Ánh nắng êm dịu qua cửa sổ chiếu vào khuôn gương treo trên tường vôi, trong thư phòng đầy vẻ tưng bừng ấm áp. Xuân Hương đứng trước giá gương, ngắm nghía bóng mình và những bông hoa đào trên lọ chiếu xuống, những cánh hoa đào, hết thảy tươi cười hớn hở, như sung sướng vì được đứng bên cạnh một trang giai nhân. Bỗng nàng nghĩ đến hai câu cổ thi: "tích niên kim nhật thử môn trung, nhân diện đào hoa tương ánh hồng", lẩm bẩm nàng khen là thơ rất hay, rồi nàng tự nghĩ: "Tuy vậy... vẫn không ra dáng đàn ông, nếu gặp một người tinh mắt, họ cũng có thể nhận biết rằng mình cải trang, vì đôi má hồng và nước da trắng nõn vẫn cố hiện cái bản tướng của nó. Thình lình nhìn lên bộ ngực, đôi vú dậy thì vẫn cứ phồng phồng ra ngoài, tuy nàng đã mặc một lần áo kép. Nàng bụng bảo dạ: "lại còn cái của "mất dậy" này nữa, bây giờ làm thế nào mà dẹp được nó?" Tức thì nàng mở rương lấy thêm một tấm áo bông mặc phủ ra ngoài. Con Nụ vừa ở dưới chạy lên, thấy nàng, nó phát kinh ngạc mà hỏi: - Thưa ông, ông ở đâu lại chơi có việc gì xin ông cho biết? Nàng cố nín cười không được, tủm tỉm nàng nắm bàn tay chặn vào lỗ mũi để nói cho ra giọng người lạ: - Tôi ở Thanh Hóa... Mới nói được bấy nhiêu tiếng con Nụ đã nhận ra tiếng cô chủ, nó liền cười rũ cười rượi: - Trời ơi! Cô giả dạng khéo quá, con vẫn tưởng là ông khách nào. Những quần áo ấy cô lấy ở đâu ra thế? Xuân Hương chưa trả lời, nó lại nói tiếp: - À phải rồi! vẫn bộ cánh cô may độ trước để đánh lận xông vào trường thi, con tưởng cô đã đem cho ông Nguyễn Cao Đệ mất rồi, vẫn còn đấy ư? Nhìn vào giá gương lần nữa, nàng lại mỉm cười và hỏi: - Mày trông có giống đàn ông hay không? - Giống lắm. Chẳng giống sao con lại lầm. Nếu cứ ăn mặc như thế mà đi ra ngoài, có lẽ khắp cả Hà Nội không ai nhận ra cô nữa. Vui vẻ nàng dặn con Nụ ở nhà coi nhà, rồi nàng đi luôn xuống phường Đồng Xuân. Lớp học buổi sáng đã tan, học trò đâu về đấy hết, trong trường cụ Nghè Hoàng lúc ấy đã thấy vắng teo. Nàng đứng ngấp nghé ngoài cổng, chờ mãi mới thấy một cậu bé con tung tăng chơi ở giữa sân. Nàng gọi cậu đó ra cổng mà bảo: - Nhờ cậu vào trình cụ Nghè: có người ở Thanh Hóa ra, muốn vào hầu cụ. Cậu vui vẻ chạy vào, chừng nửa giờ sau mới thấy trở ra trả lời: - Cụ bảo tên thầy là gì, thầy hãy nói cho cụ biết. Nàng liền nói với cậu đó cho mượn cái bút có tẩm mực sẵn. Rồi nàng móc túi lấy mảnh hoa tiên trong túi, viết tấm danh thiếp như sau: "Vãn sinh, Thanh Hóa ngoại chấn sinh đồ Phạm Khắc Kính bái yết", rồi trao tấm danh thiếp cho cậu học trò, nàng dặn: - Cậu cầm cái này vào trình cụ Nghè dùm tôi. Mãi nửa giờ sau, cậu học trò ấy tất tả chạy ra và nói: - Cụ bảo mời thầy vào chơi trong nhà! Sửa lại nếp khăn và vuốt các tà áo cho thật ngay ngắn, nàng theo cậu bé cung kính vào trong nhà học. Cụ Nghè ngất nghểu bắt chân chữ "ngũ" ngồi trên ghế ngựa quang dầu, chừng như mới ăn cơm xong, trong miệng hãy còn cái tăm đương ngậm. Thấy nàng cụ vẫn ngồi ỉm không hề nhúc nhích. Lễ phép, nàng bước vào trong bực cửa và chắp hai tay