Chiếc máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân sơn Nhất dưới cái nắng gay gắt buổi trưa 12 giờ của Sài gòn giữa mùa hè. Hành lý không nhiều chỉ cái xách tay nhỏ và cái va ly đựng áo quần, thế mà cũng gần một giờ sau tôi mới thoát ra khỏi cổng phi trường. Nắng như đốt. Tôi nghẹn ngào gặp lại chị và hai em tôi, nước mắt ngọt ngào cứ thế mà tuôn. Tay bắt mặt mừng lời chào, lời hỏi không dứt. Tôi không kịp trả lời. Vài ba phu’t đầu tôi còn ráng gồng mình, vừa lau mồ hôi rã ra như tắm vừa cố cười cười nói nói, tới khi không còn chịu được cái nóng nung người của Sài Gòn đón chào tôi, tôi nhăn nhó với Thỏ Ngọc, con em út:- Cho về nhà rồi nói chuyện đi út, tao nóng quá.Chị và em tôi cười thông cảm, kéo tôi leo lên chiếc xe đậu cách đó không xa lắm rồi bé út nhắc chú tài xế:- Cho bà chị tui chút máy lạnh đi bác tài. Mới nóng cở nầy bả đã rên làm sao bả ở cả tháng được đây.Xe dừng lại trước cửa, tôi lao nhanh ra khỏi xe, chạy bay vào nhà ngay không kịp để ý xem cảnh tượng xung quanh, nơi tuổi nhỏ tôi đã được sanh ra và lớn lên, thay đổi như thế nào, mặc dù trên đường từ phi trường về nhà tôi đã không cách nào nhận ra được những nơi đã đi qua. Tất cả không còn một nét gì của hai mươi năm xưa, ngay cả cái sân trước nhà tôi giờ cũng đã thuộc về nhà nước. Nhưng những đổi thay đó đã không níu chân tôi đứng chậm lại phút giây nào, tôi tự nhủ 'bữa khác coi cũng được '. Tôi nhảy từng hai bậc thang lên lầu thật nhanh miệng kêu ơi ới ' Ba ơi, Ba đâu. Má, Má ơi '. Tôi sà vào vòng tay Ba Má, sau gần hai mươi năm xa nhà, tôi buông người mặc cho nước mắt chan hòa, cổ tôi nghẹn cứng. Ba má tôi cũng thế, chẳng nói thành lời, dòng lệ nóng xuôi trào từ hai khóe da nhăn, nước mắt chứa chan tình phụ mẫu là tiếng nói thay lời hỏi han săn sóc mừng con trở về.Tôi trở về đây để thăm Ba má tôi giữa lúc sức khỏe người không được khả quan lắm cho nên dù đã về hơn hai tuần, tôi vẫn chưa bước chân ra khỏi nhà được bao nhiêu lần. Dù vậy tôi vẫn thấy vui và hạnh phúc vì được gần Ba má và anh em. Chị và hai em tôi thì áy náy vì tôi về mà nhất định không đi chơi đâu, chỉ quây quần trong nhà với Ba má và anh em, lý do là vì Ba má tôi không đi xa được.Sau hơn hai tuần nằm nhà, một buổi sáng, bé út rủ tôi đi bộ vòng vòng khu công viên Phú Lâm. Những hình ảnh cũ không mời gọi bừng sống dậy trong tôi. Nầy đây là hồ tắm Phú Lâm ngày xưa tôi vẫn có mặt đều từng buổi sáng, đi bơi ngày nào về cũng bị Má mắng, nay biến thành câu lạc bộ thể dục thể thao trông tàn tạ quá! Đi một đoạn nữa là chùa Lộc Uyển mà tôi vẫn thường theo má đi lễ, bây giờ phải để ý kỹ lắm mới nhận ra ngôi chùa nhỏ nhắn và cũ kỹ đến buồn! Không xa đây lắm, tôi nhớ ngày xưa có ngôi chùa Quan Âm với tượng Phật Bà Quan Thế Âm lộ thiên đứng giữa hồ sen thơm ngát, mà những buổi chiều tan học về tôi hay cùng lũ bạn nhỏ đứng nhìn mải mê không biết chán, ngôi chùa giờ đâu rồi? Không còn nữa! Cũng trên lối đi nầy, tuổi nhỏ tôi ngày xưa vô tư ngập tràn ước muốn, hàng chuỗi kỹ niệm trải dài trên mỗi bước chân xinh. Từng buổi sáng, từng buổi chiều tôi và