Ta ngoái lại, cái cột ăngten bưu điện trong thành phố xa dần, ta hơi ngẩn ngơ một chút, vậy là mình đã bứt ra khỏi những cuộc hội họp triền miên, những trận tennis hay vào mỗi sáng chiều, những đồng sự bạn bè quen thuộc đến từng nốt ruồi, chấm tàn nhang, vết sẹo trên khuôn mặt.
Ta chui đầu vô chiếc xe đò ọp ẹp, chật cứng, nóng bức, nồng nặc hơi người. Ta nhớ chiếc xe hơi sang trọng và anh tài xế lanh lợi ở nhà, ta nhớ quá, nhưng nghĩ, mình phải bắc chước vua Càn Long, đi vi hành chịu khổ một chút mà hay ho lắm. Chiếc xe bò lắc lư trên con đường đầy ổ voi ổ ngỗng, anh thanh niên ngồi cạnh cửa ôm xâu lưỡi dá trong lòng, chắc lưỡi than, đi điệu này dìa chắc nín "ị" năm bảy bữa. Cả xe cười ha ha ha. Mỗi lần xe xụt xịt chúc đầu xuống dốc cống, bà má ngồi kế bên anh lại nói lịu, "Ý chụt má mầy ra… ý chết cha bà già…". Ta nghe cái mùi trầu hăng hăng thoảng ra từ cái miệng duyên dáng của bà. Trời ơi, tim ta nhói một cái, mùi trầu quen thuộc của mẹ, của ngoại ngày xưa. Rồi bà má day qua ta, hỏi:
- Bây đi công tác hay là về thăm nhà? Bây xuống chỗ nào?
Ta lặng đi một chốc, mình xuống chỗ nào cà, bác tài, bác tài ơi, cho tôi xuống chỗ có bầy trâu kia đi.
Ta bị bỏ lại giữa con đường còn mướt sương mai, bên một bờ cỏ rộng có bầy trâu đang thủng thẳng nhơi nhơi. Hai thằng nhỏ chăn trâu ốm nhom, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn, khuôn mặt teo héo như đít trái dừa khô ngó ta lom lom, như sợ ta ôm con trâu chạy mất. Không đâu con, bác chỉ đứng đây thôi, để ngửi lại cái mùi khai ngai ngái của trâu, để ngó mặt trời lựng bựng lên từ phía chân trời. Ta khẽ lặng người đi, có cái gì đó bén lắm khẽ cứa vào khúc ruột, ta đã tìm cảnh có trâu có cỏ như vầy lâu lắm, vì đôi khi nhớ tiếc một thời thơ ấu trong trẻo, ngọt lịm như mía lùi. Bây giờ tìm được cỏ với trâu, lòng có bình yên nữa đâu mà thưởng sáo với diều, chán thiệt. Ngồi không cũng buồn, ta kiếm chuyện nói chơi, Trời ơi, có phải lúa kia không, mấy đứa coi, lúa xanh cả vạt đồng kìa. Hai thằng mọi cười chảy nước miếng, năn đó cha nội, lúa đâu mà lúa, đất này phèn trắng xác, nước sâu hòm, tui sống còn không nổi, nói chi lúa. Ủa, vậy sao, vậy sao, hồi đi công cán bằng xe hơi qua đây, cái vạt xanh nầy, ta đã tưởng là lúa. Ta nghe lòng thẹn thò một chốc, rồi, hỏi, mấy người đang lom khom đằng đó chắc là đang dận cù bắt chuột nhậu hả. Hai thằng nhỏ lại cười, họ đi đặt trúm bắt lươn bán đó, cha nội, đói muốn lòi con mắt còn lo nhậu nhẹt gì. Ta nín thinh luôn.
Ta vẫy một chiếc xe khác, đi thêm một đỗi đường. Ông già ngồi bên sắp ngủ gật, nghe ta hỏi làm ăn lúc nầy khá không, ổng tỉnh dậy, khá gì, đắp đỗi qua ngày thôi. Cái gì cũng lên giá, nè, khoanh thuốc gò nầy bữa nay lên thêm ngàn hai, vậy là mất toi một ký cải xanh. Tưới trần ai mới được ký cải, đi chợ dìa bữa nào cũng buồn đã đời, ngó thấy người ta uống chai bia chín mười ngàn, uống cái ọt, rôi đi đái hết trơn. Xong uống chai khác. Mình kiếm được chín mười ngàn trần ai khoai củ, "đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái". Cái nầy tui coi truyền hình rồi nói theo chơi, đâu có hiểu gì đâu. Mà, tui thấy chú em hơi quen quen, chú ở Giáp Nước hay Thị Tường?
Tim ta nhói lên một cái, mấy tiếng đó nghe thương, như đất là quê hương, là nhà của mình, người dân ở đó hiền hậu bao dung y hệt người cha, người mẹ, cô em gái nhỏ của mình. Nơi đó, có khi tám, hay mười tám năm rồi ta chưa về lại. Vậy thì bác tài ơi, cho tôi xuống chỗ đầu kinh kia đi.
Ta run rẩy bò lên những cây cầu khỉ, ta lồm cồm men theo con đường đất lở lói, đứt khúc bởi những cống mương,. Ta ra đi từ giải phóng, gần ba mươi năm rồi nhưng xứ sở vẫn còn nghèo. Ngoài vườn, cây trái xác xơ, phơi mình chang chang trong nắng là những đầm tôm, mà không, nước thì nhiều chứ có tôm gì đâu. Gạo còn ít, lon sữa bò cạo lên đít khạp nghe cồn cào dạ khách.
