Sách này được viết ra từ một cuộc nói chuyện của tôi trong lễ khánh thành Trung tâm khoa học của các sinh viên năm cuối ở Harvard tháng 11 năm 1973. Một người bạn chung, Daniel Bell, đã kể lại cho ông Erwin Glikes, chủ tịch và giám đốc công ty xuất bản “Sách cơ bản” nghe về cuộc nói chuyện đó, và Glikes đã giục tôi biến nó thành một cuốn sách.Đầu tiên tôi không thật say mê với ý đó lắm. Tuy rằng thỉnh thoảng tôi có tiến hành những cuộc nghiên cứu nhỏ về vũ trụ học, công việc của tôi dính líu nhiều hơn đến vật lý của những cái rất bé nhỏ, lý thuyết hạt cơ bản. Ngoài ra, vật lý hạt cơ bản đã tỏ ra sinh động một cách lạ lùng trong những năm cuối đây, và tôi đã tốn quá nhiều thời gian không phục vụ nó, khi viết những bài báo không chuyên môn cho những tạp chí này nọ. Tôi đã rất muốn trở về làm việc toàn bộ thời giờ ở chỗ sinh sống tự nhiên của tôi, là Tạp chí vật lý.Tuy nhiên, tôi đã thấy là không thể ngừng suy nghĩ về những cuốn sách kể về vũ trụ sơ khai. Có gì hấp dẫn hơn là vấn đề “Phát minh trời đất”? Ngoài ra, trong vũ trụ sơ khai, đặc biệt trong phần trăm giây đầu tiên, các vấn đề về lý thuyết hạt cơ bản gắn chặt với các vấn đề về vũ trụ học. Và trước hết, bây giờ là một thời điểm tốt để viết về vũ trụ sơ khai. Đúng trong thập niên vừa qua, một lý thuyết chi tiết về quá trình diễn biến của các sự kiện trong vũ trụ sơ khai đã được công nhận rộng rãi dưới tên “mô hình chuẩn”.Thật là một điều tuyệt vời khi ta kể được về vũ trụ sau giây đầu tiên, hoặc năm đầu tiên. Đối với một nhà vật lý, điều đáng phấn khởi là có thể kể về các sự việc với những con số, là có thể nói rằng ở thời điểm nào đó nhiệt độ, mật độ hay hợp phần hóa học của vũ trụ đạt được những trị số này nọ. Thật ra ta không hoàn toàn thật chắc về mọi vấn đề này, nhưng cũng đáng phấn khởi là bây giờ ta có thể nói về các vấn đề này với một chút tin tưởng nào đó. Sự phấn khởi này là cái mà tôi muốn đưa đến cho bạn đọc.Tốt hơn hết là tôi phải nói sách này dành cho những bạn đọc nào. Tôi đã viết cho bạn đọc sẵn sàng theo dõi vài lập luận chi tiết nhưng không phải thật am hiểu toán học hoặc vật lý. Mặc dầu tôi phải đưa vào một số ý tưởng khoa học khá phức tạp, song không có môn toán học nào được dùng trong sách này ngoài số học mà bạn đọc không cần biết nhiều, thậm chí biết trước gì về vật lý hoặc thiên văn. Tôi đã cố gắng thận trọng định nghĩa các danh từ khoa học khi dùng chúng lần đầu, thêm vào đấy tôi đã cung cấp một bảng từ vựng về các danh từ vật lý và thiên văn. Ở đâu có thể được, tôi đã viết các con số bằng chữ (như: một trăm nghìn triệu) mà không dùng cách ghi khoa học tiện lợi hơn: 10 mũ 11.Tuy nhiên, như vậy không phải có nghĩa là tôi đã cố viết một cuốn sách dễ hiểu. Khi một nhà luật học viết cho những bạn đọc bình thường, ông ta giả thiết rằng họ không biết tiếng Pháp về luật hoặc đạo luật “chống thừa hưởng suốt đời”, nhưng ông ta, không phải vì vậy mà suy nghĩ tệ hơn về họ, và ông không “hạ cố” đến họ. Tôi muốn nói ngược lại: tôi hình dung bạn đọc như một luật sư già khá tinh khôn, ông ta không nói ngôn ngữ của tôi, nhưng dù sao cũng mong đợi nghe vài lập luận có tính thuyết phục trước khi có ý kiến cá nhân.