lũ bạn bè tung tăng chân sáo trên lối mòn hai bên đầy hoa thơm và cỏ đẹp, tuổi thơ thả hồn mình đi hoang trên những đám mây xanh trôi xa tít bầu trời mà mơ mộng, mà ước ao. Giờ đây tôi nghe nuối tiếc chuyển mình. Vùng tuổi nhỏ yên bình, ngây thơ và hoa mộng, ôi hiền hoà một cách dễ thương! Hôm nay tôi trở về khung trời thơ dại thưở xưa để thấy tất cả đã không còn gì. Tôi bước đi giữa nhà nhà lớp lớp, hàng hóa buôn bán bày la liệt ra tận lối đi như thế nầy. Đằng sau lưng, phía trước mặt và ngang bên tai là tiếng kèn xe inh ỏi, tiếng đập chan chát vào thùng xe đi kèm theo tiếng la hét ' xích vô đi, xích vô, xích vô lề chút đi mấy bà ơi....' chừng đó thực tế không tài nào tôi yên tâm để cái đầu bé tí của tôi thong dong mộng mơ cho được. Nhưng thôi, cuộc sống là bước tới, làm sao tôi một mình đi ngược dòng thời gian! Đứng đấy mà bâng khuâng, mà ray rức chỉ làm khổ cái lỗ tai tôi phải chịu đựng tiếng kèn tin tin không ngừng của từng đoàn xe lớn nhỏ phía sau lưng.Tôi nắm tay bé út và đứa cháu nhảy vào lề đường để tránh vũng nước đọng, cũng vừa lúc có chiếc xe Vespa màu xanh phía sau lưng tôi đang từ từ chậm lại để quẹo vào một cửa tiệm trước mặt. Ngang qua tôi, người lái xe ngước nhìn, rồi bất chợt dừng hẳn. Tôi đứng lại, nhìn lên để nhường lối cho chiếc xe đi vào. Tôi giật mình khựng lại, miệng há hốc, giương đôi mắt thật to như không thể nào mở to hơn được nữa. Dù thế tôi chưa dám mở lời vì không biết người ngồi trên chiếc Vespa kia có nhận ra tôi không. Tôi quay nhìn bé út. Con bé cũng nhìn lại tôi, ngơ ngác.Một giây trôi qua như để cho những hình ảnh của quá khứ đủ thời giờ sống lại.- Nhớ anh không?, anh hỏiTôi gật đầu lia lịa:- Anh Nguyễn đây mà.- Bé con. Còn nhớ anh là giỏi lắm. Anh chưa già.' Có thể nào!! ' Tôi trở về từ bên kia bờ đại dương băng giá, cách xa anh nửa vòng trái đất, và đã có một khoảng thời gian sau 1975 tôi và anh chưa bao giờ có cơ hội đụng đầu nhau cái cốp như vầy. Còn cuộc hội ngộ nào hi hữu hơn! Các nhà khoa học gia Mỹ muốn cho phi thuyền con và phi thuyền mẹ gặp nhau trên cung Hằng cũng đã phải bỏ hằng tháng, hằng năm làm bài toán, cọng trừ nhân chia làm sao cho cả hai phi thuyền phải cùng có mặt tại điểm hẹn đúng vào giờ đã định trước mới mong ráp nối vào nhau hoàn hảo được ; trong khi tôi và anh đã bao nhiêu năm rồi chưa ai nhận được một tin tức gì của nhau. Anh không được hay tin tôi có mặt tại Sàigòn. Tôi cũng không hề biết anh giờ đang sống ở đâu sau cuộc đổi đời.Tôi lắc đầu, nhìn anh:- Trái đất quả là nhỏ hả anh Nguyễn.- Bé về bao giờ? Chừng nào lại đi? Thỏ Ngọc đã đưa chị Mai đi đâu rồi? Anh hỏi tôi cùng lúc hỏi bé út.Tôi không nhớ lần cuối tôi gặp anh là bao giờ, có điều chắc chắn đã trên hai mươi năm, và anh vẫn gọi tôi là bé như xưa. Tôi nheo mắt:- Em về hơn hai tuần. Thăm ba má không được khỏe nên em chẳng đi đâu. Bây giờ anh Nguyễn ở đâu?Anh đưa tay chỉ ngôi nhà trước mặt:- Nhà anh ở đây.Thỏ Ngọc, em gái út tôi, chun vai, nheo mắt:- Ây cha cha, nhà anh Nguyễn đây hả? Em ngán quá, không dám vào đâu.