"Cha ơi! Con gái của cha đây, cha có nhận ra con không? Cha có nghe thấy con nói không?” Bé Linh nghẹn ngào, tay run run cắm ba nén hương. Mặc cho dòng nước mắt nóng hổi lã chã tuôn rơi ướt đầm cả vạt áo, bé thành kính quì trước bàn thờ, chắp tay trước ngực, chăm chú nhìn ảnh cha qua làn khói hương. Khuôn mặt cha gầy guộc, đôi mắt sáng cương nghị ẩn dưới cặp lông mày rậm, đôi môi như đang hé cười.
Bé Linh không đi chợ bán hàng với mẹ. Bé ở nhà, hôm nay là ngày giỗ đầu của cha. Cho đến giờ, bé không tin, và không muốn tin là cha đã mất. Đôi giầy mòn vẹt gót phía má ngoài của cha vẫn để ngay ngắn cạnh cửa, chiếc áo sơ mi sờn một bên vai trắng xoá những vệt mồ hôi muối vẫn treo trên móc, cạnh áo mẹ và Linh; chiếc bàn viết bề bộn bản thảo, cái gạt tàn đầy lùm những mẩu thuốc hút dở…, tất cả, tất cả như muốn nói với bé rằng cha vẫn ở đây; trong căn nhà này với bé!
Đêm qua, trước khi đi ngủ, ôm chặt lấy bé, mẹ hỏi, bé còn nhớ cha không? Bé trả lời, cha là người bé yêu nhất trên đời này. Mẹ khóc. Mẹ bảo, mai là ngày tròn một năm cha mất.
Bé khóc, như bao tối bé vẫn khóc, khi không có cha vào xoa đầu, thơm lên trán, thì thầm “ Ngủ ngoan đi con!”, rồi cha tắt đèn, rón rén đi ra phòng ngoài. Bé thiếp đi trong tiếng bàn phím máy tính khua lách cách- cha viết. Những hôm bé ốm mệt, mất ngủ, nghe tiếng trở mình, cha lại bỏ tất cả vào ngồi với bé. Cha kể chuyện về quê hương, ông bà, về những năm tháng tuổi thơ cực nhọc mà cha đã trải; rồi chuyện cổ tích với thế giới thần tiên, nơi mà cái thiện luôn chiến thắng cái ác, ánh sáng luôn đẩy lùi bóng tối, người ở hiền sẽ được gặp lành. Đặt đôi bàn tay bé nhỏ trong tay cha xù xì, thô ráp, bé đi vào giấc mơ với những cánh đồng hoa rực rỡ muôn sắc màu, những toà lâu đài nguy nga tráng lệ mà bé là cô công chúa dịu hiền, xinh đẹp, được chàng hoàng tử đến đón đi trên con ngựa trắng ( chàng mạnh mẽ, nhân hậu như cha của bé).
Bé khóc, như bao chiều bé vẫn khóc, khi tan trường không còn thấy cha đứng đợi ở cổng. Khuôn mặt mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày chợ vất vả ngời lên hạnh phúc khi bé ùa vào vòng tay rộng mở, đu lên cổ, thơm vào má cha. Rồi hai cha con dắt tay nhau tản bộ về nhà trên con đường nhỏ qua công viên. Bé líu lo kể cha nghe chuyện trường lớp, bạn bè. Tung tăng, ríu rít bên cha như một con chim nhỏ, tiếng cười của bé lan xa, hoà cùng tiếng rì rào của đám lá sồi cổ thụ trong chiều gió nhẹ. Những ngày mùa đông lạnh giá, con đường đóng băng trơn tuột như đổ mỡ, cha cõng bé trên lưng. Áp mặt vào mái tóc phủ đầy tuyết, bé cảm nhận được vị mặn của những giọt mồ hôi đang rịn ra đầy cổ, trán cha. Dáng cha gầy, cặm cụi đi trong chiều đông.
