(1)

Lời của người dịch: Đây là một câu chuyện có thật vào những năm sáu mươi. Thời của chính Haruki Murakami. Một chuyện tình buồn. Quá buồn. Tác giả xem đó là những sự kiện “truyền thống văn hóa” mà mình góp nhặt và thuật lại như một chứng nhân lịch sử. (Rất tiếc chúng tôi không có bản nguyên tác Nhật ngữ để đối chiếu, nhưng chúng tôi phỏng đoán rằng từ “folklore”[1] trong bản tiếng Anh không phải nói đến văn hóa dân gian mà nói đến giá trị của văn hóa truyền thống Nhật Bản vào những năm sáu mươi).
Nhân vật chính của câu chuyện là một cặp tình nhân hoàn hảo vào thời đó. Cả hai người làm lớp trưởng trường cấp 3, học giỏi, biết chơi thể thao, là người tổng kết ý kiến trong các cuộc thảo luận ở lớp. Anh chị sạch sẽ ("clean") như trong quảng cáo kem đánh răng. Tình yêu của họ kéo dài suốt bốn năm nhưng cuối cùng tan vỡ vì giá trị truyền thống. “Ngay đến những xúc chạm sinh lý, họ cũng có luật của mình. Không bao giờ cởi bỏ quần áo, chỉ dùng tay sờ soạng nhau mà thôi. Một tuần một lần, họ ở chung với nhau một buổi chiều trong phòng ngủ của người này hay người kia. Cả hai nhà đều yên tĩnh. Cha đi vắng. Mẹ ra ngoài có việc. Họ dành cho nhau từ mười đến mười lăm phút để sờ soạng nhau say sưa rồi quay trở về với việc học tập, ngồi cạnh nhau. “Được rồi chứ nhỉ? Quay trở về sách vở thôi”. Nàng nói và kéo thẳng chiếc áo sơ mi của mình”.
Nàng muốn giữ trinh tiết đến khi lập gia đình, chàng muốn chiếm hữu thân xác người yêu. Nàng hứa rằng “Em sẽ ngủ với anh, nhưng không phải bây giờ. Sau khi lập gia đình, em sẽ ngủ với anh. Em hứa”.
Và rồi hai người chia tay.
Chàng vào làm một hãng kinh doanh. Nàng lấy chồng là một đạo diễn nhưng không có con. Nàng gọi điện cho chàng trong lúc chàng kinh doanh khó khăn, nhắc lại việc thực hiện lời hứa năm xưa. Nhưng đúng như chàng thuật lại: “Chúng tôi ôm ghì nhau,” anh ta nói, “nhưng tôi không ngủ với nàng. Nàng không trút bỏ quần áo. Chúng tôi dùng tay sờ soạng nhau như những ngày xưa cũ. Tôi nghĩ như thế là tốt nhất. Có lẽ nàng cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi vuốt ve nhau rất lâu, lâu lắm. Không ai nói lời nào. Có gì để chúng tôi nói? Đó là cách duy nhất để chúng tôi nhận ra nhau sau những năm xa cách. Như khi chúng tôi còn học ở trường. Tất nhiên, mọi thứ giờ đã khác. Có lẽ tình dục bình thường tự nhiên sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau hơn. Và có lẽ nó sẽ làm cho chúng tôi cùng vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng chúng tôi đã trải qua thời đó từ lâu rồi. Những ngày đó đã bị khóa chặt và không ai có thể phá dấu niêm phong”.
