Hồi tôi còn bé, nhà tôi cũng có nuôi 1 con chó nhỏ. Đứa bé nào lại không thích chơi đùa với súc vật nhỉ? Riêng tôi, theo lời kể lại của bạn bè và gia đình,hồi còn nhỏ, họ thường bắt gặp tôi âu yếm, nựng nịu vuốt ve con mèo,say sưa ôm nó ngồi thù lu trên chiếc ghế bành làm bằng mây cũ kỹ,kê trong góc phòng khách. Vâng tôi rất thích chó mèo, suốt ngày thường chơi đùa chọc ghẹo chúng, bộ giò cao nhòng, khẳng khiu ốm nhách của tôi,mãi đến nay cũng vẫn còn một vài chứng tích lờ mờ để lại, của dấu răng chú chó hàng xóm thân yêu, ngoạm đùa vào đấy. Mẹ tôi thấy vậy cũng xin đâu đó một con chó, nhưng rất tiếc, nuôi nó chẳng được bao lâu, một hôm chú chó băng qua đường vội vã, bị xe hơi cán chết. Dần dà khi tôi lớn, bận bịu học hành nên mẹ tôi, chẳng hề nuôi chó mèo nữa.
Hồi tôi học trung học, bạn của tôi, có người anh đi du học ở ngoại quốc, viết thư về nhà, thường cay đắng than thở với em gái rằng:" Ở đây ( French )người ta coi trọng nhất là phụ nữ, nhì là con chó,còn đàn ông đực rựa như anh đây, chỉ là hạng thứ yếu, được xếp hạng sau cả chó mèo ". Ở cái xứ Huế êm đềm thơ mộng, nhưng tiềm tàng sâu sắc tư tưởng trọng Nam khinh Nữ: " Nhất Nam viết hữu, Thập nữ viết vô ".Trong văn hóa và ngay cả trong tiềm thức của người Huế, đàn ông con trai, thường được coi là rường cột của gia đình và xã hội, đi đâu cũng được " ăn trên ngồi trước ", là thứ mà bọn đàn bà con gái chúng tôi, phải ra sức trau dồi "công dung ngôn hạnh", thêu thùa may vá,nữ công gia chánh "học gói học mở", cốt chỉ để mai kia mốt nọ, được bố mẹ họ rước về làm dâu, hầu hạ con trai và gia đình họ.
Nghe bạn kể vậy,tôi đoán lờ mờ rằng, anh cô ta, ở bên Pháp, chắc chẳng được thiên hạ, đối đãi thuận lợi gì cho lắm, thiệt là thảm quá! Tuy ở bên ấy coi trọng phụ nữ,nhưng chuyện xảy ra bên Tây,chẳng dính dáng, ăn nhằm gì đến tôi, một cô gái da vàng mũi tẹt,ở cái xứ sở Việt Nam, phong kiến xa lắc tít mù này,nên tôi cũng chẳng để tai,chú ý gì mấy đến câu chuyện kỳ lạ trên.
Thật ra lúc đó, tôi cũng không hiểu rõ, đời sống phương Tây ra sao, nên cách người ta quí trọng chó hơn cả đàn ông, chỉ làm tôi ngạc nhiên ít lâu, ngậm ngùi thương hại cho số phận hẩm hiu của ông anh bạn, không mấy may mắn, chắc đang bị hắt hủi, cô đơn lang bạt kỳ hồ nơi đất khách quê người kia, rồi lại quên phức câu chuyện này không lâu sau đó.
Đến khi qua định cư ở Úc, cái xứ được gọi một cách hoa mỹ là: "xứ sở Nữ Hoàng ". Cái gì ngoài miệng, cũng được các ông leo lẻo, một mực thành kính tuyên xưng:
_" Lady first ".
Ấy vậy mà ông chồng yêu quí của tôi, học mãi sự gallant điệu nghệ của các chàng kăng ku ru crocodile dundy cũng không xong. Hai mươi năm rồi, tôi vẫn là người tự mở cửa xe hơi!!! Cũng may là hầu hết các cửa nẻo của nơi công sở, thương xá ở đây, đều có gắn hệ thống mắt thần tự đóng tự mở, nên tôi cũng đỡ ngượng ngịu, quê một cục vì sự đối xử không mấy điệu nghệ của ông chồng.
