Sáng nay tôi thức dậy thật sớm, cầm xâu chìa khóa xe bước ra cửa. Một cơn gió nhẹ thổi. Những lá vàng rơi, bay về hướng tôi, quấn quýt bước chân, reo vui, rộn rã như lòng tôi cũng đang reo vui rộn rã như thế. Cám ơn mùa thu, cám ơn những chiếc lá chia xẻ niềm vui vỡ òa trong tôi. Cảm ơn đất trời cho tôi những hạt bụi mưa thấm vào mặt, mơn man trên da thịt. Niềm vui nào cho ta lớn lên, ấp ủ tháng năm, ôm ấp từng nhịp tim đập. Tôi mơ hồ thấy mình lớn khôn hơn, trưởng thành hơn, kể từ đêm hôm đó.
Sinh ra làm con gái, dường như gắn liền với sự thiệt thòi tự nhiên, mà trong xã hội đã có những thành kiến to lớn, nặng nề, dù có thoát được ra ngoài, dù có đi xa vạn dặm, thành kiến cứng ngắt ấy vẫn đeo đuổi, vẫn kiên nhẫn bám riết theo.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đất được tiếng là cổ kính. Cổ kính không những là những đền đài, lăng tẩm,rêu phủ quanh năm, những di tích lịch sử viển vông, không thực tế mà còn cổ kính ở cả những thói quen, những sinh hoạt hàng ngày. Như một tảng đá. Một tảng đá rất nặng, rất to, bám lấy đời một đứa con gái nhỏ bé, gầy yếu là tôi. Đã khổ thân tôi chưa!!! Không ai dám đập phá tảng đá đó cả, lòng thì thiết tha mong muốn mà lại cứ giữ nền nếp con nhà. Ai cũng sợ tảng đá nặng bên vai mà lại chờ đợi người khác đập đổ. Chờ đợi người khác nặng nhọc, khổ đau làm niềm hoan lạc cho riêng mình. Cái xứ Huế là thế. Tôi sinh ra ở đó, lớn lên ở đó.
Lúc đầu tôi cũng rất hãnh diện, lớp sơn hoa mỹ bên ngoài đánh lừa tôi nhiều năm tháng. Tôi hãnh diện ông nội tôi đậu bằng Tiến sĩ, làm quan trong triều nhà Nguyễn, oai phong lẫm liệt, võng lọng nghênh ngang. Chiếc bài ngà nhỏ bằng ba ngón tay là một vinh dự cho cả một dòng họ, được trang trọng đem thờ ở nhà Từ Đường. Hãnh diện được nhà vua ban cho họ Nguyễn để từ bỏ họ Võ của mình. Cả tộc họ nhà tôi quên đi việc phản bội dòng họ Võ và hãnh diện mang họ mới.
Tôi lớn lên bằng những bước chân chập chững của thời thơ ấu trong khinh rẻ "nữ sanh ngoại tộc". Thời đại phong kiến đã cáo chung từ lâu, nhưng gia đình tôi lại có người cha mê Hán học. Ông ca tụng Khổng Tử từ đâu bên Trung Hoa. Những pho sách ông đọc nhìn vào đã chóng mặt. Ba tôi không ép con cái học chữ Hán, không phải ông đã thức tỉnh hay thấy chữ Tây hay ho gì. Ông có biết chữ Tây nào đâu để mà phân biệt hay hoặc không hay. Nhưng thời thế đã đổi thay, ông không thể quay bánh xe đi ngược chiều, nên chấp nhận.
Hầu như ai cũng hãnh diện được sinh ra và lớn lên ở Huế. Lớp sơn bên ngoài cứng ngắc cho đến nổi, muốn biết những gì bên trong phải trải qua nhiều năm tháng hay có khi cả đời người. Hãnh diện vì Huế là một dấu tích của những triều đại kế tiếp nhau làm nên lịch sử, nhưng họ quên đi những hoang tàn đổ nát của những ông vua bà chúa độc ác vô luân. Họ hãnh diện vì Huế là đất ngàn năm văn vật, sinh ra biết bao anh tài dựng nên nghiệp lớn, nhưng đó là lịch sử, là dĩ vãng. Lịch sử và dĩ vãng đâu cho ta chút nào hạnh phúc của cuộc đời. Hay họ hãnh diện vì Huế khắc nghiệt bốn mùa mưa nắng. Hay những thủ cựu muôn đời không lối thoát như những con ốc sên bám vào thân cây mục.
