Duệ bần thần, rối hấp tấp phóng về chung cư cất xe, một cuốc taxi ra bến tốc hành gần chợ An Đông và nửa giờ sau chị đã có thể ngồi lúc lắc trên chiếc Mercedes có cả khăn lạnh và nước La vie trong tiền vé.
Chiều thứ sáu, lại một buổi chiều thứ sáu khó khăn. Tuần nào cũng có ba đêm hai ngày thườn thượt, bải hoải và sau đó là cái vòng quay công sở xem chừng cũng thườn thượt và bải hoải không kém. "Về, tuần này về với má mấy ngày đi con. Tối nay má ra bến Ninh Kiều mua bắp luộc chờ sẵn nghen, con!". Giọng má thấp thỏm trong máy như bà cũng đang hốt hoảng một thân một mình vào những buổi tối cuối tuần.
Sau chuyến đi chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận đến giờ, Duệ chưa về lại Cần Thơ. Thương con gái bốn chục tới nơi, má hay ngồi xe đò lên thăm và lần nào cũng chống đũa trong bữa ăn: "Con tính chờ nó tới bạc đầu sao, con?". Lục vấn, trách hờn, thở than đủ cả, kiểu làm ráp của những bà mẹ nếu con gái chưa lấy được chồng các bà sẽ chết không nhắm mắt. Và nó, nó là một cái tên, một cách ám chỉ, một sự hoài nghi trường kỳ mỗi khi hai mẹ con đụng tới Đính. Cần Thơ có má nhưng má cộng với dư luận nghiệt ngã thì Cần Thơ trở thành nơi Duệ nhớ chứ không phải để tìm về.
Xa cảng, Bình Chánh rồi Bến Lức, một giọng nữ cuối xe bỗng xướng lên: "Chiều mát lắm, tắt máy lạnh đón gió trời đi bác tài ơi!". Một cơn nhớ bủn rủn, thèm khát, giận hờn. Thứ nhớ này giống như thời tiết trước mùa mưa, nó ào tới đùng đùng, vần vũ, sấm chớp mà không mưa được, không một hột mưa an ủi nào. Duệ nhìn thấy những quãng đồng nham nhở chuẩn bị cày ải, những vườn cây qua lại hoài mà vẫn lạ vẫn mới, những đoạn đường mà chị và Đính đã "chà đi xát lại" bằng xe đò mỗi khi có dịp. Những buổi chiều tráng lệ này, lúc ấy Đính thường đan chặt mấy ngón tay vào tay chị, xiết lấy, không nói nên lời. Chiều nay, với khoảng cách một ngàn tám trăm bảy mươi bảy cây số, nỗi nhớ như không còn chịu đựng được nữa, nó đích thị là một cơn đau.
Chiếc xe bớt ga, tấp vô vệ đường. Mở mắt ra, Duệ nhìn thấy hành khách mới là một người đàn ông đứng tuổi, trạc với Đính, dong dỏng, mặt nở, mái tóc ngổ ngáo xỉa xỉa dưới vành nón vải ka-ki trắng, túi giả da đeo vai, ung dung nghệ sĩ. Anh ta ngồi xuống chiếc ghế gấp phụ xe vừa xăng xái mở ra ngay trước đầu gối của chị. Thấy rõ những vụn gàu trên cổ áo đen bâu đứng khá mốt. Chưa lột nón, anh ta đã rút tờ báo trong túi xách ra, nhìn nghiêng nghiêng, cái kính đọc sáng trắng càng khiến Duệ không thể rời mắt được. Chị ngồi nhóng lên để nhìn thấy bàn tay anh ta, chị không hiểu sao mình bỗng có nhu cầu kỳ quặc đó. Bàn tay của Đính là loại tay vuông ấm nóng, hiếu động múa may làm lụng, tay người này cũng rộng và chân chỉ, khác là có một chiếc nhẫn vợ chồng đính một hạåt xoàn tấm trên ngón áp. Đính là con một, Đính không có em trai, nếu tình cờ đây là người bà con của Đính thì sao? Bao giờ cũng những ý nghĩ lẩn quẩn Đính Đính Đính, như Đính là cả quả đất và nếu rời lực hút đó ra thì Duệ thành không trọng lượng ngay.
