(thân tặng Th. Tâm Quang.)
Giọt lệ là một cái gì lạ lắm. Nó ứa nơi đôi mắt nhưng lại làm mềm ở trái tim. Đôi mắt thì nhòa rồi sáng lên nhưng trái tim thì nhũn đi và mù lòa, mê muội.
Cho nên, đừng khóc. Tôi dặn tôi như vậy và thực là tôi đã cố công tập luyện một tuyệt kỷ ám thị hiếm có để áp dụng cho tất cả những trạng huống bi thương trên đời mà tôi gặp phải. Đừng khóc. Phải. Khóc chỉ làm tê bại ý chí mà thôi. Huống chi tôi là một tu sĩ và lại là con trai. Con trai thì phải cứng rắn, hùng dũng, không thể khóc sướt mướt, ủy mị như đàn bà con gái được—tôi đã nghe mãi những câu tương tự như vậy từ khi còn nhỏ. Còn tu sĩ thì, linh mục hay đại đức cũng vậy, là kẻ "đứng trên tất cả để sống vì tất cả." Đứng trên tất cả chẳng phải là đòi hỏi một thế đứng trên đầu trên cổ thiên hạ mà chính là tự đặt mình vào cương vị thoát tục, từ bỏ những sinh hoạt rộn ràng của thế nhân để có thể thong thả, công bằng mà trải lòng mình ra cho khắp mọi loài. Nếu không đứng trên tất cả được thì cũng giống y trang thế nhân từ tham lam, thù hận, si mê, cho đến cả những tình cảm mủn mẳn riêng tư, và rồi như vậy thì ông cha hay ông thầy cứ việc về nhà mà làm bố bầy trẻ cho xong, khỏi cần phải ở nhà thờ hay chùa chiền. Và, cũng chính vì đứng trên tất cả mà một tu sĩ chỉ có thể khóc cho tất cả chứ không khóc cho riêng ai.
Khóc, tôi quan niệm rằng, đó là sự xúc cảm của khổ đau dâng lên đến một cao độ khiến người ta bật lên tiếng nấc, và nước mắt theo đó tuôn trào. Đó là tiếng nói đặc biệt và chính xác nhất của nỗi thống khổ khi mà ngôn ngữ không có khả năng để diễn tả nó một cách trọn vẹn được. Theo nghĩa ấy, tôi có thể loại trừ ra những lần trong đời mà chúng ta chỉ ứa lệ hay nghẹn ngào qua một phút xúc động nào đó. Và cũng theo nghĩa ấy, tôi biết tôi chưa thực sự khóc bao giờ kể từ khi bước chân vào chùa ở tuổi mười một, mười hai.
Tôi có một công thức rất đơn giản là nên áp dụng lối phủ nhận; tuy rằng có vẻ nghịch dòng đời nhưng rất ư là xuôi dòng đạo. Như thế này: người đời muốn khổ, muốn khóc cho thỏa thì cứ yêu, cứ thương nhiều vào—đó là cái quyền thuận buồm của họ; còn mình, đã là tu sĩ, sợ khổ, sợ phải khóc thì đừng có bon chen mà yêu, mà thương riêng ai. Thương chung chung thì được. Tức là cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân thuộc, bạn bè và tất cả mọi người gộp chung lại thành một khối: nhân loại. Thương nhân loại, vậy là đủ rồi. Thương một cách bình đẳng, không thiên vị ai. Tôi tự cảm thấy là mình đã giữ một lối yêu thương phổ quát như vậy trong một thời gian tương đối êm thắm. Đôi lúc có những xung động làm lung lay cái công tâm của tôi—chẳng hạn mủi lòng vì cảnh tan gia bại sản của gia đình—nhưng tôi đều phải phấn đấu lướt qua. Về với gia đình, tôi như một người khách: một tu sĩ viếng thăm một gia đình Phật tử. Tôi còn có ý khiến cho gia đình dần dần phải thừa nhận rằng tôi đã trở thành một cái gì của chung chứ không phải của riêng gia đình nữa. Rồi tôi dấn thân làm việc xã hội, đi kinh tế mới, chữa bệnh phát thuốc, rách cho mặc, đói cho ăn, vỗ về bao gia đình cùng khốn mà vô tình quên rằng chính gia đình mình cũng bị đói rách như ai từ sau năm 1975.
Tôi phải dài dòng như vậy chỉ để đi đến một câu chuyện liên quan đến nước mắt và nỗ lực nhằm cưỡng chống lại nó...
Có một gã tù nhân ở trại cải tạo, tánh có vẻ khô khan, lạnh lùng, làm như là bẩm sinh vốn không có trái tim vậy. Hắn đã xa gia đình từ thuở bé lại thêm hai năm cải tạo ly cách xã hội. Vậy mà khi được gặp mặt người chị ruột vào lần thăm nuôi đầu tiên, hắn vẫn cứ dửng dưng như chẳng gì lạ trong khi bà chị thì mếu máo khóc ngay tại chỗ. Có lẽ hắn mải chú ý đến cái răng sún nơi miệng bà chị, làm như thể điều ấy quan trọng hơn sự gặp gỡ của hai chị em vậy.
“Quái! Sao chị ấy lại sún một cách buồn cười như thế này!”
Lần thứ hai, khoảng ba tháng sau, bà chị sẽ đưa người cha già của hắn đến thăm. Hắn được bà chị báo trước như vậy.
