Năm 1979, một tháng trước khi chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con được ban hành, vợ của phó chủ tịch ủy ban tài chính đã sinh một đứa con gái mắc bệnh thiểu năng, con bé tên Miêu Miêu.
Bảy năm sau đó, khi người vợ sinh đứa con gái thứ hai, một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, người ta thường thấy phó ban đưa Miêu Miêu xuống phố, ánh mắt bao giờ cũng có vẻ lén lút. Khuôn mặt của ông nhàu nhò, hai bên má hóp lại, tất cả toát lên một nỗi thất vọng chán chường. Nét mặt của Miêu Miêu hầu như vô cảm, chỉ hơi ngơ ngác một chút. Người trong thị trấn để ý thấy hình như hai cha con họ lúc nào cũng có vẻ như đang trên đường đến một nơi nào đó.
Phó ban vốn là người có nhóm máu A, lại sinh năm thỏ, thế nên tính cách của ông vừa ngang ngạnh, vừa khép kín. Hồi ông hai mươi tuổi, có một mụ già mặt mũi nhăn nheo ở cửa hàng gạo đã xem chỉ tay cho ông và bảo rằng ông không thể nào có con trai được. Thế nhưng mụ đã không nói cho biết đứa con gái đầu lòng của ông sẽ là một đứa bé mắc bệnh thiếu năng hay là nhà nước sẽ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con mà thôi. Nếu lúc đó biết tương lai là thế này thì ông đã bảo vợ đi nạo ngay từ lúc cô ta biết mình có thai.
Sau khi đứa con gái thứ hai của ông chào đời, cả tuần ông giam mình trong phòng và uống hết bốn chai rượu. Thế rồi sau đó, ông cạo râu, ăn mặc tử tế đến gặp một lão què có tên là Tăng để xem bói lại lần nữa. Ông trả cho lão Tăng sáu tệ và nghe lão phán: vào năm bốn mươi tám tuổi, ông sẽ được thăng chức lên một cấp cao hơn; năm bốn chín tuổi, ông sẽ gặp một cái hạn nhưng nếu ông thắt một sợi dây màu đỏ quanh lưng thì có thể sẽ tai qua nạn khỏi; năm năm mươi tuổi, có một vị khách từ tây nam tới và sẽ đem đến cho ông vận may (phó ban nghĩ mãi trong số họ hàng và bạn bè xem có ai sống ở miền nam không, cuối cùng mới nhớ ra mình có một ông chú từng làm tướng của Quốc dân đảng, hiện đang sống với lực lượng phiến loạn ở Miến Điện mặc dù đã ba mươi năm rồi gia đình ông chẳng biết tin tức gì về ông chú này); vào năm ông năm mươi bảy tuổi, mẹ ông sẽ qua đời, và vợ ông mất vì bệnh phổi; năm sáu mươi tuổi, ông sẽ gặp một goá phụ trẻ cũng có nhóm máu A, sinh vào năm Trâu, cô này sẽ lấy ông và sinh cho ông đứa con gái thứ ba. Năm sáu mươi ba tuổi, ông sẽ chết. Ông hỏi lão Tăng xem có cách nào giúp ông sống thêm vài năm nữa -- chỉ hai năm thôi cũng được -- nhưng lão thầy bói bảo không thể nào làm thay đổi số phận được.
Thực ra thì phó ban lo cho chuyện mình không có con trai để nối dõi tông đường hơn là chuyện tuổi thọ ngắn ngủi. Ông gạt ra một bên ý nghĩ về người goá phụ trẻ nọ và tập trung suy nghĩ tìm cách làm thế nào để sinh được một cậu quý tử. Vì nhiễm sắc thể của Miêu Miêu bất thường khiến con bé vừa có vấn đề về thần kinh lại vừa tật nguyền nên đơn vị của vợ ông dành cho chị một ngoại lệ, cho phép chị được sinh hai con nhưng không bao giờ họ đồng ý để chị sinh thêm đứa thứ ba. Quả thật, ngay sau khi chị sinh đứa con gái thứ hai, một người của uỷ ban kế hoạch hoá gia đình đã đến đặt vòng cho chị. Trường hợp duy nhất khiến chị có thể kiếm cớ mang thai lần nữa đó là nếu như xảy ra chuyện một trong hai đứa con của chị bỗng nhiên biến mất. Với tình hình như bây giờ, phó ban nghĩ, hy vọng duy nhất của ông là tống khứ được con bé Miêu Miêu này.
