Hoàng mở cửa vào phòng, mang theo cơn gió lạnh ngắt giữa những đợt gió mùa. Sao buồn thế hả chị Xuyên. Lại giận nhau với anh Phương à? Không. Tôi lắc đầu. Giơ một góc chăn về phía Hoàng. Có muốn nằm không? Không. Hoàng suýt xoa. Nhưng lạnh quá, sao mới đầu mùa mà đã cóng thế này.
Bảy rưỡi. Thông tin quan trọng nhất của mẹ trong bữa sáng là tình hình sức khỏe của ông M. Mẹ đưa Hoàng gói xôi, thì thầm rất bí mật hỏi hai đứa biết gì chưa, mẹ nghe mấy người ngoài ngõ nói ông M. tệ lắm rồi. Hình như bệnh viện cũng đã không nhận nữa. Hoàng không ngẩng mặt lên, chỉ hỏi lại thế ạ một cách rất thờ ơ. Tôi trệu trạo nhai nốt phần xôi của mình, nói ốm đau là chuyện ai cũng phải trải qua, mẹ suy nghĩ nhiều làm gì, nhất là với một người chẳng có quan hệ gì với mình như thế? Mẹ ừ, ngập ngừng đứng lên, đúng là chẳng liên quan gì đến mình thật, nhưng sao vẫn thấy lo lắng. Chúng mày thấy mẹ có lạ không? Tôi nói lạ, mẹ thật buồn cười, mẹ đã hứa không quan tâm đến người ta rồi còn gì. Nghĩ ngợi làm gì cho chóng già hở mẹ?
Tôi đi lên gác. Trời mưa. Những ngày cuối thu sang đông thế này trời lúc nào cũng mưa được. Chiếc áo len giặt tối qua quên rút vào đã ướt lướt thướt. Tôi ra ngoài sân, với tay mang chiếc áo vào nhà. Chợt nhìn thấy cách vài sải tay, bên phần sân nhà hàng xóm, cả một dãy quần áo sũng nước đang lất phất bay trong gió. Cửa nhà bên ấy vẫn đóng im ỉm. Có lẽ đã đóng như thế suốt hai tuần nay, kể từ khi ông M. đi bệnh viện. Tôi nghe, ở cái khu tập thể nhỏ bé này không nghe không được, mấy bà hàng xóm rì rầm ông ta giờ chỉ còn chờ cái phút mình phải ra đi. Hết thuốc rồi. Chẳng có phương thuốc mầu nhiệm nào chữa được căn bệnh ung thư quái ác. Tôi tựa lưng vào tường, nhìn ra ngoài mưa đang rơi, tự nhiên có cảm giác hững hờ trong lòng. Đáng lẽ khi nghe tin một người ốm sắp chết như thế, người ta phải thương cảm, phải xót xa. Nhưng tôi thì không. Tôi có cảm giác điều ấy chẳng đáng gì cho mình suy nghĩ. Với một người đã gây cho gia đình mình quá nhiều khó chịu suốt mười năm, thậm chí hơn như thế thì đó dường như không phải là một ý nghĩ độc ác. Tôi nhìn dãy quần áo đang tơi tả trong cơn mưa, những chiếc áo lịch sự và đắt tiền, cười thầm, giờ thì họ đã biết thế nào là cay đắng, biết thế nào là khổ sở. Trước nay họ chỉ quen bắt nạt người khác bằng quyền lực, bằng tiền, bằng tất cả những gì họ có, giờ thì ông trời đang bắt nạt họ, đang làm khổ họ như họ đã từng làm với những người xung quanh.
