Tôi thường có những buổi tối đi dạo quanh hồ nhỏ nằm không xa nhà. Bắt đầu từ khi sống với Lâm, rất son rỗi và cảm thấy những buổi tối về đêm là một quãng thời gian thật đặc biệt, nhất là khi trời ấm dần lên, gió chỉ còn hơi se lạnh. Thành phố không xấu trong ánh sáng điện, những vòm cây và mặt hồ là là sương. Lúc ấy người đi lại cũng thưa dần, ba mươi sáu cây liễu quanh hồ ấp ủ chừng ấy những bóng điện huỳnh quang tròn vành vạnh như trái banh nấp sau những cành lá loà xoà. Lâm rất thích những bóng đèn phủ lá cây như thế, Lâm gọi đấy là trăng. Phải, rất giống trăng nhưng gần hơn, sáng hơn và nhiều hơn. Cũng có vài cây tán rộng trổ hoa vàng nho nhỏ trông cũng khá duyên dáng. Người ta kê vài cái ghế bán đồ giải khát. Thời gian đầu Lâm cũng đi dạo với tôi, sau kêu bận, muốn viết nhật ký. Tôi đi một mình thấy cũng không buồn, thực ra là một kiểu dễ chịu khác. Tôi thường ra khỏi nhà khá muộn. Vừa đi vừa ngó nghiêng không bỏ sót chuyện gì. Tôi thích dừng lại ngắm hai con chó to lớn khác thường được chủ dắt đi dạo. Thỉnh thoảng mua bỏng ngô rồi có khi cả bóng bay nữa. Đó là những tháng ngày son rỗi nên chuyện gì cũng làm tôi lưu tâm và thú vị. Còn Lâm, lúc nào cũng chăm chỉ ngồi vào bàn làm việc từ lúc tôi ra khỏi nhà cho đến khi trở về vẫn ngồi mải miết dưới ánh đèn vàng ấm áp. Phòng tối, chỉ bật đèn bàn. Gương mặt Lâm, lưng cổ và bờ vai lượn lờ trong ánh sáng. Tôi rất thích Lâm như vậy, đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn và có một chút gì bí ẩn. Lâm viết vào một cuốn sổ mặc áo len, nó được làm bằng một thứ giấy thô dầy, nham nháp. Có lần tôi lẩn mẩn dùng kim khêu ra được cả một lớp màng mỏng như cánh chuồn. Bìa được bọc bằng những sợi len đủ màu sắc được ken lại khá dầy dặn. Đấy là món quà được bố tôi gửi về từ Mông Cổ, đổi được trong một phiên chợ thảo nguyên, chỉ mất có một gói ô mai gừng. Tôi tặng lại cho Lâm khi chúng tôi đã yêu nhau được năm năm. Lâm yêu quí cuốn sổ này và quyết định sẽ chỉ viết lên đấy những dòng kiểu như lời vàng ý ngọc gì đó. Thế nhưng trong một buổi họp chi bộ có thể nói là dài đến kỷ lục, một lèo từ sáng đến hai giờ trưa, Lâm đã không chịu nổi và giở sổ vẽ nghệch ngoạc, đó là hai bộ xương đang dìu nhau đi. Vẻ mặt của bộ xương có mớ tóc dài cười cợt nhăn răng còn bộ xương kia trong tình trạng bá vai bá cổ và cả hai cái đầu lâu đầy vẻ mãn nguyện. Buổi họp chi bộ đã bị gián đoạn phần nào vì mọi người cứ nghển cổ lên ngó nghiêng bình luận. Và cũng vì thế người ta đã tạm dừng cuộc họp và hẹn một dịp khác khi "các đồng chí đỡ bị phân tâm hơn". Vài tháng sau cơ quan có một đám cưới. Cô văn thư gầy còm héo hắt đã lấy được chồng. Hôm đó cô phải thay chị tạp vụ đưa trà lên buổi họp, cô đã đánh rớt nước trà vào áo sơ mi của một nam cán bộ mới được điều về. Họ cám xin lỗi khoảng năm phút gì đó và những hôm sau đi đến một quyết định của đời người. Cơ quan xôn xao vì đây là một cặp vợ chồng xứng đôi đến kỳ lạ. Anh chồng nhỏ thó, mắt gián nhấm, có khá nhiều mụn ruồi trên mặt. Lâm thì bảo là lấy nhau vậy là rất tốt vì không ai phải mặc cảm và rất có thể con cái sẽ đẹp hơn bố mẹ và sự thực đã diễn ra đúng như vậy. Vậy là cuốn sổ được mở hàng bằng một bức tranh biếm hoạ và phải khá lâu sâu nó mới được dùng vào mục đích thiêng liêng đề