Ba mẹ cho tôi biết, từ khi tôi được chào đời cho đến 4,5 tuổi thể chất ốm yếu, thường hay bị bệnh tật với đủ loại sốt, mụn nhọt, rối loạn tiêu hoá thật là khó nuôi dưỡng. Với ý nghĩ thời bấy giờ cho là có ma quỷ, vong nhân ám hại. Hơn nữa nền y dược cổ học, gia truyền chẩn lý thiếu thực nghiệm và hiệu ứng cấp thời. Vì vậy ba mạ tôi tin nghĩ thần linh qua bùa chú thầy pháp rất cuồng nhiệt. Người nghe thầy pháp (thầy cúng) am, miếu nào linh thiêng thì bồng tôi đến đãy cúng cầu, từ ngày tháng nầy qua ngày tháng khác. Có nơi phải đi mất nữa ngày đường với đôi chân, lưng đìu tôi, từ những am thầy Trần ở làng Chuồn, miếu Ông ở Thuận an, gần nhất là am Ông Bạo tên đồi Dương Xuân, am Ông Búa ở làng An Ninh gần chùa Thiên mụ. Sau cùng bồng dắt tôi lên Nam giao bán vào chùa Vạn-Phước. Nơi mà thân quyến và ba mạ tôi đã quy y. Ðến gần cổng chùa, sau khi ngồi nghỉ sức và sắp xếp lễ phẫm dưới gốc cây Bồ Ðề cổ thụ - Ba Mạ dắt tay tôi chậm rãi tiến vào khu nhà trù (tri khách) gặp Sư chấp sự kính lễ. Ðộ khoảng 10 giờ, Sư chấp sự hướng dẫn Ba Mạ và tôi đến trình Hoà thượng trụ trì. Tiếp đó Sư hướng dẫn lên tiền đường, đến quỳ trước bàn Phật chờ đón Hòa thượng và chư tăng hành lễ. Từ khi đến quỳ trước Phật, Ba mạ dặn bảo tôi không được khóc hay đứng dậy, cũng như nhìn bên ni bên tê mà Phật quở. Thật ra khi mới đến trước bàn thờ, với cảnh trí uy nghi đã cho tôi một cảm giác lo sợ, nên ngoan ngoãn quì ngồi rất khuôn phép như lời Ba mạ dặn bảo. Sau một thời gian hành lễ tụng kinh, Ba mẹ đón nhận quần aó màu vàng có ấn son và chữ kệ chú do Hoà thượng trao. Ba mạ mặc vào cho tôi xong, Hoà thượng và chư tăng trở về hậu liêu. Thầy chấp sự hướng dẫn Ba mạ và tôi xuống nhà khách thọ trai. Thọ trai xong, Ba mạ dắt tôi vào đảnh lễ Hoà thượng và xin phép ra về. Về đến nhà, ba mạ dẫn tôi đến trước bàn thờ tổ tiên chỉ dạy bái lễ và căn dặn tôi: - Ba mạ bán con vào chùa rồi đó - Từ nay con thuộc nhà chùa và luôn luôn mặc quần áo này. - Áo quần này là của Phật, của Hòa thượng thí pháp độ mệnh cho con. Tôi hỏi: - Vì răn ba mạ bán con rứa? - Bán là răn rứa hả mạ? Ba mạ bảo bán đây là húy kiêng, mai mốt lớn lên con mới biết. Vì rứa nên con mặc quần áo này, để khỏi đau ốm ( lớn lên mới thấy rõ người lớn tuổi mới gọi là quy y, trẻ thơ gọi là bán theo lòng tin con khó nuôi ). Từ đó trở đi tôi ngoan ngoãn mặc áo vặt hò màu vàng ( tương tự áo dài, nhưng ngắn gần đến đầu gối ) có dấu ấn son kệ chú, quần dài màu vàng và đeo dãi bùa ở cổ và chân. Sự huyền diệu khó chứng minh giải thích (trần thế cho truyền hoặc mê tín ). Nhờ đó mỗi ngày bệnh hoạn tôi giảm bớt, ăn uống được bình thường và cơ thể cứng