Đám cưới con gái ông Hương cũng như những đám cưới con gái nhà bề thế khác. Lễ nghi tươm tất. Khách khứa chật nhà. Thức ăn thức uống ê chề. Bên ngoài pháo nổ, bên trong đèn đuốc sáng choang. Năm Mẹo đã làm theo yêu cầu ông Hương: rước dâu ban đêm. Năm Mẹo vừa mừng vừa hoang mang, tưởng như chiêm bao. Về tới nhà ngã lưng xuống giường, mệt ngất ngư. Thôi, mọi việc cũng đã qua êm đẹp, lạy Trời lạy Phật. Tư đây hai đứa ráng lo làm ăn, sanh đẻ con cháu. Năm Mẹo ngủ thiếp đi hồi nào không hay, bên tai còn văng vẳng tiếng pháo tre pháo nồi dòn dã. Bỗng nghe tiếng đập cửa và tiếng khóc hu hu. Năm Mẹo lấy tay quơ lia xua đuổi chẳng ngờ trúng bà vợ. Bà ta giật mình thức giấc trong lúc đức lang quân vẫn ngáy pho pho. bà nghe rõ ràng tiếng đập cửa, tiếng khóc, và tiếng kêu: “Cậu Năm ơi, cậu Năm!” Đúng là tiếng thằng Đặng. Bà đưa tay đập chồng. Năm Mẹo mở choàng mắt. Nghe rõ tiếng thằng Đặng khóc, Năm Mẹo cười: - Con trai gì sợ gái dữ vậy. Đi về ngủ đi mày! - Hổng phải cậu Năm ơi! - Hổng phải cái gì? – Năm Mẹo nạt to. - Hổng phải vợ con. Năm Mẹo ngồi phắc dậy quát tiếp: - Mày nói điên cái gì vậy hả Đặng? - Dạ không phải vợ con thiệt mà cậu Năm. Không tin cậu lại xem. Năm Mẹo lùng bùng lỗ tai. Năm Mẹo bước ra mở cửa. Thằng Đặng bước vào đầu gục như gà chết. - Có chuyện gì vậy Đặng? - Cô Tám, đâu phải cô Chín. - Mình rước dâu lầm, hay mày mê mẩn mà nhìn lầm. - Mặt cô Tám khác mặt cô Chín, con lầm sao được mà lầm. Hai cậu cháu ngồi đối diện nhau trong bóng tối. Năm Mẹo cứ gạn đi gạn lại, nhưng thằng Đặng quả quyết hồi hôm mình rước cô Tám chớ không phải cô Chín. Năm Mẹo ôn lại mọi việc đã xảy rạ. Tại sao ông ta cho rước dâu ban đêm? Tại sao cô dâu không ra lạy Từ Đường và chào hai họ? Rồi lúc đưa dâu đèn măng sông lại tắt ngang? Khi đến nhà cô dâu cũng không chịu lạy bàn thờ và cứ úp mặt khóc và bà Hương đưa thẳng vô buồng? Măn Mẹo xâu các sự việc lại và hiểu tất cả. Năm Mẹo bảo thằng Đặng: - Lỗi này là tại cậu không cẩn thận, cậu nhận hết, nhưng cậu hứa sẽ... - Cháu không về nhà nữa đâu. Năm Mẹo nói: - Cháu phải nghe cậu thì cậu mới trả miếng được. Ông Hương đã gạt cậu cháu mình thì mình sẽ lừa lại ông ta. Bây giờ mình như thú mắc bẩy, nếu la to đồng loại sẽ dang xa, thợ săn sẽ đến xẽ thịt. Chi bằng mình âm thầm gở vòng và gài lại thợ săn, trước sau gì thợ săn cũng dính. Không chừng tới hai keo. Thằng Đặng chùi nước mắt. Năm Mẹo hỏi: - Cháu nhìn thấy mặt cô Tám hồi nào? - Dạ lúc khách về hết, cháu vô buồng. - Cô ta có nói gí không? - Dạ không.. Cô ta nằm úp mặt xuống gối. Cháu nằm bên cạnh tới sáng không đụng cô ta. Có lẽ cô ta chờ mà không thấy cháu đụng tới thì lên tiếng: “Làm như ở đây không có tui vậy. Xí! Cháu nghe tiếng thì biết không phải cô Chín. Cháu quen giọng của ba cô mà. - Rồi sao nữa? Dạ rồi cô ta im. Cháu tức mình muốn tống cho cô ta một đạp nhưng sợ cổ mắc ông Hương bỏ tù nên dằn. Cháu cố năm mím lại tới gần sáng, cháu lật mặt cô lên