Nguyễn Đình Thi là một tài năng phong phú và đa dạng. Ông gặt hái thành công ở hầu hết các lĩnh vực âm nhạc, tiểu thuyết, thơ ca, kịch... Ông vừa từ trần hồi 16 giờ 45, ngày 18-4 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Nguyễn Đình Thi năm nay 79 tuổi, tính tuổi mụ thì cũng đã bước vào tuổi 80. Nhưng dáng anh, giọng anh, phong cách sống của anh... lúc nào cũng trẻ, khiến ta khó có thể ngờ được anh đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", và bất thần, đến một lúc nào đó, anh có thể ra đi! Vậy mà, giây phút đó đã điểm, sau một thời gian dài anh đã phải vào nằm trong viện, vì căn bệnh quái ác: ung thư di căn lên não. Ngay những ngày đã không còn được khỏe nữa, vẻ tươi tắn, lịch thiệp, thông minh - vẫn chưa lúc nào rời bỏ anh. Sự điềm đạm, từng trải trong anh làm tất cả những ai ít tuổi hơn anh, đến với anh, đều cảm thấy có gì rất yên tâm, rất dễ cảm thông, gần gũi.Cách đây mấy tháng, anh đã phải nằm viện một lần. Căn bệnh động đến não làm anh có lúc nhớ nhớ, quên quên. Nhưng khi vào thăm anh, tôi nhớ, anh vẫn rất tỉnh táo để nói về công việc nơi anh phụ trách, về thơ, mà anh rất tâm đắc, về một ông bạn già, nhà văn Nhật Bản mới có thư và ảnh gửi thăm anh. Thế rồi, giữa hai đợt phải vào nhập viện, anh khỏe lại và đã đi dự Đại hội Văn học - nghệ thuật Quảng Ninh, thăm vùng mỏ mà anh xiết bao yêu mến từ thời còn trẻ. Tại đại hội ấy, anh đã phát biểu một bài ứng khẩu thật sâu sắc, thật tình cảm, vẫn đúng cái chất hùng biện kiểu Nguyễn Đình Thi, không lẫn vào đâu được. Có lẽ đấy là lần cuối cùng tôi nghe anh phát biểu trước công chúng rộng lớn, với chất lửa da diết của tâm hồn lôi cuốn mọi người. Hôm nay, tất cả đã trở thành quá khứ. Tập thơ Sóng reo, tập thơ cuối của đời anh, kết thúc bằng những câu thơ:Nước mưa đọng đầy mí mắtNgoảnh trông lại đã bạc đầuThoáng đời người tiếng cười khócBay vào vô tận sóng reo! Có thể coi đó là những câu thơ tiên liệu trước của anh, thật bình thản, điềm tĩnh.Nguyễn Đình Thi học ở Hà Nội và tham gia hoạt động yêu nước từ trong phong trào học sinh Hà Nội. Anh đã bị Pháp bắt giam tại Hà Nội năm 1942, tại Nam Định năm 1944.Năm 1945, anh tham gia đoàn đại biểu văn hóa cứu quốc đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam. Sau cách mạng, anh là đại biểu Quốc hội trẻ nhất khóa Quốc hội đầu tiên của đất nước. Anh đã từng làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, gia nhập quân đội là chính trị viên tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 308 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam từ 1958 đến 1990. Từ năm 1995, anh là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.Là một người đa tài, vừa là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà biên kịch, anh đã để lại cho đời hàng mấy chục tác phẩm đầy tâm huyết, là những cống hiến có giá trị cho nền văn học - nghệ thuật hiện đại của đất nước ta. Chúng ta có thể kể: Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ... trong lĩnh vực văn xuôi; Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Dòng sông trong xanh, Sóng reo... trong lĩnh vực thơ; Con nai đen, Hoa và Ngần, Giấc mơ, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng sóng... trong lĩnh vực kịch. Và những bài hát của Nguyễn Đình Thi đã trở thành vô cùng quen thuộc hơn nửa thế kỷ nay, từ Diệt phát xít đến Người Hà Nội... mà ngày ngày, giai điệu những bài hát đã trở thành nhạc hiệu trên đài.Nguyễn Đình Thi không kiêu căng và tự mãn với tất cả những gì anh đã có. Cuối đời, anh viết thật chân thành và khiêm tốn về mình. Sự chân thành của anh làm chúng ta rơi nước mắt. Anh đã sống, đã yêu, đã từng trải đến vậy, thế mà anh lại tự thốt ra:"Tôi không nói được mình đã trải đờiKhông nói được mình đã hiểu ngườiKhông dám nói mình đã biết yêuKhông dám nói mình đã biết sống!" Những câu thơ trên anh đều viết trước khi ra đi không lâu. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh, một tâm hồn tinh tế, khoáng đạt, một nghệ sĩ lớn, luôn luôn tự đòi hỏi sự hoàn thiện ở mình. Anh để lại cho chúng ta những bài học lớn để làm nghệ sĩ và làm người.