– Con đường này đẹp thật.
– Thấm gì! Còn những nơi khác đẹp hơn vạn lần. Cậu về Cali được mấy năm rồi?
– Gần một năm.
– Tôi ở đây trên mười năm, đã đi nhiều nơi, đã nhìn thấy nhiều cảnh đẹp.
– Đã thật!
– Tôi chỉ nhìn thấy nhiều cảnh đẹp. Cậu hiểu tôi muốn nói gì chứ?
– Hiểu anh ạ!
Người lớn tuổi bẻ một vòng cua phải. Chiếc xe chạy vào một con đường nhỏ. Hai bên là hai hàng cây cao vút. Dưới cơn nắng,con đường trải dài với cái nhìn mát mắt. Một vài chiếc xe chạy ngược lại. Tiếng động cơ ào qua rồi tắt ngấm. Còn lại chiếc xe của hai người như vật thể duy nhất di động trong lòng đường. Đến một ngã tư, người lớn tuổi thắng lại khi ánh đèn đỏ lóe lên.
– Cậu nghĩ thế nào về việc tôi vừa nói?
– Chỉ nhìn chứ không cảm.
Người lớn tuổi gật đầu, bộ râu đen trên mép rung rung. Khuôn mặt khắc khổvới những nếp nhăn. Một vết thẹo trên trán hõm xuống thành một thứ nếp nhăn vĩnh viễn. Mái tóc rối bởi những sợi bạc trộn lẫn sợi đen không được chải.
– Phải! Chỉ nhìn chứ không cảm.
Ánh đèn xanh lóe lên. Người lớn tuổi sang số, bàn tay đột trên cần số cong lại như vuốt chim, bấu chặt lấy cục nhựa tròn. Những ngón tay to cứng, hằn mạnh vết gân xanh một cách mạnh bạo. Tất cả trái ngược với thân thể gầy gò trong bộ quần áo giản dị.
– Cậu biết tại sao không?
– Quê người.
– Phải nói rõ hơn là sự liên hệ giữa vùng đất và con người.
Người trẻ tuổi gắn điếu thuốc lên môi. Thái độ ung dung, gần như có pha chút làm dáng trong cách đốt thuốc. Những sợi khói xanh loang nhanh, tan vào thoáng gió hắt qua khung cửa sổ.
– Em chưa có sự phân biệt đó. Mới sang, tất cả đều lạ, đều đẹp. Đôi khi em còn thấy xúc động trước một cảnh vật giống như ở nhà. Như con đường này, như hôm nay chẳng hạn. Em liên tưởng đến đường Bá Đa Lộc ở Nha Trang. Cũng những cành cây ôm choàng lấy nhau, cũng hun hút bóng mát trước mặt.
– Cậu đã ra biển chưa?
– Có nhiều lần.
– Lúc nào?
– Cả ngày lẫn đêm.
– Lại nhớ Nha Trang?
– Đôi lúc. Thường thì chỉ nhớ lúc buổi tối, lúc bạn bè đốt lửa, uống bia, nghe nhạc, đùa giỡn... em lang thang xuống bãi một mình. Nhưng chỉ vào buổi tối thôi, còn ban ngày thì hôn nhau chưa đủ giờ lấy gì mà nhớ nổi. Thời gian giữa những giờ nghỉ ngắn lắm anh ạ! Lại nữa, trong ánh sáng ban ngày vẻ trần truồng của biển ở đây khó lòng tìm thấy cái rung...
Người trẻ tuổi bỏ lửng câu nói, búng mẩu thuốc trên tay ra ngoài cửa xe. Một đốm theo gió hất ngược vào, bám trên gò má trái. Bàn tay trái với những ngón gầy guộc phủi nhẹ. Những sợi tóc lõa xõa trưức trán được hất lên. Mọi cử chỉ đều bình thường với vẻ thản nhiên trên khuôn mặt. Không một cảm xúc lộ ra.
