Thuở ấy có một người onmyoji (1) tài hoa lỗi lạc. Onmyoji là tên gọi một chức quan trong triều đình. Chàng thông thạo về khoa thiên văn địa lý và cúng tế trừ yểm ma quái. Ðất thần kinh Kyoto qua nhiều phen loạn lạc đầy rẫy những hồn ma bóng quế. Hồn của người chồng chết trận đêm đêm về tìm vợ con. Hồn của những nàng thiếu nữ bị ép duyên bức hiếp đến chết tìm về gặp lại người yêu. Hồn của những người con gái chờ đợi mỏi mòn mong gặp lại người đã thề non hẹn biển với nàng... Trong kinh thành Kyoto người ta đồn có một người con gái rất đẹp dường như là một hồn ma chờ đợi đã mấy trăm năm mong tìm gặp bạn lòng... Nàng uống sương mai và thu hút sinh lực của những người say đắm nàng để giữ gìn tuổi trẻ... Onmyoji có tài trừ yểm bất cứ hồn ma nào. Chẳng phải phải chỉ bằng những lá bùa dán chặt lên cánh cửa cho hồn ma không thể mở ra, hay những vạch vôi kẻ lằn ranh giới cho hồn ma không thể lại gần, những bài kinh viết lên đầy mình nạn nhân để kẻ ấy khỏi nghe thấy tiếng gọi tha thiết của bạn lòng từ thế giới bên kia... mà chàng còn đọc lên những bài kệ giải toả hết vọng niệm cho những hồn ma đang đau đớn oán hờn hay khao khát yêu thương bỗng như chợt tỉnh, lặng lẽ lui về bờ sông, ngọn thác, giòng suối hay những đồi lau rậm rạp bên bãi sông... Chàng có tài gọi mây nổi gió sấm chớp bão bùng, có thể tìm ra những thế đất đẹp, những long mạch cho các giòng họ quý tộc xây đền đài cung điện lập vườn xây mộ, biết cầu đảo cúng tế trấn áp thổ thần, hà bá... Ngoài tài bói toán, thuộc làu kinh sử, chàng còn đủ tài ó tài cầm kỳ thi họa, chàng giao du với các văn nhân thi sĩ ở chốn cố đô này. Khuôn mặt thanh tú dưới chiếc mũ eboshi, chiếc áo bào rộng màu tơ tầm thanh lịch, chàng đẹp như người trong tranh. Khi chàng từ trong thành trở về, khi chàng đi dạo qua phố shijô hay nishijin để mua một thỏi mực, mấy cuộn giấy hoa tiên, một bức lụa để vẽ tranh, chàng bước khoan thai ung dung dáng dấp thanh lịch, khiến biết bao công nương trên những chiếc kiệu hoa lén vén rèm nhìn trộm. Hôm ấy onmyoji từ thành nijô trở về nhà, khi băng qua trước một toà biệt thự, chàng bỗng thấy một cánh bướm chập chờn trên hàng giậu. Bướm bay lựơn lờ một hồi, bỗng như say nắng, rơi lảo đảo như một cánh hoa. Chàng đỡ lấy, vui mắt nâng lên ngắm nghía. Hai cánh bướm màu vàng nhạt gần như trắng bạch, dịu dàng thanh khiết. Chàng chợt có ý nghĩ so sánh hai cánh bướm ở hai bên mình bứơm mảnh mai với hai cánh tay áo furisode dài tha thướt của những cô thiếu nữ. Bỗng nẩy ra một ý nghịch ngợm, chàng bèn úp hai bàn tay lại giữ cánh bướm trong tay, đem về nhà. Chàng xuống nhà dưới lấy một chiếc đĩa sứ lớn, rót một chút mật ong và thận trọng thả bướm trắng xuống chiếc đĩa ấy. Bướm ngần ngại hồi lâu, nhưng không vụt bay lên mà ngoan ngoãn thò vòi hút mật. Có gì đâu, chàng đã làm phép thôi miên cho bướm không còn biết bay đi đâu nữa. Thế là trò chơi của onmyoji bắt đầu. Buổi sáng dậy sớm onmyoji ra vườn ngắm hoa, bướm trắng bay theo trên vai. Chàng nâng những ngọn lá đọng sương mai lên cho bướm uống sương sớm, Chàng đi dạo một vòng, bướm cũng bay theo chập chờn trên lòng bàn tay, trên cánh tay, trên vai áo, trên chiếc mũ eboshi của chàng. Còn gì đẹp cho bằng. Các lãnh chúa dũng mãnh thời đó có người nuôi chim ưng để sai khiến trong doanh trại. Còn