Xe đạp niềm vui

Bác sĩ trưởng phòng điều trị là Hoa Đà tái thế. Ông ta không cần hỏi bệnh nhân câu nào để ghi vào bệnh lịch. Chị Đỡm vừa vào thì ông đã ghi toa xong. Chị cầm lấy toa thuốc, cũng không cần đọc mà thấy bệnh tật trong người đã cuốn vó chạy dài.
Chị về đến cơ quan đưa cho kế toán lấy tiền đi "mua thuốc" rồi về nhà luôn vì được coi là bệnh nhân. Về nhà thì thấy anh Đỡm nằm trong buồng. Nhà của gia đình miền Nam tập kết này là một cái ga-ra của tư sản, nay không còn xe hơi nên cho cán bộ mướn với giá năm đồng một tháng. Nó như cái hộp sắt chỉ trống một bề làm cửa ra vào. Hai cánh cửa lung lơ, xiềng bằng một sợi lòi tói nên khi mở đóng, cửa và lòi tói khua nghiến như cửa nhà tù.
"Thế nào, có khám khiếc gì không?" Thấy vợ về, Đỡm nhảy tưng lên hỏi.
"Được mười đồng."
"Mười đồng làm sao đủ mua?"
"Biết làm sao bây giờ?" Chị Đỡm ngồi phịch xuống cái giường ngủ làm bằng hai miếng ván ken lại và tính tiêu hành tỏi ớt cho chồng nghe.
"Ông bác sĩ Hương tốt bụng lắm. Ổng kêu em vào khám trước nhất, lại cho cả bồi dưỡng."
"Bao nhiêu?"
"Bồi dưỡng cấp 2, 75 xu mỗi ngày, mười ngày là bảy đồng rưỡi. Tiền thuốc mười lăm. Cộng tất cả là hai mươi hai đồng rưỡi."
"Rồi sao có mười đồng?"
"Anh tưởng mình đút túi được cả sao? Biết mà còn hỏi. Mình "tứ" còn bác sĩ và kế toán "lục". Em lại phải nhờ con nhỏ ở cơ quan đèo trả tiền săm lốp cho nó hết một đồng nhưng nó không lấy, nó bảo mình mua xe mới, khi nào tới phiên mua săm lốp thì nhường cho nó."
"Còn lương của bà đập vô nữa là vừa triến."
"Phải được nguyên một tháng thì vừa, nhưng bà giám đốc nhân đức cho lãnh có năm mươi đồng còn mười hai đồng thì để lại đó."
"Để lại đó là để lại đâu?"
"Chưa tới ngày lãnh mà người ta cho lãnh là phước đức ông bà rồi. Bà ấy nói bỏ xuất tiền túi cho mượn chớ có phải là công quỹ đâu. Còn không hiểu nữa à?"
Đỡm gật đầu khe khẽ:
"Ừ nhỉ, bà ấy nhân đức dữ dội."
"Còn ông được bao nhiêu?" Bà vợ hỏi chồng.
"Phải bán cả nữ trang của bà, và ba ký lô thịt mông của tôi nữa mới đủ."
"Nữ trang. Xí! Ba cái vỏ sò vỏ ốc hay mấy cục sắt kế hoạch của sắp nhỏ đem mạ rồi bán hay nữ trang nào? Cái nhẫn cưới cũng bán ba mươi đời rồi."
Đỡm vẫn tỉnh khô:
"Thôi được, tôi có cách!" Đỡm vung tay thoải mái mà hỏi ngay "Bà có nhớ cái huy hiệu Thành Đồng Tổ Quốc của tôi bỏ đâu không?"
"Để làm gì?"
"Để tôi đem ra bờ hồ sơn lại."
"Ai sơn?"
"Có thợ sơn. Mấy ông chiến sĩ Điện Biên đem sơn lại huy hiệu của họ thiếu gì ngoài đó."
"Mới đây mà tróc sơn hết rồi sao?"