ra thủa ban đầu. Lâm viết nhiều, chữ xấu và xiên xẹo. Tôi không thể nào đọc được nhật ký của Lâm nhưng cũng không thấy tò mò lắm. Tranh biếm hoạ thú vị hơn, nhìn cái là buồn cười liền mà có thể xem đi xem lại mà không thấy chán. Hàng ngày, Lâm vẫn mải mê viết đều đặn. Một hôm, đó là đêm không trăng nhưng sao rất dầy. Một đêm hơi lành lạnh hứa hẹn cuộc dạo chơi lý tưởng. Trước khi ra khỏi nhà tôi định ú oà từ sau lưng Lâm. Nhưng tôi chợt nhận ra Lâm không viết mà vẽ nguyệch ngoạc bằng bút chì. Không phải tranh biếm hoạ, tôi hơi thất vọng. Dưới một tán cây có hai bóng người ngồi gần sát như cặp tình nhân. Mặt đất lại có một con chuồn chuồn khổng lồ được vẽ chi tiết, trên lưng nó là một đứa bé trần truồng đang ghì sát mình trên lưng con chuồn như cả hai đang cùng bay lượn. Tôi bỏ mặc Lâm với những hình ảnh kỳ lạ và lộn xộn. Có hỏi Lâm cũng sẽ trả lời rất qua quít hoặc làm cho câu chuyện khó hiểu hơn. Mười giờ năm, đã thực sự là đêm. Đường phố thưa thớt hơn, nền trời đầy sao thoang thoảng xanh lơ. Hồ phẳng lặng, sương bắt đầu buông. Tôi tung tăng rảo bước, hai con chó khổng lồ chạy vụt qua, một con va vào chân khiến tôi ngã oạch. Cũng chẳng đau lắm, tôi cắm cúi phủi bụi trên quần một lúc và khi ngẩng lên chợt thấy một gương mặt khiến tôi sững sờ. Người đàn bà mặt khỉ. Trông chị ta thật dị thường. Nước da đen bóng như người Phi châu. Đôi mắt to sáng rực. Hàm trên dô ra hơi có vẻ giống như người vượn. Chị ta mặc một bộ quần áo như hồi thập niên sáu mươi. Quần lụa đen, áo cánh trắng cổ lá sen, tóc búi gọn gàng, khoảng chừng bốn nhăm tuổi. Người phụ nữ ngồi cạnh dường như trẻ hơn nhiều, nhưng cô ta ngồi trong vùng tối của bóng cây nên không nhìn rõ mặt. Họ là những vị khách cuối cùng của quán cà phê ven hồ. - Chị Kiểm Hanh này. Một giọng nói thanh thoát êm dịu cất lên. - Gì em. Người đàn bà mặt khỉ trả lời. - Chị thấy em ra có đúng lúc không? Hà Nội mùa này đẹp nhất, đông nào em cũng phải bay ra vài lần để được mặc áo len. Phụ nữ thỉnh thoảng phải mặc áo len, không thể dùng đồ mỏng manh mãi được. Tôi bắt đầu tò mò, tôi không hiểu nổi. Một giọng nói êm dịu mê hoặc, một gương mặt cổ quái điềm tĩnh lạ lùng. Họ làm gì ở đây vào một đêm se lạnh thế này. Tôi kéo một chiếc ghế ngồi phía sau lưng họ, giữa chúng tôi chỉ ngăn cách bởi một thân cây không lấy gì làm to lắm. Tôi nhắm nghiền mắt lắng nghe những giọng nói thì thầm cất lên, lúc đầu còn mờ nhạt, sau càng rõ nét dần. - Chị độ này có khoẻ không. - Lúc nào chị cũng vậy. - Chị vẫn dùng trà búp ổi đều chứ? Có mang theo trà không? - Có. - Để em pha giúp chị. Chủ quán, cho một siêu nước thật sôi nhé Sau một loạt những tiếng lách cách nhỏ, tôi ngửi thấy mùi trà ổi. Mùi thơm là lạ, lần đầu tiên tôi ngửi thấy hương vị đồ uống như vậy. - Rất ngon. Chị vẫn tự sao trà đấy à? - Ừ, vì chỉ có mỗi chị dùng thứ này mà. - Ông xã em khẩu vị uống cũng kỳ quặc, thích uống nụ vối nhưng lại pha với đuờng, em không thể theo cu cậu được. - Thì từ trước đến nay ăn gì nó cũng đòi cho thêm đường mà. Độ này công việc của hắn ra sao? - Rất tốt, cậu chàng vẫn là người được việc. Độ này có bạn gái mới rồi. -Ai vậy? - Một cô thợ sửa móng tay. Con nhỏ được lắm, nó phết móng tay thì thần sầu. Khi mới quen biết nó khuyến mại cậu chàng một bộ móng pha màu