Nữ thuộc chòm sao Song Ngư - Nữ nghe thầy phán những người thuộc chòm sao Song Ngư có mạng Đại Hải Thủy, tức nước biển lớn, trong sự nghiệp và tình yêu sẽ thênh thang như biển, cuộn trào như sóng nhưng cũng lắm khi dông tố bão bùng.
Nữ nghe thầy phán - tính Nữ ở hiền, thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy, không quanh co xã giao lại chẳng xiên xỏ người, vì vậy Nữ có ít bạn nhưng đều thân cả. Số Nữ đào hoa, gặp nhiều người tốt nhưng Nữ vốn ưa phiêu lưu, ưa đi lại, ưa điều mới lạ nên trí thì thông mà tâm lại khổ…“Trí thì thông mà tâm lại khổ”… Bao nhiêu năm nay câu phán ấy cứ mãi ám ảnh Nhà Báo Nữ. Ừ, trí thì thông thật. Nhà Báo Nữ đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, nghe rất nhiều điều, thấy rất nhiều chuyện. Và Nhà Báo Nữ cũng đọc rất nhiều sách, viết rất nhiều trang. Ở mỗi nơi đi qua đều lưu dấu lại trong lòng Nhà Báo Nữ một chút gì đó, đều khiến cô cảm thấy lưu luyến bồi hồi. Nhưng chỉ vậy thôi, Nhà Báo Nữ lại háo hức lên đường tìm đến những vùng đất mới, lại quần jean, áo khoác, lại lỉnh kỉnh máy ảnh, ống zoom, lại những bữa cơm bụi dọc đường, lại những đêm lang thang trên đất người, lại những chuyến bay dài vô tận… và lại một mình.Đã biết bao lần một mình như thế. Có chút tiếng tăm, Nhà Báo Nữ lại càng một mình. Và đáng buồn thay, Nhà Báo Nữ lại không lo lắng gì về điều đó. Số đào hoa gặp rất nhiều người tốt, tốt cả mọi thứ nhưng “sợ nhất là người ta không hiểu mình!” - Nhà Báo Nữ thầm nghĩ. Đối với Nhà Báo Nữ thì hiểu nhau là điều quan trọng nhất trong tình yêu - hiểu để mà thông cảm cho nhau. Thực ra cái chữ “cho nhau” này hơi bị thừa, đúng hơn là chỉ cho riêng mình Nhà Báo Nữ thôi.Tết vừa rồi, Nhà Báo Nữ về quê sau bao tháng ngày phiêu lưu khắp nơi. Nhìn quê hương đổi mới, tắm trong cái hương vị biển mặn mòi, Nhà Báo Nữ chợt thấm mệt, thèm một giấc ngủ bình yên trên đất mẹ, thèm một tô cơm cá kho cay đến cháy lòng. Chợt điện thoại reng. “Alô” - “Mày hả con quỉ, bây giờ là mấy giờ rồi? Nhà báo gì mà lề mề quá!” - À, họp lớp. Có tiếng nhao nhao ở đầu dây bên kia: “Nó mà đến là xử luôn, bạn bè gì mà mấy năm rồi không thèm đi họp lớp!” - À, thằng Mỏ Nhọn Nhất Lớp đây mà. Bỗng “oe… oe…”. Ủa? Sao lại có cả trẻ con ở đây nhỉ? - À, … “OK, tao tới liền, sẽ có quà cho tất cả bọn bay!”.Giỏi Văn Nhất Lớp đến khi cả bọn đang xúm xít quanh một thiên thần. Thiên thần đang nằm trong nôi, trắng nõn, tay chân cứ ngọ nguậy liên tục như đang bức xúc điều gì. Con của thằng Đẹp Trai Nhất Lớp rất giống bố, nhất là cái đầu bum quá khổ. Gớm! Nhỏ Đẹp Gái Nhất Lớp ốm thế mà tài, nặn ra được thằng cu kháu lạ. Giỏi Văn Nhất Lớp mừng tuổi cho nó, cái miệng nó cứ phèo phèo nước miếng văng lên tung tóe. Nước bọt trẻ con không hôi chút nào, lại còn thơm mùi sữa, Giỏi Văn Nhất Lớp cũng chẳng buồn lau.Giỏi Văn Nhất Lớp đứng thu mình vào một góc để quan sát những khuôn mặt người. Thời gian đã đi qua