Thu cầm tấm thiệp cưới của Ngôn trong tay mà không biết lòng mình vui hay buồn, thôi thế cũng xong, để từ nay Thu an phận với tình yêu của Tánh mà khỏi phải phân vân đắn đo, một bên là mối tình đầu từ thưở còn Trung học, một bên là tâm đầu ý hợp của tuổi trưởng thành đã làm Thu thức trắng bao đêm vì suy nghĩ.
Thu và Tánh cặp nhau từ hồi còn trung học, chỉ vì đem bích báo của trường mình đi giới thiệu lẫn nhau mà hai người gặp nhau như một “tiếng sét ái tình”. Tuổi chỉ mới 16, 17 thôi, cặp nhau chưa được bao lâu mà đã thề non hẹn biển búa xua trời đất lên, lúc bấy giờ, nếu mà gia đình đôi bên có ngăn cản chắc là họ quyết sống chết với tình yêu của họ đấy!
Rồi tuổi bồng bột của thời mới lớn qua đi, Thu xong lớp 12, lấy thêm một vài “cua” trên đại học để làm “duyên” chứ nàng chưa hề tốt nghiệp một chứng chỉ nào hết thì đã đi làm, còn Tánh bị động viên vào Thủ Đức, nhờ “gốc bự” nên khi ra trường được ở ngay Saigon. Tình yêu của hai người lắng dịu trở lại chứ không còn “nóng hổi” như ngày mới lớn nữa. Ra đời rồi, Thu chín chắn và biết suy nghĩ hơn, nàng thấy Tánh ngoài cái mả bề ngoài bảnh bao, cao ráo và một tình yêu chân thật cho Thu ra, Tánh chẳng được một cái gì cả, ăn nói cộc lốc, tính tình hời hợt không có chiều sâu và ham vui, gió chiều nào ngả theo chiều nấy. Thu biết rõ mình không hợp với Tánh mà sao vẫn không đủ can đảm dứt khoát, có lẽ nàng bị ray rức bởi lời thề “năm xưa”, nàng sợ bị mang tiếng là kẻ phản bội, thà làTánh phụ nàng trước có lẽ nàng thấy nhẹ nhõm hơn, nhiều lúc suy nghĩlại mối tình giữa nàng vàTánh,bThu thấy đó không phải là tình yêu, cho đến khi gặp Ngôn, Thu mới biết thì ra tình cảm của nàng đối với Tánh chỉ là tình bồng bột của tuổi học trò. Ngôn diện mạo không được bằng Tánh, thâm trầm, ít nói nhưng hiểu biết và nhất là bao dung. Ngoài ra Ngôn còn có biệt tài an ủi người khác rất là hay, lần đầu nói chuyện với Ngôn, Thu cảm phục liền. Ngôn là cấp trên của Thu và cũng là người xét đơnxin việc của Thu đã tuyển Thu vào làm việc trong một hãng tư nằm trên đường Nguyễn Huệ quận nhất.
Hai năm trời làm chung một sở, Ngôn rất ân cần đối với nàng, đã từng rủ nàng đi chơi riêng, đi xi nê với nhau, nhưng tuyệt nhiên chưa hề mở miệng nói yêu Thu bao giờ. Tuy vậy, Thu vẫn biết Ngôn rất có cảm tình với nàng, duy chỉ có một điều, Thu thật không hiểu, Ngôn nhiều lúc thân mật, vui vẻ khoát vai nàng như một cặp tình nhân, nhiều lúc lại lạnh lùng, trầm tư như lạc vào một thế giới nào khác, cho nên Thu cũng rất e dè trong chuyện tình cảm đối với Ngôn mặc dù Thu rất quí Ngôn. Có nhiều đêm, nàng suy tư rồi tư hỏi: nếu bây giờ mà Ngôn ngỏ lời cầu hôn, nàng có nên nhận lời không nhỉ? Tự vấn lòng, Thu thấy nàng cảm phục Ngôn nhiều hơn chứ chưa phải là yêu và nàng cũng biết từ cảm phục đến yêu chỉ trong gang tấc. Cho nên nàng rất giới hạn, không bao giờ dại dột đi quá cái ranh giới đã vạch sẵn giữa nàng và Ngôn, bởi Thu còn đang ray rứt chuyện giữa nàng vàTánh, tuy rằng lớn lên, Tánh có vài điểm không hợp với nàng, nhưng tấm chân tình của Tánh dành cho Thu cũng khó có ai sánh kịp, nhiều lúc Thu nghĩ: hay lấy quách Tánh đi cho yên phận, biết đâu lại hạnh phúc như lời mấy con bạn “lý sự cùn”: “lấy người thương mình sướng hơn lấy người mình thương”. Huống chi nàng đã từng một thời yêu thương đắm đuối với Tánh, bây giờ không còn “trẻ con” nữa, tình yêu đằm trở lại chứ chưa hẳn nàng đã hết yêu Tánh. Nếu không còn cảm tình với Tánh sao nàng lại vẫn cứ đi chơi với Tánh? vẫn để Tánh đưa đón đi làm? vẫn cứ lui tới với gia đình chàng coi như chấp nhận đương nhiên sẽ là vợ Tánh sau này? Thu cứ bị rối nùi trong cái vòng lẩn quẩn như vậy mà không sao giải quyết được. Hôm nay cầm thiệp cưới của Ngôn trong tay, sau một lúc đắn đo, suy nghĩ, nàng thở phào nhẹ nhõm cất tấm thiệp vào trong ví và vui vẻ nghĩ thầm: “Mình sẽ rủ Tánh đi dự tiệc cưới của Ngôn”.
