Trong xóm Lách gần đường Công-Lý tràn ngập nắng vàng, một người đàn ông khoảng hơn năm chục tuổi, mặt mũi rắn rỏi phong trần đi tới gõ cửa căn nhà gỗ gần cuối xóm. Một bà già lưng còng ra mở cửa. Người đàn ông tháo chiếc khăn màu nước dưa quấn trên đầu, chào: − Chào bà Sáu Hôm. Bà già reo lên: − Kià! Cậu Trinh! Cậu được về rồi! Mời cậu vô trong nhà cho khỏi nắng. Bên trong căn nhà nhỏ bé, hơi tối, chủ và khách ngồi xuống bên chiếc bàn nâu đen cũ kỹ. Bà Sáu Hôm mếu máo: − Mợ Trinh và các con chạy tàu từ hồi đầu, cho tới nay không có tin tức gì hết! Lúc đó là đầu năm Quí-Mùi, "cậu Trinh" tên thật là Quốc-Ân, chồng của "mợ Trinh" tên thật là Linh-Thoa, trở lại chốn mà gia đình anh cư ngụ cách đó gần ba chục năm. Năm 1992, dược cộng sản thả về sau mười bảy năm cầm tù trong trại học tập, Quốc-Ân quyết định ở lại Việt Nam, ngấm ngầm làm việc nuôi thân và móc nối việc chống cộng sản. Giờ đây, Quốc-Ân và bà Sáu Hôm yên lặng nhìn ra khung cửa đầy ánh nắng càng khiến cho bức tường gỗ càng đen tối hơn. Một trời kỷ niệm hiện ra trong tâm trí họ,... ... Xóm Lách, hai mươi tám năm về trước, cũng vào mùa Hè. Linh-Thoa xách giỏ thức ăn, tập tễnh từ ngoài chợ xóm đi về nhà. Nàng nặng nề bước qua bậc thềm ciment hơi cao, quên cả đóng cánh cửa thấp làm bằng những thanh gỗ mộc, dùng để chắn thằng con nhỏ không chạy ra ngoài khi cánh cửa lớn mở cho thoáng khí. Có tiếng đàn bà từ bên ngoài nói vọng vào: − Chào mợ Trinh! Mợ làm sao mà bước lặc lè vậy? Tui thấy mợ từ đàng xa mà vẫn theo kịp về đây. Linh-Thoa, người được kêu "Mợ Trinh", đặt giỏ thức ăn xuống đất, xoay người ngó ra. Bà Sáu Hôm, một người quen ở xóm trong, đứng giữa cửa, nhìn nàng cười toe toét phô bày hai hàm răng trắng đục dính quết trầu đỏ quạch. Một bên má của bà hơi phồng lên, bên trong ngậm cục thuốc lào. Bà bận quần đen rộng ống, áo bà ba vàng in bông nâu. Tay mặt bà xách giỏ. Tay kia cầm ngược hai chân một con gà giò nhỏ bằng trái dứa. Linh-Thoa cười gượng, gật đầu chào bà bạn, trả lời: − Chào bà Sáu Hôm. Tôi tự nhiên bị trặc một bên hông trái. Đi, đứng, ngồi khó khăn vì đau lắm! Nhà tôi xoa bóp dầu Khuynh-Diệp mỗi ngày mấy lần mà không thấy đỡ. Chắc bị què quá à! Bà Sáu Hôm vội đi nhanh vào nhà, tới gần Linh-Thoa. Bà đặt cái giỏ xuống đất, lấy tay sờ nhẹ bên hông trái của Linh-Thoa. Đoạn, bà nói: − Hông của mợ sưng khá lớn đấy! Đau như vậy mà còn đi chợ làm chi cho khổ − Mẹ tôi đang bị cảm, em gái út tôi bận đi làm. Tôi cố đi mua vài món ngoài chợ đầu xóm cho nhà tôi và các cháu có cái ăn tối nay. Ngày mai, cô em chồng tôi sẽ đến đi chợ giùm. Lúc ấy tôi mới đi khám bác sĩ được. Bà Sáu Hôm mau mắn: − Đi bác sĩ làm gì cho tốn tiền mà lại lâu khỏi. Mợ hãy thay quần áo, lên giường nằm chờ. Tui về nhà lấy lá thuốc sang chữa cho mợ. Khỏi ngay tức thì! Đừng lo. Trinh là tên đứa con gái đầu lòng của gia đình Quốc-Ân và Linh-Thoa. Dân trong xóm dùng tên đó để gọi người mẹ. Vì nghe thấy con cái của hai vợ chồng người Bắc gọi bố mẹ chúng là "cậu, mợ ", bà Sáu Hôm cũng như dân trong xóm gọi người mẹ là "mợ Trinh ", người bố là "cậu Trinh". Họ chẳng cần biết đến tên thật của hai ngườI hàng xóm khả ái đó. Bà Sáu Hôm đi khỏi nhà Linh-Thoa, rồi trở lại thật mau. Bà khép cửa, kéo rideaux, bật đèn. Bà đến ngồi bên lề giường. Tay bà cầm một bọc vải màn nhỏ bằng quả quýt trong đựng