Tôi xa Huế. Nhất định phải xa Huế. Mỗi bước chân xa là một thăng tiến của cuộc đời. Dù có xa để mà trầm luân khổ ải thì vẫn cứ xa Huế một đời không đổi thay. Ai mê Huế, nhớ Huế. Đó là việc của họ. Nhưng tôi không. Tôi sợ lắm. Tôi sợ cái cảnh cơm không có ăn mà cứ học để kiếm mảnh bằng treo đầu bếp. Tôi sợ gió thổi bay tà áo hớ hênh trên cầu Trường Tiền rồi ai cũng biết. Cuối xóm đầu làng. Tôi sợ thở mạnh sẽ làm mờ đi vẻ cổ kính của Huế. Tôi đã từng thương Huế, say mê Huế. Tôi có ở đó tất cả những kỷ niệm ấu thơ. Ai ở Huế cũng có một lớp sơn đẹp đẽ, bao bọc lấy gia đình và cuộc đời của riêng mình. Lớp sơn lâu đời và đẹp đẽ mà rất đông người quên mất đó chỉ là lớp sơn bên ngoài, rồi hãnh diện vì tưởng đó là thực chất, là tư riêng.
Sinh ra làm gái đã thiệt thòi rồi, mà còn là gái Huế thì thiệt thòi nhiều lắm, lớn lắm, dai dẳng không chịu nổi. Tôi là một đứa con gái không xấu không đẹp. Ai nói xấu cũng đúng, nói có duyên cũng được, nhưng nhất định tôi là một đứa con gái kín cổng cao tường. Đây mới là nguyên do, là đầu mối của một gái già sống âm thầm ngày này qua tháng khác, thập niên này qua thập niên khác. Tôi lấy sự cô đơn làm bầu bạn, nói ra câu gì cũng phải có đầu có đuôi, phải lễ phép trước dạ sau thưa. Nếu tôi không hãnh diện mơ hồ với những thói tục đó, tôi quăng mình ra ngoài sống với bạn bè, với đời thì đâu có uổng phí ba, bốn mươi năm sầu tủi.
Thật hão huyền hết sức. Mẹ tôi cúi đầu xuống lo toan mọi việc trong nhà, nuôi đàn con dại. Những khổ đau của mẹ tôi phải gánh chịu trong suốt cuộc đời bà tạo cho tôi thêm một hãnh diện huyền hoặc, chia xẻ những khổ đau kia chẳng qua là xây bức tường cao thêm một chút. Một chút đủ choáng ngợp cả đời tôi.
Trong khi mẹ tôi mỗi ngày đắp cao những cơ cực oằn vai bà thì ba tôi đóng vai của kẻ bất mãn với thời thế. Suốt ngày lấy rượu làm vui, chỉ có rượu mới là người bạn thân thiết của ông. Mẹ tôi oằn vai nuôi con, nuôi chồng không một tiếng than, không một tiếng trách. Bà cho đó là một tấm gương sáng cho con cái noi theo. Trời ơi, tôi sinh ra trong một gia đình hội đủ tất cả những yếu tố ăn khớp tuyệt đối với nhau cho nỗi cô đơn của tôi ngày càng lớn, càng dài ra. Thiên hạ sợ, như tôi đã từng đọc đâu đó, xứ Huế nhỏ như một gia đình lớn, Huế nhỏ như trái cau. Cho nên không ai mai mối cho tôi cả, không có một quan hệ luyến ái với tôi cả, như tôi đã nói, thiên hạ sợ. Sợ tôi rập khuôn thương đau của mẹ tôi. Sợ sự bất mãn, lười biếng nghèo khổ của ba tôi. Sợ đám đông em út tôi nheo nhóc.
