Mây đang dạo bước trên đường phố, dọc theo bãi biển để ngắm hàng hóa và kẻ qua, người lại thì có tiếng gọi ơi ới ở phía sau: - Cô Mây! Cô Mây! Rồi một người đàn ông trạc ngoài ba mươi, diêm dúa trong bộ quần áo thể thao màu trắng, chạy đến trước mặt Mây cười toe toét: - Cô nhớ con không? Con là thằng Sừng đây này! Mây cũng cười thật vui. Hình ảnh Sàigon và khu chợ trời nhộn nhịp trong những năm đầu mất nước chợt lướt nhanh trong trí nàng. Mây cười nói: - Phải Nguyễn Văn Sừng, tuổi con dê, đảng trưởng đảng chôm chỉa ở khu Nguyễn Thông không? Người đàn ông tên Sừng cười hăng hắc: - Cô hay thật, con không ngờ cô nhớ cả gia phả của con nữa! - Trong đời, có mấy người đặc biệt như anh? Tôi phải nhớ chứ! Sừng hơi khựng lại vì cách xưng hô của Mây, chàng đề nghị: - Cô cứ gọi con là con hay là Sừng và xưng là cô như ngày xưa, con thích hơn. Mây ngắm nghía Sừng rồi đáp: - Anh lớn rồi, lại có vẻ “oai” nữa, xưng hô như vậy coi bộ không ổn. Sừng cười hồn nhiên: - Với cô, con vẫn là thằng Sừng năm xưa cô ạ. Một người đàn bà khá đẹp và hai bé gái khoảng chín mười tuổi vừa đi tới, Sừng giới thiệu: - Đây là cô Mây hồi xưa ở khu Nguyễn Thông, đây là Quỳnh, vợ con và hai cháu Thu Vân, Thanh Vân. Quỳnh reo lên: - A cô Mây! Thỉnh thoảng nhà em có nhắc tới cô. Hôm nay được gặp cô, có lẽ nhà em vui hơn trúng số! Sừng nói với vợ: - Nhất định rồi! Bây giờ em đưa các con đi phố, đi càng lâu càng tốt. Ba mẹ con muốn mua gì thì mua để anh mời cô vào quán uống nước và nói chuyện xưa tích cũ. Mây đẩy cánh cửa sắt, dồn sát vào một bên, rồi xếp lại những hàng hóa trên một cái bàn thấp kê ở ngay phía cửa ra vào. Nàng làm những công việc này tỉ mỉ như một cô bé đang chơi những món đồ chơi lạ. Một nỗi buồn tủi dấy lên trong lòng khi Mây nhớ đến thầy cô và các bạn. Từ nay, Mây phải chính thức lăn vào đời để kiếm tiền nuôi mẹ ốm đau và ba đứa em nhỏ. Từ ngày bố Mây đi “học tập cải tạo”, cả nhà chỉ trông vào mình nàng. Đồ đạc trong nhà đã bán đi gần hết. Cũng may, nhà nàng ở mặt đường nên Mây cũng bắt chước những người hàng xóm buôn bán để kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Có tiếng cãi vã vọng sang từ tiệm kế bên: - Đồ quỷ sứ chúng mày! Bước đi chỗ khác để cho tao buôn bán. Mới bảnh mắt ra đã đến ám quẻ rồi. Tao thì đập cho một trận bây giờ. - Tụi tôi đứng ngoài này kệ cha tụi tôi chớ, mắc mớ gì tới bà? - Mắc mớ chớ sao không? Tụi bay rình rình, lúc tao sơ ý lại ăn cắp ăn trộm, ai còn lạ gì tụi bay. - Này, bà đừng có vu khống đó nghe. Chừng nào bắt được tận tay tụi này ăn cắp hãy hay. Bà nói láo nói lếu, tụi tôi đập bể tiệm bà ra thì đừng có trách. - À, tụi bay giỏi nhỉ? dám dọa tao đấy phải không? Tao mà thưa công an thì tụi bay ở tù mút chỉ nghe các con. - Nhà tù làm chó gì có chỗ mà chứa những đứa như tụi tôi mà bà dọa cho mất công! Lời qua tiếng lại một hồi rồi hai bên cũng ngưng chiến. Mây nhớ đến lời dặn dò của bà Tú ở tiệm kế bên: “Bán hàng ở đây, cô phải để ý mấy đứa nhỏ bụi đời, chúng nó ăn cắp như ranh ấy!” Mây vừa nghĩ tới đó thì ba bốn đứa trẻ đã “viếng” gian hàng của nàng. Chúng chỉ độ chín mười tuổi. Cả mấy đứa đều ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, nhưng trông rất khỏe mạnh. Một thằng bé có đôi mắt sáng và cái trán cao nhô ra, đưa tay sờ sờ vào cái đồng hồ báo thức, nhìn Mây và hỏi: - Cô mới mở