Đấy là một ngôi nhà lầu cao 3 tầng trông đẹp và kiên cố, phía trên có bảng hiệu HL buôn bán vật liệu xây cất. Phía dưới đang tấp nập khách ra vào mua bán. Anh ngỏ ý mời chúng tôi vào nhà, nhưng bé út đã lên tiếng:- Hôm nào anh Nguyễn đến nhà chơi đi. Bây giờ em đưa chị Mai lên phía trên kia chút xíu coi mấy cái tiệm bán hòn non bộChia tay Nguyễn, tôi trở về nhà buổi trưa hôm ấy đầu óc thẩn thờ như còn đi trên mây. Thỏ Ngọc kể cho chị Tiểu Hồng nghe đi giữa đường gặp anh Nguyễn, nhà anh ấy buôn bán vật liệu xây cất trên Phú Lâm nè, lớn quá. Vậy mà bao nhiêu năm ở đây mình không biết ha chị Tiểu Hồng, ảnh lại đây chơi cũng không khoe nhà bán buôn như vậy cho mình ' nhờ vả ' nữa hả chị Tiểu Hồng. Con bé kể lể thêm chuyện gì đó tôi nghe loáng thoáng. Tôi thả hồn quay về những thước phim dĩ vãng dài ngoằn xa xưa, thời 12- 13 tuổi mù khơi tưởng chừng đã mất hút, giờ tự dưng sống lại trong tôi như mới ngày hôm qua.Má Nguyễn là bạn của má tôi. Tôi không nhớ từ bao giờ Nguyễn đến nhà tôi lần đầu, chỉ nhớ khi tôi bắt đầu biết đòi quà, bắt đầu đeo cổ anh vòi vĩnh, làm nư, giận hờn là anh đã có mặt trong nhà tôi khá lâu.Anh đến mỗi buổi chiều và mỗi ngày là một món hàng ăn quà vặt con gái. Hôm thì bịch mận, hôm thì bịch ổi, hôm thì chục bắp trái, mớ chè đủ loại... cứ thế hàng ngày tôi mong anh đến. Có hôm anh muốn 'thử ' tôi mừng anh đến vì quà vặt hay vì anh, anh giả vờ xuất hiện với đôi tay trống không, anh còn tỉnh bơ hỏi chịTiểu Hồng: ' bé Mai ngủ sớm vậy? '.Nghe giọng anh, tôi từ nhà sau chạy bay ra, nhìn:- Ổi cho em đâu?Anh lắc đầu.Tôi nhăn mặt:- Vậy mận hả?Anh đưa hai tay lên trời lắc lắc. Tôi còn tí kiên nhẫn sau cùng:- Chứ gì?- Chẳng có gì hết. Hôm nay mấy hàng quà bánh nghỉ bán.Không đợi Nguyễn nói dứt lời, tôi đã tặng anh một cái liếc thật bén, kèm theo tiếng ' xì ' thật dài bằng từ nhà đến chợ. Nguyễn níu đuôi tóc tôi:- Bé con nầy mong quà chứ có mong anh đâu.Tôi bấu tay anh đau điếng, anh giật tay lại la ' Á... Á... ', và tôi mang bộmặt giận hờn nặng chình chịch chạy biến ra nhà sau, còn nghe tiếng chị Tiểu Hồng buộc tội Nguyễn:- ông nuôi nó toàn đồ chua chát, ăn quen rồi, bây giờ nó hư chứ sao, còn than gì?Vậy mà rồi Nguyễn cũng dỗ tôi, anh níu tóc tôi lại, kí đầu: ' có đi với anh ra chợ không '. Nghe tới quà vặt là tôi quên giận hờn cái rụp, tôi ôm tay anh líu lo đi ' rinh ' quà ăn về. Nguyễn đưa tôi lại hàng trái cây anh hay mua. Bà bán hàng nhìn tôi, mới biết vì sao Nguyễn hay mua trái cây chua mỗi ngày:- À, thì ra mận, ổi mỗi ngày là cho cô nhỏ nầy đó hả cậu Nguyễn?Tôi nghe xấu hổ, trong khi Nguyễn giật giật đuôi tóc tôi:- Hôm nào không có là không yên với cô nhỏCứ thế từng buổi tối Nguyễn đến nhà. Nguyễn thường ngồi nói chuyện với chị Tiểu Hồng, anh Phan và thỉnh thoảng có má tôi.Trong mắt tôi hồi đó, Nguyễn là ' bồ ' của chị Tiểu Hồng, vì anh bằng tuổi chị, nhưng vì tôi quá bé nhỏ để hiểu chuyện tình cảm nên mặc dù Nguyễn vẫn gọi chị Tiểu Hồng là ' chị ', kêu anh Phan là ' anh ', tôi vẫn không lấy làm thắc mắc.Lâu dần, cũng đến lúc Nguyễn phải xa rời gia đình tôi. Một chiều như thường ngày anh đến, cho hay anh đã