– Trong những lần xuống bãi buổi tối quả tình em rung... Tình lắm chứ anh! Quấn cái chăn, em đứng trong gió, mặt quay về hướng biển chỉ nghe tiếng sóng đệp là đủ nhớ đến Nha Trang. Những hình ành cũ, những kỷ niệm hiện về khiến em ngơ ngẩn. Nhưng chỉ được lúc đó, sau đó thì tỉnh bơ hòa nhập vào cuộc vui. Quên hết, để sống.
– Cậu còn trẻ.
– Vâng, còn quá trẻ nên cần phải sống.
– Sống?
– Đúng.
Im lặng đến giữa hai người. Chiếc xe ngưng lại tãi một ngã tư khác, sát dấu hiệu ”stop” màu đỏ với vạch trắng gạch ngang.
– Cuộc đời đầy rẫy những ngã tư với các cột đèn xanh đỏ.
– Cậu có vẻ lẩm cẩm.
– Lẩm cẩm nhưng đúng. Trong cuộc sống này đôi lúc cần phải lẩm cẩm và thêm vào dăm câu triết lý vụn để đời đẹp hơn.
Trên môi người trẻ tuổi có thêm nụ cười. Những nếp nhăn bên mép thình lình hiện lên làm khuôn mặt đột nhiên cằn lại. Nhưng tất cả chỉ thoáng qua thật nhanh, rồi trở lại bình thường. Xa lại được chạy.
– Cậu nói đúng.
– Câu nào đúng?
– Có lẽ cả hai. Ngưng một chút. Chạy một quãng. Lại ngưng một chút. Rồi rẽ trái hay phải. Cảnh vật ào ạt trôi hai bên, những cảm xúc tê dần, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài vối đủ loại màu sắc.
– Từ ngày sang đây?
– Phải. Đã mười ba năm.
– Em chưa thấy điều đó, chỉ cảm thấy... vui hơn. Chắc tại vừa qua, cảnh vật còn lạ.
Người lớn tuổi lơ đãng điều khiển chiếc xe. Ngưng rồi chạy. Chạy rồi ngưng. Những ngã ba, ngã tư bỏ lại sau lưng từng cảnh vật. Như doạn đời đã trôi dài hơn mười ba năm tại xứ người. Ý nghĩ trôi tuột theo cuộc sống. Những phút riêng tư chỉ còn trở về khi còn lại một mình trong phòng. Bắt đầu từ lúc hạ cờ trên một chiến hạm Mỹ với những giọt nước mắt năm 32 tuổi. Rồi đến một tiểu bang xa lắc, cạnh biên giới Canadạ Tuyết và núi. Gió và cái lạnh. Cuộc sống ngột ngạt bên nỗi cô đơn của thứ nghề nghiệp mới. Không còn những đồng đội bên cạnh mà thay vào đó là 6 cây xăng xếp thành hai hàng trên một thềm xi măng. Bếm nút. Quay cần. Nhấc ống dẫn xăng. Gài ống dẫn xăng. Đọc những con số. Cầm những tờ giấy bạc xanh ngoét. Trả lại những đồng cắc lạnh tanh. Nói tiếng cám ơn xa lạ. Cứ thế. Ngày nào cũng thế với nỗi dằn vặt của một kẻ bỏ ngũ. Qúa khứ ẩn hiện trong từng giấc ngủ ngập ngụa mùi bia để những sợi tóc đổi màu mà không ngờ. Để một hôm tình cờ soi gương mới thấy mình xa lạ với chính mình. Thằng người trong gương hiện lên như nhắc nhở hiện tại đang tự mình đổi thay bằng cuộc sống của một loại người khác. Và thèm thuồng thứ ngôn ngữ đã bị bỏ quên, thèm thuồng những sinh hoạt của quá khứ... Những trăn trở đó đưa đến lần quyết định đổi thaỵ Từ đáy sâu ý nghĩ có lời mời gọi của những người cùng nguồn gốc. Cuối cùng làm một chuyến đi hơn 2000 d[m trong chiếc xe cũ rích về miền này. Để bắt đầu tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống bên những con người. Nghĩ thế, nhưng tóc đã bạc lại bạc hơn. Hơn 10 năm chỉ hằn thêm những vết nhăn trên trán.
