Tiểu thuyết trường thiên của Trung Hoa xuất hiện ở đầu đời nhà Minh, với bộ "Tam Quốc diễn nghĩa", rồi đến bộ "Thuỷ Hử truyên", rồi đến bộ "Tây Du Ký".Ðến năm Gia Tĩnh thì xuất hiện bộ "Liệt quốc chí truyện" của Dư Thiệu Ngư gồm 8 quyển, 226 tiết, bắt đầu từ khi vua Trụ (nhà Thương) lấy Ðát Kỷ, đến khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa.
Sau đó vào cuối đời Minh, Phùng Mộng Long cải bộ "Liệt quốc chí truyện", đổi tên là "Tân liệt quốc chí", dài 108 hồi, bắt đầu từ đời Tuyên vương nhà Chu, cho đến đời Tần Thủy Hoàng.
Vào khoảng đời Kiến Long nhà Thanh xuất hiện bộ "Ðông Chu liệt quốc chí". Bản này dựa vào bản "Tân liệt quốc chí" mà sửa đổi lại chút ít và thêm vào rất nhiều những lời phê bình, chú thích của Sái Nguyên Phong.
Năm 1995, Nhà xuất bản Tác gia ở Bắc Kinh (Trung Hoa) phát hành bộ "Ðông Chu liệt quốc chí" dựa vào bản của Phùng Mộng Long. Những chỗ nào Sái Nguyên Phong sửa chữa "Tân liệt quốc chí" một cách sai lầm thì nhà xuất bản Tác giả khôi phục lại bản cũ, còn những chỗ nào mà cả Phùng Mộng Long và Sái Nguyên Phong đều sai lầm thì nhà xuất bản Tác giả đính chính lại một cách thận trọng.
*
"Ðông chu liệt quốc chí" bao gồm một thời kỳ lịch sử dài hơn 400 năm (thế kỷ VI, V, IV, III trước công nguyên). Thời kỳ ấy bắt đầu từ khi Bình vương nhà Chu dời đô sang phía Ðông và kết thúc với cuộc thống nhất của Tần Thủy Hoàng. Sử cũng gọi thời kỳ ấy là đời Ðông Chu (chia làm hai giai đoạn là Xuân thu và Chiến quốc). Trong lịch sử Trung Hoa, đó là thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến phân quyền đến chế độ phong kiến tập quyền (có một thuyết cho rằng đời Xuân thu còn ở trong chế độ nô lệ). Phùng Mông Long căn cứ chủ yếu vào các sách "Tả truyện" và "Quốc ngữ" của Tả Khâu Minh và sách "Sử ký" của Tư Mã Thiên và có tham khảo các sách "Công dương truyện", "Chiến quốc sách" và hơn mười bộ sử khác nữa, để biên soạn Ðông Chu Liệt Quốc chí "Sử
*
Tư tưởng toát ra trong suốt bộ tiểu thuyết này là tư tưởng "dân bản" của nhà nho: dân là gốc của nước, là sức mạnh của nước ; không phải vũ lực quyết định sự thành công hay sự thất bại mà chính là lòng dân. Trong truyện, những bậc anh hùng cứu nước (Huyền Cao, Tín Lăng quân, Lạn Tương Như, v.v...) những nhà trí thức chính trực (Ðổng Hồ, Lỗ Trọng Liên, v.v...); những người chấp chính có nhiệt tình với dân với nước (Quản Trọng, Tử Văn, Tôn Thúc Ngao,v.v...) đều được tác giả nhiệt liệt ca ngợi và đề cao.
