Không hiểu vì lý do gì, chiếc xe tốc hành đang chạy nhanh phải dừng lại ở ven đường. Sau đó người tài xế và anh lơ xe hì hục sửa chữa, mặc kệ đám hành khách dạt vào trú nắng dưới mấy tàn cây bên đường. Trong số những hành khách ngổn ngang đứng ngồi, Thanh Dương cũng cảm thấy ngao ngán vì phải chờ đợi. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ánh nắng mỗi lúc thêm nhạt dần, song việc sửa chữa xem chừng vẫn chưa xong. Đã lâu lắm, kể từ khi gia đình Thanh Dương dọn về sinh sống ở sài Gòn, chàng mới có dịp trở về quê ngoại để thăm gia đình người cậu ruột còn ở lại để chăm sóc phần mộ cho ông bà. Sự chờ đợi quá lâu khiến Thanh Dương cảm thấy bực bội, chàng ngao ngán nhìn đồng hồ tay rồi lại nhìn chiếc xe vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nó sắp sửa lên đường. Chậm trễ như thế này làm sao Dương có thể kịp chuyến đò cuối cùng từ thị xã về quê ngoại, không khéo chàng sẽ phải ngủ lại một đêm nơi thị xã. Chờ mãi đến sốt ruột, rồi chiếc xe cũng tiếp tục lên đường. Dương cứ mong sao cho chiếc xe này chạy về thị xã kịp giờ để chàng đáp chuyến đò cuối. Thế nên khi chiếc xe tốc hành vừa dừng bánh, Dương đã nhảy ào xuống đất, chạy đến chiếc xe đạp ôm đậu ở gần đó nhất. Không cần hỏi giá cả, chàng ngồi ngay lên yên sau, hối anh chàng đạp xe: − Đạp lẹ đi anh bạn, kẻo không kịp nữa rồi! Tuy chưa biết Dương định đi đâu nhưng anh chàng xe đạp ôm vẫn gò lưng đạp chiếc xe chạy tới. Chỉ đến khi chiếc xe đã chạy ra đến cổng bến xe, anh chàng đạp xe ôm mới quay lại hỏi lớn: − Mà anh Hai định đi đâu? Đến lúc đó, Thanh Dương mới sực nhớ là mình chưa cho anh chàng đạp xe biết nơi định đến, nên chàng vội trả lời: − Anh chở tôi đến bến đò thị xã. − Bến đò thị xã thì gần đây thôi, chỉ chút xíu là tôi sẽ chở anh Hai đến nơi. Thanh Dương lo lắng khi nghĩ đến chuyến đò cuối cùng trong ngày. − Này anh bạn, liệu tôi có kịp đi chuyến đò cuối cùng không? Không trả lời, anh chàng đạp xe hỏi: − Bây giờ là mấy giờ rồi, anh Hai? Thanh Dương xem đồng hồ, rồi trả lời: − Bốn giờ kém mười phút. Anh chàng đạp xe ôm gật đầu: − Vậy là còn kịp đấy, tôi nghe nói đến bốn giờ, đò mới rời bến. Thanh Duong phấn khởi, thúc giục: − Anh gắng đạp cho mau hơn đi! Nếu đến kịp chuyến đò, tôi sẽ thưởng thêm cho anh. Lời hứa của Thanh Dương thật hiệu quả, anh chàng đạp xe ôm đạp nhanh hơn, khiến chiếc xe đạp chạy nhanh hơn trên đường. Ít phút sau, chiếc xe đạp đã dừng lại tại bến đò. Nhưng Dương chưa kịp mừng, đã phải ỉu xìu thất vọng khi thấy dưới bến chẳng còn chiếc đò mà chàng mong đợi. Dương rầu rĩ than thở: − Vậy là chiếc đò đã chạy mất tiêu rồi, thiệt xui xẻo ghê! Anh chàng đạp xe ôm liếc nhìn đồng hồ nơi tay Thanh Dương, sau đó lẩm bẩm: − Sao kỳ vậy cà? Chưa đến 4 giờ mà đò đã chạy, không hiểu sao hôm nay nó lại chạy sớm vậy ta? Dường như anh chàng đạp xe đang tiếc món tiền thưởng đã đi theo chiếc đò, không thấy Dương nói gì, anh ta quay qua nói: − Bây giờ đò đã chạy rồi, chắc anh Hai phải quay về thị xã ngủ qua đêm thôi. Thanh Dương rầu rĩ: − Đành vậy thôi. Nhưng quả thực tôi không thích ngủ đêm lại thị xã chút nào. Anh đạp xe dụ khị: − Lâu lâu anh mới mới xuống đến vùng này, ở lại thị xã 1 đêm cũng hay lắm chứ. − Thị xã này nhỏ xíu, có gì đâu mà hay? Anh chàng đạp xe cười, háy mắt: − Ậy, tại anh Hai không biết nên mới nói thế chứ thị xã này tuy nhỏ, nhưng có nhiều cái hay lắm. Anh Hai cứ thử đi, rồi sẽ biết nó hay liền à. Hiểu ý anh chàng đạp xe, Thanh Dương gạt đi: − Anh hiểu lầm ý tôi rồi! Ý tôi muốn nói đến những trò giải trí lành mạnh, chứ không phải nói đến mấy cô gái làm tiền đâu. Anh chàng đạp xe ôm cười lấy lòng: − Vậy là tôi hiểu lầm rồi, anh Hai đừng buồn tôi nha! Vừa lúc ấy, có một cô gái gánh một gánh hàng nặng đi tới, lúc đi ngang qua chỗ hai người đang đứng, cô gái mỉm cười chào anh chàng đạp xe ôm trong lúc anh ta tươi cười hỏi: − Cô Hạnh đi cất hàng giờ này mới về sao? Thúy Hạnh vừa đi, vừa dịu dàng trả lời: − Vâng, hôm nay em cất hàng về hơi muộn. Anh chàng đạp xe ôm nhìn theo mãi đến lúc cô gái đã gánh hàng xuống bến, anh mới sực nhớ ra điều gì đó nên quay qua nói với Thanh Dương: − Anh Hai có muốn đi không? Không chú ý, nên Thanh Dương ngơ ngác: − Đi đâu mới được chứ? − Thì đi đến chỗ anh Hai đang muốn đến đó. Thanh Dương nhìn anh chàng đạp xe ôm với ánh mắt lạ lùng: − Tất nhiên là tôi muốn đến rồi, nhưng đò đã chạy mất tiêu, lấy gì mà đi chứ? Anh cũng hiểu rõ điều ấy như tôi mà. − Tôi đã có cách để anh Hai đi, nếu anh muốn. Thanh Dương không khỏi thắc mắc: − Cách gì chứ? − Tôi sẽ xin cô gái vừa rồi cho anh Hai quá giang chiếc thuyền nhỏ của cổ, anh Hai có chịu không? Thanh Dương mừng húm: − Chịu, nhưng liệu cô ấy có bằng lòng cho tôi quá giang thuyền của cổ không? Anh đạp xe ôm chắc giọng: − Bằng lòng chứ, tôi với cổ quen quá xá mà, lâu lâu mới nhờ một lần, chắc chắn cổ không từ chối đâu. Anh Hai đi theo tôi đi! Anh đạp xe ôm dắt xe đạp đi trước, Thanh Dương chậm rãi theo sau. Họ đến chỗ Thúy Hạnh đang sắp xếp hàng xuống chiếc thuyền nhỏ của nàng. Đến nơi, anh chàng đạp xe ôm lên tiếng: − Cô Hạnh ơi! Tôi đang muốn nhờ cô một việc đây nè. Thúy Hạnh dừng tay xếp hàng, ngước lên nhìn hai người, dịu dàng hỏi: − Anh định nhờ em chuyện chi vậy? − Tôi muốn xin cô Hạnh cho anh Hai đây quá giang thuyền của cô một đoạn, vì anh vừa lỡ chuyến đò hồi nãy. Được chứ cô Hạnh? Thúy Hạnh không trả lời, mà quay qua hỏi Thanh Dương: − Anh Hai về tới đâu lận? − Tôi về Long Hoà. Thuý Hạnh nhẹ gật đầu: − Vậy thì được, tôi có đi qua đó. Thanh Dương mừng ra mặt: − Cám ơn cô nhiều! Thuý Hạnh nhoẻn nụ cười xinh: − Tôi đã chở anh Hai đi đâu mà anh Hai cám ơn tôi. − Ậy, tôi cám ơn cô trước vậy mà. Anh chàng đạp xe ôm cười với Thanh Dương: − Vậy là anh được toại ý rồi nhé! − Cám ơn anh. Tiền xe hết bao nhiêu hả anh? Anh đạp xe ôm trả lời và Thanh Dương lấy tiền trả cho anh ta, kể cả tiền thưởng. Anh đạp xe ôm cám ơn rồi đạp xe đi. Còn lại hai người, Thúy Hạnh dịu dàng nói: − Anh Hai cảm phiền đợi một chút, tôi xếp hết số hàng này xuống thuyền, rồi chúng ta sẽ đi ngay! Thanh Dương vội tỏ ra ga lăng: − Để tôi phụ với cô một tay cho mau. Thúy Hạnh ái ngại nhìn bộ quần áo Thanh Dương đang mặc trên người, nàng nhã nhặn từ chối: − Anh cứ để tôi làm được rồi, hàng không còn bao nhiêu. Chút xíu nữa sẽ xong ngay, anh mó tay vào sẽ dơ hết quần áo đấy!Thanh Dương cười xoà: − Không hề gì đâu cô! Bộ quần áo này tôi mặc đã dơ rồi, bây giờ có dơ thêm cũng vậy thôi. Nói xong, Thanh Dương xắn tay áo, nhào vào bốc hàng phụ Thúy Hạnh, khiến nàng không thể cản ngăn được nữa. Vừa làm phụ, Thanh Dương vừa vui vẻ thăm hỏi: − Cô Hạnh cất hàng ở thị xã về dưới quê bán lại cho bà con à? − Vâng, má em mở một gian hàng tạp hoá ở trước nhà để bán cho bà con chòm xóm, nên thỉnh thoảng em phải đi cất hàng về cho má bán. Thanh Dương cười, nói đùa: − Vậy là hay quá! Bác và cô đã là chủ một cửa hiệu tạp hoá. Thúy Hạnh ngượng nghịu: − Anh Hai quá khen! Sự thực gian hàng tạp hoá của má em rất nhỏ, hàng hoá chẳng bao nhiêu, nên không thể gọi là cửa hiệu tạp hoá như trên thành thị được. − Hàng có bán được nhiều không cô? − Cũng khá, anh à. Nhưng anh đừng nghĩ bán được khá hàng, má con tôi lời nhiều. Vì đa số là bà con nghèo, nên má tôi chỉ lấy lời chút đỉnh. Vui câu chuyện, hai người đã xếp xong số hàng lên thuyền. Thuý Hạnh lau mồ hôi trán, tươi cười nói: − Cám ơn anh! Nhờ có anh nên hàng được xếp lên thuyền thật nhanh. Thanh Dương vui vẻ xua tay: − Sao cô lại cám ơn tôi chứ? Cô đã có lòng tốt cho tôi quá giang, nên tôi cũng phải đáp lại chút đỉnh chứ. − Mời anh lên thuyền đi! Chúng ta về kẻo trễ. Thanh Dương nhìn xuống chiếc thuyền nhỏ đã xếp hàng hoá ở khoang giữa mà lúng túng. − Tôi ngồi ở đâu đây cô? Hiểu ra sự lúng túng của Thanh Dương, nên Thuý Hạnh vội nói: − Ồ, tôi quên nói để anh biết. Anh ngồi ở đằng mũi thuyền đây nè, và day mặt xuống. Anh cứ bình tĩnh xuống thuyền, rồi từ từ ngồi xuống. Không sao đâu! Nghe lời chỉ dẫn của Thuý Hạnh, Thanh Dương rụt rè bước xuống thuyền. Chiếc thuyền có hơi chòng chành khiến chàng cảm thấy sợ, nhưng cố kềm nén vì sợ Thúy Hạnh cười. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng Thanh Dương cũng ngồi yên vị nơi mũi thuyền. Thúy Hạnh tươi cười lên tiếng: − Cũng đâu có khó lắm, phải không anh Hai? Thanh Dương cười, nói đùa: − Đúng là không khó lắm nhưng tôi đã phải cố gắng nhiều, mới có thể ngồi yên vị thế này. Cô cần biết là hồi nãy tôi đã run lắm đấy. − Tôi biết anh sợ té xuống sông, đúng không? − Vâng, thấy thuyền chòng chành, tôi cảm thấy sợ. Đây là lần đầu tiên tôi bước xuống chiếc thuyền nhỏ thế này đấy. Thúy Hạnh bước lên thuyền một cách dễ dàng, nàng vui vẻ nhổ cây sào chống chiếc thuyền: − Hồi nãy anh đã lo sợ quá đáng đấy! Nếu chẳng may anh có bị té xuống sông, tôi đâu thể bỏ mà không cứu anh cho được. Chiếc thuyền từ từ tách bến, Thúy Hạnh cầm mái chèo, khoan thai khoát nước cho thuyền chầm chậm trôi trên dòng sông. Thanh Dương lên tiếng tiếp tục câu chuyện: − Chắc cô bơi rất giỏi? − Cũng bình thường thôi anh Hai à. Thanh Dương chữa lại: − Cô đừng gọi tôi là anh Hai nữa! Tên tôi là Thanh Dương. Tôi muốn được cô gọi chính tên tôi hơn. − Anh đã muốn thế, tôi sẽ chìu theo. Còn tên tôi, chắc anh đã biết rồi chứ? − Vâng. Tôi đã biết tên cô ngay từ lúc còn ở bến, qua lời gọi của anh đạp xe ôm. Cô có quen anh ấy à? Thúy Hạnh nhẹ gật đầu: − Tôi đi cất hàng trên thị xã, gặp nhiều lần nên riết thành quen mặt và quen tên. − Cũng nhờ anh đạp xe ôm có mối quen biết với cô, nên tôi mới được quá giang. Chứ nếu không, chắc chắn tôi phải ngủ lại thị xã một đêm. − Đâu phải vì mối quen biết ấy, tôi mới cho anh quá giang. Nếu tự anh đến xin, tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ. Có mất mát gì mà tôi lại không giúp cho người gặp cơ nhỡ chứ. − Cô thật có lòng nhân! Thúy Hạnh khiêm tốn: − Anh quá khen! Tôi giúp người khác thì đến một lúc nào đó tôi gặp khó khăn, sẽ có người giúp lại mà. Như thế đâu có thiệt thòi gì. Chiếc thuyền vẫn chầm chậm lướt đi trên dòng sông. Trong lúc Thanh Dương ngắm nhìn những mái tranh với khói lam chiều nhẹ toả lan, thì Thuý Hạnh dịu dàng lên tiếng: − Anh từ đâu đến đây vậy? − Tôi từ Sài Gòn xuống, cô đã có lần nào lên đến Sài Gòn chưa? − Tôi chỉ mới nghe, chứ chưa lần nào được đến Sài Gòn. Nơi xa nhất mà tôi đến là thị xã này, Sài Gòn chắc phải rộng lớn và đẹp lắm, phải không anh? − Vâng. Sài Gòn rộng lớn và đẹp hơn rất nhiều lần thị xã này. Lên Sài Gòn, nếu cô không rành đường đi lại, chắc chắn sẽ bị lạc. Thúy Hạnh tò mò: − Chắc anh về đây thăm bà con? − Vâng. Tôi về đây thăm ông cậu ruột. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm ổng. Trước kia, gia đình tôi sống ở đây đấy chứ. Sau này ba má tôi chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Vì ngồi đối diện với Thúy Hạnh, nên Thanh Dương thỉnh thoảng lại nhìn trộm nàng. Tuy là một cô gái thôn quê, nhưng Thuý Hạnh đã khiến Thanh Dương phải xao xuyến, vì gương mặt xinh xắn và vẻ duyên dáng mặn mà của nàng. Trong lúc ấy, trái tim son trẻ của cô gái miền thôn dã cũng không khỏi rung động, vì vẻ đẹp trai và dáng dấp phong nhã của chàng trai thành thị. Hai trái tim đã xao xuyến vì nhau. Thế nên cả hai người cùng cảm thấy những giây phút này thật êm đềm, và họ cứ mong cho những giây phút quý báu này kéo dài mãi. Nhưng dù Thuý Hạnh có cố ý khua mái chèo chậm đến đâu chăng nữa, chiếc thuyền rồi cũng dần trôi đến gần nơi Thanh Dương định xuống. Thuý Hạnh nhìn Thanh Dương, vô tình ánh mắt hai người chạm nhau, khiến một thoáng bối rối và xao xuyến trong tâm hồn mỗi người. Sau đó, tiếng Thuý Hạnh vang lên với vẻ nuối tiếc: − Đã gần đến Long Hoà rồi anh à. Thanh Dương bâng khuâng: − Vậy sao? Coi thế mà chiếc thuyền cũng đi mau quá, cô nhỉ? − Vâng. Có lẽ vì chúng ta vui câu chuyện, nên không để ý đến thời gian đấy. Thấy bến đò đã thấp thoáng phía trước mặt, Thuý Hạnh hỏi: − Cậu của anh là ai vậy? − Là ông Ba Tính, cô có biết ông ấy không? Thuý Hạnh có vẻkhông vui: − Tôi biết. Thanh Dương ngạc nhiên, không hiểu sao Thúy Hạnh lại không vui khi nói đến gia đình cậu Ba Tính. Tuy thế, chàng lại hỏi điều mà chàng đang rất quan tâm: − Còn nhà cô ở đâu vậy? − Nhà tôi ở xóm Gò, cách nhà cậu anh một quãng đường. Thanh Dương đề nghị: − Tôi còn ở đây chơi một thời gian khá lâu mới trở về lại Sài Gòn, tôi có thể đến nhà thăm cô được không? − Được chứ. Nhưng tôi chỉ ngại mái tranh vách đất nhà tôi không xứng đáng đón tiếp anh. Thanh Dương tỏ vẻ không hài lòng: − Kìa, sao cô lại nói vậy? Đối với tôi, tấm lòng quí mến nhau mới là quan trọng, chứ mái tranh vách đất thì có sá kể gì. Thuý Hạnh nói với vẻ buồn buồn: − Anh nghĩ vậy, nhưng biết đâu có người lại không nghĩ giống như anh thì sao? − Cô nói ai chứ? Thuý Hạnh không trả lời, mà lẳng lặng cho thuyền cập vào bến. Nàng lên tiếng giã từ: − Thôi anh về nhé! Thanh Dương phải miễn cưỡng đứng dậy, bước xuống bến và lưu luyến giã từ: − Cám ơn cô đã cho tôi quá giang. Hẹn hôm khác chúng ta sẽ gặp lại! Thuý Hạnh nở nụ cười buồn bã, nhưng nàng không nói gì mà lẳng lặng chèo thuyền đi. Thanh Dương đứng lặng nhìn theo, cho đến khi bóng dáng Thuý Hạnh và con thuyền bé nhỏ của nàng khuất sau khúc cua của con sông, chàng mới mang túi xách bước đi.Dưới ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn neon chạy bằng bình ắc qui, Thanh Dương và gia đình ông Ba Tính quây quần bên bàn ăn. Mọi người vừa ăn vừa vui vẻ trò chuyện với nhau. Vì ở lại quê chăm sóc phần mộ của ông bà tổ tiên, nên ông Ba Tính được hưởng toàn bộ gia sản của ông bà để lại. Nhờ khéo biết tính