Đến ga Tam Lu thì hành khách nhận được thông báo tàu phải dừng lại chờ sửa chữa một đoạn đường phía trước do cơn lũ quét bất ngờ hồi ba giờ sáng đã bóc mất. Tam Lu là cái ga xép giữa rừng với bóng núi xanh mờ pha đầy không gian và sự vắng lặng cùng tiếng chim bìm bịp chỉ chờ các chuyến tàu vút qua là tức khắc ập về, kéo mọi thứ trở lại thời hoang sơ.
Đoạn đường bị hỏng đang được chữa chạy tích cực, tuy thế theo nhà tàu thì khả năng đi được ngay là khó. Vậy nghĩa là phải chờ mất một buổi hoặc lâu hơn. Hành khách lục đục đổ xuống sân ga, mấy dãy quán hàng lơ thơ phút chốc trở nên quá tải, những tàng cây lúp xúp đây đó cũng nhanh chóng bị chiếm lĩnh. Một số hành khách tìm đến mấy nơi xa hơn ngồi uống nước hoặc ngả lưng trên thảm cỏ. Lần đầu tôi tới đây, không thể ngồi một chỗ mà trừ khu nội ga buồn tẻ ra thì ngoài bờ suối kia, rặng núi cao ngất trước mặt kia cũng đáng được để mắt đến lắm. Tôi đi quanh ngót một giờ đồng hồ với đôi ống quần bám đầy bông cỏ may rồi quay lại tìm mấy đứa bạn. Là sinh viên mới ra trường đi nhận công tác, chúng tôi mang theo chuyến đi nhiều đam mê, háo hức, cái gì cũng muốn tìm hiểu và cái gì cũng dễ đặt ra câu hỏi. Dưới mái hiên một ngôi nhà nhỏ, mấy thằng bạn tôi đang ngồi vây lấy một ông già. Tôi nhận ra ngay ông cụ đi cùng toa với chúng tôi, khoảng sáu lăm tuổi, vóc người nhỏ nhắn và đặc biệt hay chuyện. Cụ lên tàu cách đây một ga, mới đi với chúng tôi một độ đường thế mà cụ đã hỏi khắp lượt mấy đứa, thậm chí còn nói tính nết ai ra sao, ai tương lai có cơ làm to... Cụ vô tư kể về gia cảnh mình, rồi làng cụ có bao nhiêu thương binh, bao nhiêu liệt sĩ, lại cả chuyện vừa qua có mấy tay phá rừng vừa bị tóm... Còn chuyến đi này của cụ rất quan trọng, là đi làm chứng cho phiên xử một vụ tranh chấp tài sản đầy ngang trái, kẻ có quyền cậy thế làm càn, coi thường phép nước và đạo lý; chuyến này cụ phải ra tay... Ông cụ đang kể một câu chuyện cho đám bạn tôi nghe. Tôi đặt dép ngồi xuống một bên. À, chuyện đánh giặc thời chống Mỹ cứu nước. Do đâu mà có tiết mục “kể chuyện đêm khuya” vào giờ chính ngọ này thì không rõ. Có thể vì một lý do rất tình cờ: một cánh chim lạc gió bay ngang qua khiến người lính già nhớ lại một kỷ niệm nào đó, cũng có thể từ những bàn luận về chuyến tàu tắc nghẽn dẫn sang một tình huống bất trắc, trái khoáy thường xảy ra trong chiến tranh... - Đến lúc trời sáng toét ra mới biết phía trước cửa mở, cạnh một ụ đất là một ổ súng máy được chúng bố trí rất khéo - cụ già tiếp tục câu chuyện - Ụ súng bị che khuất bởi túm cây mua, nòng chỉ nhô lên miệng hầm, lúc tối trời chỉ thấy nó khạc lửa nhưng chịu không biết nó nằm nơi nào. Con “chó lửa” giấu mặt này đã kìm bước tiến của quân ta, cả một đại đội tăng cường lọt vào cửa đồn rồi đành phải nằm