trúng tuyển vào hải quân. Chỉ vài hôm nữa anh sẽ phải rời thành phố Sài gòn để đi Nha Trang ' học làm lính thủy '.Chẳng có tí buồn bã, tôi mừng rỡ đeo cánh tay anh, hí hửng tặng ngay câu nói mà chị Tiểu Hồng hay chọc mấy chàng hải quân: ' Đường nào dài cho bằng đường Trần Hưng Đạo. Lính nào xạo cho bằng lính Hai quần, mai mốt anh Nguyễn thành lính hai quần rồi ' tôi khoái chí cười hăng hắc. Nguyễn day qua bà chị tôi:- Chị Tiểu Hồng đầu độc bé con phải không?Anh phân bua tiếp:- Oan cho anh. Anh chưa biết xạo là gì.chị Tiểu Hồng bồi thêm:- Ông hiền quá. Con kiến mà nghe ông nói thế cũng muốnđứng dậy mà đi.- Nè bé con, không nên bắt chước chị Tiểu Hồng. Ởnhà chị dạy bậy, bé về méc anh.- Mai mốt anh Nguyễn đem về cho bé cái nón hải quân màutrắng nghen.Rồi từ đó anh đi. Tuổi nhỏ tôi có nhiều bè bạn vây quanh và những nguồn vui khác trước mắt lôi cuốn hơn làm tôi chấp nhận dễ dàng sự vắng mặt Nguyễn. Tôi quên anh nhẹ nhàng.Thỉnh thoảng Nguyễn về thăm gia đình tôi, vẫn có những gói kẹo miền Trung cho tôi và chiếc nón lá bài thơ cho chị Tiểu Hồng. Nhìn Nguyễn có nét phong sương, già dặn hơn, và ra dáng của chàng thủy thủ trong bộ đồ màu xanh nước biển với bảng tên trên nắp túi áo. Tôi nghiêng đầu nhìn anh, dò xét:- Anh Nguyễn có bồ chưa? Má nói để làm mai chị Thuỷ, bạn của chị Tiểu Hồng cho anh đó.Nguyễn lại níu cái đuôi tóc tôi:- Không lo mà học, nhiều chuyện. Chẳng ai mượn bé con. Bao giờ cần ' bồ ' anh sẽ la lớn.Ít lâu sau chị Tiểu Hồng đi lấy chồng. Ngày cưới chị, tôi tưởng Nguyễn sẽ buồn lắm vì mất đi cô bạn gái thân quen, nhưng chẳng thấy anh có chút u-sầu nào. Cuộc đời lính biển rày đây mai đó, Nguyễn thưa dần những ngày phép về thành phố. Bước theo vài bước tuổi đời, tôi lớn cùng với thời gian. Bé con ngày xưa bây giờ không còn ngồi chơi trò búp bê giả bán hàng nữa mà đã biết ngắm mình làm dáng soi gương. Anh Phan bây giờ bù đầu học thi. Chị Tiểu Hồng không có nhà. Tôi đã biết thẹn thùng, e lệ không dám ngồi nói chuyện ' tay đôi ' với Nguyễn những ngày anh đến thăm. Có buổi chiều tan học, vừa bước ra cổng trường với đám bạn cùng lớp, tôi giật mình đụng ngay bóng Nguyễn đang ngồi trên chiếc Honda đỏ đợi ai. Sân trường không còn tà áo dài trắng nào. Tôi ngóng trước ngóng sau, chẳng thấy ai, mon men đến bên Nguyễn tôi hỏi:- Anh Nguyễn làm gì ở đây?Nguyễn tỉnh bơ:- Đợi bé. Lên anh chở về.- Ai mượn. Anh Nguyễn về đi, bé đi với bạnRồi để anh đứng ' ngẩn ngơ trông vời áo tiểu thư ' một mình, tôi quay qua với đám bạn thả bộ về. Lũ bạn tôi không thích có cái đuôi theo sau, bèn nghĩ ra cách trốn anh. Bốn đứa biến vào mấy con hẻm ngoằn ngoèo.Ngày hôm sau, tan trường ra vẫn thấy anh ngồi đó. Tôi chưa kịp nói gì đã nghe giọng Phi Lan chan chát bên tai:- Lại hẹn bồ?- Vô duyên. Ai hẹn hồi nào?Tôi bước lại sau lưng Nguyễn, nhăn nhó:- Anh Nguyễn làm tụi nó chọc bé.