Chúng tôi có năm người, một ông già và bốn gã đàn ông lực lưỡng sẵn sàng làm chồng những cô gái khỏe mạnh, làm cha những đứa bé chập chững, làm chủ những gia đình vào chiều đông xám lạnh như chiều nay hẳn đang quây quần quanh bữa cơm nóng sốt.Vậy mà đằng đẵng bao năm nay, chúng tôi bị quăng lên những đỉnh núi quanh năm mây phủ, không có cả đến một tiếng chó, một bãi phân trâu, cái thứ ở dưới miền đồng ruộng kia, ta bắt gặp nhan nhản ngay khi chưa bước chân vào cổng làng. Thật khó biết được giới hạn của nhu cầu và sức chịu đựng của con người. Như tôi chẳng hạn. Từ mờ đất tiếng còi của ông toán trưởng đã đột ngột xé toang mọi giấc mơ, tôi nhảy trên võng xuống. nhét vội vào dạ dày nắm cơm muối vừng, thế rồi cầm lấy một con dao, cứ nhắm phía trước phát một vệt mòn qua bùng nhùng gai góc, chẳng mấy chốc quần áo đã đẫm mồ hôi, mình mẩy ngứa ran bụi bặm, cổ khô đắng hồng hộc hơi thở, mặc kệ, cứ nghiến răng nhoài tới cho đến khi tiếng còi rúc lên mới vứt dao nằm vật ngửa, dốc ngược bi đông nước vào cuống họng, nỗi mệt nhọc chưa kịp tan trong các mạch máu, tiếng còi đã lại vực dậy, cầm lấy con dao và lại phát cây dẫn cái vệt mòn ấy ngày càng đi sâu vào những vùng rừng rậm núi cao mà ngay ánh mặt trời lắm khi cũng chẳng chịu chiếu tới, dẫu rằng đằng sau balô của mỗi chúng tôi, thằng nào cũng dán một khẩu hiệu mặt trời không lặn trên tuyến đường khảo sát, như vậy có nghĩa mặt trời có thể lặn đằng sau dãy núi xanh xám kia nhưng lại không lặn trong công việc đầy nhọc nhằn của chúng tôi ít nhất cho tới khi cái còi trong túi ông toán trưởng được rút ra thường thường vào lúc xâm xẩm hoặc tối mịt tới mức thằng nọ có thể chém dao vào lưng thằng kia. Tuy nhiên tôi không thể trách ông toán trưởng. Giá ông cũng cầm dao phát rừng như bọn tôi, hẳn cứ mười lăm hai mươỉ phút, ông phải rút còi thổi một lần; đằng này ông chẳng phải mệt nhọc mấy, chỉ đi sau chót, tay cắp cuốn sổ, cây bút, thỉnh thoảng ghi ghi chép chép, lại còn được ngồi nghỉ mỗi khi chúng tôi húc phải một bụi tre gai làm mấy đứa phải xúm vào dọn dẹp cả tiếng đồng hồ. Những lúc như vậy, tay ông vẩy vẩy điếu thuốc, miệng luôn luôn giục:Nhanh lên các đồng chí, hôm nay không khéo lại hụt năng suất.Năng suất - đó là chiều dài hai ngàn mét đoạn đường chúng tôi phải mở được trong một ngày, đó là cái được nhắc tới nhiều nhất vào lúc chiều, thỉnh thoảng thằng nọ lại hỏi thằng kia: đạt năng suất chưa mày?. Trả lời được, tất nhiên chỉ có ông toán trưởng cộng sổ, nhưng ông toàn giấu, ngay cả khi đủ năng suất rồi, ông vẫn bảo chưa, để thúc chúng tôi làm nữa. Tuy nhiên, trong cả bọn, sướng nhất vẫn là thằng cấp dưỡng. Sáng sớm dậy nấu một nồi cơm, rồi cả ngày, nó nằm khểnh trong hang hoặc vạt cây nào đó trông coi đồ đạc, mãi đến chiều mới phải nấu một nồi cơm nữa. Nhiệm vụ nó chỉ có thế, ngoài ra nếu hứng lên nó có thể xách khẩu súng trường duy nhất trong toán đi bắn con chim, con sóc hoặc con gà rừng làm món ăn tươi. Nhưng chuyện đó hàng năm chỉ xảy ra vài lần, cái thằng cấp dưỡng lười thối thây ấy khoái nằm kéo bễ hơn là lò mò xách súng đi bắn thú. Và hàng ngày, hai bữa đều đều bọn tôi vẫn chỉ có rau rừng nấu tép khô với nước mắm viên tống vội tống vàng vào năm cái dạ dày lép kẹp.