Thu đi làm về, vừa bước lên lầu đã thấy đồ đạc của mình bị vất thành từng đống ngoài cửa buồng, chưa kịp lên tiếng hỏi, Hồng từ trong phòng của Thu thò đầu ra nói: “Tao về ở nhà luôn, phòng chật quá, mày ra ngoài ở đỡ”. Hồng là chị ruột của Thu, lấy chồng được hơn một năm chưa có con, chồng Hồng là một sĩ quan quân đội. Hồng theo chồng lên tận Pleiku ở. Sau cái Tết 1975, thấy tình hình chiến sự có vẻ căng thẳng, Quân, chồng của Hồng khuyên Hồng nên về Saigon ở, để có gì một mình Quân cũng dễ xoay sở. Lúc chưa lập gia đình, Hồng và Thu ở chung một phòng, khi Hồng xuất giá rồi, Thu đương nhiên trở thành chủ căn phòng đang ở. Bây giờ Hồng quay trở về gia đình, quen được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ nên tánh lấn lướt và ăn hiếp Thu. Tưởng khi lấy chồng rồi, Hồng biết suy nghĩ sẽ bớt đi, nào ngờ Hồng lại càng ích kỷ hơn ai hết. Không cần biết có được Thu đồng ý hay không, Hồng ngang nhiên vất hết đồ đạc của Thu ra ngoài để độc chiếm căn phòng. Hồng quả là ngang ngược và ích kỷ, Thu không chịu được lên tiếng phân trần:
- Chị đã đi lấy chồng, bây giờ chị có quay về, bất quá em với chị lại chung phòng như xưa, cớ sao chị lại vất hết đồ của em ra ngoài như thế này?
- Đồ đạc tao nhiều lắm, làm sao mà ở chung được? chật lắm!
- Thì chị cũng phải chờ em về để em dọn dẹp đồ của em chứ có lý đâu lại làm bừa như vầy. Rồi tối nay em ngủ đâu?
- Mày ra gác ngoài mà ngủ.
Thu ấm ức vừa khóc tức tưởi vưà kéo đồ đạc bị Hồng vứt bừa bãi ra gác ngoài. Thu nhìn thấy bố và anh cả của Thu đang toát mồ hôi cưa đục để làm tấm vách ngăn đôi cho Thu được một phòng vì căn gác ngoài này khá rộng lại là giang san riêng biệt của người anh cả. Nhìn thấy Thu, bố xoa đầu Thu an ủi:
- Thôi con, nhịn chị một tí đi, Bố với anh Long đã mua gỗ về làm sắp xong cho con cái phòng rồi đây này. Thu tủi thân cùng cực:
- Tại sao chị Hồng là chị mà cái gì bố cũng bắt con phải nhường, phải nhịn?
Thu nhớ hồi nhỏ, lúc chị chưa lập gia đình, mẹ phân chia chị rửa chén buổi sáng, Thu rửa chén buổi chiều. Một tháng 30 ngày, chị nhờ Thu hết 29 ngày, chị giả vờ xìu xìu, ễn ễn nói: hôm nay tao bịnhmày rửa chén dùm đi nhé! trong lúc Thu rửa chén thì chị ráo hoảnh ngồi chễm trệ trên sa lông tán dóc với bạn bè không một chút mệt nhọc. Đó là chị lười, chị láu cá chứ bệnh hoạn cái gì. Thu vừa dọn dẹp vừa khóc thút thít thì Tánh đến. Tánh rủ Thu đi Thủ Thiêm chơi, Thu đang buồn quá nên theo Tánh đi ngay.
Tánh vừa kịp ngừng xe cho Thu leo xuống, đẩy vội chiếc vespa vào nhà thì Trời đổ cơn mưa, Tánh vừa phủi những hạt mưa bám trên tóc Thu vừa nhìn qua cửa sổ nói: lạ nhỉ? mới sang tháng ba mà Trời cứ chợt nắng chợt mưa như thế này thì bố ai mà lường được. Căn nhà này, cha của Tánh mua đất rồi cất lên chưa ai ở, bởi nó ở tận Thủ Thiêm phải đi “phà” qua sông. Tánh vẫn hay đùa với nàng: mai mốt mình lấy nhau về ở đó nghe Thu? Thu chỉ cười không trả lời vì đã quá quen với những lời nói bông đùa như thế của Tánh, những ngày mới bị “cú đờ phút” hai người vẫn chẳng thường thêu dệt tương lai còn “ghê gớm” hơn vậy đó sao? Nhưng trên thực tế, cả Thu lẩn Tánh chưa ai thật sự lên tiếng đứng đắn về hôn nhân cả. Thu vẫn thường theo Tánh cùng đám bạn bè lên đây tổ chức “party” ăn uống và vui chơi chẳng làm phiền ai mà cũng chẳng sợ bị ai làm phiền bởi nhà thoáng mát, chung quanh đất rộng, hàng rào riêng biệt.
Hôm nay, ông cu, bố của Tánh, muốn sửa chữa chút đỉnh gì đó, bảo Tánh lên xem xét lại, Tánh mới rủ Thu theo cho đỡ buồn. Không ngờ lên đến đây thì trời đổ mưa lớn. Thu lên lầu chống tay lên thành cửa sổ buồn bã nhìn trời mưa, Tánh theo đến sau lưng vòng tay ôm lấy Thu và nói: Ba anh nói căn nhà này để cho anh và anh Hai, ai lấy vợ trước thì người đó ở trước, không biết anh có cơ hội đó không?
Thu vụt quay lại ôm choàng lấy Tánh khóc mùi mẫn. Nhớ đến chuyện ấm ức bị Hồng ăn hiếp dồn nén từ nhỏ, Thu cảm thấy trong gia đình hầu như chẳng có ai bênh vực nàng, mọi người hình như chỉ quan tâm đến chị Hồng. Mỗi lần có chuyện gì đôi co giữa nàng và chị là hình như ở nhà cứ bắt nàng phải chiều theo ý chị, như thể nàng là chị phải chiều em chứ không phải Hồng là chị nàng. Tự dưng Thu nghe trong lòng dấy lên một nỗi cô đơn và tủi thân cùng cực. Chị Hồng đẹp, học giỏi. Thu cũng đẹp, tuy không tốt nghiệp đại học như chị, nhưng nàng cũng đâu có thua gì ai, chính vì sự bất công trong gia đình đã khiến nàng phải cắt ngang sự học đi tìm việc làm sớm. Tại sao chị Hồng đòi gì, ước gì cả nhà đều thỏa mãn chị. Trong khi Thu chỉ xin may thêm một chiếc áo dài trắng để thay đổi đi học thôi mà cũng rất ư là khó khăn. Không phải Thu không có áo để đi học, mà bố mẹ chỉ giới hạn Thu được có hai cái trong khi chị Hồng chẳng những dư thừa áo đi học mà còn có thêm áo dài màu để đi chơi nữa, chỉ cái áo nào chị chê không mặc, chị thảy ra thì mới đến phiên Thu mà thôi. Càng nghĩ Thu càng cảm thấy tủi thân nên càng khóc nhiều hơn nữa.