- Cả trường về từ nảy giờ. Bốn cô còn ở đây. Rồi còn lơ thơ lẩn thẩn, hái bông, hái hoa, phá chuông nhà người ta. Anh đón về còn cằn nhằn là sao?Tôi hù Nguyễn:- Ngày mai anh Nguyễn còn đợi nữa, bé bỏ học. Má hỏi bé nói tại anh.Mỗi buổi chiều tan học, tôi về chung với Phi Lan, Xuân Thu và Ánh Nguyệt. Tôi thích thú tận hưởng những trò chơi con nít. ' Nhưt' quỉ, nhì ma, thứ ba học trò ' không bao giờ sai cho lũ bạn bè chúng tôi. Học trò con gái một khi có từ hai cô trở lên là những cử chỉ duyên dáng, e lệ, thẹn thùng bị bỏ quên nằm trong xó góc hết. Tuổi nào chúng tôi đều có những trò phá phách cho tuổi đó. Bốn đứa ' oẳn tù tì ', một đứa thua phải xách cặphết cho ba đứa kia. Ba đứa còn lại thảnh thơi, thong dong, bèn nghĩ ra trò đùa khác, như đi ngang mấy ngôi biệt thự kín cổng cao tường có bảng giới thiệu ' coi chừng chó dữ ', ba đứa dừng lại, trông trước trông sau, dọn đường sẵn để chạy. Một đứa bấm chuông đợi reng thật lâu, dòm chừng tới lúc thấy từ phía sâu trong nhà có dáng người ló đầu ra hay có tiếng chó sủa vang trời, ba đứa túm áo dài... chạy đua, cười vang cả góc đường, còn to hơn tiếng chó sủa. Có hôm Phi Lan còn đổ mòi lì, ngang qua một ngôi biệt thự khác bấm chuông xong, con bé còn đứng lại đưa tay vẫy vẫy người trong nhà như chuyện trò, phân bua cái gì đó. Chờ họ đi ra được nữa quãng đường, nó quay đầu ra keó ba đứa chạy trối chết, để lại tiếng xỉ vả văng vẳng phía sau. Hoặc lúc đi ngang nhà nào có bảng ' xin đừng hái hoa ', cả bọn đứng lại liếc nhìn nhau, một đứa lãnh nhiệm vụ canh chừng chủ nhà, mấy đứa còn lại khéo léo luồn lách đôi tay bé nhỏ qua hàng rào có kẻ hở ' giật hoa '. Tới khi cả đám ù té chạy là những cành hoa trong tay cũng ' tơi bời hoa lá, tan nát đời bông '. Tôi say mê và tận hưởng những trò đó với mấy đứa bạn không biết chán, vậy mà bây giờ leo lên xe ngồi cho Nguyễn chở một lèo về nhà thì thật là một viễn tượng không đáng mê chút nào.Nguyễn vẫn kiên nhẫn cho xe chạy rề rề phía sau bốn tà áo trắng. Có Nguyễn lẽo đẽo bên cạnh, chúng tôi không giở được những trò phá phách thường ngày, tôi đổ hết tội ấy cho Nguyễn. Về tới nhà, anh Phan đang ngồi sửa xe trước sân nhìn, bộ mặt tôi như bị kiến lửa cắnBước vô cửa, tôi vùng vằng quăng chiếc cặp vào góc nhà cái ' ầm ', búng hai chiếc giày từ trong chân mỗi chiếc ' bay ' vèo một góc. Nguyễn cũng quẹo xe vào nhà.Anh Phan nhìn tôi, chọc quê:- Mới đi quýnh lộn dìa hảĐể mặc Nguyễn ngồi trước sân nói chuyện với anh Phan tôi nhất định cả buổi chiều không ló mặt ra.Một vài buổi chiều như thế, rồi Nguyễn không chờ tôi ở cổng trường nữa. Cô nhỏ nổi tiếng giận dai, anh không dại gì trêu tay cô nhỏ, có gì thích thú đâu. Có hôm tôi về đến nhà gặp Nguyễn ngồi trong sân nói chuyện với anh Phan. Tôi thích ngắm Nguyễn trong bộ đồ lính biển, anh có nét phong sương mà lãng mạn, hào hoa mà hiên ngang của chàng thủy thủ.Nhưng đấy chỉ là khoảng thời gian ngắn Nguyễn được đổi về học Anh Ngữ ở trường Sinh ngữ Quân đội và làm việc tại Sài gòn. Nguyễn không được ở thành phố lâu. Thời cuộc biến động mang anh đi xa khỏi Sàigòn nhộn nhịp. Anh bôn ba nhiều nhưng chưa một lần Nguyễn kể tôi nghe những vùng nào anh đã đi qua. Hình như Nguyễn nghĩ rằng tôi chưa đủ tuổi để hiểu hay anh không muốn tôi u sầu, lo lắng hoặc chia xẻ với anh vui buồn của người lính biển trong