– Toàn là những cây xăng.
Người lớn tuổi lẩm bẩm. Người trẻ tuổi ngạc nhiên quay sang bên trái.
– Anh nói gì?
– Những cây xăng và những con người.
– Là thế nào?
– Chẳng có gì cả.
Người lớn tuổi buông thõng câu nói trong sự ngạc nhiên của người trẻ tuổi. Ý nghĩ quấn quýt trong đầu. Những con người đã chết cứng như những cây xăng. Ẩn hiện hàng số với dấu dollar phía trước. Rũ thõng vòi bơm như những cánh tay thừa thãi. Một loại người không còn cảm xúc. Thà chơ vơ bên cạnh 6 cây xăng tại một nơi đầy tuyết còn hơn. Dụ sao những cây xăng cũng không có tim và chưa bao giờ biết thở. Người lớn tuổi khẽ mỉm cười.
– Có bao giờ cậu nhìn kỹ một cây xăng?
NGười trẻ tuổi ngơ ngác. Câu hỏi thật bất ngờ. Sao lại cần nhìn kỹ một cây xăng? Cũng chỉ là những vòi bơm, những hàng số chỉ mức xăng, chỉ tiền và các cần gạt mang hai màu xanh đỏ. Bình thường như trăm ngàn vật khác trên đất này. Người trẻ tuổi nói ý nghĩ của mình. Người lớn tuổi gật đầu, vẫn trong cái cười cũ.
– Đó, ý nghĩ của tôi lúc nãy là thế.
– Những cây xăng và những con người?
– Phải!
– Anh muốn nói...
Người lớn tuổi nhún vai. Xe đã chạy vào đường Bolsạ Hai bên đường là những dãy thương xá gồm Phần lớn những cửa tiệm mang tên Việt Nam. Cũng vẫn những cái tên của một thữi Sài Gòn cũ. Để gợi nhớ, để gây sự chú ý của khách hàng. Đồng Khánh, Nguyễn Huệ, Tây Hồ... Nỗi nhớ đã thành món hàng thương mại. Quen thuộc đến độ chẳng ai còn để ý. Người bán và người mua bình thản trao đổi bằng những tờ giấy bạc, bằng những con số với những bộ Óc của một thứ cây xăng. Quay cần bắt đầu nhảy số. Gạt cần hiện lên số tiền phải trả. Đều đặn và nghiêm khắc trên từng đồng cent khai thuế.
Người lớn tuổi quẹo xe vào khu Nguyễn Huệ với nét mặt không cảm xúc trong khi người trẻ tuổi thích thú theo dõi cảnh vật trôi qua khung kính. Môi cười, mắt sáng, người trẻ tuổi như hòa lẫn vào cảnh sống nhộn nhịp. Câu chuyện về những con người và những cây xăng như chưa hề được nghe.
Bãi đậu xe đông nghẹt. Họ đảo quanh hai vòng vẫn không có chỗ đậu. Người lớn tuổi bực bội buông tiếng chửi thề, ngưng xe tại một khúc quanh. Trước mặt họ là một lá cờ Việt Nam được kéo lên một cột cờ dựng trước khu thương xá. Màu cờ ủ rũ trong buổi sáng thiếu gió. Hình ảnh thật tội nghiệp, thật cô đơn với màu vàng rũ giữa bầu trời xanh ngát và lạc lõng qua sự hỗn độn của đám màu sắc quần áo, xe cộ nằm phía dưới. Trong mắt người lớn tuổi lóe lên ánh mệt mỏi.
– Cậu thấy lá cờ chứ?
– Thấy hoài, chẳng có gì đáng để ý.
– Me...