toán làm ăn, nên gia đình ông nổi tiếng giàu có trong vùng. Bà Ba Tính gắp cái đùi gà bỏ vào chén Thanh Dương, trìu mến nói: − Ăn đi con! Con cứ tự nhiên như ở nhà vậy, đừng ngại gì cả. Mợ rất mừng khi thấy con xuống đây chơi với cậu mợ và các em! − Nhiều lần con đã định xuống cậu mợ, nhưng lại bận, mãi đến nay mới rảnh để có thể đi được. Ngọc Duyên nhí nhanh chen vào hỏi: − Kỳ này anh Dương ở chơi được bao lâu? Thanh Dương cười, nói đùa: − Anh chỉ ở chơi được ngày mai, ngày mốt đã phải về rồi. Ngọc Duyên chưa kịp nói gì, Minh Hùng đã lẹ miệng kêu lên: − Ôi, có một ngày! Sao ít quá vậy anh? Như thế thiệt chẳng bõ công anh đường xa vất vả xuống đến tận đây? Ngọc Duyên tỏ ý tán thành: − Anh Hùng nói đúng đấy! Anh Dương chỉ ở chơi có 1 ngày, thiệt không bõ bèn chút nào. Ít ra anh phải ở đây chơi 1 tháng. Thanh Dương cười: − Một tháng anh cũng có thể ở được nhưng nơi đây buồn thấy mồ, có chi vui và hấp dẫn đâu mà anh ở lại. Minh Hùng tỏ vẻ hớn hở: − Ngỡ gì chứ anh đừng sợ buồn! Em sẽ có nhiều trò để anh được vui. Anh cứ ở lại đây chơi thiệt lâu đi! Ngọc Duyên vui vẻ nói tiếp: − Anh Hùng có nhiều trò vui cho anh, còn em cũng sẽ dành cho anh 1 thú vị tuyệt vời. Thanh Dương tò mò: − Thú vị tuyệt vời ấy là cái gì vậy em? − Bí mật! Anh cứ ở lại đây đi rồi sẽ biết. − Chà, em làm anh thắc mắc ghê vậy đó. Thôi em bật mí đại cho anh biết đi! − Với điều kiện anh phải hứa ở lại đây chơi 1tháng, anh chịu không nào? Thanh Dương cười, gật đầu: − Anh chịu. Nào, em nói đi. Ngọc Duyên lém lỉnh: − Em sẽ giới thiệu cho anh con nhỏ bạn của em, nó xinh đẹp và thuỳ mị lắm đó à nha. Anh mà thấy là anh khoái liền. Minh Hùng chợt phá lên cười: − Ôi chao, em định giới thiệu con nhỏ Bích Phượng cho anh Dương đấy à? Ngọc Duyên có vẻ bực tức vì giọng cười của Minh Hùng, nàng vênh mặt trả lời: − Ừa đó, rồi có sao không? − Chẳng sao cả, nhưng anh dám chắc anh Dương không chịu đâu. Cỡ như anh đây còn chào thau Bích Phượng, nói chi anh Dương. Ngọc Duyên nổi sùng: − Xí, ai thèm giới thiệu cho anh mà anh bày đặt chê bai này nọ chứ. Minh Hùng chọc tức Duyên: − May mà em không có ý giới thiệu, chứ nếu em giới thiệu, anh cũng xin cám ơn. Thấy không khí có vẻ căng thẳng, Thanh Dương liền can thiệp: − Thôi hai đứa đừng cãi nữa, chuyện ấy lúc khác mình sẽ nói sau. Bây giờ mình lo ăn cơm kẻo cậu mợ phiền đây nè. Ông Ba Tính cằn nhằn: − Ngày thường hai đứa tụi bây gây nhau chưa đã hay sao, mà hôm nay có thằng Dương xuống chơi vẫn còn gây nhau? Ngọc Duyên liền đổ thừa: − Tại anh Hùng chê bạn con chứ bộ! Minh Hùng chưa kịp nói gì, bà Ba Tính đã vui vẻ lên tiếng: − Má thấy con làm mai không đúng chỗ rồi đó, anh Dương của con ở trên thành phố, thiếu chi cô gái đẹp để ưng, mắc chi phải xuống đây để ưng một cô gái quê chân lấm tay bùn chứ. Minh Hùng liền hùa với mẹ để ghẹo em gái: − Đó, em thấy má nói không? Anh Dương hổng có thèm mấy cô gái quê chân lấm tay bùn như con nhỏ Bích Phượng bạn em đâu mà hòng làm mai với làm mối cho mất công. Ngọc Duyên tức quá, quay qua méc ông Ba Tính: − Ba coi anh Hùng kìa! Anh cứ chọc con hoài. Ông Ba Tính liền can thiệp: − Thôi Hùng, con đừng chọc ghẹo em con nữa! Nghe thế, Minh Hùng không dám hó hé gì nữa. Cả nhà lặng lẽ tiếp tục ăn cơm. Bất giác, ông Ba Tính lên tiếng thắc mắc: − Dương à, chuyến đò con đi rời bến trễ lắm sao? − Không đâu cậu, chuyến đò cuối cùng lại rời bến sớm hơn giờ qui định, nên con mới bị hụt đò đó. Ngọc Duyên thắc mắc chen vào: − Anh bị hụt chuyến đò cuối à? Vậy làm sao anh về đến đây được? Minh Hùng làm tài lanh: − Có vậy mà cũng hỏi. Thì chắc anh Dương quá giang thuyền ai đó, chứ nếu không làm sao ảnh vô đây được. Em thiệt kém thông minh quá! Ngọc Duyên nguýt Hùng một cái thật dài: − Xí, anh làm như anh thông minh lắm vậy! Minh Hùng cười cười: − Hổng thông minh hơn ai, chỉ hơn em chút đỉnh thôi hà. Ngọc Duyên trề môi: − Còn khuya mới có chuyện ấy, ham lắm! Thanh Dương lên tiếng giải hoà: − Anh thấy cả hai em đều thông minh, chẳng có ai kém thông minh cả. Vậy là huề chứ gì? Ngọc Duyên nhẹ gật đầu: − Nói chuyện với anh, em thấy hạp ghê! Còn với anh HÙng, lúc nào cũng gây lộn với ảnh. Minh Hùng chọc lại: − Em làm như anh khoái nói chuyện với em lắm vậy! Ngọc Duyên tức tối liếc xéo Hùng, rồi quay qua nhắc Thanh Dương: − Anh chưa trả lời câu hỏi khi nãy của em đâu đó. − Minh Hùng noi đúng rồi đó. Anh may mắn được 1 cô gái tốt bụng cho quá giang thuyền của cổ về đến tận đây. Nếu không nhờ cô gái ấy, chắc anh đã phải ngủ lại ở ngoài thị xã 1 đêm. Ông Ba Tính lên tiếng thắc mắc: − Con nhỏ ấy là ai vậy con? − Cô ấy tên là Thúy Hạnh, nhà ở xóm Gò ấy cậu. Nghe thế, gương mặt đang vui của ông Ba Tính chợt sa sầm xuống, ông lẳng lặng bưng chén cơm lên ăn mà không nói gì nữa. Minh Hùng cũng lặng lẽ ăn cơm, chỉ có Ngọc Duyên lạnh lùng buông 1 câu: − Tưởng ai, té ra con nhỏ ấy! Nói xong, Ngọc Duyên cắm cúi ăn cơm, không nói thêm gì nữa. Thái độ của mọi người không khỏi khiến Thanh Dương ngạc nhiên. Chàng nhỏ giọng hỏi Duyên: − Thúy Hạnh thì sao hả em? Ngọc Duyên liếc nhìn ông Ba Tính, rồi nhẹ lắc đầu: − Không có gì đâu anh. Không tiện hỏi thêm, Thanh Dương lẳng lặng ăn cơm, nhưng nỗi thắc mắc vẫn luôn vương vấn trong tâm tư chàng.Thuý Hạnh cho thuyền ghé vào bến phía sau vườn nhà Xuân Đào - người bạn gái thân thiết của nàng. Chiếc thuyền nhỏ này là của nhà Xuân Đào, mỗi lần đi cất hàng trên thị xã, Thúy Hạnh phải ghé nhà bạn để mượn. Được cái Xuân Đào tốt với nàng, nên lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Sau khi cột thuyền cẩn thận, Thuý Hạnh bắt đầu xếp hàng hoá từ trên thuyền vào đôi gánh. Vừa lúc ấy, Xuân Đào từ trong nhà đi ra. Nàng tươi cười hỏi bạn: − Sao chiều nay về trễ vậy Hạnh? Thúy Hạnh dừng tay, ngước lên nhìn bạn: − Tại hôm nay tao phải mua nhiều hàng hơn mọi khi, nên về hơi trễ. Xuân Đào ngồi xuống cạnh bên bạn, chọc ghẹo: − Có thiệt không đó? Hay là hẹn hò với chàng nào lên chơi trên thị xã đến quên cả việc ra về? Thúy Hạnh nhéo bạn một cái thật đau: − Con quỉ! Dám ăn nói bậy bạ vậy hả? Tao có ai đâu mà hẹn hò đi chơi chứ? Xuân Đào cười khúc khích: − Hổng dám không có ai đâu! Tao thấy mấy anh chàng si tình đi theo mày dài như cái đuôi, chắc chắn trong số ấy mày cũng phải cảm một chàng nào chứ. Thúy Hạnh lắc đầu nguây nguẩy: − Tao hổng có cảm mạo thương hàn gì ráo! Ai theo tao cho mất công thì cứ mặc kệ họ. Xuân Đào ngồi xích lại bên Thúy Hạnh, nhỏ giọng: − Mày đừng nói vậy mà tội nghiệp cho mấy chàng si tình ấy chứ! Dù sao họ cũng đáng mến mà. − Nếu mày thấy đáng mến thì mến tất thảy mấy anh chàng ấy đi. Đến lúc ấy, mấy anh chàng si tình không đi theo tao nữa, tao còn cám ơn mày đấy. Xuân Đào trợn mắt, le lưỡi: − Tao đã có chàng của mình rồi, hống dám mến ai nữa đâu. Mày đừng có xúi dại tao chứ! − Vậy sao mày lại xúi tao? − Vì tao thấy mày chưa có bồ, nên cũng cần phải có một chàng để hẹn hò cho cuộc sống vui vẻ và thơ mộng một chút chứ. Thúy Hạnh rùn vai: − Thôi mày cho tao xin hai chữ bình an đi! Tao sống thế này cũng đủ cảm thấy vui vẻ và yêu đời lắm rồi, không cần phải có chàng nào nữa. Xuân Đào bĩu môi: − Trái tim mày chắc đã khô cằn như sỏi đá rồi, nên mới hổng còn biết yêu ai nữa. Thúy Hạnh dấm dẳng: − Khô cằn hay sỏi đá gì cũng mặc kệ tao! Chuyện ấy tao hổng nhờ mày lo giùm đâu. Xuân Đào cười khúc khích: − Mày nói nghe gì lạ vậy? Tao là bạn của mày, chẳng lẽ lại bỏ mặc mày cô đơn một mình mãi sao? − Tao biết mày tốt với tao, nhưng mày cứ để tao sống bình an vô sự thế này là hay hơn. − Hì hì. Thôi được, mày đã không muốn, tao cũng không gò ép. Lặng im một chút, Đào lên tiếng hỏi: − Mày lên thị xã có gì mới không? − Tao lo mua hàng đến tối tăm mặt mũi, còn thấy gì nữa mà mới với cũ. − Mày nói nghe không có lý chút nào. Cứ cho là lúc mua hàng, mày bận nên không nhìn ngắm gì được. Thế còn lúc lên và lúc ra về, chẳng lẽ mày cũng nhắm nghiền hai mắt sao? − Tất nhiên là không rồi. − Nếu thế mày phải biết có gì mới hay không chứ? − Lúc đi thì không có chuyện gì mới cả. Xuân Đào cắc cớ: − Vậy chắc lúc về có chuyện phải không? Thúy Hạnh thực tình: − Ừ, có đấy. − Chuyện gì vậy? Sao mày không chịu nói ngay cho tao nghe đi, còn ậm ừ hoài vậy? Thúy Hạnh đánh vào vai bạn: − Con khỉ! Làm gì mà nóng như lửa vậy? Để từ từ tao mới nói được chứ. Lúc tao chuẩn bị về thì có một anh chàng đến xin quá giang về Long Hoà mình đây. Nghe thế, hai mắt Xuân Đào sáng lên vẻ tinh nghịch: − Ngồi chung thuyền, chắc mày và anh chàng ấy phải nói chuyện với nhau chứ? − Câu hỏi của mày thật thừa thãi, có hai người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chẳng lẽ cứ ngồi im suốt như mấy pho tượng trên chùa sao? − Thì tao hỏi cho chắc chắn, chưa gì mày đã kê tủ đứng vào miệng tao rồi. Thúy Hạnh cười: − Cho mày chừa cái tất đặt câu hỏi lãng xẹt! Xuân Đào tò mò hỏi tiếp: − Nè, chàng ở đâu về đây vậy mày? − Ở tận trên Sài Gòn lận. Xuân Đào cong môi: − Chu mẹt ơi! Xa quá xá là xa. Mà chắc là chàng đẹp trai và sang trọng lắm phải không mày? Thúy Hạnh trợn mắt ngó bạn: − Ê, làm gì mày tò mò dữ vậy? Coi chừng chàng của mày nghe được là ghen tuông tùm lum đó nha! Xuân Đào nguýt dài: − Mày sao khéo lo quá đi! Ở đây chỉ có tao với mày, nếu mày không mách lẻo thì tài nào chàng của tao biết cho được. Thôi mau trả lời tao đi! − Tất nhiên là chàng phải đẹp trai và sang trọng, vì là dân thành phố mà mày. Không hiểu nghĩ gì mà Xuân Đào nhe răng ra cười: − Hì... hì, chắc câu chuyện giữa mày và chàng phải mùi mẫn lắm. − Mày làm như ca vọng cổ hay sao mà mùi mẫn, không hề có chuyện ấy đâu. Câu chuyện giữa tao và anh chàng ấy cũng bình thường thôi hà. Xuân Đào cắc cớ: − Trước vẻ đẹp trai của chàng, trái tim mày có cảm thấy run rẩy không? − Làm gì có chuyện run rẩy một cách dễ dàng như thế mày. − Tao không tin. − Thế mày quên hồi nãy mày đã nói trái tim tao khô cằn sỏi đá đó sao? Một trái tim đã khô cằn sỏi đá đâu có dễ rung động vì tình yêu. Xuân Đào hết đường bắt bí nên lặng im. Trong lúc ấy Thúy Hạnh lại thầm bồi hồi nhớ lại giây phút bên Thanh Dương. Rõ ràng trong những giây phút ấy, trái tim nàng đã rung động và xao xuyến, chứ không phải vô cảm giác. Giọng tò mò của Xuân Đào lại vang lên: − Anh chàng có nói về đây thăm ai không? − Có đấy. Anh chàng về thăm cậu ruột là ông Ba Tính ở xóm Miễu, mày biết gia đình ổng chứ? − Ông Ba Tính giàu nhất xóm Miễu, ai lại không biết chứ. Nói đến ông Ba Tính, Thúy Hạnh chợt cảm thấy buồn, bao nhiêu nỗi hứng khởi tan biến đi đâu hết, thay vào đó là nỗi buồn nản. Xuân Đào tinh ý nhận ra sự thay đổi nơi bạn nên thắc mắc: − Đang vui, sao bỗng dưng mày lại buồn vậy? Thuý Hạnh sực tỉnh, gượng cười: − Tao có buồn gì đâu! Nói xong, Thuý Hạnh đứng dậy khiến Xuân Đào cũng phải đứng dậy theo. − Đã chiều quá rồi, tao phải về kẻo má tao mong. Lúc nào rảnh, mày ra nhà tao chơi, hai đứa mình nói chuyện tiếp. − Ừ, để rảnh đã, tao mới đi được. Thuý Hạnh gánh gánh hàng lên, từ giã bạn: − Tao về nghe. À, quên cảm ơn mày đã cho tao mượn thuyền. − Chuyện nhỏ mà, mày bận tâm làm gì. Thuý Hánh gánh gánh hàng rời khỏi khu vườn nhà Xuân Đào, theo con đường mòn quanh co để về nhà. Ngang qua khúc cua có khu vườn trái cây ở cạnh bên, Thúy Hạnh chợt thấy Tân Phước đã đứng sẵn đó, tựa như chàng đã chờ đợi nàng từ lâu.Thuý Hạnh biết Tấn Phước đã để ý nàng, nên chàng luôn tìm cơ hội gặp gỡ nàng. Không có lần nào đi mua hàng về, Thuý Hạnh lại không gặp Tấn Phước đứng đón đường để nói chuyện với nàng. Tuy không có cảm tình với Tấn Phước nhưng lúc nào gặp chàng, Thuý Hạnh đều vui vẻ và lịch sự. Vừa thấy bóng Thuý Hạnh, Phước đã từ trong lề đường bước ra, tươi cười lên tiếng: − Hôm nay Thúy Hạnh đi mua hàng về hơi trễ? Thúy Hạnh vui vẻ đáp lại: − Vâng. Vì phải đi mua nhiều loại hàng, nên em về trễ hơn thường lệ. Tấn Phước bước đi song song với Hạnh, chàng tỏ vẻ muốn giúp đỡ nàng: − Để anh gánh phụ em một quãng! Thúy Hạnh ái ngại từ chối: − Cám ơn anh. Gánh hàng cũng không nặng lắm, em gánh được mà. − Em gánh từ nhà Xuân Đào ra đến đây đã mệt, hãy để anh gánh phụ một đoạn đường. − Em không có mệt đâu. Từ lâu em đã gánh gánh hàng này nên quen rồi. Tấn Phước tỏ vẻ ái ngại: − Nhưng đi thế này, anh cảm thấy ngại quá! − Anh ngại chuyện gì chứ? − Ngại người ta cười anh. Thanh niên trai tráng gì mà đi không, lại để phụ nữ phải gồng gánh. Thuý Hạnh cười, trấn an: − Sẽ không ai cười đâu mà anh phải lo. − Sao em dám chắc như thế chứ? − Vì lâu nay mọi người đều đã quen nhìn thấy em gánh gánh hàng này, nên chiều nay dù có anh đi bên cạnh cũng không ai nói gì đâu. Tấn Phước kèo nài: − Em nói cũng có lý, nhưng phải chi em để anh gánh phụ có phải hay hơn không? − Thực tình em thấy chưa cần thiết, nên không muốn làm phiền đến anh. − Nói như em, chắc chẳng bao giờ em cần anh giúp chuyện chi đâu. Biết Phước không hài lòng nên Hạnh xoa dịu: − Rồi phải có lúc em có chuyện cần đến sự giúp đỡ của anh chứ, chỉ sợ lúc ấy anh lại từ chối. − Không đâu. Dù việc có khó khăn đến đâu, anh cũng ráng hết sức để giúp cho em, nếu em nhờ đến anh. Hai người lặng im tiếp bước trên con đường mòn quanh co. Bất chợt, Phước như nhớ ra điều gì nên nói: − Hạnh này, lần sau em ra thị xã mua hàng, anh lấy thuyền chở em đi nhé! Thuý Hạnh ái ngại từ chối: − Cám ơn anh đã có lòng tốt muốn giúp em, nhưng em mượn thuyền của Xuân Đào cũng được rồi. − Không phải anh có ý chê, song thuyền của Xuân Đào nhỏ quá, em chở đâu được bao nhiêu hàng. − Đi thuyền của Xuân Đào là vừa anh ạ, vì em mua hàng không nhiều lắm. − Nhưng em phải chèo bằng tay sẽ rất mệt, còn thuyền của anh có gắn máy đuôi tôm, vừa chạy nhanh lại không mệt