chàng, nho nhã biết bao, chàng đi tới đâu cánh bướm trắng như cánh hoa bay lượn chung quanh thật là thanh nhã. Khi chàng dùng bữa sáng, kỳ diệu thay, từ nhà dưới hôm nay có một cô thiếu nữ trong mầu áo trắng ngà đang bưng lên cho chàng một chén cháo hoa với một quả mơ muối. Người lão bộc ngẩn ngơ dụi mắt hai ba lần mà không dám hỏi chủ nhân. Cô gái khép nép quì một bên cho đến khi chàng dùng xong bữa sáng, lại bưng xuống nhà dưới, hai ống tay áo dài rung nhẹ theo bước đi. Lát sau lại thấy chàng đem đĩa sứ, rót mật ong cho bứơm trắng hút mật. Rồi chàng cho bướm vào chiếc lồng son có để một chút nước và một chút mật. Chàng đã hoá phép cho có một lớp màn vô hình bao quanh, nên bướm không bay ra đựơc, chỉ nằm yên trên những chiếc lá non trải trong lồng. Onmyoji yên tâm rời nhà vào thành. Buổi tối chàng trở về, dùng cơm tối, vẫn có cô gái áo trắng khép nép quỳ một bên hai tay đưa lên cho chàng đôi đũa, chén cơm, dâng lên cho chàng cốc rượu ấm. Người lão bộc giờ đã hiểu ra cớ sự, chẳng nói chẳng rằng yên lặng rút xuống nhà bếp. Ðêm thu trời trong vắt, ánh trăng dịu dàng, onmyoji bèn lấy ống tiêu thổi một khúc nhạc. Bỗng có tiếng đàn koto dìu dặt đuổi theo tiếng sáo. Onmyoji mỉm cười đắc ý. Có gì đâu, chàng lại vừa hóa phép cho cô gái bướm trắng ngồi dạo đàn với chàng. Khi chàng tự tay đàn, bướm trắng bay chập chờn, nhẹ gẩy những dây đàn lập lại điệu nhạc ấy, hai tiếng đàn như đuổi theo nhau. Đôi bàn tay của chàng và hai cánh bướm cứ vờn trên sóng nhạc nhịp nhàng như đôi cánh bướm vờn trên những luống hoa. Có hôm Onmyoji bày bàn cờ gô, chàng bầy quân cờ đen, cho bướm chơi quân cờ trắng. Những lần đầu chàng phải dậy cho cô gái cách vây cờ, dần dần cô mới có thể thuộc hết những nước cờ để có thể hầu cờ với chàng. Nhưng về sau chàng chán trò chơi này, chẳng thà kêu người lão bộc lên chơi với chàng còn vui hơn, vì cô gái chỉ chơi được một lát là thua ngay. Chàng lại thử bày trò vẽ tranh thuỷ mặc. Ô tuyệt vời làm sao, nàng bướm nhúng chân và vòi vào mực, vừa vờn bay trên mặt khung lụa trắng chập chờn lúc dừng lúc lượn lúc mau lúc chậm, chẳng mấy chốc đã thành bức họa một chậu hoa cúc đại đoá. Onmyoji hứng thú liền cầm bút thảo ngay một bài thơ bên cạnh bức tranh rồi treo lên án thư. Chàng cất giọng ngâm thơ, bướm chập chờn vỗ cánh như đã nghe hiểu và tán thưởng tài thi phú của chàng. Onmyoji chợt có ý nghĩ dạy cho bướm biết nói để có thể nói chuyện với chàng. Chàng hiếu kỳ, không biết liệu bướm sẽ kể cho chàng nghe những chuyện gì về những khu vườn đẹp trong các nhà quí tộc mà bướm đã vờn qua. Chàng bắt đầu dậy bướm phát âm a, i, u, ê, ô, ka, ki, ku, kê, kô... chẳng mấy chốc đã dậy đến các vần wa, wo.. và âm ưn sau cùng cô gái đã thuộc hết các vần. Ðoạn chàng ghép vần lại thành chữ... Cứ thế chàng đã dậy đựơc nàng bướm biết nói, chỉ có một điều là nàng... vì bắt chước onmyoji... tự xưng " tôi " watashi (2), mà không biết dùng tiếng " em " atakushi (3) dịu dàng, cho dù chàng đã để ý sửa đến mấy lần. Chàng khó chịu quá chẳng muốn nghe bướm nói chuỵên nữa. Hơn nữa nàng chỉ biết lập lại những điều mà chàng đã từng nói với nàng, mà không thể tự mình đặt ra một câu nào mới bằng suy nghĩ của nàng. Nàng có tiếp xúc với ai ngoài onmyoji đâu... Onmyoji còn mài mực vẽ nhiều lần, nhưng lần nào bướm cũng chỉ vẽ được