, cho họ một bối cảnh trong đó nếu ai có một mối bất bình thì có thể đưa ra xét xử ở một toà án mà không phải đút lót cho quan toà một con dê, cho họ bối cảnh trong đó họ có thể theo đuổi một ý tưởng kinh doanh và trở thành người giàu nhất hay người sáng tạo nhất hay người khả kính nhất trong đất nước của mình, cho dù họ xuất thân như thế nào, cho họ một bối cảnh trong đó mọi lời than phiền hay ý tưởng đều có thể được đăng lên báo, cho họ một bối cảnh trong đó bất cứ ai có thể ứng cử vào chức vụ - và thử đoán xem? Họ thường không muốn làm nổ tung thế giới. Họ thường muốn là một phần của nó.
Một người bạn Hồi giáo Nam Á của tôi có lần đã kể cho tôi nghe câu chuyện này: Gia đình Hồi giáo Ấn Độ của anh ta đã tách ra năm 1948, một nửa sang Pakistan và một nửa ở lại Mumbai. Khi lớn lên, anh hỏi cha mình tại sao nửa gia đình ở Ấn Độ lại có vẻ làm ăn tốt hơn nửa ở Pakistan. Cha anh bảo anh, “Con ơi, khi một người Hồi giáo lớn lên ở Ấn Độ và thấy một người sống trong một biệt thự lớn trên một quả đồi, anh ta sẽ nói ‘bố ơi, rồi có ngày con sẽ như ông ta’. Còn khi một người Hồi giáo lớn lên ở Pakistan và thấy một người sống ở một biệt thự lớn trên quả đồi, anh ta sẽ nói ‘bố ơi, rồi có ngày con sẽ giết ông ta’.” Khi bạn đã có một lối đi để trở thành Đàn ông hay Đàn bà, bạn thường tập trung vào con đường và vào đạt được ước mơ của mình. Khi bạn không có con đường nào, bạn thường tập trung vào sự phẫn nộ và nuôi dưỡng kí ức.
Chỉ cách đây 20 năm, trước ba sự hội tụ Ấn Độ được biết đến như một đất nước của những người dụ rắn, người nghèo và Mẹ Teresa. Hiện nay hình ảnh của nó đã thay đổi. Bây giờ nó còn được xem như đất nước của những người trí tuệ và các thiên tài máy tính. Atul Vashistha, CEO của hãng tư vấn outsourcing NeoIT, thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Mĩ để bảo vệ outsourcing. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện này: “Một hôm, máy in HP của tôi trục trặc - in rất chậm. Tôi cố tìm hiểu vấn đề. Nên tôi gọi hỗ trợ kĩ thuật của HP. Gã này trả lời và ghi mọi thông tin cá nhân của tôi. Từ giọng nói của anh ta tôi biết anh ta ở đâu đó tại Ấn Độ. Vì thế, tôi bắt đầu hỏi xem anh ta đang ở đâu và thời tiết thế nào. Chúng tôi có một cuộc trò chuyện thú vị. Và sau khi giúp tôi khoảng 10-15 phút, anh ta nói, ‘Thưa ông, tôi muốn nói với ông đôi điều có được không’.Tôi đáp, ‘Được chứ’. Tôi cứ tưởng anh ta sẽ nói với tôi một sai lầm nào đó mà tôi đã làm với máy tính của tôi và cố lịch sự về việc đó. Nhưng thay vì như thế, anh nói, ‘Thưa ông, tôi rất tự hào khi nghe ông nói trên Đài tiếng nói Hoa Kì. Ông đã làm một việc tốt...’ Tôi vừa phát biểu trên Đài tiếng nói Hoa Kì về phản ứng chống lại outsourcing và toàn cầu hoá. Tôi là một trong 3 khách mời. Có một quan chức công đoàn, một nhà kinh tế và tôi. Tôi bảo vệ outsourcing và gã này đã nghe.”
Hãy nhớ: Trong thế giới phẳng bạn không chỉ nhận được điều nhục nhã đưa đến cho bạn qua cáp quang. Bạn còn nhận được niềm tự hào đưa đến qua cáp quang. Một người vận hành đường dây hỗ trợ Ấn Độ đột ngột biết ngay tất cả về một đồng bào của anh đang đại diện cho Ấn Độ ở cách xa nửa vòng trái đất, và điều đó làm cho anh ta cảm thấy tốt đẹp hơn về chính mình.
Cách mạng Pháp, cách mạng Mĩ, và nền dân chủ Ấn Độ, và thậm chí cả eBay tất cả đều dựa trên các khế ước xã hội mà nét chi phối là uy quyền đi từ dưới lên, và người dân thực sự cảm thấy tự được trao quyền để cải thiện số phận mình. Con người sống trong các bối cảnh như vậy có xu hướng dành thời gian để tập trung vào làm gì tiếp theo, chứ không phải đổ lỗi cho ai tiếp sau.