Vì thế mà phó ban lao vào cuộc chiến với số phận. Khi đứa con gái thứ hai của ông mới được hai tuần tuổi, ông liền bế Miêu Miêu ra một công viên định bỏ rơi nó ở đó. Trước khi ông đi, vợ của ông cũng sụt sùi nước mắt nhưng chẳng biết làm gì hơn. Buổi tối, ông về nhà, trên tay vẫn bế Miêu Miêu. Ông kể với vợ là ông đã đặt con bé trên một cái ghế băng suốt cả buổi chiều và đứng ở xa quan sát nhưng chẳng có ai đến đem con bé đi cả. Sau ba lần cố gắng bỏ rơi con bé mà không thành, ông quyết định nghỉ việc một ngày, hy vọng giải quyết xong xuôi chuyện này.
Miêu Miêu có một cái đầu bẹt, lơ thơ một nhúm tóc tơ, trán dô và nhăn nheo, hai con mắt như con nòng nọc ăn sâu vào những hốc mắt nông choèn, mũi tẹt mà lỗ mũi lại lớn, mỗi lần lấy hơi thở, cánh mũi lại xoè ra. Cái miệng của nó không bao giờ ngậm lại được khiến nước dãi và thức ăn luôn trào ra rơi xuống cằm, bết lại quanh những nếp nhăn trên cái cổ vốn to của nó. Nó có sống thì cũng chỉ đem lại khổ sở cho ông mà thôi.
Suốt bảy năm qua, con bé cũng nhận biết được một vài điều. Nó biết gào lên khi muốn đi tiểu tiện, và biết nghe lời khi bảo nó ăn hay uống thuốc. Sau vài lần cha nó cố tìm cách bỏ rơi nó, con bé cũng biết sợ mỗi khi bị đưa ra khỏi căn phòng tối om trong nhà đi ra ngoài trời. Hễ khi nào cha nó bế nó, đem nó đến một nơi mà ở đó có thể thấy được bầu trời rộng mở trên cao là tóc con bé lại dựng ngược lên, nó bặm miệng thật chặt đến độ khó có thể cậy ra được. Con bé đã từng ở lại một mình trong rừng suốt cả ngày nghỉ cuối tuần, nằm lại một đêm trên một cái ghế đá, sáu ngày tại một đồn công an ở một vùng quê, bốn mươi tám giờ trên một chuyến tàu đến thành phố. Lúc những chuyện không hay này bắt đầu xảy ra, con bé bao giờ cũng thấy bỗng nhiên cha nó biến đi đâu mất và nó chỉ còn lại một mình. Nhưng cuối cùng thì con bé luôn được thoát nạn và an toàn trở về căn phòng tối om đầy mùi bùn và bắp cải thối.
Phó ban không biết đến khi nào việc bỏ rơi con bé Miêu Miêu này mới thành nhưng ông quyết định tiếp tục đương đầu với số mệnh. Vì đứa con trai tương lai, vì mục đích để lần thụ thai tới của vợ ông thành công, phó ban tiếp tục theo đuổi kế hoạch của mình. Ông tự nhủ lý do duy nhất khiến ông bây giờ phải chăm sóc tử tế cho Miêu Miêu là nhằm chuẩn bị cho một cơ hội để ông có thể rũ bỏ nó. Còn đối với Miêu Miêu, mỗi một chuyến đi ra thế giới bên ngoài là một cơ hội để nó chứng tỏ cái sức sống bền bỉ của mình.
