1. Tôi chưa vào nam, chưa biết mùa nước nổi, chưa được nhìn tận mắt bông điên điển. Qua lời hắn, tôi biết loài hoa ấy khiêm nhường lắm, rực rỡ lắm và nồng đượm thiết tha. Có những lúc ngồi bên dòng nước, hắn đã kể tôi nghe chuyện về những bông điên điển. Thuở ấy chúng tôi còn nhỏ, hắn mười bốn, còn tôi mười hai tuổi. Nhưng tôi vẫn nhớ như in. Bây giờ hắn đi thật rồi. Nhớ hắn, tôi nhớ về những bông điên điển.° 2. Một lần, nội tôi bảo "Mừng cho nhà ông Tánh. Tự dưng tìm được cháu trai về!". Tôi hỏi: "Con bác Tâm phải không nội?". Nội mồi chút thuốc vào điếu, ghé miệng hút sòng sọc, nhả khói trắng vào đêm, rồi nói: "Không! Con chú Cường!". Tôi kinh ngạc: "Chú Cường liệt sĩ à! Chú ấy có vợ đâu?". Bố tôi vừa về nghỉ phép, nhận xét: "Chẳng rõ thực hư thế nào?". Nội không nói gì. Tôi theo nội sang nhà ông Tánh. Nhà ông gần nhà tôi. Người đến thật đông. Một sự kiện như thế này, dân xóm núi không thể thờ ơ được. Tôi trông thấy hắn, đen nhẻm và nhỏ con, đứng khép nép nhìn mọi người. Hắn tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, trông đến là ngố. Sau này tiếp xúc nhiều với hắn, tôi mới thấy hắn không như tôi tưởng. Cạnh nhà tôi có một cây lộc vừng. Cây soi bóng xuống một mương nước nhỏ. Mương dẫn nước suối ngầm trên núi nên quanh năm có nước. Mùa hạ, lộc vừng từng chuỗi, từng chuỗi nở hoa. Những bông hoa đỏ rực trĩu cành, nghiêng soi dòng trong. Vài hôm hoa rơi đỏ phủ đầy mặt nước. Tôi nói: "Hoa rơi nhiều quá"! Hắn nhìn tôi ngạc nhiên lắm, rồi hỏi: "Thì đã sao?". Tôi nói: "Tiếc thật!". Hắn quay mặt đi. Tôi căn vặn: "Buồn cười quá à?". Hắn chống chế: "Hổng phải. Tôi nhớ quê ngoại. Nhớ một loài hoa khác!". "Hoa gì?" - tôi hỏi lại. "Bông điên điển!" - hắn trả lời. Tôi cười ngất: "Tự tưởng tượng à?". Hắn nói, vẻ nghiêm túc lắm: "Má đặt tên tui theo tên loài hoa ấy. Người ta kể má chọn tên này để mỗi lần gọi tên tui, má nhớ về một loài hoa, một kỷ niệm!". Tôi tò mò, bèn dịu giọng hỏi hắn: "ồ, thế thì Điển kể mình nghe đi. Mình chưa biết bông điên điển bao giờ". Hắn bối rối: "Biết kể thế nào nhỉ!". Tôi nguýt dài bỏ đi, còn nói vọng lại: "Không biết mà cũng nói! Rõ dơ!". Hắn chạy theo, chặn trước mặt tôi: "Không phải tui giấu Hạnh. Tui cũng chỉ biết qua lời bác Tư!". Tôi ngắt lời hắn: "Ai vậy?". Hắn nói: "Cha nuôi tui đó!". Rồi hắn kể: "Bác Tư kể rằng ngày trước có một người lính đem lòng thương một cô thôn nữ. Họ đã ngỏ lời cùng nhau. Bỗng nhiên năm ấy quân ngoại bang tràn sang biên ải. Người lính phải ra trận. Cô gái khóc dữ lắm. Cô gái trốn tía má hẹn chàng trai, họ chèo xuồng ngược dòng sông. Trời tối, gặp một bãi rộng. Họ dừng lại đó. Đêm hôm ấy trăng thật đẹp. Chàng trai thề hẹn sau cuộc chiến chàng sẽ về làm lễ cưới rồi đưa cô gái về quê mình sinh sống. Về khuya, họ chia tay. Chàng trai ra trận. Những lần sau nhớ chàng, cô gái chèo xuồng sang bãi rộng. Mùa nước nổi, chỉ thấy ở đó ngan ngát một màu hoa. Những bông hoa màu vàng man mác nở đầy lối sông. Bác Tư bảo