- Quản Bi, ngày mùng ba tháng chín anh phạm vào tội phỉ báng bằng lời nói và việc làm đối với trương tuần Di, với thẩm phán trong quận, bá hộ E, các chức sắc Va và Ga, và sáu nông dân. Anh phỉ báng ba người trên trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Anh có nhận là anh phạm tội không? Bi-chi-bép, người quản lọm khọm nhăn nheo, râu cạo lởm chởm, một cách rất nhà binh, úp bàn tay vào đường can ống quần, trả lời bằng một giọng khàn và nén xuống, dằn vào từng tiếng như là y vẫn thường chỉ huy:- Kính bẩm cụ lớn chánh án, chiếu theo các điều khoản trong luật pháp, thì có một lối để chứng thực mọi tình huống bằng cách cho đối chất. Kẻ phạm pháp không phải là tôi, mà chính là những người khác. Cả cái chuyện này gây ra là do một cái xác chết - xin Trời hãy thương lấy linh hồn kẻ đó. Bữa mồng ba tháng này, tôi đang đi với bà An nhà tôi một cách thong dong và đường hoàng, thế rồi tôi thấy ở bờ sông cả một đám đông gồm đủ hạng người. Tôi hỏi họ xem căn cứ vào cái quyền gì mà bọn họ túm tụm lại đó? Tại làm sao lại như thế? Trong luật pháp có chỗ nào nêu lên là người ta phải đi hàng đàn không? Tôi la lên: “Các anh tản ra đi!” Tôi bèn xô dồn mọi người để cho ai nấy đều về nhà, tôi ra lệnh cho ông bá phải tống cổ họ đi...- Khoan đã, anh không phải là trương tuần, cũng không phải là ông cựu; việc của anh có phải là việc bắt mọi người phải giải tán đi không?- Không phải việc của anh ta! Không phải việc! từ các góc phòng, nhiều tiếng nhao nhao lên. Bẩm quan lớn, anh ta không để yên cho chúng con làm ăn!... Chúng con chịu đựng anh ta đã mười lăm năm nay... Từ khi anh ta giải ngũ về làng, có thể nói là chúng con đều muốn bỏ làng mà đi! Anh ta dồn mọi người đến chỗ cùng đồ!Ông Cựu, được đòi ra tòa dẫn chứng, nói:- Có như thế đó, bẩm Quan lớn. Quả là dân làng đều có kêu ca. Cũng không còn cung cách gì mà sống được cùng anh ta nữa! Hoặc là chúng tôi rước tranh thờ, hoặc là có đám cưới xin, hoặc là nói tóm lại, trong mọi việc, là đều thấy anh ấy quát tháo, hò hét, đòi dẹp cái này dẹp cái khác... Anh ta béo tai con trẻ, nom dòm đàn bà để đừng xảy ra việc nọ việc kia, in tuồng anh là bố chồng người ta ấy... Một bữa nọ, anh đi tua quanh khắp các nhà và ra lệnh không ai được ca hát và tối không được thắp đèn; anh ta giải thích là không thấy có luật lệ nào cho phép hát hỏng...Quan tòa ngắt:- Hãy khoan, sẽ tới lúc các anh dẫn chứng ra sau. Hãy để cho Bi-chi-bép tiếp tục trình bày những gì cần nói ra. Bi-chi-bép, cứ tiếp tục đi! Giọng viên hạ sĩ khàn khàn:- Xin tuân lệnh ngài! Bẩm Cụ Lớn, ngài có hạ cố mà phân xuống rằng ra lệnh cho mọi người giải tán là không phải cái việc của con. Bẩm ngài, cũng cho là như vậy đi! Và giả thử có xảy ra một vài tình trạng hỗn loạn? Thử hỏi rằng có thể để cho mọi người làm loạn không? Xin cho biết xem luật pháp có cho mọi người ai muốn làm gì thì làm không? Thưa ngài, tôi không thể dung tha những cái như thế! Nếu không là tôi bắt họ giải tán đi đi và đe nẹt họ, thì là ai đây? Không một ai am tường những quy chế xác thực và trong làng, bẩm Cụ Lớn, có thể nói rằng chỉ có một mình con là hiểu được cái cách đối xử với cái bọn ti tiện; và bẩm Cụ Lớn, con có thể hiểu tất cả. Con không phải là bần cố nông, mà là hạ sĩ quan ở bộ phận cung cấp nay về hưu trí, đã từng phục vụ ở Vác-xô-vi, tại bộ tham mưu; thêm nữa, xin ngài biết cho là sau khi