"Có tróc mới sơn, chớ khi không sơn làm gì cho tốn tiền. Năm hào một nhát chớ phải sơn dùm hay sao? Cái huy hiệu của tôi sơn xong đem ra chợ bán được năm đồng đó."
"Ai mua làm gì!"
"Củi mục bà bỏ trong rương hễ ai rớ tới, trầm hương của bà mà!"
"Ở đó mà đóng kịch hoài. Ngày mai là cái phiếu hết hạn. Chờ mất ba năm nữa!"
Đỡm thấy mình diễu hơi dở nên lại ngả ra giường để thở dốc.
Có mùi hương phảng phất trước cửa. Chị Đỡm ngó ra. Bà chủ nhà. Bà ta chải đầu rất suông, thắt bính từ cổ đến chót tóc nhỏ rứt quấn thành búi tóc sau gáy trắng muốt còn đường ngôi thì rẻ rất thẳng. Bao giờ ra khỏi nhà để thu tiền phố bà ta cũng mặc áo trắng ngắn tay và quần xa-tanh láng mướt, môi thoa son rất khéo. Bà ta đứng ở trước cửa nói vọng vào.
"Anh chị cho tôi xin tiền nhà tháng trước được chưa ạ?"
Đỡm nghe tiếng "tháng trước" nhói màn nhỉ nhưng cố nằm im. Chị Đỡm bước ra.
"Bà chủ cho tôi vài hôm nữa lãnh lương sẽ trả luôn hai tháng."
"Anh chị túng dữ vậy hả? Hai vợ chồng đi làm cả mà còn thế, tôi có việc gì làm đâu. Con tôi bốn đứa toàn đi học."
"Không nói dấu gì bà chủ, vợ chồng tôi đang gom góp tiền mua chiếc xe đạp."
"Có phiếu rồi cơ à?"
"Dạ."
"Xin anh chị nhớ dùm, tôi nghèo lắm." Bà chủ nhà nói vậy rồi đi ra ngõ, sang các nhà khác.
Chưa đủ số đắp cho chiếc xe, nếu rút mười đồng ra đóng tiền nhà thì càng hụt nặng! Chị Đỡm đứng tần ngần, không biết nên mang ơn hay thù oán bà chủ nhà.
° ° °
Chưa đến giờ mở của bệnh viện mà Đỡm đã đứng ở trước cổng hồi đời nào. Đêm qua Đỡm hơi khó ngủ vì hình bóng chiếc xe đạp sắp với tới cứ lắp loáng qua đầu. Những gánh khoai lang củ mì luộc đơm hai bên cổng nhắc cho Đỡm nhớ rằng mình chưa ăn sáng.
Mùi khoai sắn bùi bùi làm Đỡm phát chảy nước miếng. Tuy chê nó, nhưng vẫn không quay mặt lại nó được. Còn cái gì khác tọng vào mồm được nữa đâu. Lắm lúc đi ngang qua cửa hàng ăn quốc doanh muốn vào làm một tô cho thỏa mãn dân cày, nhưng nhớ tới bầy con èo uột, lại thôi. Hơn nữa, bữa nay, Đỡm bán máu. Đỡm phải để bụng đói, Đỡm biết, vì đây không phải là lần bán đầu tiên.
Cánh cửa sắt đỏ cũ vừa tróc sơn rỉ sét không biết có từ đời nào, vừa hé mở là Đỡm chen vào. Lão già khu Năm khó tính Đỡm quen mặt, gầm lên khi Đỡm càn qua người lão.
"Chưa tới giờ nhận bệnh."
"Tôi là nhân viên!"
"Thẻ đâu?"
"Nhân viên mới, chưa có thẻ!" Đỡm nói ẩu rồi đi bừa vào bất kể sự hằn học của lão già.