TAI HOẠ TỪ DẦU MỎ

C hẳng có gì gây trì trệ hơn cho sự xuất hiện một bối cảnh dân chủ ở các nơi như Venezulea, Nigeria, Arab Saudi và Iran hơn là tai họa từ dầu mỏ. Chừng nào các vua và các nhà độc tài điều hành các quốc gia dầu mỏ này còn có thể làm giàu bằng khoan tài nguyên thiên nhiên của họ - ngược với khai thác tài năng tự nhiên và năng lực của nhân dân họ - thì họ có thể cố vị trên ngai của họ mãi. Họ có thể sử dụng tiền dầu mỏ để độc chiếm tất cả các công cụ quyền lực - quân đôi, cảnh sát, trí thức - và không bao giờ phải công khai thực sự và chia sẻ quyền lực. Tất cả cái họ cần làm là chiếm và giữ vòi dầu. Họ không bao giờ phải đánh thuế nhân dân họ, vì thế mối quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị trị rất bị méo mó. Không có đánh thuế thì không có sự đại diện. Các kẻ cai trị thực sự không cần phải chú ý đến nhân dân hay giải thích chúng tiêu tiền của họ thế nào - bởi vì chúng không thu tiền đó qua đánh thuế. Đó là vì sao các nước chỉ tập trung vào khai thác các giếng dầu luôn luôn có các thể chế yếu hay không có. Các nước tập trung vào khai thác nhân dân mình phải tập trung vào phát triển các thể chế thực sự, các quyền tài sản, pháp trị, các toà án độc lập, giáo dục hiện đại, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, tự do tư tưởng và thẩm vấn khoa học để nhận được nhiều nhất từ người dân của họ. Trong một tiểu luận trên tờ Foreign Affair kêu gọi “Hãy cứu Iraq khỏi dầu của họ” (tháng 7-8/2004), các nhà kinh tế học phát triển Nancy Birdsall và Arvind Subramanian đã chỉ ra rằng “34 nước kém phát triển hãnh diện về các nguồn dầu và khí tự nhiên lớn đóng góp ít nhất 30% tổng doanh thu xuất khẩu của họ. Bất chấp sự giàu có của họ, thu nhập tính theo đầu người hàng năm của 12 nước trong số các nước này vẫn dưới 1.500$... Hơn nữa, hai phần ba 34 nước này là không dân chủ, và trong các nước dân chủ chỉ có 3 nước nằm trong nửa trên của danh sách xếp hạng tự do chính trị của Freedom House.”
Nói cách khác, trí tưởng tượng cũng là một sản phẩm của tất yếu - khi bối cảnh mà bạn sống đơn giản không cho phép bạn say mê các mộng tưởng thoát li hay cực đoan, bạn không. Hãy để ý ở đâu diễn ra đổi mới sáng tạo nhất trong thế giới Arab ngày nay. Đó là ở các nơi có ít hoặc không có dầu. Như tôi đã nhận xét ở trước, Bahrain là một trong các nước vùng Vịnh Arab đầu tiên phát hiện ra dầu và là nước vùng Vịnh đầu tiên cạn kiệt dầu. Và ngày nay đó là nước vùng Vịnh đầu tiên phát triển cải cách lao động toàn diện để phát triển kĩ năng của công nhân nước mình, nước đầu tiên kí hiệp định thương mại tự do với Hoa Kì, và là nước đầu tiên tổ chức tuyển cử công bằng và tự do, trong đó phụ nữ có thể ứng cử và bầu cử. Và các nước nào trong cùng khu vực bị tê liệt hay thực sự đẩy lùi các cải cách? Arab Saudi và Iran, các nước ngập trong tiền dầu. Ngày 9-12-2004, vào thời kì khi giá dầu thô tăng vọt lên gần 50$ một thùng, tờ The Economist đã làm một báo cáo đặc biệt từ Iran, trong đó nhận xét, “Không có dầu với giá cao vọt hiện nay, nền kinh tế Iran sẽ rơi vào tình trạng thảm hại. Dầu cung cấp khoảng một nửa thu nhập của chính phủ và ít nhất 80% thu nhập xuất khẩu. Nhưng, một lần nữa dưới ảnh hưởng của những kẻ cuồng tín ở nghị viện, tiền dầu được tiêu để tăng các khoản trợ cấp lãng phí hơn là cho sự phát triển rất cần thiết và công nghệ mới.”
Đáng lưu ý rằng Jordan bắt đầu nâng cấp hệ thống giáo dục của mình và tư nhân hoá, hiện đại hoá, và phi điều tiết hoá nền kinh tế từ năm 1989 - đúng khi giá dầu sụt giảm và không còn có thể dựa vào sự bố thí từ các nước Vùng vịnh có dầu. Năm 1999, khi Jordan kí Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kì, xuất khẩu của nước này sang Mĩ tổng cộng có 13 triệu $. Năm 2004, Jordan xuất khẩu trên 1 tỉ $ hàng hoá sang Mĩ - các thứ người Jordan làm bằng bàn tay mình. Chính phủ Jordan cũng đã lặp đặt máy tính và Internet tốc độ cao trong mọi trường học. Quan trọng nhất, năm 2004, Jordan đã công bố cải cách về các yêu cầu giáo dục cho các thủ lĩnh của giáo đường Hồi giáo. Theo truyền thống, học sinh trung học ở Jordan phải thi tuyển vào đại học, và những ai giỏi nhất sẽ trở thành bác sĩ, kĩ sư. Những người làm bài kém nhất trở thành các nhà thuyết giáo ở nhà thờ Hồi giáo. Năm 2004, Jordan quyết định chuyển dần sang một hệ thống mới. Từ nay trở đi, để trở thành một lãnh đạo thánh đường một thanh niên trước hết phải có bằng cử nhân về môn khác nào đó, và có thể nghiên cứu luật Hồi giáo chỉ như một bằng cao học - để khuyến khích nhiều thanh niên hơn có tài năng trở thành giáo sĩ và gạt bỏ những người chỉ “thi trượt” vào đó. Đó là một thay đổi quan trọng về bối cảnh sẽ trả lãi theo thời gian bằng các chuyện kể mà thanh niên Jordan được bồi dưỡng trong giáo đường của họ. “Chúng tôi phải trải qua khủng hoảng để chấp nhận nhu cầu cải cách,” bộ trưởng kế hoạch của Jordan, Bassem Awadallah, nói.