tuyệt vời, na ná như tranh Klee vậy, đẹp mê hồn. - Chắc dân mỹ thuật. - Em cũng ngờ vậy. Có lần ghé qua tiệm nó, khách đông ghê lắm, nhưng nó chỉ làm cho những ai thấy hứng, còn lại để thợ phụ. Hôm đó nó đã chọn em. - Đẹp chứ? - Hoàn hảo, óng ả như hổ phách. Vẫn chưa phai đâu, chị xem đây này. - Ừ, đẹp quá! - Có điều lạ là móng tay chị chàng lại cắt hết sức gọn gàng, chỉ có màu hồng của da thịt. Không trang điểm, tóc xuông ngang vai, có vài cánh hoa đào vương trên tóc mà khi đó lại là mùa hạ. - Quyến rũ đấy chứ! - Hẳn rồi. Từ ngày quen nó chồng em đôi khi hành xử quá đà. đeo kính áp tròng màu hồng rực. - Thế thì giống thỏ lắm vì hai răng cửa của nó đã có xu hướng... - Chị tinh thật, rất giống thỏ thậm chí thỏ non. - Sinh nhật vừa rồi cu cậu tặng em đồ gì? - Một bông hoa khô - Gì nữa? - Trên bông hoa có một con ong vàng trong như mật. - Ong hay là chuồn chuồn ngô? - Ong. Chuồn chuồn làm gì có vòi, đúng không. Nó đã chết vì mật hoa dính chặt lấy. Mật hoa này còn phủ kín mình nó. - Có phải khi khô đi trông giống như ngọc thạch? - Phải. Ngọc ong, một con bằng ngọc, em đã tưởng thế - Thứ ấy khó kiếm, kể ra cậu chàng cũng chịu khó đấy nhỉ, - Vẫn thế mà Chuông đồng hồ chợt ngân nga. Đã mười một giờ. Họ cũng thấy là muộn và chuẩn bị ra về. Tôi cũng phải rảo bước thật nhanh. Những mặt trăng cứ lịm dần sau những vòm cây. Chỉ lát nữa thôi hồ sẽ tối và bóng tối thường làm tôi lo lắng. Khi trở về Lâm vẫn ngồi lặng lẽ dưới ánh đèn bàn. Nghe tiếng bước chân Lâm quay lại. Lâm khép sổ và mỉm cười: "Mọi việc chưa kết thúc đâu!". "Cái gì cơ?". "Không biết". Phàm khi Lâm nói lấp lửng thì không nên gặng hỏi. Tốt nhất là chuẩn bị đánh răng rồi đi ngủ. Hôm sau tôi vẫn tiếp tục đi dạo vào lúc chẳng còn sớm sủa gì. Hai con chó khổng lồ vẫn rượt đuổi nhau huỳnh huỵch. Sợ quệt phải chúng tôi đứng nép vào một bên. Khi hai con thú rửng mỡ ấy đã chạy khá xa tôi mới tiếp tục. Gió đưa lại một mùi hương vừa quen vừa lạ. Trà ổi. Vậy là họ lại đến. Vẫn gốc cây đó. Thiếu phụ trẻ kia vẫn ngồi chìm hẳn vào quầng bóng cây tối. Tôi chỉ nhìn rõ mặt chị Kiểm Hanh, lưng rất thẳng, hai tay khoanh trước ngực đầy vẻ trang nghiêm và khuôn phép. Tôi lại tiếp tục kéo ghế ngồi phía sau lưng họ, vẫy tay bảo chủ quán pha cho một tách trà gừng. - Em vẫn làm gần bộ trưởng đấy chứ? Công việc ổn không? - Vẫn vậy, lúc nào cũng ổn thoả. - Ông mới này được chứ? - Khá là tế nhị và chỉnh chu. Ông ấy bảo là biết chị. - Cũng từng trò chuyện nhưng mà lâu rồi. - À, mà có một chuyện thế này, chị nhớ cái áo voan màu xám đính hàng khuy chữ A màu đỏ mà chị đã gửi cho em không? - Rồi, trông nó bồng bềnh bềnh như sương mù chứ gì? - Đúng nhất là trong ánh sáng nhập nhoạng - Có chuyện gì sao? - Phải, hôm đó đã là chiều muộn, em mặc chiếc áo đó. Lúc ấy mọi người về hết rồi em mải viết nốt bàn diễn văn. Lúc ấy bộ trưởng bước vào. Đèn đã tắt gần hết chỉ còn ánh sáng hắt từ cửa sổ. Bộ trưởng nhìn em lâu hơn mọi khi. Sau đó thì tiến lại rất gần. - Thế kia à? - Vâng, ông ấy đặt hai tay lên vai em rồi hỏi: " Cô có lạnh không?" - Trong ấy mà cũng có lúc lạnh ư? - Thì cũng có thể gọi là mát trời. Em cũng lễ phép lắm: "Cám ơn thủ trưởng tôi vẫn khoẻ ạ". Trước mặt bọn em là một tấm gương khổng lồ. Em rất ngạc nhiên vì tấm áo bây giờ trở nên