Lão già đạp banh cánh cửa đánh rầm rồi chạy theo để bắt anh chàng Nam Kỳ vô nguyên tắc, nhưng cũng may, y tá Long vừa tới và nhận Đỡm là nhân viên quét dọn của bệnh viện do Long đưa vào làm việc. Nhờ thế Đỡm lọt. Đỡm ngồi ở băng chờ đợi ngay dưới tấm bảng đỏ chữ vàng "KHOA TRUYỀN MÁU". Mỗi lần đến đây Đỡm đều nghĩ: Đúng ra là phải để MẬU DỊCH THU MUA MÁU như Mậu dịch Tổng hợp thì mới phải. Vì ai vào đây cũng để bị hút máu cho chánh phủ chớ có ai được "truyền" tí huyết cầu nào đâu!
Cánh cửa phòng sịt mở. Đỡm là người mãi huyết đầu tiên trong ngày bước vào. Qua cái lỗ vuông như lỗ ở chuồng bán vé xi-nê, y tá Long đưa ra cho Đỡm tấm cạc tông cứng bằng ba ngón tay mang số 1. Đỡm cầm lấy và ngồi xuống băng chờ. Vậy là mộng gần thêm chút nữa. Ở xã hội này không có cái gì chắc được cả. Xếp hàng ba giờ đồng hồ đến phiên mình chìa phiếu ra mua hai lạng thịt thì cô hàng thịt lạnh lùng bảo: Hết thịt. Hoặc đưa phiếu mua đường, thì bảo: đường chưa tới. Có thể mình đưa cái phiếu mua xe đạp thì lão quản kho lại cũng bảo: chờ xe bên Liên Sô, Tiệp Khắc qua.
Vài người đến sau Đỡm. Một vị bộ đội mũ cát két, áo xanh công nhân bạc màu chân dép lốp sần sùi, ngón út trật ra ngoài quai dép như mang guốc kiểu nhà quê; một vị thì mặc áo chim cò, tóc lụp xụp.
Hai người có lẽ tự cảm thấy sự tương phản gay gắt của nhau nên giữ một khoảng cách tối đa: người nào cũng ngồi mút đầu băng và quay lưng lại nhau.
Đỡm chiếm khúc giữa như một cái máy điều hòa hai thái cực.
Từ trong lỗ vuông, y tá Long chìa ra quyển Sổ Truyền Máu. Đỡm biết đây là câu trả lời sau sự mặc cả hôm qua tại nhà riêng của bác sĩ Hương, chủ nhiệm Khoa, nên vội vàng đứng dậy bước tới cầm lấy mẫu giấy, đưa lên mắt đọc và nói ngay:
"Một trăm năm mươi xê xê không đủ đồng chí ạ!"
Long khom người áp mặt vào chiếc khung vuông:
"Đó là quyết định của bác sĩ chủ nhiệm khoa."
"Vậy thì tôi không đủ tiền mua xe kỳ này rồi! Phải đợi đến đời con tôi!"
"Nguyên tắc là phải hai tháng mới được "rút" một lần!"
Y tá Long biết Đỡm dư hiểu nguyên tắc đó. Nó đã được y tá giải thích bằng mồm mỗi khi người bán máu chìa tay cho kim đâm vào huyết quản hút máu ra chai, hơn nữa nguyên tác đó còn được ghi bằng chữ to trên bìa sổ: "Chú ý: Hai lần lấy máu phải cách nhau ít nhất sáu mươi ngày." Nhưng thấy Đỡm cứ đứng tần ngần. Long nói tiếp:
"Trong sổ có ghi lần rút trước là ngày 3 tháng hai, là ngày thành lập đảng. Vậy lần kế phải là 3 tháng tư. Nhưng tôi thấy nét mặt của anh sạm, nước da cũng sạm quá kìa, điều đó chứng tỏ anh thiếu máu. Vậy tốt nhất là chờ tới ngày 1 tháng năm là ngày Quốc Tế lao động hoặc tốt hơn nữa chờ đến ngày 19 tháng năm, sức khỏe anh vững chắc hơn. Hôm nay mới là ngày 18 tháng ba, còn thiếu mười lăm ngày nữa tôi mới có thể rút máu của anh được. Vậy là bác sĩ chủ nhiệm đã chiếu cố mua cho anh một trăm năm mươi xê xê là đã đặc biệt lắm rồi."