cái gì ướt át xanh lè. Bà bảo Linh-Thoa: − Mợ nằm nghiêng, kéo quần cho tui coi hông đau của mợ. Linh-Thoa hỏi: − Bà dùng thuốc gì thế? − Đây là lá ngải và rễ ngải giã nhỏ. Tui nuôi và thờ cây ngải gia truyền. Mỗi ngày mùng một như hôm nay, tui cúng ngải một con gà giò. Ngải chữa bách bệnh, kể cả gãy xương, trặc gân. Mợ cứ yên trí, nằm yên cho tui chữa. Bà Sáu Hôm cầm bọc ngải chấm nhè nhẹ lên chỗ hông đau của Linh-Thoa, miệng lẩm nhẩm khấn thần ngải. Bà làm như thế trong mười lăm phút. Đoạn, bà kéo quần lót và quần dài của Linh-Thoa cho ngay ngắn. Bà tươi tỉnh bảo nàng: − Bây giờ, mợ Trinh thử ngồi lên coi. Linh-Thoa từ từ ngồi lên, cảm thấy hông của mình không bị kến như lúc nãy. Bà Sáu Hôm lại bảo: − Mợ đứng lên, đi lại tôi coi. Linh-Thoa chống tay xuống giường, rụt rè đứng lên. Nàng thấy hông hết hẳn đau. Nàng bước vài bước, thấy người nhẹ nhàng như chưa hề bị trặc hông bao giờ! Bà Sáu Hôm bảo: − Chiều nay, tui đến làm cho mợ một lần nữa là khỏi hẳn. Bạn bè chòm xóm, tui làm miễn phí cho mợ. Đừng thắc mắc làm chi. Linh-Thoa nói: − Tôi cám ơn bà Sáu vô cùng. Ngải của bà hiệu nghiệm quá. Bà cúng gà cho ngải như thế nào? − Cứ buổi tối ngày mùng một mỗi tháng, tui thắp hương khấn vái thần ngải, rồi vật chết con gà giò, để nguyên con vào gốc ngải trên mặt đất trong chậu. Qua đêm, sáng hôm sau, con gà sẽ tiêu hết, chỉ còn lại mớ lông. Thôi, tui về, mợ nhé. Kỷ niệm đó hoà trộn cùng biết bao kỷ niệm khác đã tạo nên tình hàng xóm thân thiết giữa gia đình Quốc-Ân Linh-Thoa và những nguời trong xóm. Đặc biệt với bà Sáu Hôm, tình thân ấy rất sâu đậm. Ngày Việt cộng chiếm Sài-Gòn, một số gia đình trong xóm bỏ đi. Bà Sáu Hôm và gia đình Linh-Thoa vẫn ở lại. Quốc-Ân, thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà, phải đi học tập với các sĩ quan khác. Linh-Thoa ở lại nuôi hai con nhỏ bằng nghề y tá. Ngoài ra, nhờ trước kia học trong trường soeurs, nàng còn thạo làm hoa bằng voile và giấy màu, giao bán cho các cửa tiệm trong chợ Bến Thành. Bọn nữ cộng sản từ Bắc Việt vào Sài Gòn thích mua hoa voile, hoa giấy. Tuy nhiên, cuộc sống chật vật dần lên. Linh-Thoa tâm sự với bà Sáu Hôm: − Ở với bọn Việt cộng ngu dốt này, không sao khá nổi. Nhà tôi đi học tập mãi chưa được thả về. Các cháu học hành thất thường, vì thày cô của chúng dần dần bỏ sở. Nói riêng với bà Sáu. Có người mách cho tôi đường chạy tàu ra ngoại quốc. Mỗi đầu người mất ba lượng vàng. Con nít được bớt một nửa. Gia đình tôi gồm cháu gái và cháu trai nhỏ sẽ tốn sáu lượng. Như thế là gần hết sạch của hồi môn dành dụm từ hồi cưới nhau. Mỗi lần đi thăm nuôi, nhà tôi đều rỉ tai:"Em phải mang hai con đi trước. Khi nào anh về, sẽ đi sau". Bà Sáu Hôm mau nước mắt, mếu máo: − Mợ và tụi nhỏ đi là tui buồn nhớ lắm! Nghe nói cướp biển bắt đầu hoành hành dữ lắm. Chúng giết người, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái. Một số bị bắt mang vào đất liền thảy vào ổ điếm, chết dần chết mòn ở đó. Nhưng đi là đi. Mọi sự là do mệnh Trời. Tui còn nhiều dây mơ rễ má ở đây, không đi được. Khi nào mợ nhất định đi, cho tui biết với. Những gì mợ nói, tôi sống để bụng chết mang theo. Mợ cứ yên trí. Trước ngày ra đi một hôm, Linh-Thoa chỉ từ giã có mình bà Sáu Hôm. Bà này căn dặn nàng đủ điều. Bà đưa cho nàng một gói giấy, bảo: − Đây là một ít lá và rễ ngải. Linh lắm. Đi