|
Ông Yeltsin và Clinton. |
Cuối tháng 4/1994, cựu tổng thống Richard Nixon qua đời, đúng một tháng một ngày sau khi viết cho tôi một bức thư rất đặc biệt, dài bảy trang, về chuyến đi của ông tại Nga, Ukraine, Đức và Anh [...].
Ông lo ngại về tình hình chính trị của tổng thống Yeltsin và tinh thần bài Mỹ đang gia tăng trong Viện Đuma (1). Ông kêu gọi tôi hãy quan hệ thân thiện với ông Yeltsin nhưng cũng nên giữ liên lạc với những thành phần dân chủ tại Nga; cải thiện mục tiêu và cách điều hành viện trợ quốc tế của Mỹ; và đưa một doanh gia lên điều hành việc vận động nhiều đầu tư của các công ty tư nhân vào Nga.
Là tổng thống Mỹ đầu tiên của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, Bill Clinton đã đứng trước bài toán làm sao lèo lái nước Nga mới theo quĩ đạo của Mỹ. Hồi ký "Đời tôi" cho thấy sự can thiệp rất sâu của chính quyền Clinton vào nền chính trị Nga, kể cả vấn đề nhân sự. Tổng thống Boris Yeltsin đã buộc phải có hàng loạt thỏa hiệp với Mỹ để chống đỡ nền kinh tế trên đà sụp đổ và làn sóng phản ứng trong nước. Đọc Đời tôi, người ta hiểu rõ hơn trong bối cảnh nào mà NATO đã mở rộng sang phía đông, lá bài cuối cùng trong việc hoàn tất một thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. |
Nixon cho rằng nhân vật quốc gia quá khích Zhirinovsky (2) nên bị lột mặt nạ "vì những sự giả dối của ông ta", rằng chúng tôi nên "tìm cách chia rẽ bọn xấu như Zhirinovsky, Rutskoi (3) và tìm cách kết hợp những người tốt như Chernomyrdin (4), Yavlinski, Shahrai, Travkin (5) để có một mặt trận thống nhất cho việc cải cách ở nước Nga". Sau cùng, Nixon cũng khuyên Mỹ không nên trải tiền viện trợ ra khắp Liên bang Xô Viết cũ mà chỉ chú trọng đến Ukraine ngoài nước Nga, vì Ukraine là "không thể thiếu được".
Tháng 12/1994, tôi đến Budapest, Hungary và chỉ ở lại trong vòng tám giờ để tham dự cuộc họp về an ninh và hợp tác tại châu Âu và ký một loạt thỏa ước về giải giới hạt nhân với Yeltsin, thủ tướng Major (6) và các tổng thống của Ukraine, Kazakhstan, Belarus. Việc này đáng lẽ sẽ đưa đến những thông tin lạc quan của giới truyền thông [...].
Thế nhưng, từ Budapest, các tin tức nóng hổi lại là việc ông Yeltsin đọc bài diễn văn chỉ trích tôi đã thay Chiến tranh Lạnh bằng "hòa bình lạnh" khi tìm cách thúc đẩy khối NATO thu nhận các quốc gia Trung Âu để nhanh chóng mở rộng.
Vì không ngờ ông Yeltsin có thái độ này, hơn nữa là ông lên tiếng sau bài diễn văn của tôi, tôi rất ngạc nhiên và giận dữ. Tôi không hiểu đã làm điều gì để ông Yeltsin bực mình và cũng không có cơ hội để trả lời. Rõ ràng các phụ tá của ông Yeltsin đã làm cho ông ta tin rằng NATO sẽ nhận Ba Lan, Hungary và Czech vào năm 1996 - thời điểm mà ông phải ra tranh cử với thành phần quốc gia quá khích, những người không muốn thấy có sự bành trướng của NATO; còn tôi thì sẽ phải đối đầu với phía Đảng Cộng hòa ở Mỹ, những người ủng hộ việc này. [...]
Đầu năm 1997, tôi đi Helsinki để gặp Yeltsin. Ông ta vừa tái đắc cử và NATO sắp sửa bỏ phiếu thu nhận Ba Lan, Hungary và Czech. Chúng tôi phải nghĩ ra một phương cách nào đó để hai bên có thể thỏa thuận được với nhau. Tại bữa dạ tiệc do tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari khoản đãi, tôi cảm thấy mừng là ông Yeltsin có thái độ thân thiện và khỏe mạnh sau ca mổ tim vừa qua.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu làm việc. Khi tôi nói với Yeltsin rằng tôi muốn cả hai điều, bành trướng khối NATO và ký một thỏa ước với Nga, ông đã đòi hỏi tôi phải bí mật hứa với ông là giới hạn sự phát triển trong tương lai của khối NATO đến các quốc gia trong khối Warsaw mà thôi, và chừa ra những quốc gia từng ở trong Liên bang Xô viết cũ như các quốc gia vùng Baltic và Ukraine.
Tôi nói rằng tôi không thể nào làm như vậy vì trước hết là không thể giữ bí mật mãi được, thứ đến là làm như vậy sẽ làm thương tổn uy tín của cả hai bên. Sự phát triển của NATO ngày nay không để chống Nga mà để đương đầu với những mối đe dọa mới cho hòa bình và sự ổn định tại châu Âu.
Nhưng Boris Yeltsin vẫn sợ về những phản ứng nội bộ trong nước liên quan đến việc bành trướng của khối NATO. Có một lúc, khi chỉ có hai người, tôi hỏi riêng Yeltsin: "Boris, ông thật sự nghĩ là tôi sẽ để cho NATO từ các căn cứ ở Ba Lan đánh vào nước Nga hay sao?". "Không - ông ta trả lời - Tôi không sợ, nhưng có rất nhiều người lớn tuổi sống ở vùng tây nước Nga và họ thật sự tin tưởng vào các lời nói của Zyuganov (7)".
Ông Yeltsin nhắc cho tôi nhớ rằng không giống như Hoa Kỳ, nước Nga đã hai lần bị xâm lăng - từ Napoléon và Hitler - và cơn sốc của hai cuộc xâm lăng này vẫn còn đè nặng lên tâm lý của người dân Nga; do đó cũng ảnh hưởng đến chính sách nội bộ.
Tôi nói với ông Yeltsin rằng nếu ông đồng ý để cho NATO phát triển và có được sự hợp tác giữa NATO với Nga, tôi sẽ cương quyết không để việc bố trí quân NATO hay đặt tên lửa trong các quốc gia thành viên mới, đồng thời sẽ hỗ trợ Nga để trở thành hội viên của khối G-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác. Nhờ sự tương nhượng lẫn nhau này, chúng tôi đã có thể ký kết một thỏa ước chung.