những chuyến hải hành dài lênh đênh trên đại dương mà chỉ có sóng nước và mây trời làm bạn, hoặc những tháng năm dài anh làm lính xa thành phố. Tôi mù tịt về cuộc đời hồ hải của anh.Rồi chiến tranh. Rồi ly loạn và quốc biến. Những tháng ngày tối đen của quê hương đất nước, Nguyễn chịu chung số phận thê lương của dân tộc. Anh biền biệt ở đầu sóng ngọn gió không một tin tức gởi về. Chị Tiểu Hồng vẫn thường băn khoăn, thắc mắc: ' ông Nguyễn giờ nầy không biết ở đâu? '.Nỗi băn khoăn kéo dài trong những ngày Sài gòn hấp hối để biến thành niềm lo âu mong đợi, vẫn bặt tin Nguyễn. Tôi bồn chồn lo lắng nhưng ngại ngùng không biết hỏi ai. Nỗi buồn lo của mình không sánh bằng nỗi đau chung của dân tộc, tôi giấu kín nỗi niềm riêng tư tận cùng trong con tim bé nhỏ. Tàn cuộc chiến đất nước chịu cái tang chung. Mỗi gia đình âm thầm khóc một nỗi buồn riêng. Ba tôi bị bắt đi tù. Má không dám cho anh Phan ở lại trong nhà sợ bị bắt dẩn đi mất tích nửa đêm, má đưa anh Phan đi lưu động hết nhà bác nầy sang nhà bác khác, anh Phan biến thành du mục. Nhà tôi chỉ còn lại mấy mẹ con. Chị Tiểu Hồng phải đỡ đần giúp Má nuôi Ba ở tù và đàn em nên không còn thời giờ suy nghĩ tới anh.Thời gian đi qua, với những lo toan của cuộc sống, tôi để mối suy tư về Nguyễn nằm yên trong một góc, tôi định rằng Nguyễn đã không còn ở đất nước nầy. Lòng cảm thấy yên tâm khi tự an ủi rằng Nguyễn giờ đang bình yên ở một quê hương xa lạ, tự đánh lừa mình với ý nghĩ như thế để bớt cảm thấy lo âu muộn phiền nếu Nguyễn đang trong một trại cải tạo nào trên chính đất nước mình.Thời gian cũng đủ dài để lòng tôi không còn ray rức, thắc mắc giờ nầy Nguyễn đang ở đâu? Một năm giờ Giao thừa, tôi đang ngồi với Sơn, anh bạn trai, chờ giờ đi hái lộc đầu năm, thì Nguyễn ở đâu hiện ra. Ngỡ ngàng như chiêm bao và bất chợt thật không ngờ, tôi nhìn anh như người về từ một cõi xa xăm hoang tưởng nào ' bé tưởng bao nhiêu năm nay anh Nguyễn đã đi Mỹ? ' - ' anh đi cải tạo, khi thả ra thì về quê '. Tôi nói Nguyễn ' ngồi chờ bé đi hái lộc với Sơn, sau Giao thừa sẽ về ngay '. Anh trả lời tôi bằng cái nhìn im lặng và chua xót. Giờ tôi mới hiểu vì sao anh trao tôi ánh mắt buồn như thế!Đêm cuối năm lần đó, anh đến để cho tôi hay anh sẽ ra đi rạng ngày hôm sau. Và tôi đã rất vô tình để anh trở về không có lời từ giã.Tôi nằm ngủ như thế trên cái ghế trường kỷ ở phòng khách không biết được bao lâu. Hình như tôi đã bao nhiêu lần cố giương đôi mắt ngồi dậy, nhưng không tỉnh giấc được, cho tới khi tôi nghe văng vẳng giọng chị Tiểu Hồng:- Kêu nó dậy. Giờ nầy ngủ rồi tối người ta ngủ thì nó thức, đi vòng vòng.Tôi nghe có giọng đàn ông cười trêu chọc:- Việt kiều hay ăn ngủ ngược đời thế đấy bà chị ạ!Tôi nheo nheo đôi mắt bực bội vì có người phá giấc ngủ, định quay mặt vào trong ngủ tiếp, Thỏ Ngọc thúc vai tôi:- anh Nguyễn đợi bà nảy giờ, tốn của ảnh cuồn phim rồi đó.Không để bé út lặp lại lần thứ hai, tôi giật mình ngồi thẳng lưng. Nguyễn đang ngồi chống càm trước mặt tôi:- Bên đó không ngủ trưa, về đây ngủ cho bỏ ghét hả Việt kiều?Nguyễn rủ tôi đi coi Sài gòn