Chiều nay, trên đường lái xe từ sở về nhà, Tiến cứ mỉm cười luôn. Chưa bao giờ Tiến cảm thấy yêu đời như thế! Không yêu đời sao được khi chàng vừa được điện thoại của một anh bạn cố tri vừa gọi điện thoại báo tin rằng thơ của chàng, anh ta gửi bán giùm ở các hiệu sách bên Cali đã hết cả và cần thêm vài chục quyển nữa.
Tiến hơi ngạc nhiên vì tình trạng sách báo ở hải ngoại chàng biết quá rõ. Các tác phẩm được in ra ào ạt, nhất là bộ môn thợ Mỗi người Việt Nam là một nhà thợ Mỗi nhà thơ đều có một, hai hoặc ba tác phẩm... trình làng. Thành ra, một nhà văn và cũng là chủ một hiệu sách, đã gọi khu vực bày bán thơ là... nghĩa địa thơ!
Phần đông, các nhà thơ không vui về sự ví von này. Nhưng Tiến biết, ông ta nói không quá đáng là bao vì chính chàng cũng có gửi ở hiệu sách trong vùng mười quyển thơ đã hai năm rồi mà vẫn còn nguyên.
Đã có lần, Tiến mừng hụt vì khi chàng đến hiệu sách ấy, nhìn vào cái kệ thường để thơ của chàng thì chàng chẳng thấy còn quyển nào cả. Chàng hí hửng ra hỏi cô bán sách một cách khiêm tốn:
- Cô làm ơn xem giùm tôi quyển thơ "Mộng Ngày Xanh" có bán được quyển nào không?
Cô hàng sách, nét mặt khó đăm đăm, cất tiếng lạnh lùng:
- Chả bao giờ bán được quyển thơ nào cả! Nhưng chờ một chút, tôi xem thử.
Một chút của cô cũng khá lâu vì cô còn đủng đỉnh đi xếp mấy xấp báo mới lên kệ, bày lại mấy cái đĩa nhạc cho ngay ngắn rồi mới lại phía quầy hàng, bấm máy điện toán. Ngắm nghía một lúc vào màn ảnh, cô đáp gọn lỏn, không cả nhìn Tiến:
- Ông gửi mười quyển, vẫn còn cả mười. Ông có muốn lấy về không?
Nghe cô hàng trả lời, Tiến vô cùng ngạc nhiên nhưng không dám hỏi những quyển thơ của chàng đang nằm ở đâu? Thái độ thiếu thân thiện của cô bán hàng làm Tiến nhớ lại những cô hàng sách dễ thương của Hà Nội, Sàigòn năm xưa mà chàng đã từng theo đuổi, tán tỉnh, đã từng... bấm bụng bỏ tiền ra mua sách chỉ để được gặp các cô và được nghe các cô khen "Anh hay đọc sách quá nhỉ?" Bây giờ, nhìn cô hàng sách ở xứ Mỹ, chàng ngán ngẩm nhưng cũng cố pha trò:
- Thôi, xin cô cứ cho gửi ở đây đi, gầm cầu thang nhà tôi hết chỗ chứa thơ rồi!
Trả lời cô hàng sách xong, Tiến lại quay vào trong... "thanh tra" thêm một lần nữa. Thì ra "Mộng Ngày Xanh" của chàng... đi lạc sang phía bên kệ để truyện ngắn!
Chàng chọn mua một quyển thơ của một tác giả khác, gọi là để... ủng hộ tinh thần người cùng hội cùng thuyền với mình. Tiến chợt nhớ đến lời của một bạn thơ: "Ở hải ngoại, có một việc làm không ra tiền mà ai cũng cứ làm, đó là... làm thơ!"
Những nhà thơ khác thì không biết họ nghĩ sao, chứ theo chàng thì làm thơ, để lại tác phẩm cho đời còn quan trọng hơn làm tiền nữa. Tiền thì ai kiếm chả được, bằng chứng là vợ chàng, chẳng học hành gì nhiều mà sang đây chịu khó đi làm hai, ba việc nên kiếm tiền cũng khá lắm, đủ bảo bọc gia đình một cách thoải mái.
Việc Tiến trở thành thi sĩ thật tình cờ! Hôm ấy, anh chàng chủ báo Thẳng Tiến đến hiệu ăn của vợ anh để xin cái quảng cáo. Lúc đó chàng đang ngồi ở quầy trả tiền, loay hoay chép lại bài thơ vừa mới làm xong. Anh chàng chủ báo đưa mắt nhìn tờ giấy chàng đang viết, mỉm cười hỏi:
- Ông đang làm thơ đấy à? Thế mà cứ dấu tài mãi. Cho anh em để anh em còn đăng báo chứ!