Bé khóc, nhưng không muốn để mẹ buồn, nên hay ra ngoài ban công. Ngồi cạnh chiếc lò nướng và chiếc cần câu, bé nhớ lại ngày cha còn sống. Những hôm đẹp trời, cha dẫn hai mẹ con ra ngoài bờ sông nhóm lửa nướng thịt. Mẹ ngồi quạt bếp than hồng, mặt ngời hạnh phúc nhìn hai cha con tha thẩn lội nước bắt tôm, bắt hến. Mùi thịt nướng thơm lựng cả một quãng sông. Chiếc cần câu để hờ hững bên mép cỏ chẳng ai trông, có con cá to cắn mồi giật cả cần chạy băng băng. Bé nhìn thấy kêu cuống quít làm cha phải nhẩy ùm xuống nước bơi theo. Vốn là dân vùng biển nên chỉ hai cái quạt nước là cha đã đuổi kịp, lôi lên bờ một con cá chép to tướng trong tiếng vỗ tay hoan hô của hai mẹ con. Rồi cha kiệu bé lên vai, chạy dọc theo bờ cát dài. Cha chỉ tay vào những đám mây bông bồng bềnh trên nền trời xanh ngắt và bảo mây này là con, mây kia là mẹ, mây này là cha.
Những hôm ấy sao trời trong thế, sao mây trắng thế! Bé hỏi cha, mây có quê hương không? Cha lắc đầu, cha bảo suốt đời mây chỉ lang thang, không nhà, không Tổ quốc. Bé lại hỏi, thế sao mình có nhà, có Tổ quốc mà cũng lại lang thang như mây? Nghe bé hỏi, cha lặng đi. Đặt bé đứng ngay ngắn trên bờ cát, lặng nhìn vào mắt bé, cha bảo, mình là con người, chứ không phải là đám mây. Sẽ có ngày mình về quê hương, xứ sở. Nhưng khi nào thì chính cha cũng chưa biết. Vẻ mặt cha buồn lắm. Bé không làm sao hiểu nổi, tại sao mỗi khi nhắc đến hai tiếng quê hương là cha lại buồn bã như vậy.
Không chỉ riêng cha, mà các bác, các chú bạn bút của cha cũng thế. Họ cũng thường đến nhà bé chơi hoặc ra bờ sông câu cá, nướng thịt. Họ đọc cho nhau nghe những bài viết của mình,( bé không hiểu hết, chỉ loáng thoáng nghe được vài từ Tổ quốc, dân tộc, quê hương …)rồi thở dài, đăm chiêu, tư lự. Người lớn lạ thật, hay buồn quá. Bé không muốn làm người lớn đâu. Cả mẹ nữa, mẹ cũng hay nghĩ ngợi. Mỗi khi cha có bài nào đăng trên báo, mẹ đọc chăm chú rồi nhìn cha lo lắng. Cha cười, như để động viên mẹ, cha cầm đàn, hát say sưa. Giọng cha tha thiết:
“ Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”(#1)
Mẹ cười héo hắt.
Bài hát này bé thuộc lắm, vì cha và bạn bè thường hát trong những lần gặp mặt, mắt ai cũng rơm rớm: “ Là người xin một lần khi ngã xuống. Cùng anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ…”. Nhiều khi bé lẩm nhẩm hát một mình, cha nghe được, âu yếm xoa đầu bé rồi cười buồn: “ Ôi, con gái tôi! Con còn quá bé để hát những lời này. Đời ông nội đã hát, đời cha vẫn phải hát, mong sao đến đời con, bài hát này sẽ đi vào quên lãng. Con sẽ chỉ hát những bài ca ngợi cuộc sống, tình yêu. Bởi khi đó, sự thù hận không còn chỗ để tồn tại trong cuộc đời.”.
“Cha ơi! Thế là không bao giờ con được nghe cha hát nữa.” Bé Linh nghẹn ngào thốt lên. Cha ra đi khi mọi sự vẫn còn dang dở. Cha không được chết cho quê hương…
Cha ngã xuống vào một chiều hè nắng đẹp. Tan trường, bé ra cổng tìm cha. Tìm mãi, ngóng mãi không thấy bóng dáng gầy gò, khuôn mặt mệt mỏi luôn ngời lên hạnh phúc khi thấy con. Lòng bé nóng như lửa đốt, linh cảm có chuyện không lành, vì chưa một lần cha đến muộn. Chợt một đứa bạn hớt hải chạy tới kéo tay, lôi bé ra đầu phố, nơi có đám đông đương xúm lại. Chiếc ô tô bẹp dúm đầu, bung ba đờ xốc đứng chình ình giữa đường, cha nằm quằn quại trong vũng máu, khuôn mặt nhợt nhạt, dại đi vì đau đớn, tay vẫn ôm chặt một đứa bé chừng hai ba tuổi đang khóc lạc giọng. Một người mẹ trẻ từ đâu rẽ đám đông lao đến ôm chầm lấy đứa nhỏ rồi nhìn cha khóc như mưa. “ Cha!”, bé Linh gào lên thất thanh rồi phủ phục xuống vũng máu, ôm cha lay gọi liên hồi. Người lái xe lắp bắp phân bua với đám đông rằng không phải lỗi của ông ta. Theo lời ông kể, đứa bé do không ai trông mải chạy theo quả bóng lao ra giữa đường ngay trước mũi xe. Mặc dầu đã phanh gấp, nhưng theo quán tính chiếc xe vẫn lao đi, chỉ còn tích tắc thì tông vào đứa nhỏ. Đúng lúc đó thì ông này- người lái xe chỉ vào cha- vụt đến ôm lấy đứa nhỏ đẩy nhoài ra. Đứa bé được cứu thoát nhưng người đàn ông bị chẹt ngang bụng. Đám đông ái ngại, xót thương. Sau giây lát, xe cấp cứu đến chở cha đi.