Người cha, một công chức hành chánh cao cấp của chính quyền quốc gia, đã từng cặm cụi làm tròn chức năng của một trung thần không thờ chúa nhưng sùng thượng trách nhiệm và ý hướng phục vụ nhân quần trong một cung cách thanh liêm sạch sẽ đến độ bị coi như một kẻ lạc hậu không theo kịp đà tiến như vũ bão của toàn khối tham nhũng xôi thịt trong bước đi thời đại. Người cha mà sau mấy mươi năm làm công chức vẫn còn còng lưng đạp chiếc xe cũ rích già tuổi hơn đứa con đầu lòng, chỉ lo mỗi một việc là trả nợ kịp thời mỗi kỳ lãnh lương và giữ cho vợ con khỏi bị đói rách. Chiếc xe đạp được ông yêu quý và xem là con ngựa già có tình cảm, cần cù, nhẫn nại như chính ông vậy. Mỗi sáng trước khi đi làm, ông gọi bầy con:
“Đứa mô ra bơm bánh xe Mercedes cho ba hè!”
Bà vợ nội trợ của ông biết rất rõ rằng ông không mơ được một chiếc Mercedes, nhưng quả thực ông thương chiếc xe đạp của mình còn hơn là những nhân viên dưới quyền ông tưng tiu những chiếc xe hơi láng lẫy của họ.
Cộng sản tràn vào miền Nam, ông lập tức bị đưa đi học tập cải tạo và may mắn thay, được những giáo sư xuất chúng (xuất thân từ nghề bán cà rem hay từ những nghề đại loại như vậy) dạy cho bài học vỡ lòng về đường lối và chính sách của xã hội chủ nghĩa. Tấm thân già đã nai lưng trường kỳ với sinh kế những mấy chục năm để nuôi vợ con mười lăm người bây giờ không chịu đựng nổi hai năm đi học đến nỗi phải bị phù thủng, bại liệt hai chân, thần kinh căng thẳng, lên tăng-xông, suýt chết mới được thả về. Gặp vợ con rồi ông không quên hỏi thăm con ngựa sắt trung thành của mình. Vợ ông nói: “Đã bán rồi, để đi thăm nuôi anh đó.” Ông ngồi lặng yên một lúc rồi ứa nước mắt. Không rõ ông khóc vì tiếc rẻ một chiếc xe đạp hay khóc vì tiếc thương cho một trung thần phải chết theo sự sụp đổ của một ngai vàng trước ca khúc khải hoàn của những kẻ thắng trận.
Hắn thực không hiểu nổi tại sao cha hắn lại thừa nước mắt để khóc cho một chuyện cỏn con như vậy. Và giờ này, hắn được phép nghỉ lao động một giờ để gặp người cha đó với điều kiện hắn phải bước đi được như một người bình thường. Vì lẽ chính hắn, tuy không bị phù thủng như cha trước đây, hai chân cũng bị liệt đi sau hơn bốn mươi ngày đêm bị cùm một chỗ. Cán bộ trực thăm nuôi nói:
“Mày bước đi thử một vòng xem nào. Nếu đi vững thì cho ra gặp gia đình, còn không thì chỉ được nhận quà thôi.”
Hắn bặm môi bước. Hai chân nhức nhối đến xanh mặt. Toàn thân như một khối đá nặng đè xuống đôi chân. Đi được vài bước, hắn thầm nghĩ: “Thôi, thua cuộc cho rồi, đau không chịu nổi. Mấy tháng nay không gặp mặt gia đình, mình cũng đâu có chết.” Hắn đứng lại không muốn bước nữa, nhưng một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu khiến hắn thấy tăng thêm chút nghị lực: “Không, mình phải gặp gia đình để nói chuyện đó.” Và hắn lại tiếp tục gắng bước. Ngàn mũi tên như  cắm sâu vào đôi chân hắn. Hai mắt cá hắn lại phải chịu đựng một cơn đau buốt như thể bị đục khoét bởi hàng triệu con trùng độc. Hắn khẽ rên trong họng, nhưng cuối cùng hắn cũng đã bước xong một vòng, rồi ngồi xuống đất, trán rịn mồ hôi. Viên cán bộ lắc đầu:
“Chưa được. Nhưng thôi, du di cho mày lần này.”
Mắt hắn sáng lên. Hắn không ngờ một kẻ thi rớt thê thảm mà lại được ban ân huệ bảng vàng ghi danh. Hắn mừng rỡ đứng dậy, cám ơn viên cán bộ mà vẫn còn lạng quạng muốn té. Viên cán bộ nói với bọn trực thăm nuôi:
“Lấy đồ mới cho nó thay.”
Hắn được cho mượn một bộ đồ tù màu lam sẫm có đóng dấu tên trại cải tạo. Những bộ đồ tù còn mới được cất để dành trong kho hậu cần chỉ phát cho tù nhân mỗi năm một bộ; số còn lại thì cho tù nhân mượn mặc vào những ngày thăm nuôi. Cán bộ lại quay qua bọn trực thăm nuôi dặn tiếp:
“Hai đứa bây dìu nó đến phía sau nhà thăm nuôi rồi để nó tự bước vào. Tuyệt đối không cho người ta thấy. Nghe chưa? À, này thằng kia, mày còn yếu lắm, nhớ xin gia đình cà phê thuốc lá mà bồi dưỡng nghe.”
“Vâng,” hắn hiểu ý, đáp nhanh.