Nhưng tấm lòng cởi mở, nhiệt thành, hào sảng của dân xứ Đầm thì còn. Mèn ơi, thằng Hai, thằng Hai nè bà nó ơi, cái thằng, lâu lắm… Coi anh Hai mập mạp tốt tướng lắm, má à. Bà má mắt mờ rờ rờ bụng ta, cười khùng khục, í, bụng bây inh có chửa năm bảy tháng, nhớ hồi đó, mỗi khi đi công tác về, bây chỉ cái bụng xẹp lép, kêu nghe ọt ọt, than, má ơi, đói quá, thấy mà thương. Ta cười sượng trân, con nhớ mà má Ba. Má cười, Tổ cha bây, nhớ lộn má Ba bên xóm Huế hả, tao là má Bảy, hỏng nhớ he?
Và còn nhiều bà má, ông ba khác, người đã mất, người còn thì lẫn lộn nhớ quên. Nhưng những người phụ nữ xứ sở này bảo rằng chưa bao giờ quên ta. Những Duyên, Diệu, Xuyến, Nương, hay Bé Ba, Bé Bảy… tóc bới gọn trong bao lưới, thầm lặng bạc theo tháng ngày, những người phụ nữ ưa mặc áo bà ba, có cái đã bạc màu, có cái được vá khéo năm ba chỗ. Họ biểu thằng cháu nội lục trong tủ thờ, lôi ra cuốn sổ đầy cứt gián, anh Hai coi, tập chép bài ca anh chép cho tụi em còn nguyên đây nè. Họ lật ngay trân cái trang chi chít nét chữ của ta. Họ giữ cái khăn tắm trước hôm đi chiến dịch ta nhờ giặt, cái hầm cạnh bụi tre gai… Mà ta thì không nhớ gì hết, trong những Tâm, Hường, Pha, Chi, Hiền hay Bé Năm, Bé Chín… ai đã run rẩy đưa bàn tay cho ta nắm hôm đoàn văn công giải phóng về diễn ở Vịnh Dừa, ai đã bơi xuồng đưa ta vượt Đầm trong một đêm giông gió lớn. Ai đã thầm lặng đắp mền cho ta vượt qua cơn sốt rét?
Ai người thương nhớ trong số những người chiều nay rót rượu cho ta?
- Nhớ không anh Hai, hồi anh ở nhà em, anh em tụi mình thương nhau còn hơn ruột thịt. Gặp đây, rồi nhớ anh Hai ở Tỉnh Uỷ, anh Bảy ở Uỷ ban, anh Tư ở Tỉnh đội, anh Mười ở công an… Mấy anh ở Cà Mau hết chớ anh, anh cũng gặp mấy ảnh thường chớ? Nghe hai tiếng Cà Mau sao thấy thương quá chừng, nghe gần xịt một bên lòng như xuống xuồng chống vài ba sào sẽ tới. Là vì ở đó tụi em có rất nhiều người quen, cái tánh người ta kỳ cục, đất nào có người quen ở, dầu chưa tới cũng nghe mến mến làm sao đâu á. Tụi em nhắc với nhau hoài, nhớ mấy anh, nói bữa nào tụi em kéo lên Cà Mau chơi hai ba bữa mới dìa.
Chợt những người phụ nữ trầm ngâm (Ui chao, đó là lúc ta thấy lưng họ đã còng, đôi vai oằn vì gánh đời đã mỏi)
- Nói vậy chớ… nghèo quá hà… tụi em nhớ nhưng ngặt tới mấy anh cũng khó.
Ta thương muốn ôm cô vào lòng, muốn nói lên vạn lời xin lỗi, nhưng làm vậy coi … cũng kỳ, người lớn rồi, làm lãnh đạo rồi… đành uống với nhau ly này, ly này nữa, uống thay lời tạ lỗi, uống say cho đỡ mắc cỡ.
Uống cho tới khi xuống xuồng về, bà má Bảy sợ ta say quá rớt xuống mấy bờ mương, biểu cô con gái đưa ta đi một đỗi đường. Dường như cả xóm ra tiễn ta hay sao ấy, đông quá chừng đông. Người phụ nữ bơi đằng lái, cứ nhìn ta bằng ánh nhìn rất lạ, như day diết, hờn giận, như tủi buồn. Nước bắt đầu ròng, cô vo quần nhảy xuống, lội ọp ẹp, đẩy xuồng rướn lên bãi. Ta nghe đau một cái như ai ngắt chỗ bắp đùi non. Chèn ơi, cảnh này, người nầy, sao mà thấy quen quá chừng, để coi, để coi, nhưng cô đã xô xuồng ra, cô hỏi vói lại:
- Làm lãnh đạo, chắc là mắc công chuyện dữ lắm, hả anh?
Ta chợt nghe một hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Trời ơi, Tư Én, có phải là em không, là em bơi xuồng đưa tôi qua Đầm đêm đó, tôi hỏi chừng nào em có chồng, em nói hòa bình. Lúc qua bờ em còn nhắn theo, "Em chờ anh Hai dìa!".
Ta chạy theo chiếc con mỏng manh trên dòng kinh nhỏ, ta la lên ơi ới, trời ơi nhớ rồi, tôi nhớ rồi, cô Én ơi.
La tới đó thì nghe tiếng cậu thư ký phân trần, "Chú Hai đã bay từ Hà Nội về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về đây gần hết đêm, chắc là mệt lắm". Ủa, sao kỳ vậy, Tư Én đâu mà thằng nầy nó chọt vô vậy cà, ta loay quay tìm đường ra khỏi cơn mơ.
Cậu thơ ký gọi khẽ, "Tới lượt chú phát biểu rồi, chú ơi!". Chú Hai choàng tỉnh ngay, sửa lại kính, e hèm. "Xin lổi các đồng chí, tôi hơi mệt, nhưng không sao, ta vào vấn đề…"

Xem Tiếp: ----