coi cho chắc. - Đúng là cô Tám? Đâu có sai chút nào? Cháu không nói gì bèn lẳng lặng đến đây. Năm Mẹo bảo: - Cháu phải về ngay, coi như cháu ưng thuận nhận cô ta làm vợ đàng hoàng. Nếu cô ta hỏi cháu đi đâu thì cháu cứ bảo là đi ra ngoài. Cháu đừng xua đuổi, nói cạnh nói khóe nói nặng nói nhẹ gì cô ta hết. Như vậy hàng xóm cũng tin là cháu cưới cô Tám. Còn ông Hương coi như chuyện đã êm xuôi. Cháu nhớ chưa? - Dạ hiểu. - Rồi cháu sẽ thấy ổng thua cậu cho coi. Thằng Đặng vâng dạ rồi ra về. Sau đám cưới thằng Đặng trong xóm có nhiều luồng dư luận khác nhau. Những người biết ông Hương tráo hôn con em cho con chị thì cho rằng đỉa mà được đeo chân hạc là quí rồi còn đòi gì nữa. Thằng chăn vịt mà lấy được con gái nhà giàu thì cô gái có sứt mẻ cũng xứng, nữa là cô Tám không sứt mẻ gì. Những người tưởng rằng ông hương hứa gả cô Tám thì càng cho là phải: “Cô Chín đẹp như tiên đời nào chịu sánh đôi với cái thằng nghèo mạt và không cha không mẹ”. Trước những câu bàn ra tán vào Năm Mẹo chỉ lặng thinh coi như ông Hương là người biết thương kẻ khó và giữ đúng lời hứa. Ngày giở mâm trầu vợ chồng Đặng dắt nhau về nhà ông nhạc. Đặng đi sau cách vợ xa xa. Đặng hơi buồn nhưng cố nghe lời cậu gượng làm vui. Ông Hương sợ Năm Mẹo lẫn Đặng phản đối làm rình lên nên ông ta chuẩn bị ba cách. Thứ nhứt là dùng quyền lực áp đảo. Thứ hai là đổ thừa cho sự lầm lẫn ngoài ý muốn, nhưng váng đã đóng thuyền.. Thứ ba dùng tiền ém miệng đối phương. Cách nào ông cũng chuẩn bị chu đáo cả. Nhưng khi chú rể và Năm Mẹo đến nhà thì ông thấy mình lầm. Cả hai đều vui vẻ. Trước khi gở mâm trầu, Năm Mẹo còn pha trò với đôi vợ chồng mới: - Hai cháu nên nhớ theo tục lệ Ông bà thì khi giở quả ra, đứa nào bắt được lá trầu hoặc quả cau thì đứa đó cầm quyền sau này. Ông Hương ra mặt bênh vực chàng rể: - Sách có câu phu xướng phụ tùy, đứa nào bắt trước thì quyền cũng ở nơi chồng. Rồi cả nhà ăn uống vui vẻ, coi như không ai lừa ai và không ai bị lừa. Trước khi vợ chồng ra về ông Hương còn bảo: - Năm nay ba cho vợ con ba mẫu ruộng tốt trong đó có hai miếng đìa, con vừa nuôi vịt vừa làm ruộng chẳng bao lâu sẽ khá! Hồi ba với má con ra riêng thì ông nội đâu có được như ba, cho nên ba không có được như con bây giờ. Trên đường về Đặng gặp vỏ chuối hột vứt đầy mối đường. Đặng tản lờ làm như không thấy. Về đến ngỏ lại thấy một cái mẽ rổ treo tòng teng trên chót tàu dừa. Vợ Đặng không để ý nhưng Đặng biết kẻ nào đã ác tâm. Vô nhà, hai người im lặng hoặc nói vài câu không ăn nhập gì với tình cảm vợ chồng, rồi Đặng lấy nón lá đội đi chăn vịt. Đã ba đêm liền Đặng không vào buồng vợ và tìm mọi cách để đi khỏi nhà, hoặc chăn vịt hoặc làm chuyện này chuyện nọ, cốt là để tránh mặt vợ, để không phải nhìn mặt vợ thì hơn. Đặng đã không muốn dắt vợ về dự đám giở mâm trầu như một cử chỉ phản đối nhà vợ, nhưng Năm Mẹo khuyên Đặng không nên làm như vậy, trước nhất là trái với tục lệ Ông bà, sau đó là mất cơ hội