rắn dần. Gia đình nội ngoại và nhất là ba mạ tôi vô cùng tôn kính và vui mừng. Cho nên ba mạ thường dắt tôi lên chùa lễ Phật. Những ngày đại lễ hay trai đàn, luôn được dắt theo đi lễ khắp các chùa tại Huế. Ðến nay, tôi vẫn tín thành sự huyền diệu duyên sinh của tôi từ tấm bé được ba mạ thuật lại. Năm lên sáu được đưa đến trường cấp Sơ-học ( cours élémentaire ). Một ngạc nhiên ngây ngô mới là tôi được mặc quần dài trắng thay màu vàng, vẫn áo vạt hò vàng như thường lệ, lại mặc thêm áo dài màu đen bên ngoài. Tôi khóc lóc không chịu mặc áo đen quần trắng. Ba mạ khuyên dụ mãi mới dẫn tôi đến được trường nhập học. Ngày đầu tiên còn bẽn lẽn với các bạn bè cùng lớp, vài ngày sau quen dần, có bạn lớn hơn ở lớp khác tinh nghịch, trong giờ ra chơi đã chạy lại kéo vạt áo đen bên ngoài rồi chế diễu " Con thầy chùa mặc áo vàng! Hắn có bùa!!! " Tan học về nhà tôi khóc lóc và kể lể lại câu chuyện bị chế diễu. Và thưa trình ngày mai đi học không chịu mặc áo vạt hò vàng. Tối hôm ấy, ba mạ tôi khuyên dụ tôi vô kể, tôi vẫn không chịu. Ba mạ mới răn dọa là nếu không chịu mặc áo vạt hò vàng và đeo bùa dãi thì con sẽ bị đau ốm, ma quỉ theo dắt. Áo bùa là của Phật, của Hòa thượng, để giữ gìn con. Từ đó làm tôi sợ và ngoan ngoãn theo lời, dù cho bị bạn bè chế diễu. Sau hết cấp Sơ học lên cấp Tiểu học ( Cours primaire complémentaire ), tôi vẫn còn mặc chiếc áo vạt hò, quần dài màu vàng ( đi học mặc quần trắng ). Năm 11 tuổi sau lễ xả phục mới thôi mặc và thôi đeo dãi bùa. Năm 1940, lúc đó tôi đang học cấp Trung học (Lycée = D'instruction secondaine) thì tại vùng gia quyến tôi cư ngụ, khuôn - hội Phật học trực thuộc Hội An nam Phật học đang bắt đầu vận động hình thành Ban Ðồng Ấu do anh Viễn gia quyến cụ Nghè Ðường phụ trách. Gia quyến cụ Nghè và Ông tôi là chỗ quen biết, nên Anh Viễn thường đi lại trình bày về Phật học và giải bày việc thành lập Ban Ðồng Ấu, cũng như ý nghĩa cách thức họp thành của Ðồng Ấu, ngoài phần học đạo, ca hát, vui chơi lành mạnh tương tự như hướng đạo. Ðồng thời xin phép cho tôi theo anh để lập Ban Ðồng Ấu địa phương và các Khuôn hội trong huyện anh phụ trách. Theo lệnh Ông tôi, Ba mạ - nhất là mạ tôi thuận ngay. Từ đó cứ ngày thứ năm và ngày chủ nhật trong tuần ( thời ấy hai ngày này nghỉ học ) là tôi được anh phụ trách ( cách gọi lúc đó ) lại nhà dẫn tôi cùng đi lo việc đồng ấu. Thỉnh thoảng lại tháp tùng theo anh lên chùa Từ Ðàm dự cuộc gặp gỡ bàn việc Ðồng Ấu giữa Bác sĩ Lê Ðình Thám, vài vị thành viên của Hội An nam Phật học ( kỹ sư Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Toàn, Ni Sư Diệu Không... ) và một số anh cùng phụ trách như anh