cho em chút nào. Với lại, sẵn có anh cùng đi, anh sẽ phụ với em một tay. Nghe những lời kể lể như khoe của Tấn Phước, Hạnh không chút hài lòng nhưng nàng vẫn cố kềm nén để nhã nhặn từ chối: − Em rất tiếc không thể nhận sự giúp đỡ của anh được, anh đừng buồn em nghe! − Tại sao vậy em? Thúy Hạnh chống chế: − Vì lâu nay em đã quen mượn thuyền của Xuân Đào, bây giờ đột nhiên em không mượn nữa, lại đi thuyền của anh, Xuân Đào sẽ giận em đấy. Tấn Phước thở dài thật vọng: − Lúc nào em cũng tìm được cớ chối từ sự giúp đỡ của anh. Thiệt em làm cho anh buồn ghê vậy đó! − Nhưng anh cũng phải thông cảm cho em chứ! Một khi em đã không thể thì làm sao có thể nhận được chứ! Giọng Phước buồn bã: − Anh có cảm giác như em không thích anh, nên bất cứv iệc gì có dính líu tới anh, em đều tìm cớ để lảng tránh. − Không phải như thế đâu. Anh đừng nghĩ oan cho em! Vì nếu lảng tránh anh, em đâu có vừa đi vừa nói chuyện với anh như thế này. − Trường hợp này chỉ là bất đắc dĩ, em không thể lảng tránh anh được nên phải miễn cưỡng. Thúy Hạnh lạnh lùng: − Em đã nói nhiều lần mà anh vẫn không tin thì tuỳ anh vậy, em không muốn giải thích thêm nữa. Dường như sợ Thúy Hạnh giận, Phước lật đật nói lại: − Thôi được, coi như anh tin em. Thúy Hạnh vẫn im lặng tiếp bước, nàng không hề có phản ứng gì khiến Phước đâm lo lắng: − Em giận anh à? − KG, anh có làm gì đâu mà em phải giận chứ. Tấn Phước lặng im với nỗi bối rối trong lòng. Ít phút sau, chàng lên tiếng như để thanh minh: − Em nên hiểu cho anh! Sự thật anh rất quí mến em, nên mới luôn nghĩ đến việc giúp đỡ để em đỡ cực. Em đừng nghĩ khác mà giận oan anh! Thúy Hạnh điềm nhiên: − Em đã nói là em không giận dỗi gì anh kia mà. − Em nói thực chứ? − Anh cứ tin lời em đi! Nói dối anh thì em được gì chứ? Ngập ngừng một chút, Phước lại hỏi: − Em có biết là anh quí mến em lắm không Hạnh? Thúy Hạnh lạnh lùng: − Em biết, vì anh vừa nói với em hồi nãy mà. − Thế em nghĩ gì về tình cảm quí mến mà anh dành cho em? Hỏi xong, Phước hồi hộp chờ đợi câu trả lời của Hạnh, nhưng rồi nàng đã khiến chàng phải thất vọng: − Em chẳng nghĩ gì cả. Phước nhẹ thở ra: − Em thật vô tư đấy Hạnh! − Chứ anh bảo em phải nghĩ gì đây? Giữa chúng ta là bè bạn, nên anh có sự quí mến em cũng là bình thường thôi mà. − Còn em có... mến anh không? − Em đã nói từ hồi nãy rồi, chúng mình là bạn nên phải có sự quí mến nhau chứ. Nếu không có tình cảm quí mến ấy, tình bạn không thể tồn tại được đâu. Tấn Phước thất vọng vô cùng, nào chàng có muốn nói đến cái tình cảm bạn bè đơn giản ấy đâu, điều chàng đang quan tâm tìm hiểu chính là tình yêu của Thuý Hạnh dành cho chàng. Liệu nàng có hiểu được tình yêu của chàng đang tha thiết dành cho nàng không? Sợ Thúy Hạnh không hiểu ý của mình, Tấn Phước thu hết can đảm để bộc lộ lòng mình: − Ý anh không phải muốn nói đến tình cảm bạn bè, mà là đến tình yêu kìa. Thúy Hạnh giật mình, không ngờ Tấn Phước lại nói đến chuyện tình yêu. Không muốn rơi vào tình trạng khó xử, Hạnh tìm cách lảng tránh: − Em chưa nghĩ gì đến tình yêu đâu anh. − Sao lại như thế chứ? Em đã đến tuôi trưởng thành rồi, cũng cần phải nghĩ đến một tình yêu cho mình. Hạnh chống chế: − Em còn mẹ già phải phụng dưỡng, nên chưa dám nghĩ đến chuyện riêng tư cho mình. − Anh nghĩ tình yêu đâu có ảnh hưởng chi đến lòng hiếu của em. Vả lại, nếu bác biết em có tình yêu, chắc bác cũng sẽ vui lòng đấy. − Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nên suy nghĩ không thể giống nhau được. Tấn Phước đã cảm thấy buồn và thất vọng, nhưng cố vớt vát: − Nói thế nghĩa là em không hề yêu anh? − Em đã nói với anh hồi nãy rồi. Lúc này em chưa hề nghĩ đến tình yêu, xin anh đừng đem chuyện ấy nói với em nữa! Tấn Phước cố nén tiếng thở dài: − Thôi được, nếu bây giờ em chưa nghĩ đến thì anh sẽ chờ đợi em vậy. Nghe thế, Thúy Hạnh phát hoảng: − Em không hứa hẹn điều gì để anh phải chờ đợi cả, tốt hơn hết là anh nên yêu một cô gái khác đi. − Không thể được, vì anh đã yêu em rồi. Thúy Hạnh bối rối, không biết phải làm sao để thoát ra khỏi sự phiền phức mà Tấn Phước sắp sửa gây cho nàng, nên đành nói: − Anh đã đặt tình yêu sai chỗ rồi, em không đáng để anh yêu đâu. − Trước khi yêu em, anh đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, và anh thấy anh không hề sai lầm khi quyết định yêu em. Không còn cách nào khác, Hạnh lạnh lùng nói thẳng, mong chấm dứt được sự đeo đuổi của Phước: − Anh Phước à, em nói thực với anh là em không hề yêu anh đâu. Thế nên anh đừng đeo đuổi em làm chi cho mất công. Tấn Phước lì lợm: − Anh không hề ngại chuyện mất công ấy đâu. Vì anh đã lỡ yêu em, nên anh sẽ chờ đợi cho đến lúc em có thể yêu anh. − Sẽ không bao giờ có ngày ấy đâu, anh đừng chờ đợi cho hoài công vô ích! − Tại sao vậy? Không lẽ em đã có người yêu rồi sao? Muốn thoát khỏi sự đeo bám của Phước, Hạnh nhận đại: − Đúng, em đã có người yêu rồi. Tấn Phước hơi mất bình tĩnh vì điều Hạnh vừa nói, nhưng liền sau đó đã trấn tĩnh lại được: − Người yêu của em là ai vậy? Thúy Hạnh đã cảm thấy bực mình, nhưng cố kềm nén: − Anh thắc mắc làm gì chuyện riêng tư của em chứ? − Câu trả lời thật đơn giản, anh chỉ muốn biết người yêu của em có ngon lành hơn anh không, thế thôi. Thúy Hạnh cười nhạt: − Anh đã lầm khi nghĩ đến chuyện so sánh. Khi em yêu ai, em không hề nghĩ người ấy phải hơn người khác. − Nhưng ít ra, anh chàng ấy phải có điểm gì đó nổi bật mới có thể thu hút được tình cảm của em chứ. − Không hoàn toàn như thế đâu anh. Trong tình yêu, không thể nói rạch ròi như trong cuộc sống được. Tấn Phước lạnh lùng: − Nghĩa là em không muốn cho anh biết người yêu của em chứ gì? − Không phải thế. − Em bảo không phải, nhưng lại không muốn nói ra. Nhưng thôi, anh chỉ hỏi thử em, chứ anh đã thừa biết người yêu của em là ai rồi. Thúy Hạnh không khỏi ngạc nhiên: − Anh đã biết người yêu của em? Thế anh ấy là ai nào? Giọng Tấn Phước đầy ganh tỵ: − Còn ai vào đây nữa, ngoài anh chàng Hoà Hiệp ra. Thúy Hạnh mắc cười nhưng phải cố nén, té ra Phước đã nghĩ lầm cho Hoà Hiệp, có lẽ vì thấy chàng thường hay sang nhà nàng để giúp đỡ việc này việc kia. − Sao, anh nói thế có đúng không? Tấn Phước hậm hực hỏi lại, trong lúc Hạnh ỡm ờ để anh ta hiểu lầm mà chấm dứt theo đuổi nàng. − Đúng hay không, điều ấy đâu liên quan đến anh. Câu trả lời ấy đã khiến Phước thực sự tin Hoà Hiệp là người yêu của Hạnh, nên anh ta hậm hực nói: − Anh chàng Hiệp ấy có gì hơn anh mà em yêu anh chứ? − Em đã nói với anh từ hồi nãy rồi. Khi em yêu một người nào, em không hề nghĩ người ấy phải hơn người khác. Tấn Phước im lặng nói tiếp, không biết anh ta đang nghĩ điều gì. Hạnh dịu dàng nói: − Thế nên em mong anh đừng đeo đuổi em nữa cho mất công! Anh hãy dùng thời gian ấy để yêu một cô gái khác thì hay hơn! Tấn Phước lạnh lùng lắc đầu: − Không. Hoà Hiệp không ngon hơn anh, nên anh không thể chịu thua hắn được. Anh nhất định phải giành lại tình yêu của em từ tay hắn. Thúy Hạnh ngỡ ngàng nhìn Phước, qua câu nói vừa rồi nàng hiểu thêm được tư cách của anh ta. − Anh xem thường em quá, anh Phước à! Em và tình yêu của em đâu phải món đồ vật để anh dễ dàng giành giật từ tay người khác chứ. Nhận ra chỗ hớ của mình, Phước vội xoa dịu: − Xin lỗi em! Tại anh lỡ lời, chứ không phải anh xem thường em đâu. Em đừng giận anh nghe Hạnh! Thúy Hạnh lạnh lùng: − Em giận anh thì được gì chứ? Em chỉ muốn từ nay anh đừng xem thường em, và cũng đừng đeo đuổi em làm gì nữa. Em đã không thể yêu anh, thì mãi mãi sẽ chẳng bao giờ yêu anh đâu. Trong lúc Tấn Phước đang lúng túng, Thuý Hạnh đã lạnh lùng nói tiếp: − Đã gần đến nhà em rồi, anh đừng đi theo em nữa, kẻo má em thấy sẽ rầy em! Nói xong Hạnh nhanh chân rảo bước lên trước, Phước hụt hẫng đứng dừng lại, đăm đắm ngó theo. Lúc Hạnh đi gần đến nhà thì Hoà Hiệp từ trong chạy ra, vẻ mặt không được vui. Chàng ân cần hỏi: − Sao em về trễ vậy Hạnh? Thuý Hạnh dịu dàng: − Hôm nay em mắc mua nhiều hàng nên về hơi trễ. − Nãy giờ anh lo quá! Muốn đi kiếm em, nhưng lại không thể bỏ dì Tư ở nhà một mình. Nghe thế, Hạnh lo lắng ra mặt: − Má em bị sao vậy anh? − Hồi nãy anh qua chơi, nói chuyện với dì được một chút thì dì lên cơn mệt. Thế là anh phải đưa dì vào giường nằm nghỉ, và dọn dẹp đóng cửa quán sớm. Hạnh lo lắng định bước đi, Hoà Hiệp đã nói: − Để anh mang phụ gánh hàng cho! Đang lúc bối rối và lo âu, Hạnh chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện ái ngại, nên nàng trao ngay gánh hàng cho Hiệp để chạy nhanh vào nhà. Đứng từ xa nhìn tới, Phước thấy rõ tất cả nên càng tin chắc Hiệp là người yêu của Hạnh. Nỗi ghen tức chợt nổi lên trong lòng Tấn Phước, anh ta hậm hực lẩm bẩm: − Mày không hơn gì tao, nên không thể chiếm Hạnh một cách dễ dàng. Tao sẽ không chịu thua mày đâu! Sau đó, Tấn Phước hậm hực bỏ đi nhưng tâm tư lại quay cuồng với suy nghĩ: phải tìm cách trả thù Hoà Hiệp.Trong lúc đó, Thuý Hạnh chạy thẳng đến bên giường mẹ, nắm lấy cánh tay gầy của bà và lo lắng hỏi: − Lúc này má thấy trong người thế nào rồi? Bà Tư nhìn Hạnh, mỉm cười để nàng yên lòng: − Má thấy đỡ nhiều rồi, con cứ an tâm đi! Thúy Hạnh ngồi xuống bên giường mẹ, dịu dàng nói: − Mai mốt con đi mua hàng, má đừng ngồi bán nữa, mà nghỉ cho khoẻ. − Không sao đâu, con đừng quá lo cho má! Nhà mình nghèo, nên phải cố mà bán để có chút lời sống qua ngày chứ con. Còn cơn mệt của má chỉ chút rồi lại qua đi, sau đó má lại khoẻ như thường. Thúy Hạnh nhẹ lắc đầu: − Má nói như thế không được đâu. Bệnh của má không thể coi thường, mà cần phải chữa trị cho dứt. − Người già ấy mà, chứ má có bệnh hoạn gì đâu mà phải chữa với chạy chứ. Hạnh tỏ vẻ cương quyết: − Để con đến thầy Sáu hốt cho má thang thuốc uống cho khỏi bệnh, thuốc thầy Sáu nổi tiếng là hay đó má. Bà Tư vội cản: − Đừng con! Tốn tiền lắm, với lại má có bệnh hoạn gì đâu mà phải uống thuốc chứ. Nhà mình nghèo, đỡ tốn được đồng nào hay đồng nấy con à. − Tiền bạc không đáng quí bằng sức khoẻ của má, thế nên dù có tốn bao nhiêu con cũng phải chữa cho má khỏi bệnh. Vừa lúc ấy, Hoà Hiệp đến gần, lên tiếng tán thành: − Em Hạnh nói đúng đó dì Tư. Tiền bạc mất đi còn có thể kiếm lại được, chứ sức khoẻ đã mất đi thì khó có thể lấy lại được. Vây. dì Tư nên nghe lời em Hạnh mà uống thuốc cho mau khỏi bệnh Bà Tư nhẹ lắc đầu: − Nhưng mà tốn kém lắm cháu à, với lại dì Tư chỉ mệt chứ có bệnh hoạn gì mà phải uống thuốc cho tốn tiền. Hoà Hiệp vẫn kiên nhẫn thuyết phục: − Tuy dì chỉ bị mệt nhưng điều ấy cũng đáng lo lắm đấy, thôi dì cứ chịu khó uống một thang thuốc của thầy Sáu xem có hết mệt không. Đối với những bệnh nhân nghèo như dì Tư, thầy Sáu cũng không lấy đắt lắm đâu mà dì phải ngại. Không rõ vì đã chịu nghe theo lời Hoà Hiệp, hay không muốn tranh cãi với chàng nên bà Tư nói lảng qua chuyện khác: − Hôm nay con về hơi trễ đó Hạnh. − Dạ, tại hôm nay con phải mua nhiều loại hàng nên mới trễ như vậy đó má. Bà Tư tỏ vẻ quan tâm: − Con có mua được đủ hàng không? − Đủ hết má à, kỳ này có một số mặt hàng đã tăng giá rồi đó má. Con chỉ lấy có ít thôi, vì sợ không bán được sẽ đọng vốn. Bà Tư tỏ vẻ đồng tình: − Ừ, con làm vậy cũng phải. Mình vốn ít nên mua bán phải tính toán kỹ, thôi con lo sắp xếp hàng đâu đó cho gọn đi, má cũng đỡ mệt rồi. − Vậy má nằm nghỉ nha, con đi sắp xếp hàng cho gọn. Thúy Hạnh bước ra gian ngoài, Hoà Hiệp cũng chậm rãi theo sau. Chàng ngồi xuống cạnh bên nàng và vui vẻ nói: − Để anh phụ với em một tay sắp xếp hàng cho mau nha! Là chỗ bạn thân thiết lâu nay, nên Hạnh coi đề nghị của anh là chuyện bình thường. − Vâng, anh giúp em với. Đã chiều quá rồi, em lại còn phải nấu cơm cho má ăn nữa. Hoà Hiệp vừa nhanh tay xếp hàng, vừa nhiệt tình đề nghị: − Hay em đi nấu cơm đi, để mình anh sắp xếp cũng được. Anh làm lẹ lắm, chỉ chút xíu là xong ngay. Chứ để dì Tư phải đói bụng vì chờ bữa cơm là không nên đâu. Lúc này trời đã chập choạng tối, nên Hạnh phải đi đốt đèn dầu để có ánh sáng. Hiệp lại giục: − Em đi nấu cơm đi, để đó cho anh. Trời đã tối rồi, đừng để dì Tư phải chờ cơm. Thấy Hiệp nói có lý, Hạnh liền nghe theo: − Vậy anh giúp cho em nha, em đi nấu cơm đây! Hiệp cười, nhẹ phẩy tay: − Em cứ đi đi, anh sẽ sắp xếp gánh hàng của em đâu vào đó, đảm bảo sẽ không lộn một món nào đâu. Nhưng nhớ là nấu thêm phần cơm cho anh ăn với nhé. Hạnh tươi cười: − Anh khỏi phải dặn, em cũng sẽ nấu thêm phần anh mà. Anh đã vất vả giúp cho em, chẳng lẽ em lại để cho anh phải bụng đói ra về sao! Nói dứt lời, Hạnh quay lưng bước đi. Hiệp chăm chú nhìn theo bóng nàng, lòng lâng lâng một niềm vui và hạnh phúc. Trước đây, nhà Hiệp ở cạnh bên nhà Hạnh, nên chàng và nàng là đôi bạn rất thân thiết với nhau. Sau này, khi cha mẹ Hiệp dời nhà xuống cuối xóm để tiện cho việc làm ăn, tình bạn giữa hai người vẫn luôn khắng khít. Trải qua thời gian, tình bạn trong lòng Hiệp đã dần biến thành tình yêu lúc nào mà chàng chẳng hay. Hiệp đã thầm yêu cô bạn Thúy Hạnh, nhưng chưa dám nói một lời. Ngồi nghỉ vẩn vơ một lúc, Hiệp mới sực tỉnh, liền quay lại với công việc sắp xếp hàng hoá.Về phần Thúy Hạnh, nàng xuống bếp vo gạo, rửa rau rồi nhóm lửa. Sau khi đã đặt nồi rau luộc lên bếp, nàng ngồi theo dõi. Bất chợt, hình ảnh chàng trai lạ hồi chiều lại xuất hiện trong tâm tư nàng. Không rõ do hơi nóng của lửa hay vì nàng đang mắc cỡ mà Hạnh cảm thấy nóng bừng 2 bên má, tại sao nàng lại nghĩ đến chàng trai lạ ấy? Anh ta đâu có liên quan chi đến nàng mà nàng phải nghĩ đến chứ? Chẳng lẽ nàng đã yêu chàng trai ấy rồi sao? Không! Không thể có chuyện ấy, vì nàng và Thanh Dương mới gặp nhau lần đầu nên đâu thể có chuyện yêu đương ngay được. Nhưng nếu không phải là tình yêu, tại sao