Người lớn tuổi bỏ ngang câu chửi. Một chiếc xe lui ra khỏi dãy xe đậu, người lớn tuổi bật đèn báo hiệu chờ đợi. Nắng đã lên cao. Độ chói chan của buổi sáng ngập nắng hắt không khí oi bức vào lòng xe. Cả hai cùng trong thế ngồi chờ đợi, chăm chăm nhìn vào chiếc xe đang rời chỗ đậu. Mẩu đối thoại tắc nghẽn.
Họ xuống xe, băng ngang bãi đậu và tiến về một quán ăn. Không khí bên ngoài gay gắt. Cái nắng như đổ lửa trên đầu qua từng bước đi. Đến trước một tiệm phở người lớ tuổi ngướg lại.
– Vào đây chứ?
– Sao cũng được.
– Phở ở đây ăn khá và thiên hạ cũng đông. Ngồi đây cũng là một cái thích. Quán này thường xuyên lui tới là đám anh hùng hào kiệt của làng báo chí, cậu biết chứ?
– Anh hùng hào kiệt và cường đạo thảo khấu.
Người trẻ tuổi trả lời trong tiếng cười. Họ bước vào, bầu không khí mát lạnh tỏa vào mặt. Cả hai thấy lành lạnh dọc theo xương sống khi cái nóng trong người tỏa ra. Một vài tiếng chào, một vài cái giơ tay từ đám đông được làm. Người lớn tuổi lãnh đạm gật đầu nhìn quanh thật nhanh. Đúng như lời họ nói, hơn nửa thực khách là những người làm văn nghệ,báo chí tại đây. Giữa không khí hỗn độn là những gương mặt ngây ngây tự mãn, là những cái vung tay, là những lời la lối. Mỗi bàn là một nhóm, một đề tài. Mỗi con người là một qủa núi với thái độ huênh hoang. Nói và nghe không còn đi đôi trong các câu chuyện tại đây. Người nói và người nghe chỉ là một, bởi chẳng ai buồn để ý đến người trước. Tất cả đều chầu chực đến lượt mình nói hay phát biểu quan điểm hoặc biểu lộ kiến thức. Ồn ào, cài ồn ào tự nhiên của quán này được hình thành bởi những người khách tự khoác áo văn nghệ và trí thức. Họ làm không khí quán có vẻ đặc biệt hơn. Như tô phở phải có thêm cọng ngò gai, chút tương ớt mới đủ mùi vị. Dẫu gì họ cũng còn một chút hãnh diện là những người đang làm văn hoá và chính trị. Và những điều đang nói, sắp nói may ra có thể làm biến chuyển tình hình thế giới. Hơn thế nữa, những điều này luôn luôn mới và có thể là khác hẳn với những điều đã nói. Bởi thế phải là núi, phải là trời để chứng toi? nghề nghiệp. Mặc mọi người chung quanh. Mặc cả những người cùng bàn đang trong cùng một câu chuyện.
Len qua các dãy bàn, hai người đến một góc khuất. Người già ngồi xoay lưng ra ngoài, trước mặt là lớp mành bằng nhựa mềm màu vàng nhạt. Qua kẽ hở, khung cảnh bên ngoài vẫn trôi đều đặn. Người và xe. Xe và người. Màu sắc áo quần, son phấn hòa màu nắng. Tất cả diễn ra như cuốn phim quen thuộc với các diễn viên trong các động tác được buồn nản.
– Quán đông thật.
– Hôm nay là chủ nhật.
– Ngày thường cũng thế anh ạ!
– Cậu thường xuyên ghé vào đây?
– Vâng! Em khoái phở ở đây?
– Hẳn quen cũng nhiều những nhân vật chung quanh?
– Chỉ biết một vài người vì tình cờ nghe họ gọi nhau. Em khoái tới đây để ăn chứ không khoái tới đây để gặp các đàn anh hết thời ngồi ôm dĩ vãng bàn chuyện tương lai.
– Cậu ghét và khinh họ?
– Sao anh nói thế? Em chả ghét cũng chả ưa, chỉ thấy buồn cười và tội nghiệp. Ít nhất họ cũng là những người không được làm những việc mình muốn khi về già. Chỉ còn lời nói mà với hôm nay những lời nói thường không được coi là trọng... nhất là thứ lời nói trong các bàn đớp hít. Quán này là một.