Quả thật là nếu không có hai người bạn tù vừa dìu vừa cõng chạy thì hắn chỉ có nước lết theo họ như một con chó què thôi. Trên bực thềm phía sau nhà thăm nuôi, hắn ngồi thở dốc. Mệt lả như sau một cuộc chạy đua đường dài, hắn thấy đất trời tối xầm lại. Trong nhà thăm nuôi và phía sân trước, tiếng nói chuyện của các cải tạo viên cùng thân nhân của họ ùm lên như một cái chợ. Đám tù đang chờ đợi đến phiên thì im lặng. Hắn cũng im lặng. Thời giờ chờ đợi dùng để ôn lại hoặc sắp xếp những câu ngắn gọn, hữu ích hầu nói với gia đình cho kịp trong mười lăm phút mà mỗi tù nhân được cho phép. Hắn nghĩ, trừ những điều cán bộ thăm nuôi dặn dò—như không được tả oán than khổ đời sống trại; không được nói tình hình sinh hoạt trại; không được nắm tay khoèo chân người nhà; không được trực tiếp nhận quà của gia đình mà phải chờ cán bộ kiểm tra và cho phép; không đưa tay khỏi mặt bàn; không được đá lông nheo, nói thì thầm hoặc nói bóng gió xa xôi—thì hắn sẽ chẳng biết nói gì hơn ngoài vài lời thăm hỏi sức khỏe gia đình và một yêu cầu hắn đã suy xét cẩn thận. Ngoài ra, vì là một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá của trại cải tạo, hắn có quyền nói lướt qua bệnh trạng của mình để gia đình gửi thuốc vào đợt thăm nuôi sau. Trước mặt gia đình, tất cả các bệnh đều được phép nói ra trừ bệnh kiệt sức (vì đói và lao động quá mức), bệnh liệt (vì bị cùm chân một chỗ quá lâu) và bệnh bầm (vì bị đánh đập quá nặng tay). Cán bộ căn dặn rất kỹ về điều này. Nếu bị bệnh kiệt sức và bầm thì cứ việc nhắn gia đình gửi thức ăn và dầu gió vào, khỏi cần khai bệnh. Chỉ có cái bệnh liệt là hắn thực không biết phải trị bằng cách nào và nói cách sao để gia đình hiểu mà vẫn không vi phạm nội qui của ngày thăm nuôi. Nói đúng ra, cái bệnh chính khiến hắn được vào bệnh xá điều trị không phải vì bại liệt mà là bệnh tim. Bề cao một thước sáu sáu, nặng năm mươi tám kí lô chẳng phải là ốm yếu gì. Nhưng bác sĩ nói, hắn có thể chết bất đắc kỳ tử khi làm việc nặng. Cán bộ tin điều đó, không dám đì hắn khuân đá, đập đá và làm những việc nặng nhọc như trước đây nữa mà chỉ bắt hắn lo việc sổ sách cho bệnh xá thôi. Hắn thì hiểu rõ bệnh trạng của mình đã được ông bác sĩ, vừa là người cùng quê vừa là kẻ đồng phạm, phóng đại lên hầu giúp hắn được trả tự do. Dù sao cũng chỉ nên nói với gia đình về cái bệnh đã được chính thức chuẩn y đó, còn bại liệt thì tuyệt đối không đá động đến, hắn tự nhủ như vậy. Bại liệt chỉ là bệnh nhỏ so với các bệnh nan y, khủng khiếp và kỳ quái khác mà hắn thấy được trong bệnh xá, nhưng nó dễ đưa người ta đến kết luận rằng có sự cùm kẹp trong trại cải tạo, và sơ hở trong việc truyền tin kiểu đó là một vi phạm mà cán bộ trại không thể nào tha thứ được.
Sau khi chờ đợi khoảng mười phút, hắn được gọi tên cùng lúc với mười một tù nhân khác. Hắn muốn bò lắm, như vậy còn nhanh hơn là đi với hai chân đau, nhưng làm thế chỉ tổ bị đuổi về lại còn bị phạt nặng. Hơn nữa, nhỡ gia đình bắt gặp cũng sẽ không sao hiểu nổi là hắn bị liệt, mà sẽ nghĩ rằng hắn đã nổi khùng vì bị quẫn bức trong tù.
Khi hắn bước vào phòng thăm nuôi thì chỉ thấy hai cái bàn trống vì đợt tù trước cùng thân nhân của họ đã chia tay kẻ ra sân trước người lùi sân sau rồi. Hai cái bàn thăm nuôi được đóng với một kích thước ngồ ngộ: mỗi cái có chiều dài hai thước, chiều ngang thước rưỡi và chiều cao hơn một thước. Trông nó như cái bệ để lắp bục sân khấu hay tấm phản để nằm ngủ ở nhà quê vậy. Cứ sáu cải tạo viên được xếp ngồi một bàn. Họ cùng ngồi về một phía, mặt day ra cửa; phía còn lại dành cho thân nhân. Thân nhân của cải tạo viên, đủ mọi tầng lớp, ngồi tụm năm tụm ba ở sân trước chờ đến lượt mình. Cán bộ trại chỉ việc đọc tên mười hai cải tạo viên đang có mặt trong phòng thăm nuôi, thân nhân theo đó cầm “Đơn Xin Thăm Nuôi và Gặp Mặt” bước vào.
Hắn ngồi được hai phút thì người cha già và bà chị ruột xuất hiện. Không đủ chỗ ngồi, bà chị phải đứng sau lưng người cha. Phút đầu yên lặng, hai cha con, hai chị em nhìn nhau không nói gì. Dường như họ vẫn còn muốn xác minh xem kẻ đối diện có thực là thân nhân của mình hay không. Trong khi đó, cả phòng thăm nuôi rộn lên với những lời thăm hỏi, dặn dò và khóc lóc nữa.