tiệm hả? - Ừ, cô mới mở được hai ngày. Thằng bé có vẻ thành thạo: - Ở đây, thường thường buổi chiều đông hơn buổi sáng, bán hàng đã lắm! Một nét vui thoáng xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ và bướng bỉnh của thằng bé. Có lẽ, nó đang nghĩ tới những buổi chiều đông đúc, một cơ hội cho bọn chúng làm ăn. Mây chỉ vào một cái ghế kê ở lối đi vào và nói: - Ngồi chơi đi em, mới sáng ra cũng chưa có khách khứa gì đâu. Thằng bé mở lớn đôi mắt nhìn Mây. Nó có vẻ thương hại cho cô chủ tiệm ngây thơ đã không biết thân thế và sự nghiệp của bọn chúng. Nó đứng im một lúc, rồi lẳng lặng ngồi xuống. Mây hỏi: - Em ở đây với bố mẹ hả? - Không, con ở một mình. Con bị thất lạc bố mẹ hồi năm bảy mươi lăm. Hình như thằng bé không muốn nhắc đến chuyện cũ, nó vội vã đứng lên: - Thôi, chào cô, bọn con phải đi tìm cái gì ăn sáng. - Em tên gì nhỉ? - Con tên là Sừng. - Thỉnh thoảng Sừng ghé cô chơi nhé! Trong khi Mây nói chuyện với thằng Sừng thì một đứa trong bọn đã luồn tay xuống dưới gầm bàn, lấy một vật gì rồi lảng ra chỗ khác. Buổi chiều hôm ấy, thằng Sừng trở lại, nó hỏi Mây: - - Tại sao sáng nay cô biết bọn con ăn cắp mà cô không la và bắt lại? - Cô đâu có biết. Thế bọn em ăn cắp của cô thật à? - Cô nói xạo. Bạn con bảo cô nhìn thấy mà cô làm bộ ngó lơ. - Cô đâu có điên như vậy. Thằng Sừng cười phá lên: - À, thì ra cô điên thật! Biết tụi con là dân bụi đời, đến ăn hàng ở tiệm cô mà cô còn bắc ghế mời ngồi. Ban đầu, con tưởng là cô không biết chứ, con ngu thật! Từ hôm đó, Mây có một người bạn nhỏ tên là Sừng. Thằng Sừng thường dặn dò đám đàn em: - Tụi mày không được lạng quạng ở tiệm cô Mây nghe chưa! Đứa nào không nghe lời tao, tao khai trừ ra khỏi đảng thì đừng có trách. Ít lâu sau, thằng Sừng mang đám đàn em đi làm ăn ở nơi khác. Thỉnh thoảng nó trở lại thăm Mây, khi thì biếu nàng gói xôi, khi thì vài trái bắp, khi thì mượn nàng chút tiền để chi dùng cho cả bọn. Lần nào, nó cũng trả lại sòng phẳng. Một lần, Mây đề nghị với thằng Sừng: - Cô cần người phụ bán hàng, con về làm cho cô được không? Thằng Sừng suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: - Không được cô ạ. Con phải lo cho tụi bạn, không có con, tụi nó như rắn không đầu. Thằng Sừng buồn rầu tiếp: - Con lớn rồi, con có thể giải nghệ. Nhưng lũ nhỏ thì vô phương cô ạ. Ngoài việc ăn cắp ăn trộm, chẳng biết làm ăn gì, ai mướn tụi nó hả cô? Một đêm, gia đình Mây đang ngủ thì có tiếng đập cửa rầm rầm: - Cô Mây! Cô Mây! Con là Sừng đây, mở cửa cho con với! Mây mở cửa, thằng Sừng chạy áo vào nhà với khuôn mặt tím bầm và cánh tay be bét máu. Nó thở hồng hộc, nói không ra hơi: - Con bị công an đánh, cô cho con trốn ở đây nhé? Mây khóa cửa cẩn thận, nói rất nhỏ: - Nói khẽ chứ, để cô tắt đèn, kẻo họ thấy con thì nguy lắm! Sáng sớm hôm sau, Mây chở thằng Sừng ra bến xe, mua cho nó một vé đi Đà Nẵng theo lời yêu cầu của nó. Trước khi lên xe, thằng Sừng rơm rớm nước mắt: - Cô nói với tụi nhỏ bạn con là con thương tụi nó lắm, nhưng con phải đi vì ở lại họ sẽ giết con mất! Từ đó, thằng Sừng đi biệt tăm, biệt tích cho tới ngày hôm nay, tình cờ Mây gặp lại nó nơi xứ lạ quê người. Ngoài cái trán nhô và đôi mắt sáng, người đàn ông trước mặt nàng không còn một vẻ nào của thằng Sừng năm xưa. Mây ngồi yên bên ly nước cam vàng óng, mắt nhìn ra biển, lắng nghe Sừng kể