trắng đục và xốp như mây vậy. Nó phủ kín cả đôi bàn tay của ngài bộ trưởng. Và bộ trưởng cũng ngây người ngắm hình ảnh trong gương, chẳng khác nào coi chớp bóng. - Tuồng ấy diễn ra bao lâu. - Chừng 5 phút sau đó ông ấy chào em ra về rất lịch thiệp. - Sau đó... - Chẳng có chuyện gì cả. Thỉnh thoảng em vẫn mặc cái áo ấy nhưng không về muộn nữa. - Có lần nào ông ấy trò chuyện về tuổi thơ không? - À, có đấy. Hôm đó em và ông ấy cùng đi dự một cuộc hội thảo, tới bữa trưa ông ấy ngồi cùng em. Ông ấy bảo thực ra chẳng mấy khi thấy vừa lòng với cuộc sống. Cũng có thể là tuổi thơ quá sung sướng, một sự tương phản ghê gớm so với những năm chiến tranh loạn lạc sau này. Hồi nhỏ ông có hai vú nuôi, áo quần đều đơm cúc bạc, cúc vàng. Mỗi khi trời oi bức mẹ ông bắt bốn người hầu phe phẩy quạt để con trai ngủ ngon giấc. - Sao lại thế nhỉ. Hồi xưa ông ấy lại bảo với chị rằng: "Ngày nhỏ mình khổ lắm, toàn phải đi gắp cứt." - Vậy là bịa à? - Cũng không hẳn, ông ấy sinh trước năm năm tư. Có thể được vài năm sung sướng, đó là quãng thời gian trước cải cách ruộng đất. - Sao lại chia cắt tuổi thơ tuỳ tiện thế nhỉ? - Thì sao nào, dẫn dắt người nghe thám hiểm một tuổi thơ xa hút. Chẳng mấy ai làm được vậy. - Đúng. À, mà chị có tin là em đã từng thủng thẳng với một người nam xa lạ: "Đôi khi vào những ngày nóng nực da thịt tôi lại tiết ra mùi oải hương, kể cũng hơi khó chịu." - Em ư? Chẳng lẽ lại là em? - Đùa tí thôi. Đấy là em tưởng tượng nếu một ngày cô thợ móng tay kia nói với chồng em như vậy. - Chị có thể hình dung được mặt cậu chàng khi nghe được những lời liêu xiêu như thế. - Chắc rồi, có khi còn rõ hơn em. Có tiếng mở túi loạt xoạt - Gì thế? Tiếng Kiểm Hanh hỏi khẽ. - Luận văn Triết học. Thằng em trai em nó đang học thạc sĩ, em thấy nó viết luận về Kant nghe chừng kỳ cục lắm, chị đọc rồi sửa giùm - Ừ, đưa đây. Lần sau em ra chị sẽ đưa. Thứ này đọc mất công hơn mấy cái về văn học. Thế thằng cu nhà em có khoẻ không? - Dạ, cháu vẫn vậy, thích đi mẫu giáo lắm. - Ngoan nhỉ. Em sinh con rồi mà trông không đổi thay nhiều - Vâng, đó là một cuộc sinh nở hoàn hảo. Không lên cân, không một nếp nhăn trên cơ thể, mẹ tròn con vuông, không đau đớn nhiều. Thế nhưng sau đấy cũng nhiều chuyện xảy ra khiến em... Tôi không thể nghe tiếp vì có đám học sinh cấp III ồn ào quá mức. Hình như sinh nhật. Đứa con gái ôm rất nhiều gói quà bọc giấy đẹp đẽ, một đứa con trai chơi ghi ta rất khá, những ngón tay vuốt thật mạnh mẽ và chuẩn xác trên những phím đàn. Chúng nó vừa đi vừa hát một bài mới mà tôi chưa biết, có thể nói là rất ăn dơ với tiếng đàn bập bùng. Những đứa còn lại thay nhau tung những mảnh giấy li ti lên trời, tự nhiên tôi thấy mình cũng hân hoan, rộn rã. Tôi chưa bao giờ có những phút giây như vậy. Hồi bằng chúng nó tôi chỉ xem ti vi và luyện thi đại học. Cho tới khi trúng tuyển thì cái lớp học già nua và nhà quê của tôi chẳng bao giờ nô đùa được một lần cho ra hồn. Khi đám trẻ xa hẳn thì hai người đã ra về từ lúc nào. Tôi thấy hơi hẫng hụt vì không nghe được hết câu chuyện. Tôi lại chậm rãi trở về nhà. Bầu trời đầy sao, không quá lấp lánh vì có một lớp sương mờ lơ lửng trong không gian. Rồi tôi chợt bàng hoàng nhận ra con đường dưới chân tôi nhấp nhánh ánh bạc. Lúc đầu tôi nghĩ là ảo giác nhưng