sông, đi nước, mợ và tụi nhỏ cần mang theo để hộ mạng. Khi nguy hiểm, mợ và tụi nhỏ hãy làm như thế này... Bà Sáu Hôm ghé sát miệng vào tai Linh-Thoa thì thào, như sợ tiết lộ bí mật thần linh. Hai người bạn gái, một người đứng tuổi, một người còn trẻ, bịn rịn một lúc lâu, mới chia tay vĩnh biệt nhau trong nước mắt!... Dòng kỷ niệm trên đây ngừng lại trong tâm khảm bà Sáu. Quốc-Ân nhìn vào cặp mắt kèm nhèm buồn rầu của bà Sáu, vì tuổi già và vì cảm động. Anh chầm chậm nói nhỏ: − Hằng đêm, nằm trong trại tù cộng sản, cũng sau như khi được thả, một mình phòng không gối chiếc, tôi lấy lại được sinh lực nhờ những giấc mơ trong đó tôi gặp nhà tôi và hai cháu. Bắt đầu chỉ là những giấc mơ. Sau tôi dần dần nhận ra đó là giao cảm thần kỳ giữa tôi và vợ con tôi. Do đó, tôi biết vợ con tôi đã lìa trần ngay từ năm 1981, khi họ chạy tầu để sang vùng tự do. Họ đã hiện về cho tôi biết những gì xảy ra từ đó cho tới nay. Trước cặp mắt ướt át chứa đầy cảm xúc của bà già người hàng xóm, Quốc-Ân khe khẽ kể tiếp câu chuyện từ những hình ảnh âm thanh mùi vị trong biết bao giấc mơ mà anh đã trải qua,... Mẹ con Linh-Thoa thu xếp hành trang thật gọn gàng, ra đi thật kín đáo. Họ được người dẫn đường đưa xuống Hà-Tiên. Lúc đó là tháng Tám dương lịch năm 1981. Sau ba ngày chui rúc trong căn lều chật hẹp, thiếu tất cả mọi tiện nghi, gia đình Linh-Thoa được đưa lên một chiếc tàu đánh cá ba blocs. Trên tàu có khoảng mười người đàn ông con trai, mười người đàn bà con gái, và tám đứa con nít dưới mười tuổi. Tàu lặng lẽ rời bến vào hồi mười một giờ đêm. Cuối tháng không có trăng, trời tối như mực. Từ bờ ra đến gần hải phận quốc tế, tàu chưa mở máy và được hai chiếc thuyền lớn kéo đi. Sáng sớm hôm sau, tàu bắt đầu m? máy chạy ra khỏi hải phận Việt-Nam, nhắm hướng Mã-Lai. Qua một ngày êm đềm, tàu đi trong hải phận quốc tế. Năm giờ chiều, trong khi mọi người đang chuẩn bị ăn bữa chiều, tàu của họ bị hai tàu đánh cá khá đồ sộ kèm hai bên mũi. Nhìn đám người mặt mũi hung ác, đen đúa, đầu quấn khăn carreaux đỏ, đám thuyền nhân biết mình đang gặp cướp biển. Mười đàn ông con trai thủ sẵn vũ khí trấn hai bên đầu tầu. Mười người đàn bà con gái cùng đám con nít tụ lại cuối tàu. Một thuyền nhân nói lớn bằng Anh ngữ: − Chúng tôi là dân tỵ nạn cộng sản, không có tiền bạc, quý vật. Yêu cầu các ông để chúng tôi được thong thả vào đất liền Mã-Lai xin tỵ nạn! Bọn cướp biển nhao nhao. Một thằng vung mã tấu hét to: − Muốn tiếp tục đi, chúng bay hãy nhảy xuống nước mà bơi. Để lại đồ đạc và đàn bà con gái, kể cả con gái nhỏ cho chúng tao! Thuyền nhân Việt-Nam hét lên giận dữ: − Hãy để chúng tao đi, hoặc cùng nhau tử chiến! Tên giặc biển cũng thét lên: − Chúng tao phá tan tàu, giết hết tụi bay!. Linh-Thoa cùng chín phụ nữ nghe thấy vậy sợ run lên. Nàng quay lại nói lớn với các bạn đồng hành cùng phái: − Chúng ta quyết không để bọn giặc biển dơ bẩn giở hỗn với gái Việt! Các chị em hãy cùng tôi nắm tay mấy đứa nhỏ đâm đầu xuống biển! Một nửa số phụ nữ gật đầu đồng ý. Một nửa la hoảng: − Nhảy xuống biển bị cá ăn, ngộp nước đau lắm! Linh-Thoa nói nhanh: − Tôi có ngải rất linh nghiệm. Mỗi người ngậm trong miệng một lá ngải, tay nắm một cọng rễ ngải. Không sao đâu! Nàng phân phát nhanh lá ngải và rễ ngải cho đám phụ nữ và con nít. Ở đầu tàu, cuộc đụng độ giữa đàn ông Việt-Nam