17.- Tính khoe khoang
Thứ hai, ngày mồng 5

Hôm qua, tôi đi chơi với anh Vôtini và cha anh. Khi qua phố Đôra, chúng tôi thấy anh Xtađia đang quay lại đá vung mấy người bạn đã vô ý dẫm phải chân anh trong khi anh mải nhìn một bản địa đồ treo trong hiệu sách ( vì anh học cả ở ngoài trường ). Chúng tôi gọi, anh chỉ hơi chào trả, thực là thiếu lịch sự!
Chúng tôi mặc anh và thẳng đường đi. Tôi để ý nhìn anh Vôtini thì bao giờ anh cũng ăn mặc xa hoa quá thể, đối với một đứa trẻ con như anh. Giày da dê, áo nẹp thêu, mũ phớt trắng, đồng hồ vàng. Anh ra bộ giương giương tự đắc lắm, nhưng lần này thì bị nhụt!
Cha anh thủng thỉnh đi sau, còn anh và tôi thì chạy trước. Chúng tôi đến một cái ghế đá, đã thấy có một cậu bé cúi đầu ngồi nghỉ, vẻ mệt nhọc. Một người đàn ông nữa, có lẽ là cha cậu, đi tản bộ dưới bóng cây, xem báo. Hai chúng tôi cùng ngồi ghế. Anh Vôtini len ngồi giữa tôi và cậu bé và tìm cách làm cho cậu chú ý đến mình.
Anh giơ một chân lên hỏi tôi:
_ Anh đã xem đôi giày bốt tin kiểu "sĩ quan" của tôi rồi chứ?
Anh nói thế cốt để cậu bé kia nhìn đôi giày mới của anh nhưng cậu bé không hề liếc mắt.
Thấy vô hiệu, anh bỏ chân xuống rồi vừa trỏ vào những cái "lon" kim tuyến ở tay áo, vừa liếc sang cậu bé mà bảo tôi rằng:
_ Này anh! Lối viền này coi rợn quá! Tôi định thay bằng bộ cúc bạc!
Nhưng cũng phí lời, vì cậu bé ngồi yên như thường.
Anh Vôtini liền đặt mũ lên ngón tay trỏ quay tít. Cậu bé nhất định không nhìn.
Tức mình, anh rút luôn đồng hồ, mở nắp cho tôi xem các bánh xe. Nhưng cậu hàng xóm vẫn không nhúc nhích.
Tôi hỏi:
_ Đồng hồ anh mạ vàng?
Anh đáp:
_ Không. Bằng vàng cả.
_ Nhưng bao giờ người ta cũng pha ít bạc vào.
_ Không. Tôi cam đoan với anh rằng đồng hồ tôi toàn vàng.
Rồi cố ý bắt cậu bé kia phải trả lời, anh giơ đồng hồ ngang mặt cậu và nói:
_ Này anh coi, có phải bằng vàng cả không?
Cậu kia trả lời cụt ngủn.
_ Tôi không biết.
Như bị trêu chọc, Vôtini kêu:
_ A! A! Làm bộ nhỉ!
Anh vừa kêu thì cha anh lại. Ông nhìn cậu bé rồi vội bảo anh:
_ Im!
Xong ông ghé vào tai anh nói nhỏ:
_ Đứa bé khốn nạn này mù, con ạ!
Vôtini nhìn kỹ cậu bé thì thấy hai con ngươi trơ như cùi nhãn.
Anh kinh ngạc, cứng người, mắt nhìn xuống đất, lẩm bẩm:
_ Chết chửa! Mình không biết...
Cậu bé mù, hiểu cả, nở một nụ cười tử tế thoảng qua nét buồn nói:
_ Không hề gì...
Xét ra, Vôtini là một kẻ hợm mình thực, nhưng lòng anh không độc vì từ lúc ấy, anh kém vui và có vẻ nghĩ ngợi.

Truyện TÂM HỒN CAO THƯỢNG Lời người dịch 1.- Ngày khai trường 2.- Thầy giáo mới 3.- Một tai nạn 4.- Cậu bé miền Nam 5.- Bạn tôi 6.- Lòng hào hiệp 7.- Trên rầm thượng. (1) 8.- Học đường 9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1) 10.- Em bé quét mồ hóng 11. Người bán than và ông quý phái 12. Mẹ tôi 13.- Học trò nghèo 14.- Ân nhân của bạn Nelli 15.- Em bé trinh sát 16.- Kẻ khó 17.- Tính khoe khoang 18.- "Chú phó nề" 19.- Quả cầu tuyết 20.- Các cô giáo trường tôi 21.- Thăm ông già bị nạn 22.- Chàng viết mướn thành Phirenzê 23.- Lòng biết ơn 24.- Thầy giáo phụ 25.- Đứa con người thợ rèn 26.- Phranti bị đuổi 27.- Chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha 28.- Lòng ái quốc 29. - Bà mẹ anh Phơranti 30.- Chiếc xe hoả máy 31.- Một kẻ tù phạm 32.- Làm khán hộ cho cha 33.- Chú hề con 34.- Ngày cuối cùng hội Giả trang 35.- Những trẻ em mù 36.- Lớp học tối 37.- Đám đánh nhau 38.- Người tù số 78 39.- Trước ngày 14 tháng Ba 40.- Lễ phát phần thưởng 41. Lòng cháu 42.- Chú phó nề trong phút hiểm nghèo 43.- Viện dục anh 44.- Thầy học cũ của cha tôi 45.- Kỳ dưỡng bệnh 46.- Bạn ta là thợ 47.- Bà mẹ anh GARÔNÊ 48.- Lòng nghĩa hiệp 49.- Hy sinh 50.- Một vụ hoả tai 51.- Quê người tìm mẹ 52.- Trường câm điếc 53.- Đi ngoài phố 54.- 32 độ 55.- Cha tôi 56.- Thú quê 57.- Cuộc phát thưởng cho thợ thuyền 58.- Lời cảm tạ 59.- Đắm tàu 60.- Trang cuối cùng của mẹ tôi