Một người tôi có thể tâm sự tất cả mọi suy nghĩ ngoài những băn khoăn con gái, là chú Thọ. Chú là bạn của ba. Chú hiểu những ràng buộc ác nghiệt đè nặng lên tôi và có lần chú nói với tôi một điều tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Theo gia đình chú vượt biên. Chú có vợ và hai con, giao thiệp rộng, có nhiều ân nghĩa với những người làm nghề đánh cá dưới Thuận an. Chú có đem điều này bàn bạc với ba tôi. Lạ lùng thay, một người cha đẻ ra rất nhiều con mà không bao giờ băn khoăn một chút nào về đời sống của chúng. Những gì chúng ưu tư, chúng suy nghĩ dường như ở ngoài ba. Chỉ có một điều liên hệ tới ba, là luôn luôn có rượu cho ông uống. Có thể điều này là điều khác duy nhất với những người xứ Huế, với những người cha khác. Thật là ăn khớp cho tôi trở thành đứa trẻ, rồi thiếu nữ cô đơn miệt mài. Tôi háo hức như một người suốt năm mặc áo vá giờ được người ta hứa hẹn cho chiếc áo mới đầu đời. Tôi chấp nhận làm một cuộc đổi đời, cho cây trổ lá, cho hoa kết nụ. Tôi vùng dậy, phá tan những xiềng xích khổ đau xứ Huế bám chặt vào tôi gần 40 năm cuộc đời.
− Tôi là một người cha thất bại, một người chồng bất lực, giờ chú thương cháu. Tôi giao cháu cho chú, cuộc đời nó tùy thuộc vào chú. Giao cho chú, là tôi yên tâm rồi.
Ba tôi nói như thế, như một phủi tay. Thật ra, ba tôi đã phủi tay từ lâu rồi, giao qua cho vai mẹ tôi yếu đuối.
Khi gia đình chú Thọ và tôi đến Hong Khôngng, tôi không thể ghép hồ sơ vào với gia đình chú ấy được mà phải đứng riêng một mình. Tôi luôn luôn mong ước một đời sống tự do ngoài khuôn sáo gia đình và khuôn sáo của xứ Huế nhỏ hẹp. Nhưng khi tôi thật sự đứng một mình thì tôi đâm sợ hãi vô bờ. Tôi sợ vì đôi cánh của tôi đã lâu ngày không được dùng tới, bởi tôi quen ở trong chiếc lồng rách. Nhưng tôi quyết tâm, tôi nhất định bay cho thật cao, cho thật xa, đến bất cứ bờ bến nào cũng được. Chú Thọ buồn lắm khi tôi không thể ghép chung hộ với chú. Một ngày nào đó gia đình chú sẽ ra đi, tôi một mình ở lại là điều chú hết sức lo ngại.
Tôi bắt đầu có những người bạn mới trong trại, hầu hết những người đàn ông đến làm quen với tôi đều đã có gia đình, vợ của họ, hoặc ở các nước ngoại quốc hoặc còn kẹt lại Việt Nam. Tôi cũng nhìn thấy những người bạn gái của tôi sống buông thả, họ có những mối tình vụng trộm, những hẹn hò trong những góc kẹt, chỗ này, chỗ kia. Họ như những con chim xứ Huế xổ lồng nhưng gan dạ hơn tôi. Trại tỵ nạn chật chội và đầy nhóc những người là người. Những chiếc giường kế tiếp nhau được che bằng những tấm mền do trại phát nhưng cùng một chiếc khung lớn. Bởi thế mọi di chuyển, cử động luôn luôn như gọi người ta biết, như một mách bảo ngầm. Vụng trộm mà như là mách bảo nên những mối tình đó ai cũng biết, nhiều khi người ta rình, lén để biết nhiều hơn, thêu dệt hấp dẫn hơn. Đôi lần tôi cũng muốn gan dạ nhưng không dám. Gia đình chú Thọ vẫn ở đó, chờ định cư và khắc khoải lo âu cho một hư hỏng đến với tôi mà chú Thọ tự nhận như có trách nhiệm.
