Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Đakao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Thành ra khi đi về hướng Gia Định, gặp đèn đỏ, ngừng xe lại là thấy nó ngay ở bên tay mặt.
Hồi mới “giải phóng”, còn chút đỉnh tiền, chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm” một tô cháo huyết có kèm theo một dĩa giò-cháo-quẩy cắt khoanh. Không biết có phải tại vì buổi trưa ăn không đủ no thành ra chiều nghe đói sớm hay sao, mà lúc nào tôi cũng thấy cháo huyết của bà xẩm đó thật là ngon!
Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng nhôm. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng. Còn giò-cháo-quẩy cho vào cháo, dù đã được cắt khoanh, nhưng vẫn giử nguyên cái giòn của nó. Cái “béo” của giò-cháo-quẩy làm cho cái “bùi” của cháo càng thêm đậm đà, và cái “giòn” của giò-cháo-quẩy thì thật “ăn rơ” với cái mềm mềm cứng cứng của huyết.
Lâu lâu, nhai nhằm một sợi gừng làm nồng lên trong miệng, ngon không chê được!Bà xẩm gọi tôi bằng “thầy Hai”. Sau “giải phóng”, từ ngữ cũng đã được đổi thay – cho nó hạp với... tác phong cách mạng – không còn gọi “ông A, bà B” gì nữa. Không còn xưng hô “thầy X, cô Y” gì nữa. Mọi giai tầng xã hội đều được xóa bỏ, mọi chênh lệch tuổi tác hầu như được sang bằng.
Trong... “xã giao thường thức”, để gọi nhau, người ta chỉ còn dùng có hai từ “anh” và “chị”, vừa ngắn gọn lại vừa... bình đẳng nữa! Thành ra thấy được xử dụng rất thoải mái và... xả láng! (Một hôm, một thằng bé cỡ tuổi cháu tôi đã gọi tôi bằng “anh”... ngon lành! Có lẽ trong lòng nó cũng khoái được trịch thượng như vậy. Bởi vì nó biết “thằng chả không làm gì mình được”! Đổi đời... sướng ở chỗ đó!).
 
- Tôi kẹt!Lâu lâu ăn cháo huyết của bà xẩm được một thời gian thì Nhà Nước đổi tiền. Tôi... trở tay không kịp. Vậy là kẹt cứng. Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết? Để tránh... thấy hàng cháo huyết, mới đầu tôi thay đổi lộ trình. Tôi đi ngả cầu sắt, vòng qua chợ Bà Chiểu, xa hơn, hôi hơn ( vì đi ngang chợ cá ) mệt hơn. Được mấy tuần, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến ( Nhà Nước đã chẳng dạy: “Ta phải luôn luôn phát huy sáng kiến” à? ). Đó là vẫn đạp xe theo lộ trình cũ. Nhưng khi đến cách đèn xanh đèn đỏ độ vài chục thước, tôi rà thắng, mắt nhìn đèn tuốt ở đằng xa. Nếu là đèn đỏ, tôi bóp thắng ngừng ngay, đợi. Nếu là đèn xanh, tôi cắm đầu phóng nhanh đi thẳng. Thật là... thích thú. Tôi phục... tôi quá chừng!
- Thím mạnh hả?
- Không có sao! Vô ăn đi! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà... Thầy Hai!
Tôi lại nhìn đèn đỏ. Sao nó không xanh cho rồi, để tôi có cớ mà hối hả đạp đi, tránh được cái mùi thơm hấp dẫn của cháo huyết và tránh được lời mời rất thân tình của bà xẩm. Đèn vẫn đỏ! Như... cố tình đỏ lâu để tôi có thời gian “đấu tranh tư tưởng”: một bên là “cái đói”, kéo thêm “cái thèm”, còn một bên là “cái xấu hổ” của một người chưa quen ăn chịu.
- Sao lâu quá không thấy thầy Hai vậy?
- Dạ, mạnh.
- Thầy Hai cứ ăn đi. Chừng nào có tiền trả cũng được, đừng lo!
Nó nuốt nước miếng, cầm muỗng múc cháo lên đổ cháo xuống cho mau nguội mà mặt mày hớn hở. Rồi nó nhắm mắt, hít từng hơi dài mùi thơm mời mọc, coi giống như một thằng ghiền…
- Chỗ quen biết, tôi nói thiệt. Thầy Hai cứ tới ăn tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào thầy Hai trả cũng được hết. Mình với nhau mà... Phải thông cảm với nhau chớ! Thầy Hai hiểu tôi không?
Đến đây, bỗng thằng người hạ cấp trong tôi biến đâu mất! Để lại tôi ngượng nghịu cúi đầu nhìn tô cháo, chỉ nói lí-nhí được có mấy tiếng “Cám ơn thím. Dạ...”, rồi nín thinh.
Tô cháo trước mắt tôi bỗng như to hơn, đầy hơn, đậm đà hơn...
- Không phải đâu. Đây là tôi cho thầy Hai mà! Không tính tiền!
Tôi ngước lên nhìn bà xẩm, dò xét. Bả nhìn tôi, hiền hòa, gật đầu nhè nhẹ như để nói “Thiệt mà! Ăn đi!”.
Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt...
Tôi không dám nhìn bà xẩm nữa. Tôi nhìn tôi đang cúi đầu húp từng muỗng cháo, trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đakao...
 
 
 
TIỂU  TỬ

Xem Tiếp: ----