Ông công nhân và anh chim cò hơi sốt ruột vì sự mà cả của Đỡm nên họ đến xin số cho bảo đảm. Y tá vừa phát xong hai số lại có cả chục người vào. Người nào cũng nhớn nhác xanh xao nhưng đành phải bậm môi bán sức khỏe tiều tụy của mình để nuôi người thân tiều tụy hơn. Long phát luôn hết nắm cạc tông vuông trên tay rồi tuyên bố:
"Hết số! Mỗi ngày chúng tôi chỉ hút máu mười hai người!" rồi quay lại Đỡm "Rút máu có hại lắm anh ạ. Người khỏe cũng mất sức nhưng hồng huyết cầu sẽ tái lập lại đủ cơ số. Còn yếu như anh thì sẽ chóng mặt không làm việc được. Như vậy là sai chính sách!"
"Tôi còn khỏe lắm. Tôi biết mà! Cứ hút 200 xê xê cho tôi!" Đỡm rên rỉ "Tôi đợi mất ba năm mới được cái phiếu mua xe. Mà được nó trên tay rồi lại càng khổ thêm vì không đủ tiền mua. Chạy hoài cũng không tìm đâu ra để tiếp vào số lương của hai vợ chồng cho đủ. Mượn bè bạn khắp chốn rồi nhưng vẫn còn thiếu. Tôi mới đánh liều đến nhà bác sĩ chủ nhiệm khoa hôm qua. Ổng gật."
"Gật là gật cho 150cc thôi chứ 250cc thì không thể. Giá là lập trường chánh trị này nọ thì tôi còn linh động cho anh được còn đây là khoa học, làm sai là chết người tức khắc! Dầu tôi có ghi 250cc cho anh, nhưng đưa vô phòng hút máu, họ coi sổ họ cũng không hút đâu."
Đỡm ứa nước mắt than:
"Anh Long ơi, anh có gọt thì gọt cho trơn, làm ơn thì làm ơn cho trót. Tôi đợi cái phiếu mới có ba năm mà đã bắt được rồi. Có người đợi cả đời mà chỉ bắt hụt. Như vậy chứng tỏ là đảng và chánh phủ đã sửa sai với tàn dân tập kết mình rồi đó. Thiệt may mắn biết bao nhiêu. Con tôi cả lũ. Vợ đi làm. Mà nhà không có chiếc xe nên bữa nào cũng cuốc bộ. Gặp khi con đau phải năn nỉ ráo nước miếng bạn bè mới cho mượn xe chở con đi bệnh viện. Mượn vài lần đã ê mặt rồi, đâu dám mượn nữa. Kỳ này mà huốc thì tôi cuốc bộ muôn năm!" Đỡm nuốt ực "Còn có ngày mai nữa là hết hạn anh Long à! Anh cứ việc ghi đi, chết tôi chịu."
"Chết thì không chết, nhưng anh chóng mặt không đi làm được."
"Chóng thì ít ngày rồi hết chứ không mua được kỳ này chết sướng hơn!"
Vẫn nhớ đây không phải là nhà riêng của mình, nhưng Đỡm cố kỳ kèo cho bằng được. Long cực chẳng đã phải vào trình chủ nhiệm khoa. Một chốc trở ra bảo: "Ông ấy chỉ cho 200cc thôi."
Đỡm nhăn mặt:
"Hai trăm là đâu? Chỉ thêm 50 nữa thôi mà!"
"Máu người chớ đâu phải nước lã. Tiêm năm mươi xê xê có thể cứu một mạng người, rút năm mươi xê xê cũng có thể chết người, anh hiểu không? Thôi, anh cứ vô phòng hút đưa sổ ra cho người ta hút. Tôi không thể giúp anh thêm gì nữa cả!" Long nói xong đưa quyển sổ cho Đỡm rồi quay đi.