Cái nhìn đầu tiên của ba hắn, hắn cảm thấy, là cái nhìn trao trọn thương yêu, trao một cách vội vàng như sợ rằng sẽ không còn cơ hội để trút nó ra nữa. Trong cái nhìn đó, hắn hẳn biết rằng ông muốn ôm hắn lắm, như trước kia ông vẫn thường làm vậy. Sau đó, ông quan sát hắn. Hắn không đến nỗi gầy đét như ông tưởng. Trông hắn mập ra, nhưng nước da thì xanh dờn. Hắn không mang vẻ mặt đau khổ và cố tình ra dáng thiểu não để van xin sự thương xót như những tù nhân bên cạnh. Mắt hắn sáng quắc, đầy thần khí, như đang tập trung vào một quyết định nào đó quan trọng hoặc đang rắp tâm làm một cái gì bất thường. Hắn thì không đủ tâm ý để nhận xét về tình trạng sức khỏe của hai người thân đối diện. Cái nhìn của hắn quét qua một lượt trên khuôn mặt họ và hắn biết ngay là ba hắn vừa trồng xong răng giả, cả hai hàm trên dưới; còn bà chị thì đợt thăm nuôi trước thấy sún cái răng cửa phía trái, nay cái lỗ hổng tai ác đó đã được tu bổ đàng hoàng bằng một cái răng xương hơi nhọn, cân đối với cái răng phía phải.
Sau phút yên lặng, người cha bắt đầu mở lời. Ông nói gì đó hắn nghe không được vì chung quanh người ta đều hét với nhau to tiếng. Ba hắn xưa nay ăn nói nhỏ nhẹ không gào nổi với thiên hạ; hơn nữa, có lẽ nỗi thương cảm của ông hãy còn nghẹn cứng nơi cuống họng, như một nùi giẻ ngăn chận lối thoát của ngữ ngôn mà ông muốn phơi bày. Hắn khó chịu nhìn những người chung quanh, nghe họ thổ lộ tâm tình như là đang chửi bới, dọa nạt nhau vậy.
Tiếng một người đàn bà ngồi kế bên ba hắn ré lên:
“Em nhớ anh lắm.”
Người đàn ông cải tạo ngồi bên hắn rống trả:
“Biết rồi. Anh cũng vậy. Lần sau nhớ mua cá khô nhiều nhiều. Thịt kho nữa. Nhớ nghe.”
Hắn cũng như cha già, vốn chưa cãi lộn to tiếng với ai nên phải cố gắng lắm hắn mới nói vọng qua phía ông được vài lời:
“Mẹ có khỏe không ba?”
Ba hắn lúng búng trong miệng. Chị hắn phải làm thông dịch, chồm tới trước nói:
“Ba nói mẹ khỏe, nhưng mẹ đang lo lắng cho em và anh Hưng đó,” rồi bà chị nói luôn một dây theo ý mình, “ở nhà ai cũng mong em về. Anh Hưng đã chuyển đến trại A.30, tháng nào chị cũng đi thăm. Anh Hưng được giao vẽ trang trí cho trại chứ không lao động nặng hay bị biệt giam như em...”
Hắn ngắt lời bà chị bằng cách vừa nhăn mặt vừa lắc đầu. Người chị ngưng một lúc, rồi chuyển đề:
“Em cần gì thì nói, chị sẽ đem vào trong đợt tới.”
Hắn khẽ lắc đầu nói:
“Không cần gì hết.” Nhưng sực nhớ anh cán bộ trước đó có dặn kiếm cà phê thuốc lá, hắn chữa lời ngay: “À, chị mua cho em hai bịch cà phê đen, hai gói thuốc đầu lọc, ngay bây giờ đi chị. Nhanh lên kẻo hết giờ.”
Bà chị không thắc mắc, đi ngay. Còn lại hai cha con ngồi ngó nhau, lúng túng không biết nói gì và nếu nói, liệu có nghe nhau được hay không. Hắn nhìn cha thương xót rồi bỗng liên tưởng hình ảnh ông gò lưng trên chiếc xe đạp mỗi ngày đến Tòa Hành Chánh tỉnh, hình ảnh ông bị sưng húp hai chân ngồi một chỗ và những giọt nước mắt ông khóc cho chiếc xe đạp của mình. Bây giờ, rõ ràng là ông đang ngồi trước mặt, nhìn hắn bằng đôi mắt hiền lành và buồn bã của một con ngựa già không còn đủ sức để kéo chiếc xe không. Hắn muốn ôm ông lắm, nhưng nội qui thăm nuôi không cho phép. Trước kia mỗi lần ông ôm hắn, hắn đứng thẳng đuột và đáp lại tình ông một cách lấy lệ. Giờ này, chiều ngang thước rưỡi của cái bàn đã là một không gian xa thẳm ngăn chia hắn với cha hắn từ hai thế giới cách biệt mà người ta chỉ có thể nhìn nhau chứ không thể vói đến nhau được.
Họ im lặng cho đến khi chị hắn đặt một túi ni-lông đựng hai gói cà phê và thuốc thơm lên bàn. Người cha đưa tay đẩy gói quà nhích về hướng thằng con trai một chút. Hắn không dám vói tay đón nhận vì nội qui có cấm. Hắn nhìn bàn tay xanh gầy của người cha rút khỏi mặt bàn như dõi theo những đợt sóng miễn cưỡng xa bờ. Tầm mắt hắn cũng từ từ lui về rồi dừng lại, dán vào gói quà. Hắn nhìn thật lâu nơi đó. Không phải hắn thèm cà phê thuốc lá nhưng chính từ gói quà nhỏ mọn kia, hắn tưởng có thể chạm đến bàn tay của cha mình. Nhưng viên cán bộ trực đã không cho hắn hưởng thụ ngay cả thứ cảm giác tưởng tượng xa xỉ đó. Một cách thô bỉ, viên cán bộ chụp lấy cái túi ni-lông, xốc lên như tìm kiếm gì rồi đưa lên mũi ngửi một cái trước khi trao lại cho hắn. Hắn giận run người muốn khóc. Nhưng hắn bặm môi lại, tự dặn lòng: “Đừng khóc.” Lời dặn không liên quan gì đến nội qui thăm nuôi, mà xuất phát từ thói quen ám thị. Hắn thấy không còn thiết tha muốn chạm đến gói quà nữa. Có lẽ gói quà đã bị ướp vào chút mùi khỉ chứ không còn hơi hướm của cha hắn. Thốt nhiên hắn sực nhớ sự việc quan trọng mà hắn muốn nói.