Cả bệnh viện biết chuyện của cha nên tập trung hết sức cứu chữa, có rất nhiều người đòi vào thăm cha, kể cả những người mà cha không quen biết. Nhưng do thương tích quá nặng, bác sĩ không cho ai vào phòng cha nằm, ngoài mẹ và bé Linh. Mọi người, trong đó có cả các chú, bác bạn cha, chỉ được thấy cha qua lần kính cửa sổ. Có rất nhiều hoa gửi vào cho cha.
Nằm viện được hai ngày thì cha mất. Những phút cuối, cha tỉnh lắm. Đưa hai tay nắm chặt bàn tay mẹ và bé Linh, cha nhìn mẹ, da diết: “ Anh không ở với em được trọn đời như đã hứa. Tha lỗi cho anh! Mình hẹn kiếp sau.” Mẹ khóc nức nở, mắt cha cũng ầng ậng: “ Em không phải đợi đoạn tang anh ba năm, nếu có người thực sự thương em và con. Em còn trẻ lắm! Hãy thay anh nuôi dạy con của chúng ta nên người. Nếu không sống được ở đây, hãy về quê hương. Chẳng ai làm gì em và con đâu. Nói với các bạn anh, đừng để anh nằm lại đất này! Hãy cho anh về nơi đã được mẹ sinh ra. Khi sống anh đã phải xa nó. Bây giờ anh muốn gần nó mãi mãi. Hãy cho anh được nằm giữa cồn cát tuổi thơ. Anh muốn được nghe sóng ru, biển hát. Đừng để anh ở lại đất này! ”. Quay sang bé, cha nghẹn ngào: “Đừng khóc nữa con! Cứng rắn lên! Không có cha, con phải thương yêu, nghe lời và giúp đỡ mẹ. Hãy xứng đáng là con gái của cha. Cha yêu con biết nhường nào, con ơi!” Cha nấc lên, nước mắt đầm đìa rồi lịm đi.

*

Từ ngày cha mất, tuổi thơ của bé cũng ra đi. Bé không còn là đứa trẻ vô tư, hồn nhiên thuở nào. Bé không một lần dám đi qua bến sông xưa. Giờ tan trường, bé không về nhà trên con đường nhỏ qua công viên, mà vòng theo ngõ khác. Bé không dám nhìn lên bầu trời xanh để tìm những đám mây bông, mây hồng. Bé sợ, bé trốn tránh những kỉ niệm của một thuở thần tiên- những kỉ niệm luôn gợi về hình ảnh của người cha thân yêu, một phần đời của bé, đã mất. Những lời cha dặn, bé luôn ghi nhớ. Bé đã biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa đỡ đần mẹ. Thứ bảy, chủ nhật và suốt cả dịp hè, bé đi chợ bán hàng cùng mẹ, cũng dậy từ hai giờ sáng. Mẹ không cho, bé cứ năn nỉ, vật nài. Mẹ phải chiều bé. Từ ngày bé ra chợ, mẹ đỡ vất vả hẳn, vì bé làm khoẻ hơn cả mẹ, lại chăm chỉ, luôn chân luôn tay. Nhìn cảnh mẹ goá con côi lụi cụi bên sạp hàng như những chiếc bóng, không ai cầm được nước mắt. Các cô bác hết lòng giúp đỡ, nhưng mẹ chỉ cảm ơn lòng tốt và xin khước từ. Mẹ bảo, chợ kém lắm, ai cũng khó khăn cả. Hàng hoá không bán được, lại bị kiểm tra liên miên, nay công an, mai phòng thuế. Khổ sở lắm. Lưu manh côn đồ cũng chỉ nhằm vào người Việt trấn lột. Đã thế còn thêm cái nạn cảnh sát hay chặn xét hỏi giấy tờ để kiếm cớ làm tiền. Tuần trước, mới mờ sáng trên đường ra chợ, hai mẹ con bị xe cảnh sát chặn đường. Mẹ nói không có visă từ ngày cha mất, chợ kém, mẹ không đủ tiền nuôi visa nên bị đứt), chúng thô bỉ nắn túi, khám người mẹ, cả vào chỗ kín, lấy được hơn hai trăm đồng, chúng cười hô hố rồi thả cho hai mẹ con đi. Chúng không động chạm gì đến bé, vì vẫn là trẻ nít. Mới trưa hôm qua, bé đi mua thức ăn; lúc ở siêu thị ra cùng hai cô nữa thì có ba thằng cảnh sát xộc đến hỏi giấy tờ. Chúng chỉ chăm chăm lục túi các cô mà không để ý gì đến bé. Không tìm được đồng nào, chúng giải hai cô về đồn. Nếu không kịp chạy chọt, có lẽ các cô sẽ bị giam ba tháng để chờ ngày trục xuất.