– Cậu nghĩ họ hiểu hay không hiểu điều đó?
– Cả hai điều anh đưa ra đều không quan trọng. Em nghĩ thế, và điều quan trọng nằm tại chỗ làm chứ không phải chỗ nói... Hà! Nhưng không vậy thì họ biết làm gì cho hết tuổi già tại xứ người... Tìm lại cái tôi dĩ vãng cũng là một thứ hạnh phúc khi hiện tại không làm được hay không được làm điều gì.
– Hãy nghĩ đến tuổi già của cậu.
– Còn qúa sớm anh ạ!
Hai người cùng bật cười. Người lớn tuổi thôi không còn nhìn ra ngoài. Trên khuôn mặt khô khan đã có nét vui nhỏ.
– Cậu nghĩ sao về cộng đồng này?
– Anh nói mặt nào?
– Chung. Tất cả.
Người hầu bàn bưng đến hai tô phở. Người trẻ tuổi lấy đôi đũa đưa cho người lớn tuổi.
– Mời anh.
– Cậu nghĩ sao?
Người lớn tuổi đón lấy đôi đũa và tiếp tục câu chuyện. Người trẻ tuổi nói khi lau đũa cho mình. Thái độ vẫn ung dung.
– Em thấy đang lớn mạnh.
– Lớn mạnh?
– Phải!
– Đồng ý là lớn mạnh. Nhưng tốt hay xấu?
–!!!
– Tôi cảm thấy như một cái mụt nhọt đang chín rữa. Bề ngoài u tròn, đỏ hỏn. Bên trong lầy nhầy một đống máu mủ.
– Anh nói thấy ghê làm em ăn không nổi.
Người trẻ tuổi bật cười, khoắng đôi đũa trong tô phở còn hơn nửa. Những sợi bánh phở vữa trong nước dùng, loang sắc trắng đục, lợn cợn giữa màu tương đỏ như máu và mủ trộn lẫn. Vất đôi đũa xuống mặt bàn, người trẻ tuổi đẩy tô phở ra phía giữa. Chút nước dùng sóng sánh, bắn ra mặt bàn vài giọt nước váng mỡ đục lờ lờ trên sắc tương nhạt với hình thể tròn trịa như cái mụt đang căng phồng. Ý nghĩ nối dài từ câu nói làm lợm giọng. Người trẻ tuổi bưng ly nước trà lên uống nhanh. Phía trước mặt, người lớn tuổi vẫn ăn một cách ngon lành. Gắp rồi húp. Húp rồi gắp. Câu chuyện và tô phở chẳng liên quan gì đến nhau. Nguội lạnh và dửng dưng như cuộc sống đã trải dài trên mười năm. Tất cả được biểu lộ trong các sống đầy hành động chắp nối. Ngày và đêm. Thức và ngủ. Làm và ăn. Chỉ là mớ từ ngữ với sự nhuần nhuyễn vô thức. Hờ hững nhìn mọi việc trôi chung quanh, chỉ sống thật lúc một mình giữa khoảng trống rỗng của căn phòng. Người lớn tuổi đã ăn xong. Dưới đáy tô còn lại chút cặn pha lẫn bởi nước dùng với ít bánh vụn. Người lớn tuổi đẩy cái tô ra xa, đưa tay cầm ống tăm rồi thản nhiên xỉa răng, mằt không hề nhìn lại hành động đã làm. Như chưa hề đụng tay đến tô phở.
– Không ăn nổi hả?
– Tự nhiên em đâm ngán.
– Bởi cái mụt nhọt cộng đồng?
– Không, bởi cái mụt nhọt trong ý nghĩ và trên mặt bàn thì đúng hơn.
– Cậu vẫn còn tính thành thật.
– Đó là một trong những tính tốt, và từ đó em chưa thấy cái mụt căng mủ nếu quả đó là một cái nhọt như anh nói.
– Cậu sẽ thấy.