“Ba ơi, con xin ba về viết một tờ đơn bảo lãnh con ra khỏi trại để điều trị trong vòng ba tháng. Tờ đơn sao làm ba bản: một bản gởi Trưởng trại cải tạo, một bản gởi Công an tỉnh và một bản gởi Bộ Nội Vụ. Trong đơn nói rõ con bị bệnh tim có sự xác nhận của bác sĩ trại này. Ba nhớ làm gấp. Ở đây đã có nhiều người được thả về theo cách đó. Mẫu đơn bảo lãnh có dán ở văn phòng trại. Ba nhớ viết theo mẫu có sẵn chứ đừng tự viết theo ý mình, nghe ba.”
Ba hắn gục gặc mà có vẻ như không nhớ hết những lời hắn nói. Ông quay lại hỏi chị hắn gì đó. Người chị nhắc lại cho ông nghe rồi hướng về hắn nói:
“Chị nhớ rồi. Để chị về nhắc ba.”
Sau lời bà chị, không khí im lặng giữa ba cha con lặp lại lần nữa trong khi những người chung quanh hối hả nói đủ thứ chuyện cho kịp trước giờ chuyển phiên khác. Cuối cùng, không rõ vì hắn nói cho có chuyện hay vì hắn thực quan tâm đến cha, hắn hỏi:
“Chân ba bây giờ khỏe hẳn chưa ba?”
Cha hắn gật đầu, rồi như để hắn yên tâm hơn, ông nói một hơi dài thoải mái:
“Mỗi ngày ba đi bộ hơn hai cây số để lên chùa dạy Pháp văn cho quý thầy. Chân ba mạnh lâu rồi, nếu có xe đạp chắc ba còn đi xa hơn. Đạp xe là một lối thể dục tốt lắm đó con.”
Nói xong, ông bỗng nhíu mày nhìn thằng con. Những vết nhăn trên vầng trán xạm nắng của ông như những luống cày vừa được xới lên trên mặt đất cằn. Dưới những rãnh sâu đó, những hạt mầm của hoài nghi đâm lên: “Tại sao con hỏi ba câu này? Con biết rõ ba đã đi lại bình thường từ bảy năm trước rồi mà.”
Hắn cúi mặt xuống, tự biết mình đã buông một câu hỏi rất thừa. Rồi hắn tự hỏi có phải mình thực sự quan tâm đến đôi chân của cha hay là muốn được ông cảm thương cho đôi chân bại liệt của mình. Hắn ngẩng phắt đầu lên, nói với giọng cứng rắn:
“Thôi ba về đi.”
Người cha ngơ ngác dõng tai lên. Người chị nói:
“Chưa hết giờ mà. Em cần gì nữa thì nói đi.”
“Em không cần gì nữa hết. Chị đưa ba về đi. Gặp nhau như vậy đủ rồi. Hẹn gặp chị lần sau. Nhớ nhắc ba làm đơn bảo lãnh em.”
Người cha vần ngồi chết cứng một chỗ nhìn hắn, chớp chớp đôi mắt. Ông chẳng hiểu nổi tại sao thằng con lại xua ông về trước khi hết giờ được phép nói chuyện. Bà chị cau mày nhưng vốn thường tin rằng cậu em nói gì cũng có lý do thích đáng nên bà cũng cầm cái nón lên. Hắn nghiến răng quay mặt chỗ khác. Đừng khóc.
Trong khi cha và chị hắn còn tần ngần chưa muốn quay ra thì tên cán bộ trực, nãy giờ vẫn đi qua đi lại sau lưng các tù nhân để kiểm soát, hô to lên:
“Hết giờ rồi, cô bác ơi!”
Phòng thăm nuôi muốn vỡ ra với những lời cuối hét vào nhau, y như giờ tan học của một bầy trẻ ở trường tiểu học. Người cha đội mũ đứng dậy, vừa bước ra khỏi băng ghế vừa ngoái nhìn hắn. Bà chị bước ra tới cửa, quay lại, đưa một tay lên vẫy.
Cán bộ lại xồng xộc tới lui, thúc hối:
“Hết giờ, hết giờ. Phiên khác. A, cái thằng này, sao còn ngồi đó? Muốn gì đây?”
Chờ cho cha và chị ra khỏi cửa rồi, hắn mới nói:
“Tôi bị liệt chân, bây giờ tê quá đứng không nổi.”
“Mẹ kiếp, vậy mà cũng rán lết ra đây à? Cán bộ nào cho mày ra?”
“Cán bộ Thêm,” vừa trả lời hắn vừa móc ra một gói thuốc thơm. Gói còn lại, hắn nghĩ, nhất định phải để dành cho cán bộ Thêm, kẻ cho phép hắn được gặp mặt gia đình, nếu không e sẽ có chuyện lớn.
“Mày cũng hút thuốc à? Thuốc này ngon đấy chứ. Bà xã mày trông cũng được đến thế,” viên cán bộ xé bao thuốc rút một điếu rồi trả lại hắn.
“Cán bộ cất mà hút, tôi còn một gói đây. Người khi nãy là chị tôi chứ đâu phải bà xã.”
“Thế à?” Gã vừa nói vừa bỏ gói thuốc vào túi áo. “Kỳ sau tớ cho chị em mày nói chuyện nửa giờ. Nầy, thằng kia, nom mày khỏe quá, cõng thằng này về khu.”