lại chào. Khi nàng vừa ngẩng đầu lên, thì vừa thấy cụ rút tăm đặt xuống án thư, chìa bàn tay phải chỉ vào dãy ghế bên cạnh và nói: - Thầy ngồi! "Lão này kiêu ngạo đến thế này, thật là quá quắt, thế mà thiên hạ cứ đổ xô vào học, không biết họ định học lấy cái gì". Nghĩ vậy, nàng lại cố nén cơn tức, xin lỗi cụ rồi khúm núm ngồi vào chỗ ghế mà cụ đã chỉ. Lâu lâu, thấy cụ lên giọng đạo mạo: - Mày đâu, lấy nước thầy đồ xơi nước? Một tiếng dạ rất nhịp nhàng từ phía sau nhà kéo dài đến tận cửa hậu, một cậu học trò vào khoảng mười hai, mười ba vội vàng đến trước án thư nghiêng ấm bình tích rót độ lưng chén rón rén đệ vào chỗ nàng ngồi: - Mời ông xơi nước ạ? Rồi cậu ấy lại rón rén đi ra đằng sau. Mùi hoa sói lẫn mùi chè nụ theo khói đưa ra ngào ngạt. Nàng lại lễ phép đứng dậy: - Cụ ban nước, chúng con xin bái lĩnh! Cặp môi nhăn nheo sẽ mấp máy trong bộ râu bạc phất phơ và đưa ra hai tiếng vắn cộc: - Không dám! Rồi cụ lại bắt chân chữ ngũ ngồi im. Nàng đã uống cạn chén nước, cụ vẫn không nói không rằng. Một lúc nữa, chòm râu bạc lại thấy rung rung. Cụ ngoảnh nhìn nàng và hỏi: - Thầy ra thăm tôi có việc gì! Nàng vội đứng dậy gãi tai và đáp: - Dạ, bẩm cụ chúng tôi nghe tiếng... Vừa nói đến đấy, ngoài cửa nghe tiếng người "lạy thầy" rất ròn rã làm cho nàng phải ngừng lại và đưa mắt trông ra. Đàm Thận Trung nhanh nhẩu bước vào với cái dáng bộ kính cẩn. Theo lệ mọi ngày, chàng ấy ngồi lại dãy ghế bên kia đối mặt với Xuân Hương. Im lặng một lúc nữa, cụ lại quay mặt sang phía Xuân Hương và nhắc lại câu nói vừa rồi: - Thầy vào thăm tôi có việc gì không? Nàng cũng lễ phép nói nốt một câu đương nói dở: - Dạ bẩm cụ, chúng con được nghe tiếng cụ là bậc đạo cao vọng trọng, cho nên chẳng quản đường xá xa xôi, nhất bái, để xỉn cụ chỉ giáo cho một vài điều về cách lập thân xử thế, chúng con lấy làm đội ơn. Se sẽ giơ tay vuốt mấy sợi râu trắng xóa, cụ rung đùi ra cách tự đắc: - Làm sao thầy biết tiếng ta? Nàng đáp: - Dạ, bẩm cụ, danh vọng của cụ ngày nay, thật chẳng khác gì núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, trong cánh sĩ lâm ái cũng nói đến, chúng con nay mới được biết cũng là muộn lắm. Cụ lại ngậm tăm xỉa răng, một hồi, rồi nói: - Thầy muốn hỏi tôi về cách lập thân xử thế? - Dạ. - Thầy biết nghĩ vậy thì cũng khá đấy! Năm nay thầy bao nhiêu tuổi? - Dạ, bẩm cụ, chúng con đã hai nhăm tuổi. - Ừ đương lúc niên thiếu lực cường... Thầy đỗ sinh đồ từ năm nào? - Bẩm cụ, chúng con mới đậu khoa trước? - Năm nay thầy không đi thi? - Dạ, bẩm có. Nhưng chúng con hỏng ngay từ kỳ đệ nhị. - Năm nay các đầu bài thi cũng nhẹ cả mà? Sao thầy lại hỏng đệ nhị? Chắc thầy kém về tứ lục! - Dạ. - Thế thì thầy phải cố công rèn tập để đến khoa sau lại thi. - Dạ. - Làm người học trò, ai ai cũng mong thi đỗ, nhưng theo ý ta, đỗ hay không đỗ, cái đó chưa quan hệ lắm. Cần nhất phải giữ cho phẩm hạnh đoan chính cái đã. Nếu như phẩm hạnh không ra gì, thì càng đỗ to bao nhiêu, lại càng làm hại dân nước bấy nhiêu, Vương Án Thạch, Lã Di Đản đều đỗ Trạng