Viễn. Nhờ đó, tôi biết những người phụ trách như anh Viễn được Hội An nam Phật học của Bác sĩ Tâm-Minh Lê Ðình Thám giao phó cho việc Ðồng Ấu như các anh Lê Bối, Tráng Thông, Sỹ, Quán... về sau được biết danh Ðoàn Phật học Ðức dục bên báo Viên Âm có anh Cường. Tổ chức Ðồng Ấu lúc ấy, rất đơn sơ ở thời kỳ phôi thai của một đoàn thể Phật học. Nội dung sinh hoạt có học kinh, tụng niệm, nghe giảng rất sơ đẳng về Phật học, rước lễ, hộ niệm, tập hát theo nhạc điệu Ðăng đàn cung, Kim tiền, Lưu thủy. Và một số bài hát theo nhạc điệu tân thời ( phần lớn dạy hát thuộc lòng, ít ai biết ký âm pháp, nhạc cụ hiếm, chỉ có Mandolin hay Banjo ), cùng những hình thức lửa trại, trò chơi, gút, morse, rập khuôn của Hướng đạo (do anh Tráng Thông, Lê Bối gốc hướng đạo ). Trang phục áo đen dài, quần trắng học trò ( đi trại có áo cổ viền ngắn ). Về sau ( 1942?) mới có đồng phục chemise màu đà ( Hướng đạo màu nâu gụ ) quần dài đen lưng dây thun ( nông thôn chưa đồng bộ ). Hệ thống điều hành lúc bấy giờ: - Ban phụ trách Ðồng Ấu trực thuộc Hội An nam Phật học. - Các khuôn hội Phật học là Ban Ðồng Ấu. Ban Ðồng Ấu phân chia thành các Ðội, Chúng. Một tiêu biểu cho truyền thống huy hiệu HOA SEN bây giờ của GÐPT, lúc đó đã chuẩn lấy hoa sen 8 cánh làm tiêu biểu chung từng đội, chúng trong các Ban Ðồng Ấu với màu sắc khác nhau như: - Ðội sen vàng hay Ðội sen xanh. - Chúng sen đỏ hay Chúng sen trắng. và bài hát khi hành lễ là bài " Lục cúng " sau đổi là " Trầm hương đốt ". Từ đó Ban Ðồng Ấu phát triển với cường độ thuận lợi, tại thành phố và nhất là ở nông thôn, được tín hữu khuôn hội tán trợ, hơn nữa những hình thức hoạt động rất thiết thực hữu ích như hộ niệm, rước lễ, tư cách người đồng ấu học đạo, nhất là các kỳ đi trại. Bất cứ cắm trại tại địa phương nào, có hay không có khuôn hội, nội dung chính là làm Việc Thiện ( nay là xã hội ). Nghĩa là ngoài phần lễ Phật, lửa trại, trò chơi còn chỉ dẫn đồng bào về phương pháp vệ sinh, ngừa bệnh, thực hiện công tác quét dọn những khu phố rác rưởi, khơi mương rãnh. Quy tụ trẻ em trong khu phố cùng vui hát. Vì vậy, những làng xã, phường xóm chưa có khuôn hội, nô nức vận động tín hữu thành lập khuôn hội, để có Ban Ðồng Ấu như là một sự ganh đua đầy hứng khởi. Hạ bán niên 1945 hình bóng Ðồng Ấu ngừng vắng thời gian. Khoảng hai năm sau tổ chức Ðồng Ấu được phục hồi, do một số anh chị cũ và mới ( Anh Cường, Thầy Minh-Châu, chị Cúc, A Tuân..., vắng bóng anh Viễn ), qua cuộc gặp gỡ đầu tiên tại biệt thự đường Nguyễn Hoàng ( thời trước là Rue Paul Bert ). Bắt đầu từ đây có sự canh tân lớn lao của tổ chức, về mọi mặt hình thức cũng như nội dung. Ban Ðồng Ấu