Mặt khác, tác giả miêu tả không dè dặt, không nể nang, cái bản chất xấu xa, bỉ ổi của giai cấp thống trị. Những mâu thuẫn sâu sắc giữa các tập đoàn thống trị, sự tranh giành quyền lợi giữa các cá nhân, gây nên vô số những cuộc chính biến và những cuộc tàn sát trong hơn bốn thế kỷ. Cũng không sao nói hết được sự dâm loạn vô sỉ ở chốn cung đình: quan hệ nam nữ bậy bạ giữa anh em ruột, giữa bố chồng và nàng dâu, con chồng và thứ mẫu,v.v... (Tề Khương công và nàng Văn Khương, Vệ Tuyên công và nàng Tuyên Khương, Tấn Hiền công và nàng Tề Khương, v.v...) đều được tác giả kể lại và có thái độ phê phán. Sự ngu xuẩn của bọn thống trị thì được biểu hiện trong những nhân vật điển hình là Tống Tương công (dựng cờ nhân nghĩa, không chịu đánh giặc trong lúc giặc đang qua sông), Vệ công (cho hạc làm quan), Yên Khoái (bắt chước Nghiêu, Thuấn nhường ngôi) v.v... Tuẫn táng là một tập tục vô nhân đạo do sự ngu xuẩn của bọn đế vương sinh ra: Tề Hiều công chôn sống hơn hai trăm nội thị và cung nhân, để cho cha mình (chết rồi) có người hầu hạ ở dưới đất ; 177 người dân, trong đó có những người ưu tú (Tam Lương) cũng chịu một số phận như vậy ở đất Ung, táng địa của Tần Mục công ; Ngô vương Hạp Lư đánh bẫy hơn một vạn nam nữ để tuẫn táng cho con gái chết yểu của mình là Thắng Ngọc.
Bên cạnh những tư tưởng tiến bộ, thì do sự hạn chế của thời đại, Phùng Mộng Long cũng không tránh khỏi những quan điểm tiêu cực, lạc hậu.
Ở "Ðông chu liệt quốc", tư tưởng chính thống và định mệnh rất phổ biến. Vua nhà Chu làm thiên tử là do mệnh trời, cho nên những nước chư hầu nào xưng vương đều bị coi là "tiếm". Ðó là tư tưởng chính thống, xây dựng trên quan điểm định mệnh.
"Ðông Chu liệt quốc" cũng đề cao "trung hiếu tiết nghĩa" phong kiến. Chữ "trung" ở đây là sự trung thành tuyệt đối của kẻ làm tôi, làm dân đối với cá nhân thiên tử là người được coi như chịu mệnh trời để cai trị thiên hạ. Trong "Ðông Chu liệt quốc" không thiếu gì chuyện vua bắt kẻ làm tôi phải chết, kẻ bề tôi phải vui lòng chết theo để được tiếng là "trung". Chữ "hiếu" cũng cùng bản chất với chữ trung vì thiên tử được coi như là cha mẹ dân. Công tử Thọ và Cấp Tử nước Vệ vui lòng chết để khỏi trái đạo "hiếu" đối với một người cha tàn ác, bất công. Chữ "trinh" chữ "tiết" cũng được quan niệm một cách hẹp hòi, biểu hiện một quan hệ phụ quyền rất chặt chẽ. Người con gái nước Sở giặt vải ở bờ sông Lại Thủy đã nhảy xuống sông chết chỉ vì đã "trót" nói chuyện và cầm nắm cơm đưa tận tay cho Ngũ Tử Tư là một người trai nước Sở đương lánh nạn. Chữ "nghĩa" thì thường thường được xây dựng trên cơ sở ân oán cá nhân. "Sĩ vị tri kỷ giả tử" kẻ sĩ phải lấy cái chết đạ đền ơn người biết mình, nếu không thì không đáng gọi là kẻ trượng phu. Dự Nhượng huỷ hoại cả thân thể mình để đi báo thù cho Tri Bá ; Yêu Ly không những để cho người ta chặt tay mình đi, lại còn bằng lòng để cho người ta giắt cả vợ con mình để đền đáp ơn người tri kỷ. Những truyện như thế rất nhiều trong Ðông Chu liệt quốc. Do đó, nếu chữ "nghĩa" có thể đem lại đoàn kết để phục vụ chính nghĩa, thì nó lại hay bị giai cấp thống trị quí tộc lợi dụng mà mưu đồ lợi riêng.
Nhiều nhà phê bình trước đây đã chỉ trích sự mê tín, ma quỷ bói toán, nhân quả, báo ứng, trong sách "Tả truyện". "Ðông Chu liệt quốc" không những thừa kế sự mê tín ấy mà còn tăng cường nó lên. Ngay trong hồi thứ nhất đã có đến bốn năm chuyện huyền hoặc: đứa trẻ mặc áo đỏ dạy bài hát chẳng lành, những cung phi có thai bốn mươi năm, người con gái hiện hình ở trai cung, oan hồn của Ðậu Bá và Tả Nho đòi mạng, v.v... Về sau lại còn vô số những chuyện điềm tốt, điềm xấu, quỉ thần, đồng cốt, yêu quái, v.v... Những chuyện hoang đường như thế thường thấy chép trong nhiều truyện cổ nói chung.
Tất nhiên ngày nay ta không tin những chuyện ấy là có thực mà hiểu rằng hoặc là do sự hạn chế của thời đại, tác giả "Ðông Chu liệt quốc" không thể có cái nhìn khoa học như chúng ta ngày nay đối với mọi vấn đề xã hội ; hoặc là ở dưới chế độ cũ mà vua chúa có uy quyền tuyệt đối, người cầm bút không thể nói ra sự thật nên phải mượn câu chuyện U vương nhà Chu mất nước ở mấy hồi đầu tiểu thuyết "Ðông Chu liệt quốc", theo chúng tôi, đã được tô đậm màu sắc hoang đường, cũng không ngoàng Chu liệtý quốc", theo yếu ấy.
Về nghệ thuật tính của "Ðông Chu liệt quốc" thì trước hết phải nói đến vấn đề kết cấu. Từ khi Bình vương nhà Chu dời kinh đô sang Ðông đến Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước là một thời kỳ hắc ám, hỗn loạn, vô cùng phức tạp, có vô số những cuộc chính biến, tàn sát ; vô số những cuộc chiến tranh hoặc nhỏ, hoặc lớn, hoặc giữa vài ba nước, hoặc giữa hàng chục nước ; vô số những chuyện thi thố tài năng ; vô số những nhân vật xấu, tốt ; vô số những đời sống tư nhân có liên quan với những sự kiện chính trị lớn nhỏ. Tất cả những cái đó, phải được tổ chức lại, tổng hợp lại như thế nào ; trọng tâm, trọng điểm phải đặt ở những chỗ nào, những lúc nào ; các hồi, các đoạn phải được phân phối như thế nào, để cho cái mớ sự kiện và nhân vật ấy trở thành một chuyện hoàn chỉnh? "Xuân thu", "Tả truyện", "Công dương", "Cốc lương" thì tự thuật các sự kiện ấy theo thứ tự năm tháng (biên niên) "Quốc ngữ", "Chiến quốc sách" thì ghi chép theo từng nước. Tư Mã Thiên thì đã biên tả theo từng mục, loại. Phùng Mộng Long đã giải quyết vấn đề kết cấu của "Ðông Chu liệt quốc" một cách sáng sủa và tự nhiên, đứng trên quan điểm chính thống mà tự thuật những sự biến chính trị và quân sự trên còn đường thay đổi "thiên mệnh" từ nhà Chu đến nhà Tần, bắt đầu từ khi nước Trịnh lấn át thiên tử và trải qua sự nghiệp bá chủ của nước Tề, nước Tấn, nước Sở, nước Ngô, nước Việt, rồi đến chính sách "hợp tung" và "liên hoành" của Tô Tần, Trương Nghi và kết thúc bằng sự thống nhất của nước Tần. Với những điều kiện phiền phức như đã nói trên đây, người ta không có thể đòi hỏi thêm nữa, mà người ta chỉ có thể khen ngợi tác giả đã khái quát được những sự kiện vô cùng rối ren ấy đạ hiến độc giả một bức hoạ bao la về một thời kỳ lịch sử cổ đại rộng lớn của Trung Hoa.
Một số nhân vật trong "Ðông Chu liệt quốc" được ngòi bút tác giả miêu tả rất sinh động, rất "nổi". Ðọc "Ðông Chu liệt quốc", không mấy ai quên được những nhân vật như Tín Lăng quân, Ngũ Tử Tư, Phạm Lãi, Lạn Tương Như, Kinh Kha, Chuyên Chư, Nhiếp Chính v.v... Chính là trên cơ sở những mâu thuẫn gay gắt của những sự kiện chính trị lớn, tác giả đã khéo thông qua ngôn ngữ và hành động mà xây dựng nên hình tượng nghệ thuật những nhân vật điển hình đó.