và bọn cướp biển đang xảy ra khốc liệt. Một số thuyền nhân bị hạ sát thảm thương. Bọn cướp biển sắp nhào tới chỗ các phụ nữ Việt-Nam. Linh-Thoa hét lên, hai tay ôm cả hai đứa con của nàng, bước lên thành tàu, nhảy xuống biển. Các phụ nữ kia cũng nắm tay tất cả các em bé nhảy xuống theo. Lạ thay! Họ thấy mình rớt từ từ, như thể được một tấm thảm không khí vô hình đỡ lấy. Từ xa, người ta thấy một hàng nữ nhân tóc dài lượt thượt tay dắt các em bé, tất cả quần áo bay lất phất, từ từ hạ xuống mặt biển. Cả đám nữ nhân cùng trẻ con đó lặng lẽ chìm dần trong làn nước một cách nhẹ nhàng, rồi biến mất dưới các lớp sóng dập dềnh. Thuyền nhân đàn ông cảm tử cuối cùng đã bị chém bay đầu, lăn ra sàn tàu. Bọn cướp biển trố mắt nhìn cảnh đám nữ nhân Việt-Nam được biển cả đưa xuống lòng biển như đón các nữ thuỷ thần. Lần đầu tiên bọn cướp biển Mã-Lai chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ đó! Quên cả việc lấy đồ, phá tàu, chúng hè nhau nhảy về tàu của chúng, rồ máy chạy mất. Chiếc tàu không chủ đầy xác người trôi bập bềnh trong màn tối đang buông xuống khắp mặt Biển Đông bao la, bí mật. Trong đêm tối, cơn bão biển chợt nổi lên. Sấm sét đinh tai, chớp nhoáng chói loà, mưa đổ ào ạt. Buổi sáng trở lại với mặt biển bình lặng. Con tàu không người lái vẫn trôi nổi. Sàn tàu vắng tanh. Dấu vết tàn sát đã được nước mưa rửa sạch. Máy tàu không nổ nữa vì hết dầu. Buổi chiều trở lại như cơn mộng. Ánh mặt trời vừa tắt, trên tàu bỗng hoạt náo hẳn lên. Đèn tàu thắp sáng chưng. Trên tàu toàn bóng đàn bà, con nít, đi qua đi lại. Thân hình họ lồng lộng trong lớp áo quần bay phất phơ theo gió. Một lúc sau, bốn chiếc tàu đánh cá từ đâu xông tới, bao vây chiếc tàu phụ nữ Việt-Nam. Chúng mừng rỡ hò hét điên cuồng khi thấy trên tàu nhiều đàn bà con gái vô cùng xinh đẹp, trên người đeo đầy vàng bạc kim cương lấp lánh. Một đám con nít đứng ở cuối tàu nắm tay nhau ca hát quay thành vòng tròn. Lần lượt, khoảng một chục tên cướp biển của mỗi chiếc tàu nhảy sang chiếc tàu đơn độc. Lúc đầu, đám phụ nữ chỉ có mười người. Lạ thay, số cướp biển càng gia tăng, số phụ nữ trên tàu càng nhiều lên. Bọn cướp không để ý điều này. Chúng ào tới trà trộn với đám đông phụ nữ. Mỗi đứa nắm lấy hai tay một phụ nữ đè xuống sàn tàu miệng hú hét như những con chó dại. Chợt tất cả các tên cướp biển im bặt. Mắt chúng trợn trắng, mồm há to nhưng không phát ra tiếng kêu nữa. Hai tay của từng đứa bị đôi bàn tay có móng nhọn sắc xiết chặt, xương gãy rọp rọp. Mỗi phụ nữ lật người, ngồi lên bụng mỗi tên cướp biển, xỉa hai ngón tay nhọn hoắt vào cặp mắt của những tên cướp biển. Tiếng Linh-Thoa quát lanh lảnh: − Chị em hãy liệng hết lũ giặc biển sang tàu của chúng! Đám con nít ở cuối tàu vẫn ca hát vang lừng. Bọn cướp biển Mã-Lai bị gãy hai bàn tay, mù đôi mắt, nằm ngổn ngang trên tàu của chúng, rên la thảm thiết. Bốn chiếc tàu trôi nổi trên biển cả. Âm thanh kêu cứu lạc giọng nhỏ dần, biến mất. Chiếc tàu ma tỵ nạn từ từ chìm xuống biển, mang theo mười phụ nữ và đám con nít. Họ đã trở thành những thuỷ thần hộ mệnh của người tỵ nạn Biển Đông. Trong khi ấy, tại một số thành phố bờ biển của Mã-Lai và Thái-Lan, có những ổ điếm chứa nhiều gái Việt-Nam bị bắt cóc, hãm hiếp, rồi thảy cho bọn ma cô, tú bà bóc lột hành hạ. Các phụ nữ bất hạnh đó vừa bị huỷ hoại thân xác bằng