Không có bà mẹ sáng chế nào như sự tất yếu, và chỉ khi giá dầu tụt xuống buộc các thủ lĩnh ở Trung Đông thay đổi bối cảnh của họ thì họ sẽ cải cách. Người ta không thay đổi khi bạn bảo họ phải. Họ thay đổi khi họ bảo chính mình họ phải. Hoặc như giáo sư Johns Hopkins về đối ngoại, Michael Mandelbaum, diễn đạt, “Người ta không thay đổi khi bạn bảo họ là có một lựa chọn tốt hơn. Họ thay đổi khi họ kết luận rằng họ không có lựa chọn nào khác.” Bán cho tôi 10$ một thùng dầu, và tôi sẽ cho bạn cải cách chính trị và kinh tế từ Moscow đến Riyadh đến Iran. Nếu Mĩ và các đồng minh của mình không cộng tác để kéo giá dầu thô xuống, thì các khát vọng của họ cho cải cách ở tất cả các vùng này sẽ chết yểu.
Có một nhân tố khác để cân nhắc ở đây. Khi bạn phải làm ra mọi thứ bằng bàn tay của mình và rồi trao đổi với những người khác để phát đạt, chứ không phải chỉ khoan một giếng dầu ở sân sau của bạn, nó chắc hẳn mở rộng trí tưởng tượng và làm tăng sự khoan dung và sự tin cậy. Không phải ngẫu nhiên mà các nước Hồi giáo chiếm 20% dân số thế giới nhưng chỉ có được 4% thương mại thế giới. Khi các nước không làm ra các thứ mà bất cứ ai khác cần, thì họ buôn bán ít đi, và thương mại ít nghĩa là ít trao đổi ý tưởng và ít cởi mở ra thế giới. Các thành phố mở, khoan dung nhất trong thế giới Hồi giáo ngày nay là các trung tâm buôn bán của nó - Beirut, Istanbul, Jakarta, Dubai, Bahrain. Các thành phố mở nhất ở Trung Quốc là Hồng Kông và Thượng Hải. Các thành phố đóng nhất trên thế giới là ở Arab Saudi, nơi đấy không có người Gia tô giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái hoặc người không theo Hồi giáo nào khác được phép thể hiện tôn giáo của mình nơi công cộng hoặc xây một ngôi nhà để thờ cúng, và thậm chí không được vào như trường hợp của Mecca. Tôn giáo là thợ luyện và thợ đúc trí tưởng tượng. Bất cứ trí tưởng tượng tôn giáo nào - Hindu, Thiên cúa giáo, Do Thái, Hồi giáo, Phật giáo – càng được thành hình ở một nơi cách biệt hay trong một hang động tối tăm, thì trí tưởng tượng của nó càng có khả năng đi về các hướng nguy hiểm. Những người được kết nối với thế giới và tiếp xúc với các nền văn hoá và viễn cảnh khác nhau, thì có khả năng hơn nhiều để phát triển trí tưởng tượng 9/11. Những người cảm thấy mình bị tách rời, mà đối với họ tự do và sự thoả mãn cá nhân là mơ tưởng không tưởng, thì có khả năng hơn nhiều để phát triển trí tưởng tượng 11/9.

CHỈ MỘT TẤM GƯƠNG TỐT

S tanley Fischer, cựu phó giám đốc điều hành IMF, một lần đã lưu ý tôi, “Một tấm gương tốt đáng giá ngàn lí thuyết.” Tôi tin điều đó là đúng. Thực sự, người ta không thay đổi chỉ khi họ phải. Họ cũng thay đổi khi họ thấy người khác - giống họ - đã thay đổi và thành đạt. Hoặc như Michael Mandelbaum đã chỉ ra, “Người ta thay đổi như kết quả của cái họ nhận thấy, không chỉ cái họ được bảo” - đặc biệt khi họ nhận thấy ai đó như họ làm ăn khấm khá. Như tôi đã chỉ ra ở Chương 10, chỉ có một công ti Arab phát triển được một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, đủ mạnh để được niêm yết trên Nasdaq và đó là Aramex. Mọi người Jordan, người Arab cần biết và tự hào về câu chuyện Aramex, theo cách người Mĩ tự hào về Apple, Microsoft và Dell. Đó là tấm gương đáng giá ngàn lí thuyết. Nó phải là hình mẫu cho một công ti Arab tự trao quyền, vận hành bởi trí tuệ và tài năng kinh doanh Arab, thành công trên trường quốc tế và đồng thời làm giàu cho công nhân của mình.