Hắn được một tù nhân khác xốc lên, cõng ra lối sau đi băng vườn cà phê. Khi ngang qua một cái cầu ván phía bên phải nhà thăm nuôi, hắn ngoái cổ lại, thấy rõ cha và chị hắn đứng dưới một gốc cây ở sân trước đưa mắt dõi theo mình. Trong một thoáng bắt gặp tia nhìn cuối cùng của cha già phóng tới, hắn thấy ông khóc, miệng méo xệ. Hắn gục mặt vào vai người tù kia, bặm môi lại: Đừng khóc.
Cả tháng trời sau đó nằm trong bệnh xá, hắn luôn bị cắn rứt bởi tờ đơn bảo lãnh mà hắn đề nghị cha hắn làm. Nội dung lá đơn—theo mẫu viết sẵn của trại—buộc người đứng đơn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hành vi của người được bảo lãnh. Có nghĩa rằng, cha hắn phải vào trại cải tạo thay hắn nếu hắn bỏ trốn trong thời gian được tạm tha để điều trị. Đó không phải là lời hăm dọa suông. Chế độ này thừa dã tâm để quản thúc tù nhân dù trong hình thức cùm chặt hay thả lỏng. Hắn muốn trốn trại nhiều lần rồi mà không được. Bây giờ hắn hy vọng được thả ra một cách công khai qua tờ đơn bảo lãnh, và rồi hắn sẽ thương lượng với cha hắn như thế nào để ông đồng ý cho hắn trốn luôn trước khi hết hạn tạm tha. Hoặc giả, hắn sẽ thuyết phục ông đi theo hắn vào mật khu hay trốn ra nước ngoài. Ý đồ trốn đi thôi thúc hắn và sự dằn vặt chính đó càng tăng. Nghĩ đến người cha phải đem thân già mà thế mạng cho mình hoặc cùng chịu gian nguy đi trốn với mình, hắn thấy xốn xang trong lòng, không sao chịu nổi. Vậy mà thằng bạn tù thân nhất của hắn cứ xúi giục:
“Anh phải cân nhắc kỹ lưỡng quyết định này. Đó là dịp may chỉ có một lần trong đời cải tạo, không chịu trốn thì đừng mong có lần sau. Tôi biết anh có tên trong danh sách những tù nhân bệnh nặng được đề nghị cứu xét tạm tha. Danh sách đợt này là đợt cuối để đẩy hết đám tù thân tàn ma dại ra khỏi bệnh xá, anh rõ quá mà! Trong hiện trạng của đất nước, phải đặt đại cuộc lên trên. Nếu cần, hy sinh luôn ông già. Nhóm mình bị bắt ráo rồi, thoát được người nào tốt người đó. Phải gầy dựng lại lực lượng, tiếp tục đấu tranh, không lý tịt luôn. Tôi tin rằng ba anh cũng sẽ mãn nguyện nếu biết chắc anh còn sống và thoát để dấn mình vào việc lớn.”
Hắn nghĩ lời thằng bạn cũng có lý nếu đang nói với Lê Lợi hay Quang Trung. Còn hắn, hắn là cái khỉ gì mà phải đành đoạn hy sinh người cha hiền! Dù vậy, phải công nhận ý kiến của người bạn cũng lôi cuốn lắm. Trốn, quả là hấp dẫn và hợp lý. Chôn thân vĩnh viễn trong trại cải tạo thì phi lý quá.
Vào dịp lễ Giáng sinh năm ấy, danh sách những cải tạo viên bệnh nặng không thể chữa trị được Ty Công An tỉnh và trại cải tạo cứu xét trả tự do. Hai trăm bốn mươi ba tù nhân thuộc diện hình sự và vượt biên được cấp lệnh tha. Cả trại nhốn nháo lên. Nhưng diện chính trị phạm như hắn chẳng thấy được đề cập đến. Lòng hắn chùng xuống, thất vọng. Tiễn đưa nhiều người bạn tù và đàn em ra khỏi bệnh xá, hắn thấy rõ hy vọng của mình bị cuốn trôi theo bước chân hí hửng của họ.
Hắn lặng lẽ lui về một góc bệnh xá. Buồn. Hút thuốc. Nhưng cùng lúc, hắn thấy nỗi dày vò trong hắn như được đánh tan đi. Hắn không còn phải cân nhắc giữa tình nhà và nghĩa nước nữa. Cả hai sự chọn lựa này đều mang lại sự ray rứt dằn vặt cho lương tâm hắn.
“Cám ơn ba đã không tạo điều kiện cho con làm việc bất hiếu,” hắn tự nhủ như vậy mà thực không phân định được đó là lời an ủi cho nỗi tuyệt vọng của mình hay chính ra là phản ảnh chua xót của thái độ chấp nhận.
Phải ba ngày sau đó, hình ảnh những tù nhân cầm lệnh tha bước ra khỏi trại mới thực sự được xóa nhòa trong tâm tưởng hắn. Bất ngờ vào sáng ngày thứ tư kế tiếp, hắn được gọi tên cùng năm chính trị phạm khác, lên trình diện tại văn phòng trại. Họ, sáu tù nhân chính trị được cấp lệnh tạm tha ngay hôm đó.
Không thể nói rằng hắn đã không mừng rơn khi nhận cái lệnh tạm tha mà hắn biết rồi sẽ đẩy hắn vào tình trạng khó xử. Hắn mặc kệ không cần biết là tạm tha hay tha bổng. Cứ về cái đã. Nỗi hân hoan bồng bềnh dưới những bước chân hắn trên con đường đưa ra cổng trại. Đất trời thênh thang, đường xá nhộn nhịp. Tất cả đều như chung hưởng niềm hoan lạc tràn đầy trong lòng hắn.