Tiến ngập ngừng:
- Tôi làm thơ kiểu "con cóc nhẩy ra, con gà bới đất" ấy mà, chắc không đăng báo được đâu.
Vợ Tiến đang đếm tiền trả lại thực khách, nhanh nhẩu nói chen vào:
- Thì anh cứ đưa cho anh Lâm xem thử đã nào. Em thấy thơ anh cũng hay đấy chứ! Nhiều bài thơ đăng ở trên báo, em thấy cũng có hay ho gì lắm đâu.
Tiến đắn đo một giây rồi đưa bài thơ cho Lâm, nói đùa:
- Người ta thì: "mẹ hát, con khen hay", nhà tôi thì "chồng làm thơ, vợ khen hay" phải không anh?
Thế là bài thơ của chàng được xuất hiện trên mặt báo Thẳng Tiến. Điều này, đã là động lực thúc đẩy chàng sáng tác mạnh hơn và rồi tên tuổi chàng xuất hiện đều đều trên các tuần báo và nguyệt san trong vùng. Các anh chủ báo, mỗi khi gặp chàng đều nhắc:
- Nhớ cho tôi mấy bài thơ để tôi đăng báo dần nghe ông. Thơ của ông lúc này "tới" lắm!
Chẳng bao lâu, chàng được mọi người biết tới như là nhà thơ Hoàng Tiến. Dần dà, họ quên hẳn cái tên "Ông chủ hiệu ăn Tiên Tiến" của chàng.
Bạn bè của Tiến lúc sau này là những nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Các "nhà" gặp nhau luôn để đàm đạo thơ văn. Chủ nhật nào Tiến cũng bận rộn đi dự những buổi ra mắt sách. Nhiều khi chàng còn ở trong ban tổ chức để yểm trợ tinh thần và vật chất cho các văn thi hữu nữa.
Thỉnh thoảng gặp lại đám bạn cũ, Tiến chẳng biết nói chuyện gì? Những câu chuyện tầm phào ngày xưa, bây giờ đối với chàng vô vị quá. Mà nói chuyện thơ văn với mấy người bạn này thì cũng không ổn, vì họ nào có để ý đến sách báo bao giờ. Sự gặp gỡ với các bạn cũ thưa đi thì Tiến bị các bạn cho là "giầu đổi bạn, sang đổi vợ". Thật là oan cho Tiến quá! Từ ngày chàng đi vào thế giới văn chương thì chàng cảm thấy mình lạc lõng giữa những người bạn cũ mà một thưở họ đã từng thân thiết, có lẽ vì nay, họ không có những cái chung để truyện trò cùng nhau.
Tên tuổi của Tiến chính thức.."sáng chói" trên văn đàn hải ngoại khi vợ chàng in và ra mắt cho chàng tập thơ "Mộng Ngày Xanh". Tiến phải công nhận vợ chàng quá giỏi! Thường thường những buổi ra mắt sách cũng vắng vẻ nhưng ngày của chàng thì rất đông người tham dự và chàng ký sách bán và tặng liên tục.
Tiếp theo buổi ra mắt sách thành công mỹ mãn là những bài viết nhận xét về quyển thơ của chàng đăng tải trên khắp các báo chí. Bài viết nào cũng làm chàng đẹp lòng cả. Nào là hồn thơ lai láng, ý thơ súc tích, chữ nghĩa tân kỳ... Ôi thôi! bao nhiêu tĩnh từ đẹp đẽ họ đã dùng cả, để ca ngợi thơ chàng. Đài phát thanh, truyền hình cũng không quên phỏng vấn chàng về tiểu sử và tập thơ.
Vợ chàng đã cẩn thận thâu lại các băng phỏng vấn, cắt tất cả những bài báo viết về chàng để vào một quyển Album cùng với những hình ảnh của ngày ra mắt sách. Nàng cũng không quên nhờ các bạn bè ở xa gửi bán giùm ở các hiệu sách nơi họ Ở.