những cuộc truy hoan cưỡng bách, vừa bị xa đoạ về tâm hồn cùng trí não vì những mũi chích ma tuý bắt buộc. Họ biến đổi từ con người sang thú vật rất mau, trước khi lăn ra chết như những đồ vật vô giá trị. Đêm nay, các ổ điếm chứa gái Việt bị bắc cóc đó được từng toán khách chơi lạ mặt, rất sang trọng, đến viếng. Bọn ma cô, tú bà mừng rỡ, biết rằng chúng đang trúng mối lớn. Chúng ra lệnh cho đám chị em phải chuẩn bị thân xác tươm tất để tiếp khách quý. Không hẹn mà những khách chơi lạ mặt đó đều đòi hỏi giống nhau: − Hãy hiến cho anh em chúng tôi tất cả các nàng gốc Việt-Nam mà thôi. Chúng tôi sẽ trả tiền hậu hĩnh. Trước những cặp mắt ghen tỵ của đám chị em quốc tịch khác, tất cả phụ nữ Việt được dẫn tới cho đám khách chơi đặc biệt đó. Lạ thay, số gái điếm Việt phù hợp với số khách chơi. Cửa mỗi phòng ngập ánh đèn đỏ đóng lại. Mỗi khách chơi lạ mặt ấy lấy tay vuốt mặt cô gái điếm khiến cho cô ta như tỉnh cơn ác mộng. Đoạn, khách chơi hiện thành một phụ nữ Việt. Họ nhẹ nhàng dùng tiếng Việt bảo người bạn gái vô phúc rằng: − Mặc dầu tôi không bị bắt làm gái điếm, cả hai ta đều chung số mệnh. Chúng ta vĩnh viễn xa quê hương đang bị nhuộm đỏ, xa gia đình cùng người thân yêu, để ở mãi trong vùng Biển Đông này. Chúng tôi thành thuỷ thần nhờ nuốt lá ngải của bà Sáu Hôm. Bây giờ, các chị cũng được ăn lá ngải đó để có phương tiện tự vệ trong khi trả thù những kẻ mua bán thân xác các chị. Các chị được trở thành đồ đệ của thần Vệ Nữ. Mỗi đêm, các chị hãy làm theo tiếng nói trong tai. Nói đoạn, nữ thủy thần bảo cô gái điếm Việt thè lưỡi ra, đặt trên lưỡi một chiếc lá ngải nhỏ như lá me, rồi ra hiệu cho cô gái nhai nuốt ngay. Làm xong công tác, nữ thuỷ thần trở lại hình dáng khách chơi, từ biệt cô gái điếm. Khi quay ra phòng tiếp khách, tất cả gái chơi Việt đều yên lặng nhìn nhau thông cảm trong niềm hãnh diện và ý chí sắt đá. Cùng một lúc, các ổ điếm khác ở khắp nơi trong hai nước có giặc biển hoành hành cũng được những toán khách chơi lạ mặt tương tự tới viếng. Từ đó, gái điếm gốc Việt tự nhiên được đủ loại khách chơi tới đòi ra tiếp. Chỉ có điều là sau khi tiếp xúc với gái điếm Việt, khách chơi về nhà đều gặp những chuyện khủng khiếp trước khi mất tích. Bọn ma cô, chủ nhà điếm dính líu đến việc mua bán gái Việt do giặc biển cung cấp đều chung số phận. Kẻ bị trừng phạt đầu tiên là một thương gia Mã-Lai gốc Tầu tên là Hia-Liêm. Hắn chuyên môn dùng thuốc Tầu khi chơi gái, khiến cho nhiều gái điếm bị ngất xỉu, bệnh hoạn nhiều ngày. Hắn đòi gặp một gái chơi Việt mới được đem tới. Lần đó, hắn không được thoả mãn cái ác tâm làm nạn nhân của hắn phải van lạy rồi ngất xỉu. Với sức mạnh huyền bí của lá ngải, cô gái Việt đồ đệ thần Vệ-Nữ đã truyền âm khí độc hại vào người Hia-Liêm. Trước khi rời nhà điếm, Hia-Liêm gật gù bảo cô gái đã tiếp hắn trong suốt ba giờ đồng hồ: − Mỗi ngày, anh sẽ đến gặp em. Nếu em luôn luôn tốt như đêm nay, anh sẽ trả tiền cho ông chủ, mang em về với anh. OK? Cô gái cười bí mật: − Dạ. OK. Thank you! Khi về nhà vào lúc bốn giờ sáng, Hia-Liêm khệnh khạng vào phòng ngủ riêng thay quần áo. Ba người vợ của hắn nằm mỗi người một phòng trên lầu ba. Hia-Liêm đi vào nhà tắm. Hắn thấy một luồng hơi nóng chạy dọc xương sống lên tận đỉnh đầu, lan ra tứ chi, tràn ngập khắp thân thể của hắn. Trần truồng đứng trước gương, hắn