Cái tính toán giành chức chủ tịch xã của hắn chỉ có cô Nhi, mưa, vườn chuối biết, còn việc cô Nhi trả lễ chạm ngõ cho hắn, cô Nhi bỏ hắn thì đầu làng cuối xã mục sở thị. Cô Nhi đội gạo nếp đi dọc đường cái quan như diễu, như trình bàn dân thiên hạ. Hắn nghĩ danh dự hắn bị cô Nhi xúc phạm. Thoạt đầu hắn tự vấn bụng là đã ổn một bề. Các đồng chí lãnh đạo ở huyện, ở xã không bận cái tơ cái sợi trong quan hệ hắn với gia đình ông An. Nhưng rồi cái tình là cái tình chi, hắn không gạt được cô Nhi ra khỏi đầu, khỏi tim gan hắn. Hắn nhớ với những tơ vò giăng mắc, hắn mong chờ với sự thấp thỏm ngọt ngào. Có đêm, hắn mơ thấy mình đang làm tình với Nhi, sáng dậy chiếu chăn ướt nhòe thứ nước trắng như dãi mèo, tanh lợm. Một bữa hắn tìm gặp cô Nhi, hắn nói như trẻ con đọc bài thuộc lòng trước cô giáo: - Anh không quên em đâu, Nhi, không nỡ lòng quên em. Anh và em phải thành vợ chồng. Dễ thôi em, chỉ cần em viết tờ giấy li khai ông An... Cô Nhi không hé răng, quay ngoắt bỏ đi. Cái lưng mềm mại của cô chập chờn trước mắt hắn, tới khi Nhi không còn trên đường làng nữa thì cái dáng thon thả, mềm mại của cô vẫn cứ chập chờn. Một ngày kia, ông Thọ, Bí thư Đảng ủy xã gặp hắn. - Hỏng bét rồi mày ạ. Huyện không đồng ý cho mày làm chủ tịch vì còn trẻ quá. Tao nói sùi cả bọt mép mà không được. Người ta bỏ phiếu cho ông Sỹ. Ông ta vớ bở. Học chưa hết hai bốn chữ cái, dịch chữ Lê nin không xong... Mà thôi, mày làm cái Phó chủ tịch cho tốt, năm sau tính. Hắn suýt nổi khùng. Xôi hỏng bỏng không. Chó má cho cái thân hắn. Nhưng hắn không nổi khùng. Hắn còn nhiều không ngoan để không nổi khùng, để nói với ông Bí thư như đang buồn theo cái sự buồn của hắn, một câu thật thấu tình đạt lý: - Cảm ơn bác đã nhiệt tình với cháu như với con đẻ ruột rà. Thì cháu còn trẻ, cháu sẽ cố gắng già dặn sau. - Phải, mày nghĩ thế là phải lắm. Còn cái chuyện con Nhi? Yêu nó thì nối lại đi, cưới đi. Khéo lại trắng tay. Hắn nói, giọng run lên: - Trắng tay rồi, bác ạ. - Sao thế được? Mày phải luôn có chí tiến thủ chứ. Ông Thọ nói xong rồi bỏ đi. Hắn đóng cửa nằm vùi đầu vào cái gối bông mới sắm. Cảm giác mất mát giày vò hắn. Hắn nhìn ra những khoảng trống hoang hoác trong lòng, trước mặt, bốn phía chung quanh. Rồi thì ngẫm. Bao nhiêu là năm, bao nhiêu là năm không nhớ, nhưng những chức việc mà tổ chức cho hắn đảm nhận thì hắn nhớ mồn một. Nhỏ, to gì hắn cũng làm: Đội trưởng đội thiếu nhi, chi đoàn trưởng, xã đoàn trưởng, đi học thì lớp trưởng. Hắn không lên cấp 3 vì thiếu điểm, thiếu điểm là vì hắn dồn sức cho công việc lớp trưởng. Sự học với hắn ngay từ thời còn viết a, bê, xê hắn đã thấy mịt mù đâu đâu. Thì chẳng đã bao nhiêu người trong thiên hạ học mắt gà mắt vịt chẳng ra làm sao mà vẫn làm nên vai vế. Có vai vế là có tiền mà tiền là thứ phù phép ra nhiều thứ khác. Hắn làm Phó chủ tịch xã có uy với dân, với cấp trên. Lý ra cứ thế lên chủ tịch rồi nấc dần lên huyện, lên tỉnh. Lý lịch hắn rõ ràng, người hắn rõ ràng, giữa đám cán bộ xã nhôm nhoam a, bờ, cờ, hắn nổi bật hẳn lên. Sao huyện lại xử sự thế. Họ không biết hắn mất Nhi là để được cái họ không cho hắn ư? Thế thì hắn sẽ chọn đường khác, sẽ đi khỏi xã. Để xem người thay hắn ra sao? Để khi