Phó ban vào Đảng năm 1958. Thời kỳ Cách mạng văn hoá, ông gia nhập một phe chính trị không đồng tình với những chỉ thị cải cách của Mao chủ tịch và bị hất cẳng bởi phe đối thủ. May mắn là ông lại kết hôn với một người thuộc phe thắng thế, do vậy mà thoát khỏi việc bị đấu tố. Ông làm tình với vợ trong căn buồng tối tăm của họ trong khu nhà dành cho công nhân ở, khi đó, ngoài trời, đạn bay vèo vèo. Cả hai người hầu như chẳng có kinh nghiệm gì trong chuyện tình dục, ngoài một ít điều họ biết được qua những câu chuyện tục tĩu, vì thế mãi đến năm thứ tư kể từ ngày họ kết hôn, vợ ông mới mang thai. Bác sĩ bảo khuyết tật của đứa trẻ là hậu quả từ việc họ đã quá đà trong chuyện chăn gối hồi vợ ông mang thai.
Sáu tháng theo đuổi kế hoạch của mình, phó ban vẫn không sao tìm được cách để rũ bỏ Miêu Miêu. Ông dồn nhiều sức lực hơn vào kế hoạch này và bắt đầu xao lãng công việc của mình. Lão thầy bói đã bảo rằng ông chỉ có thể rũ bỏ được đứa con gái của mình khi nào ông chắc chắn có một người tử tế nào đó nhận nuôi nó. Ông sẽ không thể nào bỏ rơi nó được nếu còn băn khoăn nghĩ đến có chuyện nào rủi ro khiến con bé có thể bị hại hay phải chết đói. Chuyện này không thành hẳn là có mối liên hệ với con giáp mà ông cầm tinh. Ông tin là nếu sinh năm Dần hay năm Dậu thì bây giờ ông đã có thể ẵm một thằng cu trên tay rồi.
Thường thì ông hay đem Miêu Miêu ra vùng ngoại ô, hy vọng có thể vứt nó lại ngoài cánh đồng. Ông đặt con bé xuống bên cạnh một mô đất rồi nấp sau một bụi rậm quan sát. Thi thoảng có một người qua đường dừng lại chỗ con bé, đá đá vào ống chân nó để xem nó còn sống hay không. Thế rồi họ nhìn xung quanh và khi chắc chắn rằng không ai nhìn thấy mình, họ lần lần sờ sờ con bé. Nếu tìm thấy cái phong bì có nhét tiền mà phó ban đã gài vào trong túi áo của con bé thì họ sẽ rút nó ra và xoáy luôn số tiền ấy. Một vài kẻ thậm chí còn định lột cả áo quần của con bé nữa. Hễ thấy cảnh này là ông lại xổ ra đuổi theo tên trộm, giật lại mớ quần áo và tiền từ tay hắn. Rồi ông lại bế Miêu Miêu lên, đem nó đến một cánh đồng khác. Khi mặt trời bắt đầu ngả bóng và nếu như vẫn không có ai nhặt con bé đi thì ông đành lê chân đến chỗ con bé, trong cảm giác mệt mỏi vì đói, ông bế con bé lên mang về nhà.
Một ngày nọ, phó ban đọc được một bài báo nói về một trại trẻ mồ côi ở thị trấn bên. Trại trẻ có những phòng ngủ sạch sẽ và sáng sủa, bài báo tả như vậy, ngoài sân còn có cả một chiếc xích đu. Khách nước ngoài từ sáu nước đã đến thăm trại trẻ và chụp ảnh với những đứa trẻ với khuôn mặt rất vui tươi ở đó. Tim ông đập mạnh khi đọc mẩu tin này: “Tuyệt vời!” ông thầm nói. “Đấy là cái mà Đảng đã cho ta! Một trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý -- cuối cùng thì Miêu Miêu cũng có được một nơi để đến!”