thấy toàn thân từ từ teo lại như bị một sức mạnh vô hình hút cạn nước trong từng tế bào. Mặt hắn võ vàng trông thấy. Hắn bị nghẹn không nói hoặc kêu được. Phút chốc, cả thân hình vạm vỡ gần một trăm ki-lô của Hia-Liêm thành khẳng khiu như bộ xương. Da hắn rộp lên như heo quay. Xương của hắn cong queo, rút lại, chẳng khác bộ xương hổ trong nồi nấu cao. Hắn hoàn toàn tê liệt, ngã lăn xuống sàn gạch hoa bóng lộn. Thân thể hắn thu nhỏ lại bằng đứa trẻ Phi Châu trong nạn đói. Cuối cùng, Hia-Liêm chỉ còn là một khúc than ngắn bằng bắp chân, đen sì, lăn lóc đưới chân bồn tắm. Sáng hôm sau, người đầy tớ dọn dẹp nhà cửa, mang khúc than vứt vào thùng rác. Lúc đó gần cuối thập niên Tám Mươi. Ven biển Việt-Nam một đêm trăng khuyết, trời quang mây tạnh.Trên chiếc tuần dương hạm loại nhỏ có treo cờ đỏ sao vàng, tên sĩ quan cộng sản chỉ huy tàu, bàn bạc với cấp dưới: − Đêm nay sẽ có ba chiếc thuyền đánh cá loại trung chở nhiều gia đình Ngụy chạy trốn. Chúng đã nộp đủ vàng và dollars cho các đồng chí cò mồi rồi. Ta chờ chúng ra hải phận quốc tế hãy phóng tới cho chúng đi vào bụng cá mập. Một tên hạ sĩ quan nói: − Sao không để chúng đi luôn cho rồi? Thủ tiêu làm gì cho mệt. Tên chỉ huy cười một cách gian hùng: − Có hai lý do. Thứ nhất, trên các thuyền đó thế nào cũng có nhiều của cải lắm. Ta hạ thủ xong, lấy chia nhau, không cho tổ chức trong đất liền biết. Thứ hai, để bọn đó ra nước ngoài là cái hoạ cho bọn mình nói riêng và cho Nhà Nước nói chung. Chúng sẽ không ngần ngại tố cáo tổ chức của mình lấy tiền thả người đi. Đó là chưa kể trong số dân chạy sẽ có những tên mang theo kiến thức cao ra nước ngoài tổ chức chống lại chúng ta. Khoảng gần một giờ sáng, một chiếc thuyền tắt đèn lặng lẽ trôi ra vùng biển quốc tế. Chiếc thứ hai tiếp theo cách chiếc đầu tiên khoảng mươi phút. Vài khắc sau, chiếc thứ ba xuất hiện. Ba chiếc thuyền tụ lại ở gần vùng biển quốc tế. Đèn trên thuyền đốt sáng. Máy bắt đầu nổ. Cả ba thuyền nhắm hướng Hồng-Kông xả hết tốc lực. Chiếc tuần dương hạm chạy vòng trở lại chặn đầu ba chiếc thuyền máy. Loa phóng thanh vang vang: − Đây là tuần phòng Nhà Nước Việt-Nam! Hãy tắt máy, chờ kiểm soát! Trái lệnh sẽ nổ súng! Vâng lệnh sẽ được dễ dàng! Ba chiếc thuyền ngoan ngoãn tắt máy. Chiếc tuần dương hạm nhỏ xáp lại, len vào chính giữa ba chiếc thuyền tỵ nạn. Hải quân dùng dây chão có móc ghìm các thuyền đó lại. Tên chỉ huy quát to: − Đàn ông con trai ra đầu thuyền đứng giơ tay lên, không nhúc nhích! Đàn bà con nít ngồi hết xuống ở cuối thuyền! Hắn khoát tay. Ba hạ sĩ quan dẫn đầu ba tốp hải quân ôm súng nhảy qua ba chiếc thuyền. Chúng chĩa mũi súng vào đám đàn ông con trai, chờ lệnh. Một thuyền nhân lớn tuổi nói to: − Chúng tôi ra đi có sự chấp thuận của cấp trên các anh. Sao lại tới làm khó như vậy? Tên sĩ quan quát: − Nói láo! Ai cho chúng bay đi khỏi nước mang theo của cải? Giấy phép đâu? Chúng bay muốn đi hãy nhảy xuống biển mà bơi. Của cải để lại hết! Cả nhóm thuyền nhân nhao nhao: − Làm sao mà bơi cho được! Còn vợ con của chúng tôi thì sao? Tên chỉ huy cười khẩy: − Thôi, như thế này nhé: Cho tất cả vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em chúng bay ăn đạn đồng là khỏi rắc rối! Các đồng chí, nghe đây! Tiếng lên đạn loạch xoạch. Đám đàn ông con trai nhốn nháo, trong tay không một tấc sắt, chẳng