nàng phải nghĩ đến anh ta chứ? Còn đang miên man với câu hỏi không thể giải đáp, Hạnh chợt giật mình vì nghe có tiếng chân người đi vào bếp, và giọng nói vui vẻ vang lên: − Nồi rau đã sôi rồi kìa em! Bừng tỉnh, Hạnh vội mở vung và lấy đũa đảo rau cho chín đều, nàng cười chữa thẹn với Hiệp đang ngồi xuống bên cạnh. − Mãi lo tính toán những món hàng vừa mua hồi chiều, nên em quên cả nồi rau. Thúy Hạnh nói dối với vẻ ngượng nghịu, ấy thế mà Hiệp vẫn cứ tin vì lời nói dối của nàng thật hợp lý, nên chàng chẳng có lý do gì để phải nghi ngờ. − Coi thế mà cái nghề buôn bán này cũng cực trí quá, em nhỉ? Biết Hiệp không nghi ngờ mình, Thuý Hạnh vui vẻ thừa nhận: − Đúng thế. Bình thường buôn bán đã phải tính toán, nên ít vốn như em lại càng phải tính toán kỹ hơn nữa. Nếu không tính toán kỹ, em có ngày mất cả vốn. Thấy rau đã chín, Hạnh nhấc nồi rau xuống, sau đó bắc nồi cơm lên bếp. Trong lúc ấy, Hiệp làm ra vẻ vô tình để hỏi: − Hồi nãy, dường như anh thấy Tấn Phước cùng đi với em? Giọng Thúy Hạnh đầy vẻ ngao ngán: − Ôi, cái anh chàng si tình ấy lúc nào cũng đi theo em để tán tỉnh, khiến em chán muốn chết mà không biết phải làm sao. − Anh ta tán tỉnh em thế nào? − Lần nào cũng vậy, hễ gặp em là Tấn Phước nhai đi nhai lại cái điệp khúc mà em đã nghe nhàm chán: anh yêu em! Riết rồi em không còn muốn gặp mặt anh ta nữa. Hoà Hiệp cảm thấy thích thú ngầm trong lòng: − Việc ấy thật dễ. Em cứ trả lời thẳng là không yêu, thế là Tấn Phước phải quê mặt mà không dám theo tán tỉnh em nữa đâu. − Không dễ đâu anh. Ngay hồi nãy, em đã từ chối thẳng thừng, ấy thế mà Tấn Phước vẫn cứ lì lợm đi theo em. Hắn đã chai mặt, nên không còn biết mắc cỡ nữa đâu. Hiệp tỏ vẻ bực bội: − Thật đúng là cái thứ chai mặt mà! Người ta đã nói thẳng vào mặt mà còn lì lợm. Hạnh chợt bật cười khúc khích khiến Hiệp không khỏi tò mò: − Em cười gì vậy? − À, em mắc cười vì thấy Tấn Phước đã lầm anh là người yêu của em. − Vì sao hắn lại lầm như thế? − Có lẽ vì Tấn Phước thấy anh và em thân thiết với nhau, anh lại thường qua nhà em chơi nên hắn mới hiểu lầm như thế. Hiệp ngập ngừng: − Rồi em có cải chính sự hiểu lầm của Tấn Phước không? Hạnh cười với vẻ thích thú: − Em không dại gì mà cải chính. Nghe thế, trái tim Hiệp bỗng đập dồn dập, còn tâm tư như bị chao đảo vì bất ngờ. Chẳng lẽ Thúy Hạnh đã yêu chàng thực? Vì nếu không yêu thực, tại sao nàng lại không cải chính? Trong nỗi vui sướng tràn ngập tâm hồn, Hiệp hỏi với giọng hồi hộp: − Nếu không cải chính, chắc hẳn là em đã xác nhận? − Không hề có chuyện ấy đâu anh. Hiệp ngơ ngác: − Thế là sao? Anh không hiểu. − Nghĩa là em cứ lửng lơ con cá vàng, không nhận mà cũng không chối, để Tấn Phước hiểu lầm em đã có người yêu mà thôi cái việc theo đuổi để tán tỉnh em. Như thế có phải là lợi không nào? Hiệp cố nén tiếng thở dài buồn bã, thì ra Thúy Hạnh làm thế không phải vì yêu chàng mà chỉ vì muốn đối phó với Tấn Phước. − Lợi cho em nhưng lại hại cho anh. − Em thấy có hại gì đâu? − Có chứ. Tại em không nghĩ đến đó thôi. Này nhé, lỡ Tấn Phước đem chuyện này đi nói lung tung, các cô gái nghe được sẽ chẳng cô nào thèm yêu anh nữa, vậy là anh sẽ phải ế vợ mất thôi. Thuý Hạnh bật cười khúc khích: − Thì ra là thế! Nhưng anh đừng lo, nếu lỡ chuyện ấy có xảy ra, em sẽ đi giải thích để các cô ấy hiểu. − Sẽ không ai tin lời em đâu. − Vậy thì em sẽ đền cho anh. − Em đền gì chứ? − Làm mai cho anh mtộ cô gái xinh xắn và giỏi giang để anh cưới lamvợ, anh chịu không nào? Hiệp gượng cười: − Đành phải vậy thôi. Tuy nói thế nhưng Hiệp lại thầm nghĩ: cô ấy phải là em, anh mới chịu. Vì anh đã yêu em, Thúy Hạnh ạ!Ăn sáng xong, Thanh Dương chậm rãi đi ra cổng, với ý định đến nhà Thuý Hạnh chơi. Không hiểu sao suốt từ lúc gặp nàng đến giờ, tâm tư chàng cứ luôn phải vấn vương hình bóng nàng. Vừa đi ra đến cổng, Dương đã nghe tiếng Ngọc Duyên kêu réo ở đằng sau: − Anh Dương ơi! Anh khoan đi đã, chờ em với! Thanh Dương dừng bước, quay lại cũng vừa lúc Duyên chạy đến nơi. Nàng vừa thở vừa hỏi: − Anh định đi đâu vậy? − À, anh tính đi vòng vòng trong xóm ấy mà. − Để em dẫn đường anh đi nhé? Chưa muốn cho Duyên biết tình cảm của mình đối với Thúy Hạnh, anh tìm cớ chối từ: − Cám ơn em, nhưng anh thích đi một mình hơn. Với lại hồi nãy mợ bảo em đi lo công chuyện gì đó cho mợ, nếu em đi với anh, ai sẽ làm chuyện ấy cho mợ chứ? Không khéo mợ sẽ la cho đấy. Ngọc Duyên đã có vẻ phân vân: − Đành là thế, song em sợ anh đi một mình có thể bị lạc đấy. Dương cười, nói đùa: − Em làm như anh là con nít hay sao mà sợ bị lạc chứ! − Không phải thế, nhưng anh là người lạ mới đến đây, đâu có rành đường ngang đường dọc trong xóm như em ở đây. − Yên tâm đi! Anh còn có cái miệng mà. Nếu chẳng may quên đường về, anh sẽ hỏi thăm và bà con trong xóm sẽ chỉ đường cho anh. Còn em hãy đi lo công chuyện cho mợ, kẻo mợ phiền. Không còn biết nói sao hơn, Duyên đành phải chấp nhận: − Thôi được, anh cứ đi đi. Nhưng nếu có bị lạc, không kiếm ra đường về đừng có đổ thừa tại em không chịu hướng dẫn đường đi đó nha. − Sao lại có chuyện đổ thừa được chứ? Chính anh muốn đi một mình mà. Ngọc Duyên phụng phịu quay trở vào nhà, còn Thanh Dương phơi phới tiếp bước. Vừa đi, chàng vừa sung sướng nghĩ đến giây phút sẽ được gặp lại Thuý Hạnh. Tất nhiên Thanh Dương phải hỏi thăm nhiều lần, mới tìm đến được nhà Hạnh. Nhìn căn nhà tranh vách lá ọp ẹp, chàng hiểu nhà nàng rất nghèo, phải buôn bán kiếm từng đồng lời ít ỏi để sống qua ngày. Khi đi đến gần, Dương không nhìn thấy Hạnh đâu mà chỉ thấy một người đàn bà đã khá già đang bán hàng cho mấy người trong xóm. Chàng đoán người đàn bà này có lẽ là mẹ của Hạnh nên lặng lẽ đúng nhìn gian hàng tạp hoá ít ỏi của mẹ con Hạnh. Bán hàng cho mấy người trong xóm xong, bà Tư nhìn thấy Thanh Dương đang đứng vẩn vơ ở đó và lên tiếng hỏi: − Cậu cần mua gì? Dương vội lễ phép trả lời: − Thưa dì, cháu không mua gì cả mà cần gặp Thúy Hạnh. Chẳng hay có Thúy Hạnh ở nhà không dì? Bà Tư nhìn Thanh Dương đăm đăm, như có ý dò xét xem người thanh niên này là ai, mà lại muốn gặp Thúy Hạnh: − Cậu quen biết thế nào với con Hạnh? − Thưa dì, cháu cũng mới quen biết với Hạnh ngày hôm qua đây. Bà Tư nhíu mày: − Mới quen biết thôi à? Vậy cậu cần gặp con Hạnh có chuyện gì không? − Dạ, không có chuyện chi cả. Cháu chỉ đến thăm Thúy Hạnh thôi ạ. Vừa lúc ấy có người đến mua hàng, nên bà Tư bảo: − Con Hạnh vừa đi công chuyện rồi, cậu vô đây ngồi chơi một chút, nó sẽ về ngay đấy. Dù sao bà Tư cũng nể chàng trai có vẻ ngoài đẹp đẽ và sang trong, đồng thời cũng muốn tìm hiểu về chàng, nên mới giữ lại để hỏi thăm. Trong lúc bà Tư bán hàng cho khách, Thanh Dương bước vào, ngồi xuống chiếc chõng tre đặt ở phía trong. Chàng lặng lẽ quan sát những món hàng tạp hoá ít ỏi, và hiểu mẹ con Thúy Hạnh cũng không nhiều nhặn vốn cho lắm. Bán hàng xong, bà Tư trở lại ngồi xuống chiếc chõng, rót nước ra ly: − Cậu uống nước đi. − Dạ, dì để cháu tự nhiên. Vừa quan sát Thanh Dương, bà Tư vừa hỏi: − Cậu tên gì vậy? − Dạ, dì cứ gọi cháu là Thanh Dương. − Cậu quen con Hạnh trong trường hợp nào vậy? Thanh Dương thành thực kể lại: − Chiều hôm qua, cháu bị lỡ chuyến đò từ thị xã về đây, may nhờ Thúy Hạnh có lòng tốt cho cháu quá giang nên cháu mới quen với cô ấy. Bà Tư gật gù: − Thì ra thế! Mà cậu ở đâu, về đây có chuyện chi vậy? − Nhà cháu ở Sài Gòn, cháu về đây thăm cậu ruột là ông Ba Tính. Chắc dì biết cậu của cháu chứ? Bà Tư chợt sa sầm nét mặt: − Ông Ba Tính nổi tiếng giàu có khắp vùng này, ai mà không biết chứ. Thấy nét mặt bà Tư thay đổi, Dương ngạc nhiên không hiểu nguyên nhân vì sao. Bất chợt, chàng nhớ đến thái độ của ông Ba Tính cũng thay đổi khi chàng nhắc đến Thúy Hạnh trong bữa cơm tối qua. Dường như đã có chuyện gì đó trong mối quan hệ giỮa hai gia đình.Tuy nghĩ thế nhưng Dương đâu dám hỏi, mà chỉ tự nhủ là sẽ tìm hiểu cho rõ ràng chuyện này. Vừa lúc ấy, Thúy Hạnh về đến. Nàng có vẻ ngạc nhiên khi thấy Thanh Dương đang ngồi nói chuyện với mẹ nàng: − Ủa, anh Dương! Sao anh biết nhà em mà tìm được hay vậy? Trong lúc vui mừng vì bất ngờ gặp lại Thanh Dương, Hạnh đã đột ngột đổi cách xưng hô. Tất nhiên Dương không dại bỏ qua cơ hội này để thay đổi cách xưng hô cho thân mật. Tười cười, Thanh Dương trả lời: − Anh phải hỏi nhiều người, mới tìm đến đây được đấy. Quay qua mẹ, Thúy Hạnh định giới thiệu: − Má ơi, đây là anh Dương.... Nhưng bà Tư đã ngắt lời: − Má biết rồi. Nãy giờ má đã nói chuyện và hỏi thăm cậu ấy, thôi con ngồi nói chuyện với cậu Dương đi, má vào trong nghỉ một chút. Bà Tư đi rồi, Thúy Hạnh ngồi xuống chõng, tiếp tục câu chuyện với Dương: − Em không nghĩ là sáng nay anh lại đến nhà em sớm như vậy. − Sáng nay, thức dậy là anh đã nghĩ phải đến nhà thăm em ngay. Chắc em không phiền chuyện anh đến đây chứ? Hạnh kêu lên với vẻ không hài lòng: − Sao lại phiền được chứ? Phải nói là em rất vui được đón tiếp anh. Chỉ có điều khi đến đây chơi, anh đừng chê nhà em nghèo nha. − Không bao giờ anh dám chê đâu. Tại em không biết, chứ nhà anh trên Sài Gòn còn nghèo hơn nhà em ở đây đấy. Thúy Hạnh lắc đầu nguầy nguậy: − Em không tin đâu. − Sao em lại không tin chứ? − Vì em biết anh nói thế chỉ để em khỏi mặc cảm và tạo sự bình đẳng giữa chúng ta mà thôi, chứ nhất định nhà anh không thể nghèo được. − Căn cứ vào đâu mà em nói thế chứ? Thuý Hạnh chỉ tay vào người Dương: − Vào chính con người anh đây nè. Chính con người anh đã nói cho em biết, anh không thể là người nghèo khổ được. − Em không nghĩ là anh có thể tạo ra một vẻ ngoài sang trọng, để che giấu bên trong nghèo khổ sao? Hạnh nhẹ lắc đầu: − Người khác có thể làm thế, nhưng em không tin có điều ấy nơi anh đâu. Vì nhìn anh, em không thấy sự giả trá, mà tất cả đều là thực nơi con người anh. Thanh Dương cười, thầm công nhận Thuý Hạnh thông minh. Nhưng chàng chưa kịp nói gì, chợt có tiếng bà Tư từ trong yếu ớt vọng ra: − Hạnh ơi! Má mệt quá con à! Thúy Hạnh tái mặt, vội vã đứng dậy, nói nhanh với Thanh Dương: − Anh ngồi chơi đợi em một chút! Em vào xem má em thế nào. Chưa dứt lời, Hạnh đã bỏ chạy vào trong. Thanh Dương ngần ngừ một chút rồi cũng rảo bước theo. Chàng đi thẳng đến giường bà Tư, và thấy bà đang thiêm thiếp với vẻ mệt nhọc. Cạnh bên, Thúy Hạnh ngồi lo lắng nhìn mẹ mà không biết phải làm sao. Thấy Dương vào, Hạnh ngước lên lo lắng hỏi: − Má em kêu mệt, bây giờ phải làm sao đây anh? Thanh Dương cúi xuống xem xét bà Tư, rồi hỏi: − Lâu nay, dì có thường bị mệt như thế này không? − Có. Thỉnh thoảng má em vẫn thường kêu mệt và đau ở ngực, em đã hốt thuốc nam cho má uống nhưng chưa thấy đỡ. Thanh Dương nhẹ gật đầu: − Anh hiểu rồi. Thôi em đứng lên đi, để anh lo cho dì. Tuy ngạc nhiên vì lời đề nghị của Thanh Dương, nhưng Hạnh vẫn đứng dậy. Dương ngồi xuống bên giường, dùng những động tác trong đông y để cấp cứu cho bà Tư. Thúy Hạnh lặng lẽ đứng nhìn, trong lòng đầy thắc mắc, không hiểu Dương đang làm gì. Nhưng thấy không tiện hỏi, nên nàng làm thinh. Vừa lúc đó, Hoà Hiệp từ ngoài đi vào. Chàng ngạc nhiên khi thấy Thanh Dương đang cấp cứu cho bà Tư, nên nhỏ giọng hỏi Hạnh: − Có chuyện gì vậy em? Thuý Hạnh buồn bã đáp: − Tự dưng má em kêu mệt. May có anh Dương ở đây, nên ảnh làm thế đó anh. − Anh Dương là ai vậy? Lúng túng một chút, Hạnh mới trả lời: − Là bạn, em mới quen hồi chiều qua. − Anh Dương đang làm gì vậy? − Em cũng không biết nữa. Anh Dương không nói gì, mà em cũng chưa kịp hỏi. Đến lúc này, Thanh Dương đã làm xong các động tác cấp cứu, và bà Tư có vẻ như đã hồi phục. Chàng dịu dàng hỏi: − Dì đã thấy đỡ mệt chưa? Bà Tư nhìn Thanh Dương với ánh mắt biết ơn: − Tôi thấy đỡ nhiều rồi cậu ạ. Thanh Dương tỏ vẻ hài lòng: − Tốt lắm! Bây giờ dì cứ nằm nghỉ cho khoẻ hẳn, nếu ngủ được lại càng hay. Rồi Thanh Dương đứng dậy, quay ra nói với Hạnh và Hiệp đang đứng lặng vì thán phục: − Chúng ta nên ra ngoài để dì nghỉ. Ba người trở ra gian nhà ngoài, Hạnh thắc mắc nên hỏi ngay: − Hồi nãy em làm sao mà má em đỡ mệt mau lẹ vậy? − À, anh dùng một số động tác trong đông y để cấp cứu cho dì mau khoẻ ấy mà. Hoà Hiệp buột miệng khen: − Anh làm hay thiệt, chỉ chút xíu là dì Tư đã khoẻ! Hồi chiều qua, dì Tư cũng mệt vầy mà tôi chẳng biết làm sao, cứ luýnh quýnh như gà mắc tóc. Thiệt tôi phục anh lắm đó nha! Thanh Dương khiêm tốn: − Có gì đâu anh. Chẳng qua tôi đã được học những động tác cấp cứu ấy, nên mới làm được thôi. Thuý Hạnh thắc mắc: − Vậy ra anh là bác sĩ à? Thanh Dương cười với vẻ xác nhận, trong lúc Thúy Hạnh và Hoà Hiệp nhìn chàng với ánh mắt nể phục. Hạnh xuýt xoa khen ngợi: − Hèn gì anh giỏi đến thế! Mà tại sao má em lại hay mệt vậy anh? − Dì Tư bị yếu tim. Lẽ ra hồi nãy phải có thuốc cho dì uống mới khoẻ, nhưng vì không có thuốc nên anh phải tạm cấp cứu. Cần phải ra hiệu thuốc ngoài thị xã mua thuốc cho dì ngay. Nghe thế, Hạnh vội nói: − Anh ghi cho em tên thuốc, để em mượn thuyền của Xuân Đào ra thị xã mua liền ngay.Thanh Dương gật đầu: − Được, anh sẽ viết ngay đây. Trong lúc Thanh Dương lấy giấy và bút ra viết, Hiệp nói với Hạnh: − Thôi em ở nhà chăm sóc cho dì Tư, để anh đi mua thuốc cho. Hạnh tỏ vẻ ái ngại: − Làm phiền anh quá! Từ đây ra đến thị xã phải chèo rất xa. Hiệp xua tay: − Anh là con trai mà xá gì, dù xa đến mấy anh cũng chèo đi về được mà. Thấy Hiệp nhiệt tình, Hạnh đành nói: − Vậy em nhờ anh giúp cho em. Thanh Dương đã viết xong tên thuốc vào miếng giấy nhỏ, chàng trao cho Hiệp với lời dặn: − Anh cố gắng tìm mua cho đúng loại thuốc này nhé! − Vâng, anh cứ tin ở tôi. Hiệp đi rồi, Thanh Dương dịu dàng trấn an Hạnh: − Em cứ an tâm đi! Khi đã có thuốc, dì Tư uống vào sẽ khoẻ và không còn