phục thù. Đặng nghe lời với sự hậm hực. Đặng ra đồng thì thấy bụng dạ nhẹ nhàng đầu óc phơi phới như ốm vừa mới mạnh. Bầy vịt đang ăn ở cái hà lãng mênh mông. Đặng không lo chúng lạc bầy nên ngồi xuống bờ ranh nhìn trời. Bỗng thấy một con trâu từ xa be be đi tới. Nó vừa đi vừa nghé ngọ như nghênh chiến với đồng loại ở gần đây nhưng trên đồng đâu có chú nào. Con trâu đã đến gần. Thì ra con trâu cổ của ông Hương, người bạn thân mến của Đặng. Đặng vùng đứng dậy chạy tới ôm đầu nó. Con vật cũng đứng im lặng như nhận ra Đặng. Đặng gãi đầu, gãi tai cho nó và âu yếm nó rối rít. - Mày còn nhớ tao hả Pháo? Mày biết tao đi đâu lâu nay không? Mày ăn có no không? Nó tắm mày có sạch không? - Đặng nói một hơi. Đặng rơm rớm nước mắt như vừa gặp lại bạn cố tri lâu ngày xa cách. Đặng chợt thấy con đĩa đeo ỏ bụng nó..Đặng cúi xuống bắt vứt đi. Đặng thấy lại cái vết sẹo ở kẹt đuôi nó. Đó là thành tích chém lộn của nó. Nhưng ít nhất nó cũng đã vít đối phương loài mỡ cổ, để chiếm địa vị cầm đồng vùng này. Đặng thót lên lưng nó. Con Pháo rùng mình hai ba lượt như tỏ vẻ sung sướng khi có trên lưng người bạn xưa. Con Pháo vừa ăn cỏ vừa lội ra giữa ruộng. Đặng nằm ngữa trên lưng trâu. Trời xanh ngăn ngắt. Mây trắng trôi bồng bềnh như những núi bông gòn. Những con cò bay về phía hà lãng tìm cá. Từ khi xa đôi trâu của ông Hương, Đặng không còn được hưởng cái thú nằm trên lưng trâu ngó trời. Đôi khi đánh một giấc dài thượt, lúc giật mình tỉnh dậy không biết mình đang ở đâu. Con Pháo cứ đủng đỉnh lội tìm cỏ lác non trong lúc Đặng nằm trên lưng nó, đầu dựa giữa hai xương vai, chân bẹt ra cặp hai bên hông con Pháo để lấy thế khỏi bị té. Nằng trưa chói mắt, Đặng lấy chiếc nón úp lên mặt. Đặng có thể ngủ ngon lành như trước kia, nhưng hôm nay Đặng không nhắm mắt được. Người vợ mới cưới như đứng trước mắt Đặng với vẻ mặt hờn dổi, trách móc oán hận: - Anh đối xử với em như vậy sao? - Em không đáng làm vợ anh sao? - Em trở về nhà ba má em vậy. Đặng nghe như những câu hỏi ấy vang lên trong đầu mình. Đặng tự hỏi: “mình đã có vợ rồi ư? Vợ là gì?. Đặng không hiểu. Bây giờ Đặng hiểu được một phần. Đó là người con gái khác họ qua lễ cưới đã về ở chung nhà, ăn chung mâm và ngủ chung giường với mình. Nhưng chỉ có như thế thôi thì cũng chưa đủ gọi là vợ. Phải có cái gì khác nữa kia. Cái đó chưa xảy ra giữa Đặng và Tám. Chính là vì Đặng không thấy ham thích bởi người con gái mà Đặng ước ao là người khác. Nhưng trái lại Tám là vợ Đặng. Có thể nào như thế được chăng? Chuyện cưới hỏi đã xong và bây giờ Tám, chớ không phải Chín, là vợ Đặng. Đêm tân hôn Đặng đã phải xuống chòi Năm Mẹo cầu cứu. Đêm sau và đêm sau nữa Đặng vẫn chưa làm chồng. Bước trâu êm đềm,,đong đưa như võng, ru chàng thanh niên vào trong mộng chập chờn dưới ánh nắng chói chang. Bỗng nghe tiếng cưới râm ran: - Thằng “U Đặng” tụi bay ơi! Đặng tốc nón ngồi bật dậy Đặng giụi mắt. Thì ra con Pháo đã đưa thằng Đặng tới bên gò