Đỡm cầm lấy quyển sổ, nghe đầu nặng như chì, nhưng lòng lại thấy nhẹ hẫng như gan ruột mình biến đi đâu hết. Đỡm bước sang phòng hút máu.
Người công nhân lẫn ông áo chim cò đều hoàn thành nhiệm vụ. Đến phiên Đỡm. Những lần trước Đỡm cũng đến đây nên đã quen với mọi đồ vật và động tác. Đỡm leo lên nằm trên chiếc bàn gỗ sơn trắng có vài đốm máu khô vương vãi lau không sạch. Đỡm duỗi thẳng chân và thọc tay vào khung lỗ vuông với quyển sổ trên tay.
Vốn quen nên y tá Tâm cầm lấy quyển sổ xem nhanh và hỏi với giọng thân mật:
"Sao bán sớm vậy cha?"
"Xe đạp có đủ cả rồi, còn thiếu bánh trước."
"Hai trăm xê xê hơi nặng đấy!"
"Kệ nó. Chết bỏ!" Thấy không có ai trong phòng. Đỡm nói tiếp "Nè, kỳ này muốn gì?"
"Cậu có cái gì mới được?"
"Có cả hai. Áo nâu lẫn áo trắng!"
"Áo nâu thì nếm đã đời rồi."
"Vậy áo trắng nhé!"
"Ở đâu mà cậu có?"
"Cái nghề lơ xe hơi của tôi như chó răm lỗ chuột, chỗ nào mà tôi không đánh hơi ra."
"Ừ, cũng được, trả thù bố mẹ thêm tí nữa." Y tá Tâm buộc dây thun và chích.
"Để các em đi với tụi Gia Nã Đại và Chà Chóp nghĩ cũng đau lòng con quốc quốc chớ ta!"
"Đau thì ráng chịu. Mình không có tiền chi, các em lại cần tiền. Đau lòng chính là ở chỗ đó."
Đỡm nhìn nghiêng thấy máu của mình đã chảy vào cái chai thủy tinh hòa với dung dịch ACD đựng sẵn trong đó làm cho máu loãng ra và từ từ dâng lên từng gạch một ghi ở thành chai. Lần nào nhìn thấy máu tuôn, Đỡm cũng nghĩ ngợi một cách hài hước: rau muống, cà pháo, khoai lang, mắm cáy, nhận của đảng bao nhiêu trả lại đảng bấy nhiêu. Đảng lại trả tiền cho mua cà mua mắm. Sướng thấy mẹ còn đòi gì nữa?
Thấy máu dâng lên gần đến gạch hai trăm, Đỡm lại gợi chuyện:
"Nè cậu có nhớ tên đồng chí ủy viên trung ương gì giết vợ bằng vi trùng thương hàn không?"
"Có biết chuyện nhưng tên thì quên. Vụ đó ở bệnh viện C chớ không phải ở đây."
"Đồng chí ấy cuối cùng rồi cũng chẳng lấy được đứa con gái nuôi mà lại mất vợ, hả?"
"Chậc! Ấy chết, 220 rồi. Thôi nhé!" Y tá Tâm vừa nói vừa nhìn sắc mặt Đỡm.
"Tôi có nghe chóng mặt chóng mày gì đâu. Ráng 30 xê xê nữa đi! Lần này sẽ có một em (trường) Trưng Vương da trắng như bông bưởi cho cậu đấy! Ăn cơm gạo nhự, đự" gái Trưng Vương nhé!"
"Tắt đèn nhà lá như nhà tranh. Thôi, cha nội 240 rồi."
"Bứt dây oánh tuốt cho rồi! Chết tôi chịu ớ điệu chung tình. Con nhạn bay khó bắn con cá ở ao Quỳnh khó câu nghe ta!"
