Tại sao Hữu lại chết? Mà chết vì tai nạn giao thông, điều mà không một đứa bạn nào của Hữu, trong đó có Bằng, có thể nghĩ đến. Bởi Hữu chính là đứa cẩn thận nhất trong đám bạn bè, chạy xe chậm, đúng luật, nhà ở ngoại thành nên hằng ngày trên đường đều luôn đội nón bảo hộ, ngay từ khi chưa có luật bắt buộc. Uống rượu với anh em, Hữu không bao giờ để bị say, mà lỡ vui quá chén thì bao giờ cũng bỏ xe lại, đi taxi về. Ai cười thì mặc, Hữu chỉ giải thích một lần duy nhất: “Tôi phải lo cho một vợ ba con và cả hai gánh gia đình ở dưới quê. Tôi phải giữ cho không thể có chuyện gì xảy đến cho mình”.
Thế mà chuyện đó đã đến, như sét đánh, lúc tám giờ mười lăm phút buổi sáng ngày 19-5 trên đường Hữu đi làm. Những người chứng nói là Hữu chạy xe hoàn toàn đúng luật, bên tay phải đường, tốc độ vừa phải. Chiếc xe tải chạy cũng đúng làn đường, tốc độ không nhanh, và đang chạy phía sau xe Hữu. Bỗng đâu có một chiếc Su của một thằng nhóc chạy khá nhanh từ phía sau bên phải Hữu vọt lên. Ngay trước mặt nó lại có một chiếc xe gắn máy khác. Để vượt qua Hữu, thằng nhóc vụt lách sang bên trái. Có thể là hai chiếc kính chiếu hậu đã chạm nhau, hoặc đuôi xe nó quẹt phải bánh trước của xe Hữu. Nhờ tốc độ nhanh nên nó lướt qua được, trong khi Hữu bị hất ngã qua bên trái, vừa đúng lúc chiếc xe tải chạy đến... Chỉ trong một tích tắc! Và chấm hết... Chấm hết một kiếp người tài hoa, trung thực, tình nghĩa. Chấm hết một giấc mơ đổi đời đang êm đềm trôi. Từ một tỉnh nhỏ, họa sĩ Hữu khăn gói lên thành phố, gia nhập làn sóng người đi tìm lối thoát khỏi cảnh nghèo túng. Anh vẽ bảng hiệu, chép tranh, mở lớp dạy hội họa... đầu tắt mặt tối cho đến ngày tình cờ gặp lại một thằng bạn từ thời học trường mỹ thuật hiện trình bày cho một tờ báo. Báo cần thêm người và nó lôi ngay Hữu về. Có công việc ổn định lại gặp đúng đất dụng võ, Hữu đi lên từ đó. Một tờ báo chính, vài tờ đặc san, rồi tới tấp bìa sách, bìa băng đĩa... Hữu nhận làm tất cả, thức đêm thức hôm cày bừa, học hỏi, từ một gã mù vi tính dần trở thành một chuyên gia đồ họa trên máy. Rồi Hữu mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, đưa được vợ con lên. Từ đôi tay trắng, có vẻ như anh đang làm nên tất cả... Vậy mà...Đứa bạn nào cũng khóc khi đến đám tang Hữu. Như thường lệ, khi một người tốt như vậy ra đi rồi, người ta mới bắt đầu nhớ thì ra anh ta đã tốt như thế nào. Nhìn vợ Hữu xơ xác tả tơi, ba đứa con ngơ ngác thất thần, không ai cầm được nước mắt. Bằng là một trong mấy người bạn thân nhất của Hữu. Họ có tám người, đều trong giới văn nghệ, luôn họp mặt cố định vào mỗi chiều thứ sáu để lai rai cuối tuần. Họ sắp thứ tự luân phiên chịu trách nhiệm buổi nhậu, đến lượt ai thì người đó tùy túi tiền mà quyết định chỗ ngồi và thực đơn. Cứ thế, nhóm “bát tiên” nhờ không có tiên nữ nên đã chơi với nhau êm đềm được hơn năm năm. Bằng là nhà thơ nên có thể nói là “hẻo” nhất đám, đến lượt anh thường chỉ có rượu đế và thịt chó. Thỉnh thoảng, biết Bằng đang “vã”, Hữu còn lén dúi tiền cho. Hai người thân nhau vì cùng là dân đồng bằng chạy lên thành phố, cùng tuổi, cùng mê rượu đế hơn rượu tây, lại mang hai cái tên Bằng - Hữu như duyên tiền định. Bằng làm thơ ngang tàng phóng túng như chính kiểu sống của mình, còn Hữu luôn chu đáo, đúng giờ, ngăn nắp. Bằng quá bốn mươi vẫn độc thân, vài tháng lại thấy một cô bạn mới, còn Hữu quanh năm đội vợ đội con trên đầu. Bằng luôn phát biểu ồn ào, sẵn sàng tranh cãi, còn Hữu lúc nào cũng im lặng, hiểu nhiều nói ít. Hai tính cách có vẻ trái ngược nhau hoàn toàn nhưng người này lại là mơ ước của kẻ kia, thân nhau cũng là điều dễ hiểu.Trong suốt ba ngày không rời đám tang, rồi ngồi bên quan tài vịn cho nó đừng lắc lư trên suốt chặng đường từ thành