Thôi đành một mình khép cửa
Mặc ai thương nhớ có đôi
Khi trong lòng không có gì hết thì cũng chẳng viết được gì.
Tôi đi bán hàng.
Tự tưởng tượng phía trước mặt người ta đã kè hồ. Mặt hồ lộng gió. Mưa phùn lất phất baỵ Hoa cải nở rộ vào vụ cuối đông ven hồ. Trong hơi gió, có mùi ngai ngái của mặt hồ vừa được người ta vớt rác vào buổi sớm mai, mùi ma túy sót lại trong đáy những ống kim tiêm, mùi ka-ra- Ô-kê khả ái phảng phất mồ hôi thị thành, thuốc lá, nước hoa... và nữa, mùi tiền!
Tôi chỉ mong kiếm được nhiều tiền. Chuyện này nghe ra cũ rích. Nhưng không nói ra không được. Tôi thuê một căn nhà ven đường hồ với giá cắt cổ. Nhưng tôi đọc thấy ở đó, tôi sẽ bắt buộc gồng mình để kiếm tiền.
Thoạt đầu, bạn tôi nói anh sẽ đến đó giúp tôi một thời gian, trước khi anh kiếm được một việc làm ổn định. Tôi không chờ đợi gì ở người con trai này. Nhưng tôi mong anh như một thói quen.
Trong lúc sửa nhà cho ra một cái cửa hàng Trà - Cà phê - Giải khát - Ga-lơ-ry Tranh nghệ thuật, trong tôi cồn lên nỗi đau buốt của một người đàn bà bị tất cả thế gian này phụ tình. Tôi nhìn người con trai duy nhất bên cạnh tôi giận dữ. Chúng tôi không yêu nhau. Không một nụ hôn. Không một lần anh chở tôi đi chơi. Tôi kể chuyện mình bị phụ tình. Anh hầm hè với kẻ vô lại đã cách xa tôi dường như cả thế kỷ, để rồi một lúc sau, anh gọi điện thoại cho một cô bạn gái nào đó, cười nói dịu ngọt như một đôi tình nhân xa nhau lâu ngày. Tôi lắng nghe nhưng thực ra tôi chẳng để ý họ nói gì. Tôi không ghen với thế gian này nữa. Tôi chỉ quan tâm số tiền mà tôi đã bỏ ra để mở cửa hàng, số tiền thu được hằng ngày. Rằng anh có thật sự giúp tôi như đã hứa?
Tôi lập tức có thêm mấy người hàng xóm. Có lẽ họ chờ đợi sự kiện có hàng xóm thuê nhà đã lâu, bởi ngày tôi nhận nhà, bà hàng xóm phía tay phải nhà đã bành trướng ngay một tủ kính đựng tạp hóa, trên tủ chất đầy giấy vệ sinh để khẳng định vương quốc vỉa hè của mình. Nghĩa là bà ta chiếm luôn cả không gian vỉa hè của căn nhà tôi thuệ Mới sáng sớm chưa kịp thắp nén hương khấn lên bàn thờ gia chủ để xin nhập nhà, bà ta đã lóe xóe:
- Khổ thân chưa, biết trước chị đã gàn các em thuê nhà này. Đắt quá! Bán cà-phê ở đây ế lắm. Đấy, rồi các em sẽ thấy chị nói đúng.
Cái vòm miệng bà ta xoay tròn. Hai hàm răng xiết vào nhau như muốn nghiền nát đối phương.
Ôi hoa cải. Tôi mơ màng nhìn ra hồ. Dù biết lâu lắm rồi hoa cải không có bên hồ trong thành phố. Đây chính là thương trường. Tôi sẽ bị nghiền nát, nếu như không biết mỉm cười và thản nhiên tính toán.
Quán hàng của tôi được đón một họa sĩ. Chàng thanh niên bé nhỏ gầy gò trong bộ áo quần và chiếc ba-lô như sẵn sàng lấy vi-sa lên máy bay sang phương Tây. Cái tên của anh khiến người tiếp xúc ban đầu thấy bí hiểm. Thôi ta tạm gọi là Cung. Thoạt đầu tôi hơi ngỡ ngàng. Tại sao Cung lại biết tôi ra thương trường kiếm tiền nhỉ?