về đêm. Nguyễn kể chuyện anh đi vượt biên không thành. Bị bắt trở về. Hay tin tôi đã ra đi, anh nóng lòng lại muốn vượt đi lần nữa ngay sau khi vừa ra tù. Lần thứ hai anh bị bắt lâu hơn. Chuyến đi nầy, anh quen một người con gái cùng đi chung chuyến tàu, chị ấy được thả ra về trước, chính chị là người lo lắng cho anh những tháng ngày anh bị bắt giam. Người đàn bà ấy là chị Vân, bây giờ là vợ anh.Sau hai lần đi không được ' anh trở về, nản chí quá, không thiết tha làm việc gì. Bao nhiêu tiền bạc của cải má anh dành dụm cả đời, dồn hết cho anh, đã tiêu tan. Anh bàn tay trắng, đâu còn lòng nào đòi hỏi má phải lo cho anh ra đi nữa. Bà ngoại già, má khuyên anh lấy vợ ổn định cuộc sống. Anh dằn lòng đợi tin bé, hai năm sau anh lập gia đình. Anh ngại ngùng không muốn biên thư cho em, sợ mọi người cho rằng anh liên lạc với bé để tìm sự giúp đỡ. Anh càng không muốn em lo cho anh ở lại. Từ đó anh sống đời... câm nín. Anh nghe chị Tiểu Hồng kể cuộc sống bé nơi xứ lạ, anh đau xé ruột và rát lòng vì chẳng làm được gì giúp em. Từng đêm anh chỉ còn biết gọi tên em mà tâm tư tràn đầy hình ảnh bé con những ngày mới lớn. Em lúc nào cũng trong lòng anh dù em thăm thẳm, mịt mùng, nghìn trùng diệu vợi. Em vẫn cứ là bé con 16 tuổi của anh không bao giờ già đi, dù cho hơn hai mươi năm với biết bao biến đổi của cuộc đời mà bây giờ anh và em coi như vĩnh biệt. Anh nhớ những ngày đón bé trước cổng trường mà không bao giờ bé chịu anh đưa về ; anh nhớ những ngày bé để anh ngồi lì trước sân gần cả buổi, anh nhớ..., anh nhớ....' Nguyễn nói miên man về những ngày thơ dại của tôi trong khi nước mắt tôi ràn rụa, ngồi buông xuôi tay ' anh nhớ nhiều quá. Em cứ tưởng đàn ông không sống bằng kỷ niệm, chỉ có đàn bà là dưỡng nuôi, chắt chiu và chăm bón quá khứ của mình thôi ' Nguyễn ngồi yên nhìn tôi thút thít ' anh nói chuyện với Thỏ Ngọc, với chị Tiểu Hồng để nghe tin về em. Thỏ Ngọc nói bây giờ em là một biển nước mắt. Nói câu đầu, câu sau đã nghe tiếng khóc. Sao vậy? Anh nhớ hồi đó bị má cầm chổi đét cho mấy roi bé vẫn chưa nhăn mặt, còn bây giờ hở ra là khóc tới nỗi cháu mình phải dỗ là sao? ' Tôi ngồi yên mà nghe lòng nát lịm. Tim tôi không ai xé mà đau! Ngực tôi đâu ai cào mà nhức buốt!Nguyễn đưa tôi về đến nhà, trời đã hai giờ sáng. Nguyễn hỏi:- Hôm đi, có muốn anh đưa không?Tôi lắc đầu nghe mặn đắng trong lòng. Nguyễn đưa tôi về đến nhà, trời đã hai giờ sáng. Chỉ mới hai giờ sáng thôi mà Sài gòn đã cựa mình, bắt đầu nhịp sống của một ngày rồi đó hay sao? Ngồi sau lưng xe Nguyễn, tôi nghe thấy tiếng chổi của người phu quét đường. Từng nhịp chổi đưa qua đưa lại khô khan và xơ xác như cuộc đời tôi sẽ trở về bên kia bờ đại dương. Tôi nhìn người đàn bà lầm lũi, cô đơn dưới ánh đèn đường, rồi chợt nghĩ ra hình như tôi cũng giống như bà - cũng cô đơn cũng lầm lũi bên cạnh nhịp sống nhanh động và ồn ào của cuộc đời chung quanh. Tôi cố nén lắm, vậy mà tiếng thở dài cũng thoát ra. Cả nhà đã ngủ hết rồi. Tôi ngần ngại chưa dám nhấn chuông. Đứng tựa cửa với Nguyễn, lòng tôi ngổn ngang như gút mắc, tôi hoang mang tự hỏi