biết xoay xở thế nào, đành đứng yên chờ chết. Đám đàn bà con gái kêu khóc thảm thiết. Cảnh tượng thật thương tâm! Trong giây phút cực kỳ nguy cấp, một tiếng nói lanh lảnh phát ra ngay sau gáy tên sĩ quan chỉ huy đang đứng trên tuần dương hạm nhỏ: − Giơ hai tay lên! Hãy ra lệnh hạ súng lập tức! Không ta bắn tung óc! Một vật cứng lạnh chọc mạnh vào gáy tên sĩ quan cộng sản. Tên này vội đưa hai tay lên trời, miệng quát to: − Tất cả hạ súng! Tiếng nói lanh lảnh lại ra lệnh: − Bảo lính của mày trở về tàu! − Tất cả trở về tàu! Ba hạ sĩ quan cộng sản cùng các hải quân rời ba chiếc thuyền tỵ nạn, leo lên tuần dương hạm nhỏ. Chúng đứng dàn hàng trước mặt tên sĩ quan chỉ huy đang bị một người đứng sau lưng kềm chế. Đó là một phụ nữ Việt có mái tóc và quần áo dài lướt thướt. Cặp mắt sắc như dao chiếu long lanh trên khuôn mặt tuyệt đẹp. Tất cả mọi người trên chiếc tàu cộng sản và ba chiếc thuyền tỵ nạn đều im phăng phắc. Linh-Thoa, người phụ nữ Việt có cặp mắt sắc, nói dõng dạc: − Chúng mày phải hộ tống ba chiếc thuyền ra biển cả, cho đến khi gặp tàu ngoại quốc đón nhận họ! Thuyền nhân lớn tuổi lúc nãy cất tiếng hùng dũng: − Chúng tôi không cần những người cộng sản hộ tống. Chúng tôi đủ khả năng đi tìm tự do! Linh-Thoa chỉ tay ra chân trời tối om: − Vậy các người hãy tiếp tục đi đi. Các chị em! Mang tặng mỗi thuyền một caisse nước ngọt. Từng tốp phụ nữ mặt mũi sáng ngời, tóc và quần áo bay phấp phới, lướt sóng mang những caisse lớn nước ngọt đến trao cho mỗi thuyền. Các người tỵ nạn mừng rỡ nhận quà, cùng giơ tay vẫy chào, hò reo cám ơn đoàn phụ nữ cứu tinh. Ba chiếc thuyền tỵ nạn mất hút trong đêm tối. Linh-Thoa đứng giữa đám nữ thuỷ thần, nói như truyền lệnh: − Các hạ sĩ quan và hải quân cộng sản được tha, vì họ chỉ thừa hành lệnh trên. Các chị em! Hãy làm cho những người này quên tất cả mọi chuyện ở nơi đây. Các nữ thuỷ thần lướt nhanh trong hàng ngũ quân cộng sản, lấy tay khoa trước mặt họ. Những người này nhắm mắt đứng yên như tượng gỗ. Linh-Thoa lại nói: − Họ sẽ tỉnh lại trong chốc lát. Các thuyền nhân cũng sẽ quên việc xảy ra vừa qua khi họ uống nước ngọt. Quay lại nhìn tên sĩ quan chỉ huy, Linh-Thoa gằn giọng: − Còn mày thuộc tổ chức bóc lột dân tìm tự do. Thêm vào đó, mày đã bao lần lợi dụng uy quyền, giết người, cướp của. Tội mày không thể tha được. Chị em hãy xé xác tên này, vứt xuống biển cho cá ăn! Tên sĩ quan đâm liều, rút súng bắn xối xả vào đám nữ thuỷ thần. Những lằn đạn đỏ loè bay vào khoảng không tối tăm. Chín nữ thuỷ thần xúm lại, cùng giơ tay nắm lấy tên sĩ quan cộng sản. Một tiếng "soạt!" vang lên lẫn với tiếng rú tắc nghẹn. Tên sĩ quan ác ôn bị xé thành mười tám mảnh. Những miếng thịt dính vải kaki đẫm máu tung lên cao, rơi lõm bõm xuống mặt Biển Đông phẳng lặng, chìm nghỉm... Từ đó, rất nhiều tên cán bộ, sĩ quan cộng sản chuyên bóc lột dân tìm tự do, bị mất tích. Tổ chức lấy vàng dollars thả người ra biển dần dần mai một. Trong khi đó, ở các nước thuộc vùng Biển Đông, hè đường càng ngày càng nhiều người ăn mày lú lẫn, mắt mù, tay què. Đó là những tên hải tặc đã bị Linh-Thoa và các nữ thủy thần trừng trị. Tệ trạng bắt cóc phụ nữ thuyền nhân cho vào ổ điếm gần như hết hẳn. Mỗi khi có khách chơi gái hỏi: − Ở đây có các em gốc Việt mang từ Biển Đông vào không? Bọn ma cô, tú bà đều lắc đầu: − Những món hàng