Mẹ súc súc chiếc ấm nhỏ in hoa vàng, thả vào một ít chè thanh nhiệt, giọng nhỏ và khẽ khàng như thoảng qua. Có lẽ mẹ nên vào bệnh viện thăm ông M. một lần. Từ hôm ông ấy ốm đến giờ mình không đến thăm, nghe cũng không phải đạo. Hai đứa thấy sao? Hoàng nhún vai. Mẹ nói thật lòng đấy chứ. Mẹ muốn thăm ông ấy vì tình cảm hay sợ hàng xóm chê cười mình thiếu trách nhiệm. Con tùy mẹ thôi, nhưng nếu vì trách nhiệm thì con nghĩ mẹ chẳng việc gì phải làm cái điều mà mẹ không muốn. Mẹ nghĩ đây không phải là trách nhiệm. Giọng mẹ vẫn nhỏ nhẹ, vẫn như thoảng qua, như phải chịu đựng gánh nặng trên hai vai từ rất lâu. “Dẫu thế nào thì nhà mình và ông ấy cũng là hàng xóm...”. Con xin mẹ. Tôi cắt ngang lời mẹ. Mẹ không nhớ chính vì ông ấy là hàng xóm mà cha bây giờ phải đi công tác ở cái vùng biên giới khỉ ho cò gáy ấy sao? Mẹ không nhớ chính ông ta đã từng tuyên bố sẽ làm cho cả nhà chúng ta điêu đứng, rồi chúng con đáng lẽ được sống bên cha mà suốt mấy năm nay chỉ được gặp cha vài lần. Mẹ không nhớ gì ư? Nhớ, mẹ nhớ. Nhưng khi ốm đau, nhất là sắp chết, người ta cô đơn lắm. Mẹ tưởng là có mẹ đến thăm ông ta bớt trống trải hơn sao? Tôi kêu lên. Mẹ nhầm rồi, người ta gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Ông ta không xứng được mẹ thương, kể cả thương hại. Đó không phải thương hại mà là tình người, Xuyên ạ. Mẹ lắc đầu, chậm rãi rót trà ra chén nhỏ. Sao Xuyên là người viết mà ác thế. Con có biết cha sẽ buồn thế nào khi nghe con nói vậy không? Đừng lôi cha vào việc này đi mẹ. Tôi gắt lên. Đó không phải ác mà là cách đối nhân xử thế. Người ta đối với con thế nào thì con đối với họ như thế. Bình đẳng mà, mẹ. Mẹ sợ cách suy nghĩ bình đẳng của con. Mẹ lại lắc đầu, nhăn nhó. Con cực đoan quá, con có biết như thế là chẳng tốt chút nào không? Tôi im lặng. Tránh cái nhìn da diết như lên án của mẹ bằng cách nhìn lên tấm ảnh cha trên tường. Cha ơi. Tôi gọi, hoang mang. Con nghĩ thế có phải không?
Hoàng nhìn vào mặt tôi hỏi chị đang nghĩ gì phải không? Tôi nhắm mắt, chẳng nghĩ gì cả. Chị thật sự không muốn nghĩ gì lúc này. Nhưng có những thứ không muốn cũng không được, đúng không? Ừ. Tôi nắm tay Hoàng. Sau cha mẹ, Hoàng là người hiểu và thương tôi nhất. Nhưng Hoàng là con trai, lại trẻ con và bao giờ cũng ham chơi. Xuống nhà ăn cơm đi chị. Em xuống đi. Chị không đói. Xuống nhà đi không mẹ chờ. Hoàng nhìn tôi, chờ đợi. Đừng trẻ con và cực đoan như thế. Chị không chấp nhận được sự vị tha của mẹ, nhưng với mẹ, biết đâu lại là điều cần thiết. Em tưởng chị hiểu điều đó hơn em chứ. Không, chị chẳng hiểu gì cả. Chị không hiểu tại sao mình phải tử tế với một người chẳng ra gì. Hoàng lắc đầu. Chị khó tính mất rồi. Em không hiểu tại sao chị cứ phải quan trọng hóa vấn đề lên như thế. Mẹ muốn đi cứ để mẹ đi. Xuống ăn cơm đi chị. Hoàng lại nhìn tôi, chờ đợi. Tôi miễn cưỡng rời chiếc giường của mình xuống ăn cơm. Miễn cưỡng im lặng cho đến phút cuối cùng của bữa cơm với mẹ và Hoàng. Mẹ bảo con cái nhà này lạ nhỉ. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính mất rồi.