Trời tối sẫm. Khứu giác mẫn cảm hơn với mùi rơm rạ và cây trái se se trong gió chướng. Người đàn ông phía trước xếp tờ báo lại ngồi dựa vào nệm xe, yên lặng. Lúc anh ta nghiêng người cất kính và báo vào túi xách, trong ánh chiều nhập nhoạng, anh ta giống Đính như bức ảnh ngược sáng hay một loại chân dung cắt nhanh bằng kéo mà các nghệ nhân dùng để kiếm sống ở những chỗ đông người. Duệ chồm khẽ tới trước, chạm tay vào vai người ấy: "Ông anh về Cần Thơ hay xuống dọc đường?". Anh ta quay hẳn lại, ngạc nhiên thân ái: “Cô thấy quen quen hay là muốn đổi chỗ?”. Duệ cười chật vật: “Không, một câu hỏi làm quen thôi mà”. Người này nói giọng lục tỉnh, hoàn toàn không họ hàng gì với cái ông Đính Hà Nội của chị. Người đâu có người giống nhau một cách lạ lùng.
Qua khỏi Trung Lương, xe tấp vô một sân quán mênh mông có những chậu kiểng siêu lớn. Tài xế trẻ nói bặm trợn: "Cô bác anh chị ăn uống gói ghém nhanh nhanh giùm. Độ rày cảnh sát bắn tốc độ gắt, đâu bon được. Lề mề về tới bến bắc lúc ngưng phà, muỗi nó làm thịt sáng đêm, đừng trách!".
Quán ăn lợp tôn không vách dân dã, khí thế. Duệ tần ngần trước những quầy bánh trái đóng gói sẵn, chị mua vội cho má một ký mận sữa nghe tiếp thị chỉ khu vực gần Mỹ Thuận mới có, nó mới hơn giống mận rằn Ấn Độ. Lại nhớ Đính, có lần Đính bảo đi cưới vợ giống như đi mua sầu riêng, ngửi thì thơm nhưng về nhà mới biết nhuần nhị nồng nàn hay sượng sần hay nhạt thếch, câu nói vui mà khóe miệng lại buồn, rất buồn.
Ý nghĩ về Đính khiến Duệ kín đáo tìm, mắt chị chạm phải ánh mắt của người đàn ông giống Đính đang ngồi ở một chiếc bàn còn trống. Chị bước tới, lòng tràn ngập sự thích thú rưng rưng, tò mò. Người ấy đứng dậy lịch sự kéo ghế cho chị: "Đi một đoạn đường mà có bạn vẫn hơn". Duệ kêu cơm sườn bì nhiều dưa chua và tương ớt, chị không nhớ mình cần ớt và cà phê từ lúc nào nhưng thiếu chúng thì sự trống trải thê thảm hơn.
Kiểu ngồi nghiêng nghiêng sảng khoái mà trễ nải cũng giống Đính: "Chưa quen mà bao cơm thì hơi vô lý nhưng tôi mời cô ly cà phê đá cho đỡ buồn ngủ được không?". Duệ cười xòa: "Ông anh không bỏ thuốc mê vô cà phê chớ?". Một tràng cười to hết cỡ. Một cuộc làm quen thông thường diễn ra trước khi cơm và nước được bưng tới: anh ta là kiến trúc sư làm ở Hội Kiến trúc thành phố, chỗ lên xe ban chiều là trang ấp của một người bạn và giờ thì phải xuống Cần Thơ tiếp tục giám sát thiết kế một công trình dưới đó.
Duệ giới thiệu qua loa về mình: cán bộ khoa Sinh ngữ một đại học X, Y nào đó và má thì đang chờ ở Cần Thơ với món bắp luộc trứ danh của bến Ninh Kiều. Nghe anh ta bắt chuyện không thích bằng ngắm suông vì khi nói, anh ta không hoàn toàn giống Đính. Bữa ăn uể oải giống một trò chơi mà hai kẻ tham gia đều ngượng ngập và lười biếng.
Phải bám nhau đi lòng vòng một hồi cả hai mới tìm ra chiếc xe khách của mình giữa biển xe cộ đường dài của quán ăn. Ông lão ít nói ngồi cạnh ghế Duệ không biết có ý gì đã đề nghị đổi chỗ với anh kiến trúc sư. Người ấy sung sướng ra mặt: "Cô ngồi trong đi, lưng ghế đó cao mà cũng êm hơn". Duệ cảm thấy một sự đụng chạm, một cái gì đó buông thả được khung cảnh chật hẹp và bóng tối đồng lõa. Tự dưng chị thu người và mất cả hứng thú bắt chuyện, như cô bé con nhìn thấy một vết nứt trên mặt đất ngay dưới chân mình. Hình như người ấy cũng cảm nhận được điều gì đó nên cũng ngồi ngay ngắn hơn và ngoảnh nhìn bâng khuâng ra cửa xe.