hai ngày nữa lên đường về lại Canada là tôi sẽ ra đi hay trở về nơi chốn ấy? Nhà tôi bây giờ là ở đâu? Bên nầy hay bên kia bờ biển Thái Bình Dương? Ba má, anh chị em tôi ở đây. Chỉ mình tôi ở Canada và anh Phan của tôi ở Mỹ. Nhà chỉ chừng ấy người thôi mà chia đều khắp chốn. Tôi đem suy tư mình kể cho Nguyễn nghe:- Em không biết bây giờ hộ khẩu của em là VN hay Canada nữa.Nguyễn chọc tôi:- Nếu phải ôm cái hộ khẩu thì bé ở bên nầy rồi.Im lặng một lát Nguyễn hỏi tôi:- Bé có nghĩ chuyện trở về lại đây với Ba má không?- Em không biết. Một phần đời và tâm hồn em cũng dính liền với mảnh đất bên kia rồi Nguyễn ơi. Những lúc buồn cũng còn có anh Phan. Với lại em phải đi làm, trơ ûvề đây, em biết làm gì?Một lát sau, Nguyễn hỏi:- Hai ngày nữa bé đi rồi. Hôm đi, có muốn anh đưa không?Tôi lắc đầu nghe mặn đắng trong lòng.- Thôi để em đi bình thường, em sợ chia tay lắm.Buổi sáng ngôì trên chiếc xe đưa vào phi trường, ngoại trừ Ba má tôi ở nhà xót xa nhìn con đi qua làn nước mắt nhạt nhòa, tôi ôm chị Tiểu Hồng, và bé Út mà ràn rụa nước mắt. Tim tôi như tan ra từng mảnh. Nước mắt sao cứ miên man chảy dù đã cắn chặt đôi môi đễ giữ cho lòng lắng xuống. Bé Út lo lắng cho tôi ' chị ráng mà giữ gìn sức khỏe, bên đó không có ai '. Tôi ôm em gái tôi vào lòng. Quay qua tôi hứa với chị Tiểu Hồng ' 2 năm nữa em lại về '. Nói thế, mà lòng không chắc là tôi có còn muốn trở về lại nơi chốn nầy nữa không? Tôi không muốn mình là đám mây mờ nằm chắn đường giữa dòng hạnh phúc yên bình của Nguyễn. Trong đời sống tôi đã đến rồi một tảng mây đen, vầng mây u - ám biến thành cơn giông bão đổ xuống đời tôi, cuốn trôi đi hết niềm hạnh phúc ước ao, giờ tôi chẳng còn lại gì. Nên tôi không muốn xuất hiện trở lại giữa lòng Nguyễn, dù là sự xuất hiện muộn màng. Tôi muốn để lại cho ba má, em và chị tôi một nụ cười, cho tôi yên lòng ra đi, cho gia đình tôi ở lại bớt âu lo, thế mà nước mắt cứ buồn rầu chảy.Làm giấy tờ và thủ tục hành lý xong, tôi đưa mắt ra ngoaì tìm chỗ đứng của chị Tiểu Hồng và Thỏ Ngọc. Phi trường giờ đưa tiễn đông nghẹt thế mà tôi nhìn ra chị Tiểu Hồng đứng phía bên trái không khó lắm. Tôi bàng hoàng nghe tim mình đập rơi nhịp khi nhận ra Nguyễn cũng có mặt ở đấy. Nguyễn đưa tay cao vẫy, tôi cố nhấc cánh tay của mình chào lại anh mà chân tay tôi chết lặng. Nước mắt tôi tuôn ra. Tôi nghe được giọng mình lạc đi ' anh Nguyễn!!! ' Tôi đi sát lại vách cửa kiếng để nhìn anh gần hơn, hồi nhỏ anh sau lưng, em quay đi. Bây giờ sau bao nhiêu năm dời đổi mà anh vẫn còn sau lưng, em thì chẳng muốn quay đi chút nào, nhưng hình như không còn đường trở lại nữa Nguyễn ơi, tôi thì thào qua dòng nước mắt.Đêm nay ngồi soạn mớ hành lý, giở lại cuốn album chụp hình ở VN, tôi thấy được số điện thoại Nguyễn ghi cho tôi hôm trước. Đưa tay nhấc cái phone, tôi gọi về cho Nguyễn để cho anh hay tôi về đến nơi bình an. Tiếng chuông reng và tôi nghe được giọng allo, allo quen thuộc. Bờ môi tôi mặn mặn. Lặng lẽ tôi để nhẹ chiếc phone trở lại bàn, đầu óc tôi nhức buốt, Nguyễn ơi!!! Nguyễn ơi!!!Bây giờ tôi đang nhớ về một người.......