con đường cứ lấp lánh mãi khiến tôi nghi hoặc. Thực sự là có vô số những mảnh li ti phát sáng dưói chân tôi. Cuối cùng tôi cũng đoán được đó là những vụn giấy bạc tụi học sinh vung vãi trước đó. Tôi cảm thấy hưng phấn, một cảm giác khoan khoái khó tả như đi trên một con đường dát bạc, như con đường ấy chỉ dành cho tôi và phát sáng cho riêng tôi. Con đưòng dài dằng dặc như một giải ngân hà uốn lượn. Tôi đã mê mẩn, thăng hoa, tràn ngập dự cảm, nhưng phải khá lâu sau này tôi mới hình dung rõ ràng hơn trạng thái của mình lúc ấy. Về đến nhà thấy Lâm vẫn ngồi dưới ánh đèn vàng. Cuốn sổ mở toang nhưng trước mặt chỉ là giấy trắng có hai từ được viết nắn nót - lấp lánh. Những đêm sau dù tôi cố nấn ná nhưng không thấy bóng dáng chị Kiểm Hanh và cô bạn trẻ. Thỉnh thoảng tôi thấy hơi mệt mỏi trong khi đi dạo, rồi càng ngày càng mệt. Tôi đã có thai. Đấy là một tin vui bất ngờ mà chúng tôi đã chờ đợi mấy năm. Tôi gần như nghĩ là mình vô sinh vì họ ngoại tôi có khá nhiều người bị như vậy. Tất cả người thân đều mừng cho tôi, còn niềm vui của tôi thì lại bị những cơn nghén đoạ đầy. Chín tháng thực sự mệt mỏi, nôn nao và luôn luôn khó chịu. Lâm cũng ốm theo, ăn ít hơn trước rất nhiều. Rồi thì ngày sinh cũng đến. Có lẽ tôi đã trải qua cuộc sinh nở thực sự vuông tròn, một bé trai trắng hồng ra đời. Hai bên nội ngoại vui mừng lắm. Cơ thể tôi chẳng thay đổi nhiều, không có một nếp nhăn rạn, chỉ hơi gầy hơn trước nhưng vẫn đủ sữa cho em bé. Nhưng chỉ được vài ngày tôi và Lâm bắt đầu mệt rã vì thằng nhỏ ngủ ngày thức đêm, chuyện này kéo dài rất lâu và Lâm vốn đã không được khỏe nay gục hẳn. Lâm ốm mãi mà không khỏi, thuốc thang cả năm trời mà vẫn gầy rạc. Tâm tính thay đổi hẳn, ít cười đùa, hay bẳn gắt. Lúc đầu tôi nghĩ là giai đoạn này sẽ qua đi, khi Lâm quen dần với sự phiền toái con mọn nhưng dần dà tôi hiểu ra là sẽ không như vậy. Không hiểu sao trong những tháng ngày bận rộn và hoang mang ấy hình ảnh chị Kiểm Hanh vẫn luôn trở đi trở lại. Tôi thực sự muốn gặp lại hai người phụ nữ đó. Khi thằng nhỏ ngủ, tôi ghi lại câu chuyện dài dằng dặc, bắt đầu từ cuốn sổ mặc áo len, rồi Lâm, rồi những lời trò chuyện của Kiểm Hanh với bạn gái bên hồ. Tôi gửi câu chuyện đó cho chuyên mục "Chuyện riêng" của một tờ báo lá cải. Cuối bài viết tôi có nhắn nhủ thêm là rất muốn gặp lại và được trò chuyện với Kiểm Hanh. Bài báo được dăng sau đó hai tuần, có cả địa chỉ của nhà tôi. Vậy là câu chuyện của tôi xem ra có vẻ cũng ăn khách nên họ đã dùng ngay thậm chí đăng nguyên văn. Vài tháng sau có một người phụ nữ đến tìm gặp. Chị ta trông cao gầy trắng trẻo, ăn mặc giản gị và nhã nhặn. Tôi không phải là Kiểm Hanh. Tôi biết, chị là ai? Là Chi. Tôi đến để xem cuốn sổ mặc áo len của chồng bạn. Lâu rồi cũng chẳng thấy, chắc lẫn vào đống sách cũ rồi. Mà sao chị biết? Tôi đọc bài báo của bạn từ một nơi xa xôi lắm, bên kia Thái Bình Dương. Tờ báo ấy bọc ngoài một gói ô mai gừng. Lại là ô mai gừng à, ngon đến thế sao? Thì người ta cho là xứ lạnh thì cần phải ăn gừng cho nó ấm lên nên mới gửi sang. Suy nghĩ thế cũng đâu có sai. Chị ta lại gần nhìn thằng cu đang ngủ ngon lành trên nôi. Đứa trẻ này được phù hộ. Sao chị biết? Chi mỉm cười rồi nói tiếp. Nhưng sẽ chỉ có một người được phù hộ thôi. Tôi ngao ngán nghĩ đến gương mặt gầy guộc của Lâm. Thế còn nhà chị? Mỗi người sứt mẻ một chút cộng lại cũng kha khá. Chi bước ra ban công nhà tôi, nơi có những chậu cây cảnh xanh tươi. Cây bản mệnh, Chi thì thầm.Tôi giật mình vì thực sự những chậu cây này luôn báo điềm may khi đơm hoa, nẩy lộc và điềm gở lúc chết khô héo rũ. Cây này ứng với ai đây? Chi vuốt ve một cây đa với những cái lá to và dày. Có thể là Lâm, là chồng tôi. Có chắc không? Tôi thoáng thất sắc khi nhớ lại tuần trước phải vứt đi một cây ớt chết khô trông rất thảm hại. Ôi cây bản mệnh, đa hay là ớt đây hở giời. Như hiểu nỗi lo trong tôi chị ta thủng thẳng: Chỉ cần tưới đều thì cây nào cũng tươi tốt, chết cây nào thì ta mua cây mới thay vào. Chẳng nhẽ cứ chết mãi được sao. Mình cũng rất thích cây nhất là khi cành nẩy lộc non. Thỉnh thoảng Chi qua thăm tôi. Lần nào trong túi cũng trĩu nặng sách, hỏi mua gì nhiều thế chỉ cười cười bảo đọc cho vui. Có lần tôi rủ Chi đi chơi, cái gì Chi cũng khen ngon nhất là bánh trôi chay. Thực sự là mình không thấy thứ gì lại có hương vị thần tiên đến thế. Vì họ ướp hoa bưởi. Thảo nào, nhưng hình như chỉ ở mấy khu phố cổ họ mới làm vậy. Ừ, mấy người đó nấu gì cũng ngon, có bà còn cầu kỳ xếp bánh lên mâm phủ đầy hoa nhài trắng. Bà ấy có đẹp không? Đẹp, chắc cũng giai nhân một thời. Ra vậy. Chi rất thích nhìn ông bán bánh chuối ở chợ Hôm. Đàn ông mà rán khéo không kìa, tay trộn bộn với rắc vừng cứ như là múa, cách đưa bánh cho khách cũng chu đáo làm sao. Chị ta còn ngưỡng mộ cô bé bán rau sạch gần nhà tôi. Nước da nó trắng hồng, mắt nâu nhạt trong veo, miệng cười rạng rỡ như nắng. Tôi bảo với Chi là con chị nó còn xinh hơn, nhưng từ ngày lấy chồng tự dưng xuống sắc quá. Chi gật đầu bảo Đứa nào chẳng thế. Nhưng chuyện làm Chi hứng thú hơn cả là gia đình sống cạnh nhà tôi. Thực ra ai là vợ của anh kia? Là H, người tóc ngắn ấy. Cô ngồi cạnh chồng H là bạn thân của H. Sao H cứ hay lảng ra nhường chỗ cho cô ta vậy? Vì cô ta rất muốn ngồi gần chồng H. Gã ấy cũng xuôi à? Chuyện, đàn ông mà. Họ đều là những bạn bè làm ăn buôn bán lâu năm. H rất tự hào vì chồng mình được cô bạn mê đắm, thỉnh thoảng hứng lên đem chồng ra thưởng cho cô bạn như bảo chồng đèo cô ta về nhà, hay đi mua sắm lặt vặt. H. gần như đã đẩy cô bạn vào tay chồng. Lúc đầu cũng có chút ghen tuông nhưng vì không muốn bị cô bạn xem thường nên H. đã làm như không biết. Cô bạn giàu có lại trả tiền cho chồng H. rất hậu so với tay nghề lái xe hạng bét của anh ta. Ồ ra vậy, H. có phong độ của một hiệp nữ đấy. Đúng, H. phá sản nhiều lần nhưng chưa một chủ nợ nào dám lên mặt. Có thể sẽ hoàn nợ trong một thời gian rất lâu nhưng sẽ trả đến đồng xu cuối cùng. Bạn đã từng là chủ nợ của H? Gọi là cho vay thôi, hàng xóm mà. Sao cô bạn kia cứ hao hao giống H. từ đầu tóc, tới áo quần vậy? Nếu chị khen cô ta giống H. cô ta sẽ tự hào bảo: "Nhiều người nghĩ chúng tôi là hai chị em." Hay nhỉ. Có lần H định bỏ ra nước ngoài làm ăn với em trai, cô bạn kia đã gặp riêng nài nỉ H đừng đi, và hứa nếu H. khó khăn sẽ cấp thêm vốn. H mỉm cuời bảo là cũng chỉ mong muốn thế thôi chứ đời nào chồng cho đi. H hài lòng lòng không khi cô ta muốn H ở lại? Cô kia có vẻ hài lòng hơn khi H không đi nữa. H. sống bằng gì? Cờ bạc. Đánh bạc á? Không, tín dụng. Là sao? Nghĩa