Trên chuyến xe lam về Sài Gòn, đang phấp phỏm với niềm vui sắp gặp lại người thân trong gia đình, hắn bỗng nhác thấy ý muốn trốn thoát lởn vởn trong đầu mình. Hắn xua nó đi nhưng nó vẫn lì lợm quay lại với lý do của nó. Và hắn chợt nhận ra cái kẽ hở mà cán bộ trại cải tạo, không biết vô tình hay cố ý, đã mở hé ra cho hắn. Ai sẽ chịu trách nhiệm về hắn trên quãng đường từ trại cải tạo đến Sài Gòn rồi từ Sài Gòn ra Nha Trang, nơi cư ngụ của gia đình hắn? Rõ ràng là hắn có thể trốn ngay lúc này mà chẳng ai trong gia đình hắn phải chịu liên lụy cả. Nhưng, cũng có thể suy ngược lại: hắn có thể bị người cộng sản thủ tiêu trước khi về đến nhà mà trại cải tạo không chịu trách nhiệm. Cộng sản mà giăng bẫy thì khó mà lường được cái gì sẽ xảy ra. Họ có thể giết hắn, có thể theo dõi xem hắn thường liên lạc với ai hoặc bám sát hắn đến tận mật khu mà hắn dự tính trốn vào. Sau nhiều phút hoang mang, cuối cùng hắn quyết định là cứ về nhà người chị ở Sài Gòn dò xét thực hư thế nào, sau đó hẵng hay. Niềm vui của hắn vì vậy mà giảm đi cường độ, thay vào đó là một ít lo âu và dè dặt.
Nhà người chị trong một chung cư đối diện dãy lầu của đoàn văn công thuộc Sở Công An thành phố. Nơi ấy thật là bất tiện cho một gã tù chính trị như hắn ghé vào. Nhưng hắn chẳng biết làm sao hơn. Hắn đứng trước nhà, ngạc nhiên nhìn cánh cửa có khóa trái ở bên ngoài. Thường cửa chỉ khóa khi nào bà chị đi xa. Hắn sốt ruột, gõ cửa, nhưng biết như vậy là khùng, hắn ngưng.
Chẳng biết làm gì và đi đâu, hắn đành tựa lưng ngoài cửa đứng đợi, hy vọng bà chị sẽ trở về một lúc nào đó. Đứng tựa cửa một hồi lâu như thế, hắn chợt nhớ tới người cha hiền lành của mình. Có lẽ giờ này ông cũng đang đứng tựa cửa ở căn nhà nhỏ ngoài Nha Trang, mong đợi kết quả của tờ đơn bảo lãnh. Lòng hắn rộn rã lên, ước mong sớm gặp cha chỉ để ôm chầm lấy ông mà thôi.
Năm phút sau, có người hàng xóm đi ngang. Thấy hắn, bà ta đứng lại, trố mắt hỏi:
“Có phải Hoàn đó không?”
“Dạ, tôi đây.”
“Ở tù mới về?”
“Dạ phải.”
“Nghe tin gì chưa?”
“Dạ tin gì?” hắn choáng váng, linh cảm một cái gì bất thường đã xảy ra.
“Ba Hoàn mất rồi,” bà nhỏ giọng nói, mắt nhìn ái ngại. “Chị Thu bế con đi Nha Trang hôm qua. Các anh chị của Hoàn đều ra ngoài nhà hết, chẳng còn ai trong này đâu.”
Hắn lặng người đi, vịn tay vào vách. Đôi chân vốn đã yếu càng thêm loạng choạng như muốn sụm.
Người kia nói tiếp:
“Đón tàu hỏa đi liền chiều nay thì kịp trước giờ hạ huyệt. Ba Hoàn mất hôm kia. Ngày mai mới chôn. Đi đi. Ra ga ngay bây giờ, còn chuyến tàu sáu giờ chiều nay, sáng sớm ngày mai đến Nha Trang rồi.”
“Dạ,” hắn nuốt cục nghẹn xuống, “để tôi đi liền. Cám ơn chị.”
Ra khỏi khu chung cư, hắn mới thấy mình không đủ sức đi bộ xa hơn và cũng không thể kham nổi một đêm đứng trên tàu hỏa chật ních những người và hàng hóa. Ngẩn ngẩn ngơ ngơ, hắn bước đi chuệnh choạng ngoài phố không hướng về một mục tiêu nào hết. Hắn chẳng biết phải về đâu. Chứa chấp một tù nhân chính trị là điều mà mọi người, trừ phi là ruột thịt, đều e dè. Ý nghĩ này khiến hắn gần như muốn quên luôn là cha hắn đã chết.
Vừa bước đi hắn vừa cố nghĩ xem có thể tá túc được ở đâu cho qua đêm nay. Không tìm được chỗ ngủ trước giờ giới nghiêm thì lại lần nữa bị rơi vào cái vòng khó khăn phiền nhiễu với công an.
Sau cùng, hắn gọi xích lô chở đến nhà một người bạn. Lên xe, hắn buông người xuống và nghe lòng mình tê đi dưới một sức nặng. Dường như mọi cơ năng của thể xác lẫn tinh thần đã không còn đủ sức chống đỡ và gượng dậy dưới sự chụp phủ của một biến chuyển to lớn đến thế. Hắn cũng không khóc nổi dù rằng lúc ấy hắn không hề có ý kềm chế xúc cảm của mình. Mắt hắn ráo hoảnh, và hắn có thể nghe rõ sự tê liệt không chỉ tập trung nơi đôi chân mà còn lan dần khắp cả người, vào tận những góc xó kín đáo nhất của tâm hồn nữa.