Haruki Murakami không lên án quan niệm trinh tiết, cũng không lên án những giá trị đạo đức của những năm sáu mươi. Nhưng như tác giả viết: “Và chỉ có một điều tôi muốn bạn hiểu: tôi chẳng có chút tự hào về thời đại mình”. Sau khi ra trường, có việc làm, nvật chính của câu chuyện mới nhận ra rằng thế giới này đủ lớn để cho những giá trị khác nhau có thể cùng tồn tại. Những giá trị làm nên con người nhưng cũng làm nên vết thương đời người. Cảm thấy mình bơ vơ vì không bị “nhốt trong hộp” nữa là cảm giác vô cùng phi lý. Phi lý nhưng có thật. Đó là cảm giác của nhân vật chính của câu chuyện này. Bởi ngay từ nhỏ chúng ta đã như chim nhốt trong lồng, không làm chủ được cuộc đời mà chỉ biết tuân theo “các bậc cao niên” dạy bảo. Cuối cùng là gì ư? Chỉ là một cái ngục lớn giam hãm con người mà thôi. Những thiên tài xuất hiện trong cơn thịnh nộ như Nietzsche, như Nagarjuna, như Bồ đề đạt ma muốn phá hủy giá trị để âm thầm tái tạo bình minh. Nào thấy gì ngoài cô đơn miên viễn, những lời nguyền rủa của đám đông hiện thế và bóng tối những cơn điên? Mỗi thời đại có những giá trị riêng của mình. Chính vì thế mà những vết thương khác nhau, đặc biệt cho từng thế hệ. Con người tự đâm chính mình bằng những thứ ta tự mình huyễn hoặc, tự mình tấn phong, rồi tự mình làm ngục thất cho chính mình. Và kết thúc công cuộc hiện sinh làm người bằng huyệt tự mình đào sẵn, tay trắng như từ khi lạc bước vào thế giới này?
Đó là những tư tưởng gợi lên trong tác phẩm. Nhìn qua nó giống như câu truyện cười. “Và khi mọi chuyện kết thúc, nhà vua và cận thần phá lên cười,” cuối cùng anh nói. “ Tôi luôn nghĩ đến câu này khi nhớ lại ngày tháng đó”. Tôi đoán nó là một phản xạ có điều kiện. Tôi không biết có phải không, nhưng nỗi buồn dường như luôn chứa đựng vài câu chuyện hài hước nhỏ lạ lùng”.
Bởi câu chuyện là câu chuyện đời của tất cả chúng ta. Chính vì thế mà tuy không phải là một bài luân lý mới nhưng nó là kinh nghiệm sống của cả bao nhiêu thế hệ. “Đó là lý do tôi không thể cười nổi khi nghe anh nói chuyện. Đến bây giờ tôi vẫn không thể cười”.
Đó có lẽ cũng là thái độ của chúng ta.
---------------
Tôi sinh năm 1949, bắt đầu vào trường cấp 3 năm 1963 và nhập học trường cao đẳng năm 1967. Thế rồi cuộc bạo loạn điên rồ năm 1968 xảy ra vào đúng năm tôi hai mươi tuổi, nếu không thì lẽ ra tôi đã có một năm tốt lành. Tôi đồ rằng chính thời đại đã khiến tôi trở thành một đứa trẻ điển hình vào những năm sáu mươi. Đó là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất, có vai trò định hình tính cách và do đó là quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi hít thở đầy buồng phổi niềm tự do và coi thường tất cả, một cách hoàn toàn tự nhiên. Tôi đạp tung vài cánh cửa đáng đạp, và thật là khoái trá bất cứ khi nào một cánh cửa đáng được đạp tự bày ra trước mặt mình, như thể có Jim Morrison, The Beatles, và Bob Dylan đóng trò trong hậu cảnh. Tất cả những việc ấy.
Ngay cả bây giờ, khi nhìn lại những năm tháng ấy, tôi nghĩ chúng quả là đặc biệt. Tôi chắc là nếu bạn khảo sát lần lượt những thuộc tính của thời gian, bạn sẽ chẳng khám phá được điều gì đáng chú ý. Chỉ có hơi nóng phát ra từ cỗ máy lịch sử, cái tia sáng tù mù mà một số vật nào đó phát ra ở những nơi nào đó vào những lúc nào đó - cái tia sáng ấy và một sự bứt rứt bất an không thể giải thích, như thể khi ta nhìn mọi thứ qua kính viễn vọng nhưng bằng đầu ngược. Tính anh hùng và côn đồ, niềm say mê và tan vỡ, tử vì đạo và chủ nghĩa xét lại, niềm im lặng và sự hùng biện, vân vân và vân vân…những chất liệu của bất cứ thời đại nào. Chỉ có điều, trong thời đại chúng ta - nếu bạn tha cho cách diễn đạt rỗng tuếch này - bằng cách này hay cách khác, nó vẫn quá ư nhiều màu sắc, quá rõ ràng với tay ra là chạm tới. Không có mánh lới quảng cáo, không có phiếu giảm giá, không có quảng cáo kín, không có hệ thống thẻ chấm điểm để dụ khách hàng quay lại, không có những thủ tục giấy tờ lắt léo và thâm hiểm. Nguyên nhân và kết quả bắt tay nhau; lý luận và thực tiễn tự tin ghì siết nhau. Thời kỳ tiền đề cho chủ nghĩa tư bản cao độ: cá nhân tôi gọi những năm tháng này như thế.