Trời lại thơ thẩn mưa. Mưa không thành hạt, cứ như bụi giăng kín cả bầu trời. Tôi nằm nghiêng, tay cầm cuốn sách dưới ánh đèn đỏ quạch, miên man nghĩ không biết hành động của mình có đúng không? Và ước sao, có cha ở bên cạnh. Nhưng cha đang ở xa lắm, không thể nói được, không thể hiểu được những gì tôi đang nghĩ lúc này. Tôi đã từng vào bệnh viện thăm cha Thuận, ba tháng trước đây. Thuận là bạn thân với tôi hồi đại học, hai đứa ngồi chung một bàn, sát cạnh nhau. Suốt mấy năm liền, tôi thường qua nhà Thuận, được bố Thuận coi như con cái trong nhà. Thế mà đùng một cái, tự nhiên phát bệnh ung thư gan. Và hai tháng sau thì vĩnh viễn không còn trên cõi đời này nữa. Tôi nhớ đêm trước khi cha Thuận mất hai ngày, Phương chở tôi vào bệnh viện. Cha Thuận ở một phòng riêng phía đầu hồi, lúc đó chỉ có một người cháu ở quê lên chăm sóc. Tôi hỏi bác có đau lắm không? Ông gật đầu khó khăn, chướng trong bụng lắm. Mặt và tay ông vàng, người gầy, như thể đã phải dùng đến chút sức lực cuối cùng trong cuộc đấu tranh không cân sức chống lại bệnh tật. Tôi ngồi được vài phút, ông bảo về đi con. Con gái nhà xa về muộn không tốt đâu. Tôi khóc. Bác đừng lo cho cháu. Cháu có bạn chờ mà. Ông xua tay, nhăn mặt đau đớn. Về đi con. Tôi vâng. Bước xuống cầu thang, giàn giụa nước mắt khi nghĩ con người mình đã quen thuộc nhường ấy chỉ một vài ngày nữa là không còn tồn tại trên cõi đời. Phương đón tôi ở cầu thang, hỏi Xuyên làm sao thế? Tôi đáp không sao, nhưng không ngăn nổi mình đừng khóc. Phương an ủi em đừng lo nghĩ như thế, người ta ai cũng phải đi qua đoạn đường thế này. Hôm đưa ma cha Thuận, tôi và Hà khóc như mưa lúc nhập quan. Biết rằng thế là một người quen đã ra đi vĩnh viễn không thể gặp lại. Và bây giờ, chưa đầy ba tháng sau cái chết ấy, tôi lại phải nghe về một cái chết khác, cũng đi bằng con đường cũ, ngay sát bên mình. Chỉ có điều, trước là người mình mến, còn sau thì không. Nhưng dù có yêu thương hay ghét bỏ, thì từng người một, cũng sẽ không còn nữa. Tôi không hiểu những gì mình làm có đúng? Chỉ biết, đã bắt đầu mệt mỏi khi nghĩ về điều này.