Người Ðông Chu thì thế, đến việc Ðông Chu thì tác giả lại khéo có ngòi bút tự sự thật gọn gàng, sáng sủa và đồng thời lại còn rất khẩn trương, cảm động nữa. Có những sự kiện rất phức tạp, quanh co, mà tác giả chỉ cần nửa hồi để thuật lại một cách rất mạch lạc, trôi chảy, như đoạn viết về bốn họ tranh quyền nhau ở nước Tấn. Lại có những sự việc kéo dài trong đó quan hệ giữa các nhân vật biến hoá không ngừng, cục diện phát triển như đợt sóng, lên lên xuống xuống, tầng tầng lớp lớp, như chuyện Sái Túc nước Tống lập vua, chuyện Trung Nhĩ nước Tấn lánh nạn, chuyện Ngũ Tử Tư nước Sở báo thù v.v... Những đoạn ấy kéo dài nhiều hồi và ngòi bút tự thuật của tác giả đã khéo dẫn dắt người đọc một cách tài tình hết hồi nọ sang hồi kia, những người đi đường xa mỗi bước lại thấy hoa thơm cỏ lạ, mỗi lúc một thấy phong cảnh đổi mới đột ngột, bất kỳ.
Lời văn "Ðông Chu liệt quốc" tuy không uyên thâm, điển nhã như Văn Tả truyện, văn Sử ký, nhưng có ưu điểm là cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Nhiều đoạn rất hàm súc, nhiều đoạn lại rất tình tứ, nên thơ. Như đoạn viết về hai anh em công tử Thọ nước Vệ:
"... Công tử Thọ liền bước sang thuyền Cấp Tử, rót một chén rượu để mời, nhưng chưa kịp nói gì thì nước mắt đã ứa ra, rỏ xuống chén rượu. Cấp Tử vội vàng đỡ lấy mà uống. Công tử Thọ nói: "Chén rượu này đã bẩn mất rồi!" Cấp Tử nói: "ấy, chính anh uống cái tình của em ở trong ấy!" Công tử Thọ gạt nước mắt nói: "Chén rượu hôm nay là chén rượu vĩnh biệt của anh em ta. Nếu anh nghĩ đến tình em thì xin gắng uống cho thật nhiều...".
Và đoạn tả Lộng Ngọc thổi sáo đêm trăng:
"... Lộng Ngọc ở trên lầu cuốn rèm lên ngắm cảnh, thấy trời tạnh mây trong, trăng sáng như gương, gọi thị nữ đốt một nén hương, rồi đi lấy cái ống sinh làm bằng ngọc bích, đến bên cửa sổ mà thổi. Tiếng sinh véo von vọng lên vòm trời, gió hây hây thổi, bỗng nghe như có người họa lại, khi gần khi xa. Lộng Ngọc không khỏi băn khuăn, bèn ngừng lại, không thổi nữa, có để nghe xem sao. Tiếng họa cũng im đi, nhưng dư âm còn lẽo đẽo không dứt. Lộng Ngọc bâng khuâng trước gió, như một người vừa đánh mất vật gì. Chốc đã nửa đêm, trăng xế hương tàn, nàng đem ống sinh để trên đầu giường, gắng gượng đi nằm.
*
Ở cuối đời Minh, sau bộ "Ðông Chu liệt quốc chí" còn xuất hiện hơn hai mươi bộ tiểu thuyết lịch sử, như "Nam Bắc sử diễn nghĩa", "Tổng truyện", "Tây Hán diễn nghĩa", "Lưỡng Tấn diễn nghĩa", v.v... Về giá trị văn học và phạm vi ảnh hưởng thì "Ðông Chu liệt quốc chí" đứng đầu các bộ tiểu thuyết ấy, theo sự nhận định của các nhà phê bình xưa và nay.
Trân trọng giới thiệu bộ tiểu thuyết "Ðông Chu liệt quốc" với các bạn đọc.
Cao xuân huy