"Chà, còn nhiễm Út Trà Ôn dữ he!"
Chớn máu đã lên liếm 250. Y tá Tâm rút kim ra và lấy miếng bông gòn ép vào chỗ mũi kim chích trên da, bảo:
"Có chóng mặt thì vào đi-văng trong phòng tôi mà nằm!"
"Cậu có chạy đua không thì ra đường làm một trận với tớ nào?" Đỡm ngồi bật dậy nói.
Y tá Tâm lấy bút sửa số 200 của bác sĩ chủ nhiệm ra số 250 rồi đưa quyển sổ cho Đỡm. Đỡm cầm quyển sổ trở ra đưa cho Long. Long xem con số và chắc lưỡi:
"Thôi, cũng được!" Rồi làm hóa đơn cho Đỡm.
Đỡm nhìn thấy con số rất rõ nét: 41 đồng 1 hào. Đỡm ký đánh xoẹc ném cây bút chì một cách hài lòng. Y tá Long xỉa tiền đầy đủ. Đỡm không đếm lại cứ quơ lấy đút vào túi áo trên cài nút rồi chìa tay cho y tá Long.
"Cám ơn nhé."
"Đừng có bán "mạ non" nữa nghe!"
"Có chuyện cần lúa giống cũng bán tuốt nữa, ở đó mà chờ tới mạ!"
Đỡm đút quyển sổ xám ngoẹt vào túi quần và lững thững đi ra bệnh viện. Lão già gác cửa vẫn còn nhớ mặt, gắt hỏi:
"Thẻ nhân viên đâu?"
"Cần tiền mua xe đạp nên bán máu đây chứ nhân viên nhân veo gì?" Đỡm lê đôi dép Nhật ra đường. Bây giờ Đỡm mới thực sự thấy nỗi buồn lan chiếm cả tâm hồn mình. "Máu người không phải là nước lã." Đó là tên một bộ phim đang chiếu ở các rạp Thủ Đô, và câu đó được nhại lại khắp Hà Nội.
Không phải là nước lã thì là gì? Không phải là nước lã sao rẻ mạt thế? Hai trăm năm mươi phân khối cân bằng bốn mươi mốt đồng một hào. Cà đang lên giá và máu người đang xuống giá. Cứ mỗi lần bán đi ít máu thì Đỡm lại thấy giải quyết được một vấn đề. Máu của ta thuộc loại A hay B hay O. Đỡm cũng không cần biết. Chỉ biết đó không phải là nước lã.
Từ đầu kháng chiến, Đỡm đã từng làm liên lạc cho tiểu đoàn 307. Rồi lên cầm súng trực chiến cho đến ngày hòa bình. Bị thương bốn lần, với cả chục vết thương khắp người. Cởi áo lính để lãnh sổ thương loại B với chức vụ truong đội phó, Đỡm đã từng nhìn thấy máu đồng đội, máu mình đổ nơi chiến trường.
Có những lúc nằm chung trận tuyến
Xé khăn mình liền băng vết thương
Choàng cánh tay ôm người bạn ta
Làn môi xanh chưa tàn nụ cười
Dòng máu tươi tràn ướt tay (1)
Máu kháng chiến là máu anh dũng hy sinh, máu tình, máu nghĩa, máu đồng đội đồng chí, máu vô giá, máu tô thắm ngọn cờ Độc lập Tự do của Tổ Quốc Việt Nam. Máu của chiến sĩ Phạm Hồng Sơn mà họa sĩ Diệp Minh Châu dùng thay cho màu để vẽ thi hài người dũng sĩ hy sinh ngay tại trận đánh sập đồn Vàm Nước trong quận Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, trận hạ đồn Pháp lừng danh ở Nam Bộ năm 1947, máu của cách chiến sĩ trận Gò Cát cũng do họa sĩ tự cắt lấy để vẽ chân dung Bác Hồ và ba em bé Nam, Trung, Bắc tượng trưng cho Đất Nước Thống Nhất trong lúc cử hành quốc ca và hoàn thành bức tranh khi quốc ca vừa chấm dứt.