rạp chờ đợi. Trước tình hình ấy, bố quyết định không quay trở lại xin chỉ thị của đại đội trưởng nữa, mà lui về giật khẩu B40 trong tay một cậu đang ép mình dưới giao thông hào, rồi bò lên, đưa cái tổ súng máy chết tiệt kia vào vòng ngắm, bình tĩnh bóp cò. Một tiếng nổ đinh tai kèm theo quầng lửa sáng rực, thế là đi đời quân chó má! Quân ta ào ào tiến lên. Bố bị ù tai bởi tiếng đạn chống tăng, không còn nghe gì nữa, cứ trương mắt nhìn theo ánh chớp và theo mọi người mà lao tới!... Sau trận ấy, rút kinh nghiệm mới thấy là tổ trinh sát trong khi nắm địa hình đã bỏ sót một hỏa điểm ngay hướng tiến chính diện của quân ta khiến gây thương vong ngoài dự kiến và trận đánh phải kéo dài. Trong tác chiến đây là điều tối kỵ, binh thư xưa kia cũng nói nhiều về chuyện này... Trận ấy bố được tiểu đoàn, rồi trung đoàn khen, lại còn được đi dự một hội nghị cấp quân đoàn báo cáo kinh nghiệm chủ động xử lý tình huống, tạo thời cơ cho đơn vị đánh thắng giòn giã... Phải nói ông cụ có khiếu kể chuyện. Cụ kể rành mạch, lớp lang đâu đó, giọng lúc lên bổng lúc xuống trầm cộng với điệu bộ của đôi tay khiến câu chuyện không mấy lạ lùng gì nữa vẫn lôi cuốn người nghe. Chúng tôi gọi một cút rượu từ mái quán. Rượu trắng trong veo, chỉ cần khẽ lắc là bọt trào lên. Cụ già nhấp một ngụm nhỏ rượu, dừng lại, đôi môi đụng đậy. Đó là cung cách của các ông già sành rượu ở các làng quê. Biết đích thị là rượu ngon, cụ mới ngửa cổ nốc cạn trong rừng rực chất men lan tỏa. Chúng tôi đề nghị cụ kể tiếp bởi thời gian xem ra còn dài. - Bố kể những gì rồi các chú? - Cụ già đặt chén xuống đất, khà một cái rõ to. - Bố kể ba trận đánh. Trận Mậu Thân tại Huế, rồi trận nào đó ở Tây nguyên mà ta phải nhịn ăn, chia khẩu phần ít ỏi cho tù binh, rồi trận bố bắn B40 tiêu diệt một ô súng máy của địch ở làng Vây. - Ờ, có một chuyện nhỏ là trong trận đánh vào Huế năm Mậu Thân, lính ta chẳng hiểu vì sao lại lọt vào một tiệm kim hoàn vô chủ. Có mấy cậu tham, giắt vàng vô lưng như nhặt khoai. Bố liền trừng mắt: “Được vàng là chết! Ông cha dạy rồi, nghe chưa, đừng ngu! Chiến tranh đang dài, phải giữ mạng sống mà đánh giặc, chết sao vội. Bỏ xuống hết đi!”. Thế là mấy chú lính non choẹt sợ mất vía, liền kính cẩn đặt dây chuyền, nhẫn ngọc lại chỗ cũ... Thời ấy mà tham thì nay bố cũng giàu to. Khớ khơ khơ!... Mấy giờ rồi, tàu sắp chạy chưa? - Dạ chưa đâu. Nhà tàu bảo cứ đợi. - Ờ, thì đợi... Trước chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ta đánh vào một thị trấn, bố không nhớ tên nữa, chỉ nhớ thuộc tỉnh Savanakhet. Tổ trinh sát của bố được đưa về bản Xà Đon gần kề đó điều tra địa hình ngót hai tháng ròng trước khi ta khai hỏa. Trên bố trí bô ở nhà một ông già Lào, là cơ sở tin cậy của ta ngay trong lòng địch. Nhà có cô con gái tên