Lời giới thiệu của dịch giả: Đây là một truyện ngắn trong tập Tôi không phải là chiếc xe cam-nhông của Annie Saumont. Truyện nói về một cậu bé bị chứng máy cơ nên cứ mười giây lại bị méo mồm máy mắt một lần. Cậu rất cô độc vì thiếu sự cảm thông của bạn bè cùng trang lứa và của chính bố mẹ cậu. Chỉ có ông bà cậu không coi cậu là người "đặc biệt", nhưng họ đã chết.Đằng sau những suy nghĩ có vẻ ngây ngô của cậu là những bức xúc của xã hội hiện đại. Đó là thân phận của những đứa trẻ kém may mắn do bị cá tật bẩm sinh, là mối quan hệ giữa ba thế hệ trong gia đình (ông bà, cha mẹ, con cái) đang bị cuộc sống hiện đại chi phối…Để lột tả tính cách nhân vật một cậu bé mười bốn tuổi bị tật về thần kinh, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ của con trẻ, tác giả còn viện đến nhiều thủ pháp khác, đặc biệt là cách ngắt câu không theo tiêu chí ngữ pháp truyền thống, không dùng dấu hai chấm (:) và ngoặc kép khi dẫn lời thoại trực tiếp… Cấu trúc của câu chuyện tuy không phức tạp nhưng cũng bị đảo lộn, không tuân theo trình tự thời gian.Hy vọng rằng qua truyện ngắn này, độc giả phần nào cảm nhận được cách viết rât riêng của Annie Saumont.----------------------Năm ấy nó đã biết được điều đó. Vào tháng bảy. Khi đi nghỉ hè cùng ông bà. Lần đầu tiên, ở bãi biển. Ma-mu và pa-pu không có thói quen đi xa nhà. Mà nhà đâu có xa biển. Chắc cách khoảng hai mươi cây số. Chỉ thỉnh thoảng hai người mới đi nhặt hàu và những con trai móng tay khi có triều cường. Năm ấy hai người quyết định đi nghỉ một chuyến. Hẳn một tháng ở bãi biển. Vì bác sĩ bảo rằng nó không được khỏe. Bố mẹ nó công kích, Hai cụ về hưu thanh thản rồi, họ còn nói một tràng dài về i-ốt và gì gì đó, rằng thằng bé này sức khoẻ có vấn đề, rằng họ sẽ lo hết mọi chi phí. Trước đó họ cũng đã nói đến trại hè, nhưng nó đã khóc đến ngạt thở, mà điều đó thì không hay cho một đứa trẻ vốn đã có vấn đề về thần kinh.Vậy là phải đi tàu. Ma-mu không muốn để túi xách vào chỗ đựng đồ, bà gọi là cái lưới nhưng nó là cái giá thì đúng hơn. Bà cho rằng chỉ một cú xóc hay tàu dừng lại một cái là cái lọ bị vỡ - cái lọ thịt xay bà mang theo để ăn săng-uých. Những bức ảnh trên vách ngăn khoang tàu là cảnh núi Alpes. Pa-pu gần như nổi cáu khi nó hỏi, Đi núi không thích hơn sao? Bởi ông đã phải hy sinh bốn tuần chỉ vì không khí ngoài biển rất tốt cho trẻ con. Pa-pu không hề thích đi lại, trừ những chuyến đi chơi bằng xe đạp.Một hôm vào khoảng mười một giờ nó ra ngoài bãi cát. Pa-pu và ma-mu ngồi dưới chiếc dù che nắng thuê theo ngày. Nó gọi ông bà là pa-pu và ma-mu. Ma-mu để cái bị đựng bánh kẹp thịt xay xuống dưới bóng râm. Bà rút ra một tấm vải thô và mấy cuộn len còn pa-pu thì lật giở tờ Miền Tây nước Pháp. Nó quanh quẩn một lúc bên hai người nhưng ma-mu bảo, Đi chơi đi. Từ lúc nghe nói, Chả mấy chốc cháu sẽ thấy biển, nó đã để ý nhìn, biển rất xa, chỉ như một cái dải màu xanh. Rồi sau đó cái dải tiến lại gần và nó thấy rằng có rất nhiều nước. Nước và nước hàng cây số nước cho đến tận nơi nước hòa lẫn với trời. Thoạt đầu nó tha thẩn chơi trên