đó là bông điên điển! Tôi nghe như nuốt từng lời hắn, rồi hỏi: "Sau này họ có gặp lại nhau không? Cô gái và người lính ấy?". Hắn nhìn vào xa xăm mặt buồn rười rượi, không nói gì. 3. Những lần sau, Điển còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác. Mỗi khi nhắc tới bác Tư, trông hắn lại buồn. Hắn nói: "Tui thương bác Tư, nhưng sợ thím vô cùng". Tôi hỏi: "Sao lại sợ?". Hắn kể: "Hạnh biết không, bác Tư đã cưu mang má tui hồi má mới sinh tui ấy. Dạo má mang bầu, ông bà ngoại tui buồn chở má tôi về nguồn gửi ở nhà bác. Bác không họ hàng gì, nhưng là người quen của ngoại, một người tốt bụng. Bác nhiệt tình lắm, má tui buồn, khóc dữ. Má sinh tui chưa đủ tháng. Sinh xong, má bị băng huyết!". Hắn khóc. Tôi không biết an ủi thế nào. Hắn lau nước mắt, kể tiếp: "Ngoại tui lên cảm tạ bác Tư xin rước tui về. Bác Tư nói với ngoại: "Cô Hai bảo đặt tên cho nó là Điển. Bông điên điển ấy mà. Tui hổng hiểu vì sao cổ thích tên đó. Cổ còn bảo nhờ vợ chồng tui nuôi giùm thằng Điển, đợi anh Ba Cường về. Cổ đưa cho tui địa chỉ đơn vị anh Ba". Ngoại bảo: "Chú đưa giùm tui địa chỉ. Tui cũng tìm được thằng Ba mà!". Bác Tư nói nhỏ với ngoại: "Ông không sợ tai tiếng bà con sao? Thôi, cho thằng Điển ở đây với tui. Tui coi nó như con". Rồi bác Tư nói nhỏ chỉ đủ cho ngoại nghe: "Tui có bốn đứa con gái lận. Vợ tui lại sắp sinh, biết đâu lại là gái nữa!". Ngoại tui nghe nói xuôi tai. Ngoại về rồi, thím Tư mới ở trong nhà đi ra. Thím đay nghiến bác: "Thằng Điển có phải con trai ông không?". Bác Tư chỉ cười. Hồi thím sinh út Loan là gái, bác Tư nói vui: "Điển là con ba. Nghe chưa mầy!". Bác thương tui nhiều. Thím Tư nhìn tui, lạ lắm. Thím không ưa tui. Bác Tư nói với tui: "Đừng chấp bả làm gì!". Rồi bác kể: Hồi trẻ, nhà tao ở gần nhà bả. Hai ông già xóm giềng ưng thuận, gả con cho nhau làm xui gia. Tao hổng dám phản đối gì hết trơn hết trọi. Sau này về ở với nhau, thấy tao đẹp trai vầy, thím mày xấu vầy, nên ghen dữ ghen hoài". Năm đó tui lên bảy, út Loan 5 tuổi. Tôi cười rồi hỏi hắn: "Rồi sao Điển tìm về được đây?". Hắn kể: "Bác Tư chờ nhưng không thấy ba tui trở lại. Ngoại tui ốm đột ngột, nhắn bác Tư đến bảo: "Ráng tìm bằng được Ba Cường. Tui biết ơn anh lắm!". Rồi ngoại tui mất. Bác Tư tìm về đơn vị cũ của ba tui. Được tin ba tui đã hy sinh trong một trận chống trả với quân Pôn Pốt ở mặt trận miền Tây. Bác định không nói gì cả. Có ông chính trị viên ở đơn vị là bạn đồng hương của ba tui thấy ngờ ngợ tìm đến nhà bác. Ông gặp thím Tư, nghe thím kể tất cả. Ông điện về báo cho nội và bác Tân vô". Hắn im một lúc rồi tiếp: "Hôm nội và bác Tân đưa tui ra bắc, bác Tư ôm tui nói: "Ta muốn giữ con nhưng không được. Con phải về với những người thân của con!". Bác khóc. Thím Tư cũng khóc, nói với tui: "Con đừng giận thím nghe. Thím ân hận lắm!". Tui miễn cưỡng bước xuống ghe về thị trấn. Nhìn hai bên bờ sông may ra gặp bông điên điển, nhưng tuyệt không biết một bông điên điển nào!". Tôi nghe hắn kể, tưởng như đang nghe một câu chuyện cổ tích. Nhưng hắn có thật, đang ở cạnh tôi đây, bằng xương bằng thịt.° 4. Hắn về làng tôi, một xóm nhỏ dưới chân núi Hồng Lĩnh không hề có sông, chỉ có một con mương nhỏ. Tôi thường thấy hắn thẫn thờ nhìn dòng nước nông. Trông hắn cô độc. Tôi đã làm bạn của hắn, rất thân thiết nữa. Những chuyện vui buồn hắn kể tôi nghe. Tôi cũng không giấu những ý nghĩ của mình. Năm tháng tuổi thơ vô tư của chúng tôi đã trôi qua như thế. Chúng tôi học lên cấp ba, trường cách làng chừng 17 cây số. Hắn lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng học cùng khối với tôi, tuy khác lớp. Trông hắn cứng cáp, chững chạc. Người hắn tầm thước hơi mập, da hồng hào. Hắn vẫn cười buồn nhưng có đôi mắt đen, sâu thẳm, lông mày rậm. Những ngày đầu, hắn thường đến chở tôi đi. Bố tôi chuyển về công tác ở Huyện đội. Ông bảo tôi ở lại thị trấn. Hắn về một mình. Tôi nói: "Điển xin trọ ở thị trấn đi. Về xa thế mệt lắm!". Hắn nói: "Tui hổng dám để nội ở nhà một mình". Tôi hỏi: "Có bác Tân...". Hắn nói: "Bác Tân bảo, nếu không có tui, bác sẽ đưa nội qua thành phố. Nội thì không muốn xa tui!". Thấy hắn hoàn cảnh như vậy tôi muốn giúp đỡ hắn nhiều. Bố tôi thấy thế không vui. Tôi không hiểu vì sao. Có lẽ hắn biết, nên những ngày đầu thỉnh thoảng hắn còn ghé qua phòng bố con tôi, sau không thấy hắn tới nữa. Học xong lớp 12, hắn thi đỗ vào khoa Toán Trường đại học Sư phạm. Tôi trượt. Hắn động viên tôi nhiều. Trước tết năm đó, nội hắn mất. Bác Tân nuôi hắn. Bác làm ăn ở thành phố giàu lắm. Nhưng hắn không ở với bác. Hắn ở ký túc xá, thi thoảng chủ nhật mới về. Tôi lo ôn tập, ít khi về nhà, nên ít gặp hắn. Năm đó, tôi đỗ vào Trường đại học Sư phạm, khoa Lịch sử. Hắn sang chúc mừng tôi, hứa sẽ chở tôi qua trường. Trước khi tôi nhập trường, bố bảo: "Bố đưa con đến thành phố, thuê phòng cho con!". Tôi không kịp báo với hắn. Tôi tưởng hắn giận, nhưng không, ở trường hắn vẫn quan tâm giúp đỡ tôi. Từ trường về nhà tôi chừng ba mươi cây số. Tối thứ sáu, hắn đến hứa sẽ chở tôi về quê. Mấy tuần liền, hắn đạp xe đến đợi, đã thấy bố tôi đánh xe máy đến đó. Hắn tha thủi dắt xe quay lại. Những lần sau hắn không đến chỗ tôi nữa. Hắn cũng ít về quê ngày thứ bảy hơn. Tôi hỏi, hắn nói: "Không có nội, về chỉ quanh quẩn bên mấy bức vách, buồn lắm! Hơn nữa Điển muốn ở lại tới thư viện thành phố đọc sách". Tôi vẫn tin lời hắn nói là thật, tìm cách động viên hắn. Hắn nghe lời tôi không hề phản đối. Sau đó, không thấy hắn sang phòng tôi nữa. Thậm chí còn lánh mặt tôi. Tôi hỏi, hắn nói là hắn không hề thay lòng đổi dạ. Tôi có cảm giác mặt mình nóng bừng lên. Lúc đó, hắn nhìn tôi, lạ lắm. Thời gian sau hắn không ở ký túc xá nữa. Hắn về nhà bác Tân ở để dạy các anh chị con bác học tập. Tôi ít gặp hắn hơn. Đôi lúc gặp nhau ở thư viện, hắn chỉ hỏi tôi về việc học tập. Tôi nhìn, thấy đôi mắt hắn buồn buồn. Tôi nghĩ chắc có một điều gì đó hắn muốn nói nhưng hắn không nói ra. Trông hắn lặng