- Em được một người bạn cho biết, đơn giản thôi.
Cung vốn là "quân" của tôi ngày còn làm ở tờ báo Điện ảnh. Tôi hay bênh Cung, mặc dù không ưa người đã giới thiệu và "bảo hộ" cậu. Khi không đứng đậu được ở báo, Cung bỏ ra ngoài. Bây giờ gặp lại, Cung đã là một họa sĩ vừa mới có tranh triển lãm ở Ga-lơ-ry Tràng Tiền. Mà cuộc triển lãm này không phải là cuộc triển lãm cá nhân. Hẳn hoi do tổ chức hỗ trợ tài năng trẻ của Thụy Điển đứng ra tài trợ tổ chức. Ngay buổi khai trương đầu tiên, Cung bán được 12 bức tranh. Sau một tuần bán được 20 bức tất cả. Cung trở thành người hết nghèo tuy chưa giàu. Nên có thể đưa đến cửa hàng tôi vài bức để treo cho vui. Cung nhiệt thành với tôi trong hai vấn đề.
- Thứ nhất, em sẽ ngắm nghía tính toán cho "bác" xem sẽ bán hàng theo cách nào hiệu quả nhất, văn minh, độc đáo nhất. Thứ hai - Cậu lắc đầu ái ngại nhìn tôi - Em sẽ thiết kế cho "bác" một nhân vật.
Nhân vật này người Anh, giáo viên dạy tiếng Anh "cao cấp" cho những người học chuyên sâu tiếng Anh, trụ sở đóng tại Hà Nội. Cung thầm thì vào tai tôi: Chị đừng nói gì về chuyện có hai cô con gái nhé, để gặp nhau xem thế nào đã. Tôi hỏi: Giấu con vào đâu? Chúng to đùng thế kia. Cung cười: "Bác" vẫn thật thà quá. Tôi đồng ý đóng bộ vào đi chơi với Cung, để ra mắt một kẻ tôi không biết mặt, không biết tiếng để có thể trò chuyện. Vậy thì làm sao tôi có thể biết được những lời dịu ngọt của anh? Mưa hắt vào mắt tôi những giọt lạnh lùng. Nhớ lời con gái tôi dặn: Thời buổi này hình như người ta không cần yêu đâu. Mẹ cứ vui vẻ lên. Hai cô con gái tíu tít sắm cho tôi đôi giày mới, hộp son mới. Tôi đóng bộ vào, đợi lúc bạn tôi về quê có việc, tôi hăm hở bôi son, diện giày để đến nhà chàng giáo viên người Anh (giả sử bạn tôi không đi vắng, liệu tôi có đủ can đảm đi đôi giày mới ấy để ra mắt một người?).
Gặp người đó lần thứ ba thì tôi chán, bảo Cung:
- Thôi, số chị không thuận với người nước ngoài.
- Người trong nước chị cũng không thuận. Chắc chị đợi sang hành tinh khác?
Cung cười cười trêu tôi. Tôi không dám nói với Cung, tôi sợ cái quần bò cố tình rách gối của hắn, tôi không thích vẻ ngạo mạn giấu trong sự nhiệt thành thái quá với người bản xứ của một người ở một phương trời xa lạ. Tôi cũng không dám thú nhận với Cung, rằng tôi không còn biết yêu nữa. Người yêu của tôi hoặc là đã chết, hoặc chưa sinh ra trên đời. Tôi thích sống cô quạnh, dù quanh tôi bao chàng trai vốn thích những phụ nữ thông minh, sẵn sàng làm mạnh thường quân cho công cuộc sáng tác "vĩ đại" của tôi. Nhưng tôi không thích ai trong số họ. Tôi chỉ thấy ghen với họ. Có lẽ giờ đây tôi chỉ biết ghen. Tôi ghen vì giá như tôi có thể sống mà không cần lo cái điều cuộc đời mình phải có đàn ông.