Khi Fadi Ghandour đưa Aramex ra công chúng một lần nữa vào năm 2005, lần này ở Dubai, khoảng 400 nhân viên của Aramex từ khắp nơi trên thế giới Arab, những người có quyền chọn cổ phiếu đã chia nhau 14 triệu $. Tôi sẽ không bao giờ quên Fadi kể với tôi
các nhân viên này tự hào đến thế nào - một số trong bọn họ là giám đốc, một số chỉ là lái xe giao hàng. Vận may bất ngờ này đã cho phép họ tậu nhà hay gửi con vào các trường tốt hơn. Hãy tưởng tượng xem những người này cảm thấy chững chạc ra sao khi họ trở về với gia đình và hàng xóm, và kể cho mọi người rằng họ sắp xây nhà mới vì một công ti Arab tầm cỡ thế giới mà họ làm việc cho đã ra công chúng. Hãy tưởng tượng xem họ cảm thấy tự trọng bao nhiêu khi họ thấy mình vượt lên trước bằng thành công trong thế giới phẳng - không phải bằng cách truyền thống Trung Đông là thừa kế, bán đất, hay kiếm hợp đồng chính phủ - mà bằng làm việc cho một công ti thực sự, một công ti Arab. Hệt như không ngẫu nhiên là không có người Hồi giáo Ấn Độ nào trong al-Qaeda, không phải ngẫu nhiên là 3.000 nhân viên Arab của Aramex muốn chỉ giao nhận bưu kiện để giúp tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho nhân dân Arab - chứ không là những quả bom liều chết.
Nói về các nhân viên Aramex có quyền chọn cổ phiếu, Ghandour nói, “Tất cả họ đều cảm thấy như người chủ. Nhiều người trong bọn họ đến với tôi và nói 'Cảm ơn, nhưng tôi muốn đầu tư quyền chọn của tôi trở lại vào công ti và trở thành một nhà đầu tư trong lần chào đầu tiên ra công chúng, IPO, mới’.”
Hãy cho tôi chỉ một trăm tấm gương nữa như Aramex, tôi sẽ bắt đầu cho bạn một bối cảnh khác - một chuyện kể khác.

TỪ CÁC TIỆN DÂN ĐẾN NHỮNG NGƯỜI

KHÔNG THỂ ĐỤNG ĐẾN
Và khi bạn đã ở đấy, hãy cho tôi một trăm Abraham Georges nữa - các cá nhân đã thoát khỏi bối cảnh của mình và nêu một tấm gương khác, có thể có tác động to lớn lên trí tưởng tượng của nhiều người khác. Một hôm, vào tháng 2-2004, khi tôi đang nghỉ ở khách sạn tại Bangalore thì chuông điện thoại reo. Đó là một phụ nữ trẻ Ấn Độ nói rằng cô đang theo học một trường báo chí tư nhân ở ngoại ô thành phố và muốn biết nếu tôi có thể đến và gặp gỡ lớp cô. Qua nhiều năm, tôi biết rằng những lời mời bất ngờ loại này thường dẫn đến những cuộc gặp gỡ thú vị, và thế là tôi nói: “Được chứ. Tôi sẽ đến.” Hai ngày sau, tôi lái xe chín mươi phút từ trung tâm Bangalore ra một cánh đồng rộng, trên đó ngôi trường báo chí và kí túc xá đứng chơ vơ. Tôi được một đàn ông Ấn Độ trung niên đẹp trai tên là Abraham George đón ở cửa. Sinh ở Kerala, George phục vụ trong quân đội Ấn Độ, khi mẹ anh di cư sang Hoa Kì và làm việc cho NASA. George theo bà, vào học Đại học New York, khởi động một hãng phần mềm chuyên về tài chính quốc tế, đã bán nó năm 1998 và quyết định trở lại Ấn Độ, sử dụng vận may ở Mĩ của mình để thử thay đổi Ấn Độ từ dưới - thực sự từ dưới - lên.
Một điều George học được từ thời gian ở Hoa Kì là nếu không có thêm nhiều báo và nhà báo Ấn Độ có trách nhiệm, thì đất nước không bao giờ cải thiện được việc quản trị. Vì thế ông mở một trường báo chí. Khi chúng tôi ngồi trong văn phòng của anh, nhấm nháp nước quả, mau chóng tôi nhận thấy rằng dẫu ông rất tự hào về ngôi trường báo chí nhỏ bé của mình, ông còn tự hào hơn về ngôi trường tiểu học mà ông đã mở ra ở một làng ngoại ô Bangalore, nơi tập trung những người thuộc đẳng cấp thấp nhất Ấn Độ, các tiện dân, những người được cho rằng không được đến gần những người Ấn Độ đẳng cấp cao hơn bởi e rằng họ sẽ làm nhiễm bẩn không khí mà họ thở. George muốn chứng minh rằng nếu bạn để cho những đứa trẻ tiện dân này tiếp cận tới cùng công nghệ và giáo dục tốt mà đã giúp các nhóm nhỏ người Ấn Độ khác có thể cắm và chơi [plug and play] với thế giới phẳng, thì chúng cũng có thể làm như vậy. Ông càng nói về ngôi trường thì tôi càng muốn thăm ngôi trường chứ không muốn nói về báo chí nữa. Ngay sau khi kết thúc nói chuyện với sinh viên báo chí, chúng tôi nhảy lên xe jeep cùng với hiệu trưởng, Lalita Law, và bắt đầu lên đường đi hai giờ đến trường Shanti Bhavan, mà, như tôi đã giải thích ở Chương 11, nó cách ngoại ô Bangalore khoảng mười dặm và mười thế kỉ. Từ “khốn khổ” thậm chí chưa bắt đầu mô tả điều kiện sống ở các làng xung quanh ngôi trường này.