nguyên cả đấy, thế mà chỉ vì phẩm hạnh bất chính, làm càn làm bậy, muôn đời mang tiếng là kẻ gian thần, các thầy đọc sử, chắc cũng biết cả. - Dạ bẩm, chúng con cũng nghĩ như thế nên phải tìm đến cửa cụ, mong cụ chỉ đường dẫn lối, cho con được rạng mặt thêm ra. - Tôi không phải là thánh hiền gì đâu. Nhưng tôi học sách thánh hiền đã nhiều, biết theo ý của thánh hiền, từ một việc làm đến một câu nói, tôi không dám sai lời thánh hiền bao giờ... - Bẩm cụ, đối với ngày nay, cụ thật là một cây cột đã đứng vững giữa dòng nước chảy? Cụ lại vuốt râu mà cười ha hả: - Thầy cũng biết như thế à? Được! Cho thầy ngồi. Xuân Hương lại khiêm tốn ngồi vào chỗ cũ. Cụ Nghè ngảnh mặt sang phía Thận Trung và bảo: - Anh Trung hãy sang bên này mà ngồi. Đó là thầy Phạm Khắc Kính, sinh đồ ở Thanh Hóa ngoài, thầy ấy với các anh cũng là chỗ thanh khí với nhau tất cả. Thận Trung cố sức nhịn cho khỏi cười, rồi chàng đứng dậy rón rén đi sang bên này cúi chào Xuân Hương và ngồi vào cùng ghế nàng. Cụ Nghè lại trông Xuân Hương rồi nói: - Thầy chắc không biết anh này là ai? - Dạ bẩm không. Đó là anh Đàm Thận Trung học khá nhất trường tôi, bài tập tứ lục trong mấy kỳ này của anh ấy tối đều phê "ưu" cho cả. Sau này nếu thầy muốn giỏi tứ lục, thì phải ở cùng với anh ta. - Dạ, chúng con cũng ước ao được thế. Cụ lại trông mặt Thận Trung và nói một cách thẻ thọt: - Tứ lục của anh thì khá, nhưng tính nết của anh hãy còn chưa chín. Những chuyện bông phào lấc cấc, rất có hại cho sĩ hạnh, anh nên tự biết mà chừa dần đi, chớ để cho thầy mang tiếng. Thận Trung vội dạ một tiếng rất lễ độ, cụ Nghè lại tiếp: - Thầy đồ Thanh Hóa muốn hỏi ta về cách lập thân xử thế, ấy là thầy đã biết nghĩ, có thể dạy được. Tiện thể ta nói cả cho anh Trung cùng nghe: Trong sự tu thân, cốt nhất là phải chính tâm thành ý, ở sách lại học đã nói: "Muốn làm rõ rệt "đức sáng" của mình ra gầm trời, trước hết phải trị nước mình, muốn trị nước mình, trước hết phải tẩy nhà mình; muốn tẩy nhà mình, trước hết phải sửa thân mình; muốn sửa thân mình; trước hết phải chính lòng mình; muốn chính lòng mình, trước hết phải thật ý mình. Thật ý mình là gì? Nghĩa là lúc nào cũng vậy, ý nghĩ của mình cứ phải thật thà dù rằng trong lúc đêm khuya, trong nơi người vắng, không có ai biết, mình lại dối mình, các thầy nghe chưa?"? Hai người cùng "dạ" ; cụ Nghè nhấp giọng một hớp nước nụ, thở một hơi dài, lâu lâu cụ ra mặt buồn rầu và thêm: - Bây giờ thói đời mỗi ngày mỗi kém, lặng người không giống ngày xưa, thiên hạ chỉ đua nhau đi về đường điêu trá gian ngoan, không coi lễ, nghĩa, trung, tín là cái gì cả. Thấy vậy, ta rất lấy làm lo phiền. Hai người cúi mặt im lặng, như có ý để tai nghe ngóng, cụ bỗng chép miệng một cái, rồi nói ra dáng tức giận: - Nhất là cái thành Hà Nội lại càng tệ hại hơn các nơi khác. Bởi vì ở đây là đất phồn hoa đô hội, người ta chỉ biết vụ lợi, không biết trọng nghĩa, cho nên nhân tâm lại càng kiêu bạc. Rồi cụ sai cậu học trò đánh đá lấy lửa, giắt mồi thuốc lào vào nõ điếu ống: cụ vít