bãi biển, vừa đi vừa nhăn mặt - cứ mười giây nó lại méo mồm máy mắt một lần vì bị kinh giật. Nó mặc may-ô, tháo bỏ dép, thích đôi lúc lội vào các vũng nước. Có vài thằng con trai - không nhiều lắm, con gái cũng không nhiều lắm. Chúng chơi đuổi nhau và reo hò. Nhưng bãi biển rất rộng nên nó vẫn có thể ở một mình. Lát sau nó quỳ xuống mân mê cái vỏ sò và vừa nhấp nheo mắt vừa lẩm bẩm tưởng tượng mình là một trong những thằng con trai khỏe mạnh da rám nắng đang chơi ném bóng phía con đê chắn sóng đằng kia. Ma-mu từ đằng sau đi đến bảo, Nào, xuống tắm đi, xem chúng nó chơi vui không kìa. Cháu đừng có ra xa. Bà cầm theo một cái khăn tắm lớn, bà bảo, Chốc bà sẽ lau khô cho cháu. Trong khi chờ đợi để bà trông đồ cho.Nó không thích chơi với những đứa trẻ khác. Ở trường nó cũng luôn xa lánh chúng vì chúng bảo nó lúc nào cũng nhăn nhó. Mỗi lần đi khám định kỳ bố mẹ lại hỏi bác sĩ liệu có cách điều trị nào (chữa được bệnh nhăn mặt máy mắt). Bác sĩ trả lời, Đó là do thần kinh, lớn lên sẽ khỏi. Nghỉ hè nó cũng chỉ thích ở một mình để máy mắt vặn mồm mà không ai nhìn thấy. Nó tự nhủ rồi sẽ hết. Lớn lên rồi sẽ hết. Đến tuổi của ông bà chắc sẽ khá hơn. Chỉ có điều không nên vội.Và thế là nó lội xuống biển. Nước đến mắt cá chân. Phần đông bọn con trai con gái mạo hiểm ra xa hơn nhiều và chúng vừa nhảy sóng vừa té nước vào nhau vừa la hét. Bởi vì biển không phẳng lặng mà nước biển rất động. Nó đã từng nghe nói đến độ sâu, đến xoáy nước, đã từng nghe những câu chuyện về bão và đắm tàu nhưng nhìn tận mắt mới thấy sợ. Ma-mu bảo, Rồi, tắm đi. Thế là nó ngồi xuống nước. Nó lấy can đảm nắm sấp xuống. Đúng lúc ấy có một con bé rất xinh tóc dài màu vàng vừa cười vừa chạy về phía nó rồi có một con sóng từ phía kia ụp lại; nó nuốt phải sóng. Và nó biết rằng nước biển vô cùng mặn. Chính vì thế mà nó bắt đầu đặt câu hỏi. Nó co rúm người lại, mông ngập trong nước, mắt nheo mồm méo và khổ sở với những câu hỏi. Tại sao, nó tự hỏi. Sao không phải là nước như nước trong vòi rô-bi-nê. Tại sao lại có muối. Mà lại nhiều đến rát bỏng. Tại sao lại mặn gắt thế. Sao lại mặn mà không ngọt. Hoặc không mặn không ngọt. Tắm xong lên bãi biển trong khi ăn săng-uých hay buổi tối trong phòng nó có thể hỏi ông bà. Nó đã hỏi. Nó bảo, Muối ở trong nước này là từ đâu ra? Nó hỏi, Chỗ muối này, pa-pu, ai đã bỏ chỗ muối này xuống biển? Pa-pu cười, Ôi trời có gì quan trọng?Ma-mu thì không hề bối rối. Ngay lập tức bà cam đoan rằng chính là Chúa. Chính Chúa đã bỏ muối làm mặn nước biển. Nhưng ông thì cười khẩy. Ông bảo, Câu trả lời thật quá ư đơn giản và ấu trĩ đến thảm hại. Đúng là suy nghĩ của một mụ đàn bà. Ông bảo, Bà cứ luôn nhét vào đầu thằng bé những điều không thể nào nghe được. Bà cười không phản đối gì. Lúc đó là đầu kỳ nghỉ hè và trong đầu nó vẫn còn chứa những gì thu nhặt được trong năm học Gió xoáy làm các cánh cửa chớp sập xuống ngày ký hiệp ước Cateau - Cambrésis[1] tác dụng của chè mã đề. Pa-pu bảo tốt hơn là nó nên biết ai vô địch giải Vòng quanh nước Pháp năm 36 (nó biết, đó là Maes) năm 37 (Roger Lapébie) năm 