Thưở nào đến giờ, có mẹ tôi săn sóc, bếp núc giặt giụa không phải đụng tới. Qua đến Úc ngoài phải đầu tắt mặt tối, làm việc suốt ngày, cơm nước dọn dẹp, giặt giũ đều phải tự làm lấy. Thân tôi còn chưa kiếm nổi thì giờ để nghỉ ngơi, đâu rảnh để nghĩ tới việc nuôi chó như các bạn quen của tôi, nhiều nhà nuôi 2,3 con chó to đùng, nội cho chúng ăn và tắm rửa, cũng cả là một vấn đề không nhỏ,đối với tôi. Đôi khi thấy tôi tỏ vẻ thích chó, chồng tôi nhiều lần đề nghị:
_Hay mình mua 1 con chó lông xù nhỏ về nuôi đi em?
Tôi luôn biết mình là người rất bận rộn, sự chìu chuộng của chàng, chỉ làm thêm vất vả cho tôi mà thôi. Để làm giảm sự hăng hái nhiệt tình của chàng, tôi tỉnh bơ dịu dàng bảo chàng:
_Anh tắm rửa, dọn cứt và cho nó ăn nhé?
Thế là chàng lơ ngay, giả tảng lờ sang chuyện khác. Anh chàng trong lúc vui vẻ bốc đồng, quên khoấy đi mất,là chàng bị Hay fever mãn tính, ở mức độ cực kỳ trầm trọng. Trời trong thanh gió mát, phấn hoa bay tứ tung trong không gian, chàng hắt xì suốt ngày, mắt lờ đờ, thở khò khè như người sắp chết.Mấy sợi lông chó xù kia, rụng đầy nhà,ắt hẳn sẽ làm chàng lừ đừ, ngất ngư con tàu đi, nên tôi vừa sợ tốn công mệt nhọc nuôi chó,vừa sợ chàng bệnh lăn ra chết bất đắc kỳ tử, gạt phăng đề nghị của chàng đi là đúng quá.
Ấy vậy mà tránh trời không khỏi nắng, thế rồi có một ngày nắng ráo đẹp trời kia, đúng vào ngày sinh nhật của tôi. Sau khi cả thế giới tưng bừng hân hoan chào mừng, pháo bông rực rỡ bắn vang trời, yến tiệc liên hoan rộn rã suốt cả đêm ( chả là vì tôi sinh đúng vào ngày Giáng sinh, theo lời mẹ kể, lúc tôi oe oe mếu máo chào đời, pháo bông cũng tưng bừng đất trời như thế!) Có chú chó nhỏ trắng trẻo xinh đẹp, bỗng dưng ở đâu chạy lạc đến nhà tôi,nằm chèo queo trước cửa. Buổi sáng sớm ra mở cửa, tôi ngạc nhiên khi khám phá ra, vị khách lạ đặc biệt dễ thương này, đang hớn hở ra sức, ngoe ngoẫy chiếc đuôi nhỏ xíu cụt ngủn, một cách cởi mở thân thiện, như muốn lấy cảm tình với cô chủ nhà xinh đẹp, là tôi ( thật ra, tôi chủ quan đấy thôi, con chó đang đói, vì không biết nói, nên đành vẫy đuôi lia lia.,ra dấu ).