bị mệt nữa đâu. Thúy Hạnh trìu mến nhìn Dương, chỉ qua một thời gian ngắn mà tình cảm nàng dành cho chàng đã tăng lên rất nhiều. Lúc này đây, Hạnh cảm thấy sung sướng và hạnh phúc thật nhiều, vì được ở gần bên Dương. Trong lúc ấy, Dương cũng rất vui sướng vì được gần gũi và chuyện trò thân mật với Hạnh. Chàng cảm thấy hài lòng vì có dịp được giúp đỡ cho mẹ nàng. Nhờ cơ hội này, tình cảm giữa chàng và nàng sẽ được tăng thêm. Giọng Thuý Hạnh chợt vang lên với vẻ biết ơn: − May hôm nay có anh ở đây, nên má em mau khoẻ. Em cám ơn sự giúp đỡ của anh! Thanh Dương dịu dàng gạt đi: − Việc nhỏ, có chi đáng kể đâu mà em phải cám ơn anh. Tuy chúng ta chỉ mới quen biết, nhưng anh đã mến em và xem em như bạn, nên anh rất vui khi có thể giúp cho em việc gì đó. − Với anh là việc nhỏ, nhưng với em lại là việc đáng kể lắm đấy. Thế nên em rất biết ơn anh! Thanh Dương trìu mến: − Em có coi anh là bạn của em không? − Có chứ, nếu anh không chê em là không xứng đáng. − Nếu đã là bạn của nhau, em đừng nói đến tiếng ơn nghĩa nữa. Vì bạn bè phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau mà. Không nghe Hạnh nói gì, Dương lảng qua chuyện khác mà chàng đang quan tâm: − Hạnh này, anh gì hồi nãy là thế nào với em vậy? − Dạ, ảnh tên Hoà Hiệp, là bạn láng giềng với em từ lúc còn nhỏ. Anh Hiệp rất tốt, thường hay sang chơi nhà và giúp đỡ má con em. Nỗi thắc mắc chợt nổi lên trong lòng Dương, chàng làm bộ như vô tình: − Là bạn bè mà anh thấy anh Hiệp nhiệt tình với em lắm, chắc là ảnh rất mến em. Dường như Hạnh hiểu được ẩn ý trong câu hỏi của Dương nên khéo léo trả lời: − Tình cảm giữa em và anh Hiệp chỉ là tình bạn bình thường thôi. Trước đây, nhà em và nhà ảnh ở sát bên nhau, nên rất thân thiết. Lâu nay, em vẫn luôn coi anh Hiệp như một người bạn. Dương rất vui khi nghe câu trả lời của Hạnh, chàng hỏi tiếp: − Ngoài anh Hiệp, chắc em còn nhiều bạn trai khác? − Không đâu anh, em chỉ có anh Hiệp là bạn trai thân thiết duy nhất, còn ngoài ra chỉ là chỗ quen biết vì cùng sống trong một xóm. Thế anh ở Sài Gòn chắc phải có nhiều bạn gái xinh đẹp? Dương thành thực: − Không nhiều đâu. Anh chỉ có hai cô bạn gái, nhưng đó cũng chỉ là bạn bình thường thôi. Hạnh thầm vui trong lòng khi nghe Dương nói thế, vì điều đó chứng tỏ chàng chưa có người yêu. Hai người nói chuyện thân mật với nhau thêm lúc nữa, Dương đề nghị: − Để anh vào xem bệnh dì thế nào rồi. Thấy bà Tư đã đỡ nhiều, Thanh Dương căn dặn Hạnh ít điều rồi từ giã ra về. Hạnh tiễn Dương ra đến tận cửa, rồi mới trở vào nhà. Nàng đến bên giường, dịu dàng ngồi xuống bên cạnh mẹ: − Má thấy khoẻ chưa má? Bà Tư nhẹ gật đầu: − Má thấy đỡ nhiều rồi. − Anh Dương chữa cho má hay thiệt, chỉ chút xíu là má đã thấy đỡ. Ảnh còn ghi tên thuốc, và con đã nhờ anh Hiệp chèo thuyền lên thị xã mua giùm, chừng có thuốc má uống sẽ thấy khoẻ ngay. Bà Tư xuýt xoa: − Má cũng thấy thằng Dương giỏi thiệt! Mà nó làm gì mà rành về thuốc vậy con? − Anh Dương là bác sĩ đó má. − Hèn gì thằng Dương giỏi quá! Nhưng sao nó lại tốt với má con mình đến thế? − Vì anh Dương xem con như bạn của ảnh, nên thấy có thể giúp đỡ được gì là ảnh sẵn sàng giúp ngay. Bà Tư tỏ vẻ ái ngại: − Thằng Dương nói vậy, chứng tỏ nó là người tốt nhưng sao má thấy ngại quá Hạnh à! − Má ngại gì chứ? − Ngại người ta nói má con mình thấy người sang bắt quàng làm họ, ngại người ta nói má con mình lợi dụng thằng Dương. Má ngại nhất là gia đình ông Ba Tính, cậu ruột của nó đấy. Tuy thấy lời mẹ nói có lý, nhưng Hạnh vẫn dịu dàng trấn an bà: − Má đừng quá lo! Mình không lợi dụng anh Dương, nên không ai có thể nói mình được. − Miệng thế gian, lấy tay đâu mà bịt được hả con? Vả lại, ông Ba Tính và ba con ngày xưa có mối hiềm khích với nhau, nên ông ấy không ưa gì gia đình mình đâu. Nghe mẹ nói, Hạnh mới hiểu vì sao lâu nay cả gia đình ông Ba Tính đều có ác cảm với nàng. Khi đã không ưa, chắc chắn gia đình ông Ba Tính sẽ không tán thành mối quan hệ giữa Dương và nàng. Chỉ mới nghĩ đến đó, Hạnh đã cảm thấy thật buồn. Nàng buồn cho tình yêu mới chớm nở của mình sẽ khó có thể trọn vẹn được. Không kềm nén được nỗi lòng, Hạnh quên rằng nàng đang ngồi trước mặt bà Tư để buông tiếng thở dài. Thấy thế, bà Tư dịu dàng lên tiếng: − Con buồn lắm sao Hạnh? Sực tỉnh, Hạnh vội chối: − Không đâu má, con không buồn gì đâu. − Con vừa thở dài, nên không thể giấu má được đâu. Nếu má không xét đoán lầm, thì tình cảm của con dành cho thằng Dương đã sâu đậm rồi phải không? Chưa muốn cho mẹ biết tình yêu của mình, Hạnh lại chối: − Má nghĩ lầm cho con rồi! Con và anh Dương chỉ mới quen nhau từ chiều hôm qua, thời gian đâu đã nhiều mà có tình cảm sâu đậm được hả má. − Chuyện tình cảm nhiều khi đâu cần phải có nhiều thời gian. Đôi khi chỉ cần một giây phút thoáng gặp nhau, cũng đủ để người ta có tình ý với nhau rồi. Hạnh vẫn cố chối cãi: − Nhưng tình cảm của con với anh Dương không mau lẹ như thế đâu má. Lúc này, con đối với anh ấy chỉ như một người bạn. − Nếu thế thì tốt! Má chỉ sợ con dấn sâu vào tình yêu mà không thành, sau này sẽ phải đau khổ. Từ nay, con nên dè chừng trong mối quan hệ với thằng Dương. Hạnh cố nén nỗi buồn để hỏi: − Con phải dè chừng như thế nào đây má? Chẳng lẽ cắt đứt mối quan hệ với anh Dương sao? Anh Dương là người tốt, nếu ảnh có thiện ý và nhiệt tình mà mình đối xử như thế thì thật không hay chút nào. − Con nói đúng. Tuy má chỉ mới lần đầu tiếp xúc với thằng Dương, nhưng thấy nó thật dễ mến. Thế nên má không buộc con phải cắt đứt mối quan hệ với thằng Dương, nhưng cũng đừng quá thân mật để phải khổ sau này đó. Hạnh lặng im, không biết phải nói sao với mẹ. Nàng thầm công nhận bà nói đúng, nhưng vì đã lỡ để trái tim rung động vì Thanh Dương, nên khó có thể nghe theo lời mẹ.Sau khi làm xong công việc cho mẹ, trên đường trở về, Ngọc Duyên ghé vào nhà Tố Uyên chơi. Vừa bước vào cổng, nàng đã nghe thấy tiếng cười vang lên từ khu vườn bên cạnh. Đoán là Tố Uyên đang đùa giỡn với ai đó, nên nàng vội đi về phía ấy. Đến nơi, Ngọc Duyên thấy Tố Uyên và Bích Phượng đang ngồi dưới gốc cây khế sai trái, vừa ăn khế chấm với muối ớt, vừa cười đùa với nhau. Nàng tươi cười lên tiếng: − Bắt quả tang hai đứa mày trốn ra đây ăn khế chua nha! Nghe tiếng Ngọc Duyên, cả Tố Uyên lẫn Phượng cùng ngước lên nhìn, rồi cùng la lên: − Ủa, con Duyên nè! − A, mày đến thấy đúng lúc quá, Duyên ơi! Ngọc Duyên bước lại gần, đứng chống nạnh nhìn hai cô bạn đang ngồi dưới gốc cây khế. − Hai đứa mày xấu tính quá! Ăn khế chua chấm muối ớt mà không kêu tao một tiếng, lại lẳng lặng ăn với nhau. Bạn bè gì mà xấu chơi quá! Tố Uyên nhe răng ra cười: − Hi... hi. Mày trách oan tụi tao rồi Duyên ơi! Nãy giờ, cứ mỗi lần cắn một miếng khế chua chấm muối ớt, tao lại lên tiếng nhắc đến mày. Tao nhắc hoài, chắc mày nhảy mũi lên mới biết mà mò đến đây chứ gì. Bích Phượng cầm mấy trái khế đã bị thối, giơ lên cao cho Duyên thấy: − Mày đừng lo hết khế! Tụi tao đã chừa riêng cho mày mấy trái khế ngon lành nhất đây nè. Ngọc Duyên chạy lại, nhéo cho Bích Phượng mấy cái đau thật đau. − Mày chơi xỏ tao phải không? Mấy trái khế này đã thối hết trơn, vậy mà mày dám bảo là ngon nhất hả. Được rồi, tao sẽ bắt mày phải ăn cho bằng hết. Phượng vừa la oai oái vừa vùng đứng dậy chạy vòng quanh cây khế, phía sau là Duyên rượt theo. − Ê, Uyên! Mày cứu bồ cho tao với chứ! Tố Uyên tỉnh bơ ngồi ăn khế chua chấm muối ớt: − Thôi, tao hổng dám cứu bồ cho mày đâu, kẻo lỡ con Duyên bắt tao ăn mấy trái khế ấy thì nguy. Ai biểu mày chọc ghẹo nó làm chi! Chạy một hồi mệt quá, Phượng ngồi đại xuống cạnh bên Uyên, hai tay chắp lại xá lia lịa: − Tao mệt quá rồi, Duyên ơi! Mày tha cho tao đi. Lần sau tao sẽ không còn dám chọc ghẹo mày nữa đâu! Ngọc Duyên trợn mắt, đe doạ: − Thôi được, lần này tao tha, lần sau cái miệng ăn mắm ăn muối của mày còn nói bậy bạ là chết với tao! Trong lúc Duyên ngồi xuống dưới gốc khế, Phượng hai tay dâng mấy trái khế vàng thật ngon trước mặt nàng. − Chọc mày chút cho vui, chứ tụi tao đã để dành mày mấy trái khế ngon thiệt ngon đây nè. Tố Uyên nói thêm vào: − Tụi tao đang định mang khế đến nhà cho mày, nhưng thật may mày đã đến đây. Thiệt đỡ cho tụi tao khỏi phải mỏi chân đi. Ngọc Duyên cầm trái khế chấm vào muối ớt, đưa lên miệng cắn, rồi xuýt xoa: − Chà, đã ghê! Công nhận khế chua nhà mày chấm muối ớt ngon thiệt đó Uyên. Tố Uyên vênh mặt: − Chứ sao! Nói hổng phải khoe, chứ cả vùng này, chỉ nhà tao là có giống ngon nhất. Mới chỉ nhìn thấy thôi, cũng đã đủ chảy nước miếng rồi. Bích Phượng bĩu môi: − Có xạo cũng vừa phải thôi! Ở quanh đây có thiếu chi cây khế ngon chẳng kém nhà mày, không tin mày theo tao đến nhà con Huyền là biết ngay hà. Ngọc Duyên hỉnh mũi: − Con Phượng nói mày xạo là đúng quá! Tao mới khen có một tiếng, mày đã bốc lên đến tận mây xanh. Mày cứ làm như chỉ mình nhà mày là có khế ngon vậy. Tố Uyên quê quá, bèn nhe răng ra cười trừ: − Hì... hì. Ấy là tao nói vậy, nếu không đúng thì thôi. Câu chuyện giữa ba cô gái tạm dừng vì cả ba mắc bận ăn khế, được một lúc Bích Phượng lên tiếng hỏi: − Ê Duyên, mày đi đâu về mà ghé đây vậy? − Tao đi công chuyện cho má tao, tiện đường tao ghé vào đây chơi với con Uyên một chút, ai dè lại gặp cả mày. Tố Uyên chen vào: − Con Phượng cũng mới qua đây chơi, tụi tao rủ nhau đến nhà mày đó. − Tụi bây đến chơi, hay có chuyện gì không? Bích Phượng nhanh miệng trả lời: − Trước là đến chơi, sau đó hỏi tội mày đó. − Tao tội gì mà hỏi chứ? − Tội quên! Thiệt mày chưa già mà đã mau quên như một bà lão chính cống. Tại sao tối qua mày không đến nhà tao ăn chè, mất công tao với con Uyên đợi đến dài cả cổ chứ? Ngọc Duyên kêu lên: − À, ngỡ chuyện chi chứ chuyện ấy không phải tao quên đâu. Tố Uyên trợn mắt: − Mày không quên! Vậy là tội của mày càng nặng hơn nữa. Nhất định kỳ này tao với con Phượng phải phạt mày mới được. Phượng liền hưởng ứng: − Đúng vậy! Phải phạt con Duyên thiệt nặng mới đáng tội của nó. Duyên lớn tiếng phản đối: − Tụi mày đúng là hấp tấp, nghe chưa lọt tai đã vội kết tội tao. Tao chưa nói hết ý mà. Tố Uyên đe: − Nè, đừng có tìm cách chạy tội nha. Ngọc Duyên vênh mặt: − Tao hổng có tội gì để phải chạy cả. Nè, tụi bay hãy vểnh tai lên nghe tao nói đây nè, sở dĩ tối hôm qua tao không đến ăn chè với tụi bay như lời hẹn là vì mắc bận tiếp đón ông anh mới từ Sài Gòn xuống chơi. Nghe thế, Phương nhao nhao: − Nè, có phải ông anh theo kiểu người dưng khác họ đem lòng nhớ thương không đó? Duyên gạt phắt đi: − Mày đừng có nói bậy! Ông anh này là con bác ruột của tao đấy. Tố Uyên cười cười: − Có ông anh họ quý báu mà nãy giờ mày im re, không chịu nói cho tụi tao biết há. Có phải mày định giấu tụi tao không đó? Duyên lắc đầu nguầy nguậy: − Không đâu. Tao giấu tụi mày làm gì chứ? Chẳng qua tao quên chưa nói cho tụi bay nghe đó thôi. − Thế bây giờ mày hãy nói rõ về ông anh quí báu của mày cho tụi tao nghe đi! − Được thôi, chuyện ấy dễ mà. Ông anh tao tên là Thanh Dương, năm nay mới có 26 cái xuân xanh, chưa có vợ lẫn người yêu. Nghe thế, mắt Uyên và Phượng sáng rực lên. Uyên xuýt xoa: − Chà, anh Thanh Dương của mày hấp dẫn quá Duyên ơi! Chưa có vợ lẫn người yêu! Mới nghe mày giới thiệu sơ sơ mà tim tao đã xao xuyến rồi đây nè. Phượng tía lia: − Mà anh Thanh Dương có đẹp trai không mày? − Đẹp trai chứ. Nếu tụi bay nhìn thấy, chắc chắn sẽ phải mê ngay. Nhưng chưa hết đâu, anh Dương còn là bác sĩ nữa đấy. Sau mấy phút lặng đi vì thán phục, Uyên chợt nở nụ cười cầu tài với Duyên: − Hì... hì, Ngọc Duyên ơi! Mày có biết là tao thương mày nhất trên đời này không? Duyên trố mắt nhìn bạn: − Mày định giở trò gì đây Uyên? Sao tự dưng lại bảo thương tao chứ? − Hì... hì, mày sao đa nghi quá! Tao chẳng có trò gì để phải giở ra với mày cả. Chẳng qua tao nói cho mày biết tao rất thương mày, để mày thương lại tao y như vậy. Duyên chợt hiểu ra: − Tao hiểu rồi, chắc mày định nhờ vả tao việc gì phải không? Uyên lại nhe răng ra cười: − Mày rất thông minh! Tạo định nói mày làm mai tao cho anh Dương của mày đấy, mày thấy có được không? Duyên chưa kịp trả lời, Phượng đã chen vào: − Cả tao nữa, Duyên ơi! Mày hãy làm mai cho tao với anh Dương đi! Ngọc Duyên nhìn hai cô bạn với ánh mắt nghi ngờ: − Ê, tụi bay đùa hay thật đấy? Cả Uyên lẫn Phượng đều nhao nhao: − Tao nói nghiêm chỉnh, không hề đùa chút nào. − Tao cũng không hề đùa với mày đâu. Duyên gật đầu: − Nếu tụi mày nghiêm chỉnh thì được, tao sẽ giúp. Nhưng khó là tao chỉ có một ông anh, mà cả hai đứa tụi mày đều muốn được làm mai, nên tao biết giúp đứa nào và bỏ đứa nào đây? Tốt hơn hết, hai đứa mày nên thương lượng để nhường cho nhau đi. Nghe có lý, Uyên và Phượng nhìn nhau: − Mày nhường cho tao nghe Uyên! − Tại sao người nhường lại là tao mà không phải là mày? Cứ thế, hai cô nàng cãi qua cãi lại mãi mà vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng, Duyên phải can thiệp: − Hai đứa tụi bây cứ cãi nhau thế này hoài, đến tối vẫn chưa xong. Do đó, tao có đề nghị hợp lý cho cả hai đứa. − Đề nghị ra sao? Mày nói mau đi. − Để tránh xích mích, tao sẽ không làm mai đứa nào cả, mà giới thiệu cả hai đứa mày với anh Dương. Sau đó hai đứa mày phải tự lo liệu lấy, anh Dương thích ai thì đứa ấy được. Sao, tụi mày có đồng ý với đề nghị của tao không?Cả Uyên lẫn Phượng đều tán thành: − Tao đồng ý cả hai tay. − Như thế là rất công bằng! tao chịu lắm. − Như vậy là xong há. Để lúc nào, hai đứa mày cùng đến nhà tao, tao sẽ giới thiệu với anh Dương. Uyên nôn nóng: − Tại sao không phải là ngay lúc này mà còn đợi đến lúc nào nữa chứ? Phượng tán thành: − Đúng thế, tao cũng đang nóng lòng muốn biết mặt anh Dương đẹp