Để cho mình trở thành một người hư hỏng, không phải dễ. Nhưng nói cho cùng, tôi là một người nhát gan. Mẹ tôi đã tạo cho tôi như thế, cha tôi, họ hàng thân tộc và cả xứ Huế ngàn năm văn vật, tạo cho tôi, một đứa con gái nhút nhát. Ngay cả khi thả tôi ra để bay bổng với đất trời tôi cũng không dám. Nghĩ lại, hư hỏng chẳng qua chỉ là kẻ làm những điều khác với Huế, những bức tường đã được phá đi cho người ta nhìn thấy xuyên suốt mọi điều bên trong là hư hỏng ư? Chắc tôi phải làm một hư hỏng như thế, đôi khi hư hỏng cùng nghĩa với tự do. Hãy xóa đi lớp sơn hoa mỹ bên ngoài, hãy sống thực như ước mơ mà là hư hỏng thì quả thật trên đời không có thứ gì là không hư hỏng cả.
Khi gia đình chú Thọ đi định cư là lúc tôi bị hụt hẫng nhiều nhất. Tôi trở lại trạng thái bơ vơ của một kẻ không thân thuộc và tự cảm thấy cần làm một cái gì đó thoát ra ngoài một cách dứt khoát khuôn phép cũ. Tôi đủ điều kiện tạo sự tự do cho cá nhân mình, cho đời sống mình. Tôi bỏ tất cả lại phía sau những ràng buộc vô lối, những nề nếp nho phong nặng nề, phức tạp, rối rắm. Tôi gởi về Huế những thói tục 40 năm tôi gìn giữ, u mê hãnh diện gậm nhấm những cô đơn trong từng thớ thịt mà nghĩ cho cùng chẳng đạt được điều gì cả.
Tôi ghi tên dạy Anh ngữ vỡ lòng cho người tỵ nạn để tự tạo cho mình một chút tiện nghi tối thiểu qua đồng lương của Cao Ủy tỵ nạn phát cho mỗi tháng. Tôi có thể mua ít thỏi son, cục xà phòng, cái áo ngực và vài thứ lỉnh kỉnh khác. Tôi muốn một chút chưng diện và cuối cùng tôi làm bạn với một viên cảnh sát Hongkhôngng. Tôi nói tiếng Anh lắp bắp và y cũng thế, nhưng chúng tôi lại có thể hiểu nhau qua một số tiếng Quảng Đông tôi học được từ ngày qua trại. Gã còn trẻ hơn tôi, to con vạm vỡ và gã hết sức ngạc nhiên, bộ mặt y đờ đẫn hết sức tức cười khi phát giác tôi là một trinh nữ mặc dù đã gần 40 tuổi. Tôi cho hắn như một đổi đời không toan tính. Bước một bước như thế là tôi đã đối diện với tự do rồi. Đời một người con gái chỉ giữ gìn chút tiết trinh, bởi vì sau đó thì đâu còn gì mà giữ. Hoàn toàn tự do. Tiết trinh chỉ là quan niệm quá cũ, quá xưa cho tôi mòn mỏi trong bốn bức tường cay nghiệt. Nhưng khi thực sự đối diện với nó. Tôi cảm giác như mình vừa cắn phải một trái đắng. Nhưng lại là một trái đắng ngọt ngào.
Buổi tối hôm đó, phiên trực của nó, A Xú, mà trong trại chúng tôi thường gọi là "xính xáng", chúng tôi gặp nhau, nói chuyện vu vơ và dần bước về phía bệnh xá. Bệnh xá tại trại Chimawan, nằm trong góc gần văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn nơi chị Phượng làm việc, phía sau bệnh xá là phòng Phúc Lợi, bên cạnh là một khoảng đất trống, tráng ciment sạch sẽ, phía trên là núi nên không ai có thể nhìn thấy chúng tôi. Văn phòng Phúc Lợi chỉ làm việc ban ngày nên lại càng vắng vẻ hơn. Chúng tôi ngồi xuống trò chuyện. Cái tên cảnh sát Hongkhôngng mặt mày còn non choẹt, trắng trẻo như con gái mà lại quỷ quái. Hắn hôn tôi, tay hắn lướt nhẹ nhưng càng lúc càng sâu vào thân thể tôi. Tôi có cảm giác như những con sâu, những chiếc kim, châm, chích, nghịch ngợm cho tôi đờ đẫn ra, thân thể tôi càng lúc càng mềm nhũn. Hôm nay tôi chỉ mặc một bộ đồ lụa mỏng, như một đồng lõa cho bàn tay quỷ quái của hắn, tha hồ thao túng. Không biết đã có sự xếp đặt hay chỉ là tình cờ, một chiếc mền treo trên dây phơi gần đó. Hắn kéo xuống, trải ra và nhẹ nhàng đặt tôi nằm xuống.