Nhưng thời đại có mang lại cho chúng tôi - nghĩa là thế hệ chúng tôi - một tia sáng đặc biệt nào không thì tôi không dám chắc. Phân tích đến cùng, có lẽ chúng tôi chỉ đơn giản đi qua thời này như thể đang xem một bộ phim kích động: chúng tôi trải qua cảm giác như thật - tim đập mạnh, bàn tay đẫm mồ hôi -, nhưng khi đèn bật sáng thì ta ra khỏi rạp chiếu phim và trở lại nơi mình đã rời khỏi. Dù lý do nào đi nữa, chúng tôi cũng đã sao nhãng việc học bất cứ bài học thực sự có giá trị nào từ đó. Đừng hỏi tôi tại sao. Tôi đã quá gắn bó với những năm tháng đó nên không thể tìm câu trả lời. Chỉ có một điều tôi muốn bạn hiểu: tôi chẳng chút tự hào về thời đại mình. Tôi đơn giản chỉ trình bày những sự kiện.
Bây giờ tôi sẽ nói với bạn về những cô gái, về mối quan hệ tính dục hỗn tạp giữa chúng tôi, những thằng con trai, với những bộ phận sinh dục mới tinh và các cô gái mà dĩ nhiên lúc đó vẫn còn là con gái.
Nhưng đầu tiên là về sự trinh trắng. Trong những năm sáu mươi, trinh tiết có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với bây giờ. Nhưng như tôi thấy (chẳng phải tôi đã điều tra gì đâu), khoảng năm mươi phần trăm các cô gái thời chúng tôi đã không còn trinh trước tuổi hai mươi. Ít nhất đó hình như là tỷ lệ chung ở những người xung quanh tôi. Điều này có nghĩa là, dù có ý thức hay không, một nửa các cô gái vẫn còn kính trọng cái gọi là trinh trắng.
Bây giờ nhìn lại, tôi có thể nói rằng phần lớn các cô gái trong thời chúng tôi, dù còn trinh hay không, đều chia sẻ những xung đột nội tâm về tính dục. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tác. Họ bị kẹp giữa một bên là đám đông tương đối thầm lặng, có cách nghĩ thoáng, cho tình dục là một loại thể thao và một bên là những người thủ cựu cho rằng con gái phải giữ gìn trinh tiết đến tận khi lập gia đình.
Trong số những chàng trai, cũng có nhiều người nghĩ mình phải cưới một cô gái còn trinh trắng.
Mỗi người một khác nên giá trị cũng khác. Điều này là hằng số cho mọi thời đại. Nhưng những năm sáu mươi không giống bất cứ thời nào ở chỗ chúng tôi tin những sự khác biệt này có thể giải quyết được.
Và đây là câu chuyện của một người mà tôi biết. Anh ta học chung lớp với tôi vào năm cuối của trường trung học ở Kobe. Thành thật mà nói, anh ta là loại người có thể làm được mọi thứ. Học lực tốt, biết chơi thể thao, tính tình thận trọng và có phẩm chất lãnh đạo. Anh không quá điển trai nhưng sáng sủa dễ nhìn. Anh thậm chí còn biết hát. Là một diễn giả hùng hồn, anh luôn là người tổng hợp ý kiến trong các cuộc thảo luận ở lớp. Điều này không có nghĩa anh là người có tư duy độc đáo - nhưng ai lại mong chờ sự độc đáo gì trong các cuộc thảo luận ở lớp? Tất cả chúng tôi đều muốn nó kết thúc càng sớm càng tốt, và mỗi khi anh bắt đầu nói là chúng tôi biết chắc cuộc thảo luận sẽ kết thúc đúng giờ. Trong nghĩa đó, bạn có thể nói anh là một người bạn thực sự.
Anh không có khuyết điểm nào. Nhưng dẫu vậy, tôi chẳng bao giờ hình dung được điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh ta. Đôi khi tôi muốn tháo đầu anh ta ra mà lắc, để nghe xem nó sẽ phát ra thứ âm thanh nào. Thế mà anh ta được rất nhiều cô gái ngưỡng mộ. Bất cứ lúc nào anh ta đứng dậy để nói trước lớp, mọi cô gái đều nhìn về anh ta với ánh mắt thán phục. Có bài toán nào khó, các nàng lại hỏi anh ta. Anh ta nổi tiếng hơn tôi khoảng 27 lần. Anh ta đúng là loại người như vậy.