trai của mày đấy. Tao thấy hay hơn hết là ngay bây giờ, mày dẫn tụi tao về nhà mày đi. − Tao dẫn tụi mày về nhà thì được, nhưng anh Dương đâu có ở nhà để tao giới thiệu tụi mày với ảnh. Uyên nhanh miệng: − Thế anh Dương đi đâu vậy? − Tao cũng không biết nữa, chỉ nghe ảnh nói là đi vòng vòng trong xóm chơi cho biết. Phượng thắc mắc: − Chắc anh Hùng dẫn anh Dương hả? − Không, anh Dương đi một mình. Uyên và Phượng cùng tròn mắt ngạc nhiên: − Anh Dương không rành đường ngang ngõ cục trong xóm, không chừng ảnh sẽ bị lạc đấy. − Mà mày cũng ngộ quá Duyên à! Lẽ ra mày phải dẫn anh Dương đi đây đó, chứ sao lại để ảnh đi một mình? Duyên phân bua: − Tao cũng cóđề nghị đó chứ, nhưng anh Dương cứ một mực muốn đi một mình. Ảnh nói không biết đường thì hỏi thăm, thế nên tao đành chịu thua. Uyên chợt nêu ý kiến: − Hay là ba đứa mình đi kiếm anh Dương đi! Chứ lỡ ảnh đi lạc phải hỏi thăm lung tung thì tội nghiệp lắm! Phượng tán thành ngay: − Ý kiến của mày hay lắm, tao ủng hộ ngay! Thôi tụi mình đi ngay đi Duyên! Duyên ngần ngừ: − Ừ, đi thì được rồi nhưng đi đâu chứ? − Thì cứ đi vòng vòng trong xóm, cho đến khi nào gặp anh Dương thì thôi. Uyên nắm tay Duyên, kéo bạn đứng dậy: − Thôi đi chứ! Sao mày cứ ngồi lì ở đó hoài vậy? Bộ còn tiếc mấy trái khế lắm hả? Được rồi, cứ xong chuyện đi, tao sẽ dành cả cây khế cho một mình mày ăn cho đã thèm. Phượng cũng nóng nảy nắm tay Duyên kéo đi: − Nếu cây khế này chưa đủ cho mày ăn, tao sẽ đến nhà mấy con bạn xin thêm. Mày cứ an tâm đi với tụi tao! Duyên la oai oái: − Có đi thì cũng từ từ, làm gì tụi bây lôi kéo tao dữ vậy? − Không lôi kéo thì mày cứ ngồi lì ở gốc khế, làm sao tụi tao đi được chứ! Duyên chợt bật cười: − Thiệt tao không ngờ tụi mày nhiệt tình với anh Dương của tao quá! Biết được điều này, chắc ảnh sẽ cảm động lắm đấy. − Hì... hì, có vậy mới hy vọng lọt vào mắt xanh của anh Dương được chứ. Sau khi đi vòng vo hết đường này qua ngõ khác trong xóm mà vẫn không gặp Thanh Dương. Duyên đã bắt đầu thấy nản, nàng than van: − Cứ đi vòng vo kiểu này, tao mỏi chân muốn chết. Hay là tụi mình về đi, không chừng anh Dương đã về nhà tao rồi đấy. Uyên không đồng tình: − Chịu khó đi thêm chút nữa đi Duyên! Tao đoán anh Dương chưa về nhà đâu. − Căn cứ vào đâu mà mày đoán như thế chứ? − Hì...hì, thì tao nói đại vậy thôi, chứ có căn cứ gì đâu. Duyên liếc xéo bạn một cái thật sắc, rồi cũng tiếp tục đi. Được một lúc, bất chợt Duyên la lên: − A, anh Dương kia rồi, tụi bây ơi! Uyên và Phượng cùng thắc mắc: − Anh Dương đâu? Mày chỉ cho tụi tao. − Ảnh vừa từ trong căn nhà kia đi ra đó. Thôi tụi mình đi lẹ lên, để còn kịp theo ảnh chứ. Thế là ba cô gái rảo bước thật nhanh, nhưng lúc ngang qua căn nhà Dương vừa đi ra, họ không quên ghé mắt nhìn vào. Uyên tỏ vẻ ngạc nhiên: − Ủa! Đây là nhà con Hạnh mà, chẳng lẽ anh Dương mới xuống đây mà đã quen con Hạnh sao? Phượng gạt đi: − Không phải đâu. Chắc anh Dương vô tình ghé đây để mua gì đó. Uyên cãi lại: − Mày nói sai rồi, anh Dương mới từ Sài Gòn xuống đây, đâu thiếu thốn chi để phải mua chứ. Phượng đang định phản đối thì Duyên đã lên tiếng: − Con Uyên đã nói đúng, anh Dương có quen với con Hạnh đấy. Phượng xuýt xoa: − Chà, sao con Hạnh quen được với anh Dương lẹ vậy ta? − Có gì đâu. Chiều hôm qua, anh Dương bị lỡ chuyến đò cuối, con Hạnh liền cho ảnh quá giang về đây. Thế là trong lúc đi đường, anh Dương đã nói chuyện và quen với nó. Uyên chắc lưỡi: − Coi vậy mà con Hạnh may mắn thiệt! Nó chẳng cần phải có ai giới thiệu mà cũng quen với anh Dương một cách dễ dàng. Phượng tỏ vẻ chán nản: − Vậy là tụi mình chậm chân hơn con Hạnh, nên chẳng hy vọng gì nữa đâu. Uyên cũng ỉu xìu: − Cái kiểu này đành phải rút lui sớm cho khỏi mất công! Duyên bĩu môi, dài giọng chê hai cô bạn: − Chưa gì mà tụi bây đã nản rồi! Tuy con Hạnh quen anh Dương trước, nhưng chắc gì ảnh đã thích nó đâu. Uyên phản ứng liền: − Tao nghĩ là anh Dương thích con Hạnh. Vì có thế, snág nay ảnh mới đến chơi nhà nó chứ. − Ừ, cứ cho là anh Dương thích con Hạnh đi, nhưng nó sẽ không có hy vọng gì đâu. Vì cả nhà tao đều không ưa nó. Phượng bật cười: − Mày nói chuyện ngộ ghê! Tình yêu là chuyện riêng tư của anh Dương, đâu mắc mớ gì đến nhà mày mà nói chuyện ưa với không ưa chứ. − Đã đành là thế, nhưng ý kiến gia đình tao cũng tác động đến anh Dương nhiều lắm chứ. Mà thôi, bây giờ nói qua chuyện tụi mình đây. Hai đứa mày có còn muốn tao giới thiệu với anh Dương nữa không? Cả Uyên lẫn Phượng đều nhao nhao: − Có chứ, tụi tao đã bỏ cuộc đâu. − Vậy soa hồi nãy tao thấy hai đứa mày ỉu xìu như cái bánh bao chiều vậy? Phượng cười bẽn lẽn: − Tại thấy anh Dương quen với con Hạnh nên tao hơi mất tinh thần chút thôi. Nhưng sau khi nghe mày trấn an, tao đã có tinh thần trở lại rồi. Quay qua Uyên, Duyên hỏi: − Còn mày đã lấy lại tinh thần chưa? − Yên trí, lúc này tinh thân tao còn cao hơn cả con Phượng nữa. − Vậy tụi mình đi lẹ lên, để mau gặp anh Dương. Ba cô nàng rảo bước nhanh hơn. Khi đến gần Thanh Dương, Duyên gọi lớn: − Anh Dương! Chờ tụi em với. Thanh Dương dừng bước và quay lại, chàng tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy Duyên và hai cô bạn của nàng: − Ủa, Ngọc Duyên! Em di đâu đây? Duyên nhoẻn cười: − Em sợ anh đi lạc nên đi kiếm anh đây nè. − Lạc làm sao được chứ? Tuy anh không rành đường ở đây, nhưng anh hỏi thăm bà con là sẽ biết ngay. − Tại tánh em hay lo xa ấy mà! A, quên mất, để em giới thiệu cho anh biết bạn của em nha. Đây là Tố Uyên, còn đây là Bích Phượng, cả hai đều là bạn thân của em đấy. Trong lúc Uyên và Phượng nở nụ cười làm quen với Thanh Dương, thì chàng vui vẻ hỏi Duyên: − Em không giới thiệu anh cho các cô bạn của em biết sao? Duyên lém lỉnh: − Em đã giới thiệu anh với tụi nó từ hồi nãy rồi. Thanh Dương tỏ vẻ ngạc nhiên: − Vậy ư? Nhưng Uyên và Phượng đã gặp mặt anh đâu mà giới thiệu chứ? − Ậy, thì em cứ nói về anh trước cho tụi nó biết, để bây giờ gặp mặt nữa là đủ. Dương quay qua hỏi Uyên và Phượng: − Hồi nãy Duyên đã nói thế nào về anh với hai em? Uyên lí lắc: − Anh Dương cứ an tâm đi! Con Duyên không nói xấu gì đâu, ngược lại nó toàn nói tốt về anh thôi hà. − Cụ thể là Duyên đã nói gì? Phượng lanh miệng trả lời: − Duyên nói anh trẻ, lịch sự, đẹp trai. Dương cười, nói đùa: − Bây giờ đã gặp anh rồi, chắc hai em mới thấy những lời Duyên nói là không đúng chút nào, phải không? Uyên lắc đầu: − Không phải đâu anh. Em thấy Duyên đã nói rất đúng về anh. Bốn người vừa đi vừa vui vẻ chuyện trò với nhau. Trong lúc Dương hoàn toàn vô tư với Uyên và Phượng, chàng chỉ coi hai cô gái giống như Duyên thì Uyên và Phượng lại xao xuyến tâm hồn vì chàng. Trong trái tim hai cô gái đã bắt đầu nảy nở mối thiện cảm đặc biệt dành cho Dương.Lúc đi ngang qua nhà, Uyên nắm tay Phượng giữ lại. Thấy thế, Duyên hỏi: − Hai đứa mày không đến nhà tao nữa sao? Uyên lắc đầu: − Trời đã trưa rồi, tao phải về nhà phụ việc với má tao. Để lúc khác tụi tao sẽ đến. − Thế cũng được, vậy tao với anh Dương về trước nha. Duyên và Dương đi rồi, Uyên và Phượng đứng lặng nhìn theo. Tuy chỉ mới lần đầu gặp gỡ nhưng tình cảm của hai cô đều dành cho Dương thật nhiều, trong tâm tư của cả hai cô đều mong ước chiếm được tình cảm của chàng trai dễ mến. Khi Duyên và Dương đã đi khuất, Phượng mới sực nhớ ra nên quay qua cự Uyên: − Ê, hồi nãy mày không muốn đến nhà con Duyên chơi thì thôi, mắc gì phải nắm tay tao kéo lại chứ? Uyên cười lấp liếm: − Tại tao quên, cứ ngỡ là mày cũng định về nhà như tao. Phượng bĩu môi: − Thôi đi, mày đừng có giả vờ giả quê với tao nữa. Tao thừa biết mày chẳng quên gì cả, chẳng qua mày không muốn cho tao theo con Duyên về nhà nó để nói chuyện với anh Dương. Tuy Phượng đã nói đúng sự thực, nhưng Uyên vẫn cố chối: − Mày đừng ngờ oan cho tao! Tao đâu phải người nhỏ mọn như mày nghĩ. Phượng dấm dẳng: − Nhỏ mọn hay không thì tự mày biết rõ mà! Chưa gì mà mày đã chơi xấu tao rồi. Uyên bực tức hét lên: − Tao không có chơi xấu mày, mày đừng có bịa chuyện rồi đổ tội cho tao! − Tao mà thèm bịa chuyện cho mày à? Không bao giờ, sự việc rành rành ra đó mà. Uyên đâm nói ngang: − Nếu mày thích thì bây giờ cứ chạy theo con Duyên và anh Dương đi! Hai người ấy chưa về đến nhà đâu. Muốn chọc tức Uyên, nên Phượng tỏ vẻ hăm hở: − Mày khỏi phải khích, tao sẽ đuổi theo con Duyên ngay bây giờ đây. Nói xong, Phượng bỏ đi theo lối Duyên và Dương vừa đi. Nhưng đến ngã tư, nàng theo đường khác về nhà, trong lòng cảm thấy bực tức vì sự đối xử không hay của bạn. Về phần Uyên, nàng bực tức đứng nhìn theo Phượng cho đến khi khuất bóng, trong lòng nỗi lên nổi ghen tức. Nàng cứ tưởng tượng ra cảnh Phượng vui vẻ chuyện trò với Dương mà tức tối. Nếu không vì lời nói khi nãy, Uyên đã chạy theo ngay đến nhà Duyên rồi. Nhưng bây giờ thì nàng không còn cách nào khác ngoài việc thở dài, rồi lủi thủi đi vào nhà. Về đến nhà, Duyên mới cảm thấy khát. Nàng quay qua hỏi Dương: − Anh có thấy khát không? Dương nhẹ gật đầu: − Khát chứ. Thế nên anh phải đi uống nước đây. Duyên níu cánh tay Dương: − Anh ra vườn với em! Em sẽ chặt dừa cho anh uống. Lúc này anh đang khát, uống nước dừa sẽ thấy hết khát ngay. − Thế thì tuyệt biết bao! Hai người đi ra khoảnh vườn bên hông nhà, đến bên những cây dừa lùn tịt mọc cạnh bờ kênh. Duyên chỉ những chùm dừa sai trái và nói: − Đây toàn là dừa xiêm, uống rất ngon. Anh chờ một chút, để em chặt cho anh uống. Dương xuýt xoa: − Chà, cũng may là những cây dừa này lùn tịt, chứ nếu cao thì thật khó mà hái nổi. − Anh khéo lo quá đi! Nếu cao thì trèo lên mà chặt, đâu có hề chi. Duyên trao cho Dương một trái dừa xiêm, còn nàng cũng cầm một trái: − Anh uống thử coi nước dừa xiêm có ngọt không? Dương cầm trái dừa xiêm, đưa lên miệng uống một hơi dài, sau đó mới trả lời: − Ngọt lắm! Anh uống vào đến đâu, thấy đã khát đến đó. − Ở thành phố, anh có hay giải khát bằng nước dừa không? − Có, nhưng chỉ là dừa thường thôi, không có dừa xiêm đâu. − Nếu vậy, mỗi ngày em sẽ chặt cho anh uống nha. − Được vậy thì còn chi tuyệt bằng! Hai người tiếp tục uống nước dừa, Duyên sực nhớ ra nên bảo: − Hồi nãy anh đi những đâu vậy? − Thì anh đi vòng vòng trong xóm, cho đến lúc gặp em đó. Duyên trợn mắt nhìn Dương: − Sao, anh chỉ đi vòng vòng thôi à? Biết khó có thể giấu được Duyên nên Dương đành phải nói thực: − Anh có ghé vào nhà Thúy Hạnh. Duyên tỏ vẻ hài lòng: − Ít ra anh phải thành thực như thế mới được, mà anh ghé nhà Hạnh chi vậy? − Tất nhiên để thăm cô ấy. Duyên cong môi: − Mới cách xa có một đêm mà anh nhớ đến phải đi thăm sao? Bộ anh đã cảm Thúy Hạnh rồi ư? Mặc dù sự thực đúng là thế, nhưng Dương chối ngay: − Làm gì có chuyện ấy, anh và Hạnh mới quen biết, chỉ là bạn bè với nhau thôi. Anh có đến thăm Hạnh cũng như đến thăm một người bạn. − Cứ cho là bạn bè như lời anh nói, nhưng chắc chắn anh phải mến Thúy Hạnh nên mới mau mắn đến thăm cô ta chứ? Dương chống chế: − Không hoàn toàn như lời em vừa nói đâu. Tuy anh cũng có thiện cảm với Hạnh nhưng điều chủ yếu là ở đây anh không có ai là bạn, ngoài cô ấy ra. Thế nên anh muốn thân thiết với Hạnh để cho vui vậy mà. Lâu nay, Duyên vẫn có ác cảm với Thúy Hạnh nên nàng không hài lòng chút nào khi thấy Dương muốn thân thiết với Hạnh. Duyên tìm cách nói xấu người mà nàng không ưa. − Anh đã biết gì về Thuý Hạnh mà muốn thân thiết với cô ta chứ? − Vì mới quen nên anh chưa biết nhiều về Hạnh, nhưng anh có cảm giác Hạnh là người con gái thùy mị, dịu hiền và nết na. Thế nên anh quí mến và muốn kết bạn với cô ấy. Duyên cười nhạt: − Coi chừng anh lầm đó! Dương nhẹ lắc đầu: − Anh tin là anh không lầm lẫn chút nào, qua tiếp xúc với Hạnh, anh có thể hiểu phần nào về con người cô ấy mà. − Thế anh không nghĩ là khoảng thời gian tiếp xúc ấy quá ngắn, chưa đủ để anh có thể hiểu hết con người Thuý Hạnh ư? − Vậy ra Thuý Hạnh là người không tốt? Duyên gật đầu nhanh: − Đúng, Thuý Hạnh là người không tốt. Em sống ở đây nên em đâu có lạ gì cô ta. Dương tỏ vẻ không tin: − Thật khó có thể tin được Thúy Hạnh là người không tốt! − Bởi vì anh chỉ mới xuống tới đây, chưa hiểu gì về Thúy Hạnh nên mới lầm vẻ bề ngoài do cô ta tạo ra. Chứ như em và những người sống ở đây lâu, Hạnh đâu thể lừa gạt được. − Thế Thuý Hạnh không tốt ở điểm nào? Duyên bịa chuyện để nói xấu Hạnh: − Vì ỷ vào sắc đẹp của mình nên Hạnh thường hay lên mặt với các bạn gái cùng trang lứa, nhưng với đám thanh niên trong xóm thì cô ta lại không đứng đắn chút nào. Hết đi với anh này, lại hò hẹn với anh kia. Dương bán tín bán nghi, không biết có nên tin lời của Duyên hay chăng? Vì chỉ qua thời gian tiếp xúc ngắn, nhưng nhận xét của chàng về Hạnh hoàn toàn khác, chẳng lẽ nàng lại tệ đến thế ư? Nhận thấy nỗi phân vân của Dương, Duyên tiếp tục nói xấu: − Vì thế em mới lưu ý anh, để anh đừng có lầm vẻ đoan trang thùy mị do Thúy Hạnh cố tình tạo ra để nhử anh. Dương cười, nhẹ phẩy tay: − Em nói quá rồi, anh có là gì đâu mà Hạnh cần phải nhử chứ. − Chính anh khiêm tốn chứ không phải em nói quá đáng đâu. Vì ở vùng quê này, một bác sĩ giỏi mà lại đẹp trai như anh là rất có giá, là niềm mơ ước không chỉ có Thuý Hạnh mà còn của nhiều cô gái khác nữa. Thế nên Thuý Hạnh có đem sắc đẹp ra nhử anh cũng là điều tất yếu. Dương lắc đầu: − Em đề cao anh quá đáng rồi, thực tế anh không có giá như em nói đâu. Duyên tức tối kêu lên: − Không lẽ với anh mà em còn đặt chuyện để nịnh sao? Em đã nói anh có giá là đúng với sự thực mà, nếu em không phải em bà con của anh, em cũng đã để ý anh rồi đó. Dương đùa: − Tôi đủ rồi, em đừng nói thêm nữa kẻo mũi anh nở lớn sẽ bể ra bây giờ. Cả hai cùng cười vui vẻ, sau đó Duyên hỏi: − Bây giờ đã