Có lẽ cũng nhờ báo chí, đài phát thanh, truyền hình mà cái tên của chàng đã trở thành quen thuộc đối với quần chúng. Khi tên của chàng đã trở thành quen thuộc thì việc họ tìm mua tác phẩm của chàng cũng là điều dĩ nhiên thôi. Bên Cali lại đông dân Việt Nam nên thơ chàng bán hết, nghĩ cho cùng cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Tiến mơ màng nghĩ đến một ngày kia, tên tuổi chàng sẽ đi vào văn học sử nước nhà, sánh ngang hàng với những thi sĩ mà chàng hằng mến mộ như: Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... Chàng thầm cảm ơn vợ đã hỗ trợ chàng hết lòng trong sự nghiệp văn chương. Lát nữa đây, chàng báo tin cho vợ biết là thơ gửi ở Cali đã bán hết chắc là nàng mừng lắm.
Suy nghĩ miên man, Tiến về đến nhà lúc nào không haỵ Chàng đậu xe rồi chạy vội vào nhà. Vợ chàng đang chuẩn bị bữa cơm chiều trong bếp, thấy chàng, nàng hỏi:
- Hôm nay anh có việc gì vui mà trông mặt anh tươi thế?
Tiến đến bên, hôn nhẹ lên mái tóc vợ:
- Cảm ơn em đã giúp anh trở thành thi sĩ. Thơ của anh gửi ở Cali bán hết rồi, họ cần thêm vài chục quyển nữa.
Vợ Tiến reo lên:
- Vậy hả anh? Biết thế, kỳ rồi sang Cali ăn cưới con chị Nhàn, mình mang thêm sang thì bây giờ khỏi phải gửi bưu điện.
Rồi nàng cao hứng đề nghị:
- Từ nay, anh phải viết truyện! Viết truyện mới "nổi" được! Thơ, nhiều người làm quá rồi!
Tiến phì cười:
- Em làm như anh là thiên tài không bằng!
- Anh không là thiên tài nhưng anh sẽ phải trở thành nhà văn! Người ta viết được mình cũng viết được!
- Thế thì... chức nhà văn anh nhường cho em đấy, em viết đi.
Vợ Tiến cũng cười ngất:
- Em là nhà bếp rồi! Anh đã là nhà thơ, phải thêm một "nhà" nữa mới hơn em, chồng hơn vợ mới hợp lý!
- Thôi em ơi! Anh chữ nghĩa ăn đong, làm thơ đã là quá rồi, viết văn nữa để dọa thiên hạ hay sao?
- Anh lúc nào cũng có mặc cảm là mình dốt, lạ thật! Thơ văn, viết mãi thành quen, thành hay chứ đâu phải những người có bằng cấp là thành văn thi sĩ cả đâu.
- Đành rằng thế. Nhưng thơ thì còn dễ, cứ xúc động thì viết ra thành thợ Nếu không rành niêm luật, thì làm thơ tự dọ Chứ viết văn thì phải có kiến thức về chữ nghĩa, về cuộc sống, về tâm lý con người... thì truyện mới súc tích, mới hay được.
- Anh chưa viết, làm sao anh biết là anh viết không được? Lúc đầu, anh viết hồi ký đi. Chuyện đời mình có sao viết vậy, dễ quá mà!
- Mình không phải là một nhân vật nổi tiếng như các chính khách hay các tài tử màn bạc, chuyện đời mình thì chẳng có gì đặc biệt, nhạt như nước ốc, viết ra, ai đọc?
- Thì khi viết anh phải thêm mắm, thêm muối cho hấp dẫn chứ em có bảo anh viết y chang như đời anh đâu?
Câu chuyện giữa hai vợ chồng Tiến về việc viết văn đến đấy tạm ngưng vì vợ chàng bỗng nhìn đồng hồ rồi la lên:
- Chết rồi! Mải nói chuyện văn chương, em ra tiệm trễ quá!
Dứt lời, nàng lật đật chạy ra cửa, sau khi dặn với lại:
- Chút nữa, ăn cơm xong, anh ra tiệm phụ với em nhé! Hôm nay thứ Bẩy, chắc đông khách lắm đấy!
Tiến nhìn theo vợ, trong lòng cảm phục vì vợ chàng thông minh, đảm đang, tháo vát. Bất cứ chuyện gì có nàng nhúng tay vào là thế nào cũng thành công. Kể cả việc chàng trở thành "nhà thơ". Tiến nhớ lại lời nói khi nãy của vợ "Từ nay, anh phải viết truyện. Viết truyện mới nổi được, thơ, nhiều người làm quá rồi!"
Tiến bỗng thấy vợ có lý và chàng mỉm cười tự nhủ " Ừ, biết đâu mình cũng có thể trở thành nhà văn!"