Theo bản năng hiếu khách của người Việt Nam bẩm sinh, thấy khách lạ tới nhà, thể nào cũng "mời nước têm trầu". Vả lại, người Việt tin tưởng rằng:" Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang ", tôi tuy không tin dị đoan cho lắm,nhưng chó là sinh vật mà tôi ưa chuộng từ nhỏ,nên tôi rất vui vẻ mang thức ăn và sữa ra cho nó ăn. Tưởng chỉ là sự thăm viếng tình cờ,nhưng ngày nào, cứ tới giờ ăn, lại thấy nó luẩn quẩn trở về nhà tôi, vẫy đuôi nhận phần ăn, rồi chạy tới lui, loanh quanh đâu đó trong xóm tới tối, lại về nằm khoanh tròn ngủ ngay trước cửa nhà tôi. Mấy hôm đầu, không biết phải tính sao, tôi lấy 1 thùng giấy carton cứng, để tạm ngay ngoài cửa, làm giường cho vị khách bất đắc dĩ nằm ngủ tạm, rồi mua thuốc trừ rận, tắm rửa xong bôi thuốc cho nó. Mấy bà già Úc, những ngày mát trời, thường bắc ghế ra ngồi trước hiên nhà ngắm hoa cỏ, vườn tược, cũng chú ý sự tình xảy ra quanh xóm, họ đặc biệt yêu quí chó, nên việc con chó xinh đẹp bỗng dưng xuất hiện, lân la chạy lung tung quanh xóm, cũng làm họ để tâm theo dõi sự tình. Luật hội đồng thành phố ở đây,bắt thiên hạ muốn nuôi chó phải trả tiền đăng ký và đâu cho phép chủ chó, thả chó chạy rông như thế! Chứng tỏ, chú chó này là một chú chó vô chủ, hay đúng hơn là một con chó vì một lý do nào đó, chủ nó chưa đăng ký cho nó, và để nó đi lạc không còn biết đường trở về nữa. Bà cụ láng giềng Úc, sau khi móm mém khen ngợi lòng vị tha của tôi, đã săn sóc con chó bao nhiêu lâu nay, bảo với tôi:
_You biết không,xem nè! Con chó này trông rất đẹp đẽ,lông của nó láng mướt, bộ vó tròn trịa, rắn chắc khoẻ mạnh, chứng tỏ nó được săn sóc kỹ lưỡng và được chủ cưng lắm, không phải chó hoang bị bỏ rơi đâu à!
Tôi chỉ gật gù ầm ừ, vì hoàn toàn không có kiến thức gì về chó và cách nuôi chó của người Úc, trừ việc thấy người Úc hay hãnh diện,vui vẻ dắt mấy con chó đẹp đẽ, tung tăng đi dạo trên lề đường hay trong công viên mà thôi. Tối hôm đó,lại có một bà hàng xóm Úc khác, ở cách đó vài căn, bấm chuông nhà tôi. Sau khi chào hỏi xã giao, tưởng đến thăm gia chủ về việc gì quan trọng, cũng chỉ hỏi thăm tôi loanh quanh, về tình hình sức khoẻ của con chó. Nói chuyện lân la, vớ vẩn một hồi, bà ngập ngừng, ngượng ngịu đề nghị ;
_Mai tao phone hội bảo vệ súc vật, để check xem con chó có chủ không nhé?
Tôi thích con chó nhưng nó là con chó đi lạc, việc tìm chủ nó cũng là việc chính đáng, nên tôi không dám ngần ngại, đồng ý với bà ngay.
_Yes, bà cứ phone hỏi xem sao
Dường như người đàn bà Úc này, cũng quan tâm đến nó ra mặt Chắc nó cũng từng lân la qua nhà bà chơi, và không một chút khó nhọc, đã chiếm ngay được cảm tình của người phụ nữ Úc này chứ gì? Chắc bà ta cũng muốn nuôi nó, nên dò thử ý định của tôi trước, xem có phải mất công tranh chấp gì với tôi không thì phải?