đó không còn nữa. Chính họ cũng không hiểu tại sao những đàn bà con gái gốc Việt bị cưỡng bách làm điếm, trừ một số bỏ mạng tức tưởi vì bệnh tật hiểm nghèo, thác loạn ma tuý, đã có thể trốn khỏi bao nhiêu vòng kiểm soát của nhà điếm. Họ không biết rằng, một sáng sớm nào đó vào cuối thập niên Tám Mươi, tất cả gái điếm Việt, đã đi khỏi các nhà điếm một cách huyền bí, để di chuyển về phiá bờ biển. Trên một bãi cát vắng vẻ, bên cạnh đám trẻ con đang nắm tay nhau vừa nhảy vừa ca hát, họ quỳ trước mặt mười nữ thuỷ thần. Các vị này đổ nước biển lên đầu họ, cùng tuyên bố: − Tâm hồn và thể xác các chị em được rửa sạch, như vẫn hằng trong sạch, vì chị em không chịu trách nhiệm về những chuyện bẩn thỉu do kẻ khác áp đặt lên các chị em. Công tác đầu tiên của chúng ta đã xong và các chị em sẽ cùng chúng tôi đi vào thế giới vĩnh cửu. Linh-Thoa giơ hai tay lên cao, toả ánh mắt nồng nàn nhưng cương quyết, cất tiếng âm trầm oai nghiêm: − Nhưng hiện nay bọn Tàu cộng ra mặt xâm lăng, còn lũ cộng sản Việt Nam lại khom lưng dâng thêm cho chúng đất đai và vùng biển Bắc Bộ nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Hoạ mất nước Việt Nam sắp tới một lần nữa. Theo lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các chiến quốc, ta phải có một anh hùng dẫn đầu cuộc tranh đấu cứu nước. Theo Ý Trời, nước Việt Nam đang có được một người xứng đáng là anh hùng của dân tộc. Sau bao năm chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hoà, tiếp theo là mười bảy năm tù đầy trong địa ngục cộng sản, người đó vẫn sống sót và quyết tâm ở lại trong nước nung đúc chia sẻ ý chí chống cộng với đồng bào trong và ngoài nước. Người đó sẽ xuất đầu lộ diện nay mai. Riêng chúng ta, dù thể xác không còn trên trái đất, có bổn phận cuối cùng là dùng hết thần lực trợ giúp chồng con, họ hàng, bạn bè, cùng toàn thể đồng bào yêu nước tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, quyết đánh một trận chót để giải thể chế độ cộng sản Việt Nam, rồi cùng Thế Giới tổ chức lại quốc gia. Sau đó, chúng ta mới siêu thoát được. Các chị em quyết tâm với chúng tôi không? Những tiếng hét lanh lảnh như sấm sét vang lên trước sóng gió biển cả dạt dào: − Quyết tâm!!! Trước mặt bà già yếu đuối nhưng tuyệt đối trung thành với hương hồn người bạn gái vong niên đã khuất cùng hai đứa con, Quốc-Ân cất giọng buồn buồn nhưng cứng cỏi: − Đó là giấc mơ cuối cùng của tôi. Tôi sống sót trở về sau nhiều năm tù đầy. Mặc dầu mất hết vợ con, nhà cửa, tôi nhất định ở lại quê hương. Ngoài mặt cần cù làm việc nuôi thân, bên trong hoạt động kín đáo tích cực. Hôm nay, tôi trở lại chốn cũ để sống trọn vẹn một lần chót những kỷ niệm riêng tư, trước khi xả thân cứu nước cũng một lần sau cùng. Với sự trợ giúp tinh thần của vợ con và toàn thể vong hồn những người đã bỏ mình vì hai chữ Tự Do, tôi đã móc nối được với các chiến sĩ cũng như các nhà ái quốc trong và ngoài nước. Được các Tổ Chức Quốc Tế ủng hộ tối đa, chúng tôi cùng nhau gây được phong trào chống cộng mạnh mẽ từ ngoài vào trong nước, như những đợt Sóng Thần càng ngày càng dâng lên cao. Lần này, Phong Trào Chống Cộng sẽ cùng toàn dân trong nước vùng lên quyết tâm giải thể đảng cộng sản ác ôn bằng đủ mọi cách, cởi trói cho hơn tám mươi triệu dân Việt-Nam, đưa đất nước đến Tự Do Dân Chủ Hoà Bình Hạnh Phúc bền lâu!
Hết