– Em không hy vọng điều này, bởi hạnh phúc không có nghĩa là nhìn thấy sự đau đớn hay xấu xa của chung quanh. Em rất cần hạnh phúc để sống thêm 30 năm tại xứ người.
– Cậu có đi lính chứ? – Biệt Động Quân anh ạ.
– Tù?
– Bốn năm chín tháng mười hai ngày.
– Nhớ kỹ nhỉ? Tưởng cậu phải đắng cay và hằn học hơn tôi chứ? Tôi chưa có ngày tù nào cả.
Người trẻ tuổi cười.
– Nhớ đâu có nghĩa là phải đắng cay, và căm thù đâu đặt tại cái nhìn về hạnh phúc? Nếu nghĩ thế thì đời buồn lắm.
– Dạo này cậu có vẻ sính triết lý.
– Đó chỉ là cuộc sống.
Người lớn tuổi bẻ gãy cây tăm, thả vào cái tộ Hai mẩu tăm nổi lềnh bềnh trên mặt cặn nước.
– Chúng ta như hai mẩu tăm được thả lềnh bềnh trên chất nước béo. Thứ nước đặc sệt chất bổ. Một biểu tượng của cuộc sống đầy tiện nghi vật chất. Và chỉ có tiện nghi vật chất chứ không có gì khác. Mẩu tăm ban đầu thả nổi, như tách rời khỏi chất nước. Rồi sẽ thấm dần. Rồi sẽ váng mỡ và nặng chịch để chìm từ từ.
– Anh đang chìm?
– May mắn và bất hạnh cho tôi là một mẩu tăm không bị thấm nước. Nên cứ nổi lềnh bềnh, để lạc lõng giữa cuộc sống, để tự hào một mình khi thời gian chất dần trên vai, đổi màu trên tóc. Còn cậu...
– Em?
– Phải.
Người trẻ tuổi nheo mắt, nở nụ cười thật thoải mái.
– Em sẽ thấm nước dùng, nhưng sẽ không chìm. Vẫn nổi lềnh bềnh như anh, nhưng sẽ không lạc lõng, không phải đếm từng sợi tóc bạc.
Người lớn tuổi gật gù, ngả lưng vào thành ghế. Thái độ có vẻ mệt mỏi và như chờ đợi một điều gì đó mà lâu lắm rồi vẫn chưa thấy đến. Cả hai im lặng thêm một lúc. Khỏng trống đột ngột không làm không khí ngột ngạt như các câu chuyện khác mà vẫn tự nhiên. Giữa hai người như vừa nói bông đùa về nhan sắc của một cô gái thoáng quạ Mãi lúc sau người lớn tuổi mới tiếp.
– Cậu hơi tự phụ.
– Cảm ơn anh đã dùng chữ ”hơi”. Em còn trẻ. Em có 30 năm phía sau để nổi và 30 năm trước mặt để thấm. Họ phá ra cười. Một vài người khách quay lại phía họ. Cả hai người đều tình cờ làm một cái nhún vai. Người lớn tuổi lại nói với giọng hơi lớn hơn.
– Hơn mười năm nay tôi lang thang rất nhiều chỗ nhưng chẳng nơi nào cho tôi một chút xúc động. Tôi đã dửng dưng trước những cái đẹp, thiên nhiên và ngay cả con người.
– Còn thơ...
– Tôi đã không làm thơ từ lâu lắm rồi, những bài cậu đọc là trong một cuốn thơ của tôi in trước ngày mất nước và bị tịch thu không cho phát hành.
Người trẻ tuổi không nói gì, cầm chiếc thìa kim loại đưa lên môi ngậm. Bụng chiếc thìa chứa hơn nửa bụng nước. Khẽ di động chiếc thìa bằng hai môi, người trẻ thích thú và chăm chú với trò nghịch. Sang bên trái, sang bên phải. Nước trong bụng thìa vẫn không sóng ra ngoài.
– Đôi lúc tôi cảm thấy mình bi quan.
– Anh không bi quan.