Bun Then. Ngày ngày bố cùng Bun Then cưỡi voi vào thị trấn, tiếng là đi thồ hàng vì trong nhà làm nghề buôn bán lặt vặt, thực chất đi quan sát địa hình. Nhờ Bun Then mà bố tự do đi lại nhiều nơi trong vai một anh thanh niên Lào, anh họ Bun Then. Nhờ sắc đẹp và tài ăn nói của mình mà Bun Then nắm được nhiều nơi quan trọng trong thị trấn rồi đêm về vẽ lại bản đồ cho ta. Hai tháng sống cùng gia đình Bun Then, bố có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất là một lần vấp phải quân phái hữu lùng ráp. Lúc đó giữa trưa, bố đang ngủ ngon giấc trước thềm nhà thì nghe bước chân chạy rầm rập quanh hồi. Vừa choàng mắt đã thấy mấy thằng Lào ngụy léo nhéo chửi tục rồi leo lên cầu thang. Bố lao ngay vào buồng Bun Then, quên mất tập bản đồ lâu nay thu thập được lúc ngủ đem gối đầu ở ngoài thềm. Thử hình dung xem, nếu tập bản đồ lọt vào tay địch thì cơ sự sẽ ra sao? Nhất định chiến dịch bị lộ và phải dừng lại, cả nhà Bun Then và bố sẽ bị giết, thậm chí cả bản bị san phẳng! Đến giờ bố vẫn ngạc nhiên về tài trí của người con gái Lào xinh đẹp ấy. Té ra Bun Then đã tinh ý thấy bố để quên tập bản đồ phơi ra trước mắt quân giặc. Không kịp làm gì hơn, Bun Then liền ngồi ngay xuống sàn thềm gỗ lát, xòe tấm váy hoa sặc sỡ trùm lấy tập bản đồ trên 30 trang chi chít hình vẽ! Bun Then cười nói lả lơi, lại cả gan kéo chúng ngồi xuống bên cạnh. Mấy tên lính biết Bun Then từ lâu, chúng thường qua lại tán tỉnh, nhưng chưa bao giờ được người đẹp ve vuốt, cười cợt, lại còn vít cổ tặng cho mấy cái hôn. Mấy thằng lính được đà sàm sỡ, nắn bóp Bun Then. Cũng may hôm đó ông già ở nhà. Thấy chướng quá, ông già đằng hắng mấy cái rồi rút con dao giắt bên vách cái rột, thế là lũ trâu bò hiểu, đành đứng dậy ra đi. Bun Then giả bộ luyến tiếc hẹn gặp lại khiến chúng mừng rơn, có biết đâu cô nàng đã lừa được bọn chúng để bảo vệ bí mật trận đánh của quân ta, giải phóng quê hương làng, bản. - Sau rồi thế nào ạ? Bun Then và bố yêu nhau chứ? Cụ già chun mũi, nhấp thêm chén rượu, rồi chỉ tay lên dãy Trường Sơn: - Các chú có tin là thỉnh thoảng bố nhìn lên dãy Trường Sơn để nhớ về những ngày tháng không thể nào quên không? Bố đã đi dọc đất nước triệu voi, tham gia nhiều trận đánh; nhưng nhớ nhất là đôi mắt nàng Bun Then, tưởng như trong mắt có lửa. Nhưng bố quyết không làm khổ Bun Then. Sau chiến dịch, bố chia tay Bun Then. Bố biết không có điều kiện để yêu thương nhau, không thể lợi dụng tình cảm Bun Then, mặc dù cô gái Lào chờ anh lính Việt tỏ tình, chờ một lần nắm tay buộc chỉ trong ngày tết năm mới Bun Pi May! Mấy lần Bun Then nói rằng Bun Then rất muốn qua Việt Nam để xem biển rộng ra sao. Lúc đó bố mới kể là biển đẹp như nọ, bao la như kia, thật ra là bịa bậy cả chứ bấy giờ bố cũng chỉ biết biển qua bản đồ thôi.