Tánh vỗ nhè nhẹ lên lưng Thu và hỏi: Chuyện gì? mẹ mắng hay chị Hồng ăn hiếp? Tánh đến nhà Thu chơi thường nên biết rõ Thu chịu đựng, ít nói hay bị Hồng ăn hiếp. Tánh hỏi thêm vài lần Thu vẫn lắc đầu ngoầy ngoậy không chiụ nói, thấy thế Tánh thôi không hỏi nữa, ôm Thu vào lòng dỗ dành, bên ngoài mưa vẫn rơi....rơi...
Trời càng lúc càng về khuya, căn phòng phủ đầy bóng tối, cơn mưa ngoài trời dường như đã ngớt, đời con gái của Thu cũng chấm dứt. Thu không biết Tánh có nhìn thấy sự buồn bã của Thu hay không mà Tánh ôm chặc Thu vào lòng nói huyên thuyên về tương lai của hai người. Tánh “mừng” lắm! Chàng không ngờ hôm nay Thu lại “ngoan ngoản” đến thế! Cặp nhau từ hồi còn trung học, biết bao nhiêu dịp để hai người có thể sa ngã, mà có bao giờ Thu chiều Tánh đâu! Nàng thường để một ngón tay lên môi nói: để dành đến ngày cưới, rồi đánh trống lảng bằng cách quay đi làm chuyện khác.
Hôm nay, không biết ăn phải “gió” gì mà Thu lại “khôn ba năm, dại một giờ” làm Tánh không ngờ, mà Tánh cũng chẳng cần thắc mắc làm gì, chỉ biết Tánh yêu Thu, “chiếm” được Thu là Tánh mừng lắm rồi. Tánh biết Thu đẹp, ngoan, hiền lại khéo léo chuyện bếp núc, thiếu gì người theo đuổi. Yêu Thu Tánh cũng đau tim lắm chứ! Cưới được Thu lại càng hãnh diện hơn nữa. Tánh nâng mặt Thu lên úp vào ngực mình và nói: anh về nói chuyện với ba mẹsang thưa chuyện với bố mẹ em nhá! Thu đang buồn nên chẳng trả lời trả vốn gì cả cứ nằm im thin thít gọn thon lỏn trong lòng Tánh, để mặc Tánh muốn vẽ vời thêu dệt chuyện tương lai của hai người ra sao thì ra.
Trời Saigon gần cuối tháng tư càng lúc càng lộn xộn, dân chúng nhốn nháo, nét mặt ai cũng thoáng nét lo âu, tư lự. Chuyện tình cảm của Thu và Tánh vì ảnh hưởng thời cuộc của đất nước nên cũng chưa ngã ngũ ra sao cả. Chiều nay, Thu vừa đút đầu ra khỏi sở là nghe tiếng súng nổ loạn xạ đâu về hướng bến Bạch Đằng, quân đội và xe jeep chạy đầy đường, dân chúng hỗn loạn tắp xe sát lề, tìm chỗ lánh đạn. Thu cũng sợ hãi nép sát vào một kios bên vệ đường Nguyễn Huệ, một vài phút trôi qua, tình hình có vẻ lắng dịu, không còn nghe tiếng súng nổ, nhưng mọi việc không còn bình thường nữa! Mọi người dường như ai cũng hấp tấp, vội vã chạy cho mau về đến nhà để lánh đạn. Dân chúng Saigon đã thật sự nếm mùi chiến tranh, kẻ mất giầy người mất dép, nét mặt hớt ha hớt hải, chạy qua chạy lại kêu réo om sòm tìm kiếm người thân. Chỉ mới một phút nhốn nháo thôi mà đã thất lạc nhau rồi, nếu chiến tranh thật sự xảy ra thì tang thương tới cỡ nào? Thu chợt nghe lòng buồn rười rượi và đứng chết trân nhìn “ông đi qua bà đi lại” một lúc lâu mới bước đi như người mất hồn ra bến xe buýt Chợ cũ đón xe về nhà. Kể từ cái đêm “mưa gió” ấy, ngày nào Tánh cũng đưa đón Thu đi làm, hôm nay Tánh bận, chỉ đưa Thu được buổi sáng, buổi chiều Thu tự đi xe buýt về. Thu nhìn sững sự hỗn loạn trước mắt không tài nào chen lấn giành giựt với người ta để leo lên xe lam hay xe buýt mà về nhà được, những ngày trước, mỗi khi Tánh bận Thu vẫn đi và về bằng xe buýt bình thường, hôm nay chỉ mới “súng nổ” một tí thôi mà đã hỗn loạn như thế này rồi làm sao mà về đây! Thu đang lo âu chưa biết phải làm sao, chợt nghe tiếng gọi:
- Thu! Thu!.
Còn đang đưa mắt tìm quanh thì chiếc xe buýt trước mặt Thu rời bến mang theo một số người đu tòn ten theo cửa không đóng được. Chiếc La Dalat trờ tới, Ngôn với tay mở cửa xe và lên tiếng:
- Lên xe anh chở về.
Thu lưỡng lự, Ngôn nói tiếp:
- Thu không chen lại người ta đâu, nguy hiểm lắm! lên đi.
Thu lên xe ngồi khép nép một bên. Từ sau ngày Ngôn lấy vợ, Thu bỗng dưng cảm thấy xa lạ, không dám tự nhiên với Ngôn như trước kia, mặc dù Ngôn vẫn vui vẻ bình thường với Thu, chỉ có cái không rủ nàng đi chơi như trước kia nữa thôi. Vừa lái xe, Ngôn vừa hỏi nàng:
- Thu khỏe không? hai bác thế nào? Thu nghiêm trang trả lời Ngôn:
- Cám ơn anh, Thu vẫn thường. Rồi Thu hỏi lại Ngôn:
- Bà xã anh thế nào? Thu chỉ gặp một lần hôm đám cười anh nên quên mặt rồi, sao anh không chở chị ấy đến nhà Thu chơi cho bố mẹ Thu biết mặt, hai cụ chưa biết anh có vợ. Ngôn không trả lời câu hỏi của Thu, ngó lơ tầm mắt sang hướng khác và nói:
- Hôm nào rãnh, mình tìm chỗ nào ngồi tâm sự, anh có nhiều chuyện muốn nói với Thu.