cái lão Sỹ già nua, huyện thắp đuốc đỏ đèn mà tìm người thay thế. Cái đuốc, cái đèn chỉ dùng để bắt ếch, bắt chim cuốc mà thôi. Và hắn quyết định đi bộ đội. Bà Đăng tái mặt, toàn thân run rẩy như bị động kinh. Bộ dạng mẹ khiến hắn chùn. Hắn thương mẹ. Bố hắn làm nghề chọc tiết lợn cho dân làng, cho cửa hàng thực phẩm chợ Nhu. Đã thay đến bốn con dao phay. Mũi dao trong tay ông trúng phập ba ngàn bảy trăm linh một quả tim lợn. ấy là tính đến ngày ông lâm bệnh chết. Mẹ hắn ở vậy nuôi hắn mà nuôi khổ, nuôi cực. Nên hắn không nỡ bỏ mẹ ở nhà khi hắn chưa trả cho mẹ được chút gì. Bữa nọ, ông Thọ cho hắn biết cô Nhi có đơn viết bằng máu xin đi bộ đội. Như chỉ thông tin, không có ý gì. ấy vậy mà hắn ngó đăm vào mắt ông ta, soi tìm thái độ vị bí thư xã để rành mạch cái lờ mờ trong đầu. Thường nhìn nó đọc ra ý lãnh đạo. Nay thì không. Thế nên hắn bối rối. - Còn tiếc hả? - Ông Thọ nháy mắt, nhay nhay cái đầu thuốc lá giọng nhơn nhớt - Tiếc là phải. Mơn mởn thế, mông, vú phổng phao thế. Nói rồi, cười khùng khục. Hắn lại thấy bóng dáng Nhi. Lần này cái bóng ấy khiến hắn tức tối. Sự tức tối ngoài ý muốn của hắn. Tại sao thế, nếu không là vì người bí thư đang sừng sững trước mắt hắn. Hắn như vỡ nhẽ ra một cái gì đó lâu nay bịt bùng trong đầu, nhưng mà cái gì thì hắn không rành mạch nổi. Hắn khẽ nhắm mắt, tập trung nghĩ. ờ... rất có thể là lão, lão tâu lên Huyện ủy những cái nhược điểm của hắn. nên mới có sự thay đổi vị trí Chủ tịch xã. Vậy rồi, cái tức tối Nhi nhường chỗ cho sự nghi ngờ, hậm hực ông Thọ. Hắn thở hắt ra. Mỗi lần gặp ông Thọ ra về hắn vẫn thường tự hỏi, không biết ông ta có thật bụng với mình không, giờ thì biết rồi, ông ta là con rắn cạp nong, cắn sau lưng người, người chết vẫn không nhìn thấy mặt nó. Vậy mà hắn toàn tâm toàn ý vì ông ta. Thì rõ vân bàn tay cái ý nghĩ trong đầu ông ta về tuổi già đang thắt vòng trước mặt sẽ thít vào cổ ông ta khi có những người trẻ tuổi, tài năng như hắn kề bên cái ghế ngồi... Hắn lại thở hắt ra lần nữa, rồi nói, giọng rành rọt pha chút dọa dẫm: - Ông Thọ, tôi cần nói với ông điều này. Ông giải quyết cho Nguyễn Kim Nhi vào bộ đội à? Theo ý tôi, trường hợp này chúng ta phải bàn kỹ. Vì tình hình chính trị ở chiến trường địch, ta đan răng lược mà phải bàn. Bỏ riêng tư ra một bên để ta bàn. Ông Thọ trợn tròn mắt. - Dào, người ta xung phong đi bộ đội, chứ có phải xung phong đi dự hội, đi nghỉ mát đâu mà bàn với chả ghế. - Nếu cô ta theo giặc? - Vớ vẩn! Con gái xinh đẹp thế, mông má vú vê ngộn như vồng khoai thế, dại theo giặc để nát bét ra à? Mà sao anh cuống lên thế hả? Anh quên anh là phó chủ tịch, người làm giấy tờ à? Ghi đúng như có. Rồi đơn vị nhận quân họ tính. Tôi chẳng dính dáng vụ việc cụ thể đâu đấy. Hắn ghi đúng như có, chỉ thêm, bớt dăm bảy điều. Thêm cái điều bà mẹ họ Hoàng mất tích, cái điều cha bất mãn, đọc tiểu thuyết Tàu... Và bớt nhận xét tư cách đạo đức. Hắn hình dung ra vẻ mặt của Nhi lúc tập trung tân binh, rồi vẻ mặt thiểu não của Nhi lúc bị đơn vị nhận quân trả về. Hắn chợt thấy rân rân trên da mặt, cái cảm giác xấu hổ có lúc vẫn xuất hiện trong hắn. Thế là hắn nghĩ sang chuyện khác, hắn đủ khôn ranh để không bị cảm giác ấy thực hiện quyền