Máu ngày xưa sao thiêng liêng cao cả đến thế?
Máu bây giờ sao rẻ rúng thế? Một cựu chiến binh như Đỡm đã phải bán máu nhiều lần để nuôi gia đình và lần này để đủ tiền mua chiếc xe đạp. KHÁNG CHIẾN THÀNH CÔNG, THÀNH ĐỒNG MẤT GIÁ, đó là sự thực. Người ta hết cần bộ ngực sắt của thằng dân Nam Kỳ để đỡ đạn cà nông, cho nên bán máu nuôi miệng mà cũng phải chạy lót năm bảy cửa quyền mới bán được.
Xưa kia kiêu hùng bao nhiêu, bây giờ hèn mọn nhục nhã bấy nhiêu.
Vừa về đến nhà, Đỡm bị vợ hạch ngay:
"Được bao nhiêu?"
"Bốn chục. May nhờ có ba tấm vé bóng đá với thứ nọ thứ kia lót đường, chứ không, theo nguyên tắc 3-3-3 thì mình còn chừng mười ba đồng."
"Vẫn còn thiếu."
"Thiếu gì mà thiếu hoài vậy?"
"Thì cái xe giá ba trăm sáu mươi lăm đồng lận mà ông tướng."
Như sực nhớ gói tiền cất giấu từ lâu không động đến, Đỡm hộc tốc vào giở tung mềm chiếu lên. Moi móc dưới góc giường, trên nóc mùng và những chồng vỡ cũ của đám con.
"Kiếm cái gì?" Chị Đỡm gắt.
"Được cái này thì dư xăng."
"Cái này là cái gì mới được chứ?"
Đỡm đứng tần ngần một lúc. Đỡm đưa tay quệt mồ hôi trán, mắt ngó trừng trừng như thôi miên vợ:
"Cái bóp của bà bỏ đâu?"
"Tôi làm gì có bóp? Tôi chỉ có cái giỏ xách đi chợ thôi."
"À cái giỏ xách. Nó đâu rồi?"
"Ở ngoài hè! Rách nát rồi, kiếm làm gì?"
Đỡm vọt ra hè rồi chạy trở vô, mặt mũi ngơ ngáo:
"Tôi nhớ mọi lần tôi đưa, bà bỏ trong đó mà."
"Cà pháo hay rau muống?"
"Cái sổ thương binh bà ơi!" Đỡm dậm chân nghiến răng.
Chị Đỡm kêu lên rã rời:
"Tưởng cái gì!"
"Sổ thương binh hạng B, 28 đồng một tháng. Đem bán quách nó đi."
"Bán bao nhiêu nào?"
"Chắc được ngót hai trăm!"
"Sao có hai trăm thôi?"
"Ừ nhẩy, mình chỉ nên cầm nó một năm thôi rồi chuộc lại nhẩy!"
"Nhưng đâu đã tìm ra mà cầm mà cố."
Đỡm lại hùng hục chạy đi tìm. Chị Đỡm quắc mắt:
"Xí! Có bới tới đất cái cũng không tìm ra. Hai mươi tám đồng một tháng, lãnh cả đời nhưng ông phải bán có trăm rưỡi bạc mặt cái lần tôi sanh khó. Bây giờ thằng nhỏ đã chín tuổi rồi..."
Đỡm đứng ngớ ra, đôi mắt phóng về một ngày u ám xa vời.
"Cái lần đó ông mới vào học trường lái xe nhờ sự chiếu cố thương binh miền Nam. Ông không biết thân lại dại mồm nói xe GMC lái nhẹ hơn Môlôtôva, nên bị đuổi và không được lãnh lương tháng đó rồi chạy tìm việc muốn chết, nhớ chưa?"