Ngày hôm sau ông nghỉ việc và đến thành phố đó cùng với Miêu Miêu. Khi đến trước cổng trại trẻ, ông ngừng lại một lát và lẩm nhẩm lại những gì định nói. Ông thầm thì với Miêu Miêu, bảo nó không được để lộ ra ông là cha nó -- một sự cẩn trọng không cần thiết, vì ông biết rõ là con bé không thể thốt lên được một lời. “Mẹ mày giờ phải trông em” ông bảo với nó. “Mẹ mày không có thời giờ để chăm sóc mày. Ở đây mày sẽ hạnh phúc. Ngày nào người ta cũng cho mày ăn mì, và cả kẹo nữa. Thậm chí người ta còn dạy cả tiếng Anh cho mày. Mày sẽ sung sướng hơn ở nhà nhiều.” Ông lau dãi cho con bé, bế nó qua cổng của trại trẻ và gõ cửa.
Giám đốc trại trẻ mở cửa. Đó là một phụ nữ có gương mặt nghiêm nghị, ít hơn vợ ông chừng vài tuổi. Phó ban đặt Miêu Miêu lên bàn tiếp khách và quả quyết rằng ông đã nhặt được con bé ngoài phố. “Tôi đã hỏi xem nó là con ai nhưng không ai biết cả”, ông bảo bà giám đốc, mặt tỏ vẻ bình thản như không. “Một người bán dạo nói với tôi nó có thể là một đứa trẻ mồ côi và tôi nên đem nó đến chỗ của đồng chí.”
Bà giám đốc săm soi nhìn vào mắt Miêu Miêu. “Đồng chí bảo là mình đã nhặt được nó ngoài phố ư?” bà hỏi. “Chúng tôi không thể chắc chắn đây là một đứa trẻ mồ côi được. Có thể là nó bị lạc, hay bị cha mẹ nó bỏ rơi. Thật ra ông nên đem nó đến đồn công an.”
Phó ban bắt đầu toát mồ hôi. “Tôi chỉ muốn làm việc tốt mà thôi”, ông nói. “Tôi không biết đường sá ở thị trấn này như thế nào. Tôi chỉ ở lại đây trong ngày hôm nay. Và hơn nữa, tôi lại còn phải bắt kịp một chuyến tàu”. Ông rút ra một tấm vé tàu, huơ huơ nó lên. Bà giám đốc thở dài và miễn cưỡng đồng ý sẽ tự mình dẫn con bé đến đồn công an.
Phó ban trở lại nhà ga. Trong lúc đợi tàu, hân hoan vì cuối cùng cũng đã thực hiện được ý định của mình, ông chạy đến quán ăn ở cuối sân ga và tự thưởng cho mình một đĩa tai lợn và hai cốc rượu ấm.
Ngày hôm sau, ông ngồi ở bàn làm việc nhìn ra cửa sổ, nghĩ xem phải viết bức thư thông báo việc Miêu Miêu mất tích như thế nào, sau đó là lá đơn mà ông và vợ phải thảo để xin phép sinh thêm đứa nữa. Đúng lúc ông đang mơ màng nghĩ đến hình ảnh cậu con quý tử tương lai của mình đang bú ti mẹ như thế nào thì chuông điện thoại reo. Ông trưởng đồn công an ở thị trấn bên gọi ông đến để đem Miêu Miêu về.
Sáng hôm sau nữa, ông lại nghỉ làm, điều này làm lãnh đạo đơn vị hết sức ngạc nhiên, bởi vì như thế nghĩa là ông đã vắng mặt trong buổi họp chi bộ hàng tuần, để đến đón Miêu Miêu về. Phó ban băn khoăn không biết vì sao công an lại có thể lần ra ông được. “Tai mắt đám đông chuyện gì cũng có thể biết được,” ông lầm bầm. Ông nhận ra để tống khứ được con bé Miêu Miêu này có lẽ ông phải đến một nơi xa hơn.
Vào ngày sinh nhật lần thứ tám của Miêu Miêu, phó ban cho con gái một tấm vải nhựa để che mưa. Sau bữa mì xào làm nhân sinh nhật của con bé, ông lại chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của hai cha con. Đầu tiên, ông mặc một chiếc áo khoác không thấm nước và đi một đôi ủng mới. Rồi ông nhét một viên thuốc ngủ vào miệng Miêu Miêu. Ông không nỡ bỏ rơi con bé lúc nó còn đang thức, làm như thế, ông sẽ không phải nghe thấy nó nấc nghẹn hay chứng kiến cảnh nó khóc gào giữa một bầy sói.