Một buổi chiều thứ Bẩy, Tiến đang ngồi dán mắt vào cái T.V. để coi đá banh thì vợ chàng đi phố về. Nàng đến bên Tiến, lấy từ trong một cái bao giấy lớn ra mấy quyển sách, để trên bàn, nói như ra lệnh:
- Em mua cho anh mấy quyển sách nói về nghệ thuật viết truyện ngắn, truyện dài. Anh đọc thật kỹ đi rồi hãy bắt đầu viết.
Đang mải coi T.V., Tiến ậm ừ cho qua chuyện.
Khuya hôm ấy, khi ở tiệm về, vợ Tiến láu táu hỏi chồng:
- Thế nào, anh đọc xong quyển nào chưa? Liệu những quyển sách ấy có giúp ích gì cho anh không?
Tiến mỉm cười nhìn vợ, đùa:
- Không những anh đọc hết mấy quyển sách em đưa mà anh còn thực hành, viết luôn một quyển truyện nữa cơ!
Vợ Tiến dí ngón tay vào trán chồng:
-Xạo vừa thôi nghe anh! Chắc là anh lại cứ ngồi nghệt mặt ra trước cái T.V cả buổi tối nay chứ gì? Thôi, hôm nay em tha tội cho đó. Ngày mai, anh không cần phải ra tiệm, ở nhà, đọc hết mấy quyển sách đó cho em.
Tiến cười ha hả:
- Em nhất định bắt anh phải viết văn thật đấy à? Anh cứ tưởng em nói đùa!
- Em không đùa đâu! Em nói rồi mà, người ta viết văn được, thì anh cũng viết được. Cái gì mình thật lòng muốn là mình làm được!
- Nhưng anh có muốn thành văn sĩ đâu? Đấy là ý muốn của em cơ mà!
- Ý muốn của em, nhưng người thực hiện là anh. Người ta là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, anh cũng phải kiếm lấy một chữ "sĩ" cho oai chứ, không lẽ mình thua à?
- Thì anh đã là Thi sĩ rồi?
- Anh phải thêm một chữ ''sĩ" nữa, không lôi thôi gì hết!
Từ ngày lấy nhau, Tiến đã quá quen và bằng lòng với sự "chỉ huy" của vợ. Có lẽ cũng nhờ vậy mà gia đình chàng lúc nào cũng trong ấm ngoài êm và cuộc sống vật chất được thoải mái. Lần này, ý muốn của nàng chỉ là muốn chàng viết văn thì quá dễ, bởi vì đó cũng chính là điều chàng thầm mong ước nhưng chưa dám nghĩ tới mà thôi. Nay được nàng gợi ý và khuyến khích, chàng cảm thấy tự tin hơn và giấc mộng trở thành văn sĩ của chàng chắc không đến nỗi khó khăn cho lắm vì... chuyện gì có nàng nhúng tay vào là thế nào cũng thành công mà! Nghĩ vậy, Tiến cảm thấy vui vui trong lòng. Chàng mỉm cười nói với vợ:
- Em đã "ra lệnh" thì anh phải "thi hành" thôi chứ biết làm sao bây giờ? Từ mai anh sẽ đọc những quyển sách em mua hồi chiều rồi sẽ viết truyện để trở thành văn sĩ. Em chịu chưa?
Vợ Tiến cũng cười, vẻ tin tưởng:
- Nhất định anh sẽ thành công. Tin em đi!
Tiến bỗng tò mò hỏi:
- Mà anh hỏi thật em nhé, tại sao bỗng dưng em lại muốn anh trở thành nhà văn quá như vậy?
- Tại vì... em thấy cô nàng Thu Thủy từ ngày in được quyển truyện, lối quá! Lúc nào cũng dương dương tự đắc như mình là nhà đại văn ào vậy.
- Cô ấy dương dương tự đắc thì mắc mớ gì tới em?
- Mắc mớ chứ sao lại không? Nó cùng ở trong hội Phụ Nữ với em, bây giờ nó có vẻ lên mặt với bạn bè. Thấy mà ghét!
- Thế sao em không trả thù bằng cách em viết văn mà lại bắt anh viết?
- Nếu em muốn viết thì cũng dễ thôi! Nhưng em bận quá mà!