Không biết bà ta thực sự muốn châu về hiệp phố, để con chó được trùng phùng với người chủ cũ, là người đã nuôi nấng săn sóc yêu thương nó bấy lâu, hay chỉ ngứa mắt muốn bắt nhốt một con chó hoang chạy lông rông khắp xóm? Lỡ không tìm được chủ, lại bị nhốt trong những chuồng chật hẹp, rồi lỡ chó hoang đông quá, người ta phải put down nó thì sao? Mấy cảnh nầy, tôi hay thấy chiếu trên tivi, nên suy nghĩ một hồi,tôi áy náy, thương hại con chó quá, mà lỡ hứa với bà ta rồi, đâu có lý do để rút lời được. Sáng hôm sau, mặt tôi ỉu xìu, phụng phịu bế con chó ra trước cổng thì gặp bà ta, tôi liền chào hỏi và khẽ nhấc chân con chó, khoe chiếc chân nhỏ xíu bị sưng vù, làm lâu nay nó thường co chân lên, chạy khập khiễng, tôi nói:
_Hình như con chó bị xe cán trúng chân, bà coi, chân nó còn bị bầm xanh, tội nghiệp quá!
Tôi ngầm ý muốn hỏi:
- " How deep is your love for him? Ngoài những tiền món tiền đăng ký, bà có thể sẽ tốn tiền bác sĩ, chữa cái chân cho nó nữa đó!"
Chắc các bạn cũng biết, ở Úc, tất cả dân chúng đều được chăm sóc miễn phí về y tế,không phải trả tiền khi đi khám bác sĩ gia đình, hoặc nằm bệnh viện công. Nhưng chó Úc thì không được hưởng định chế này, tuy nó được sinh ở đây, chứ không phải là dân Úc thòi lòi song tịch như tôi. Tiền khám bác sĩ chó ( thú y ), hoặc tiền trả cho bệnh viện thú y,còn đặc biệt cao hơn tiền trả cho người.
Hình như bà ta thấu hiểu ẩn ý của tôi, ái ngại lúng túng thấy rõ. Chưa chắc là bà ta ngại tốn tiền, nhưng có lẽ, bà cũng thấy được tình âu yếm, nỗi quan tâm săn sóc mà tôi dành cho nó, ít ra cũng thể hiện đâu đó trong ánh mắt và lời tôi nói với bà.Sau một hồi xem xét chân con chó, ngẫm nghĩ một lát, bà ta thở dài an ủi:
_Cô có thể đến đó, trả tiền, xin lãnh nó về nuôi mà! À! Rốt cuộc bà đã nhượng bộ tôi một bước. Dĩ nhiên là tôi có thể làm vậy, nhưng khi không lại phải mất công lui tới, làm giấy tờ và thủ tục lôi thôi, Úc đang mùa holiday, các cơ quan làm việc, phần lớn đều đóng cửa cả tháng, phải chầu chực chờ đợi, ai mà thích nổi mấy chuyện này bao giờ?
Nhưng khi chiếc xe của hội tới, tìm không ra tấm micro chip dưới lớp da cổ của con chó, người nhân viên hiền lành, thân thiện, bảo với tôi:
_ " O dear! Tôi nhắm một mắt lại nhé, cô cứ coi như tôi không hề tới, chuyện này không xảy ra! Cô cứ giữ nó để nuôi nhé!"
Ông ta vừa nói vừa nheo mắt chế giễu vì thấy bộ mặt đang lo lắng,buồn xo của tôi.
Tôi cảm động, hớn hở cám ơn ông ta rối rít,và chúng tôi cùng chúc mừng nhau happy new year, trước khi ông ta vui vẻ lái xe đi mất
Thế là, con chó trở thành một thành viên chính thức của gia đình tôi. Tôi nhốt nó lại ở vườn sau, khóa cổng, không cho cậu ta chạy lung tung nữa. Bận rộn đến đâu, hằng tuần tôi tự tay tắm rửa, chải lông, cho nó ăn, quên cả mệt nhọc.