phố về tận quê Hữu, rồi ném cục đất và tưới ly rượu cuối cùng xuống phần mộ, Bằng không hề chảy một giọt nước mắt - Cũng gần như không nói một lời nào. Ba đêm, Bằng cứ ngồi đó, trước mặt là chai rượu trắng, tì tì uống. Cuộc đời đã vô nghĩa đến vậy, thấy đó mất đó, thì kiêng với cữ làm đếch gì nữa. Người nhà Hữu bưng tới chén cơm thì ăn, mệt quá thì lăn xuống chiếu. Cứ thế cho đến khi chôn cất Hữu xong, Bằng gần như kiệt sức, ở luôn trong nhà ba mẹ Hữu suốt mấy ngày. Mỗi chiều anh lại ra sau vườn ngồi bên ngôi mộ mới rợi, cứ nghĩ tới thằng bạn mới hôm nào còn cười cười nói nói cụng ly với mình giờ đang tan rã dưới ba thước đất nơi đây, ngực lại đau nhói. Ngoài kia, một nhánh sông Tiền lấp loáng nắng cứ mang mấy cụm lục bình trôi đi mải miết. Ba của Hữu ra ngồi kế bên Bằng, chép miệng nói: “Thằng Hữu tắm nát con sông này từ hồi còn con nít, lớn lên đi xa rồi mà mỗi lần về tới nhà là lại nhào ra sông tắm thỏa thuê cái đã. Con sông vẫn đang trôi mát rượi kia kìa, mà nó thì không bao giờ lội nữa rồi!”. Đúng là con sông vẫn đang trôi, hàng nghìn năm đã qua và sắp tới. Còn con người thì cứ đến và đi, đến và đi, trong vài cái chớp mắt. Cứ thế Bằng ngồi mãi cho đến khi trời sụp tối, cứ mỗi cơn gió về lại nghe tiếng rơi lộp bộp của mấy trái mận chín không ai buồn hái... ° ° °49 ngày Hữu, Bằng đến nhà ăn bữa cơm chay với vợ con Hữu, trên đường về bỗng dưng anh ngừng lại ở ngay chỗ Hữu ngã xuống, tấp xe vào lề đường đứng nhìn ra mãi. Lúc đó chắc mày thấy đau lắm phải không Hữu? Giây phút cuối mày đã nghĩ gì? Tao tin chắc dù không còn được lấy một giây, mày cũng đã kịp nghĩ tới vợ con mà cảm thấy đau hơn! Quá bất ngờ nên mày không thể nào xử lý được phải không? Thằng chó đẻ chạy xe ẩu tả đó, nó trốn luôn rồi! Không ai kịp nhìn số xe của nó. Mỗi ngày, bọn chúng giết chết bao nhiêu người vô tội như mày? Sao bọn chúng vẫn cứ nhởn nhơ ngang dọc trên đường vậy?...Có tiếng chân bước đến sau lưng Bằng rồi một giọng đàn ông vang lên:- Đoạn đường này nguy hiểm lắm, anh đứng đây làm gì? Bằng quay lại và thấy một người đàn ông trong bộ quần áo lem luốc của người thợ sửa xe đang nhìn anh đầy vẻ quan tâm. Thấy Bằng vẫn thẫn thờ không trả lời, người đàn ông nói thêm:- Anh không nên đứng như thế. Tôi ngồi đây mới mấy năm đã thấy ở khúc đường này có khoảng vài chục tai nạn lớn nhỏ, mỗi năm chết vài người, cô hồn nhiều lắm. Cách đây gần hai tháng, ngay trước mặt anh đã có một ông họa sĩ... Bằng nói:- Đó là bạn tôi. Hôm nay là đúng 49 ngày...Người thợ sửa xe “à” lên một tiếng rồi mời Bằng vào ngồi dưới bóng mát của cây trứng cá:- Những người chết bất đắc kỳ tử thường khó siêu thoát. Có thể anh không tin nhưng tôi cứ thấy anh ấy trở về đây, đứng quanh quẩn ngay chỗ mình ra đi. Anh ấy từng ghé đây bơm xe vài lần, và hôm đó chính tôi là người đầu tiên chạy đến lôi anh ấy ra khỏi bánh xe tải, nhưng thấy ngay là đã quá muộn. Tôi đã làm một cái trang thờ, ngày nào cũng mời anh ấy uống cà phê, hút thuốc...Ông chỉ cho Bằng thấy một cái trang thờ nhỏ bằng gỗ tạp đóng vội gá vào gốc cây trứng cá, cũng có bát nhang, bài vị nghiêm chỉnh. Bằng rút gói thuốc ra mời ông ta. Ông rút lấy hai điếu, đốt lên và cắm một điếu vào bát nhang cho Hữu, xong đâu đó mới rít một hơi thật dài điếu thuốc của mình, nhẹ nhàng thở khói:- Tôi từng đi bộ đội, chứng kiến cảnh chết chóc cũng nhiều, vậy mà lúc nào tôi cũng thấy cái chết là chuyện rất vô lý. Ví dụ như với anh họa sĩ này cũng vậy. Chỉ cần anh ấy chạy chậm lại hay nhanh hơn chừng một giây thôi là đã không chết. Chậm lại thì thằng kia sẽ không quẹt phải, còn nhanh hơn thì nó không có chỗ để vượt qua. Anh ấy hay trở về đây, có lẽ cũng vì tiếc điều đó... Nhưng làm sao có thể quay ngược thời gian lại được?