Nửa đêm, tôi đứng chăm chăm nhìn vào căn nhà hàng xóm cách căn nhà tôi thuê một nhà. Một căn nhà không có cửa. Trống hoác như cánh một nấm mồ đang mở ra từ từ. Gió từng đợt từ mặt hồ dội vào lạnh buốt. Nhưng chủ nhân căn nhà vẫn đang lui cui một mình xếp những quân bài ra mặt chiếu. Và cậu ta đếm. Tôi không hiểu cậu ta đếm cái gì trong cái đêm cô quạnh này. Vừa chập tối, cậu chạy sang xin tôi một tờ giấy trắng. Cậu cười bẽn lẽn:
- Để em viết cái đơn.
- Đơn gì?
- Đơn xin đi cai nghiện.
Tôi nhìn cậu ta như cái cách tôi nhìn người bạn trai duy nhất bên cạnh tôi, như cách nhìn anh chàng người ngoại quốc nọ, cũng như cách tôi nhìn ra mặt hồ thăm thẳm.
- Em viết chủ yếu để cho mẹ em tin thôi.
- Tại sao lại nên nông nỗi này?
Tôi hỏi cậu ta, nhưng không phải là một nhà văn hỏi một con nghiện, mà như một bà chủ hàng hỏi hàng xóm có cái vỉa hè hấp dẫn (vì có thể mượn để xe khi có khách đông). Cậu vô tư trả lời tôi, không văn vở như trong các câu chuyện trên sách báo:
- Tại mấy con ca ve rủ rệ Em ngu quá.
- Đâu riêng mình cậu. Cả chị cũng ngu không kém.
Câu cuối này cậu ta không thể nghe thấy. Nhưng tim tôi thì đập như muốn tan ra.
Bây giờ tôi đứng nhìn vào căn nhà trống hoác (cậu ta đã dỡ hết cửa đem bán) nhìn một con nghiện loay hoay xoay sở một mình. Tôi không biết cậu ta đáng thương hay chính tôi đáng thương? Tôi mặc dày cộm áo ấm. Còn cậu ta phong phanh tấm áo len mỏng cũ rích. Cậu ta có niềm đam mê là cai hay không cai cái thứ bột trắng đáng sợ đó. Còn tôi không đam mê gì cả. Thậm chí khi có người kiếm cớ gây sự, tôi còn mỉm cười nhìn họ, khiến họ lùi lại kinh hãi.
Tôi cứ đứng mãi nhìn vào căn nhà trống hoác đáng sợ đó. Cho tới khi một con chuột cống chạy ngang qua bàn chân, lôi theo một vệt nhớt nhờ nhờ trong đêm. Đèn đường mệt mỏi, vàng vọt.
Từ trong nhà cậu thanh niên chợt đứng dậy, bước ra. Hơi ngỡ ngàng khi nhìn thấy có người trước cửa. Tôi lùi lại, định quay lưng nhưng nghe tiếng cậu rành rọt:
- Hôm nay em không thèm thuốc. Mẹ em mới cắt cho một ấm thuốc gì ấy.
Uống chát ghê.
Cậu kéo tay tôi, thầm thì:
- Người ta bảo chị là nhà văn. Chắc chị chẳng thiếu gì tiền, nhưng thích bán hàng để kiếm tí vốn thực tế chứ gì.
- Chẳng phải đâu. Chị bán hàng kiếm tiền nuôi con với nuôi nghiệp văn đấy.
- Em không biết, cũng chẳng hiểu. Đi chơi với em không? Đi với em ra chỗ này.
- Thôi thôi.
Tôi giằng tay khỏi cái cánh tay đầy vết kim châm, không còn có thể lấy được ven nữa.
- Chị sợ à? Đừng sợ. Em không lôi chị vào cái trò bẩn thỉu của bọn em đâu. Em thấy quý chị thì rủ. Đêm nào tỉnh táo em cũng đến chỗ ấy. Tiền không phải mua thuốc thì đem ra cho nó.