xe điếu hút sòng sọc mấy tiếng. Giây lát, cụ nhìn Xuân Hương và hỏi: - Thầy đồ Thanh Hóa có biết con Hồ Xuân Hương ở ngoài này không? Xuân Hương vội làm ra vẻ nghiêm nghị: - Dạ, bẩm cụ, chúng tôi có nghe thấy anh em nói chuyện, nhưng không biết rõ cô ta ra sao? Nét mặt hằm hằm cụ nói: - Nó là con yêu con quái giáng sinh, để làm nhơ bẩn sĩ phong đời nay. Cứ như người ta nói lại với ta, thì nó cũng có học ít nhiều, có biết làm thơ, thơ của nó toàn là thơ nôm, không có câu nào là không ngụ ý đĩ thõa. Thế mà trong đám sĩ lâm cũng có nhiều người truyền tụng, anh nọ đọc lại cho anh kia nghe. Như thế, thế đạo sĩ phông phổng còn ra trò gì nữa! Ta lo rằng chẳng bao lâu nữa, người đời sẽ hóa cầm thú hết cả. Cụ đương nói dở, đằng sau bỗng có tiếng chân chạy thình thịch. Một tên nhà bếp tiến lại phía trước án thư với sắc mặt xám mét. Cụ Nghè ngạc nhiên và hỏi: - Mày muốn nói gì? - Bẩm cụ... Nói được hai tiếng, đứa nhà bếp lại đứng thừ ra, đầu lưỡi ngập ngừng, dường như không dám nói nữa, cụ gặng: - Cái gì, cứ nói! Tên nhà bếp lại ngập ngừng cố nói hai tiếng "bẩm cụ", rồi hắn lại im, cụ phát cáu: - Bẩm cụ cái gì mới được chứ? Làm sao hỏi mãi không nói? - Bẩm cụ con mẹ hàng gà... - Con mẹ hàng gà làm sao? - Bẩm cụ, con mẹ hàng gà nó vẫn ngồi ở nhà dưới. - Nó ngồi ở nhà dưới làm gì? Chúng bay có mua bán tằng tịu gì với nó không? - Bẩm không. - Thế thì đuổi cổ nó đi! Có việc thế cũng phải hốt hoảng, thôi xuống dưới ấy. Tên nhà bếp lại nói bằng giọng ấp úng: - Bẩm cụ con gà hôm nọ cụ sai con đem nhốt vào chuồng, bây giờ thả ra, nó nhận là gà của nó. Cụ Nghè cau đôi lông mày trên bộ mặt đỏ bừng: - Của nó là của thế nào? Bảo nó muốn sống về ngay, nếu còn nhận láo thì ông đánh cho dập xác ra. - Bẩm cụ, con đã bảo thế nhưng mà con mụ ấy ghê gớm lắm, nó cứ nhất định bắt gà đem về, và nói rằng: Nếu không trả gà cho nó, thì nó sẽ đứng đấy coi gà để cho con nó đi trình ông Thiên Hộ. Cụ Nghè đập tay xuống án thư: - À láo? con mụ láng giềng này láo thật, dám đem thằng Thiên Hộ mà dọa người nhà ông à? Mày bảo nó nếu nó đi trình Thiên Hộ, thì ông bảo quan Tổng đốc bỏ cả Thiên Hộ vào ngục. Tên nhà bếp dạ một tiếng lớn, rồi chạy thẳng xuống. Giây lát nó lại tất tả chạy lên: - Bẩm cụ, con mụ bướng lắm. Con đuổi thế nào nó cũng không về, nó nói láo rằng: của nó nó nhận, quan Tổng đốc cũng đến "phải" thì thôi. Cụ Nghè thở dài: - Dân phong ngang ngạnh đến thế, có đáng ghét không? Xuân Hương ngứa miệng, giả cách lễ phép đứng dậy và bảo tên nhà bếp: - Anh không cần cãi vã với kẻ tiểu nhân vô lễ làm gì ; cứ bắt đem con gà ấy thả ra ngoài cổng, hễ nó chạy về nhà kia thì là gà của nhà kia, mà nếu nó lại chạy về nhà này, thì là gà của nhà này. Cụ Nghè chưa kịp bảo sao, tên nhà bếp đã lật đật chạy xuống. Mở quả trầu lấy trầu, cau và cái cối ngà đưa cho Thận Trung đem giã, cụ Nghè đương sắp tiếp theo câu chuyện đạo đức, thì tên nhà bếp lại hốt hoảng chạy lên, vừa thở vừa nói: - Bẩm cụ, con mới đem thả con gà ra cổng, nó đã chạy tọt vào nhà con mụ hàng gà.