Thu không thích dây dưa với đàn ông có vợ nên nàng im lặng không muốn trả lời. Xe đến nhà, Thu bước xuống, không có ý định mời Ngôn vào nhà và Ngôn cũng chẳng muốn vào, chỉ gửi lời chào bố mẹ Thu rồi lái xe đi thẳng.
Rồi Saigon giới nghiêm 24/24, chẳng đi đâu được cả. Cứ vừa nhú ra đầu ngõ là cảnh sát, nhân dân tự vệ đuổi về, phố xá lạnh đến rợn người. Không khí chết chóc bao trùm, thỉnh thoảng lại nghe tiếng “cắc cụp” vang lên ngoài đầu ngõ, hoặc là tiếng nổ “boóc, boóc” như tiếng mở nút chai. Thu không rành vũ khí lắm nên chẳng hiểu đó là tiếng gì. Chiều 29 Thu buồn hiu hắt, không khéo mất nước đến nơi, mấy hôm rồi không thấy mặt Tánh, Việt Cộng pháo kích ầm ì, đường sá bị kéo dây kẽm gai, tin tức thay đổi liền liền, không làm sao mà đoán biết được ngày mai. Đêm hôm đó, Thu không tài nào ngủ được, ruột gan nóng hổi theo từng tiếng ầm ầm. Thu mở cửa sổ leo ra nóc nhà ngó về hướng chân trời đỏ rực. Có lẽ là hướng Tân Sơn Nhất. Cứ mỗi một tiếng “ầm” là góc trời lại lóe lên đỏ rực, Thu nghe lẫn lộn trong tiếng pháo kích đủ thứ tiếng nổ phụ họa theo mà chẳng biết nó là tiếng gì, nhưng thấy sợ lắm! Thu bất giác nghe trong lòng nhuốm lên một chút tình xót xa cho quê hương. Bình thường, Thu rất ghét đọc tin tức hay theo dõi chính trị, hôm nay nhìn tận mắt cảnh chiến tranh gần kề, lòng Thu buồn rười rượi. Ngẫm nghĩ lại, quê hương thật chưa hề có được một ngày an vui, hết giặc Tàu, đến giặc Tây, rồi bây giờ nồi da xáo thịt. Có người nói dân Việt Nam bị quả báo vì ngày xưa đã từng san bằng cả một dân tộc và xoá tên trên bảng đồ nước Chiêm Thành của người ta. Đúng hay sai chẳng ai trả lời được, chỉ biết bây giờ, những người dân như Thu thì sợ lắm! nhất là những người nhà ở ngay trong vùng bị pháo kích không biết họ sẽ ra sao? Đang suy nghĩ liên miên, một tiếng nổ lớn làm Thu giật mình nhìn lên. Trời ơi! lửa cháy lớn sáng rực như sát bên nhà, hoảng quá! Thu phóng một cái té lăn đùng xuống sàn nhà, cũng là lúc Thu nghe tiếng mẹ hét Thu xuống nhà ngay, không được ở trên lầu nguy hiểm lắm! sập vội cánh cửa sổ Thu chạy bổ xuống nhà, bố mẹ và các anh chị Thu đang túm tụm nhau nơi chiếc bàn bếp, bên cạnh là cái radio không lúc nào tắt nghỉ, nét mặt người nào người nấy lo âu, căng thẳng.
Càng về sáng, tiếng nổ càng nhiều, Thu nghe gần lắm! Việt cộng có lẽ về đến nơi rồi, hàng xóm Thu bắt đầu nhốn nháo, dăm ba gia đình sang hỏi bố mẹ Thu phải làm sao bây giờ? và đề nghị nếu có chạy thì chạy chung cả xóm, cho họ theo với. Thu nhìn họ mà lòng dâng lên một niềm thương cảm vô biên khi nhận ra được cái “tình người” trong lòng ho. Hàng xóm láng giềng nhà Thu bình thường ít khi qua lại, vậy mà bây giờ trước giây phút không biết sống chết ra sao, họ tự động xích lại gần nhau. Tiếng ầm ầm càng lúc càng lớn và liên tục không ngừng. Thu đưa mắt qua cửa sổ phòng khách nhìn xuyên qua hàng rào sắt trước sân nhà, Thu không khỏi thẳng thốt. Trời ơi! thiên hạ chạy loạn ngang qua nhà Thu, trên tay họ là những bọc quần áo, những gồng, những gánh, trên lưng thì địu những đứa con nít trông thảm thương vô cùng, không biết ở đâu chạy về đây?
Bố Thu mếu máo:
- Giời ơi! Tưởng ở ngoài Bắc chạy vào Nam là thoát, bây giờ “chúng nó”ù đuổi vào đến đây rồi thì còn chạy đi đâu được nữa đây hở giời?
Nghe bố rên rỉ Thu chỉ muốn chết. Chưa lúc nào Thu thấy đau lòng và thương tâm như lúc này, khi nhìn đoàn người chạy loạn qua cửa nhà. Thu muốn làm một cái gì đó để giúp họ mà Thu không biết phải làm sao? Đại nạn chung của cả nước chứ có phải riêng một ai đâu? Thân Thu bây giờ không biết có lo nổi không thì làm sao lo cho người khác được?. Tiếng pháo kích ầm ầm làm rung chuyển cả nhà cửa. Thu và cả nhà sợ hãi ngồi sát vào nhau dưới sàn “bê tông” sân thượng của gian nhà bếp phía sau nhà. Thu ưá nước mắt, chắp tay cầu nguyện trong lòng, xin cho mình, cho gia đình và cho cả đoàn người đang chạy loạn ngoài kia nữa được bình an, tai qua nạn khỏi trong cơn lửa bỏng dầu sôi này.
Gần 10 giờ sáng, Tổng thống Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh kêu gọi hòa hợp hoà giải dân tộc thì radio bị mất sóng. Đúng 10 giờ, radio có sóng trở lại, Tổng thống ra lệnh: buông súng đầu hàng vô điều kiện, radio mất sóng luôn.