Khi cuối cùng chúng tôi đến khu trường, tuy vậy, chúng tôi thấy các toà nhà được sơn ngăn nắp, cỏ hoa bao quanh, hoàn toàn trái ngược với các xóm nhỏ gần đấy. Lớp đầu tiên chúng tôi vào có 20 đứa trẻ tiện dân đang sử dụng Excel và Microsoft Word trên máy tính. Bên cạnh, một lớp khác đang tập gõ theo chương trình tập gõ máy tính. Tôi hỏi cô giáo em nào là người gõ nhanh nhất lớp. Cô chỉ một cô bé tám tuổi với nụ cười có thể làm tan chảy cả băng hà.
“Bác muốn thi với cháu” tôi bảo nó. Tất cả các bạn học của nó xúm quanh. Tôi nhồi mình vào chiếc ghế nhỏ xíu trong quầy máy tính cạnh nó và chúng tôi bắt đầu cùng gõ đi gõ lại một câu, xem ai có thể gõ được nhiều hơn trong một phút. “Ai thắng?”. Tôi hỏi to. Các bạn cùng lớp hét to tên cô bé và hoan hô nó. Tôi nhanh chóng đầu hàng trước tiếng cười hân hoan của cô bé.
Quá trình lựa chọn học sinh vào trường Shanti Bhavan dựa trên cơ sở liệu đứa bé có ở dưới mức nghèo, và bố mẹ có muốn gửi nó đến trường nội trú hay không. Ngay trước khi tôi đến thì học sinh đã làm các Trắc nghiệm Thành tích California. Law nói, “Chúng tôi dạy tiếng Anh cho các cháu để chúng có thể đi đến bất cứ đâu ở Ấn Độ và trên thế giới để học đại học.” Mục tiêu của chúng tôi là cho các cháu một nền giáo dục đẳng cấp thế giới để các cháu có thể mong mỏi những sự nghiệp và nghề nghiệp mà lẽ ra là hoàn toàn ngoài tầm với của các cháu, và đã thế với hàng thế hệ... Quanh đây, tên các cháu luôn để lộ các cháu như các tiện dân. Nhưng nếu chúng đi đến một nơi nào khác, và nếu chúng thực sự được đánh bóng, chúng có thể phá vỡ rào cản này.
Khi đó, chúng có thể trở thành một kiểu tiện dân của tôi, những người không thể đụng đến - những người trẻ mà một ngày nào đó có thể là đặc biệt hay được chuyên môn hoá, hay có thể thích nghi.
Nhìn những đứa trẻ này, George nói, “Khi chúng ta nói về người nghèo, chúng ta thường nói về việc đưa chúng ra khỏi đường phố hay tìm cho chúng một việc làm, để chúng không bị chết đói. Nhưng chúng ta không bao giờ nói về tìm sự nổi trội cho người nghèo. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể giải quyết vấn đề bất công, nếu chúng có thể phá vỡ các rào cản bị áp đặt lên chúng. Nếu một người thành công, họ sẽ kéo theo hàng nghìn người cùng với họ.”
Sau khi nghe George nói, tâm trí của tôi lại trở về chỉ bốn tháng trước đây, vào mùa thu năm 2003, khi tôi đang ở West Bank (bờ Tây) để làm một phim tài liệu khác về cuộc xung đột Arab - Isarel. Như một phần của dự án đó, tôi đến Ramallah và phỏng vấn ba chiến binh trẻ Palestin, các thành viên của tổ chức nửa quân sự Tanzim của Yasser Arafat. Điều rất nổi bật về cuộc phỏng vấn là tâm trạng dao động của những thanh niên này, từ trạng thái thất vọng tự tử đến những khao khát hão huyền. Khi tôi hỏi một anh trong bọn họ, Mohammed Motev, rằng điều gì là tồi tệ nhất khi sống trong hoàn cảnh chiếm đóng của Isarel, anh ta nói các điểm kiểm tra. “Khi một người lính bắt tôi phải cởi áo quần trước các cô gái. Đó là một điều hết sức nhục đối với tôi... cởi áo và quần và quay một vòng, và tất cả con gái còn đang đứng đó.” Anh ta nói đó là một lí do tại sao thanh niên Palestin ngày nay lại là những kẻ đánh bom liều chết đang chờ. Anh ta gọi họ là “những tử sĩ đang chờ,” trong khi hai bạn anh gật đầu xác nhận. Họ cảnh báo tôi rằng nếu Isarel cố giết Yasser Arafat, khi đó ông còn sống (và là một thủ lĩnh biết làm thế nào để khơi dậy chỉ kí ức chứ không phải ước mơ), họ sẽ biến toàn khu vực thành một “địa ngục” trần gian. Để nhấn mạnh điều này, Motev rút ví ra và chỉ cho tôi một tấm ảnh Arafat. Nhưng cái bắt mắt tôi lại là tấm ảnh một cô gái trẻ cạnh đó.