dìa quen thuộc. Đặng thấy đủ mặt tụi nghe tiếu lâm cũ thêm vài đứa nho nhỏ: - Bây giờ đã có một cái chòi không biết của ai. Thằng Tư Cồ hất hàm: - Xuống đây chơi! Đặng phóng xuống, tay cầm chiếc nón quạt lia, tay quệt mồ hôi trán. - Có vợ đã hôn mày? Đặng làm thinh. Thấy mặt Tư Cồ, Đặng đã sôi máu vì Đặng biết hắn đã treo cái mê rổ ở trước nhà Đặng và ném võ chuối hột đầy đường. Định bụng gặp nó bất cứ ở đâu là nện ngay, nhưng Đặng cố dằn để hỏi lại cho rõ. Một đứa bảo Tư Cồ kể lại chuyện để ngạo thằng Đặng chơi, nhưng Tư Cồ gạt ngang: - Nó “sập vách” chớ “song hỉ” mà ăn thua gì? Đặng đã hơi nóng mặt: - Đừng nói bậy nghe! Tư Cồ hất mặt: - Mày có vợ rồi không chơi với tụi tao nữa hà? Một đứa xen vào: - Gả em vợ nghèo ba năm nghe mày! - Đừng nói bậy nghe! Tư Cồ lại chọc thêm: - Người ta nói mặt sao ngao vậy. Cái ngao của nó có như cái mặt của mày không mày? Đặng quát: - Thằng nào treo mê rổ và ném vỏ chuối hột? - Xí, người ta mách thuốc cho còn làm dữ. Nè, chuối hột ngày ăn chừng ba trái đừng uống nước, ăn liên tiếp ba tháng cái mặt sẽ láng.. Tư Cồ chưa dứt câu quả đấm của Đặng đã bay tới đúng vào bản họng. Tư Cồ không ngờ thằng nhóc lại hung dữ vậy, nên không đề phòng, té bật ngửa, chỏng gọng. Tư Cồ vùng dậy. Một cuộc đấu võ diễn ra. Gò đìa không đủ rộng. Cả hai lăn nhào xuống ruộng. Thằng Tư Cồ khỏe hơn, đè đầu Đặng mẹp xuống. Đặng giãy giụa tung cả bùn. Đám bạn hoảng vía nhưng không dám vào can. - Thằng nào dám đánh em tao, ở tù nghe chưa? Ngoảnh lại thấy Cậu Sáu. Tư Cồ bỏ chạy ra giữa ruộng. Đặng lóp ngóp ngồi dậy quắt mắt nhìn theo, làu bàu: - Mày bỏ mẹ mày! –rồi leo lên gò đìa. Cậu Sáu bảo: - Nhảy xuống đìa tắm đi rồi về nhà có chuyện. Đặng ngoan ngoãn nghe lời ông anh vợ, trong lúc đám bạn tản dần ra không muốn dính vào vụ đánh lộn. Anh đi trước, em đi sau, trên đường về cậu Sáu hỏi thằng em rể bằng một giọng thân mật: - Chuyên gì vậy “dượng”? Đặng hơi ngạc nhiên vì cái tiếng “dượng” mà cậu Sáu dùng để gọi mình. Sự thực, đó cũng bình thường nhưng đây là lần đầu tiên Đặng được gọi như vậy. Đặng đáp tự nhiên: - Nó bêu riếu “vợ” em. Cậu Sáu lấy làm vui thầm khi nghe thằng Đặng dùng tiếng “vợ” để gọi em gái mình. Cậu bắt mối nói luôn: - Vợ dượng đi đâu mà gặp nó? Đặng kể lại: - Hôm trước đi coi thầy Tư làm đám về nó ghẹo vợ em. Bị vợ em đập cây đuốc trên đầu, nên nó thù. Hồi sáng nay em và vợ em đi đám giở mâm trầu về, em thấy vỏ cuối hột quăng đầy đường. Khi về đến nhà thì gặp cài mê rổ treo ở chót tàu dừa nhà em. Em biết chính nó bêu riếu vợ em chớ không ai khác. Em bèn bỏ vợ em ở nhà ra đồng tìm nó. (Đúng ra Đặng muốn lánh mặt vợ chớ không phải đi tìm Tư Cồ. Gặp Tư Cồ và đánh nhau là chuyện không ngờ.) Cậu Sáu từ ngày được gia đình cô Láng hứa gả con gái thì hết khùng mà lại còn khôn hơn người. Nếu trước đây, chắc cậu sẽ hỏi “cái mê rổ và vỏ chuối hột có ý nghĩa gì?” nhưng hôm nay thì cậu hiểu ngay. Cậu bảo: - Để tôi thưa với ba bắt