lẽ. Bước sang năm thứ ba, bạn bè bảo tôi: "Yêu đi một chàng, xinh như mày không yêu phí tuổi trẻ đi!". Tôi chẳng biết nói sao. Có nhiều người con trai đến với tôi, họ chẳng để lại cho tôi một ấn tượng gì. Thật lạ, tôi vẫn thường so sánh họ với hắn. Lúc đó, tôi thấy hắn thật gần gũi với mình biết bao. Tôi nhớ lại những ngày tuổi thơ, tôi và hắn vô tư ngồi bên mương nước nhỏ, mùa hoa lộc vừng nở. Chả lẽ tôi lại đi gặp hắn để nói lên điều đó? Nhiều lúc buồn lòng, tôi đã ôm gối nằm khóc một mình. Năm học kết thúc, hắn thi lấy bằng tốt nghiệp. Một hôm hắn về làng, đến nhà tôi, nói chuyện với bố mẹ tôi. Không biết hắn nói gì mà thấy bố tôi niềm nở. Tôi về, bố bảo: "Điển sang đợi con lâu lắm rồi đó!". Bố tôi đi xuống nhà. Tôi kìm nén hồi hộp chờ nghe hắn. Hắn nói: "Bác Tư gọi tui vô. Không biết có chuyện chi nhưng nói là cần lắm. Ngày mai tui lên đường". Hắn chỉ nói vậy rồi ngồi mân mê chén nước. Tự nhiên tui nói: "Điển vào nam thật à? Chúc may mắn nhé!". Hắn hơi ấp úng: "ừ, tui đi. Hạnh ở lại... học giỏi nghen! Tui phải sang nhà bác Tân bây giờ!". Hắn chào bố mẹ tôi rồi về. Tôi nhìn theo, thảng thốt. Tôi thấy mình như vừa đánh mất một cái gì quý lắm. Hắn đi chậm lại, ngập ngừng. Lúc đó, tôi lại quay vào nhà. Không gặp hắn nữa, tôi mới bàng hoàng ân hận. Tôi ra mương nước nhỏ ngồi khóc một mình.° 5. Bỗng nhiên tôi nhận được thư hắn. Một lá thư bảo đảm chuyển nhanh. Tôi hồi hộp bóc ra đọc ngay. Thấy hắn viết: "Bác Tư gọi tui vô có việc hệ trọng. út Loan đã tốt nghiệp đại học. Vừa từ thành phố Hồ Chí Minh về. Gặp cô út, tôi không nhận ra nữa. Cô út xinh đẹp rạng rỡ, không còn là cô út ngày xưa hay khóc nhè. Bác Tư già đi nhiều. Thím cũng vậy. Đêm đầu tới nơi, bác đưa tui và cô út ra đầu bến. Bác hỏi: "Thằng Điển nhớ chỗ này nữa hôn? Tôi trả lời: "Dạ, nơi ngày trước con theo nội xuống ghe". Bác cười. Đêm ấy trời tối, không có trăng, gió thổi nhẹ. Bác ngồi xuống mép bờ sông rồi nói: "Tao hổng muốn nói chuyện này trong nhà nên mới gọi hai đứa ra đây. Từ lâu rồi tao vẫn ước ao được nói chuyện này. Thằng Điển sắp làm thầy giáo, con út sắp làm một nhà kinh tế. Tao tính vầy: Tao coi thằng Điển như con. Tao muốn hai đứa thương nhau. Hai đứa có nghe lời sau này tao nhắm mắt xuôi tay mới yên lòng, xuống dưới kia mới dám gặp mẹ thằng Điển...". Bác nói kiên quyết lắm. Tui bối rối vô cùng. Tui nhìn út Loan. Trời túi thế, tôi chẳng biết rõ thái độ út Loan thế nào?". Đọc đến đó tôi gấp thư lại. Giận hắn, tôi tự hỏi: "Hắn kể chuyện này tôi nghe để làm gì?". Tôi định không đọc tiếp. Thấy không yên lòng, tôi lại mở thư ra. Những dòng chữ chập chờn trước mắt tôi: "Bác Tư ra về. Tôi bấm tay út Loan ngồi nán lại. Gió từ dòng sông thổi lên mát rượi. Tự nhiên tôi lại nhớ những ngày cùng Hạnh ngồi bên mương nước nhỏ. Tui hỏi: "út Loan biết bông điên điển không?". Loan nói: "Điên điển, có nhiều ở khắp cánh đồng nước nổi. ở vùng Đồng Tháp Mười người ta còn làm bánh xèo bông điên điển nữa, ngon lắm!". Tui