Đã dễ chịu hơn khi ngồi dựa vô lưng ghế, hình ảnh Đính nhoang nhoáng lẫn lộn như một cuộn phim tươi. Dạo đó anh là giảng viên thỉnh giảng mới ba mươi lăm tuổi, quần jeans áo pull tràn trề sinh động tự tin và một cua giảng liên tục những câu đánh đố vào đám sinh viên tỉnh lẻ hồn nhiên, rụt rè: "Theo các anh chị chúng ta có khoa học lịch sử chưa? Tại sao dân ta thuộc sử Tàu hơn sử nước mình? Tổ quốc là gì, theo các anh chị Tổ quốc là đường biên địa lý hay đường biên văn hóa?".
Duệ là cô gái không có bề ngoài nổi bật nên vị thầy có vẻ ngang tàng ấy là một ngôi sao sắc cạnh nhưng xa xôi, cách trở. Duệ sẽ không bao giờ có cơ hội gặp cái anh thầy nói năng ngất ngưởng lần nữa nếu như năm năm sau Duệ không có việc phải ra Hà Nội. Hà Nội mùa đông mưa và rét thê thảm, một dãy người, Duệ nhớ hôm ấy đứng trong dãy người im lìm nhẫn nhục, Đính đã nói tướng lên rằng đây là một bầy gì gì chứ đâu ra thể thống người đang phải rồng rắn phơi mặt bên ngoài bức tường Đại sứ quán Mỹ ở đường Láng Hạ.
Dạo ấy Mỹ chưa được phép lập tòa lãnh sự ở Sài Gòn nên mọi thủ tục visa đều đổ về một cửa là Láng Hạ. Đính xếp hàng nộp hồ sơ nhập cảnh cho con trai du học, Đính đứng cái chỗ mà mũi của Duệ nghe thấy rõ ràng mùi thuốc lá, mùi của những cơn giận phừng phừng và mùi của sự mỏi mệt căng thẳng. "Đúng tháng kỷ niệm Điện Biên Phủ trên không, loa đài càng hát hò ca tụng thì người Mỹ càng bắt bọn mình xếp hàng dài dài". Vị thầy trẻ quay lại, Duệ bật cười để gây chú ý và Duệ đã được chú ý thật. "Cô em Sài Gòn ra hay dân Hà Nội?". "Em từng là học trò của thầy đây!". "Học trò tôi ở khắp nước. Cô dân Sài Gòn chắc ăn chực nằm chờ cả tuần rồi mà còn cười được sao?". "Vậy thầy muốn em khóc hả, khóc còn hại quốc thể hơn cười chứ".
Bắt đầu sự tri kỷ từ những câu chuyện trong mấy khuya liền vạ vật giữa đám người chầu chực sớm để thay nhau tiếp tục xếp hàng cho đến khi cái loa ở ngã tư Đê La Thành thôi hát hò Điện Biên Phủ trên không. Bắt đầu một cuộc phiêu lưu thường tình như mọi người, tự vấn, bế tắc, đau khổ, như mọi người.
"Có mệt không?" - người hành khách giống Đính nghiêng đầu hỏi. Duệ xoa xoa hai lòng tay lên mặt, cảm giác nếu khóc được chắc sẽ tốt hơn. "Cầu ở phía trước rồi, mình đề nghị xe chạy chầm chậm để ngắm Mỹ Thuận ban đêm đi!". Đề nghị của anh kiến trúc sư liền được nhiều người hưởng ứng, bỗng chốc hình thành không khí ngẫu hứng chòng chành. Những dãy đèn tình tứ, hai triền sông ngan ngát phồn thực bãi bờ.
Một lần cùng chống tay bên lan can con phà giờ đã thành lịch sử, Duệ đã đứng ghếch giày như Magơrit Đuyra đã từng đứng như vậy khi lần đầu tiên gặp người đàn ông đau khổ của mình. Sông Tiền không còn những khúc gỗ và những con thú trương sình thời đó nhưng sự cách trở của những cuộc tình vẫn không có gì khác hơn. Đính thẫn thờ: "Vợ anh là lịch sử của anh. Anh là con một, anh là tất cả đối với mẹ anh, hồi mẹ khỏe, mẹ có biết chuyện nhưng bảo để mẹ thu xếp với vợ anh một cuộc chia tay êm thấm mà không cần tòa án. Rồi mẹ bệnh và ngồi xe lăn mấy năm nay. Anh còn một con trai nhỏ nữa cương quyết được du học như anh nó. Mẹ anh sợ nó không còn ngoan nữa nếu như vợ chồng anh bỏ nhau trong tình cảnh bà nội bệnh tật như thế. Lịch sử và hiện tại là tương lai của mỗi chúng ta". Duệ không có gì để tra khảo thêm vì chị biết mình không đợi chờ ai, không đợi chờ gì cả, ngoài Đính.