biết con người thực của Thúy Hạnh không tốt, anh định thế nào? Thực tâm Dương không mấy tin vào lời của Duyên mà lại tin vào sự nhận xét của chính chàng, Hạnh không thể là một người như Duyên vừa nói. Chắc chắn phải có lý do nào đó, Duyên mới đưa ra nhận xét không hay cho Hạnh. Tuy nghĩ thế nhưng Dương thấy khó trả lời, vì chàng vừa không muốn mất lòng Duyên lại cũng không muốn làm cái việc mà Duyên đang muốn chàng phải làm. Không nghe Dương trả lời, Duyên nóng nảy lên tiếng: − Sao anh không trả lời em? Chậm rãi, Dương nói thực: − Anh không định gì cả. Duyên cắn môi: − Vậy là anh vẫn tiếp tục kết bạn và thân thiết với Thúy Hạnh? Dương lẳng lặng gật đầu, khiến Duyên không khỏi bực tức trong lòng, nàng lên tiếng hỏi với giọng ấm ức: − Thế ra nãy giờ anh không tin lời em nói về Thuý Hạnh? Dương đứng dậy, cố ý lảng tránh câu hỏi của Duyên: − Thôi bỏ chuyện này đi, chúng mình vô nhà nghe em. Duyên vùng vằng: − Em không chịu đâu. Anh phải trả lời em rồi muốn đi đâu thì đi. Dương còn đang lúng túng, chưa biết phải xử sự ra sao thì thật may có tiếng bà Ba Tính gọi Duyên từ trong nhà vọng ra. Chàng liền lên tiếng: − Kìa mợ Ba kêu anh và em. Thôi chúng mình mau vô nhà kẻo mợ chờ sẽ rầy đấy. Rồi không chờ Duyên đồng ý, Dương đi nhanh vào nhà. Duyên đành phải lẽo đẽo đi theo, nhưng trong lòng ấm ức vô cùng.Dương cắm cúi bước nhanh trên con đường mòn, trong lúc tâm tư miên man nghĩ về Thúy Hạnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, chàng đã yêu nàng bằng tất cả trái tim mình. Kể cũng thật kỳ lạ! Vì Hạnh đâu phải người con gái đầu tiên chàng gặp trên đời, cũng không phải cô gái có sắc đẹp nhưng chàng lại yêu nàng tha thiết. Tình yêu ấy có lẽ đã xuất hiện trong trái tim, ngay khi anh vừa gặp nàng lần đầu tiên. Đã yêu rồi, Dương không còn muốn giấu kín tình yêu trong tim mình nữa. Chàng muốn thố lộ tình yêu ấy với Hạnh để nàng hiểu ước vọng của trái tim chàng, đồng thời cũng muốn tìm hiểu tâm sự của Hạnh để xem có hình bóng chàng trong trái tim nàng chăng? Thế nên trong lúc này, chàng vội vã đến nhà Hạnh để bày tỏ ước vọng cháy bỏng ấy. Đến nhà Hạnh, Dương không thấy nàng đâu, chỉ thấy bà Tư đang ngồi trông hàng ở nhà ngoài. Ngỡ Hạnh đang bận làm việc ở trong nhà, Dương vội vã bước vào, lễ phép chào bà Tư: − Chào dì, hôm nay dì đã khoẻ? Bà Tư cười gật đầu: − Cám ơn cậu, hôm nay tôi thấy đỡ nhiều, mời cậu ngồi chơi. − Dì cứ để cháu tự nhiên. Trong lúc Dương ngồi xuống ghế thì bà Tư lại trầm tư với những suy nghĩ riêng tư. Thực lòng bà rất mến Dương vì thấy chàng hiền lành và tốt bụng, tất nhiên là người nhiều kinh nghiệm ở đời, bà cũng biết Dương đến đây vì Hạnh. Nhưng bà lại rất ái ngại khi nghĩ đến khoảng cách giữa Dương và con gái mình, đã thế còn có mối hiềm khích giữa gia đình bà và cậu ruột Dương. Nếu giữa hai đứa có tình cảm với nhau, chắc chuyện tương lai khó có thể thành, lúc ấy lại thêm đau khổ. Cố nén tiếng thở dài, bà Tư nhẹ hỏi: − Chắc cậu đến kiếm con Hạnh? Dương ái ngại nói tránh đi, tuy sự thực đúng như lời bà Tư nói: − Cháu đến là có ý thăm dì đã đỡ bệnh chưa. Bà Tư cười, vẻ như hiểu tâm tư của Dương: − Cậu thật có thiện ý với tôi. Nhưng cậu đừng lo lắng gì nữa, tôi đã thấy khoẻ rồi. À, còn con Hạnh vừa đi khỏi. Cậu ngồi chơi đợi một chút, nó sẽ về tới. Cảm thấy ngại, Dương tìm cách rút lui: − Biết dì đã khoẻ, cháu an tâm. Bây giờ cháu có chuyện cần phải đi, lúc khác cháu sẽ đến thăm dì. Bà Tư không giữ, còn Dương thất vọng ra về vì không gặp được Hanh. Chàng biết phải đi đâu và làm gì trong lúc này, Dương cứ lững thững thả bước trên những con đường vắng bóng người. Ngang qua một cái gò nhỏ, thấy có bóng cây và xung quanh nở đầy những cánh hoa dại, Dương ghé vào ngồi nghỉ và lặng lẽ ngắm những đoá hoa đua nhau nở ở trước mặt. Bất chợt có tiếng chân người vang lên ở con đường mòn, khiến Dương phải ngước nhìn lên. Chàng phải vui mừng biết bao khi thấy người đang đi tới chính là Hạnh, còn nàng cũng thật ngạc nhiên lẫn vui mừng khi bất chợt thấy chàng. Không một chút chần chừ, Dương đứng vụt dậy chạy ra con đường mòn để đón đầu Hạnh. Hai người nhìn nhau với ánh mắt dạt dào yêu thương, còn trái tim họ thì rộn ràng nhịp đập. Lúc này, họ không còn muốn giấu tình cảm nồng nàn của mình nữa. Chờ cho những ngọn sóng tình yêu lắng xuống, Dương mới trìu mến nói: − Hồi nãy anh có đến nhà kiếm em nhưng không gặp, em đi đâu về vậy? Hạnh dịu dàng: − Em đem ít hàng cho dì Tám ở xóm trên. Còn anh, sao biết em về đường này mà ngồi đón vậy? − Thực tình anh không biết. Anh đi lang thang, sau đó tình cờ thấy nơi này đẹp nên ghé vào nghỉ chân. Thật may mắn là anh lại gặp em. Hạnh chớp nhẹ đôi mắt huyền: − Anh gặp em có chuyện gì không? − Có một chuyện rất quan trọng. Nhưng thôi, chúng mình hãy vào bóng mát trên gò ngồi nghỉ chân, sau đó anh sẽ nói cho em biết. Hạnh ngoan ngoãn đi cạnh bên Dương, trong lòng hồi hộp vì điều chàng sắp nói nói nàng. Sau khi đã ngồi cạnh nhau dưới bóng cây mát, Dương trìu mến nhìn Hạnh, dịu dàng: − Em có đoán được điều anh sắp nói với em không? Nhìn vào đôi mắt chan chứa tình yêu của Dương, nàng se sẽ gật đầu: − Em đã phần nào đoán ra, nhưng anh cứ nói cho em biết đi. Giọng Dương thật dịu dàng bên tai Hạnh: − Anh yêu em, Thúy Hạnh à! Còn em có yêu anh không? Trong niềm hạnh phúc dạt dào, Hạnh se sẽ gật đầu. Sau đó, cả hai người cùng lặng đi, chỉ còn đôi trái tim vẫn rộn ràng với bài ca tình yêu. Chậm rãi bước theo con đường mòn chạy dọc theo bờ sông, Hiệp vừa đi vừa nghĩ đến Hạnh, không biết giờ này nàng đang làm gì? Nàng có nhớ đến chàng như chàng đang nhớ đến nàng không? Từ tình bạn thân thiết lúc ấu thơ, cho đến nay tình bạn ấy đã biến thành tình yêu tha thiết trong trái tim Hiệp. Từ lâu rồi chàng đã yêu cô bạn nhỏ bằng tình yêu nồng thắm, nhưng đó vẫn chỉ là tình yêu đơn phương từ trái tim chàng. Còn Hạnh, nàng chưa hề thố lộ tình cảm gì ngoài tình bạn thân thiết. Điều ấy khiến Hiệp không hỏi buồn bã, chàng còn lo lắng khi thấy sự xuất hiện của Dương bên cạnh Hạnh. Với Tấn Phước, chàng không mấy e ngại cho bằng Thanh Dương. Vì chàng tự thấy mình thua kém Dương rất nhiều. Lo lắng nhưng Hiệp không biết phải làm sao, chàng chỉ còn hy vọng điều chàng nghi ngờ không phải là sự thực, và Hạnh sẽ chuyển từ tình bạn với chàng sang tình yêu tha thiết. Mãi suy nghĩ, Hiệp đã đi đến chỗ chàng đặt mấy cái nơm để bắt cá. Bất ngờ, một cảnh tượng bày ra trước mắt khiến Hiệp phải choáng váng, mấy cái nơm bắt cá đã bị ai đó lấy ra khỏi chỗ cũ và phá nát, rồi quăng bên đám cỏ ven đường. Hiệp đau xót ngồi xuống bên cạnh mấy cái nơm bị rách, trong lòng căm hận kẻ đã phá chàng. Lẽ ra sáng nay chàng đã có được mớ cá ngon để đem bán kiếm tiền sinh sống, nhưng thế này thì không còn gì nữa. Sự việc này xảy ra, rõ ràng đã có người rất căm ghét chàng. Và vì căm ghét nên kẻ ấy đã ác độc lén lút phá phách phương tiện làm ăn kiếm sống của chàng. Kẻ đó có thể là ai nhỉ? Hiệp cứ suy nghĩ mãi không tìm ra được người có thể hại mình. Lâu nay, chàng đâu thù oán gì với ai. Thế nên sự việc này khiến Hiệp bối rối vô cùng. Bực bội lẫn tức giận, Hiệp cũng không biết phải làm gì hơn là trở về nhà. Vì chàng cód dứng mãi ở đây cũng chẳng tìm ra kẻ đã hại mình, nhưng suốt trên đường về Hiệp vẫn suy nghĩ mong tìm ra kẻ xấu đang giấu mặt. Đang cắm cúi mãi miết bước đi, Hiệp chợt nghe tiếng Hạnh gọi lớn: − Anh Hiệp! Hoà Hiệp dừng bước, trong lúc Hạnh bước đến gần chàng với nụ cười dễ mến trên môi. Nàng thân thiết hỏi: − Anh vừa ra thăm nơm cá về phải hôn? Hiệp lẳng lặng gật đầu, Hạnh lại dịu dàng: − Chắc hôm nay không có cá nên anh mới buồn xo? Thôi anh đừng buồn nữa, hôm nay thất thì mai lại được. Anh buồn làm chi cho mệt. Hiệp ỉu xìu: − Không phải anh buồn vì không có cá, mà vì lẽ khác kìa. − Bộ có chuyện gì xảy ra sao anh? Giọng Hiệp đầy nỗi căm tức: − Không biết kẻ nào đã lén phá nát mấy cái nơm của anh, rồi quăng nó bên đường. Hạnh tròn xoe mắt vì ngạc nhiên: − Có chuyện ấy sao? Mà ai lại cá độc đến nỗi phá anh như thế chứ? Anh có nghĩ ra ai đã hại anh không? Hiệp nhẹ lắc đầu: − Nãy giờ anh đã nghĩ đến nát óc, nhưng vẫn chưa tìm ra kẻ nào đã hại anh. Yên lặng một chút, Hạnh gợi ý: − Có lẽ một người nào đó có thù oán gì với anh, nên mới lén lút phá anh để trả thù đó. Hiệp xua tay: − Không phải như thế, vì lâu nay anh đâu có thù oán gì với ai. − Làm sao anh hiểu hết được mọi người? Biết đâu có người nào đó ghét anh vì một lý do nào đó mà anh không để ý đến. Hiệp trầm ngâm một chút, rồi gật gù: − Em nói có lý! Trong lúc Hiệp chưa đoán ra người đã phá chàng, thì Hạnh lại ngờ ngợ người xấu giấu mặt ấy chính là Tấn Phước. Chẳng phải anh ta đã từng ra mặt ghen tức với Hiệp vì chàng là người yêu của mình đó sao? Nếu suy nghĩ của Hạnh đúng thì quả là tội nghiệp cho Hiệp đã bị vạ lây. Nhìn gương mặt ỉu xìu của Hiệp, Hạnh cảm thấy bất nhẫn nên nàng tươi cười nói: − Chuyện cũng không đáng gì, anh chẳng nên buồn giận cho thêm mệt. Người nào có ý xấu với anh thì cuộc sống của họ cũng không thể tốt đẹp được. Hiệp lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng: − Mấy cái nơm không đáng kể, anh có thể làm lại được cái khác. Nhưng với kẻ xấu anh không thể bỏ qua được, anh nhất định phải tìm cách vạch mặt hắn. Hạnh chợt thấy lo lắng khi nghĩ đến cuộc ấu đả có thể xảy ra, nếu như Hiệp bắt gặp Tấn Phước phá hại anh. Nhưng nàng đâu có lý do gì để ngăn cản việc làm của Hiệp, nên nàng chỉ còn biết giấu nỗi áy náy trong lòng.− Duyên ơi! Mày có ở nhà không? Nghe có tiếng người gọi ở ngoài cổng, Dương biết có bạn của Duyên đến tìm cô, nên chàng vội ra mở cửa. Cũng vừa lúc ấy Tố Uyên đi tới, thấy Thanh Dương nàng vội nhoẻn cười: − Chàng anh Dương. Ngọc Duyên có nhà không anh? Dương vui vẻ đáp lại: − Chào Tố Uyên. Duyên có công chuyện vừa đi khỏi. Uyên nhẹ cắn môi: − Thật không may! Em đến kiếm nhỏ thì nhỏ lại đi khỏi. − Em kiếm Duyên có chuyện chi cần không? Uyên cười, nhẹ lắc đầu: − Không có gì, chẳng qua buồn nên em kiếm Duyên nói chuyện cho vui. − Nếu thế thì em hãy ở lại chờ, chút xíu nữa Duyên sẽ về đến. Tố Uyên làm bộ ngần ngừ: − Có chắc là Duyên sắp về không anh? − Chắc chắn, anh bảo đảm với em mà! Uyên làm bộ xuôi theo: − Anh đã nói chắc, em sẽ ở lại chờ. Dù sao cũng đã mất công đến đây, chẳng lẽ lại về không. Dương ra dấu mời: − Em vào nhà uống nước và ngồi chờ Duyên luôn. Uyên nhìn quanh rồi từ chối: − Cám ơn anh, em không khát. Em thích ngồi ngoài này chờ Duyên cho mát. − Tuỳ ý em, anh không ép. Uyên ngồi xuống bậc thềm, trong lúc ánh mắt chăm chú nhìn Dương. Nàng làm bộ hỏi: − Anh Dương có bận việc chi thì cứ đi làm đi, mặc kệ em mà. − Đâu được, khách đến nhà mà chủ nhân bỏ đi thì bất lịch sự quá. Cho dù bận việc chi anh cũng phải tạm gác lại để tiếp chuyện với em. − Nhưng em đâu phải khách xa lạ, mà là bạn của Duyên. Em đã thân thuộc với ngôi nhà này như nhà của mình. − Đành là thế, nhưng anh vẫn thấy không được chút nào nếu để em ngồi một mình nơi đây. Ít ra anh phải thay Duyên trò chuyện với em cho đến lúc nhỏ ấy về, hay là em không thích nói chuyện với anh? Uyên xua tay lia lịa: − Anh đừng hiểu lầm em! Thực ra em rất... thích được nói chuyện với anh, chẳng qua em chỉ ngại mất công việc của anh. Dương cười và ngồi xuống bậc tam cấp, gần bên Uyên: − Em lo xa quá! Anh có việc chi đâu mà bận. Uyên yên lặng nhìn ra khoảnh vườn xanh ngát bên hông nhà, tâm hồn cảm thấy xôn xao kỳ lạ. Lâu nay, cứ mỗi lần nghĩ đến Thanh Dương, nàng lại bắt gặp cảm giác kỳ lạ này trong tâm hồn. Có lẽ nàng đã yêu Dương nên khi xa chàng, nàng luôn nhớ mong, còn lúc được gặp như lúc này thì nàng lại thấy hạnh phúc thật nhiều. Ước chi nàng mãi được gần bên Dương như thế này! Liếc nhìn Dương, Uyên lên tiếng: − Anh về đây chơi có thấy buồn không? Dương nhẹ lắc đầu: − Anh không thấy buồn chút nào, ngược lại còn thấy rất vui. Sao em lại hỏi anh như thế? − Vì em nghĩ anh ở thành phố đã quen, nay về nông thôn có thể sẽ buồn nhưng không ngờ là anh đã tìm được niềm vui ở đây. Anh có thể cho em biết nguyên nhân khiến anh vui khi về đây không? − Cũng không có gì lạ. Về đây, anh được gặp cậu mợ Ba, Ngọc Duyên, được sống ở một khung cảnh khác lạ với thành phố nên anh thấy vui và thoải mái. Uyên tỏ vẻ nghi ngờ: − Có thực chỉ là những lý do ấy không anh? − Thực chứ! Sao em lại nghi ngờ anh? Uyên vội chối: − Em đâu dám nghi ngờ anh không thực, chẳng qua em sợ anh quên lý do chính yếu đấy chứ. Thanh Dương thầm giật mình khi nghĩ Uyên chắc muốn ám chỉ đến Thúy Hạnh, chàng nhẹ xua tay như để khoả lấp: − Tất cả đã đầy đủ, anh chẳng quên lý do nào cả. Uyên nhìn Dương, nhấn mạnh: − Vậy mà em thấy anh có quên đấy. Dương làm thinh vì chàng nghĩ thái độ ấy trong lúc này là đúng đắn nhất, nhưng Uyên vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nàng lên tiếng: − Anh đã quên nên em nhắc lại coi có đúng không nha? Có thể nào lý do khiến anh vui khi về chốn đồng quê này là đã gặp được người trong mộng của mình chăng? Dương thầm nghĩ: Tố Uyên hỏi thế chắc nàng đã đoán ra mối quan hệ giữa chàng và Thúy Hạnh, tất nhiên mối tình giữa hai người trong sáng không có gì phải che giấu. Nhưng trong lúc này, Dương thấy chưa cần thiết phải bộc lộ ra tất cả, thế nên chàng trả lời: − Em thật khéo tưởng tượng! Uyên làm thinh, song trong lòng rất phân vân. Không lẽ nàng đã nhận xét không đúng về mối quan hệ giữa Dương và Hạnh? Chẳng lẽ anh không có tình ý gì với Hạnh mà sự gặp gỡ của họ chỉ như bè bạn? Có thể như thế lắm! Đôi khi chỉ nhìn bên ngoài, người ta dễ dàng kết luận hai người có tình yêu, trong lúc thực sự họ không có gì với nhau. Ý nghĩ ấy khiến Uyên cảm thấy an tâm, đồng thời cũng thấy hy vọng thật nhiều. Sau mấy phút lặng yên để suy nghĩ, nàng quyết định tận dụng cơ hội gặp gỡ đầy may mắn này để bày tỏ nỗi lòng của nàng cho Dương hiểu rõ. Nhoẻn nụ cười duyên, Uyên lên tiếng nói bóng gió xa xôi: − Anh Dương nè, anh có bao giờ nghĩ là hiện có một người rất có tình cảm với anh không? Dương thầm ngạc nhiên, không hiểu vì sao bỗng dưng Uyên lại hỏi chàng như thế nhưng rồi chàng chợt hiểu ra nguyên nhân, có thể là Tố Uyên đang tìm cách bày tỏ tình yêu với chàng. Dương cười, lảng tránh: − Anh không bao giờ dám nghĩ điều ấy có thể xảy ra, anh không có cái duyên được như thế. Ánh mắt Uyên nhìn Dương đầy tha thiết: − Tại anh khiêm tốn nên mới không thấy được điều ấy, chứ thực sự có người đang rất có tình cảm với anh đấy. − Có lẽ em đã nhận xét lầm về tình cảm của người nào đó dành cho anh, riêng anh hoàn toàn không thấy có chuyện ấy. Uyên ngồi sát lại bên Dương, giọng nàng thật tha thiết: − Vì anh không chú ý, nên không hay biết điều ấy xảy ra. Sự thực là có một người con gái đang dành cho anh một tình cảm thiết tha. Người ấy đã yêu anh ngay từ lần đầu gặp anh đấy. Dương bối rối, không biết phải đối xử ra sao với Uyên. Đến lúc này chàng dã hiểu rõ Uyên yêu chàng và đang muốn thố lộ tình yêu nhưng Dương làm sao có thể đáp lại được. Chàng cũng không muốn Uyên phải bẽ bàng khi tình yêu bị từ chối, nên Dương phải tìm cách chặn lại câu tỏ tình của Uyên. Vội vã đứng dậy, Dương nhẹ xua tay: − Hãy bỏ chuyện ấy đi Uyên, anh không thấy hứng thú để nói hoài chuyện ấy. Hay chúng ta vào nhà uống nước, anh cảm thấy khát rồi đấy. Dương dợm bước đi như muốn cắt đứt câu chuyện với Uyên, nhưng nàng đã nhanh nhẹn đứng dậy nắm lấy cánh tay chàng níu lại: − Anh đừng lảng tránh em! Lâu nay em đã chờ đợi cơ hội này để nói nỗi lòng của em cho anh hiểu, hôm nay em quyết phải nói ra điều ấy, không thể để nó chất chứa mãi trong tim. Biết không thể lẩn tránh sự việc, Dương quay lại nói với Uyên bằng giọng nghiêm nghị: − Anh khuyên em không nên nói ra điều ấy, vì sẽ không có ích gì cho em đâu. Uyên cương quyết: − Không, anh không thể ngăn cản được em đâu. Em phải nói ra để tâm hồn em được nhẹ nhõm, thanh thản, rồi sau đó có ra sao cũng mặc. Anh Dương, em yêu anh! Yêu ngay từ lần đầu gặp anh. Nhưng từ bấy lâu nay anh cứ dửng dưng, khiến em phải sầu phải khổ. Dương nhìn Uyên đang trong nỗi xúc cảm dạt dào mà cảm thấy tội nghiệp cho cô ta. Dẫu sao tình yêu của Uyên cũng chân thành song đã được đặt không đúng chỗ, nên sẽ chuốc lấy thật vọng não nề. Tuy không muốn Uyên phải buồn song Dương không thể không nói rõ lòng mình, chàng dịu dàng lên tiếng: − Tố Uyên à, lẽ ra em không nên nói ra điều này vì anh biết nó không đem lợi ích gì cho em. Nhưng vì em đã nói nên anh thấy cần phải tỏ thật lòng anh, anh luôn coi em như người em gái giống như Duyên vậy. Ngoài ra, anh không hề có tình cảm nào khác dành cho em đâu. Sau giây phút ngỡ ngàng, Tố Uyên lắc đầu nguầy nguậy: − Em không muốn anh xem em như em gái, em không mong muốn thứ tình cảm ấy. Em xin anh dành cho em tình yêu kìa. Dương nhẹ khoát tay: − Anh không thể dành cho em tình yêu, dù chỉ là chút ít nhỏ nhoi. Em phải hiểu cho anh! − Nhưng tại sao anh không thể dành tình yêu cho em? Hay anh chê em quê mùa, không xứng đáng được anh yêu? − Em đừng hiểu lầm! Anh không bao giờ dám chê bai gì em, chỉ là vì anh không hề yêu em. Đôi giọt nước mắt sầu khổ đã lăn dài xuống hai má Uyên, khiến Dương không khỏi mủi lòng thương hại: − Anh rất tiếc đã làm em buồn, nhưng anh không thể làm khác được. Tố Uyên à, em hãy quên tất cả những gì vừa nói với anh, cả anh cũng vậy. Chúng ta hãy xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tố uyên không màng đến lời đề nghị của Dương, nàng vừa lau nước mắt vừa hỏi: − Có phải vì anh đã yêu Thúy Hạnh, nên mới từ chối tình yêu của em không? E ngại Uyên sẽ hằn thù Hạnh, Dương nói tránh đi: − Em không nên suy đoán vẩn vơ! Việc anh không yêu em không dính dáng chi đến hạnh cả. Uyên lắc đầu: − Em không tin! Nhất định anh đã yêu Thúy Hạnh nên mới chối từ em. Anh không thể che giấu được việc ấy đâu. Nói xong, Uyên quay ngoắt đi và bước thẳng ra ngõ, trong lòng sôi sục nỗi căm ghét Thúy Hạnh. Uyên cho là chỉ vì Hạnh mà Dương mới từ chối tình yêu của cô ta.Thế nên cô ta phải tìm mọi cách để trả cho được mối hận này.− Anh Hiệp! Sao mặt anh bị những vết thâm tím thế kia? Nghe Hạnh hỏi, Hiệp cúi mặt như muốn che giấu những vết bầm trên mặt trước mắt đăm đăm của Hạnh. Chàng trả lời quầy quả cho qua chuyện: − À, không sao đâu em. Tối qua, anh sơ ý vấp té nên mới bị thế. Nhưng dường như Hạnh không tin lời Hiệp, nên nàng cứ mãi chăm chú nhìn chàng: − Anh nói nghe khó tin quá, nếu có vấp té thì chỉ bầm đôi chỗ, đằng này em thấy anh bị gần như khắp cả mặt. Nhất định không phải anh bị vấp té, mà một chuyện gì đó đã xảy ra nhưng anh giấu em. Hiệp xua tay lia lịa: − Anh nói thực, sao em không tin anh? Anh chỉ bị vấp té, chứ không có chuyện chi giấu em cả. Hạnh vẫn khăng khăng: − Nhất định phải có chuyện, anh mới ra nông nỗi thế này. Anh không thể qua mắt được em đâu. Hiệp bối rối nhìn Hạnh, chàng thấy khó có thể giấu được sự việc dưới đôi mắt nhận xét của Hạnh. Nhưng nói ra thì chàng không thích chút nào. Hiệp còn đang phân vân, giọng hờn dỗi của Hạnh đã vang lên: − Em quan tâm đến anh nên mới hỏi thăm, anh không muốn nói thì thôi, em không dám ép. Nói xong, Hạnh quay mặt đi hướng khác khiến Hiệp hoảng sợ phải vội năn nỉ: − Kìa, Thúy Hạnh, em đừng giận anh! Không phải anh không muốn nói cho em biết, mà vì... Thấy đã bắt nọn được Hiệp, Hạnh quay mặt lại nghiêm giọng: − Vậy là anh đã tự nhận anh không bị vấp té rồi nhá, bây giờ muốn em không giận anh phải thành thực nói rõ cho em biết chuyện gì đã xảy ra với anh. Hiệp thở dài, khiến Hạnh phải bật cười: − Bộ anh đã làm chuyện gì không hay nên nói ra sợ mắc cỡ với em phải không? Hiệp ỉu xìu, lắc đầu: − Không phải thế đâu. − Vậy là lý do gì mà anh ngại nói ra? − Anh thấy không tiện, nên không muốn nói cho em nghe. Với lại sự việc không đáng gì, cho qua là hay nhất. Nghe thế, Hạnh càng tò mò: − Sự việc thế nào, anh nói đại cho em nghe đi, em nôn nóng muốn biết lắm rồi. − Em có nhớ mấy cái nơm đánh cá của anh bị kẻ xấu tan nát bữa hổm không? Hạnh nhẹ gật đầu ; − Em vẫn nhớ. − Đêm qua anh đã bỏ công đi rình, cuối cùng cũng đã biết được kẻ xấu phá anh là ai. Hạnh háo hức hỏi tới: − Kẻ xấu ấy là ai vậy anh? − Chính là Tấn Phước. Hạnh tròn xoe đôi mắt vì ngạc nhiên:− Tấn Phước à? − Chính là hắn. Đêm qua, Phước định phá mấy cái nơm của anh một lần nữa, nhưng không may cho hắn là đã bị anh bắt được tại trận. − Rồi anh đã làm gì Phước? Giọng Hiệp đầy căm tức: − Với con người xấu ấy, anh đã không kềm được nóng giận nên đã cho hắn một trận, để lần sau hắn đừng làm bậy như thế nữa. Hạnh tỏ vẻ không tán thành: − Tuy Phước làm bậy, nhưng anh xử sự như thế không nên chút nào. − Vậy em bảo anh phải làm thế nào? Chẳng lẽ đứng trơ mắt ếch ra nhìn hắn phá đồ của mình sao? − Em không nói thế, nhưng cũng không nên mỗi chút mỗi dùng đến sức mạnh. Nếu có thể ôn hoà giải quyết được sự việc thì vẫn hay hơn. Hiệp hậm hực: − Với một kẻ xấu và không biết lẽ phải như Phước thì không thể ôn hoà với hắn được đâu. − Nhưng anh cũng phần nào bị ảnh hưởng, anh đã soi gương khuôn mặt của anh chưa? Anh bị nhiều vết bầm lắm đấy. Hiệp giơ tay sờ vào những vết bầm trên mặt, chàng nhún vai với vẻ coi thường: − Đã va chạm, tất phải có sứt mẻ. Nhưng không sao, với anh chẳng nhằm nhò gì. Hạnh nhìn những vết bầm của Hiệp với ánh mắt xót xa: − Anh không nên xem thường mấy vết bầm này, không khéo chúng sẽ để sẹo lại trên mặt anh đấy. Hiệp cười, phẩy tay: − Em đừng quá lo cho anh bị xấu! Anh biết cách đối phó với mấy vết bầm này mà. − Chắc anh bị đau lắm, phải không? − Lúc mới bị thì hơi ê ẩm, nhưng bây giờ thì hết rồi. Hạnh tỏ vẻ quan tâm: − Để em lấy dầu cho anh xoa nhé? Hiệp nhẹ xua tay: − Em khỏi mất công, anh đã xoa dầu từ nãy rồi. Tuy từ chối sự săn sóc của Hạnh, nhưng trong lòng Hiệp lại thấy vui sướng thật nhiều. Từ lâu, chàng đã thầm yêu nàng tha thiết nên bất cứ sự quan tâm nào dù nhỏ nhoi của Hạnh cũng đều đem đến cho trái tim đang yêu của chàng niềm hạnh phúc. Hiệp còn đang thầm vui sướng trong lòng thì Hạnh đã lên tiếng: − À, anh Hiệp này! Anh có lấy làm lạ về hành động phá phách của Phước không? Tự dưng anh không thù không oán với hắn, sao hắn lại có thể phá anh chứ? Hiệp cười nhạt: − Trước đây khi chưa hiểu rõ thì anh rất thắc mắc, nhưng bây giờ thì anh không còn chi lạ lẫm. Tuy anh không hề thù oán chi với Phước, nhưng chính hắn lại đem lòng thù oán với anh. − Phước phá mấy cái nơm của anh chính là để trả thù mối oán hận? − Đúng thế, chính miệng Phước đã thừa nhận điều ấy. Hạnh nhíu mày: − Anh có biết vì sao Phước lại sinh lòng thù oán với anh không? Hiệp nhẹ gật đầu: − Chuyện ấy bây giờ không còn là bí ẩn với anh nữa, nguyên nhân khiến Phước thù oán với anh chính vì hắn... ghen đấy. Lâu nay Phước theo tán tỉnh em mà không được em đáp lại, nên nghi ngờ anh là người... yêu của em. Vì vậy, hắn dồn mọi thù oán vào anh và tìm cách trả hận. Hạnh làm thinh. Những điều Hiệp vừa tiết lộ không hề gây cho nàng chút ngạc nhiên, vì nàng đã ngờ ngợ đoán ra nguyên nhân từ lúc biết Phước là kẻ xấu. Nhưng có một điều khiến Hạnh phải áy náy, đó là sự thiệt thòi cho Hiệp. Nàng không hề có tình ý gì với chàng, ấy mà chàng lại mang tiếng lại phải mang vào người những điều phiền toái. Tiếng Hiệp lại vang lên, cắt đứt suy nghĩ của Hạnh: − Qua những lời hằn học của Phước, anh biết hắn yêu em và không thể chịu đựng nổi khi nghĩ anh là người yêu của em. Phước còn lớn tiếng đe doạ, nếu anh không tránh xa em, hắn sẽ còn tiếp tục phá anh nữa. − Thế anh có nói gì với Phước không? − Có chứ, anh đâu sợ gì Phước mà không đáp trả lại. Anh đà nói thẳng vào mặt hắn là anh không quan tâm đến lời đe doạ của hắn, anh vẫn tiếp tục làm những gì anh thích làm, nếu hắn còn tiếp diễn những việc xấu thì anh sẽ không tha cho hắn. Hạnh lắc đầu, ra ý không hài lòng: − Lẽ ra anh không nên nói như thế. − Vậy em bảo anh phải nói như thế nào nữa? − Phước đã lầm lẫn anh là người yêu của em nên mới làm bậy để trả thù, nên anh phải nói rõ cho hắn hiểu sự thật, lúc ấy Phước sẽ bỏ đi lòng thù hận với anh ngay. Hiệp nhún vai: − Anh e rằng Phước sẽ không tin lời anh thanh minh đâu. Vả lại, anh cũng không hề sợ hắn để phải mất công như thế. Phước nghĩ thế nào cũng mặc kệ hắn, nhưng nếu hắn còn giở trò xấu thì anh sẽ ăn thua đủ với hắn. − Như vậy sẽ thiệt thòi cho anh, khi không lại mang tiếng oan và chuốc vào người những rắc rối. Hiệp sung sướng thầm nghĩ: Không, anh không hề cảm thấy thiệt thòi khi phải mang tiếng oan là người yêu của em đâu. Từ lâu anh đã thầm yêu em và ước muốn được là người yêu của em, nên anh rất vui sướng được mọi người nghĩ là thế, cho dù họ nghĩ không đúng. Ước chi sự lầm lẫn của mọi người lại trở thành sự thực thì hạnh phúc cho anh biết bao! Thấy Hiệp lặng thinh. Hạnh thắc mắc: − Anh nghĩ gì mà im lặng vậy? Sực tỉnh, Hiệp mỉm cười: − Anh đang nghĩ là em đã quá lo xa. Anh không thấy mình bị thiệt thòi chút nào cả. Hạnh khăng khăng: − Nhưng em rất áy náy về chuyện ấy và không muốn hiểu lầm cứ mãi xảy ra. Anh hãy nghe em đến gặp Phước để thanh minh sự hiểu lầm ấy đi. Hiệp lắc đầu: − Anh thấy không cần thiết và cũng không muốn làm việc ấy. Hạnh lặng nhìn Hiệp một chút, rồi quyết định: − Thôi được, anh không muốn làm, em cũng không dám ép. Tự em sẽ đến gặp Phước để thanh minh về chuyện này. Hiệp tỏ vẻ ngạc nhiên: − Kìa, Hạnh! Sao em lại qua trọng hoá chuyện này đến thế? Em mất công đến thế để làm gì chứ? Dư luận người đời làm sao em thanh minh cho hết được? − Em chỉ lo cho anh. − Nhưng tự anh đã thấy không cần thiết, em còn bận tâm làm gì? Hạnh lặng lẽ thở dài, không còn biết phải nói gì để Hiệp hiểu. Nàng không thể nói thẳng rằng nàng đã yêu người khác, nên chàng đừng hy vọng gì chuyện hiểu lầm ấy trở thành sự thực. Thấy Hạnh buồn bã lặng thinh, Hiệp dịu dàng lên tiếng: − Em chẳng nên buồn vì một chuyện không đâu ấy. Bây giờ Phước có hiểu lầm, rồi dần dần hắn ta sẽ thấy rõ sự thực, còn nếu sự việc ấy có trở thành... sự thực thì lại càng... tốt chứ sao. Hạnh không khỏi giật mình vì câu nói đầy ẩn ý của Hiệp: − Không nên đùa như thế, anh Hiệp à! Giọng Hiệp nghiêm trang: − Anh không đùa đậu Thúy Hạnh à, em cần biết là lâu nay anh đã thầm... yêu em tha thiết, nhưng chưa dám thố lộ cùng em. Đó là lý do anh mong ước cho sự hiểu lầm của Phước trở thành sự thực. Hạnh bối rối lặng im, nàng không ngờ Hiệp lại đột ngột tỏ tình với nàng. Bây giờ nàng biết phải nói gì với chàng? Giọng tha thiết của Hiệp lại vang lên: − Sao em lại im lặng vậy Hạnh? Em hãy nói gì với anh đi chứ? Hạnh cúi mặt: − Em biết nói gì với anh bây giờ. − Nói rằng ước mong của anh sẽ trở thành sự thực. Hạnh buồn bã lắc đầu: − Em không thể. Hiệp ngỡ ngàng nhìn Hạnh đăm đăm: − Tại sao vậy em? Hạnh thấy áy náy vô cùng nhưng đã ở vào hoàn cảnh này, nàng không thể không nói thẳng để Hiệp hiểu rõ lòng nàng: − Vì em không hề yêu anh. Hiệp lặng người đi vì buồn và thất vọng, vậy là tất cả những ước vọng của chàng đã sụp đổ tan tành. Thế là hết, hết tất cả! − Còn một câu hỏi anh mong em trả lời thành thực cho anh biết. Có phải người em đang yêu là Thanh Dương không? Hạnh se sẽ gật đầu: − Vâng, chính là anh ấy. Dường như chỉ cần biết đến thế, Hiệp buồn bã đứng dậy lủi thủi ra về, bỏ lại phía sau ánh mắt buồn và áy náy của Hạnh đang ngóng trông theo.