trên những khuôn mặt ấy, có kẻ già hơn do trang điểm, có kẻ lại già đi bởi mưa nắng cuộc đời. Nhất là những đôi mắt, mắt này là của nhà nghiên cứu đờ đi sau cặp kính trắng; mắt này là của lái buôn láo liên; mắt này là của kẻ lắm tiền khinh khỉnh mâm trên; mắt này là của người nghèo khổ vằn lên những tia máu… nhưng dẫu sao đó vẫn là những đôi mắt hạnh phúc, những đôi mắt có những đôi mắt đối diện để hướng về, những đôi mắt đầy ám ảnh.Nhìn quanh chẳng thấy Giỏi Toán Nhất Lớp đâu, Giỏi Văn Nhất Lớp chợt buông một tiếng thở dài khe khẽ…Về nhà mấy ngày, Nhà Báo Nữ tự cho phép mình làm cái Cô Bé Lười Biếng khi xưa. Chẳng muốn đi đâu, bình minh đến với Cô Bé Lười Biếng lúc 11 giờ sáng, điểm tâm cũng là cơm trưa, rồi lên mạng chat nhăng chat cuội.- Em ten gi?- Em bao nhieu tuoi?- Em dang o dau?- Toi nay em ranh khong?- Ten em xau lam!- Em gia roi!- Em dang o mot noi rat de thuong!- Toi nay em khong ranh!”- Vay a?- Vay thi khong co thoi gian noi chuyen voi ba gia dau. Bye nha!Điện thoại lại reng. “Alô” - “Con đó hả? Thăm cô giáo chưa?” - “À, con quên, con đi liền đây!”.Nhà cô giáo ở xóm Cồn, ngày xưa xóm này nổi tiếng nhếch nhác, bây giờ đã thành khu du lịch. Cô giáo dạy văn hồi cấp III, giờ đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn sắc sảo lắm. Cô phủ đầu Học Trò Cưng bằng một câu rất sốc: “Sao, đi chán chê giờ mò về thăm cô mày hả con?”. Học Trò Cưng cười bối rối: “Làm gì có ạ!”. Cô giáo nói huyên thuyên suốt buổi, dường như càng có tuổi con người ta nói năng cũng nhiều hơn thì phải.- Ngày xưa mày mà đi ngoại thương bây giờ ra làm ngân hàng có trắng trẻo mướt mát không con.- Công việc gì mà ngồi bẹp gí một chỗ, con không chịu được!- Thì mày đi nhiều sướng lắm à? Đấy, háp rồi đấy! Chồng nó không chê mà bỏ cũng lạ. Nó mà không bỏ mày thì mày cũng bỏ nó, mày đi nhiều, gặp gỡ nhiều, thế nào chả có người hơn. Lũ chúng mày bây giờ cứ là cưới muộn rồi…- Rồi li dị sớm ạ! - Học Trò Cưng tiếp lời.- A ha, cưới muộn rồi ly dị sớm, vần thật! - cô giáo cười lớn ra chiều đắc ý khi phát hiện được một vế rất vần về cái thực trạng xã hội ngày nay. Học Trò Cưng vẫn là Học Trò Cưng, lúc nào cũng hiểu cô giáo nhất.Nhà Báo Nữ lại tiếp tục lên đường, lần này là vùng núi phía Bắc. Chiếc xe khách cứ uốn lượn trên con đường ngoằn ngoèo chạy vào thị trấn. Một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực sâu hun hút. Núi cứ sát bên tay, vách cao dựng đứng, phía dưới sát mặt đường lộ ra những vết cào sâu hình răng cưa, màu đất bầm đỏ tựa hồ như những vết thương nham nhở. Chợt chạnh lòng - núi sông ngàn năm sừng sững thế kia mà vẫn phải chịu khuất phục trước con người. Con người thật phi thường, nhà báo cũng phi thường, Nhà Báo Nữ lại càng phi thường hơn nữa - phi thường đến không nhận ra xung quanh mình mọi thứ đang dần đi vào qui luật của nó.Trên xe có một phụ nữ người dân tộc còn rất trẻ, chỉ mới 22 thôi mà đã có ba