Mừng rỡ, người bạn đưa hắn vào nhà rồi ôm chặt hắn, khóc ròng. Hắn vẫn trơ trơ, như một người nộm. Rồi hắn nằm xuống, nhìn trần nhà, mặc bạn hắn nói gì thì nói. Khi bạn hắn xuống bếp làm thức ăn, còn lại một mình, hắn mới bắt đầu ý thức dần dần sự tồn tại của chính mình với một niềm đau thống thiết. Hắn nhớ đến cha già với bàn tay xanh gầy rút khỏi mặt bàn và đôi mắt rưng lệ khi thấy hắn được cõng đi như một kẻ tàn phế. Hắn nghe quặn đau trong lòng mà vẫn không sao khóc nổi. Có lẽ niềm vui cực độ của sự tự do vẫn còn rung dài âm hưởng của nó khiến cho nỗi đau khổ, dù to lớn, cũng bị dội ngược và nén lại thành một khối âm u, nặng như chì, treo lơ lửng trên bờ vai của trái tim, không làm trái tim ngưng đập nhưng khiến cho nó phải rạn nứt từng hồi với một sự cọ xát âm hiểm và bền bĩ.
Ngày qua ngày, hầu như ý hướng muốn trốn vào mật khu cũng bị chết mòn theo trạng thái rũ liệt của tâm hồn hắn. Phải một tuần trôi qua, hắn mới thực sự cảm thấy là đã đủ sức làm một chuyến đi xa: hắn đón xe đi Nha Trang.
Bước vào nhà, thấy mẹ mang vành tang trắng, mí mắt hắn thoáng sụp xuống. Bầy em chạy a đến ôm hôn hắn, mừng và cười sung sướng, làm như thể trong nhà không có đại tang vậy. Hắn lặng lẽ ngồi xuống ghế, xoa nhẹ đôi chân.
Mẹ hắn bước đến cạnh. Hai mẹ con nhìn nhau không nói gì. Dường như người mẹ đang còn phân vân không biết nên vui với sự trở về của hắn hay là nên cùng hắn chia xẻ nỗi đau về sự ra đi của một người thân. Phải một lúc lâu bà mới nói:
“Thôi, con vào thắp nhang cho ba nghe.”
Hắn đứng dậy, nén tiếng khóc. Thắp nhang cho ba. Những tiếng đó xác minh cho hắn thêm lần nữa là hắn đã mất đi vĩnh viễn người cha hiền lành của mình rồi. Trong khi mẹ đốt nhang, hắn nhắm mắt lại một lúc, tự nhủ: “Đừng khóc.” Khi mở mắt ra, hắn vẫn chưa dám nhìn thẳng vào ảnh cha mà nhìn vào một tấm lụa trắng treo bên cạnh bàn thờ, trên đó có ghi hai câu thơ tiếng Việt, viết bằng bút lông với mực Tàu:
“Trời mênh mang
Đất mênh mang
Người đi để lại nhân gian nụ cười.”
Dưới hai câu thơ có đề tên những bằng hữu của anh hắn. Có lẽ cha hắn đã mỉm cười khi nhắm mắt. Nụ cười ấy, đối với mọi người, hẳn là mang nhiều ý nghĩa thâm thúy. Nhưng với riêng hắn, đó là lời cuối cùng ông trao đến hắn: nụ cười mãn nguyện của một người cha khi biết rằng cái chết của mình sẽ mở lối tung hoành cho một đứa con tàn phế khổn nạn.
Hắn bắt đầu nhìn vào ảnh thờ. Khung ảnh đặt trên bàn, tựa vào vách. Khoảng cách giữa hắn và người cha bây giờ vẫn là khoảng cách của một chiều ngang cái bàn. Cái bàn này nhỏ hơn cái bàn ở phòng thăm nuôi nhiều. Nhưng hai thế giới, chính lúc này mới thực sự là không thể vói đến nhau được. Cha hắn đã rút bàn tay gầy guộc của ông ra khỏi mặt bàn, vĩnh viễn. Vẫn ngoan cố kềm chế tiếng khóc của mình, hắn đón nhận ba cây nhang từ tay mẹ, đưa lên trán. Đầu óc hắn trống rỗng. Hắn chẳng khấn vái gì, vì hắn biết khấn vái với người chết có nghĩa là lập một cuộc đối thoại và cuộc đối thoại này sẽ đánh bại ý chí cưỡng lại tiếng khóc của hắn. Nhưng, trong khi hắn lui về cố thủ trong tường thành ám thị của mình để trốn chạy những giọt lệ thì chính mẹ hắn đã mở một cuộc đối thoại. Bà đứng bên cạnh bàn thờ nói với cha hắn y như là ông vẫn còn ngồi đó vậy:
“Con ở tù mới ra, về thăm ông, đó ông.”
Hắn khóc nấc lên. Những giọt lệ tích lũy từ trước đến nay tuôn ra như nước trào từ một con đê vỡ. Hắn đã cho mình khóc, khóc thật lâu và bi thiết đến nỗi cả nhà phải khóc theo, tạo nên một bản hợp tấu kết tinh bao chất liệu trầm thống của kiếp người.
Hắn, chẳng phải ai khác, chính là tôi vậy.
Không can chi phải kềm chế tiếng khóc khi bạn có thể khóc được. Tiếng khóc cũng như giọng cười, đều thơ mộng như nhau và là những biểu hiện trung thực của con tim chúng ta trước bước đi thăng trầm tất nhiên của cuộc sống.
Và thực ra, cái đẹp của tâm hồn không phải ở chỗ quanh năm băng giá mà là biết tan chảy hay ngưng đọng một cách nhịp nhàng theo điệu luân vũ bất tuyệt của bốn mùa cây cỏ.
 
Virginia, 1989

Xem Tiếp: ----