Người trẻ tuổi nói nhanh khi chiếc thìa được nhả ra, rơi xuống mặt bàn. M't tiếng động vang lên, nước trong bụng thìa bắn ra vung vãi. Một vài cái nhìn từ các bàn khác lại ném sang. Vẫn cái nhún vai như cũ, người trẻ tuổi nhìn chung quanh tyrong giọng nói đều đều.
– Em không nghĩ anh bi quan.
–!!!
– Hơn mười năm vừa qua anh chỉ ở đây chứ anh không sống tại đây. Sự liên hệ giữa đất và người không có trong anh. Mười năm vừa qua, hôm nay và mãi mãi anh sẽ chẳng cảm thấy gì, chẳng nhận được gì tại đây cả.
– Cậu nghĩ thế?
– Đó là sự thật mà ai cũng thấy mà chẳng ai buồn nghĩ đến. Dù ngay cả mình bị rơi vào trường hợp đó. Như anh chẳng hạn.
– Cậu có lý.
Người trẻ tuổi mỉm cười, đưa tay cầm chiếc thìa định cắm lên môi để tiếp tục trò nghịch.
– Cậu vẫn viết đều chứ?
Chiếc thìa được đặt xuống.
– Vẫn anh ạ. Tháng vài cái truyện ngắn, dăm bài thơ.
– Còn truyện dài?
– Đã đến phần chót. Nhân vật chính nổi điên với một sợi tóc hai màu nằm trên ngực áo lúc ngủ.
– Hơi cải lương và kỳ cục.
– Cuộc sống là thế. Không chừng là anh.
Người lớn tuổi lắc đầu rồi nói với giọng giễu cợt.
– Những truyện ngắn thế nào? Vẫn tình yêu?
Người trẻ tuổi thản nhiên cầm chiếc thìa lên xoay vòng thật khéo trên các ngón tay.
– Vẫn tình yêu, đó là một cách thăng hoa và làm đẹp cuộc sống. Nhưng hôm nay có lẽ em viết khác.
– Cậu nên viết về những điều chúng ta vừa nói.
– Đất và người?
– Phải.
Người trẻ tuổi suy nghĩ một lúc. Chiếc thìa được khua vào cạnh tô phở. Tiếng lanh canh vang lên giữa bầu không khí ồn ào thành một âm thanh lạc lõng và chói tai.
– Thế nào?
– Chẳng cần anh ạ. Em sẽ viết về buổi sáng hôm nay là đủ.
– Tùy cậu, cậu đang sống.
– Vâng, em đang sống và còn trẻ.
Họ đứng dậy, người trẻ tuổi bước ra ngoài chờ người lớ tuổi trả tiền và chào những người quen. Hai tay thọc vào túi quần, mắt mở lớn, người trẻ tuổi chăm chú nhìn vào các cô gái qua lại một cách thích thú. Không gian và nắng làm hồng nét mặt thanh niên.
Người lớn tuổi đã đến cạnh.
– Về lại quán cà phê chứ?
– Vâng, xe em còn để đó.
Qua bãi đậu, họ lên xe và cùng im lặng trên suốt một đoạn đường dài. Đến một ngã tư dắt vào con đường ngập bóng mát, người lớn tuổi ngưng lại lúc đèn đỏ.
– Cậu biết cách đây 45 năm là ngày gì không?
– Là ngày gì?
Người trẻ tuổi hờ hững hỏi lại, mắt mải nhìn theo một cô gái tóc vàng trong chiếc váy ngắn cũn cỡn đang đi phía bên kia đường.
– Hôm nay là sinh nhật tôi.
Người lớn tuổi sang số sau câu nói. Chiếc xe lại chạy, người trẻ tuổi ngạc nhiên quay sang bên trái. Khuôn mặt người lớn tuổi đã thành cứng ngắt như nét mặt một bức tượng bị khắc tàn bạo bởi những vết dao phẫn nộ. Hai bên đường, hàng cây vẫn trôi dài trong bóng mát và nắng.

Hết


Xem Tiếp: ----