Mặc dù ban đầu vợ ông đã phản đối kế hoạch này của ông nhưng dần dần ông đã thuyết phục được vợ, và bây giờ vợ ông còn ủng hộ ông hết lòng. Trước lúc ông đi, bao giờ vợ ông cũng chuẩn bị cho ông một bi đông trà nóng và một hộp thịt bò khô nhét vào trong ba lô. Sự quyết đoán và mạnh mẽ của ông khiến bà thấy kính nể. Bà ngỡ ngàng trước vẻ đưòng hoàng của ông trong bộ đồ mới này. Ước muốn duy nhất của bà là làm sao để chồng mình vui vẻ và sinh được cho ông đứa con trai mà ông đã mong đợi từ lâu. Một tháng trước đó, chính bà đã trả tiền cho một mụ già nhờ giàn xếp để bán Miêu Miêu cho một cặp vợ chồng vô sinh, nhưng ngay khi biết con bé mắc bệnh thiểu năng thì cặp vợ chồng này đã đem nó trả lại và đòi hoàn tiền. Sau thất bại này, bà vợ đã nghĩ đến việc phá rào, cố tìm cách để sinh đứa thứ ba. Bà nghe nói có một bệnh viện tư ở một vùng nông thôn có thể tháo vòng với giá 30 tệ. Nhưng khi nhìn thầy tờ áp phích dán trên cửa hàng gạo: “Một con là quá nhiều: đủ để khổ cả đời”, bà không còn can đảm nữa.
Thế đó, Miêu Miêu vẫn không chịu biến mất. Nó phải chịu hết tai nạn này đến tai nạn khác nhưng bao giờ cũng thoát nạn an toàn. Trước khi lẫm chẫm bước đi, nó đã sống sót sau một vụ hai xe ô tô tông nhau và một cú ngã từ cửa sổ tầng ba rơi xuống. Không đêm nào là nó không lăn từ trên giường xuống sàn nhà bê tông nhưng chẳng bị hề hấn nghiêm trọng gì bao giờ.
Một hôm, phó ban để con bé lại trên một lối đi vắng vẻ bên một con kênh. Sau khi đặt con bé lại ở đó vài phút, một cái máy kéo không biết từ đâu lăn qua chỗ con bé. Bánh xe sượt qua đầu nó và làm bùn bắn tung toé lên mặt con bé. Khi phó ban chạy tới, ông thấy con bé vẫn bình an vô sự. Lốp xe đã lăn qua hai bên thân mình của con bé. Hàng xóm nghe câu chuyện này bảo rằng chỉ có những đứa bé được thần linh phù hộ mới không bị việc gì khi gặp một tai nạn như vậy, và họ đoán rằng con bé sẽ đem lại may mắn và tài lộc cho gia đình này. Bởi lẽ đó suốt cả một tháng phó ban không nghĩ đến chuyện tìm cách bỏ rơi Miêu Miêu nữa và đợi vận may đến.
Nhưng không có gì thay đổi cả, một lần nữa phó ban lại tin rằng cái hậu vận mà lão thày bói Tăng tiên đoán cho ông là chắc như đinh đóng cột. Đầu óc ông bị ám ảnh nặng nề bởi chuyện nhà mình nguy cơ tuyệt tự. Ông biết rằng nếu vợ ông vượt quá chỉ tiêu sinh hai con thì ông sẽ đánh mất tất cả những gì mình đã cật lực mới có được: công việc ở cơ quan nhà nước, thẻ Đảng viên, nhà cửa, lương bổng.