“Ai đấy?” tôi hỏi. Đó là bạn gái của anh, anh giải thích, mặt hơi ửng đỏ. Như thế là, trong ví của anh một bên là Yasser Arafat, người mà anh ta sẵn sàng chết vì, và cạnh đó là bạn gái của anh, người mà anh muốn sống với. Ít phút sau, một đồng đội của anh, Anas Assaf, trở nên xúc động. Anh là người duy nhất học ở trong trường đại học, một sinh viên kĩ thuật ở Đại học Bir Zeit ở gần Ramallah. Sau khi lớn tiếng về cũng sẵn sàng chết vì Arafat, anh ta bắt đầu nói hùng hồn về việc anh ta muốn đến học ở trường Đại học Memphis, nơi cậu anh ta sống, “để học kĩ thuật”. Thật không may, anh nói, bây giờ anh không thể xin được visa vào Hoa Kì. Cũng như đồng đội của anh, Assaf sẵn sàng chết vì Yasser Arafat, nhưng anh muốn sống cho Đại học Memphis.
Đây là các thanh niên tốt, không phải những kẻ khủng bố. Nhưng các tấm gương của họ đều là những người đầy giận dữ, và các thanh niên này dành nhiều thời gian để tưởng tượng xem họ sẽ xả sự giận dữ của họ thế nào, chứ không phải thực hiện tiềm năng của họ. Ngược lại, Abraham George lại tạo ra một bối cảnh khác và một tập khác các tấm gương thầy giáo cho trẻ em tiện dân ở trường của ông, và cùng nhau họ gieo các hạt giống của một trí tưởng tượng rất khác vào học sinh của ông. Chúng ta phải có thêm nhiều Abraham George - ở khắp nơi - hàng ngàn người: những người nhìn chằm chằm vào một lớp học của những trẻ em tiện dân và không chỉ thấy sự vĩ đại trong mỗi em bé mà, quan trọng hơn, khiến chúng nhìn thấy sự vĩ đại trong bản thân chúng trong khi cấp cho chúng các công cụ để làm lộ cái đó ra.
Sau cuộc thi đánh máy của chúng tôi ở trường Shanti Bhavan, tôi đi quanh lớp và hỏi tất cả bọn trẻ - đa số chúng đã ở trường, và mới ra khỏi cuộc sống bên cống rãnh, chỉ ba năm - chúng muốn làm nghề gì khi lớn lên. Đấy là đứa trẻ Ấn Độ tám tuổi, cha mẹ chúng là tiện dân. Đó là một trong những trải nghiệm cảm động nhất đời tôi. Câu trả lời của chúng như sau: “nhà du hành vũ trụ”, “bác sĩ”, “bác sĩ nhi khoa”, “nữ thi sĩ,” “vật lí và hoá học”, “nhà khoa học và nhà du hành vũ trụ,” “nhà phẫu thuật”, “thám tử”, “tác giả”.
Đều là người ước mơ hành động - không phải tử sĩ đang chờ.
Hãy để tôi kết thúc với một điểm cuối cùng. Con gái tôi vào đại học mùa thu 2004. Tôi và vợ tôi đưa cháu vào trường một ngày tháng 9 ấm áp. Trời nắng đẹp. Con gái tôi đầy phấn khích. Song tôi có thể nói chân thành đó là một trong những ngày buồn nhất đời tôi. Và đó không chỉ là một ngày bố và mẹ đưa con vào đại học. Không, có một điều gì khác làm tôi áy náy. Đó là cảm giác rằng tôi đưa con gái tôi vào một thế giới có nhiều nguy hiểm hơn là thế giới mà nó đã sinh ra. Tôi cảm thấy mình còn có thể hứa cho con gái tôi phòng ngủ của nó khi trở về, nhưng tôi không thể hứa cho nó thế giới - không theo cách thảnh thơi mà tôi đã thăm dò khi tôi bằng tuổi nó. Điều đó thực sự làm tôi áy náy. Vẫn áy náy.
Sự làm phẳng thế giới, như tôi đã thử giải thích ở cuốn sách này, đã mang lại cho chúng ta các cơ hội mới, thách thức mới, đối tác mới nhưng, than ôi, cả các nguy cơ mới, đặc biệt với tư cách những người Mĩ. Việc cấp bách là chúng ta tìm ra sự cân bằng đúng giữa tất cả các thứ này. Cấp bách là chúng ta trở thành các công dân toàn cầu tốt nhất mà chúng ta có thể - bởi vì trong một thế giới phẳng, nếu bạn không đến thăm một láng giềng xấu, thì nó có thể đến thăm bạn. Và cấp bách rằng trong khi chúng ta vẫn cảnh giác với các đe dọa mới, chúng ta không được để chúng làm tê liệt chúng ta. Trên hết, tuy vậy, cấp bách nhất là chúng ta nuôi dưỡng thêm nhiều người với trí tưởng tượng của Abraham George và Fadi Ghandour. Càng nhiều người có trí tưởng tượng 9/11 thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn để đẩy lùi một 11/9 khác. Tôi từ chối chấp nhận một thế giới thu nhỏ hơn theo nghĩa sai, theo nghĩa rằng ngày càng có ít nơi mà một người Mĩ có thể đi mà không xét lại quyết định trước và ngày càng có ít người nước ngoài cảm thấy thoải mái khi đến Mĩ.