Câu chuyện làm quen giữa chị và người đàn ông bên cạnh đã được khai thông trở lại nhờ không khí du lịch sau khung cảnh khó cầm lòng được lúc này. Chuyện công việc, chuyện cải cách, thi cử và sách giáo khoa, chuyện bằng thật bằng giả, chuyện văn hóa Đông và Tây, chuyện có hay chưa có nền kiến trúc Việt, chuyện Năm Cam và những vụ án nhan nhản hằng ngày...
Chị nghe thấy hơi ấm đàn ông rủ rê chỗ cánh tay, giá mà có một bàn tay để xiết lấy. Bao giờ, dù ở trong căn phòng kín đáo của khách sạn, ở một góc đồng có trời có đất hay dưới một tán cây che chở, bao giờ Đính cũng dùng cả hai bàn tay vuông vuông ấp lấy khuôn mặt Duệ khi ghé xuống, những cái hôn cồn cào đau đớn, sau đó thì quả đất ấy đã khiến chị bốc cháy và bay vút lên cho dù sẽ là một sự tan nát ê ẩm khi rơi trở về thực tại. Chị không ở lại bên Mỹ với vợ chồng đứa em trai là vì Đính hay là vì chị không thích nghi nổi với mọi thứ chóng mặt và xa lạ, chị không tách bạch được và chị đã trở về để cứ phải nhập nhằng chờ đợi và một năm đôi lần được đốt cháy và rơi xuống.
Bến bắc Bình Minh rì rầm nhiều cỡ xe thả máy chờ những chuyến phà thưa vì đêm vắng mà sông lại rộng. Dạo từ Mỹ về sau khi lấy xong bằng thạc sĩ, Duệ đặt chân xuống Nội Bài thì Đính và Hà Nội là vòng tay quê nhà, bây giờ sông Hậu và má là một vòng tay khác nữa thân thiết ngậm ngùi y như nhau. Người kiến trúc sư ân cần: "Mình bỏ xe đi bộ xuống phà qua bên kia cho sớm đi!". Mỗi cái nhấc chân là một bước nhớ, Đính kể lần đầu được Đại học Cần Thơ thỉnh giảng, lần đầu đứng trước sông Hậu, anh đã lặng người và đã bốc đồng hết cỡ: "Thật là đáng xương đáng máu của tiền nhân!". Sông Hậu về đêm mơ màng, nết na mà vẫn thổn thức. Chị đi bồng bềnh bên cạnh người đàn ông mới quen, mấy lần tự hỏi chẳng lẽ sự khắc khoải của thể xác lại không có được gờ-ram đau khổ nào so với sự khắc khoải của tinh thần sao?
“Tôi có xe máy để trong chỗ ở tạm cạnh khu hội chợ, để tôi đưa cô về cho an toàn. Đây tới chỗ tôi đi bộ một chút nữa thôi". Duệ nhận thấy sự gạ gẫm thăm dò nhưng vẫn gật đầu đi tiếp như bị thôi miên. Không biết bao nhiêu đêm chị đã tưởng tượng ra cảnh mình được âu yếm bởi một người đàn ông không phải Đính nhưng bao giờ trái tim cũng kéo chị trở về với chính người đàn ông đã vỡ vạc và đã làm chị mỏi mòn, cuồng dại. Chị tin Đính cũng bị những cơn ứ tràn khổ sở, như chị thường mệt bã vì phải tự chiến đấu với nỗi thèm nhớ của mình. Căn phòng của nhà kiến trúc thật gợi cảm và điều mà Duệ linh cảm đã xảy ra sau cánh cửa. Khi bàn tay to rộng của người ấy chạm vào và một hơi thở ghé xuống thì Duệ choàng tỉnh, tưởng có thể quằn quại đón lấy như đất hạn gặp mưa rào. Không, chị gập người lại và muốn òa khóc, ngay cả sự quằn quại này vẫn phải có sự hờn tủi đau xót thương yêu quen thuộc mới đốt cháy chị được. Mà chỉ có Đính, Đính chứ không phải người này hay người khác.
Hết

Xem Tiếp: ----