Vài tháng sau ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi tám của mình, ông được đề bạt làm trưởng ban tài chính, đúng như những gì mà lão Zeng đã đoán trước. Nếu những lời phán khác của lão Zeng cũng đúng cả thì năm sau một tai hoạ sẽ đổ ập xuống đầu ông. Nếu không qua được cái nạn này thì gia đình ông sẽ vĩnh viễn tuyệt tự. Bây giờ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, ông quyết định, là từ bỏ vị trí mới của mình và tập trung tất cả thời giờ vào chuyện tìm cách để bỏ rơi Miêu Miêu.
Điều rắc rối là cứ mỗi lần định rũ bỏ Miêu Miêu là ông lại thấy mình gắn bó với con bé sâu sắc hơn. Ông bắt đầu thấy hứng thú những chuyến đi cùng nó về nông thôn. Hầu như cả đời chỉ quanh quẩn bên bàn giấy, bây giờ ông thấy thật tuyệt vời khi cảm nhận được gió lùa trên mái tóc và nắng hắt trên da mặt. Ông thấy thích thú khi khoác trên mình bộ đồ đi cắm trại và được ngủ ở ngoài trời. Những chuyến đi cùng Miêu Miêu làm ông nhận thức sâu sắc hơn về đời mình và theo một nghĩa nào đó, ông biết ơn con bé.
Nhiều năm qua, ông đã hy vọng Miêu Miêu sẽ hợp tác với kế hoạch của ông và sẽ lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời ông. Nhưng khi cái hy vọng này cứ dần dần tiêu tan thì con bé lại trở thành người duy nhất an ủi ông và cảm thông với ông -- nó là người bạn thân thiết nhất của ông. Cho dù ông có đặt nó vào những chỗ nguy hiểm thì con bé vẫn là người duy nhất trên thế gian này có thể tha thứ cho ông. Ông bắt đầu dốc lòng tâm sự với nó, kể cho nó nghe những vấn đề của ông với vợ mình, những mối quan tâm của ông về tình hình thế giới, nỗi đau lòng của ông vì tất cả những gì ông đã gây cho nó. Biết là con bé chẳng thể nói gì để đáp lời, ông cảm thấy có thể thoải mái nói tục ngay trước mặt nó.
Khi nhận ra những cố gắng của mình là vô ích, dần dần ông không thể tự chủ trong suy nghĩ được nữa. Mỗi lần cố gắng ruồng bỏ Miêu Miêu ông lại cảm thấy cứ như thể thật sự là ông đang ruồng bỏ chính mình và thấy rõ cái tương lai đã được định đoạt của mình. Đôi khi ông cảm thấy chính Miêu Miêu đã kéo ông ra khỏi thị trấn, chứ không phải là ngược lại. Cả nó nữa, nó cũng đã học được nhiều từ những chuyến đi này. Mỗi lần nằm ngả lưng giữa một cánh đồng vắng không, gào khóc trong vòng tay của một kẻ xa lạ, hay những lúc nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của cha mình, những hiểu biết của nó về thế giới này được rộng mở.
Một buổi tối, bên rìa một ngôi làng xa xôi, khi ngài trưởng ban đã từ nhiệm nằm ngả xuống mặt đất bởi kiệt sức, ông có cảm giác như nghe thấy Miêu Miêu nói với mình: “Hơn hai năm qua, con đã phải chấp nhận vai trò của một đứa trẻ bị ruồng bỏ. Con đã tìm được chính mình, và chính từ những cuộc vật lộn để rũ bỏ con, cha đã học được đôi điều về cuộc sống. Một người cha có thể đánh lừa một đứa con mắc bệnh thiểu năng nhưng một đứa con mắc bệnh thiểu năng cũng có thể đánh lừa được cha mình. Con đã tạo cho cuộc sống của cha một khuôn thức, một nhịp điệu. Con đã dạy cho cha những gì thuộc về chính bản thân cha mà cha thấy có lẽ nếu không biết thì hơn. Cha phải hiểu nhiệm vụ này của cha cuối cùng sẽ huỷ diệt chính cha. Trong cái thế giới điên đảo này, chỉ có một đứa trẻ mắc bệnh thiểu năng mới có thể tìm thấy hạnh phúc. Con chẳng chia sẻ bất cứ lỗi lầm hay trách nhiệm nào của cha. Con chẳng bận tâm bất cứ điều gì về quá khứ hay tương lai, hay chuyện liệu tinh trùng của cha có phối được với một tế bào trứng của ai đó không. Thậm chí con còn không chắc chắn là mình có tồn tại trên đời này hay không nữa. Nếu cha cũng mắc bệnh thiểu năng như con, cha sẽ hiểu những gì con nói. Con ước là cha sẽ từ bỏ cái nhiệm vụ vô ích này của mình. Cha đã tận lực cho mọi người rồi. Cha đã không làm cả con và cha thất vọng. Cha chẳng còn gì nữa để làm đâu.” Khi con bé nói, nước mắt và nước dãi của nó chảy long tong xuống ngực cha mình. Lúc này, ông đang ngủ, đầu ông tựa vào một bức tường gạch nung. Phía trên ông có một khẩu hiệu: “Thêm mười ngôi mộ còn tốt hơn một cái nôi!”.
