Đạo Tin Lành khác với các tôn giáo Á Đông như thế nào?

Đạo Tin Lành và các tôn giáo Á Đông có nhiều điểm dị biệt về niềm tin và niềm hy vọng. Thượng Đế của tư tưởng Á Đông không mang ngôi vị cá biệt, còn Đức Chúa Trời của Thánh Kinh thì có ngôi vị. Ngài là một Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại, Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Nơi một số tôn giáo Á Đông, Thượng Đế là vạn vật và vạn vật là Thượng Đế, còn Thánh Kinh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa độc lập với các tạo vật do Ngài dựng nên.
Luật về nghiệp (Karma) là một tín ngưỡng phức tạp nơi nhiều tôn giáo Á Đông. Nghiệp tốt hay những việc làm tốt là phương thế duy nhất để con người tự giải thoát khỏi vòng luân hồi, còn nghiệp xấu sẽ làm con người tái đầu thai vào những kiếp thấp hơn kiếp trước đây. Tóm lại một lời là con người phải nỗ lực tự giải cứu bằng việc làm, công đức. Trong khi đó Thánh Kinh lại dạy rằng, "Đức Chúa Trời cứu rỗi không vì công đức của chúng ta, nhưng bởi lòng nhân từ Ngài ban Thánh Linh tẩy sạch tội lỗi và đổi mới chúng ta." (Tít 3:5) Các việc làm của người tín hữu có chỗ đứng rất quan trọng nhưng đó là kết quả xuất phát từ sự cứu rỗi người ấy đã nhận được từ nơi Chúa và là cách thể hiện lòng biết ơn của người ấy đối với Chúa. Việc làm và công đức không phải là điều kiện để được cứu rỗi từ Chúa.
Thánh Kinh cũng không hề dạy rằng có cơ may thứ hai cho việc đầu thai chuyển kiếp. Nếu mỗi người điều có kiếp trước, tại sao không ai nhớ được kiếp trước mình đã làm gì? Mỗi người là một con người độc đáo, mỗi người có một linh hồn riêng và phải chịu trách nhiệm riêng trước mặt Đức Chúa Trời trong ngày, Ngài phán xét thế gian. Thánh Kinh quả quyết, "theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét" (Hêbơrơ 27). Như vậy không có chuyện đầu thai chuyển kiếp.
Đối với các tôn giáo Á Đông, lịch sữ không có mục đích hay ý nghĩa gì cả, đó là cuộc đấu tranh không bao giờ dứt. Trong khi đó Thánh Kinh phát họa một Đức Chúa Trời siêu việt đang điều khiển dòng lịch sử tiến đến mục đích tối hậu là thiết lập một vương quốc vĩnh cữu do Chúa Giê-xu cai trị trong sự chính Trực, công bình.
Điểm khác biệt nữa là các tôn giáo Á Đông thường thờ lạy tượng là điều Chúa cấm. Thánh Kinh gọi đó là hình thức "thờ phượng vật thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa là Đấng đáng được tôn thờ muôn đời." Trong khi đó Chúa Cứu Thế đã dạy rõ, "Đức Chúa Trời là thần nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Ngài." Thánh Kinh khẳng định, "nguyện sự tôn quí vinh hiển đời đời vô cùng về nơi vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men." (Timôthê I 1:17)
Tất cả những tôn giáo Á Đông và những tôn giáo khác trên thế giới điều là những cố gắng của con người đi tìm Đấng Thượng Đế, trong khi đó đạo Tin Lành tiết lộ sự cố gắng của Đức Chúa Trời tìm kiếm con người qua thân vị Chúa Cứu Thế Giê-xu. Con người hữu hạn không tìm được Đấng vô hạn, nhưng Đấng vô hạn có thể tìm đến với con người. Con người không thể lấy sức riêng để lên thiên đàng, nhưng Đức Chúa Trời có thể đem thiên đàng ban tặng cho chúng ta. Bổn phận của chúng ta là đón nhận quà tặng của Ngài, nếu khước từ là mắc tội với Chúa.
Vì vậy điều mong ước sâu xa của chúng tôi là quí đồng hương lấy đức tin đón nhận phước hạnh của nước thiên đàng ngay trong đời này do Chúa Cứu Thế sẵn ban cho những người tin cậy và vâng lời Ngài. Chúa Cứu Thế muốn quí vị sống một đời sống sung mãn trong đời nầy và hy vọng ngời sáng chắc chắn cho đời sau. Phước hạnh nầy sẽ đến cách sống động ngay khi quí vị tin cậy Chúa Giê-xu. Xin quí vị hãy suy xét cho kỉ giữa triết lý đời nầy với chân lý Thánh Kinh để chọn cho mình con đường sống, bảo đảm yên tâm không bao giờ hối tiếc. Triết lý là sản phẩm của con người còn chân lý là sự mặt khải của Đức Chúa Trời soi dẫn đường lối chúng ta.