Suýt nữa tôi phá lên cười. Cái kéo tay nhiệt thành quá.
Tôi đi với cậu ra một căn nhà ven hồ. Trong nhà, một thiếu phụ - không một cô bé thì đúng hơn - đang băm thịt trên một cái thớt đã mủn. Cái thớt to đùng, còn đống thịt thì đầy những bầy nhầy bạc nhạc. Cô không ngẩng lên, nhưng đôi bàn tay như muốn bóp nát tất cả những gì chung quanh. Đôi bàn tay cô quạnh nổi đầy gân xanh. Các ngón tay sưng tấy vì nước nóng hoặc vì một thứ gì đó, tàn phá tất cả lớp da bình thường. Tôi nghe tiếng lầu bầu phát ra từ cái cổ họng gầy guộc:
- Vỡ mẹ nó cái gương rồi.
- Mày cần gì soi gương.
- Tao soi vào cái mả mẹ mày còn xinh hơn thật.
- Câm mồm đi. Có khách mà không lấy nước à?
Cô ta ngẩng lên, chậm chạp đứng dậy. Cái đuôi tóc buộc một cái nơ mầu hồng lấp lánh phất phơ bên bàn nước cóc ghẻ. Cái đuôi tóc phản chiếu ánh sáng hắt lên từ mặt hồ, trong khoảnh khắc phô bày một vẻ đẹp đã mất. Cô ta với một cái giẻ đen nhờ nhờ, lau thật kỹ càng từng ngón taỵ Sau những thao tác lười biếng, không như cái cách cô băm thịt, một cốc nước đầy được bưng ra với lời giải thích:
- Vỡ hết cốc rồi. Còn mỗi cái.
Cậu thanh niên đẩy cốc nước về phía tôi, mời:
- Chị uống nước!
Có lẽ đây là hành động lịch sự nhất trong cái đêm lạnh mù mịt này. Trong đống chăn phồng phềnh, một cái cẳng chân bé xíu thòi ra, nũng nịu:
- Đói quá.
Cô gái cuống quýt:
- Cho cu cái bánh bao nhé.
Gió ào ạt thổi phía sau nhà, len lỏi vào khắp các ngóc ngách. Một mùi bánh thơm lừng bốc lên đằng góc bếp. Cậu hàng xóm của tôi đứng dậy đi về phía ấy, mở bung nồi bánh:
- Để lấy cho nó một cái.
- Trả tiền vào cái hộp ấy. Đừng lấy mấy cái to.
Cậu ta nhăn mặt:
- Sao không hấp riêng ra?
- Lấy đâu ra lắm lửa thế. Tháng này phải mua thêm cả chục viên than.
- Hôm nay cũng có tiền cho hai mẹ con mày. Đây là chị hàng xóm mới. Chị ấy cho tao tờ giấy viết đơn.
- Đi thì để mẹ con tôi thế này à?
- Ở nhà thì cũng phải thế. Tao đi, cũng đỡ được ít tiền ăn. Tháng sau về ăn Tết. Ở đó cũng có một cái hồ như cái hồ này. Mẹ con mày nhớ tao thì khăn gói lên thăm. Mà thôi, đừng đi làm gì cho tốn. Để tiền mua cho con cái áo ấm.
Gương mặt thằng bé phinh phính. Cái bánh bao nóng hổi làm gương mặt nó bạnh ra như một tiểu thiên thần.
Gió lại quật sang ngả khác. Không còn mùi bánh thơm lừng nữa. Một mùi tanh tanh thầm lặng lan tỏa. Rồi bùng lên khắc khoải. Lúc này cô gái mới mở miệng với tôi:
- Chị đến đây làm gì. Họ bảo chị Ở cái đẳng cấp cao. Bán hàng chẳng qua là ngạo thiên hạ chơi. Nhưng chị bước vào đây là em biết ngay chị không muốn sống nhung lụa. Chị giống em.