Nhưng tôi cũng đâu được yên, cha tôi thấy tôi cưng chìu con chó quá đỗi. Ông luôn chép miệng than vãn, nào tốn phí, nào mất thì giờ.…Nó lại không như chúng tôi có gì ăn nấy, nó không biết ăn cơm, mà chỉ thích ăn thịt bò,cá nướng, thịt nguội…toàn những thứ đắt tiền! Nếu nó là con chó to kếch xù, chắc nuôi nó chẳng bao lâu, tôi đến phải sạt nghiệp mất! Cha tôi vốn bị nhốt trong trại cải tạo tới 8 năm, có khi phải bắt chuột, cắc kè, cóc nhái để ăn. Tôi bảo lãnh qua đây đã hơn chục năm, sống trong cảnh sung túc, vẫn chưa thể nào chịu đựng và thông cảm nổi niềm của một con chó Úc. Thiệt ra, nó chẳng có kén ăn hay mè nheo gì cả, chẳng qua chủ cũ của nó, đã nuôi nó ăn quen như thế mà thôi. Mẹ tôi cũng chẳng xóa được ký ức một thời khó khăn " giật đầu cá, vá đầu tôm "của những ngày sống trong nước, thỉnh thoảng cứ so sánh phần ăn của nó, bà thở dài cằn nhằn:
_Chó mà ăn sang hơn người!
_Người nhiều khi còn không đủ cơm ăn, con cho nó ăn phí quá! Thằng em rể tôi, ít khi mua cho ai vật gì, ấy thế mà cũng hoan hỉ mua cho nó một đòn chả loại thật lớn. Rất tiếc, con chó lại chẳng thèm ăn mấy thứ đồ ăn cho chó rẻ tiền, nên cất trong tủ lạnh ít lâu, tôi lại phải vụt vào thùng rác. Đôi khi, thấy mình, thay vì để thì giờ chăm sóc, cơm bưng nước rót,cho cha mẹ già yếu, lại phải hết mình chăm sóc, phục vụ cho một con chó, lương tâm tôi cũng suy nghĩ bứt rứt, đành phải tự biện hộ phân bua với chính mình và mọi người:
_Bố mẹ còn khỏe mạnh, tự làm lấy được mà!
_Con chó không tự săn sóc mình được,khi đói, nó đâu biết tự mở tủ lạnh để lấy thức ăn,nếu nó làm được, con đâu phải bưng thức ăn cho nó!
_Nó đâu biết tự tắm rửa, không tắm cho nó, rận rệp, hôi rình làm sao chịu nổi?
Chồng tôi thấy vậy, an ủi, cười bảo:
_Nó biết sủa mà!
Ý chàng muốn nói, là con chó cũng giúp ích cho việc trông giữ nhà cửa, kẻ trộm tới ít ra cũng sủa được vài tiếng. Tôi biết anh bênh vực, chống chế giúp cho tôi thế thôi, chớ thiệt ra, kẻ trộm nào mà sợ con chó bé tí như thế!
Tôi chịu đựng lời bố mẹ cằn nhằn, chịu vất vả tắm rửa, cho nó ăn một thời gian, dần dà mọi người ai nấy đều quí con chó lắm và còn khám phá ra, nó ngoài xinh đẹp dễ thương, còn có nhiều tài đặc biệt như biết gặm trái banh, mang đến cho chúng tôi, biết giữ, gờm, lừa banh y như một cầu thủ trứ danh, thiện nghệ. Riêng đối với tôi, nó thỉnh thoảng lặng lẽ âu yếm liếm tay, chân tôi, tỏ vẻ biết ơn. Đôi khi còn nhè nhẹ bất thần liếm mặt, miệng tôi, y như một người đang hôn lén tình nhân, làm tôi không kịp tránh,nhưng cũng cảm động lắm.
Thưở xưa, đôi khi giận lẫy, tôi thường cay cú bảo chàng (lúc chưa cưới ):
_Anh chỉ nựng em khi mà anh muốn thôi, còn khi bực mình, chắc anh sẵn sàng đá em như đá một con chó!!
Tôi nhớ là chàng chẳng hề trả lời, chẳng biện minh, phân trần cãi cọ gì ráo, chỉ yên lặng cau mày. Nay thì tôi biết, có thể chuyện:"đá mèo, quèo chó " hay " đánh chó chửi mèo "chỉ xảy ra cho mấy con chó đáng thương ở Việt Nam mà thôi, chớ đối với chó Úc,nhất là con chó nhỏ của tôi, chuyện này nhất định sẽ không bao giờ xảy ra.
26/11/02

Hết


Xem Tiếp: ----