Nói cách khác, hai nguy cơ lớn nhất mà người Mĩ chúng ta đối mặt là một sự bảo vệ thái quá - quá sợ một 11/9 khác làm chúng ta tự giam mình trong bốn bức tường, để tìm an ninh cá nhân - và quá sợ hãi cạnh tranh trên thế giới 9/11, khiến chúng ta giam mình trong bốn bức tường, để tìm an ninh kinh tế. Cả hai sẽ là thảm họa cho chúng ta và cho thế giới. Đúng, cạnh tranh kinh tế trên thế giới phẳng sẽ bình đẳng hơn và gay gắt hơn. Người Mĩ chúng ta sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, chạy nhanh hơn, và thông minh hơn để chắc chắn chúng ta nhận được phần của mình. Song hãy đừng đánh giá thấp sức mạnh hay sức sáng tạo của chúng ta, sức có thể bùng lên từ thế giới phẳng khi chúng ta thực sự kết nối tất cả các trung tâm tri thức lại với nhau. Trên một trái đất phẳng như vậy, thuộc tính quan trọng nhất mà bạn có thể có là trí tưởng tượng sáng tạo - năng lực trở thành người đầu tiên hình dung ra làm sao có thể đặt tất cả các công cụ này theo các cách mới và lí thú để tạo ra các sản phẩm, cộng đồng, cơ hội, và lợi nhuận. Đó luôn là sức mạnh của Mĩ, vì Mĩ đã, đang, và vẫn là cỗ máy ước mơ vĩ đại nhất thế giới.
Tôi không thể bảo bất kì xã hội nào, nền văn hóa nào để nói cái gì cho con cháu họ, nhưng tôi có thể bảo bạn cái tôi nói cho các con tôi: Thế giới đang được san bằng. Bố đã không khởi động nó và con không thể dừng nó lại, trừ với một giá rất đắt cho sự phát triển con người và cho chính tương lai con. Nhưng chúng ta có thể quản lí nó, bất chấp hậu quả ra sao. Nếu muốn nó tốt đẹp hơn chứ không phải tồi tệ đi, thì con và thế hệ của con phải không được sợ bọn khủng bố hay sợ ngày mai, dù là Al-Qaeda hay Infosys. Con có thể phát đạt trong thế giới phẳng này, nhưng cần một trí tưởng tượng đúng và một động cơ đúng. Trong khi cuộc sống của con bị 9/11 định hình mạnh mẽ, thì thế giới lại cần con mãi mãi là thế hệ của 11/9 - thế hệ của những người lạc quan chiến lược, thế hệ với nhiều ước mơ hơn kí ức, thế hệ thức dậy mỗi buổi sáng và không chỉ tưởng tượng các thứ có thể tốt hơn mà cũng hành động trên sự tưởng tượng đó mỗi ngày.

LỜI CẢM ƠN

Năm 1999 tôi xuất bản một cuốn sách về toàn cầu hoá có tên Xe Lexus và Cây Ô liu. Hiện tượng chúng ta gọi là toàn cầu hoá mới chỉ cất cánh khi đó, và Xe Lexus và Cây Ô liu đã là một trong các nỗ lực ban đầu để đặt một khung khổ quanh nó. Cuốn sách này không có ý định để thay thế Xe Lexus và Cây Ô liu, mà đúng hơn để dự trên nó và đẩy các lí lẽ lên phía trước ở mức thế giới đã tiến triển.
Tôi biết ơn sâu sắc đối với nhà xuất bản của The New York Times và chủ tịch của Công ti New York Times, Arthur Sulzberger Jr., vì đã cho tôi nghỉ phép để có thể đảm nhận viết cuốn sách này, và đối với Gail Collins, biên tập trang xã luận của The New York Times, vì đã ủng hộ việc nghỉ phép đó và toàn bộ dự án này. Là một đặc ân để làm việc cho một tờ báo tuyệt vời như vậy. Arthur và Gail là những người đã thúc đẩy tôi để thử tay nghề của tôi ở các phim tài liệu cho Kênh Discovery Times, đã đưa tôi đến Ấn Độ và kích thích toàn bộ cuốn sách này. Cảm ơn về khía cạnh đó cả đối với Billy Campbell của Kênh Discovery vì sự ủng hộ nhiệt tình của ông cho phim tài liệu đó về Ấn Độ, và đối với Ken Levis, Ann Derry, và Stephen Reverand vì đã giúp hoàn thành tốt việc đó. Không có Discovery cơ hội đã không xảy ra.