Tôi thấy nhói đau toàn thân và có cảm giác như một vết thương bị xé toạc ra và mơ hồ thấy một giòng nước nóng, chảy ra. Tên cảnh sát hoảng hốt, lấy cây đèn pin nhỏ bằng cây bút cúi xuống xem. Hắn mở đôi mắt thật to, diễn tả một ngạc nhiên tột cùng, nói với tôi bằng tiếng Quảng Đông, tôi hiểu được tiếng được tiếng mất:
− Mày lấy cái này lau đi rồi bỏ thùng rác.
Nó cầm cái quần lót của tôi vừa lắc lắc vừa nói như thế.
Thằng cảnh sát mà tôi tưởng là non choẹt kia lại là một thằng đểu cáng. Sau đêm hôm đó, hắn làm mặt lạ với tôi. Nhưng chính tôi, tôi cũng không cần hắn. Tôi cảm ơn hắn cho tôi thêm một chút thoải mái trong đời sống kìm hãm trong suốt đoạn đường dài. Tôi nghĩ, bây giờ, khi quen biết với ai không phải toan tính thiệt hơn, không giữ gìn bởi cũng chẳng cành vàng lá ngọc gì mà giữ, mà cao ngạo cho mệt xác. Tư tưởng tự cho mình là cành vàng lá ngọc đã cướp mất của tôi ít nhất hai mươi năm cuộc đời. Để đánh đổi cái gì. Tôi cảm thấy khôn ngoan hơn và trưởng thành hơn. Chưa thành đàn bà thì một cô gái muôn đời không trưởng thành được. Tôi đã cắn vào trái cấm. Một trái cấm vừa đắng lại vừa ngọt ngào.
Một người bạn đồng nghiệp của tôi, dạy Anh văn lớp kế cận, là một sĩ quan vừa ra tù cộng sản, còn độc thân. Tôi kết bạn với anh cũng không một toan tính nào, thoải mái lắm. Sau một thời gian qua lại, lén lút như sợ ma bắt. Anh bày tỏ ý định muốn kết hôn với tôi:
− Anh đã để lỡ cuộc đời bước qua nhanh quá. Bây giờ không còn lại gì. Chúng ta đều bơ vơ khốn khổ như nhau. Nếu em không chê thì chúng ta kết hợp lại, tìm một tương lai muộn. Thế thôi.
− Nhưng kết hợp với em, anh lại muộn hơn vì phải đợi thêm một thời gian nữa để kết hôn mới định cư được.
− Đã muộn rồi. Vả lại, muộn một chút mà có em thì đâu phải là muộn.
− Anh mới quen em, không sợ phiêu lưu hay sao?
− Còn sợ gì nữa. Chúng ta không có gì để mất cả. Anh và em cũng như nhau, cũng muộn màng và phiêu lưu như nhau. Còn sợ gì.