Lội ướt mồ hôi Đỡm mới nhờ được thằng bạn đèo lên kho xe đạp ở tận Cầu Đuống. Nhưng cái thằng dân Thành Đồng đi đâu cũng gặp vận đen. Chiếu thứ bảy. Hãy còn trong giờ làm việc nhưng không có ai làm gì. Người ta tự cho phép mình nghỉ từ trưa, bởi vì ngày Chủ Nhật phải lao động xã hội chủ nghĩa mất buổi sáng, cho nên họ công khai nghỉ bù chiếu thứ bảy hôm trước. Lão quản kho đầu bạc trắng, mặt khía sâu như mặt thớt. Đỡm hơi nhợn vì nghĩ rằng lão ta tuổi đảng có lẽ cao bằng tuổi đảng của bác Tôn. Cần kiệm liêm chính nằm trong lòng nên mới được giữ kho xe đạp. Nhưng, mình đã có đủ cả thể lệ rồi, dâu cần phải lo lót gì nữa. Đỡm hồn nhiên rút cái phiếu như đã khâu dính trên da mình từ khi nhận được, đút vô cái lỗ vuông như một công thức muôn năm đi đâu cũng đụng.
"Hôm nay kho hàng kiểm kê nên đóng cửa!" Lão không nhìn và nói.
"Phiếu của cháu còn có bữa nay nữa là hết hạn thưa bác!"
Đỡm suýt quát to nhưng kềm cơn nóng và hạ giọng ngọt ngào:
"Nghèo quá bác, mới chạy vay đủ hồi sáng nay. Vay lời cắt cổ đây. Nói để bác thương!"
"Người ta phát phiếu cho anh mấy tháng trước sao đợi đến hết hạn?"
"Lương không đủ mua rau muống..."
"Nguyên "téc" là kho đóng cửa chiều thứ bảy."
Đỡm run từng miếng thịt, mắt hoa lên, nhưng rồi Đỡm định tâm trở lại liền. Á à! Đ.M. lão này đòi Đ.M. thì Đ.
Ngôn ngữ Việt Nam phong phú thêm nhờ cách mạng. Hai tiếng Đ.M. giờ đây có thêm nghĩa. Phải Đấm Mõm. Phi đấm bất thành mọi việc. Từ trẻ tới già, từ bé tới nhớn, thằng nào, con nào cũng đòi đấm. Người muốn hoàn thành việc tư hay việc công phải biết đấm. Vợ chồng Đỡm đã Đ.M. xong cô kế toán, bà giám đốc, y tá Long, y tá Tâm, bác sĩ hút máu, bác sĩ điều trị, rồi bây giờ tới cái màn cuối cùng của một vở kịch đấm: quản kho! Đấm mõm! Đấm mạnh, đấm từ dưới lên trên, đấm từ trên xuống dưới. Có Đ.M. thì việc to bằng trời cũng lọt, không Đ.M. việc nhẹ như lông cũng kẹt cứng. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song nguyên "téc" ấy không bao giờ thay đổi.
"Chiều nay về Hà Nội thăm mẹ đĩ hả bác! Ghé mậu dịch làm một tô phở thập cẩm, ủa cơm ngỗng, lấy lại xí-oách nghe bác!" Đỡm bo lão như cu mồi.
"Anh này! Lãng phí thế! Nào đưa tôi xem lại cái phiếu chút!"
Đỡm quay lưng ra ngoài móc túi, lấy đồ nghề kẹp dưới cái phiếu đưa vô rồi quay ra giả đò nhảy mũi hai ba cái liền để lão quản có thì giờ kiểm kê cái phiếu một cách tự nhiên. Khi Đỡm tốp được loạt hắc xì quay lại, lão nói:
"Mở cửa kho chiều thứ bảy là sai nguyên téc!"
Thấy trên tay lão chỉ còn có cái phiếu, Đỡm cười khè khè:
"Đâu có cái gì còn nguyên, tất cả đều tét bét rồi bác ạ! Bác cứ mở cửa cho tét luôn đi!"