eVăn: Nadime Gordimer là nhà văn Nam Phi, sinh năm 1923, giải thưởng Nobel văn chương năm 1991. Tác phẩm chính gồm 10 cuốn tiểu thuyết, trong đó có Vị khách danh dự (Guest of Honour), Kẻ bảo thủ (The Conservationist), Con gái của Burger (Burger"s Daughter), Những người tháng bảy (July"s People), Môn thể thao của thiên nhiên (A Sport of Nature), Chuyện của con trai tôi (My Son"s Story), gần đây nhất là Không ai đi cùng tôi (None to Accompany Me); 10 tập truyện ngắn, gần đây nhất là Cú nhảy (Jump), xuất bản năm 1991, và Tại sao bạn không viết: Truyện chọn lọc 1950-1972 (Why Haven"t You Written: Selected Stories 1950-1972), xuất bản năm 1992. Ngoài ra, bà còn xuất bản một số tập tiểu luận.Ngoài giải Nobel, Nadine Gordimer còn đoạt nhiều giải thưởng danh dự của các trường đại học danh tiếng của Nam Phi, châu Âu và Mỹ trong đó có các trường Yale, Harvard, Cambridge. Bà đã được trao Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội văn bút quốc tế, đồng thời là Ủy viên điều hành Hội Nhà văn Nam Phi.Hôi của (Loot) là một truyện ngắn trong tập Loot: And Other Stories in năm 2003 của Gordimer.-----------Ngày nảy ngày nay[1] có một trận động đất: nhưng đó là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được kể từ khi người ta chế ra thang độ Richter để đo lường những cảnh báo ngày tận thế.Nó lật nghiêng cả một thềm lục địa. Những chấn động này thường gây lũ lụt; trận này thì ngược lại, nó đẩy lùi đại dương như bằng một cú thổi phù vĩ đại. Những gì ẩn kín nhất của thế giới chúng ta lồ lộ bày ra: nào những xác tàu đắm, mặt tiền những ngôi nhà, những ngọn chúc đài phòng khiêu vũ, nào bồn tắm, rương của bọn cướp biển, màn hình tivi, xe ngựa phát thư, thân máy bay, đại bác, tượng bán thân bằng cẩm thạch, súng AK, mui xe du lịch, bình đựng nước thánh, máy rửa chén tự động, máy vi tính, những thanh gươm bám đầy hàu, những đồng tiền biến thành đá. Cái nhìn sửng sốt lướt nhanh giữa những vật đó; đám người vừa mới rời bỏ những ngôi nhà lung lay của họ để chạy lên những ngọn đồi ven biển giờ lại chạy xuống. Nơi đâu tiếng gầm rống và gào thét của đất vừa mới làm họ kinh hãi, giờ có một sự im lặng trần trụi. Nước bọt của biển sáng lấp lánh trên những vật này; dường như thời gian không tồn tại, chưa bao giờ tồn tại dưới đó, nơi tính vật chất của quá khứ và hiện tại nằm ngổn ngang không theo thứ tự thời gian; tất cả là một, tất cả chẳng là gì - hoặc tất cả đều có thể có cùng một lúc. Người ta nháo nhào chạy đi lấy; lấy, lấy. Cái này ấy à - lúc nào, bất cứ lúc nào cũng có giá, một lúc nào đó sẽ có giá, cái nọ có thể hữu ích, cái này là gì đây, ờ chắc có người biết, cái này hồi xưa chắc là của người giàu, cái này giờ là của tôi, nếu mày không chộp cái ở đằng kia thì sẽ có kẻ khác chộp đó, chân lê lết trơn chuội trên rong biển và thụt sâu vào cát sũng, những thực vật biển há hốc mồm nhìn họ, chẳng ai nhận thấy rằng không có một con cá nào, mọi cư dân của chốn dưới đất này đã bị nước cuốn sạch. Cơ hội hôi của các cửa hàng - vốn là thói quen thường tình của thiên hạ trong những thời loạn lạc - thật không có gì sánh nổi. Niềm vui cuồng loạn khiến cho đàn ông, đàn bà và con cái họ có đủ sức lôi ra khỏi bùn và cát những gì mà chính họ chẳng biết rằng họ muốn, lảo đảo đi tới đi lui càng lúc càng nhanh; đấy không chỉ là thủ lợi nhờ tình huống ngẫu nhiên, đó còn là cướp đoạt sức mạnh của tự nhiên, cái sức mạnh từng khiến họ cuống cuồng chạy trong vô vọng. Lấy, lấy; trong khi vơ vét, họ có thể quên rằng nhà họ đã đổ nát hoang tàn và họ đã mất sạch những thứ của cải bị ràng buộc với thời gian. Họ xé rách sự im lặng bằng những tiếng í ới gọi nhau và dưới những tiếng gọi đó, giống như tiếng kêu của những con hải cẩu vắng mặt, họ không nghe một âm thanh từ xa đang tiến đến gần như một làn gió khổng