trước đây cải đổi thành Gia Ðình Phật Hóa Phổ. Tiếp theo những thời gian sau (1950 ) đổi thành Gia Ðình Phật Tử. Từ bạn đoàn được các Trưởng tình lam, đại đức tôn kính Ủy viên Thanh niên, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, cho đạt mời tham gia làm gia truởng, Ban viên Ban Hướng Dẫn thuộc Giáo hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam. Tiếp theo, do thiện duyên, người Ðồng Ấu, Bạn Ðoàn năm xưa lại được cử làm thành viên phái đoàn Huynh Trưởng GÐPT Bắc Việt dự đại hội GÐPT toàn quốc 1964. Sự hiện diện trong thành phần phái đoàn trở đi làm ngạc nhiên cho những áo lam quen hay lạ của các thế hệ cũ, mới đã hiện hữu từ Ðồng Ấu hay GÐPT, trong đôi mắt ngỡ ngàng với những dấu hỏi: - Từ đâu? Có phải Huynh trưởng? - Sao GÐPT Bắc Việt lại đưa vào Ban Hướng Dẫn? v.v..? ( ° ) Một đôi lần có vài Huynh trưởng ( đồng hương ) luống tuổi ( tương đương ) hoặc trung niên của thế hệ mới GÐPT cũng đặt những câu hỏi, gọi là tâm tình như vậy. Tôi chỉ lặng lẽ với tâm hồn và ngắn gọn là Ðồng ấu Phật học mà! Thú vị thật Ðồng Ấu! Mà cũng đúng và mến thương hai chữ Ðồng Ấu thuở nào! và do Ðồng Ấu để được GÐPT Giáo hội Tăng già Bắc Việt quý mến gắn lên mình « Huynh Trưởng « ( thời Ðồng Ấu chưa có từ này ), và năm sau được tin GÐPT Trung Ương phong Huynh Trưởng Cấp Tấn. Thiện duyên được «bán vào chùa« tôi được thọ hưởng hồng ân Tam Bảo độ trì trong duyên sinh, để thành người Ðồng Ấu - Huynh trưởng GÐPT. Hình ảnh tinh hoa tươi mát khởi thuỷ từ thời Ðồng Ấu là: - Con Phật và Tăng bảo. - Học Phật về hạnh Từ bi - Vị tha, để trở thành người Phật tử thuần thành, tránh tham, sân, si đền đáp nghĩa tứ ân, nhầm tạo thiện nghiệp duyên mai hậu của kiếp nhân sinh. Do đó, người Ðồng Ấu - Huynh trưởng của tôi với ý thức thuần lý: - Phật, Pháp, Tăng bảo. - Tình lam trong đạo Phật. đúng theo giáo pháp và mục đích tinh hoa khởi thuỷ của Ðồng Ấu - GÐPT, nhằm tự giác, giác tha để thanh tịnh tâm hồn. Nên đồng cảm bài hát do Trưởng Minh Phương hướng dẫn tập hát trong dịp trại hành hương của Nam, Nữ Huynh Trưởng GÐPT Vĩnh Nghiêm tại chùa Hội Sơn - Thủ Ðức năm 1993: Gần nhau Gần nhau trao nhau yêu thương tình loài người. Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối. Gần nhau trao nhau ánh mắt nhân loại này. Tình yêu trao nhau xây đấp nên tình người. Cho dù rừng hay lá xanh tươi. Dù cho biển cạn, nước bao la Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi.. ( có thể được xin thêm... trong ánh đạo vàng ) Mong rằng các Huynh trưởng GÐPT cũng đồng cảm tâm nguyện, để tinh hoa khởi thuỷ luôn viên dung với Ðạo. Mùa Thành Ðạo PL. 2539 Quý Ðông Ất Hợi - 1995 Nhuận pháp
|