Tôi khuyên cô Nhi về làng ở bao lâu chưa biết, nhưng phải về, phải kéo cô khỏi ngôi nhà lợp giấy dầu mở mắt ra là thấy chuột với lại gián. Làng còn ngôi nhà của bố tôi để lại làm nhà thờ họ, còn mảnh vườn đất tơi mịn lọt giữa những bụi tre dày như thành, như lũy. Tôi sẽ chặt tre, cắt lá tro dựng một ngôi nhà nhỏ. Mai kia tôi về, ở với cô, chăm sóc cô. Cô Nhi nghe tôi hào hứng và thống thiết nói xong thì cười. Tôi nhận ra nụ cười cô còn thật trẻ và bỗng sững người nghi ngờ cái ý định của mình. Cô đẩy mạnh vào vai tôi: - Rồi làm bà cô ở làng, mua thêm cuốn sách tướng số của Thiệu Vĩ Hoa nữa... Không đâu anh chiến binh trẻ ạ. Trong cuộc đời nhuôm nhoam những khuôn mặt tối, những khuôn mặt sáng này chưa phải là hết chỗ cho cô. - Tất nhiên rồi. Cháu thấy rõ điều đó - Tôi vội vã - Là cháu nghĩ, cô cháu ta về dăm bảy ngày thôi. Hay thế này, cô ra đơn vị cháu chơi. Làm chuyến thực tế chiến trường luôn. Cháu sẽ nói với anh Hải bố trí cho cô ở nơi yên ổn. Cô Nhi đăm chiêu, tư lự. Rồi khe khẽ gật đầu. Sáng hôm sau, chúng tôi lên chuyến xe khách đầu tiên chạy ra Bắc. Đấy là một bước ngoặt, thêm một bước ngoặt nữa trong cuộc đời cô Nhi. Thì cũng phải bố trí cho cô Nhi một việc gì đó để mà động cựa tay, chân, để mà quên những thứ buồn bực mang theo từ quê ra, anh Hải nói vậy rồi quyết định nhờ cô phụ giúp mấy anh chiến sĩ ở nhà bếp. Thắm thoắt, cô Nhi đã ở với tôi gần hai tháng. Cô nhanh nhẹn lên, có da, có thịt ra và đôi mắt cô đã lại lấp lánh. Ngày nọ, cô bảo với tôi là cô sẽ về, về xem cái hạn đình chỉ công tác trong tờ giấy có chữ ký loằng ngoằng, đuôi hất ngược lên trời của Nguyễn Hoàng Phú đã hết chưa. Hết rồi cũng để biết được làm việc gì, mà nếu chưa hết thì cô sẽ lại trở lại "ăn nhờ ở đậu" đơn vị chúng tôi rồi tính toán sau. Người đưa cô về không phải là tôi mà là anh Hải. Anh bịa một chuyến đi công tác thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho cậu Hùng ở tỉnh N nó hợp lý quá, "khách quan" không chê vào đâu được. Cô Nhi tỏ ra mừng, mừng vì không phải đi một mình, hay là mừng vì sao đó nữa tôi không biết. Một tuần sau, cứ chiều xuống là tôi ra ngoài đồi ngóng xuôi chờ anh Hải và cô Nhi về. Lại mong chỉ thấy mỗi anh Hải thôi, mỗi anh Hải ra tức là cô đã trở lại làm việc ở cơ quan Báo. Rồi áy náy nghĩ ngợi lan man về những chuyện chưa xảy ra với anh. Tất nhiên càng nghĩ càng áy náy tợn hơn, càng thấy ý nghĩ chỉ rành rõ những chuyện ngán ngẩm chẳng ra gì. Đừng nghĩ nữa, quyết thế mà không dẹp nổi, ý nghĩ cứ đâm mầm, đâm nhánh trong đầu nhức buốt lên. Không biết rồi cái đầu tôi nó sẽ thế nào. May mà anh Hải đã lù lù xuất hiện. Tôi chưa kịp hỏi, thì anh đã chộp hai bàn tay vào vai tôi, nói: - Tốt rồi! Tốt lắm rồi! Lưới trời lồng lộng - Anh ấn tôi ngồi xuống, rồi anh ngồi xuống theo, đối diện với tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi bằng cái nhìn vui vẻ lắm, rồi tiếp - Thằng ấy bị truy tố rồi. Anh không nói thằng nào nhưng tôi bỗng thở phào nghĩ ra là Nguyễn Hoàng Phú. Anh Hải lại tiếp. - Sao cái làng Thượng Cồn nhà cậu lại đẻ ra một thằng như hắn. Hắn dính vào phết, phẩy A, B trong xây dựng, còn thêm gái gủng, vợ con. Tèm nhem, nhuôm nhoam không chịu được. Tội hắn xâu chuỗi thành dây, thành rợ, quấn mấy vòng quanh người. Theo lời anh Hải thì cô Huyền Minh mắt xanh, môi đỏ ấy nhăng nhít với hắn từ thuở nào thì ai cũng biết rồi. Hắn lột của cải của mình để mua cái "danh dự" cũng rồi. Tiếng tăm cứ loang ra như dầu đổ trên tôn kẽm. Chị Nguyệt, vợ hắn biết, đánh ghen. Tội nghiệp chị, thật thà cục đất, hạt lúa, thương chồng đến đần độn ra thì làm sao đánh ghen nổi loại mèo mả gà đồng như cô Huyền Minh. Không trị được cô ta lại bị cô ta thuê bọn vô công rồi nghề chẹn đường đánh cho thâm tím mặt mũi. Nguyễn Hoàng Phú biết hết, chạy lên, chạy xuống, rẽ ngang rẽ dọc bưng bịt, dẹp yên mọi chuyện. Yên rồi hắn lại tính nào tật ấy, lại theo một cái mốt bồ nhí, bồ nhéo của loại người tiền bạc lật phật trong túi. Lần này chị vợ về quê kéo cả mẹ, bà Bấc làng Đông ra. Mẹ con chị chưa biết a xít là gì, chưa có cái thứ chất lỏng đánh ghen tàn nhẫn số một trong đầu. Nên họ sử dụng thứ nước quen thuộc với họ. Họ thủ một bọc ni lông lông lợn trộn máu lợn, tìm gặp Nguyễn Hoàng Phú và cô Huyền Minh ngồi trong nhà hàng Cửa Tiền mới bất ngờ tháo dây buộc, dọng cái thứ đỏ lòm hôi hám kia lên đầu hai đứa. Lúc ấy, có khối người ở chung quanh. Thế mới nhục. Lại thấy thằng tình nhân của mình không bảo vệ mình, xoa vuốt vợ nó, dẫn mẹ vợ và vợ cút thẳng. Huyền Minh nổi máu khùng, sẵn sông nước kề cạnh mới nhảy ào xuống không ai kịp ngăn giữ và cũng không ai nhảy xuống cứu vớt. Huyền Minh chết. Tiếng tăm Nguyễn Hoàng Phú nổi đình nổi đám. Sau khi chôn cất vợ xong, chồng cô Huyền Minh mới thấy mình là kẻ thiệt thòi nhất: mất vợ, mất tiền bồi hoàn danh dự Phú cống nộp hàng tuần, hàng tháng. Người anh ta cứ sôi sùng sục lên vì tức giận. Trước, lợi dụng quan hệ Nguyễn Hoàng Phú với vợ (thì là quan hệ đã rồi, không lợi dụng thì cũng chẳng cứu vãn nổi nữa), anh ta nhận trọn gói thầu xây dựng trụ sở Báo, nay thấy nhục, thấy mình bị lừa, thấy mọi thứ chẳng ra gì. Trâu chết, bò cũng lột da, anh ta mới viết đơn kiện Nguyễn Hoàng Phú. Anh Hải đọc một câu, bảo là trong kinh thánh, bằng thứ giọng kéo dài ê a, trầm bổng như tiếng vọng trong vòm cuốn nhà thờ Thiên chúa giáo: Thiên hạ có người tốt kẻ xấu, Chúa mới sinh ra luật thưởng, luật phạt. Ta bảo các con, hãy nghĩ tới luật trước khi hành sự. Một tuần sau, tôi và anh Hải về N. Anh ta cứ gọi tôi là cháu và bắt tôi gọi anh là chú, cứ như cô Nhi đã đồng ý làm vợ anh vậy.
Đ. B
(Tạp chí Nhà văn)