38 (có thể là Bartali (Gino). Hay Verwaecke). Pa-pu là người say mê xe đạp. ở nhà ông vẫn còn giữ một chiếc xe đua được cột chặt vào cái xà ngang to tướng trong kho chứa khoai tây. Ông đã rất muốn treo nó lên như một bức tranh ở phòng ăn hay phòng ngủ nhưng ma-mu kiên quyết từ chối. Để rồi ông cứ nghĩ rằng mình là hạt giống vô địch và suốt ngày mơ cưỡi bà hoàng bé nhỏ à? Ông bảo thế thì đã sao bà vẫn giữ trên lò sưởi dưới quả cầu cái vương miện bằng hoa cam, Là để bà nghĩ mình vẫn còn trinh chắc? Những câu nói quả là kỳ cục với một đứa trẻ như nó. Cố để hiểu làm nó đâm lo lắng, nó nhăn mặt máy mắt nhiều hơn. Khi cuộc cãi vã qua đi nó hỏi, "bà hoàng bé nhỏ" là gì và "trinh" là gì. Pa-pu nói, vẻ vừa đùa cợt vừa trịnh trọng rằng chẳng mấy nữa, tóm lại là khi nào đến tuổi thì nó sẽ cưỡi một cô bé còn trinh. Ma-mu trợn tròn mắt kêu, Thôi đi cái ông lão đáng ghét này, thằng bé làm sao hiểu được mấy chuyện tầm phơ của ông. Nó cảm thấy rồi đây sẽ chẳng bao giờ hết mệt óc với chừng ấy những điều bí ẩn cần làm sáng tỏ.Hôm đó nó đã tắm biển và lần đầu tiên nó đối mặt với một vấn đề quan trọng. Nước không lạnh, nhưng mặn. Để mặn như vậy phải có ai bỏ muối vào. Thậm chí phải là cả một túi to.Ma-mu lại bảo, Là Chúa đấy. Người đã làm ra trời đất cùng với tất cả những thứ nhìn thấy được và không nhìn thấy được. Vậy chính Người đã cho bỏ muối xuống biển. Lúc đầu pa-pu lại cười khẩy. Sau đó ông đi tìm hiểu. Không phải trong cái vùng ven biển ấy. Nơi đấy chỉ có mỗi một quầy bán báo. Ông mua tờ Miền Tây nước Pháp và tờ Équipe. Ông muốn tìm hiểu bởi vì, Ha ha như ông nói xía vào câu chuyện không đâu vào đâu này cũng mất thời gian đây. Trên đường trở về ông rẽ vào thị sảnh của vùng ấy cái vùng chỉ hơi nhỉnh hơn một cái làng nhưng có một Thư viện và trên giá sách Thư viện có xếp những cuốn từ điển to tướng. Ông đã tìm thấy lời giải. Và ông không giữ nó cho riêng mình. Tóm lại ông bảo rằng vỏ trái đất có chứa chất clorua sodium (muối) và rằng muối này rất dễ tan. Rằng ở rất nhiều nơi trên trái đất chất muối này bay là là và nước hòa tan nó. Nước bốc hơi (không muối) rơi xuống thành mưa (không muối) và tạo thành các dòng sông (không muối) những con sông này chảy ra biển nơi muối tập trung lại. Cứ cho là thế. Ma-mu làu bàu trong góc phòng, Thế vỏ trái đất thì ai làm ra? Rồi bà kể, vẻ tiếc nuối, Trước đây người ta cho nhau muối để chứng tỏ sự thân thiện, đồng minh. Với lại, Đây đọc đi, bà vừa nói vừa đưa ra cuốn kinh thánh mở sẵn ở trang 1337, trong Kinh Phúc âm theo thánh Mác, Hãy có chất muối trong chính bản thân mình và sống hoà thuận với mọi người. Vốn đã bế tắc gàn dở vào tuổi đó nó kín đáo đánh vần mấy dòng bên trên Muối là một chất tốt, nhưng nếu muối mất đi vị của nó thì người ta trộn nó với cái gì? Câu này kéo theo những suy nghĩ phức tạp, đáng lo ngại. Nó máy mắt méo mồm dồn dập. Sự lo lắng. Đó là sự lo lắng là bình thường. Vì nó biết điều gì sẽ xảy ra. Điều đó đã xảy ra. Ông bà chết. Nó lớn lên thì ông bà lại chết. Pa-pu lúc nó mười hai tuổi và ma-mu lúc nó mười hai tuổi rưỡi. Bố