Tích tắc, chỉ trong vài phút đồng hồ, cả thành phố như chìm trong tiếng súng hỗn loạn, súng nổ như ri. Thu đoán có lẽ là lính của “mình” chán nản khi nghe ông Tổng thống 24 giờ tuyên bố đầu hàng nên còn bao nhiêu đạn “nả” hết lên trời cho hả giận. Thu không biết súng nổ đến bao lâu thì ngừng, bố mẹ Thu bưng mặt khóc nức nở. Mệt mỏi và buồn bã Thu lên lầu mở cửa ra sân thượng nhìn xuống đường lộ, mọi người chẳng ai dám ra đường sợ bị lạc đạn. Bầu Trời u ám phủ một màu thê lương tang tóc, mưa lất phất bay như ngậm ngùi, thương cảm cho dân tộc VN sắp sửa giở sang một trang sử máu. Một chiếc xe jeep của quân đội “mình” ở đâu bỗng rú lên chồm tới suýt đâm sầm vào cột đèn bên vệ đường, bên trên là một lũ người ăn mặc chẳng giống ai, đầu đội nón cối, chân mang “déùp râu”, Thu đoán chắc là Việt cộng rồi, vì lính mình đâu có ăn mặc kỳ cục vậy! Mặt mày thì xanh lét, mắt lấm la lấm lét, tay cầm lăm le khẩu “AK” trước ngực chỉa qua chỉa lại. Thu nghe người ta nói Việt cộng xài súng AK thì Thu đoán đó là súng AK chứ thật ra Thu chẳng biết. Thì ra bọn họ ở rừng về, vớ được chiếc xe jeep của quân đội ta bỏ lại ngoài đường, leo lên mà đếch biết sử dụng nên chiếc xe cứ run lên bần bật như giựt kinh phong, lúc thì đột ngột thụt lui, khi thì thình lình chồm tới như một con chó điên. Thu lắc đầu ngao ngán khi nghĩ đến lũ người này lên nắm quyền cai trị đất nước thì... chết cha dân miền Nam hết rồi.
Rồi bố Thu đi “cải tạo” một tháng, anh cả và anh rể của Thu, chồng của Hồng, đi 10 ngày.
Bọn cộng sản quả là nham hiểm, lật lọng, tráo trở từ trong lời ăn tiếng nói. Đầu tiên chúng cho lính “học tập” ba ngày tại chỗ, xong ai về nhà nấy. Kế đó, chúng kêu gọi cấp tá trở lên phải một tháng, dân miền Nam mình quá ngây thơ và thật thà, nhìn thấy lính, sau ba ngày chẳng bị khó dễ gì, thôi thì một tháng trả nợ quỉ thần cho xong còn về lo cho vợ con. Thời hạn một tháng chưa hết, chúng gọi đến cấp úy 10 ngày, thế là “phe ta” lần lượt bị lừa chui vào rọ đi tù mà không hay. Dã man thiệt! Sau này chúng nguỵ biện: 10 ngày “đi đường” chứ không phải 10 ngày “học tập”. Nghe mà phát lộn tiết. Nhà Thu buồn như cái nhà mồ, chỉ còn ba người đàn bà, một già hai trẻ lủi thủi đi ra đi vào với những nơm nớp lo âu và buồn thảm đầy ắp trong lòng.
Cái đau mất nước còn nóng hổi chưa biết phải thích nghi thế nào thì nỗi đau trong lòng ập tới. Tin gia đình Tánh di tản không một lời từ giã cũng là lúc Thu phát hiện mình đã tắt kinh hai lần.
Khi nghe người bạn gái báo tin về Tánh xong, Thu cảm thấy mình chao đảo như người vừa bước hụt, chân tay bủn rủn và lạnh toát xương sống. Thu âm thầm lên phòng nằm suy nghĩ. Trời ơi! phải tính làm sao đây?
Bố không có nhà, mẹ còn đang đau lòng, nếu biết mình có bầu mẹ làm sao sống được? Thu nằm vùi mấy ngày bỏ cả cơm nước, mẹ lo lắng tưởng Thu buồn vì đất nước đổi thay, vì bố và anh đi học tập nên lăng xăng chạy lên chạy xuống an ủi, cạo gió và nấu cháo cho Thu ăn mà Thu vẫn không bớt, bất cứ một chút xíu gì qua miệng là Thu nôn ra hết. Giữa lúc Thu đang bết bê như vậy thì Ngôn tìm đến, Thu không còn đủ sức đứng dậy xuống nhà để tiếp Ngôn nữa! Mẹ phải dắt Ngôn lên phòng Thu cũng vừa đúng lúc Thu ngã quị và ngất xỉu trong tay Ngôn. Ngôn bế thốc Thu trên tay chạy xuống nhà gọi xích lô đưa thẳng Thu đến phòng mạch của một người bạn. Sở dĩ Ngôn phải gọi xích lô là vì thời buổi cộng sản mới vô, Ngôn không dám lái Ladalat mà cũng bắt chước người ta đi xe đạp, ăn mặc giản dị, quần tây áo sơ mi bỏ ngoài quần, chân đi dép bata cho nên đành phải để mẹ Thu ôm Thu trên xích lô vậy, còn chàng lẽo đẽo đạp xe theo phía sau.
Phòng mạch của người bạn chàng nằm trên đường Trần Quí Cáp, tầng dưới khám bệnh, trên lầu để ở, tuy là buổi giao thời, chưa biết có mở cửa được hay không, nhưng thuốc men và dụng cụ còn đầy đủ nên Ngôn cũng mừng. Sau khi khám xong cho Thu, người bạn kéo Ngôn lên lầu thì thầm riêng:
- Mày có biết là Thu có thai không? Sức khỏe Thu bây giờ yếu lắm! Nàng bị kiệt sức, tại sao vậy?
Ngôn gật đầu dặn bạn:
- Đừng cho mẹ Thu biết là Thu có thai, để tao tính.
Rồi Ngôn xuống nhà, Thu bây giờ đã tỉnh, người bạn đưa cho chàng một lô thuốc kèm theo những lời dặn dò kỹ lưỡng, Ngôn cám ơn, bắt tay chào bạn và dìu Thu ra xích lô về lại nhà.