lồ. Và biển trở lại, vùi lấp họ để làm giàu thêm kho tàng của nó. Đó là những gì thiên hạ biết; trong những mẩu tin truyền hình thật ra chẳng có gì để chiếu ngoài lớp váng màu thiếc của những vực sâu, trong những bài phỏng vấn những kẻ nhu nhược, gan cóc tía hay thận trọng đã không rời những ngọn đồi mà chạy xuống cùng đám người hôi của kia, cũng như các bài báo mô tả những cái xác mà vì lý do nào đó biển đã khước từ, dập trở lại một nơi nào đó trên bờ biển. Nhưng nhà văn biết một điều mà không ai khác biết: sự thay đổi lớn lao của trí tưởng tượng.Giờ nghe đây: có một người suốt đời luôn mong muốn một cái gì đó. Ông ta có lắm thứ đồ - một số trong đó mắt ông thường xuyên bắt gặp, nên ông hẳn phải thích, ông không nhận thấy rằng đáng lẽ ông không nên mua một số trong đó nhưng vứt bỏ thì cũng chẳng được, có một cái đèn kiểu tân nghệ thuật ông dùng để đọc sách, và trên đầu giường ông có một bức tranh in Nhật Bản, bức Làn sóng lớn của Hokusai, thật ra ông không sưu tập đồ phương Đông, mặc dù nếu nó đã ở trên tường đối diện ông, hẳn nó không chỉ là một phần của đồ đạc trong nhà mà là một cái gì hơn thế, nó đã khuất tầm nhìn bên trên đầu ông suốt nhiều năm. Tất cả những vật đó - nhưng không phải cái này.Ông về hưu, ly dị đã lâu, chọn một biệt thự cũ nhưng đủ tiện nghi trên ngọn đồi bên bờ biển làm nơi trú ẩn, quay lưng lại trước sự tấn công của thành phố. Một phụ nữ người làng đến để nấu nướng và quét dọn cho ông, ngoài ra thì chẳng giao thiệp với ông về bất cứ chuyện gì. Đó là một cuộc sống quá êm ả, ông đã gặp quá đủ những sự quấy rầy, dù dễ chịu hay không, nhưng cái cảnh tượng ông nhìn thấy từ cửa sổ nhà mình, một chuyện chưa bao giờ có thể xảy ra, chưa bao giờ được hạ cố ban cho con người, là một thứ mệnh lệnh. Ông là một trong những người lao ra giữa đáy biển lấp lánh, cái kho tàng mảnh vụn của quá khứ, vẫn là nó đấy, phô ra trần trụi.Cũng như tất cả những người hôi của khác mà ông không trà trộn vào và cũng chẳng có cái gì chung với họ, ông hộc tốc chạy từ vật này qua vật khác, lật tung những mảnh vỡ đồ sứ, những bức tượng tạo nên bằng sự hủy diệt, ruồng bỏ và gỉ sét, những thùng rượu nho ngâm nước biển, một chiếc môtô đua đâm xuống biển, một cái ghế nha sĩ, bước chân ông dẫm lên những cái xương sườn người đang phân hủy và những thứ trời ơi đất hỡi nào đó ông chẳng biết là gì. Nhưng không như những người khác, ông chẳng lấy gì - cho đến khi, kìa, được trang điểm bằng những lọn rong biển màu nâu cam, kẹt cứng vỏ xà cừ và lỗ chỗ san hô màu đỏ, là vật ấy. (Một cái gương?) Dường như điều không thể là có thật; ông biết nó nằm chính ở đây, dưới đáy biển, chính vì vậy mà ông không biết nó là gì, không bao giờ có thể tìm thấy nó trước kia. Nó chỉ có thể bị phát lộ bởi một cái gì chưa từng xảy ra, cơn bùng nổ lớn nhất của trái đất chúng ta từng được đo trên thang Richter. Ông nhặt nó lên, cái vật đó, cái gương, cát rơi ra khỏi nó, nước - vốn là cái nhìn trong sáng cuối cùng còn lại dành cho nó - lăn ra khỏi nó, ông mang nó đi cùng với ông, mang cái vật mà rốt cuộc là sở hữu của ông.Và ngọn sóng lớn đến từ sau đầu giường ông cuốn ông đi. Tên ông, cái tên từng nổi tiếng trong giới cai trị trước kia ở thủ đô, không có trong số những người sống sót. Cùng với ông, giữa xương cốt những nạn nhân mới nhất, cùng những tên cướp biển và ngư phủ thuở xa xưa, có những kẻ mà dưới thời độc tài đã nhảy từ máy bay xuống để - cùng sự đồng lõa của biển - sẽ không ai tìm thấy họ. Ai đã nhận ra họ, ngày ấy, nơi họ nằm? Không hoa cẩm chướng, cũng chẳng hoa hồng trôi trên biển.Năm sải nước sâu.Trần Tiễn Cao Đăng dịchtừ nguyên bản tiếng Anh: Loot_______________________Chú thích:[1] Nguyên văn: Once upon our time, nhại lại câu thường gặp trong các truyện cổ tích: “Once upon a time” (ngày xửa ngày xưa); ND