Từ trong chiếc lồng rách, tôi quyết bay cao và bay xa thì làm sao tôi có thể kết hợp với một người đàn ông lúc nào cũng mặc cảm muộn màng. Tôi đã bắt đầu đâu mà bảo chúng tôi muộn như nhau. Nhưng tôi phải nhờ hắn để ra khỏi trại tỵ nạn. Đành vậy chứ biết sao. Tôi thấy cần phải tập tành làm người phản trắc. Tôi nín thở qua sông, và cảm ơn thằng cảnh sát Hongkhôngng cho tôi một sự tự do để qua sông lần này. Chúng tôi làm đám cưới tại phòng Phúc Lợi và ra Hongkhôngng làm hôn thú để anh bạn tôi nộp vào hồ sơ định cư. Tôi cũng có chiếc giường xếp hàng xếp lớp cùng chung một cái khung lớn. Để đêm đêm âm thầm đánh thức những người xung quanh dậy như một đồng lõa với bóng đêm. Điều quan trọng nhất của một con người là sống thành thật với chính mình trước đã. Tôi đã giả vờ, đã ngụy tạo, che đậy, giả dối, khép kín trong 40 năm rồi. Tôi đã cao ngạo với một giá trị không có thực. Giờ tôi sống cho mình, xung quanh biết bao lọc lừa gian trá. Làm sao để sống còn. Nếu không có một kết hợp và đổi chác hôm nay thì tôi sẽ sống mục rữa trong trại tỵ nạn. Một ngày nào đó, người ta sẽ trả tôi trở lại Việt Nam, trả tôi lại với xứ Huế mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn. Tôi lại chui vào chiếc lồng rách bên người mẹ khốn khổ, bên người cha bất mãn với thời thế, với một bầy em nheo nhóc. Tại sao ba tôi lại bất mãn, ông không phải là người học rộng tài cao, ngoài dăm ba chữ Hán lỗi thời với một thần tượng Khổng Tử đâu bên Trung Hoa xa lắc xa lơ, thì thời thế nào trọng dụng ông. Vậy thì ông bất mãn làm gì, bất mãn cái gì? Tôi không trở lại Huế nữa. Nhất định không trở lại nữa. Huế hãy đóng cửa lại giùm tôi.
Một năm sau,vừa đợi chờ, vừa qua Phi Luật Tân học Anh ngữ, tôi sang Mỹ định cư. Sau khi làm giấy tờ, tôi lập tức kiếm việc làm. Có lẽ phải một năm sau tôi mới nói sự thật cho người bạn đồng hành của tôi nghe. Anh không mất gì cả thật, một đổi chác hai bên đều có lợi và nhất là tôi không hề hứa hẹn gì với anh ấy. Anh tự tin vào sự kết hợp với tôi, còn tôi đem thân xác mà đánh đổi. Chúng tôi có thôi nhau thì chẳng qua cũng chỉ trở lại tình trạng như lúc chưa quen nhau. Anh cho tôi qua Mỹ thì anh đã thừa hưởng thân xác tôi. Vậy huề. Không ai nợ ai.
Nếu có ai thấy hoàn cảnh tôi thì cho rằng tôi đã lừa anh để được định cư, ai nói gì mặc lòng, cứ sống mãi với những lời nói của thiên hạ, khi khốn khó chẳng ai chia xẻ. Tôi đã mệt nhoài vì tiếng chì, tiếng bấc của xứ Huế của tôi, 40 năm. Giờ tôi sống cho tôi. Tôi chưa muộn, tôi chỉ mới bắt đầu.
Tôi vừa đi làm, vừa đi học, vừa học nhảy đầm. Tôi đi học để kiếm một công việc khá hơn và tôi gởi tiền về cho mẹ tôi đỡ khốn khổ, cho em tôi đỡ nheo nhóc. Mua thêm rượu cho ba cũng là giúp mẹ tôi bớt vất vả. Suốt một ngày tôi không có chút thì giờ rảnh rỗi. Mở mắt ra, lao tới trường, từ trường hộc tốc tới sở làm, tới tối mịt tối mù mới về tới nhà. Cuối tuần đi học nhảy đầm. Khi đã khá vững tôi lại bận với những buổi nhảy đầm triền miên, nhiều khi suốt sáng. Miệt mài với những ly rượu cay nồng lúc đầu nhưng càng lúc càng ngọt dịu. Tôi tận hưởng vội vàng những đền bù 40 năm bị Huế giam lỏng. Thân xác đôi khi cũng rã rời sau những đêm truy hoan suốt sáng.
Bạn bè tôi lại khám phá ra tôi có giọng ca khá truyền cảm, nhất là những bản nhạc thời tiền chiến, họ đẩy tôi lên sân khấu và tôi hát. Tôi hát cho vui và tôi chợt thấy việc đi hát như thế không thể trở thành vô loại được. Có người cười sau lưng tôi, cho rằng đã già còn bày đặt làm ca sĩ. Tôi đâu có làm ca sĩ, tôi chỉ đi hát, nhún nhẩy cho vui, 40 năm, tôi có ngày nào nhún nhẩy đâu. Họ nói, họ cứ nói. Đi hát như thế cũng chẳng làm tăng hay làm bớt giá trị đích thực của mình. Khi vui thì hát, khi không vui thì không hát nữa. Chẳng có gì ràng buộc tôi cả.