mẹ không muốn nó nhìn lúc người ta chôn ông bà. Bố mẹ bảo rằng điều đó ảnh hưởng xấu đến thần kinh mà nó thì đang bị yếu thần kinh. Có lẽ hồi đó nó đã muốn được nhìn nếu là bây giờ thì chắc chắn là nó sẽ nhìn. Khi không nhìn thấy thì nó vẫn còn hi vọng điều này thật kinh khủng vì rồi cuối cùng nó biết rằng không còn có hi vọng. Cái hôm Hinault[2] xuất hiện với chiếc áo vàng trên kênh truyền hình TF1 nó rất nhớ pa-pu. Cũng tối hôm đó nó nhớ ma-mu vì món súp quá nhạt. Bây giờ nó mười bốn tuổi và vẫn không có bạn vì cái bệnh kinh giật. Bọn con trai ở trường trung học chúng chẳng hiểu gì về thần kinh cả. Chúng luôn trêu chọc vẻ mặt của nó, chứng máy cơ chúng nó gọi thế. Thậm chí bố mẹ cũng nhắc đi nhắc lại, Mày không thôi đi à, trông mày như một thằng ngốc. Pa-pu - ma-mu chẳng bao giờ nói gì, họ không để ý đến những cái máy mắt méo mồm của nó. Có lẽ vì họ nhìn sâu hơn xa hơn. Họ cũng chẳng hề càu nhàu nếu nó nổi khùng gặm móng tay hay cắn môi. Nếu nó vừa hỏi vừa gõ gõ lên mặt kính hay cào cào véc-ni trên tủ buýp-phê, Ma-mu nói đi ma-mu nói đi ma-mu nói đi. Ừ cháu ạ, muối rất tốt và làm sạch mọi thứ. Không gì làm đỡ mỏi bằng cho hai nắm muối vào chậu nước, ngâm chân ngập đến mắt cá. Bà đã chăm ông cháu như thế khi ông ấy muốn trở thành tay đua xe đạp.Nó lên căn phòng có rèm che. Hồi pa-pu ốm, một hôm khi mà ông không thể ngồi dậy được nữa bà đem treo cái xe đạp lên phía trước giường. Chiếc xe đạp lốp boayô đĩa đúp đầu tiên của ông. Bây giờ vẫn còn đó trên tường, sạch bong. Nó chạm tay vào bàn đạp. Bánh xe quay nhẹ. Thế cũng đỡ. Hôm qua nó nói chuyện với cô bé sống trong ngôi nhà bên cạnh. Cô bé cũng mười bốn tuổi, học trung học và rất xinh với mái tóc dài màu vàng. Cô đứng chờ trên vỉa hè trước tấm rào lưới vườn nhà. Cô bé lục tìm trong túi và lấy ra chiếc khăn mùi-xoa. Ông bà cô vừa chết trong một tai nạn xe ca của hãng Giải trí Tuổi già, trên đường đi đảo núi Saint - Michel. Bố cô bé đã đưa xe ra khỏi ga-ra, cả nhà đi chuẩn bị tang lễ. Bố mẹ đưa cô đi cùng. Cô bé không bị bệnh thần kinh, cô có quyền được nhìn. Cô sẽ sống với những điều xác thực, như thế dễ hơn.Cô nói, Mình gọi ông bà là pa-pi và ma-mi. Cô bảo, Ông bà tham gia các cuộc đi chơi dành cho người già vì ở nhà ông bà rất lẻ loi. Cô bảo, Lẽ ra mình phải ở bên ông bà nhiều hơn. Mình đã không nghĩ đến điều ấy. Bây giờ mình muốn như vậy quá. Mình thật ngu ngốc. Bố cô bé đóng cửa ga-ra. Ông ấy bảo, Bố chạy đi mua điếu thuốc. Con sẵn sàng rồi chứ? Cô bé bảo vâng, vẻ mặt cô bé là lạ. Nó lại gần và quàng hai tay lên vai cô bé. Nó áp má vào má cô bé. Như thế cô bé không biết nó bị máy mắt méo mồm (thần kinh). Cô bé nói, Bạn thật tốt, bạn hiểu. Nó liếm nhẹ giọt nước mắt to lăn xuống miệng.Mặn. Phạm Thị Thật dịch từ nguyên bản tiếng Pháp ----------------------Chú thích:[1] Hiệp ước ký giữa vua Philippe II của Tây Ban Nha và vua Henri II của Pháp vào năm 1559 để chấm dứt cuộc chiến tranh dai dẳng giữa triều đại Hapsburg và triều đại Valois. - eVăn.[2] Tay đua từng năm lần đoạt chức quán quân giải Vòng quanh nước Pháp. - ND.