Lớp chúng tôi đã học cùng nhau những bài học của quyển sách giáo khoa cuộc sống; và một chút trí khôn tôi đã nhặt được trên đường đời là ta phải chấp nhận rằng trong bất cứ tập thể nào cũng có những mẫu người như vậy. Dù vậy, không cần phải nói rằng cá nhân tôi chẳng ưa lắm mẫu người như anh ta. Tôi không chắc lắm, nhưng tôi thích ai đó có tì vết hơn, ai đó có một nhân cách khác thường hơn. Vì thế trong suốt khóa học, dù ở cùng lớp, tôi chưa một lần đi chơi với anh ta. Thậm chí tôi không nhớ mình đã có bao giờ nói chuyện với anh ta. Lần đầu tiên tôi trò chuyện nghiêm túc với anh ta là trong kỳ nghỉ hè năm nhất cao đẳng. Chúng tôi tình cờ học lái xe ở cùng một trường  và thi thoảng có nói chuyện hay cùng uống cà phê trong giờ nghỉ. Cái trường dạy lái xe đó chán đến mức tôi sẵn lòng giết thì giờ bằng cách nói chuyện với bất cứ người nào làm quen được. Tôi không nhớ gì nhiều về những câu chuyện giữa chúng tôi. Dù chuyện gì đi nữa, chúng chẳng để lại ấn tượng nào, dù tốt hay xấu.
Một điều khác tôi còn nhớ là anh ta có một cô bạn gái. Cô ta học khác lớp và được xem là hoa khôi của trường. Cô ta học lực tốt, cũng là dân thể thao, cũng là lớp trưởng như anh ta. Cũng như anh, cô luôn là người phát biểu tổng kết mỗi buổi thảo luận ở lớp. Hai người như thể sinh ra để thành đôi với nhau. Đúng là chàng CLEAN và nàng CLEAN (sạch sẽ) như trong quảng cáo kem đánh răng.
Tôi thấy họ luôn. Giờ ăn trưa nào hai người cũng ngồi ở góc sân trường mà nói chuyện. Sau giờ học, họ cùng lên xe điện và xuống ở những ga khác nhau. Chàng tham gia vào đội tuyển bóng đá, nàng có chân trong câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Khi những hoạt động ngoại khóa của họ không kết thúc cùng giờ, người ra sớm hơn sẽ đến thư viện học bài. Những giờ rảnh thì họ luôn ở cùng nhau.
Không ai trong chúng tôi - trong đám đông chúng tôi - chống lại hai người. Chúng tôi không cười nhạo họ, không ai làm khó gì hai người. Thực ra chúng tôi hầu như không chú ý gì đến họ. Hai người thực sự chẳng có gì đáng tìm hiểu. Họ giống như thời tiết - đơn giản là họ có đó, như một sự kiện vật lý. Hiển nhiên là chúng tôi dành thời gian để nói về những điều chúng tôi quan tâm hơn: tính dục, nhạc rock and roll, phim của Jean-Luc Godard, các phong trào chính trị, tiểu thuyết của Kenzaburo Oe và những thứ tương tự. Nhưng đặc biệt là chúng tôi nói về tình dục.
Đúng thôi, chúng tôi đều ngu ngốc và tự mãn. Chúng tôi không hiểu biết gì về cuộc đời. Nhưng đối với chúng tôi, chàng và nàng CLEAN chỉ tồn tại trong thế giới sạch sẽ (clean world) của họ mà thôi. Điều đó hẳn có nghĩa là những ảo tưởng mà chúng tôi thích thú hồi đó và những ảo tưởng mà họ ấp ủ trong chừng mực nào đó có thể hoán đổi cho nhau.
Đấy là câu chuyện của họ. Không phải là câu chuyện vui vẻ đặc biệt gì, và vào thời điểm đó nó cũng chẳng phải câu chuyện đạo đức gì. Nhưng không sao. Câu chuyện của họ cũng là câu chuyện của chúng tôi. Mà tôi đoán nó sẽ làm nên một dạng thức lịch sử văn hóa. Đó chỉ là chất liệu thích hợp cho tôi - tôi, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không nhạy cảm - tuyển chọn và nhắc tới ở đây.