Tôi chẳng bao giờ đã có thể viết cuốn sách này, tuy vậy, mà không có một số trợ giáo tuyệt vời từ các giới công nghệ, kinh doanh, và chính trị. Vài cá nhân phải được chọn ra vì lời cảm ơn đặc biệt. Tôi đã chẳng bao giờ bẻ được khoá mã của thế giới phẳng mà không có sự giúp đỡ của Nandan Nilekani, CEO của công ti công nghệ Ấn Độ Infosys, người đầu tiên chỉ ra cho tôi sân chơi được san phẳng thế nào. Vivek Paul, tổng giám đốc công ti công nghệ Ấn Độ Wipro, đã thực sự đưa tôi vào bên trong việc kinh doanh của thế giới phẳng và giải mã nó tất cả cho tôi - hết lần này đến lần khác. Joel Cawley, người đứng đầu nhóm lập kế hoạch chiến lược của IBM, đã giúp tôi kết nối rất nhiều dấu chấm giữa công nghệ và kinh doanh và hoạt động chính trị trên Hành Tinh Phẳng - các mối kết nối tôi đã chẳng bao giờ có mà không có ông. Craig Mundie, tổng giám đốc công nghệ của Microsoft, đã dẫn tôi qua những tiến hoá công nghệ làm cho thế giới phẳng là có thể và đã giúp đảm bảo rằng trong việc viết về chúng tôi không phải thất bại nhục nhã. Ông đã là một trợ giáo không mệt mỏi và đòi hỏi khắt khe. Paul Romer, kinh tế gia Đại học Stanford người đã làm rất nhiều công trình tốt về nền kinh tế mới, đã bỏ thời gian để đọc bản thảo và đưa cả nhân tính và trí tuệ của ông vào nhiều chương. Marc Andressen, một trong các nhà sáng lập của Netscape; Michael Dell của Dell Inc.; Sir John Rose, chủ tịch của Rolls-Royce; và Bill Gates của Microsoft đã rất rộng lượng trong bình luận về các mục nhất định. Bạn tôi nhà sáng chế Dan Simpkins đã hết sức giúp đỡ dẫn dắt kẻ mới vào nghề này qua vũ trụ phức tạp của anh. Các câu hỏi luôn thách thức của Michael Sandel đã kích thích tôi đi viết toàn bộ một chương – “Sự Sắp xếp Vĩ đại.” Và Yaron Ezrahi, vì cuốn sách thứ tư trong một hàng, để tôi lảy vô số ý tưởng từ đầu óc cực kì sắc sảo của ông. Cũng đúng thế với David Rothkopf. Không ai trong số họ chịu trách nhiệm về bất cứ sai sót nào của tôi, chỉ về những thấu hiểu sâu sắc. Tôi thực sự hàm ơn họ.
Rất nhiều người khác đã chia sẻ với tôi thời gian quý giá của họ và đã bình luận về các phần khác nhau của cuốn sách này. Tôi muốn cảm ơn đặc biệt Allen Adamson, Graham Allison, Alex và Jocelyn Attall, Jim Barksdale, Craig Barrett, Brian Behlendorf, Katie Belding, Jagdish Bhagwati, Sergey Brin, Brill Brody, Mitchel Caplan, Bill Carrico, John Chambers, Nayan Chanda, Alan Cohen, Maureen Conway, Lamees El-Hadidy, Rahm Emanuel, Mike Eskew, Judy Estrin, Diana Farrell, Joel Finkelstein, Carly Fiorina, Frank Fukuyama, Jeff Garten, Fadi Ghandour, Bill Greer, Jill Greer, Promod Haque, Steve Holmes, Dan Honig, Scott Hyten, Shirley Ann Jackson, P. V. Kannan, Alan Kotz, Gary và Laura Lauder, Robert Lawrence, Jerry Lehrman, Rich Levin, Joshua Levine, Will Marshall, Walt Mossberg, Moisés Naiím, David Neeleman, Larry Page, Jim Perkowski, Saritha Rai, Jerry Rao, Rajesh Rao, Amartya Sen, Eric Schmidt, Terry Semel, H. Lee Scott Jr., Dinakar Singh, Larry Summers, Jeff Uhlin, Atul Vashistha, Philip Verleger Jr., William Wertz, Meg Whitman, Irving Wladawsky-Berger, Bob Wright, Jerry Yang, và Ernesto Zedillo.
Và lời cảm ơn đặc biệt đến những người trợ lực tinh thần và bạn trí tuệ liên tục của tôi Michael Mandelbaum và Stephen P. Cohen. Chia sẻ các ý tưởng với họ là một trong những niềm vui của đời tôi. Một lời cảm ơn đặc biệt cũng cho John Doerr và Hertbert Allen Jr., mỗi người đã cho tôi cơ hội để chạy thử cuốn sách này trên một số đồng nghiệp đòi hỏi rất khắt khe và phê phán của họ.
Như luôn luôn, vợ tôi, Ann, là người biên tập đầu tiên, nhà phê bình, và người ủng hộ toàn diện của tôi. Không có sự giúp đỡ của cô và đầu vào trí tuệ, thì cuốn sách này chẳng bao giờ xuất hiện. Tôi rất may có cô là bạn đời. Và lời cảm ơn cho cả các con gái tôi Orly và Natalie vì sự chịu đựng một năm nữa xa Bố ở lì lâu trong văn phòng của mình, và mẹ yêu quý của tôi, Margaret Friedman, vì hàng ngày hỏi tôi khi nào cuốn sách xong. Max và Eli Bucksbaum đã cho sự cổ vũ có giá trị trong các giờ sáng ở Aspen. Và các chị tôi Shelley và Jane đã luôn luôn đứng cạnh tôi.
Tôi có phước để có cùng tác nhân văn học, Esther Newberg, và chủ nhà xuất bản, Jonathan Galassi, cho bốn cuốn sách, và cùng biên tập viên Paule Elie, cho ba cuốn sau cùng. Họ đơn giản là giỏi nhất trong nghề. Tôi cũng có phước để có trợ lí thông minh nhất và trung thành, Maya Gorman.
Cuốn sách này được đề tặng cho ba người rất đặc biệt trong đời tôi: Mẹ và Bố vợ tôi, Matt và Kay Bucksbaum, và bạn thời ấu thơ thân nhất của tôi, Ron Soskin.

°°°°°

HẾT

Xem Tiếp: ----