ông già nó trầu rượu lạy xin lỗi và cấm tuyệt không cho nó đi trên khúc đường từ nhà dượng đến nhà ba. Muốn đi, nó phải lội ruộng hoặc lặn dưới mương. Ngoài ra hễ thấy bất cứ cái võ chuối nào, dượng cho tôi biết tôi kêu làng đóng trân nó. Những đứa hung hăng mất dạy như vậy mình phải trị mới được. Đặng nghe anh vợ bảo thì hả hơi nên lầm lủi bước mà không nói gì. Cậu Sáu tiếp: - Vợ em nó vừa ôm gói về nhà. - Hả? –Đặng kêu lên. - Nó vô buồng nằm lăn ra khóc như mưa bấc, dỗ gì cũng không nín. Đặng hơi hoảng. Đặng không dè xảy ra cớ sự này. Cậu Sáu hỏi tiếp: - Dượng có đánh đập gì cổ không? - Dạ đâu có. Em đâu có đánh vợ em. - Nó nói cậu bỏ nhà đi hoài mà không nói đi đâu. - Bây giờ tôi hỏi thiệt dượng nhé! - Dạ! - Dương có thương vợ dượng không? Thương thì nói thương còn không thương thì nói không thương. Nếu thương thì tốt, còn không thương thì ba má sẽ tính theo không thương. Đặng bị dồn vào chỗ bí nên đáp như máy: - Vợ mà không thương thì thương ai, anh Sáu. Cậu Sáu lặng thinh, đang đi nhanh bỗng chậm lại, đầu hơi cúi có vẻ đang suy nghĩ việc gì của Đặng. Còn Đặng thì cố nhìn cái gáy của ông anh vợ,, cố đọc xem anh đang tính việc gì. Đặng nói câu vừa rồi không phải thật lòng nhưng cũng không phái láo hoàn toàn. Mấy đêm qua Đặng ngủ ngoài võng. Đặng nghe tiếng vợ khóc thút thít. Đặng cũng xót xa lắm, nhưng Đặng lại hận vì bị lừa. Đặng không dự định rồi ra công việc sẽ xãy tới đâu, nhưng lúc đó thì Đặng làm gan để cho vợ phòng không gối chiếc, như để cân bằng lại sự đời. Cậu Sáu lên tiếng. - Dương nó à! - Dạ. - Nhân duyên là số kiếp. Dượng có nghe ba kể chuyện một đám cưới đi rước dâu gặp trời mưa to phải ghé lại dục mưa, chẳng ngờ nhằm nhà đang có đám cưới, và cũng vì mưa to mà đàng trai không tới đúng giớ được. Sẵn đó đàng gái cho rước dâu luôn. - Dạ em có nghe. - Vậy mà hai bên cũng ăn ở đời với nhau chớ có việc gì đâu. - Dạ! - Việc của cô dượng cũng vậy. Dượng hỏi cô Chín mà được cô Tám là do hôm đó tắt đèn. Lụp chụp làm sao đó mà cô dâu phụ hóa thành cô dâu chính. Mà cũng lạ, con em không nói gì, con chị cũng làm thinh. - Cậu Sáu dùng lại một chút: - Ban đêm đèn đuốc mập mờ kẻ đưa cũng như người rước dâu đều không để ý. Hai chị em nó giống y nhau nên cũng khó phân biệt. Đưa dâu xong trở về nhà cũng không ai biết gì hết. Đến sáng hôm sau khi thấy cô Chín thì ba má mới la lên. Nhưng muộn rồi. Ván đã đóng thuyền. Đặng nghe anh vợ cắt nghĩa vì sao có chuyên “duyên em tình chị” như vậy thì cũng bán tin bán nghi. Tin thì không tin hẳn nhưng bảo rằng ông Hương có mưu định tráo hôn thì không hẳn làm vậy. Cậu Sáu tiếp: - Lương duyên âu cũng là trời định dượng ạ. Như chuyện của tôi đây. Nếu tôi thấy cô Láng được con ông Cả hỏi mà thối chí đi cưới vợ thì đâu có được như bây giờ. Dượng cứ đem so sánh hai vợ chồng cô dượng và hai vợ chồng tôi thì có phải dượng may mắn hơn tôi không? Câu nói này như một tia nắng làm tan mờ sương mù trong trí Đặng.