Tôi ngẫu nhiên gặp anh ta ở Lucca, một khu phố Italia nằm ở một dãy đồi thấp xứ Tuscan. Vào thời gian đó, tôi và vợ tôi đang thuê một căn hộ ở Roma. Nhưng cô ấy đã trở về Nhật Bản vài tuần, còn tôi đi du lịch đó đây bằng xe lửa. Từ Venice đến Verona rồi Mantua rồi Modena và dừng chân ở Lucca, một thành phố nhỏ yên bình, với một nhà hàng vùng ngoại ô có phục vụ món nấm tuyệt vời. Và trùng hợp làm sao, anh ta lại ở ngay khách sạn mà tôi cư ngụ.
Thế giới thật nhỏ làm sao.
Hôm đó chúng tôi dùng bữa tối tại nhà hàng. Cả hai chúng tôi đều đi du lịch một mình và đều chán như nhau. Bạn càng có tuổi thì niềm vui đi du lịch một mình càng giảm sút. Phong cảnh kém ngoạn mục hơn, những cuộc đối thoại bất tận của tha nhân làm đinh tai nhức óc bạn. Bạn không còn bận tâm đi tìm những nhà hàng mới và sự đợi chờ những chuyến xe điện dường như là bất tận. Bạn liên tục nhìn đồng hồ và thậm chí không buồn cất công học nói ngôn ngữ của nước bạn đang viếng thăm. Bạn nhắm mắt lại, và chỉ có những lỗi lầm xa xưa lùa vào tâm trí bạn.
Có lẽ đó là lý do tại sao anh ta và tôi cảm thấy khuây khỏa khi gặp lại nhau, như thể chúng tôi đang ở trường dạy lái xe. Chúng tôi chọn một cái bàn cạnh lò sưởi, gọi món rosso hảo hạng, và tiếp tục món khai vị funghi trifolati, sau đó là fettuccine ai porcini và arrosto di tartufo bianco.
Anh ta nói mình đến Lucca để mua đồ trang trí nội thất. Anh ta có một hãng kinh doanh chuyên về đồ trang trí nội thất Châu Âu và dĩ nhiên là thành đạt. Anh ta chẳng khoác lác với tôi điều gì, nhưng tôi có thể nói ngay rằng người đàn ông này có cả thế giới trong tay mình. Điều này thể hiện rõ trong cách cư xử của anh ta, trong bộ vía anh đang mặc, trong cách nói năng của anh ta. Trong một cách nào đó, thật hài lòng thấy thành công đã để mắt đến anh ta.
Ban đầu chúng tôi nói về nước Ý. Về những lịch tàu chạy không đáng tin cậy, về khoảng thời gian dài quá đáng mà người ta dành cho bữa ăn. Thế rồi tôi chẳng nhớ chúng tôi còn nói những chuyện gì nữa, nhưng khi người hầu bàn mang ra chai rượu thứ hai thì anh ta đang kể cho tôi nghe chuyện của mình còn tôi thì đưa ra nhận xét vào những lúc thích hợp khi anh ta ngừng nói. Tôi chắc rằng đã lâu anh ta muốn kể cho ai đó nghe nhưng chưa lúc nào làm được. Nếu như không có một nhà hàng ấm cúng và hương vị Coltibuono 83’ thì chắc chẳng bao giờ anh ta đề cập đến chủ đề nay. Nhưng anh ta đã nói.
“Tôi luôn nghĩ mình là người đáng chán,” anh ta nói. “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã bị nhốt vào hộp. Tôi nhìn thấy những hàng rào xung quanh tôi và tôi cẩn thận chẳng bao giờ vượt qua chúng. Đó là nguyên tắc, như trên một đường cao tốc: cứ đi đúng làn đường này, hướng về phía trước, cấm vượt. Cứ việc làm theo những dấu hiệu, thế là bạn tới nơi. Tôi làm mọi việc kiểu như thế - cứ việc làm đúng cách, thế là người lớn nhặng xị tán dương tôi. Khi tôi còn trẻ, tôi nghĩ mọi người đều nhìn sự vật một cách giống nhau. Nhưng sớm muộn rồi tôi cũng nhận ra rằng không phải như vậy.”