Tôi xuống cầu thang, đi vào bếp nhặt mớ rau muống mẹ đặt trên giá. Mẹ bảo Xuyên bận gì thì cứ làm đi, để mẹ nấu cơm cũng được. Tôi nói con chẳng bận gì, con muốn nấu cơm với mẹ. Mẹ im lặng. Hồi lâu nói cơm nước có gì mà phải hai mẹ con cùng làm. Tôi nhìn đôi mắt mẹ buồn, hỏi mẹ vẫn còn giận con hả mẹ? Mẹ bảo mẹ đâu phải trẻ con mà giận Xuyên, nhưng mẹ buồn. Tôi rệu rã cho rau vào chậu, mẹ không biết con cũng buồn sao? Suốt cả ngày nay con tự hỏi có phải mình quá ích kỷ? Có thể mẹ nói đúng, có thể mẹ nên đi thăm ông ấy, dẫu sao nghĩa tử cũng là nghĩa tận. Nhưng nếu có đi, mẹ đừng nói với con. Con nói thực lòng đấy chứ Xuyên? Cái gì đã làm con thay đổi vậy? Con không biết. Nhưng con nghĩ đến cha Thuận. Xuyên nghĩ được thế có nghĩa là con đã lớn lên rồi đấy. Mẹ im lặng. Nhưng mẹ cũng thú thật, nhìn thái độ của Xuyên, đã có lúc mẹ nghĩ không biết mẹ làm thế có phải với các con không? Bởi chính ông ấy đã làm cha Xuyên phải đi xa. Vì ông ấy mà chúng ta cô đơn thế này. Giọng mẹ nghẹn lại. Kìa mẹ. Mẹ khóc ư? Không. Mẹ không khóc. Nhưng mẹ vui khi suy nghĩ của mẹ được chia sẻ và mẹ biết là mẹ làm đúng. Mẹ! Tôi kêu lên. Con chỉ nói là con nghĩ như thế. Mẹ đừng hy vọng là con sẽ đến thăm ông ấy. Con không muốn nhìn thấy người đã làm hại mình. Kìa Xuyên... Bao giờ muốn đi mẹ cứ nói với Hoàng. Tôi đáp mà không ngẩng mặt lên. Thấy lòng rã rượi như kẻ thua trận. Hoàng nó là con trai, nó có nhiệm vụ chở mẹ.
Hoàng hỏi, chị đã làm lành với mẹ rồi phải không? Tôi gật đầu. Chị nói với mẹ là có thể mẹ đúng. Hoàng nhún vai. Mẹ đang chuẩn bị đi dưới kia. Mẹ muốn vào bệnh viện thăm ông M. Thì sao? Hoàng gãi tai. Bây giờ em có việc bận phải đi. Chị đưa mẹ vào viện... Không. Hoàng phải đưa mẹ đi. Tôi ngắt lời Hoàng. Chị đã nói với mẹ rồi, với lại chị cũng có việc bận. Nhưng Ngọc chờ em... Hãy để nó chờ. Chị chỉ có thể đồng ý để mẹ đi chứ không thể đưa mẹ đi. Nhưng... Đừng nhưng gì cả. Gọi lại cho Ngọc đi, em là con trai, em phải cao thượng hơn chị chứ. Em không hiểu tại sao chị cứ phải quan trọng hóa vấn đề như thế. Hoàng gắt lên. Sao chỉ một việc chở mẹ đi mà chị cứ cằn nhằn. Rồi ngồi phịch xuống giường, nét mặt bực bội. Chợt nghe tiếng mẹ nặng trĩu ở bậu cửa, hai đứa không phải đưa mẹ đi đâu. Mẹ đi xe ôm cũng được. Mẹ, để con... Mẹ không ép các con, Xuyên ạ. Mẹ quay đi, bước xuống cầu thang. Nửa phút sau, ánh nhìn của mẹ như vẫn còn da diết nơi bậu cửa.
Tôi đi làm về. Hoàng đón tôi ở cổng. Chị biết gì chưa? Biết gì? Ông M. nguy kịch rồi, nghe người ta nói đã hôn mê, chỉ sống thêm vài giờ nữa. Mẹ đâu? Ở trong nhà, đang chuẩn bị túi xách. Hoàng nhìn tôi, chờ đợi. Mẹ muốn đi thăm ông M. Tôi nhắm mắt, gật đầu. Tưởng tượng ra cái nhìn da diết của mẹ khi xuống cầu thang hôm nào. Chậm rãi bước vào nhà, cầm lấy chiếc túi của mẹ đã để sẵn trên mặt bàn. Chúng ta đi chứ, mẹ. Mẹ im lặng, gật đầu. Và trong cái rét lâm thâm mưa phùn, tôi chở mẹ vào bệnh viện, mưa ướt đẫm mặt.
Hết

Xem Tiếp: ----