Tiến cười thầm vì câu nói của vợ. Đành rằng anh cũng nhận thấy vợ anh làm gì cũng thành công, nhưng việc viết văn thì không dễ như nàng tưởng. Sức học của nàng kém cỏi, nàng cũng chẳng bao giờ đọc sách báo, cuộc sống thì chỉ quẩn quanh với bếp núc, chợ búa. Làm sao có chất liệu và chữ nghĩa để mà hoàn thành một tác phẩm, dù là một tác phẩm dở đi nữa. Nghĩ vậy, nhưng Tiến không dám nói ra, ngại vợ không bằng lòng. Bỗng vợ chàng mắt sáng lên, nói nửa đùa nửa thật:
- Anh cứ viết trước đi. Không chừng em cũng viết cho mà xem.
Tiến giật mình trước lời tuyên bố của vợ. Thì ra câu nói vô tình của chàng "Tại sao em không trả thù bằng cách em cũng viết văn" đã gợi ý cho vợ chàng một phương thức trả thù cô bạn văn sĩ của nàng.
Thế rồi đúng như sự tính toán của vợ. Tiến trở thành nhà văn.
Ban đầu, chàng đọc hết mấy quyển sách nói về nghệ thuật viết truyện ngắn, truyện dài. Tiếp đến chàng tìm đọc thật nhiều sách của các tác giả nổi tiếng. Rồi chàng bắt đầu viết viết, xóa xóa.
Truyện ngắn đầu tay được dăng báo và truyện tiếp theo, truyện tiếp theo. Khi có được vài truyện đăng trên các báo địa phương, vợ Tiến lại đề nghị:
- Kỳ tới anh gửi truyện cho mấy tờ báo văn học ở Cali nhé! Nếu họ đăng, tức là truyện của anh "tới" rồi đó!
Tiến không ngờ vợ anh để ý đến cả chi tiết ấy. Vì thực ra, mấy tờ báo địa phương thường chỉ có một người kiêm đủ chức vụ trong tờ báo nên thường thiếu bài, ai gửi gì tới là đăng luôn, không hề kén chọn, vả lại vợ chàng đăng quảng cáo trên hầu hết các báo nên bài của chàng được đăng cũng chẳng có gì là vinh dự lắm.
Những tờ báo chuyên về văn thơ, có giá trị nên người nào có bài được chọn đăng là đã tiến xa thêm được một bước trong sự nghiệp văn chương. Cũng vì vậy mà mấy ông chủ nhiệm, chủ bút của những tờ báo văn học trở thành nhân vật quan trọng trong việc đi tìm tài năng mới cho nền văn học nước nhà. Nhưng thực ra, những cây bút mới, chen chân được vào những tờ báo đó cũng hiếm hoi lắm. Để vợ đừng quá hy vọng, Tiến nói:
- Có truyện được các báo ấy đăng không phải dễ đâu. Phần đông họ có bè có cánh cả đấy!
- Thì ở đâu chẳng có bè có cánh. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ chứ. Anh cứ nghe em, gửi đi đã nào. Có mất mát cái gì đâu mà sợ!
Thế là Tiến nghe lời vợ. Bài gửi đi rồi, Tiến hồi hộp đợi chờ. Cuối cùng thì truyện của chàng cũng được trang trọng đăng trên tờ báo văn học có uy tín ở Calị Từ đó, chàng càng có hứng khởi để sáng tác, tất nhiên là như thế!
Rồi hai năm sau ngày vợ ra lệnh cho Tiến "Anh phải viết văn. Viết văn mới nổi được. Thơ nhiều người làm quá rồi!" thì Tiến gom góp một số truyện chàng đã đăng báo để in thành sach. Một hôm, Tiến được vợ đưa cho một tập bản thảo với miệng cười nói tíu tít:
- Em định in tập hồi ký của em rồi cùng ra mắt với truyện của anh. Anh đọc xem có cần sửa chữa gì không nhé!
Tiến mở to mắt nhìn vợ. Thấy vẻ ngơ ngác của Tiến, vợ chàng phá lên cười;
- Anh làm gì mà như người mất hồn vậy? Bộ anh không tin là em biết viết văn phải không? Anh đọc đi rồi sẽ biết!
Tất nhiên là Tiến đọc ngấu nghiến tập bản thảo mà vợ chàng vừa đưa. Chàng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Phải nói là tập Hồi Ký của vợ chàng quá hay! Cuộc đời của nàng chẳng có gì là đặc biệt thế mà nàng đã thêm mắm thêm muối làm sao mà đọc vô cùng hấp dẫn. Văn phong thì nhẹ nhàng, trong sáng. Đối thoại thì dí dỏm, tả tình, tả cảnh thì chẳng chê vào đâu được. Chàng thắc mắc hỏi vợ:
- Em viết hồi nào mà anh không biết? Không ngờ em viết hay thế!