Sau khi lo cho Thu nằm ngay ngắn trên giường rồi, bà cụ mẹ Thu ý tứ rút lui xuống nhà để Ngôn tự nhiên nói chuyện với Thu. Thu đưa mắt lờ đờ nhìn Ngôn, Ngôn nắm tay Thu và nói:
- Anh cưới em, em chịu không?
Thu giật mình rụt tay lại:
- Anh nói gì vậy? vợ anh đâu?
Ngôn nhẹ nhàng:
- Từ từ nghe anh giải thích, vợ anh di tản rồi, anh và Sương cưới nhau chỉ là một trao đổi dịch vụ mua bán giữa hai gia đình. Một bên dựa tiền, một bên dựa thế lực cho nên nếu không có ngày 30 tháng 4 xảy ra thì tụi anh cũng đến bỏ nhau mà thôi! Tụi anh là một cặp vợ chồng hữu danh vô thực. Ngay đêm tân hôn nàng cho anh biết nàng không có yêu anh, chỉ vì chữ hiếu nàng phải gả cho anh, chứ thật ra nàng đã có người yêu rồi và người yêu của nàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ nàng quay trở lại. Tụi anh nấn ná thêm được vài tuần lễsau ngày cưới thì nàng không chịu ở nhà anh nữa, nàng muốn về nhà nàng, anh không ngăn cản và cũng chẳng buồn, tụi anh cũng chẳng có hôn thơ hôn thú gì cả, họ di tản cũng không nói với anh một tiếng nào, chỉ để lại một mảnh giấy nhờ người bác vợ trao lại với vỏn vẹn lời nhắn: “trả tự do cho nhau”, thế thôi! Ba má anh lúc đầu buồn lắm, nhưng sau khi nghe anh giải thích, anh cũng vì ông bà cụ mới lấy Sương mà thôi chứ thật sự trong lòng anh đã có người yêu rồi. Nghe vậy ông bà cụ mới đỡ hối hận vì đã bắt buộc anh trong cuộc hôn nhân này. Hôm nay, thấy tình hình tạm yên yên, anh mới đảo một vòng bạn bè xem thử ai đi ai ở, anh không ngờ Thu lại bịnh nặng dữ vậy! Rồi không kịp để cho Thu xen vào Ngôn nói luôn: anh yêu Thu, nhưng anh đang ở trong thế kẹt không thể nói được, bây giờ “tự do” rồi, anh chánh thức lên tiếng cầu hôn với em, em nghĩ sao?
Thu khóc mùi mẫn:
- Trời ơi! sao anh không nói sớm, muộn rồi, em chẳng còn xứng đáng!
Ngôn ngồi xuống giường ôm Thu vào lòng tội nghiệp:
- Đừng nói chuyện xứng đáng hay không xứng đáng, anh yêu Thu, anh sẵn sàng chấp nhận hết những buồn phiền và đau khổ mà em đang gánh chịu để an ủi và chia sẻ với em.
Thu đẩy Ngôn ra định nói thật cho Ngôn biết là mình đang mang thai của Tánh nhưng Ngôn nhất định không để cho Thu nói, chàng lấy tay bịt miệng Thu lại nói tiếp:
- Em không cần phải giải thích, chỉ cần từ bây giờ, em là của anh, thuộc về anh, anh sẽ bảo bọc em, che chở cho em, chuyện quá khứ mình bỏ hết em chịu không?
Thu khóc ngất trong vòng tay Ngôn với một sự hối hận ngập tràn. Thu đâu có ngờ Ngôn đã biết nàng có thai, chàng yêu Thu và không cần biết cha đứa bé là ai, chàng thấy Thu rất tội nghiệp và đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nếu giải quyết được Thu đã không lâm bịnh như vầy. Chàng vỗ nhẹ vào vai Thu, đẩy Thu nằm xuống và nói:
- Em cứ nằm xuống nghỉ cho khỏe và uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, ráng ăn uống cho lại sức, chỉ vài hôm là khoẻ ngay thôi, bây giờ anh về thưa chuyện với hai cụ, mai anh trở lại thăm em. Ra đến cửa phòng Ngôn còn quay lại căn dặn: phải nghe lời anh, nghe không? rồi Ngôn khép cửa phòng Thu lại đi xuống nhà. Đám cưới của Thu âm thầm và lặng lẽ như một đám cưới chạy tang, chỉ có đôi bên gia đình và vài người bạn thân của Ngôn và Thu chứng kiến bằng một buổi tiệc trà nho nhỏ mà thôi, bởi đất nước đang đau buồn nên họ cũng chẳng muốn phô trương mà làm gì. Rồi Thu về nhà chồng với một mặc cảm canh cánh bên lòng là một người vợ đã thất tiết cho nên nàng dốc hết toàn lực thủ phận dâu con, quán xuyến việc nhà hầu hạ cha mẹ chồng rất mực chu đáo.
Nhà chồng Thu giàu có, Ngôn lại là con một cho nên cũng chẳng công lên việc xuống gì nặng nhọc lắm! Trước 75, lúc nào cũng có người giúp việc, sau 75, vì chưa biết tình hình như thế nào, bố mẹ Ngôn sợ, phải cho người làm nghỉ việc, của dư của để vẫn giấu được nhưng không dám tiêu dùng sợ tai mắt VC. Ngôn rất mực yêu thương vợ và Thu lại rất được lòng bố mẹ chồng. Càng được yêu thương, Thu càng cảm thấy áy náy và tội lỗi trong lòng nên gương mặt nàng lúc nào cũng phảng phất một nét buồn sâu kín.
Gần 8 tháng sau, Thu cho ra đời một đứa bé gái yếu ớt, nhỏ xíu và nhăn nhúm như một đống giẻ rách, tiếng khóc của nó khào khào như tiếng kêu của con mèo con. Kết quả của những tháng ngày ưu tư, mặc cảm, tâm sự chất chồng với những niềm riêng không thể nói cho nên ảnh hưởng tới cái thai. Ai cũng tưởng Thu đẻ thiếu tháng, ngoại trừ Ngôn, còn Thu, vì Ngôn không cho nàng nhắc chuyện quá khứ cho nên nàng vẫn tưởng Ngôn không biết chuyện nàng có thai với Tánh.