mỗi một bức tranh hoa cúc đại đóa. Có lẽ đó là bông hoa trong khu vườn nọ mà bướm đã đựơc ngắm lần đầu tiên sau khi từ một con sâu róm nở ra thành bướm. Tiếng đàn koto của bướm chàng nghe nhiều lần mãi đã bắt đầu chán, bởi vì khi hoà đàn nàng chỉ biết lập lại điệu đàn của chàng, hai tiếng đàn đuổi theo nhau mãi, bài nào cũng thế... Khi nàng ngồi đàn một mình nàng cũng chỉ biết đàn có một bản, có lẽ đó cũng là bản đàn đầu tiên và duy nhất bướm đã được nghe vị phu nhân chủ nhân của toà nhà có khu vườn hoa cúc dạo một lần trong buổi thưởng hoa, trước khi bướm rơi vào bàn tay của chàng. Onmyoji đã chán trò chơi với bướm trắng. Chàng đọc sách rồi dựa vào án thư thiu thiu ngủ. Chàng đã quên làm phép khóa chiếc lồng của bướm. Lần dầu tiên bướm đập cánh theo ý mình, lọt qua nan tre của chiếc lồng và bay ra ngoài vừơn. Lần đầu tiên không bị vướng vào phép thuật của onmyoji, bướm vờn trên những bông hoa, bay lượn khắp nơi theo ý mình. Bướm bay trên những bông cúc xinh xắn, trên hoa huệ trắng còn sót lại từ mùa hè, rồi mải mê ngắm những bông hoa cúc bướm màu tím nhạt, những đoá hoa kikyo tím mong manh, và rindo tím thẫm... Bên án thư onmyoji vẫn chưa tỉnh giấc. Chàng chìm vào một giấc mơ kỳ lạ, chỉ trong khoảnh khắc chàng đã trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân, từng cánh hoa anh đào đang rơi theo gió, chàng tưởng chừng như những cánh bứơm đang vờn quanh chàng, bướm trắng của chàng. Mùa hè nắng vàng rực rỡ, bướm bay vào cánh rừng thưa, ở đó chàng tưởng chừng như những giọt nắng đang xuyên qua cành lá đậu xuống nền cỏ kia cũng là bướm trắng của chàng. Mùa thu lá vàng, bứơm đang bay lượn cùng với lá thu rơi. Mùa đông lạnh lẽo, tưởng chừng như muôn ngàn bông tuyết đang rơi là hoá thân của bướm trắng đang bay lượn khắp trời. Tuyết bay ngập trời, bướm bay đầy trời. Onmyoji chợt tỉnh. Chiếc lồng son nhốt bướm trống trơn. Chàng nhấc lên đem treo dứơi mái hiên, nhìn ra vườn và chợt thấy bướm trắng từ ngoài vườn bay vào tay áo thụng của chàng... Chàng đưa tay đón bướm trắng từ trong tay áo, nâng bướm trắng lên. Bướm trắng vẫn rung cánh nhẹ nhàng, những chiếc chân mảnh khảnh như muốn níu lấy cánh tay chàng, rồi bướm ngoan ngoãn bay vào lồng... Tối hôm đó onmyoji mài mực và trải bức lụa trắng trên án thư. Bướm trắng chập chờn mê mải vẽ... Kỳ diệu thay nghiên mực đen tuyền một mầu mà sao bức tranh của bướm trắng hôm nay không chỉ còn là một chậu hoa cúc đại đoá với nét mực tuyền đen như mọi ngày mà đó là cả một rừng hoa cúc bướm màu tím nhạt mong manh, với đôi cành rindo tím thẫm, những bông lau trắng xoá và những lá thu vàng úa. Tiếng đàn koto và tiếng tiêu đêm nay lại trổi lên khi đuổi theo nhau nhịp nhàng uyển chuyển, khi trầm khi bổng, bao nhiêu cung bậc quyện lẫn vào nhau tạo thành một bản hoà tấu rộn ràng... không còn đơn điệu nữa. Sáng ngày onmyoji lại vào thành. Chàng không còn phải hoá phép khoá lồng son nữa. Bướm trắng vẫn ở lại bên chàng... mãi mãi... và mãi mãi...
(1) - Chữ onmyoji = thầy pháp ( trong tiếng Nhật viết chữ Hán là Âm Dương Sư ) (2) - Watashi= nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất ( tôi ) dùng cho cả hai phái nam nữ. (3) - Atakushi = nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất, chỉ dùng cho phái nữ còn trẻ.Quỳnh Chi ( 30/10/2003 )