năng là làm thay đổi ý định mình. Lần này thì hắn đã tính toán sai. Cô Nhi không bị trả về. Cô được phiên chế vào đơn vị thông tin. Đêm đầu tiên sau khi tiễn chân 28 thanh niên nam lẫn nữ của xã trong đó có Nhi lên đường nhập ngũ, hắn đã mơ một giấc mơ như hồi lên chín lên mười từng mơ. Hồi ấy, những giấc mơ của hắn thường có chim, vì bố hắn thường bẫy chim trong bãi lác ven sông Nghèn. Hắn bắt được chim, nhiều chim, buộc chùm vòng quanh người. Hắn biến thành một con chim làm bằng nhiều con chim bay lơ lửng. Còn đêm ấy, trước mắt hắn chỉ có một con chim bã trầu, mỏ vàng, ngực đỏ, cánh xanh, đẹp rực rỡ đậu trên cành tre, đôi mắt tròn lóng lánh chớp những tia sáng hình vòng cung trước mắt hắn. Hắn vươn hai tay chộp. Chim bã trầu bay vút mất. Hắn ngã gục xuống bùn, ì ọp trong bùn... Tỉnh dậy, người hắn nhớp nháp mồ hôi. Giấc mơ làm hắn buồn lắm, xót lắm. Rồi hắn tự nhủ, sự đã qua coi như không có mối tình đầu với cô Nhi, coi như làng xã này từ thuở khai thiên tịch chưa từng có Nhi. Hắn còn bịa đặt ra bao nhiêu thứ khác nữa để trấn an mình, rồi bắt toàn con người hắn tin vào cái giả dối ấy. Lạ là hắn đã làm được. Hắn quên Nhi, hắn lao vào công việc một cách sốt sắng và đầy mẹo mực, thứ mẹo mực thiên phú, chính hắn cũng không biết được. Nó giống như mẹo mực đánh bẫy chim, chẳng có bài bản nào truyền nối mà thành kỹ thuật, thành nghệ thuật. Một buổi, mẹ hắn nói, khi hắn còn ngồi trên thềm ngó mông ra trời. - Chán chê chưa? Là tao nói cái bùa ngải con Nhi ấy. Gớm! Hay hớm gì cái thứ gái lật lọng ấy mà tiếc với lại nuối. Mày nghe mẹ mày nói không đấy? Hắn đáp, hờ hững: - Có nghe. Mẹ hắn hỏi: - Quên được chưa? - Rồi. - Bẻ cái càng cua, mẹ mừng lắm. Đứa nào ở đâu, làm gì thì mặc xác, chứ ở làng xã này mà làm con trai bà khổ là không được. Hắn cười trước sự hiểu biết "cúi đầu bốc khoai luộc trong ấm đất" của mẹ. ừ, thì rõ là, cùng lứa tuổi tác hắn chẳng thua kém kẻ nào ở trong làng, trong xã. Nhưng là làng này, xã này, là nhất mẹ, nhì con. Chứ thiên hạ đông đúc thì ta là cái gì? ờ... Mà tại sao ta lại không lăn xả vào thiên hạ để thấy ai ngoi lên được nhỉ? Hắn khoát tay, hắn nói, nói như trước hắn không phải chỉ có mẹ, bóng đêm, cây cối trong vườn cựa quậy những hình thù kỳ dị mà là cả thiên hạ: - Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tôi phải đi, phải tìm điều kiện, hoàn cảnh để phát triển. Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Xanh cỏ thì chẳng còn chi mà nói, nhưng đỏ ngực là cơ sở cho vận may. ở quê, đời sang tiểu mới thành ông này, vị khác... - Mày nói... vả vào cái miệng mày - Bà Đăng thống thiết - Cha mày mất sớm, còn mỗi mày, tao nuôi mỗi mày, tao sống với mỗi mày, tao phải giữ. Chẳng có cơn cớ ngô khoai nào to bằng việc con phải ở nhà với mẹ. Mày đi, tao chết, tao nhảy ao, nhảy hồ, nhảy giếng, tao treo dây ngọn cây, treo dây xà nhà, tao chết. Thái độ dứt khoát của mẹ khiến hắn chùn, hắn không thực hiện được ý đồ thoát ly, làm cán bộ nhà nước, hay vào bộ đội, thanh niên xung phong. Năm tháng sau hắn cưới vợ. Rồi vợ hắn có thai, bụng vợ hắn lùm lùm thì hắn được huyện cho làm đội trưởng đội xe thồ thuộc công ty vận tải quốc doanh mới thành lập do yêu cầu chiến trường.