cười: "ừa! Tui đã từng kể cho một người bạn gái rất thân nghe về bông điên điển, thế mà chưa một lần thấy!". út Loan chợt cầm tay tui nói: "út nói chuyện này anh Điển nghe, đừng giận nghen. Anh Điển có người thương rồi phải hôn? Hổng có chi đâu. út... út... cũng vậy mà! Anh quê vùng Đồng Tháp Mười đó! Tui xiết chặt tay Loan, lòng thầm cảm ơn. Đêm đó về nhà tui cứ trằn trọc. Hổng biết nói thế nào để bác Tư hiểu được cho tui đây". Tôi khẽ mỉm cười, thầm nghĩ hắn đúng là khéo gợi chuyện. Chẳng hay hắn còn dẫn câu chuyện đi đâu. Tôi đọc tiếp: "Tối hôm đó, trước khi ngủ, bác Tư bảo tui: "Ba Cường mày thiệt tệ. Không để lại cho má con mày một dòng chữ, một bức ảnh. Lỡ về đi tìm biết lấy gì làm chứng!". Thấy tui buồn buồn, bác không nói nữa. Bác quay sang hỏi chuyện khác: "Thím con ghen hồi nhỏ, con nhớ hôn? Đôi lúc nghĩ lại, tao cứ cười một mình. Hồi ấy, má con đẹp nhiều người mê. Thím con cứ nghĩ bậy vậy đó. Mà nếu tao có thương thiệt cũng đâu dám nói". Tui nhìn bác, chợt thấy ý nghĩ của bác sao giống mình lạ: Thương mà không dám nói! Hạnh biết không tự nhiên lúc đó tôi nhớ Hạnh da diết. Hạnh đừng hiểu nhầm tui nghen. Tui nghĩ mình phải viết thư cho Hạnh mới được". Tôi tò mò muốn biết hắn sẽ viết tiếp những gì sắp tới, bèn đọc: "Tui thấy kỳ lắm nhưng vẫn muốn Hạnh biết điều này: "Chắc tui còn ở đây lâu. Bác Tư bảo từ ngày nghe tin bác Tân nhắn tìm mộ ba tôi trên đài, bác nghĩ nhiều. Bác đã về cả đơn vị cũ của ba tui dò la. Bác nói bác sẽ tìm ra manh mối. Bác hứa sẽ đưa tôi lên nơi ngày xưa ba tui đóng quân ở đó. Tui chẳng biết nói sao, vì đó cũng là khát vọng của cả tui nữa. Hôm ấy, bác lấy ghe chở tôi đi, tới một nhà người quen, thấy bọn trẻ ở nhà, tui hỏi: "Lũ trẻ con sao không tới trường?". Chủ nhà nói: "Mấy xã mới có một trường lận. Bọn trẻ đi xa, không có phương tiện, phải bỏ miết!". Hôm đó trở về, tui nghĩ nhiều. Tự nhiên tui thấy mình gắn bó với mảnh đất heo hút này lạ. Tui có cảm giác như người mắc nợ miền quê. Có lẽ tui sẽ chuyển vào đây công tác, tui muốn giúp đỡ trẻ con nghèo khát chữ vùng sâu... Còn một chuyện này nữa, hôm đó về nhà, út Loan gặp riêng tui nói: "Bạn trai Loan từ Đồng Tháp Mười điện tới bảo sẽ về chơi, nhưng Loan nhắn lại rồi. Hôm nào anh Điển xin ba đưa Loan đến chỗ ảnh nhé. Bây giờ đang là mùa nước nổi, vùng Đồng Tháp Mười chắc nở nhiều bông điên điển lắm!". Tui đã nhận lời. Lúc đó tôi chỉ ước có Hạnh đi cùng tui sẽ chỉ cho Hạnh thấy bông điên điển có thật như thế nào!". Tôi lặng người đi, thấy tim mình đập loạn xạ. Tôi ngước nhìn trời, thấy bầu trời xanh thăm thẳm và bao la. Tôi mong sao Điển thực hiện được những ước mơ của mình. Tôi thấy lòng mình thật thanh thản. Tôi gấp thư, đi ra mương nước nhỏ, nơi ngày xưa tôi và Điển thường ngồi trò chuyện. Nhìn lên cây lộc vừng thấy hoa chưa nở. Anh bảo ở vùng Đồng Tháp Mười bông điên điển nở vàng lối sông. Ước chi mình được một lần thấy bông điên điển. Ước chi bông điên điển cũng có ở xứ mình.