được chuyển ngành, con có vào lính chữa cháy; rồi vì lý do thiếu sức khỏe và bệnh tật, con không ở đội cứu hỏa, và xin vào làm gác cổng trường trung học sơ cấp chính cống của thanh niên được hai năm... Thưa ngài, các thứ nội quy, tôi đều biết hết thảy. Mà cái đám dân quê đều là những người ngờ nghệch, họ chả nghe thủng cái gì cả; mà họ phải tuân theo tôi bởi vì tôi xử sự như thế là chính vì lợi ích của họ. Xin đưa ra việc này làm ví dụ... Tôi bảo mọi người phải giải tán đi, và trên bãi cát bờ sông lại có cái xác một người chết trôi nằm ềnh ra đó. Tôi xin hỏi rằng kẻ chết kia vin vào cái lý lẽ gì mà nằm ra đó? Cái đó có là trật tự không? Thế trương tuần để làm gì? Tôi mới hỏi trương tuần rằng, tại sao bác không đi trình các quan? Có thể là kẻ quá cố chết trôi kia trẫm mình, hoặc cũng có thể là một vụ xổng tù có dính đến bọn phạm nhân phát vãng đi Xi-bê-ri đó chăng? Có thể lại là một vụ án mạng... Và bác trương tuần Di cũng chả chú ý gì đến; bác ta cứ kéo tiếp mồi thuốc mà nói: “Chuyện chi mà anh cứ làm như là một người ra mệnh lệnh ấy? Cái người truyền lệnh đó, mọc ra từ đâu vậy? Không có anh ta đó thì chúng tôi đây há lại không biết công việc chúng tôi phải làm hay sao?” Vì thế cho nên con mới bảo anh ta là đồ ngu, anh chả biết gì cả, chứng cớ là anh ngồi lì ra đấy mà chả chú ý đến gì hết. Anh ta bảo: “Ngay từ hôm qua, tôi có trình với xã tuần”. Tôi hỏi lại là tại sao lại trình cái việc như thế với xã tuần? Dựa vào điều nào của mặt luật? Xã tuần có thể giải quyết được tới mức nào những vụ chết trôi hoặc bóp cổ, hoặc những vụ na ná như rứa? Tôi bảo hẳn anh ta rằng đây là một vụ án về mặt hình, mặt hộ... Tôi có bảo việc này anh phải cấp tốc cho chạy công văn lên quan dự thẩm và các vị chánh án, tôi nhờ anh cứ làm đúng như thế cho! Và trước hết, xin anh hãy làm một cái biên bản, và gửi lên quan chánh án. Thế là anh ta, một anh trương tuần, cứ nghệt ra mà nghe và nhăn răng cười! Lại cả cái đám bần nông nữa... Bẩm Cụ Lớn, tất cả chúng nó đều cười. Về điểm này, tôi xin thề mà khai như vậy. Người này cười, người nọ cũng cười, và lão Di cười. Tôi vặn họ lại tại sao họ nhe cả răng ra? Thế rồi trương tuần mới đủng đỉnh nói: “Những việc như thế này, không thuộc phạm vi giải quyết của ông chánh án”. Những chữ đó đã làm cho tôi nóng máu lên... Này, - Bi-chi-bép quay hỏi trương tuần Di, này, trương tuần, anh có nói đúng như thế chứ?- Phải, tôi có nói thế.- Mọi người đã nghe rõ anh nói như vậy trước tất cả nhân dân: “Những việc thế này không thuộc phạm vi giải quyết của ông chánh án”. Mọi người đều có nghe thấy! Việc này làm tôi nổi nóng lên, bẩm Cụ Lớn, và tôi lại còn lo sợ nữa. Tôi bảo: “Này người kia, hãy nhắc lại, thử nhắc lại cái câu mày vừa nói!” Và hắn ta đã nhắc lại câu đó... Tôi, tôi liền xông tới phía hắn. Tôi hỏi: “Đối với quan chánh án, tại sao mi dám ăn nói như vậy? Mi là trương tuần, mà mi lại chống lại chính quyền? Hả? Mi có biết rằng, chỉ riêng những lời lẽ như thế, quan chánh án có thể, nếu ngài muốn, tống giam mi ở cục Hiến binh vì tình nghi về thái độ? Phải đó, vì những câu nói có tính chất chính trị như vậy, mi có biết rằng quan chánh án còn cho mi đi tới những đâu nữa không?” Và ông thẩm phán cũng chen vào “Quan chánh án cũng không thể làm quá được ngoài quyền hạn của mình. Chỉ những việc nhỏ là thuộc phạm vi giải quyết của ngài”. Ngay ông ta