Tôi đưa ly rượu về phía ánh lửa và nhìn một lúc lâu.
“Cả đời tôi - hay ít nhất là nửa đầu đời - mọi thứ đều trôi chảy. Tôi chẳng có gì để phàn nàn nhưng mặt khác, liệu tôi có khái niệm gì về ý nghĩa cuộc sống hay không? Tôi không có ý tưởng gì về việc tôi làm, về điều mà tôi theo đuổi. Ý tôi là tôi giỏi toán, giỏi tiếng Anh, giỏi cả thể thao. Đường đi cứ thẳng băng. Họ hàng vỗ về tôi, thầy cô nói tôi chẳng có gì phải lo lắng cả. Nhưng thực ra tôi sinh ra là để làm gì? Tôi muốn làm cái gì với bản thân mình? Tôi sẽ học luật hay là kỹ sư? Tôi có nên học y không? Cái nào cũng tốt cả. Vì vậy tôi làm theo lời cha mẹ và thầy cô đã chỉ giáo. Tôi đã đậu rất cao vào ngành Luật ở đại học Tokyo.”
Anh uống một hớp rượu. “Anh còn nhớ cô bạn gái tôi ở trường trung học không?”.
“Phải nàng là Fujisawa không?”. Tôi lục tìm trong trí nhớ tên cô ta. Tôi không chắc lắm nhưng hóa ra là đúng.
Anh ta gật đầu. “Đúng rồi. Fujisawa Yoshiko. Nàng cũng tương tự vậy. Tôi có thể kể cho nàng nghe tất cả những gì tôi cảm thấy. Và nàng hiểu. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau mãi. Đúng là…cho đến khi tôi gặp nàng, tôi chẳng có người bạn nào để có thể trút bầu tâm sự”.
Anh ta và Fujisawa Yoshiko là một đôi song sinh tinh thần lạ lùng. Họ đều là thủ lĩnh, là siêu sao của trường. Hai người đều thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, tuy thế cha mẹ họ lại không thuận hòa với nhau. Cha họ đều có tình nhân và thường không về nhà vào buổi tối. Lý do duy nhất để cha mẹ không ly dị là sợ người khác dị nghị cười chê. Các bà mẹ cai quản gia đình và những đứa con bị thúc bách phải trở nên giỏi giang trong mọi chuyện. Những đứa trẻ cũng xa cách với mọi người. Họ đều nổi tiếng, nhưng đều không có bạn, họ cũng chẳng hiểu tại sao. Có lẽ những người bình thường, không hoàn hảo chỉ thích làm bạn với những người bình thường, không hoàn hảo khác.
Họ luôn cô đơn, luôn sống trong cõi của mình. Nhưng để thoát khỏi nỗi buồn, họ tìm đến nhau. Họ chấp nhận nhau. Họ yêu nhau. Họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi ở bên nhau, đặc biệt khi họ cô đơn cùng nhau. Họ có quá nhiều điều bí mật để chia sẻ. Họ nói không biết mệt về nỗi cô độc của mình, về nỗi bất an và về những giấc mơ.
Ngay đến những xúc chạm sinh lý, họ cũng có luật của mình. Không bao giờ cởi bỏ quần áo, chỉ dùng tay sờ soạng nhau mà thôi. Một tuần một lần, họ ở chung với nhau một buổi chiều trong phòng ngủ của người này hay người kia. Cả hai nhà đều yên tĩnh. Cha đi vắng. Mẹ ra ngoài có việc. Họ dành cho nhau từ mười đến mười lăm phút để sờ soạng nhau say sưa rồi quay trở về với việc học tập, ngồi cạnh nhau. “Được rồi chứ nhỉ? Quay trở về sách vở thôi”. Nàng nói và kéo thẳng chiếc áo sơ mi của mình.
Hai người đều đạt điểm cao. Học hành đối với họ không phải là nặng nề gì, chỉ như một lẽ tự nhiên thứ hai thôi. Họ thậm chí còn thi nhau giải các bài toán khó. “Điều này thật vui,” chàng nói. Vâng, nghe thì có vẻ ngu ngốc nhưng đối với họ thì đó chính là niềm vui, mà người bất toàn như chúng ta chẳng thể nào hiểu được.