Bé chợt phát hiện ra một điều: làm người lớn khổ lắm, nhục lắm. Phải bỏ quê hương ra đi, sang đến bên này thì bị đối xử như một con chó. Con chó bị đánh còn có chủ bênh, còn người lớn, chả ai bênh vực họ cả. Không một ai! Ồ, bé không làm người lớn đâu! Nhìn ra xung quanh, thấy các cô, bác, ai cũng khổ sở, vất vả quá đi thôi. Kiếp người sao mà cơ cực. Không, bé không muốn làm người lớn!!! Nhưng không, ai cũng bảo dạo này bé chóng lớn quá. Năm nay bé đã mười ba. Có cô còn trêu đùa là chỉ hai ba năm nữa bé thành thiếu nữ xinh đẹp, đi với mẹ chẳng khác gì hai chị em. Mẹ nghe thấy. Mẹ cười héo hắt!
Bé lén soi gương, thấy mình lớn thật. Bé lo lắm. Đến bữa, bé ăn ít đi. Bé làm nhiều việc nặng cho người còi cọc. Nhưng không, bé vẫn lớn từng ngày. Bé lo lắm. Ôi, ước gì cha còn sống! Cha ơi! Có người bảo, cha chết trẻ nên thiêng. Nhờ cha phù hộ, nên bé khoẻ mạnh, chóng lớn. Ồ, cha yêu bé lắm, cha cưng chiều bé lắm. Đúng rồi, bé sẽ xin cha giúp bé. Hôm nay là ngày giỗ đầu của cha.
Bắt chước mẹ, bé Linh châm ba nén hương cắm lên bàn thờ, rồi quì trước ảnh cha. Bé khấn: “ Cha ơi! Con gái của cha đây. Cha có nhận ra con không? Cha thương con, xin hãy giúp con. Con không muốn làm người lớn. Con muốn mãi mãi ở tuổi mười ba như bây giờ, không quá bé để có thể đỡ đần cho mẹ, nhưng không làm người lớn để khỏi phải sống kiếp người cơ cực. Xin hãy cho con mãi mãi được làm đứa con bé bỏng của cha, vui vầy hạnh phúc bên cha, như ngày nào cha còn sống. Cha ơi!” Bé khóc nấc lên, phủ phục trước bàn thờ cha rồi thiếp đi.
Một cơn gió nhẹ thoảng qua, bát hương cháy bùng lên. Từ trong ảnh, vút lên một làn khói mỏng. Cha hiện về bên bé. Cha bồng bé lên giường, kéo chăn,xoa đầu, thơm lên tóc, lên trán. Cha đứng ở đầu giường, lặng nhìn bé ngủ. Cha khóc!
Bé Linh ngủ ngon lành trong vòng tay cha âu yếm. Văng vẳng bên tai bé,lời cha ru:
À ơi…
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông, đứng giữa trời mà reo…(#2)
Warsaw 06-2001.
Chú thích:
(1-) Bài hát “ Tự nguyện”, sáng tác của Trương Quốc Khánh.
(2-) Thơ Nguyễn Công Trứ.

Hết


Xem Tiếp: ----