Nhưng tất cả những thú vui, những đổi chác, những truy hoan, rượu chè, bài bạc. Tôi nghĩ phải có lúc dừng lại. Tuổi tác, đến một lúc nào đó không cho phép nữa. Tôi tự đứng lại, không ai hối thúc, kềm chế. Tôi tự do hoàn toàn khi buông mình ra, khi cột mình lại. Phải công nhận một điều rằng, tên cảnh sát Hongkhôngng đã tạo cho tôi những bước đi chắc chắn, thoải mái, sau đêm hôm đó. Không còn e ấp, làm dáng, vô ích, vô bổ. Cuộc đời thật sự quá ngắn ngủi cho những toan tính. Mẹ tôi cứ hối thúc tôi lấy chồng vì sợ tôi tuổi đã lớn sinh đẻ khó. Còn ba tôi thì không nói gì. Ông cứ đóng kịch trong suốt cuộc đời ông. Một vai kịch không ai xem, không ai hưởng ứng. Vở kịch chỉ làm mẹ tôi và những đứa con khốn khổ thêm.
Tôi lại khám phá một điều mới, thời gian tôi sống thực sự cho tôi ngắn quá. Xứ Huế đã giam tôi vô tội lâu quá. Họ đã đồng lõa với nhau giam tôi lại, họ cũng giam chính họ lại nữa. Cho nên tôi thấy thật tội nghiệp cho người dân Huế chúng tôi. Có nhiều người từ khi sinh ra, lớn lên, rồi mất đi cũng chỉ quẩn quanh từ Thành nội qua cầu An cựu, từ Gia Hội lên Kim Long, Từ An Hòa xuống chợ Dinh, cứ đi lui đi tới như thế cho hết một đời. Họ sống với những hào quang không có thật hay đã quá xưa cũ, lỗi thời. Chính tôi cũng đã hân hoan, ngụp lặn trong đó. Tôi đi qua nhiều nơi, tôi chưa thấy một nơi nào trời mưa liên tu bất tận, không một phút nào ngơi nghỉ từ tháng này qua tháng khác. Thế mà ai ai cũng cột mình thật chặt vào với Huế.
Có đôi lúc, tôi nhìn lại phía sau. Tôi thảng thốt, tôi ngạc nhiên, không thể ngờ rằng mình đã sống ở đó lâu dường ấy.
Có vài người đề nghị với tôi về hôn nhân. Tôi bị dằng co bởi sự ổn định của cuộc đời mình và những tiếc nuối của những cuộc truy hoan ngắn ngủi. Tuổi già không đợi chờ ai cả, thời gian lúc nào cũng vô tình đồng đều với tất cả mọi người.
Đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, cô đơn, đôi khi cũng muốn ngưng lại và đôi khi cũng mâu thuẫn nuối tiếc cuộc sống tự do phóng đãng của mình.
Hai năm sau ngày tôi bằng lòng làm đám cưới với người bạn mới thì sóng gió nổi lên. Vợ anh ấy từ Việt Nam qua định cư tại Mỹ. Tôi không buộc anh làm một chọn lựa có phần lợi cho tôi. Tôi lại đang mang bầu và được bác sĩ cho biết phải mổ vì tuổi đã lớn không thể sanh tự nhiên được. Tôi như người bị rơi từ tầng cao xuống, hụt tay, hụt chân và cay đắng tận cùng. Muốn có một cuộc sống ổn định cho tuổi già nhưng lại chọn lựa lầm lẫn.
Tôi không trách ai, nhưng tôi thấy một điều rất lạ, tại sao vừa bảo lãnh vợ lại vừa lấy vợ mới, nhưng nghĩ cho cùng, việc gì cũng có cái giá phải trả?

Hết


Xem Tiếp: ----