Chiều hôm đó, sau khi ngài trưởng ban đã từ nhiệm bỏ rơi Miêu Miêu một lần nữa không thành, một người nông dân trong làng nói với ông rằng không có ai ở đây cần con bé này cả. Ông ta bảo: “Ban kế hoạch hoá gia đình đã kiểm tra chúng tôi rồi. Người nào cũng chỉ muốn có con trai để giúp đỡ việc đồng áng. Không ai muốn một đứa con gái cả, một đứa con gái khuyết tật thì lại càng không. Tốt nhất là ông đêm thả nó trôi sông. Ở làng này, nếu sinh một đứa bé không hợp pháp, các bác sĩ sẽ tiêm một liều nước muối vào đầu đứa trẻ ngay khi nó vừa được sinh ra, chỉ mười phút sau nó sẽ chết.”
Khi đời sống người ta thay đổi theo sự phát triển kinh tế của đất nước, người ta ít chú ý hơn đến ông trưởng ban đã mất cả đời để vứt bỏ đứa con gái đầu lòng của mình và rồi lại đem nó về cưu mang. Nhưng người nào cũng biết ông là ai.
Cứ để ý là họ lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông cổ áo và ống tay áo là lượt (chỉ nhìn thoáng qua họ cũng biết trước kia ông đã từng là viên chức nhà nước) đi ngang qua bảo tàng của thị trấn một cách vội vã, bế trên tay một đứa trẻ tật nguyền. Ông băng qua cầu vượt dành cho người đi bộ và đi về phía vùng ngoại ô mới, ông không nhằm hướng đi về phía công viên bên bờ sông mà về phía những cánh đồng ở ngoài xa.
Đến khi ông trưởng ban cận kế sáu mươi tuổi, sức lực của ông đã sa sút nhiều, ông không thể đem con gái mình đến những cánh đồng được nữa. Thay vào đó, ông đặt con bé ở chỗ gần cửa hàng gạo, đầu nó nghếch về phía tây nam. Rồi ông ngồi nấp sau một bụi cây cách đó mười mét, sợi dây lưng màu đỏ của ông cứ lòng tha lòng thòng trên mặt đất. Khách qua đường để ý rằng khi ông ngồi nấp sau bụi cây như thế những nếp nhăn trên mặt ông dường như biến mất. Ông cứ ngồi đợi hàng giờ liền, kiên nhẫn như một người đi câu bên hồ vậy. Nhưng ngay khi có kẻ nào đi qua và sờ vào “cái của để rơi” của ông là ông dựng người lên, nhảy bổ tới và bế xốc Miêu Miêu lên. Trong thị trấn này ông trở thành người bảo vệ duy nhất của đứa con tật nguyền.
Nguyên tác: “The abandoner”, do Flora Drew dịch từ tiếng Trung,

in trong tạp chí New Yorker, số ra ngày 10-5-2004.

Độc giả có thể tham khảo bản điện tử của tác phẩm này trên trang web:

http://newyorker.com/fiction/content/?040510fi_fiction


Xem Tiếp: ----