lại cuộc đời nổi trôi của có... Một sự màu nhiệm đã đưa đẩy Sừng leo lên con tàu vượt biển vào một đêm không trăng. Đêm hôm ấy, Sừng đang nằm trốn ở một bụi cây, ngủ khò sau một ngày lang thang bán đậu phọng rang trên bãi biển thì có những tiếng chân chạy thình thịch vang lên. Đã quá quen với sinh hoạt của vùng biển, nên Sừng biết ngay đây là một toán người vượt biên. Sừng dở mình, định ngủ tiếp. Bỗng có tiếng trẻ khóc thút thít, gọi mẹ nho nhỏ: - Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi? Sừng nghe như tiếng kêu khóc của chính mình mấy năm về trước. Năm bảy mươi lăm, nó cũng bị thất lạc bố mẹ trong lúc chạy giặc như cô bé này. Và từ đó, nó sống lay lứt nơi đầu đường xó chợ với những đứa bạn cùng cảnh ngộ. Sừng dụi mắt, ngồi phắt dậy, chạy theo cái bóng đen nhỏ xíu. Nó bồng cô bé lên và bảo: - Để anh bồng, đuổi theo mẹ cho kịp nhé! Không đợi cô bé trả lời, Sừng bế thốc cô bé lên, cắm đầu mà chạy. Tiếng sóng biển vỗ ầm ầm trong đêm khuya tĩnh mịch. Gió rít từng cơn, thổi phần phật chiếc áo khiến Sừng cảm thấy lành lạnh. Bầu trời tối đen, thỉnh thoảng có một vài vì sao ở thật cao và thật xa. Chẳng bao lâu, Sừng thấy đoàn người đang xô đẩy nhay leo lên một con tàu được dấu sát bờ biển, phía sau lùm cây um tùm. Nó bồng cô bé, len vào đám đông. Rồi nó bị kéo lên tàu. Một khối người khổng lồ ngồi chồng chất lên nhau dưới hầm tàu. Tiếng khóc, tiếng kêu la, tiếng gọi nhau ơi ới. Máy tàu bị trục trặc. Mọi người nín thở chờ đợi. Mãi thật lâu sau mới có tiếng oang oang từ trên boong tàu vọng xuống: - Trời hừng sáng rồi, mọi người muốn đi luôn hay quay về? Những tiếng hét: “Đi luôn! Đi luôn!” vang lên. Từ lúc lên tàu, cô bé vẫn ôm cứng lấy cổ của Sừng mà khóc. Một người ngồi bên, nhận ra cô bé, la to lên: - Chị Liên ơi! Có bé Quỳnh ở trên tàu này! Một người đàn bà từ đằng xa, vừa khóc vừa nói: - Cam ơn Trời Phật! Quỳnh ơi! Con ơi! Mẹ đây này! Cô bé tên Quỳnh được chuyền từ tay Sừng qua tay nhiều người để đến với mẹ. Lúc này Sừng mới nhận ra là một bàn chân của mình dẫm phải miểng chai, máu hãy còn rỉ xuống sàn tàu. Sừng thò tay vào túi quần, lấy ra một cái khăn mùi xoa màu xanh lá cây cũ kỹ, nó buộc chặt vào chân để cầm máu. Sừng cảm thấy cồn cào trong bụng. Thì ra hồi tối, vì quá mệt, nó đã lăn quay ra mà ngủ, không kịp ăn uống gì. Sừng hy vọng một lát nữa, họ phát thức ăn cho những người trên tàu, nó sẽ được ăn ké. Sừng chợt nhớ mấy đứa bạn. Ngày hôm nay, không thấy Sừng, chúng nó sẽ tưởng Sừng bị bắt. Thế nào chúng cũng đi tìm mấy tên công an, hối lộ mỗi tên một bao thuốc lá Vàm Cỏ để chuộc Sừng ra như mọi lần. Không tìm được Sừng, chúng sẽ tưởng Sừng bị bắt, giải đi xa hoặc bị bắn chết và liệng xác ở đâu đó rồi. Sừng áy náy trong lòng. Giá mà có thể quay trở lại thì tốt quá! Chưa bao giờ nó có ý định vượt biên, mặc dù nó biết có nhiều người nghèo vẫn thường canh me, chờ khi có tàu vượt biên là leo đại lên, hoặc gánh và chôn dấu giùm vài thùng dầu là có thể được đi theo. Hồi nãy, Sừng chỉ muốn giúp cô bé tìm mẹ mà thành bị kẹt cứng trong cái hầm tàu này. Con tàu chạy được một hồi lâu. Đã có nhiều người kêu khát nước. Một người đàn ông, dáng người bé nhỏ với cái đầu hói và cặp mắt ti hí, ở trên bo ong tàu đi xuống, đứng ở cầu thang ra lệnh: - Mọi người phải ngồi yên tại chỗ, lát nữa ra khỏi hải phận quốc tế