Tôi cứ nhớ mãi lời ru của má tôi hát ru thằng con đầu của tôi: "Con cá lù đù có mỡ đằng đuôi". Một câu ca dao ngộ nghĩnh và thoạt nghe có vẻ hơi vô nghĩa. Cá "lù đù" là cá gì? Đó là cái tên "cúng cơm" của con cá, hay do tác phong của nó "lù đù" mà người ta đặt tên cho nó vậy? Vậy sao nó lại có mỡ đằng đuôi? Có một giống cá có mỡ đằng đuôi, như kỳ đà, hay cá sấu thật sao? Hay đây chỉ là câu hát tiện vần thì bắt vần, tiện nhịp thì nối nhịp của các mẹ, chị mình ở quê? Sau rất nhiều năm, gần đây tình cờ về một vùng biển, tôi mới biết, hóa ra, có một loài cá biển mang tên là... lù đù, và quả thật, con cá lù đù ấy ở phần thân sau của nó có... mỡ, nướng ăn rất béo. Thế đấy, những lời ru dù nghe rất vu vơ nhưng không hề là vu khoát. Nó bắt rất chặt vào đời sống, và trong khi nói những điều tận đẩu tận đâu, nó vẫn không hề thoát ly hiện thực đời sống. Những lời ru đã đi với tuổi thơ của con người hay có thể là tuổi ấu thơ của loài người đang mai một. Bây giờ, những người mẹ trẻ, nhất là những "mẹ" ở thành phố gần như không biết hát ru là gì, và họ cũng chẳng thuộc câu hát nào để có thể ru chính con mình những khi nó khóc. Mấy năm trước, ở quê tôi, để "bảo tồn vốn cổ", người ta đã tổ chức những cuộc "thi hát ru". Đã tổ chức thi thì có người dự thi, bây giờ giá ai đó hứng lên tổ chức những cuộc thi... ăn, thi... uống (bia, rượu)... cũng có người xung phong dự thi. Nhưng thi hát ru là một chuyện, còn có hát ru được con mình không, có cái nhu cầu tự thân hát ru con mình không, lại là chuyện khác. Có một câu hát ru ở miệt vườn Nam Bộ mà tôi còn ám ảnh mãi, bởi tôi đã nghe nó lần đầu bên một dòng kênh Tháp Mười hồi chiến tranh: "Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời (hay lời) đắng cay". Có hai câu sáu tám thôi, mà nghe như muối xát lòng, như người hát ru ôm trọn một nỗi buồn nặng trĩu. Những đứa trẻ nào nghe lời ru ấy, tôi chắc lớn lên đời chúng cũng buồn, hoặc chúng sẽ là những người nhạy cảm. Người ta kể về gốc gác lời ru này, nói nó gắn với chuyện buồn của hoàng tử Cải và bà mẹ tên Răm. Có thể như thế, mà có thể câu chuyện kia được suy ra từ câu hát này, một câu hát rất tình cờ gắn với hai loài rau: rau cải và rau răm. Còn vì sao trong lời ru nghèn nghẹn ấy, rau cải lại bay về trời, còn rau răm thì phải ở lại "chịu đời đắng cay", cay như chính vị rau răm của nó, thì không ai biết. Tôi nhớ, ngày ấy, khi lần đầu nghe câu hát ru này, tôi đã nghĩ như trong lời ru ấy có gì vừa oán trách, vừa cam chịu. Vừa linh cảm rằng sẽ có một ngày, khi trời yên bể lặng, chiến tranh đã qua đi, những người lính chúng tôi đang hằng ngày sống giữa sự che chở đùm bọc của nhân dân, sẽ trở nên xa cách diệu vợi với những người đã từng nuôi mình, nhường cơm sẻ áo cho mình, và lúc bấy giờ, sẽ chỉ còn những cọng rau răm thương khó nghèo khổ kia ở lại những vùng sâu, vùng xa, ở lại và "chịu đời đắng cay" như đã từng chịu trong chiến tranh. Quả thật, trong lời ru đơn sơ ấy có gì như tiên báo, một tiên báo đau lòng. Bây giờ, hỏi trong cả nước này, những vùng nào nghèo nhất, khổ nhất, chắc chắn người ta sẽ nói: đó là những vùng trắng trong chiến tranh, những vùng kháng chiến cũ. Vì sao nghèo? Vì nó ở xa quá. Ấy, nghe một lời ru, đôi khi lại nghĩ bao đồng sang nhiều chuyện như thế.
Hết