là chuyên cho những con bạc khát nước vay lãi. H thường hoạt động ở những sòng bạc lớn tổ chức tận Đình Bảng để tránh công an, cứ có tin nhắn là phóng xe đi. Một người ôm túi tiền ngồi ở quán nước không xa sòng bạc, còn H. sẽ ngồi trực tiếp tại nơi sát phạt. Ai vay thì gọi di động cho người ngoài mang tiền vào. Cũng nguy hiểm nhỉ! Rất, nguy hiểm. H đã từng bị đi tù. Kết án nặng không? Ngắn thôi, hôm đó H lại không làm tín dụng mà lại ngồi chiếu bạc. Chị ta buồn vì hôm đó đau đầu chồng không hỏi thăm một lời mà lại đèo cô bạn kia đi lễ. Cuối cùng lại bị bắt như một con bạc. Cũng may cô bạn chạy khá tiền nên được ra sớm. Cô bạn ấy có làm tín dụng như H không? Không, cô ta là chủ một nhà hàng lớn. Chồng con đàng hoàng chứ? Bốn đứa nhỏ ngoan ngoãn lắm. Chồng chị ta vốn là một doanh nhân, cách đây mấy năm gặp bệnh nan y phải hút thuốc phiện cho đỡ đau đớn, thế rồi mắc nghiện. Chị ta vẫn chăm sóc chu đáo lắm chẳng mấy khi nặng lời. Nếu có ai động đến chuyện nghiện ngập của ông ta H đều thanh minh: "Bác ấy bệnh tật mới vậy chứ đâu phải sa ngã". Mỗi lần vậy cô bạn kia cảm động lắm mua cả đống trái cây đắt tiền cho con H. Hay nhỉ, H. có nhân tình không? Không. Có một tay bác sĩ mê H từ khi chị ta 16 tuổi. Trước khi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài anh ta hẹn gặp H, anh ta khóc vì H đã không lấy anh ta, anh ta sắn sàng bỏ vợ nếu H nghĩ lại. Tay này rất đẹp trai phải không? Đúng, còn hơn cả chồng H. Thỉnh thoảng giận chồng H. vẫn gọi cho anh ta. Tay ấy rất buồn vì biết H. hẹn gặp không phải vì nhớ thương. Ngày xưa H. lấy tay chồng bây giờ vì anh ta giống hệt một tài từ điện ảnh ấn độ đầu thập niên 80, với lại hồi trẻ anh ta sống ngang tàng lắm, kể cũng là một đấng phong trần. à, có một chuyện thế này. H rất thích Lý Liên kiệt, khi xem phim trưởng mỗi khi diễn viên này xuất hiện H thường cấu nhẹ đám bạn gái ngồi cạnh ý như là chính cái thằng mà tao mê đó. Năm ngoái đầu phố có một thằng bé xe ôm rất giống Liên Kiệt, H thường kéo đám bạn ra chỉ trỏ:"Mày có thấy giống không?". Rồi chồng cũng phát hiện, gầm ghè một hồi thằng nhỏ cũng phải dạt sang khu phố khác. H. gửi cho nó một chai rượu Tây như một lời xin lỗi. "Giá như tao không nhờ nó đèo đi vài lần thì cũng chẳng đến mức to chuyện thế này?" Cô bạn ngẩn ra nghe H. than phiền. Thực ra cô ta cũng rất muốn được trải nghiệm những chuyện như thế một lần. Thực ra thì được sống gần một người như H. cũng chính là ân huệ lớn trong đời cô ta rồi. H. chính là hiệp nữ. Chi ngày nào cũng có thể nghe chuyện nhà H. không chán. Hôm cuối cùng trước khi ra sân bay Chi qua nhà tôi chào. Lúc ấy trước cửa nhà H có hai vị khách. Là ai vậy? À, hai mẹ con, cũng là chỗ quen biết gia đình H lâu năm. Đứa con gái đẹp quá nhưng mắt sao buồn bã thế kia? Nhà nó đang có chuyện. Sao mẹ nó sao lúc nào cũng tươi cười rồi gật gù lia lịa thế? Béo nữa chứ, có nghĩ ngợi bao giờ đâu. Trước đây giàu có lắm, cả hai vợ chồng cùng ngoại tình, chị ta thật ngu khi tin người tình sẽ bỏ vợ cưới mình. Thế là ký xoẹt vào đơn ly dị. Dại thật. Tan đàn xẻ nghé, rút cục thằng út hư hỏng. Nó chính là một trong những sát thủ tham gia trừ khử một nữ quái chủ sòng bạc lớn nhất Sài Gòn. Lại sòng bạc à? Ừ, thành nghiệp rồi. Bố nó cũng sát phạt ghê lắm, lại