Tuy thế, đôi lúc, mối quan hệ đó không làm chàng thỏa mãn. Chàng cảm thấy như mình còn thiếu điều gì đó. Chàng muốn ngủ với nàng. Chàng muốn làm tình. “Sự hợp nhất thể xác,” đó là từ mà chàng sử dụng. “Tôi nghĩ, điều đó sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau mật thiết hơn,” anh bảo tôi. “Nó chỉ như bước nhảy tự nhiên tiếp theo mà thôi”.
Tuy nhiên, nàng lại không đồng ý. Mím môi và hơi lắc đầu, nàng nói: “Em thích anh lắm. Nhưng em muốn mình còn trinh trắng đến ngày cưới”. Dù chàng thuyết phục nàng thế nào đi nữa, nàng cũng không thay đổi ý định. “Anh biết là em thích anh,” nàng nói. “Thật sự và chân thành. Nhưng điều đó khác, điều này khác. Em xin lỗi. Hãy chịu đựng với em. Nếu thực sự yêu em, anh hãy quên điều đó đi”.
“Nếu đó là những gì cô ta muốn, tôi phải tôn trọng thôi,” anh bảo tôi. “Đó không phải là điều không thể. Cá nhân mình, tôi không nghĩ trinh tiết là vấn đề lớn đến vậy. Tôi chẳng quan tâm đến chuyện cô gái mình cưới có còn trinh hay không. Tôi không phải là người cấp tiến, nhưng cũng không phải là người thủ cựu. Tôi đơn giản là người thực tế. Điều quan trọng cho một cặp tình nhân là phải biết mình xuất phát từ đâu. Tôi nghĩ vậy. Nhưng nàng có một viễn cảnh về cái cuộc sống mà nàng muốn sống. Và tôi phải chịu đựng. Chúng tôi hôn hít nhau, sờ soạng nhau dưới lớp quần áo. Chắc anh biết kiểu đó rồi”.
“Tôi tin vậy,” tôi nói.
Anh đỏ mặt rồi mỉm cười. “Điều đó cũng chẳng tệ lắm, nhưng tôi không thể nào thôi nghĩ về tính dục. Đối với tôi thì chúng tôi mới đi được nửa đường. Tôi muốn hợp nhất với nàng. Tôi muốn không có gì bị che phủ, không có gì ẩn giấu. Đó là vấn đề xác nhận quyền sở hữu. Tôi cần một thứ dấu hiệu nào đó. Hiển nhiên, thôi thúc tình dục là một phần, nhưng không chỉ có thế. Chưa một lần trong đời tôi cảm thấy mình có thể hoàn toàn hòa hợp với ai hay một điều gì. Tôi luôn cô độc. Tôi bị bó buộc trong cái hộp đó. Tôi muốn tự giải thoát mình. Tôi muốn phát hiện cái tôi đích thực của mình. Nếu được ngủ với nàng, tôi nghĩ mình có thể phá vỡ cái hộp đó”.
Anh ta bắt đầu thực hiện một kế hoạch. Anh ta nói rằng ngay sau khi tốt nghiệp, họ có thể cưới nhau. Nếu nàng muốn đính hôn, họ có thể làm điều đó sớm hơn. Chẳng có vấn đề gì. Nàng nhìn thẳng vào anh trong vài giây. Và một nụ cười lướt qua gương mặt nàng. Một nụ cười thực sự đáng yêu. Nàng rõ ràng vui sướng khi nghe những lời anh ta nói. Nhưng ngay lúc đó, nụ cười lại bị ngăn cách bởi sự nhẫn nhục, cùng một thoáng buồn mơ hồ. Nàng không tỏ ra hạ mình, điều đó thì rõ, nhưng nàng cũng chẳng khuyến khích anh, ít nhất đó là điều anh cảm nhận.
“Điều đó không thể,” nàng nói. “Em sẽ chẳng bao giờ lấy anh. Người em lấy phải lớn hơn em vài tuổi, còn anh phải lấy người nhỏ hơn anh vài tuổi. Điều này là hợp lý. Bởi phụ nữ dậy thì sớm hơn đàn ông nên họ cũng mau già hơn. Ngay cả dù chúng ta kết hôn sau khi tốt nghiệp thì cũng chẳng bền. Dù sao, chúng mình cũng không thể như vậy mãi. Anh biết là em thích anh hơn bất cứ ai khác. Nhưng điều đó khác, điều này khác.” Đó hình như là cách nói của nàng. “Chúng ta vẫn đang đi học. Chúng ta được gia đình nâng niu bảo bọc. Thế giới thực bên ngoài rộng lớn hơn nhiều và khó khăn hơn nhiều. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng”.