mặt con. 22 ư? Vào tuổi này, Nhà Báo Nữ đang làm gì nhỉ? Tung tăng nơi giảng đường, lòng đầy háo hức về nghề nghiệp tương lai, cuồn cuộn những hoài bão mơ ước, cháy bỏng những khát khao lý tưởng. Ở cái ngưỡng vọng ấy, Nhà Báo Nữ nhìn cuộc đời thật nhỏ bé, sợ rằng thế gian quá chật hẹp trước cái khát khao tìm hiểu của mình. Buồn cười thật, sau này khi đã thật sự lăn lộn với nghề, Nhà Báo Nữ mới nhận ra suy nghĩ đó thật là ngốc nghếch. Ở mỗi nơi, mỗi vùng đi qua đều có biết bao câu chuyện, biết bao những mảnh đời, biết bao những kỳ tích mà nếu không chịu khó tìm kiếm, nhìn ra, nắm bắt, điển hình lên thì nó mãi mãi lẫn lộn trong những cái bình thường khác… Và ở đâu đó rất gần thôi, ngay trên chuyến xe khách này, người phụ nữ dân tộc đang huyên thuyên kể về một thầy giáo miền xuôi nào đó lên tận đây để dạy cái chữ cho núi rừng…Lớp học vùng cao thật xiêu vẹo, xiêu vẹo đến tội nghiệp, vài cái bàn méo mó bằng gỗ rừng, chiếc bảng xanh bé xíu, gỗ thòi ra nham nhở. Lớp học chênh vênh giữa lưng chừng đồi, tưởng như một cơn gió núi thổi qua sẽ cuốn phăng đi tất cả, cả thầy, cả trò, cả những cuốn vở lem luốc, cả những mẩu bút chì cùn đến nao lòng. Anh đứng đó thật bao dung hồn hậu, giữa những đôi mắt thơ ngây chưa biết buồn, giống như những thiên thần đủ màu sắc vậy. Có điều nhà những thiên thần này nghèo quá! Để đên được cái lớp học xiêu vẹo này, có lẽ bên kia núi là những mái nhà còn xiêu vẹo hơn.Anh đang cặm cụi gò chữ cho từng em một, vẫn mái tóc xoăn bồng bềnh, vẫn đôi mắt kính dày cộm, vẫn dáng người khắc khổ ngày nào. Chỉ khác một điều, bây giờ đôi chân anh đã không còn nguyên vẹn. Với cái nạng gỗ ấy, Nhà Báo Nữ chợt thấy e ngại cho dãy núi cánh rừng trước mặt, lẽ nào từng hòn đá ngọn cây lại vô tình đến thế…Anh đã chọn nơi đây để gắn bó, chọn mảnh đất vùng cao này để sống cái đời sống mà anh luôn khát khao tìm về. “Ừ, như vậy mới đúng là anh chứ!” - Nhà Báo Nữ nhủ thầm.Đi bên nhau thật lâu, nói với nhau thật nhiều, Nhà Báo Nữ biết được cái làn khói trắng phía xa kia là từ bên kia núi, nơi có một mái nhà nho nhỏ, một người phụ nữ dân tộc nho nhỏ và những đứa trẻ cũng nho nhỏ nốt. Vậy là anh đã có vợ, có con, có “một gia đình nho nhỏ để nương tựa vào nhau mà sống”. Nương tựa vào nhau ư? Thời gian trôi qua nhanh quá, nhanh đến nỗi Nhà Báo Nữ đã không nhận ra mình nhớ anh đến nhường nào, đã ước mơ được cùng anh để mà nương tựa vào nhau đến thế nào...Khập khiễng khập khà vác chữ lên non là tên một tập phóng sự vừa xuất bản. Ở lời đề đầu sách, Nhà Báo Nữ đã viết mấy dòng như sau:“Tôi viết về anh bằng những con chữ của cuộc đời. Anh trong chữ của tôi là một trí thức trẻ nguyện góp mình cho cái chữ vùng cao, cho một ngày mai đất nước mình nhiều hơn nữa những người trí thức. Nhưng các bạn ạ, vẫn còn một anh nữa, anh trong lòng tôi, anh của ngày hôm qua thì mãi vẫn chỉ là một Giỏi Toán Nhất Lớp, khờ khạo đến nao lòng…”.Hết