Đứa bé càng lớn càng giống Thu nên chả ai nghi ngờ gì, ngoại trừ cặp mắt của nó có phảng phất nét nhìn của Tánh. Đứa bé ra đời mang niềm vui cho cả nhà, nhất là bố mẹ Ngôn, vui không để đâu cho hết. Đã từ lâu căn nhà vắng lặng vì Ngôn là con một, bây giờ có tiếng trẻ con, dù chỉ là tiếng khóc mà thôi cũng làm cho ông bà ấm cả cõi lòng. Ngôn đặc biệt thương yêu và chăm sóc đứa bé chẳng khác gì con ruột của chàng. Thu mừng lắm! nàng thấy cuộc đời đã ưu đãi nàng quá nhiều, nhất là sau khi làm mẹ, tình mẫu tử trong Thu bỗng dưng trỗi dậy. Đứa bé vô tội, Ngôn đã không chấp nhất, thương yêu mẹ con nàng như ruột thịt, còn bố mẹ chồng của nàng nữa! Hai cụ xem con gái nàng như một an ủi của tuổi già, nếu nàng nói thật ra hết chẳng quá ư là tàn nhẫn đối với hai cụ hay sao? Suy đi nghĩ lại mãi Thu quyết định sẽ sanh thêm cho Ngôn một đứa con để vơi bớt tội lỗi đang ray rứt trong lòng nàng đối với bố mẹ chồng và định bụng lựa một dịp thuận tiện nào đó sẽ thú thật hết mọi chuyện với chồng. Rồi họ cũng định cư ở Mỹ hết. Bố mẹ chồng Thu lợi dụng lúc “nhà nước” cho đi bán chính thức đã tìm người móc nối, tung vàng ra đóng cho cả gia đình và may mắn thay họ đi trót lọt êm xuôi đến nơi đến chốn và đã định cư được gần 18 năm trên đất Mỹ. Phiên Phiên, đứa con gái nhăn nhúm như một cái giẻ rách ngày mới chào đời, nay đã trưởng thành, ngoan ngoãn hiền lành lại rất đẹp gái, là một sinh viên đại học 21 tuổi, sắp sửa đính hôn với một chàng luật sư mới ra trường.
Thu nhìn con gái đang xoay qua xoay lại trước kiếng với chiếc áo đầm mới mua về mà thẫn thờ. Chóng quá! thế mà đã hơn hai mươi năm trôi qua. Hai điều thầm hứa với lòng sẽ làm cho chồng, nàng chỉ mới thực hiện được một. Đó là nàng đã sanh cho Ngôn một đứa con trai 17 tuổi, đang học lớp 12. Còn điều thứ nhì sẽ tìm cơ hội nói chuyện về Phiên Phiên với chồng thì vẫn chưa có dịp. Phiên Phiên chợt xoay người lại chu miệng hỏi:
- Mẹ có nghĩ là bố về kịp chiều nay không?
Thu tát yêu vào má con gái:
- Hồi trưa bố có điện thoại báo là đã ra phi trường rồi con lo cái gì?
- Con cứ sợ nhỡ máy bay bị “delay” bố không về kịp chiều nay thì con buồn lắm!
Chiều hôm nay, Luân, bạn trai của Phiên Phiên, đưa cha mẹ đến nhà ra mắt vợ chồng Thu dễ bàn chuyện đính hôn cho Phiên Phiên. Ngôn bận việc sở làm phải xa nhà hai hôm nhưng sẽ về đúng giờ hẹn chiều nay với con gái. Thu giục con:
- Lo đi tắm rửa, sửa soạn thay đồ đi cô, kẻo khách đến lại quýnh lên đổ thừa không kịp giờ.
Một lát sau, Phiên phiên đã gọn gàng trong chiếc áo đầm màu mỡ gà ôm sát thân hình làm nàng trông mỏng như chiếc lá liễu, mái tóc cột cao để lộ nét sang cả và nước da trắng hồng của nàng. Phiên phiên vừa bước xuống cầu thang đã nghe: “tính tòn...tính tòn...” nàng chạy nhanh đến mở cửa và cười tươi như hoa:
- Mời hai bác vào nhà ngồi chơi, cháu sẽ mời mẹ cháu ra ngay, rồi nàng chạy nhanh vào trong bếp thì thầm vào lỗ tai Thu:
- Mẹ! ba má anh Luân đến rồi. Thu ra đến phòng khách gật đầu chưa kịp lên tiếng đã nghe được hai tiếng: “chào bà” từ phía đôi vợ chồng trước mặt, rồi người đàn ông ba của Luân ngập ngừng lên tiếng:
- Thưa... có phải.... là... là Thu.... không ạ! Thu cũng ngạc nhiên kêu lớn:
- Anh Tánh. Cũng là lúc Ngôn mở cửa bước vào nhà. Phiên phiên chạy đến ôm chầm lấy chàng kêu lớn:
- Bố về. Rồi nàng kéo chàng đến trước mặt cha mẹ Luân giới thiệu:
- Bố! đây là ba má của anh Luân. Chỉ vào Tánh, Thu nói thêm:
- Anh Tánh cũng là một người bạn hồi trung học của em. Ngôn dựng vội chiếc ‘’vali’’ vào một góc nhà và bắt tay Tánh:
- Chào anh! có thấy anh vài lần trước cửa sở của Thu hồi ở Việt Nam, đã gặp anh môït lần trong đám cưới với người vợ trước của tôi rồi mà. Tánh cười đáp lễ, còn đang ngờ ngợ và thắc mắc không hiểu tại sao bây giờ Ngôn lại là chồng của Thu? thì Thu ôm đầu, mặt xanh lướt nói:
- Xin lỗi! tôi hơi chóng mặt, vào phòng uống thuốc nghỉ một lát sẽ ra ngay. Ngôn đứng lên đỡ Thu và nói:
- Nhà tôi máu thấp nên hay bị xây xẩm, xin lỗi tôi đỡ nhà tôi vào nằm nghỉ sẽ ra tiếp chuyện anh chị. Đưa Thu vào phòng xong Ngôn trở ra ngay.