Anh biết nàng đang muốn nói điều gì. Anh là người có tư tưởng thực tế hơn nhiều, hơn tất cả những thằng con trai cùng thế hệ. Nếu được nghe một điều tương tự như một lời giáo huấn chung chung, anh hoàn toàn có thể đồng ý. Nhưng đây không phải là một lời giáo huấn chung chung. Nó liên quan mật thiết đến anh.
“Anh không quan tâm”, chàng bảo nàng. “Anh yêu em và muốn có em. Anh rất rõ ràng trong chuyện này. Nó rất quan trọng đối với anh. Anh chẳng quan tâm nếu vài chuyện nào đó không phải là như vậy trong thực tại. Anh quá yêu em. Anh điên lên vì em”.
Nàng lắc đầu như muốn nói: “Chẳng ăn thua gì”. Rồi nàng vừa vuốt tóc vừa nói: “Anh có thực sự nghĩ rằng chúng ta chỉ mới biết những điều đầu tiên về tình yêu không? Tình yêu chúng ta chưa bao giờ được thử thách. Cả anh em mình đều còn là trẻ con”.
Anh chán đến mức không buồn trả lời. Một lần nữa, anh chẳng thể nào phá vỡ bức tường vây quanh mình, anh chỉ còn biết quá rõ mình bất lực đến thế nào. Mình không thể làm được bất cứ việc nào, anh nghĩ. Nếu tình hình cứ thế này, chắc chắn mình sẽ phải sống cả đời trong hộp. Năm này qua tháng khác, vô mục đích.
Tuy thế hai người vẫn cặp kè bên nhau đến tận khi tốt nghiệp cấp 3. Hẹn gặp nhau trong thư viện, cùng nhau học bài, sờ soạng nhau dưới lớp áo. Nàng dường như chẳng nghĩ có điều gì sai lầm trong cách thỏa thuận như vậy; thậm chí nàng còn có vẻ hứng thú với tình trạng dở dang đó. Trong khi các bạn bè nghĩ rằng hai anh chị - anh CLEAN và chị CLEAN - đang hưởng thụ một thời tuổi trẻ lý tưởng thì riêng anh cô độc khôn nguôi.
Cuối cùng, vào mùa xuân năm 1967, anh nhập học đại học Tokyo[2]. Nàng ở lại Kobe, học ở trường Cao đẳng nữ. Ngôi trường này thuộc loại có hạng trong số các cơ sở giáo dục nhưng đối với nàng thì chẳng hề khó khăn gì. Lẽ ra nàng có thể dễ dàng vào đại học Tokyo nhưng thậm chí nàng không buồn dự thi đầu vào. Theo nàng, loại giáo dục đó là không cần thiết. “Em chẳng muốn kiếm việc ở Bộ Tài chính đâu. Em là con gái. Đó chính là điểm khác biệt. Anh có thể học lên cao, nhưng em chỉ cần học bốn năm nữa thôi. Cần giải lao, anh biết chứ, cần dừng lại nghỉ ngơi. Bởi vì khi em lập gia đình, em sẽ chẳng còn sự nghiệp gì nữa, đúng không?”.
Thái độ của nàng làm anh thất vọng. Anh từng hy vọng hai người sẽ cùng lên Tokyo, cùng nhau chia sẻ những điều mới mẻ trong quan hệ của họ. Anh nài nỉ nàng nghĩ lại, nhưng nàng chỉ lắc đầu.
(Còn nữa)
Hoàng Long dịch từ bản Anh ngữ Folklore of Our Times của Alfred Birnbaum
__________________
Chú thích của dịch giả:
[1] Đây là thuật ngữ của các nhà nhân học, có nghĩa là “ văn hóa dân gian, truyền thống”. Nhưng chúng tôi thấy để nguyên như vậy thì hay hơn.
[2] Trong số các trường đại học công lập ở Nhật Bản, đại học Tokyo (Todai) là đại học danh giá nhất, chỉ những ai xuất sắc mới thi vào được. Những danh nhân Nhật Bản đều tốt nghiệp trường này, như nhà văn Natsume Soseki, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunari…, còn trong số đại học tư thục, danh giá nhất là đại học Waseda.