cũng nói như vậy; mọi người đều nghe cả đó! Tôi bảo: “Sao anh dám hạ uy tín của chính quyền? Mà này, khá chớ có cớt nhả với ta; bằng không, chú kia, sẽ có chuyện chẳng hay xảy ra giờ!” Trước kia, ở Vác-xô-vi, hoặc khi tôi còn gác cổng trường trung học sơ cấp chính cống của thanh niên, mỗi lần tôi nghe thấy những danh từ lệch lạc, là tôi ngó ra ngoài phố xem xem có người lính sen-đầm nào để bảo họ: “Anh kỵ mã, hãy lại đây” và tôi sẽ phản ánh lại hết với anh ta. Nhưng mà, ở làng thì sẽ nói với ai đây?... Tôi liền nổi giận. Sự xao lãng bổn phận trong những cái ngông nghênh và những việc bất phục tùng của mọi người ngày nay đã làm cho tôi phải chướng tai gai mắt; và tôi đã giơ cánh tay lên... dĩ nhiên là không có gì là mạnh quá, nhưng mà nó như thế này này, một cách bình thường, nhẹ nhàng, để cho họ hết ăn nói như thế đối với Cụ Lớn đây... Trương tuần bênh thẩm phán. Và cho nên, tôi đã đánh trương tuần... Và cứ thế đó... Bẩm Cụ Lớn, tôi đã phát khùng lên, nhưng có thể nào mà lại không dùng đến võ lực được không? Người ta thật là có điều không phải với lương tâm khi mà người ta không đánh những đứa ngu ngốc; nhất là khi mà một cái điều... và nếu lại có sự hỗn loạn...- Hãy khoan! Để phòng ngừa những việc rối trật tự, đã sẵn có người hẳn hoi. Về những việc ấy, đã có trương tuần, lý cựu, bá hộ...- Trương tuần không thể trông nom hết được, và anh ta không hiểu hết được những cái mà tôi hiểu thấu...- Nhưng mà anh phải biết rằng đây không phải là cái việc của anh!- Sao, thưa ngài? Không phải phận sự tôi? Thưa ngài, thế này thì dị kỳ thật!... Có những kẻ đứng ra làm loạn, mà lại không dính dáng đến phận sự của tôi! Ý chừng tôi phải khen thưởng họ chắc! Họ kêu ca rằng tôi ngăn cấm họ hát... Mà có gì hay hớm trong các điệu hát? Đáng lý ra phải chuyên tâm vào việc làm ăn, thì họ hát... Rồi họ lại còn vẽ trò ra mà tối tối thắp đèn. Phải đi nằm đi rồi ngủ, thì họ gẫu chuyện và cười cợt! Thưa ngài, tôi có ghi cả đấy!- Anh đã ghi những gì?- Những người nào mà nhà có giong đèn.Bi-chi-bép rút ở túi ra một mảnh giấy nhờn mỡ, chính là mắt kính và đọc:- Những nông dân buổi tối có thắp đèn: I-van, Sa-va, Pi-ốt, mụ Chút là vợ góa một thầy quyền nay ăn nằm bừa bãi với Sê-mi..., I-nhát làm trò tà thuật và vợ y là một con mẹ phù thủy đêm đêm lên đi vắt sữa ở bò mọi nhà.- Thôi được! - Quan tòa truyền.Và ngài bắt đầu hỏi các nhân chứng.Lão quản Bi-chi-bép đẩy cặp mắt kính lên quá trán, ngạc nhiên mà nhìn ông chánh án đã hiển nhiên không đứng về phía lão. Cặp mắt lồi của lão nhấp nhánh; cái mũi lão trở nên đỏ gắt. Lão nhìn quan tòa, nhìn các người làm chứng; lão không thể hiểu được tại sao quan chánh án lại xúc động đến thế, và tại sao từ góc này góc nọ phòng họp lại thấy nổi lên lúc thì những tiếng xì xào lúc thì những tiếng cười cố nén lại. Đối với lão, bản án cũng thật là khó hiểu: một tháng tù ngồi. Lấy làm không hiểu nổi, lão giang cả hai cánh tay:- Sao lại thế được? Luật nào vậy?Cũng đã khá rõ ràng để lão thấy rằng cuộc đời đã chuyển biến và khó mà sống được giữa cuộc đời này. Người lão tràn ngập những ý nghĩ u ám, bi ai. Nhưng ra khỏi phòng và nhác thấy đám nông dân quần tam tụ ngũ bàn tán cái này cái khác, và cũng do tật cũ không sao bỏ được, lão lập chính mà quát, giọng khàn và khùng:- Bọn các người, giải tán ngay!... Không được tụ tập lại! Ai về nhà nấy!Nguyễn Tuân dịch