mới được phát nước uống. Tiếng máy tàu chạy xình xịch, tiếng trẻ con khóc hu hu, tiếng người lớn nói chuyện ồn ào hoặc cầu kinh niệm Phật lầm rầm tạo thành một âm thanh hỗn độn. Hình như trong cơn nguy hiểm, tất cả mọi người đều trở thành con ngoan của Chúa, của Phật, của các đấng linh thiêng. Họ mong được Chúa thương, Phật độ, được các đấng linh thiêng giúp cho con tàu được thuận buồm xuôi gió để họ có thể đến được bến bờ. Khi được báo tin là đã ra đến hải phận quốc tế, mọi người reo hò ầm ĩ. Có tiếng vọng xuống, ra lệnh: - Những người nào quá mệt được lên boong tàu, những người khác ngồi yên tại chỗ. Sừng đỡ một cụ già lên boong tàu và ở lại trên đó. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng lung linh đổ xuống mặt nước xanh biếc. Giữa cái mênh mông của biển cả, con tàu nhỏ xíu như một chiếc lá, nhồi lên nhồi xuống theo những cơn sóng nhấp nhô, hãi hùng. Thỉnh thoảng, một đàn cá voi, nối đuôi nhau, trồi lên, lặn xuống trông thật gần và đáng sợ! Cuộc hành trình gian lao và đói khát rồi cũng trôi qua. Sau ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển, con tàu cặp ben tại đảo Pulau Laut của Nam Dương, hòn đảo thơ mộng với những hàng dừa cao chạy dài theo bãi biển. Hòn đảo ấm áp tình người với những người dân hiền hòa chất phác. Sau đó, mọi người được chuyển sang đảo Sedanau và Ku Ku. Cuối cùng là đảo Galang. Những buổi học tiếng Mỹ, những bữa cơm Cao Ủy no đủ, những trưa hè đùa rỡn với sóng biển rồi cũng qua đi. Sừng được một gia đình người Mỹ bảo trợ về Washington D.C., thủ đô của nước Mỹ. Từ đó, Sừng không còn là chú bé bán đậu phọng rang trên bãi biển Đà Nẵng. Tình thương của cha mẹ nuôi, cuộc sống êm đềm, tiện nghi và một quá khứ khổ đau đã là những yếu tố để tình cảm và trí tuệ của Sừng phát triển mạnh mẽ. Sừng say mê học, đối với Sừng, học là một đam mê, một khám phá. Sau khi tốt nghiệp trung học với một số điểm khá cao, Sừng được hầu hết các đại học nổi tiếng nhận vào học. Sau khi đắn đo mãi, Sừng đã chọn trường Georgetown. Để tiện việc học hành, Sừng thuê một căn phòng trong một cao ốc gần trướng. Hằng ngày, Sừng đi bộ tới trường, mãi khuya mới về nhà. Cuối tuần, Sừng về thăm gia đình bố mẹ nuôi và gia đình Quỳnh, cô bé mà Sừng đã bồng trong chuyến vượt biên ngày nào. Sừng cũng dành thời giờ để đi dự những buổi sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam trong vùng. Những sinh hoạt này, đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống của Sừng. Thời gian qua mau...Sừng đã thành công trên đất Mỹ. Quỳnh đã trở thành vợ của Sừng và họ đã có hai cô con gái. Để nhớ ơn Mây đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, Sừng đặt tên các con là Thu Vân và Thanh Vân. Sừng ngừng kể chuyện, giọng đầy xúc động: - Nếu đêm hôm đó, cô không cho con trốn tại nhà và cho con vé xe đi Đà Nẵng thì không biết đời con bây giờ ra sao cô nhỉ? Mây cười ròn tan: - Số tử vi của anh khá thì không có tôi anh cũng vẫn sẽ được người khác giúp. Và cuối cùng, anh sẽ vẫn như ngày hôm nay thôi. Sùng nhăn mặt: - Cô lại gọi con bằng anh rồi! Hình ảnh thằng Sừng và đám bạn nhỏ chuyên ăn cắp ăn trộm ở khu chợ trời Nguyễn Thông trong những năm đầu mất nước chợt trở về trong trí Mây thật thân thiết và gần gũi. Mây mỉm cười thân mật: - Chủ Nhật tuần sau, Sừng mang vợ và hai con lại cô ăn cơm nhé!