Vợ Tiến mỉm cười hãnh diện:
- Anh có nhớ cái hôm anh bảo em phải viết văn để "trả thù" cô nàng Thu Thủy không? Em viết từ hôm đó đấy!
Tiến hỏi một câu thật là ngớ ngẩn:
- Nhưng mà... làm sao em viết được hay như vậy?
Vợ Tiến nhắc lại câu mà nàng thường nói:
- Em đã bảo "Cái gì mình thật lòng muốn là mình làm được" mà!
Tiến nhìn vợ, lắc đầu khâm phục:
- Em tài thật! Cái gì em cũng làm được hết. Anh chịu thua em rồi đó.
Vợ Tiến mỉm cười mãn nguyện:
- Kỳ này em ra mắt sách, "mợ" Thu Thủy chắc đau lắm đấy. Mợ không ngờ em cũng viết văn như ai!
Tiến trêu vợ:
- Em vẫn còn thua Thu Thủy, vì cô nàng đang dịch sách ra tiếng Anh để đi vào thị trường của Mỹ đấy.
Vợ Tiến mắc lừa chồng, nàng hăng hái đáp:
- Viết mới khó, chứ dịch ra tiếng Anh thì quá dễ! Thuê người ta dịch là xong ngaỵ Mà nhà xuất bản Mỹ họ chịu in thì mới khó, mình bỏ tiền ra in thì... dễ òm!
Tiến ngừng đùa, vì chàng biết, nếu chàng nói thêm thì vài tháng nữa, thế nào quyển hồi ký của vợ chàng cũng có một ấn bản bằng tiếng Anh.
Thế rồi ngày ra mắt sách của vợ chồng Tiến được tổ chức vô cùng trọng thể. Các văn thi hữu và nghệ sĩ trong vùng chẳng thiếu mặt ai. Các thân hữu thì gồm đủ mọi thành phần trong xã hội. Chương trình văn nghệ hùng hậu, ngoài các nghệ sĩ địa phương còn có một ca sĩ nổi tiếng từ Cali quạ Phần giới thiệu tác phẩm do hai nhà văn tên tuổi đảm nhận với những nhận xét thật tỉ mỉ, thật hay, thật đúng! Lúc vợ Tiến lên sân khấu ra mắt khán giả, nàng ăn nói lưu loát vì trước đó, nàng đã soạn bài rất kỹ và thường đứng trước gương tập nói nhiều lần. sau phần giới thiệu tác giả, tác phẩm và văn nghệ là một bữa ăn chiều thật thịnh soạn.
Từ đó, vợ chồng Tiến trở thành hai nhà văn nổi tiếng ở trong vùng. Vợ Tiến mượn người quản lý nhà hàng để cuối tuần có thể tham dự những buổi sinh hoạt của cộng đồng, của văn giới. Vợ Tiến cũng sẵn sàng ủng hộ tiền bạc cho những hội đoàn mỗi khi họ gây quỹ. Do đó, bạn bè của vợ chồng chàng mỗi ngày một đông hơn, vui hơn.
Thế là vợ Tiến đã "trả thù" một cách đích đáng cô bạn nhà văn Thu Thủy, một người "rất lối" với bạn bè vì mình là nhà văn! Và lâu dần, nỗi thắc mắc của Tiến "Tại sao vợ chàng lại viết văn hay như thế?" cũng đi dần vào quên lãng.
Nhưng rồi câu hỏi đó của chàng đã được trả lời một cách rất tình cờ khi chàng đọc được một tấm thiệp nho nhỏ ở trong hộc tủ của vợ:
Sàigon, ngày... tháng... năm...
Kính gửi Bà Tiến,
Tôi xin gửi lại bà tập hồi ký và cảm ơn bà đã trả tôi một số tiền quá hậu hĩ.
Khi nào cần, xin bà cứ liên lạc với tôi về địa chỉ...
Kính chúc bà thành công.
Kính,
L. V. K
Bên cạnh tấm thiệp của nhà văn nổi tiếng ở trong nước trước năm 1975 ấy, Tiến cũng còn thấy những tờ biên nhận của các thư viện bên Cali đã nhận quyển thơ "Mộng Ngày Xanh" của chàng do chàng gửi tặng!

Hết


Xem Tiếp: ----