Cậu thanh niên giải thích:
- Nó con ông giám đốc to đấy chị ạ. Chết em nên mới ra nông nỗi này. Nó mà chết một lão giám đốc nào đấy là sếp của bố nó thì bây giờ chăn êm nệm ấm. Đâu phải băm thịt chuột thế kia.
Tôi hơi hoảng, lùi ngược ra cửa. Cô gái tiếp lời:
- Kiếp trước nợ nần nhau thế nào, bao nhiêu thằng đẹp trai con nhà giàu lại chả theo. Theo thằng này cứ phải ông chẳng bà chuộc thế đấy chị ạ. Bố em từ, nên mới ra nông nỗi này. Đợi hết năm nay, hết cơn, may ra ông ấy cho mẹ con em về. Thằng này phải hết nghiện, có tiền đem đến xin cưới, may ra mới đoàn tụ được.
- Mày lúc nào cũng chỉ nói chuyện tiền.
Thằng con trai trong kiếp nợ nần của cô gái lên tiếng chống chế.
- Không có tiền đừng hòng có được tao. Kể cả tao không có thằng nào để ý đến thì tao cũng cóc cần thứ đàn ông như mày.
Cái nơ lại ánh lên lấp loáng trong đêm. Từ cái quán ka-ra- Ô-kê ven hồ bỗng bùng lên những tiếng gào (có lẽ do bức bối nên khách tự ý mở cửa căn phòng cách âm):
"Thôi đừng khóc. Có mưa rồi... ".
Tôi ngồi thừ ra trong căn nhà tạm nghe đôi trai gái cự nự nhau, nghe những lời ca chẳng còn là khúc hát, vì nó dư thừa và vô vị với cái căn nhà tồi tàn và những con người bé nhỏ này.
Tôi bước ra phía sau nhà, nơi có những đống rác chất chồng và những chú chuột đen ngòm chạy qua chạy lại. Có thể tôi sẽ vấp và đưa chân vào một cái bẫy chuột nào đó nhan nhản quanh rác.
Trong nhà, cậu hàng xóm của tôi đang đếm tiền đưa cho cô gái. Họ nói gì với nhau tôi không nghe thấy, nhưng ánh mắt nhìn nhau tha thiết lắm. Cô gái ấp bàn tay lên mái đầu người con trai mình yêu. Đôi tay sưng vù (vì thường xuyên nhúng tay vào thùng nước nóng để làm lông những con vật rơi vào bẫy của cô) giờ đây bỗng trở nên thanh thoát và mềm mại.
Từ ngoài cửa, tôi thầm ghen với mẹ con cô gái.
Tôi trở về quán hàng của mình. Dưới ánh đèn mầu, trông tôi sẽ đỡ nhợt nhạt và cô đơn hơn.
Tôi nhìn thấy bạn tôi đang cần mẫn pha cà-phê cho khách. Chút ấm cúng trong tôi bị làn gió tàn nhẫn phía ngoài mặt hồ lướt qua cuốn đi.
Bạn tôi không nghiện và không yêu tôi. Nếu như ngược lại, có lẽ tôi sẽ thức suốt những đêm còn lại cuối năm để đan cho anh tấm áo. Thực ra tôi muốn tặng anh những điều tốt đẹp nhất. Được mặc chiếc áo tôi đan, coi như anh đã được tặng cả thế gian này. Chúng tôi sẽ rời xa chốn thị thành ồn ào, đi về nơi có hồ trong thung lũng xa, nơi có những thảm cỏ, gió ngọt ngào và bầu trời xanh ngọc, mặt trời thì rực rỡ trên cao. Nơi ấy tôi sẽ trồng những vồng cải xanh. Đến mùa đông, hoa cải sẽ nở vàng rực rỡ. Tôi sẽ hái tặng các con những bông hoa nhỏ bé dịu dàng.
Không biết tôi có đan cho anh chiếc áo như đã hứa?

Hết


Xem Tiếp: ----