Đối với bạn đọc muốn thấy thực sự vài phép toán làm cơ sở cho các lập luận của cuốn sách này, tôi đã soạn “Phụ trương toán học” liền sau cuốn sách. Trình độ toán học dùng ở đây làm cho các chú thích này có thể hiểu được đối với bất cứ ai có trình độ năm cuối đại học về một khoa học vật lý hoặc toán học nào đó. May thay, các tính toán quan trọng nhất trong vũ trụ học lại có phần nào đơn giản: chỉ có ở chỗ này chỗ nọ các điểm tinh tế hơn của thuyết tương đối rộng hoặc của vật lý hạt nhân mới được dùng chút ít. Những bạn đọc muốn tiếp tục hiểu vấn đề này ở một trình độ cao hơn sẽ tìm được nhiều giáo trình trình độ cao (kể cả của tôi) ghi ở mục “Gợi ý đọc thêm”.Tôi cũng phải nói rõ đối tượng của cuốn sách. Đó chắc không phải là một cuốn sách nói về mọi khía cạch của vũ trụ học. Có một phần “cổ điển” của vấn đề, nói nhiều nhất về cấu trúc của vũ trụ hiện nay ở quy mô lớn: cuộc tranh luận về bản chất ngoài thiên hà của các tinh vân xoắn ốc; sự khám phá ra các dịch chuyển đỏ của các thiên hà xa và sự phụ thuộc của các dịch chuyển đó vào khoảng cách; các mô hình vũ trụ học theo thuyết tương đối rộng của Einstein, de Sitter, Lemaitre và Friedmann; và v. v… Phần này của vũ trụ học đã được mô tả rất hay ở một số sách xuất sắc, và tôi không có ý thuật lại đầy đủ một lần nữa về phần này ở đây. Cuốn sách này nói về vũ trụ sơ khai, và đặc biệt về sự hiểu biết mới về vũ trụ sơ khai dấy lên từ khi khám phá ra phông xa cực ngắn vũ trụ năm 1965.Cố nhiên, thuyết vũ trụ giãn nở là một thành phần quan trọng trong cách nhìn của ta hiện nay về vũ trụ sơ khai, cho nên ở chương II, tôi đã buộc phải giới thiệu ngắn gọn về các khía cạnh “cổ điển” của vũ trụ học. Tôi tin rằng chương đó đã cung cấp một cơ sở thích hợp, dù là cho bạn đọc không quen biết vũ trụ học để hiểu các phát triển gần đây trong thuyết về vũ trụ sơ khai mà phần còn lại của cuốn sách bàn đến. Tuy nhiên, bạn đọc muốn một sự giới thiệu đầy đủ những phần cổ hơn của vũ trụ học thì xin xem các sách ghi trong “Gợi ý đọc thêm”.Mặt khác, tôi đã không tìm ra được một bản tường thuật lịch sử nào có hệ thống về các phát triển gần đây của vũ trụ học. Do đó tôi đã buộc phải đi sâu hơn một chút, đặc biệt về một vấn đề hấp dẫn là tại sao không có sự tìm kiếm nào về phông bức xạ cực ngắn của vũ trụ nhiều năm trước 1965. (Điều này được thảo luận ở chương VI). Như vậy không phải để nói rằng tôi coi sách này là một cuốn lịch sử có tính chất dứt điểm về các phát triển đó - tôi rất tôn trọng sự cố gắng tìm hiểu và sự chú ý đến các chi tiết cần thiết trong lịch sử khoa học nên không thể có một ảo tưởng nào về việc này. Trái lại, tôi sẽ hạnh phúc nếu một nhà sử học và khoa học thật sự nào đó sẽ dùng sách này như một điểm xuất phát và viết một cuốn lịch sử đầy đủ về ba mươi năm cuối đây của các nghiên cứu vũ trụ học.Tôi hết sức cảm ơn Erwin Glikes và Farrell Phillips của công ty “Sách cơ bản” về các gợi ý có giá trị của hai ông trong khi chuẩn bị bản thảo này để xuất bản. Tôi cũng đã được giúp nhiều hơn là tôi có thể nói ra khi viết cuốn sách này, bởi vì những gợi ý thân thiện của các bạn đồng nghiệp của tôi về vật lý và thiên văn. Tôi muốn đặc biệt cảm ơn Ralph Alpher, Bernard Burke, Robert Dicke, George Field, Gary Feinberg, William Fowler, Robert Herman, Fred Hoyle, Jim Peebles, Arno Penzias, Bill Press, Ed Purcell và Robert Wagoner về việc các ông bận tâm đọc và phát biểu về các phần của cuốn sách. Tôi cũng cảm ơn Isaac Asimov, I. Bernard Cohen, Martha Liller và Phillips Morrison vì đã cho thông tin về một loạt vấn đề đặc biệt. Tôi đặc biệt biết ơn Nigel Calder vì đã đọc suốt bản thảo đầu tiên, và đã cho những lời bình luận xác đáng. Tôi không thể hy vọng rằng cuốn sách này bây giờ hoàn toàn không có những chỗ sai hoặc tối nghĩa, nhưng tôi chắc là nó rõ và chính xác hơn nhiều so với trường hợp nếu nó không được sự giúp đỡ rộng lượng mà tôi đã may mắn nhận được.
Steven WeinbergCambridge, MassachusettsTháng 7/1976