Còn lại một mình Thu lo sợ. Nàng nghe cả một bầu trời sụp đổ, chẳng phải nàng lo sợ chuyện quá khứ giữa nàng và Tánh, tình cảm của nàng đối với Tánh đã nguội lạnh từ lâu lắm rồi, cõi lòng nàng bây giờ chỉ hướng về chồng con nàng mà thôi. Nàng lo sợ đây là chuyện của Phiên Phiên. Luân là con trai của Tánh thì chúng nó làm sao kết hôn được. Tụi nó là anh em ruột mà! phải nói làm sao với Phiên Phiên đây? Trời ơi! đứa con gái cưng mà nàng coi như tánh mạng của mình không thể bị đau khổ được. Suy nghĩ nát nước một hồi, nàng chợt nhớ ra tuổi của Luân hơn con gái nàng những 6 tuổi, nếu Luân là con của Tánh thì phải nhỏ tuổi hơn Phiên Phiên của nàng chứ tại sao lại lớn hơn nhiều dữ vậy? Trừ khi Tánh dấu nàng có vợ con không chánh thức hồi còn đi học, nhưng rồi nàng lại lắc đầu bác bỏ cái ý nghĩ đó đi. Không thể nào, nàng biết rõ Tánh từ những ngày còn trung học, hiểu rõ tình yêu của Tánh dành cho nàng và biết rõ cả gia đình Tánh thì làm sao có chuyện vợ con được. Chắc chắn là phải có vấn đề gì trong chuyện vợ con của Tánh đây. Tuy nghĩ vậy như nàng vẫn không đủ can đảm bước ra hỏi rõ câu chuyện, cứ nằm im trong phòng chờ khách về.
Cửa phòng xịch mở, Ngôn bước vào vừa thay đồ vừa nói ngay với Thu:
- Thì ra Luân không phải là con ruột của ông bà Tánh em ơi! bà Tánh bị sẩy thai trong một tai nạn trượt cầu thang té lầu rồi từ đó không thể sanh con được nữa, Luân là con của vợ chồng người chị vợ của ông Tánh, cả hai cùng tử nạn xe hơi hồi Luân mới 8 tuổi cho nên ông bà Tánh nhận làm con luôn từ đó. Rồi chàng bước lại rờ trán Thu hỏi:
- Em đỡ phần nào chưa?
Thật ra là Ngôn tế nhị, hiểu sự lo lắng của Thu khi thấy Luân là con của Tánh nên bước vào phòng là chàng phải nói ngay những gì chàng nghe được tư ømiệng vợ chồng Tánh, chàng biết nếu để trễ chút nữa là Thu sẽ “bịnh” thật nếu không được nghe nói Luân là con nuôi của Tánh. Thu đang nằm rầu rĩ trên giường, nghe Ngôn nói Luân không phải là con ruột của Tánh nàng bật ngay dậy, giọng reo vui:
- Vậy hả anh! rồi nàng nhỏ giọng: Phiên Phiên đâu?
- Nó đi chơi với cậu Luân rồi, dễ gì “chỉ” chịu ở nhà, hôm nay là ngày vui của “chỉ” mà! kể ra thì ông bà Tánh cũng tốt, coi như cậu Luân có phước. Thu kéo Ngôn nằm xuống với mình nghiêm trang nói:
- Anh nằm xuống đây, em có chuyện này muốn nói với anh. Rồi mắt nàng chùng xuống, úp mặt vào ngực Ngôn ngập ngừng:
- Thật ra... Phiên Phiên... không phải... là...con của anh.
Ngôn phá ra cười ôm Thu vào lòng:
- Tưởng chuyện gì! chuyện đó anh biết từ khuya rồi em ơi! chàng thì thầm vào lỗ tai Thu: nhưng chớ có để cho ba má anh nghe được chuyện này, anh muốn hai cụ được vui trọn vẹn cho đến ngày trăm tuổi. Thu đẩy Ngôn ra hỏi lại:
- Anh biết thật? Ngôn gật đầu:
- Anh biết từ cái ngày đưa em đến khám bệnh ở phòng mạch của bạn anh trên đường Trần Quý Cáp ở VN hồi đầu 75 em còn nhớ không? vì vậy anh mới cưới em gấp. Rồi chàng nghiêm mặt:
- Nghe đây! anh lập lại một lần nữa, anh thương em, anh lấy em, và em thương anh là được rồi, chuyện quá khứ mình bỏ hết và anh cũng không cần biết cha của Phiên Phiên là ai. Em thấy đó! bây giờ mình không tốt hay sao? hai vợ chồng mình rất là hạnh phúc và Phiên Phiên cũng rất là vui vẻ. Anh hy vọng mai sau Phiên Phiên lấy chồng rồi cũng sẽ được hạnh phúc như chúng mình vậy. Hơi đâu mà lại bới lông tìm vết cho nó xáo trộn cả lên. Hãy để cho quá khứ nó ngủ yên em ạ! Với câu nói này, chàng nghĩ Thu thừa thông minh để hiểu chàng đã biết cha của Phiên Phiên là ai rồi. Thu vòng tay ôm chặt lấy chồng với vô vàn biết ơn sâu xa. Những niềm riêng tuy không thể nói ra hết được. Nhưng với tình yêu, với sự nhân từ độ lượng của chồng, nhất là vì Phiên Phiên, Thu sẵn sàng giấu kín muôn đời mà tâm tư cũng không còn nặng nề sau khi nghe được những lời thông cảm đầy hiểu biết và vị tha của chồng.
Nhìn con gái xinh đẹp rạng rỡ, hân hoan trong ngày đính hôn bên cạnh chồng chưa cưới, mắt Thu nhạt nhòa sung sướng. Nàng thì thầm vào lỗ tai chồng: “cám ơn anh”. Ngôn dìu Thu đến bên vợ chồng Tánh, “gửi gấm” Phiên Phiên với một câu nói có lẽ chỉ mình Thu hiểu:
- Chúng tôi trao đứa con gái cưng lại cho gia đình anh chị. Hy vọng từ nay anh chị xem cháu như là đứa con gái ruột của mình. Tánh cũng nắm lấy tay Ngôn lắc lắc, gật đầu đáp lễ:
- Nhất định... nhất định...

Xem Tiếp: ----