lắm tiền, dân xóc đĩa Hà Nội đều biết tiếng. Thế gã tình nhân giờ ở đâu? Mới chết hôm rồi. Hắn thề độc trước cửa đền Ngọc Sơn là sẽ lấy bà ấy, thế nhưng khi thấy tài sản chia bôi không nhiều liền chuồn thẳng. Mười năm sau hắn chết bất đắc kỳ tử. Bà này ngu đến nỗi hôm đám ma còn đến khóc hu hu cả giờ. Sợ nhỉ, tưởng đền Ngọc Sơn là địa điểm du lịch hoá ra cũng thiêng nhỉ! Ở đây chỗ nào chả thiêng, cứ thắp hương lên là muốn cúng rồi. Thế giờ bà ấy sống với ai? Không rõ nữa, cứ người tình sau lại kém người trước. Thực là chẳng ra sao. Rồi cũng đến lúc phải xuất hành. Trước khi chiếc hơi vút đi Chi còn cố ngoái nhìn mẹ con nhà ấy lần nữa. Lúc ấy đứa con gái đang nhìn mẹ với ánh mắt căm thù. Giờ nó gầy và già hơn nhưng vẫn còn đẹp lắm. Nó bằng tuổi tôi, tôi biết nó từ khi thơ bé. Nó rất giống tôi nhưng đẹp hơn nhiều, nhà nó lại rất giàu, mẹ nó đã từng cho chúng tôi một xấp tiền thật để chơi đồ hàng. Bà ấy lúc nào cũng hào phóng, nhất là với đàn ông. Kể cả bây giờ vẫn vậy. Vài tuần sau nhận được hồi âm của Chi. Không có thư, chỉ là một phiến lá đỏ rực. Địa chỉ in ngoài phong bì là khoa Triết của một trường đại học danh tiếng. Lần đầu đính chiếc lá lên tường trắng thấy thấp thoáng hình hài át cơ. Thường thì những hình ảnh kiểu này lưu lại rất lâu trong ký ức. Tôi lại sống những ngày như trước đây. Ngủ ít, luôn bận rộn vì đứa nhỏ, vẫn phải đi làm, rồi làm thêm, và đi dạo mỗi đêm. Đó là nửa tiếng thư dãn duy nhất trong ngày. Lâm vẫn thế, không ốm nặng nữa nhưng cũng không được vui vẻ như như xưa, lúc xa lúc gần, chỉ ham trồng cây cảnh. Một ngày giờ đây trôi nhanh như thác đổ. Chỉ chờ thằng cu ngủ là tôi thiếp đi ngay, ít khi mộng mị. Đôi khi cũng có những giấc mơ lạ thường. Thấy trời đất tối như bưng, mặt trăng cũng mất dạng, rồi xuất hiện những quầng sáng xanh lơ cứ cuồn cuộn ẩn hiện. Thường những giấc mơ quái lạ như thế là thằng nhỏ bị ốm, ốm không nặng nhưng lâu khỏi, những lúc ấy lòng dạ lúc nào cũng hoang mang, rối bời. Cũng có khi chẳng hẳn là mơ, chỉ là những lời thì thào nối nhau triền miên. Em đấy ư? Chị. Chị Kiểm Hanh này, chị có thấy là em đã thay đổi rất nhiều không? Không, vẫn vậy. Mà rơi đâu một chiếc khuy chữ A rồi? À, em gỡ ra đính vào cái khăn lông thỏ. Đỏ trên nền trắng à, bao năm rồi vẫn ưa thích pha màu kiểu ấy. Chị đừng nhìn vẻ ngoài, em đã khác xưa nhiều lắm. Vậy hả, giọng nói của em chẳng hề thay đổi. Có gì đâu vì em đã rất nỗ lực. Sự nỗ lực của em có giống như sự nỗ lực của chị không? Vậy là chị cũng...? Còn em thì đã..?. Cứ miên man như thế cho đến khi có tiếng bước chân buông khe khẽ quanh nhà. Lại có tiếng Lâm. Người gửi đến phiến lá này hẳn phải là phụ nữ. Đó là một người... Lời Lâm ngưng lại lẫn trong tiếng cười nói lao xao vọng từ nhà H. Cũng chẳng sao vì đằng nào giấc ngủ đang ùa về cũng xoá trơn tru mọi lời lẽ gọn gàng, giản đơn và sơ lược. Ngoài kia tiếng cổng sắt nhà H. rộng mở. Tôi đi đây, thế là nổ máy. Hẳn là ông chồng ngái ngủ đương khoác ba lô tiền chật cứng tiền lên lưng vợ, còn cô bạn vội vàng nhét lá bài hộ mệnh vào ngực trái. Xe máy vút đi để lại hai người lạc lõng phía sau. Hẳn là H sẽ phóng rất nhanh trên xa lộ đêm rộng dài hoang vắng, gió thổi lật tung mái tóc ngắn, túi áo ngực bật mở hé lộ một quân bài đỏ thắm - là Át cơ.