Dịch giả Cao Xuân Hạo
CHƯƠNG VII

Ở một nơi nào đó trên lãnh địa của Leoncio, có một thứ lán không có trần và không có sàn, dành làm nơi làm việc cho những người nô tỳ chuyên nghề quay sợi và dệt len hay bông vải. Trong lán chỉ có dăm chiếc ghế đẩu, ghế dài, mấy cái xa quay sợi, mấy con suốt quấn chỉ và một cái khung cửi rất lớn đặt ở một góc.
Những người nô tỳ quay sợi ngồi suốt dọc theo chiều dài của căn lán quay mặt về phía những khung cửa sổ rộng có chấn song trông ra sân sau. Da đen, da trắng, hay lai giống, nhiều người trong bọn họ đem theo cả con nhỏ, đứa thì địu trên lưng, đứa thì bò lê la giữa đất bên cạnh mẹ. Người thì nói chuyện phiếm, người thì hát khe khẽ để làm nhẹ bớt nỗi mệt mỏi của những giờ làm việc dài đằng đẵng. Ở đây có đủ các lứa tuổi, đủ các màu da, từ mụ già Phi châu móm mém và cáu bẳn cho đến cô gái lai mới dậy thì có những đường tròn hấp dẫn, từ cô nô tỳ đen như hạt huyền cho đến cô gái lai gần như da trắng.
Trong số này có một cô mà hễ ai vào đây cũng phải nhìn. Đó là người con gái xinh tươi và duyên dáng nhất mà sức tưởng tượng của con người có thể hình dung được. Cô có một thân hình thon thả và mềm mại, một khuôn mặt thanh tú với đôi môi hơi dày nhưng đường nét rất đẹp. Tóc cô đen và lượn sóng ánh lên dìu dịu như tóc của một phụ nữ thượng lưu. Cô cắt tóc rất ngắn, nhưng kiểu tóc này không những không làm giảm sắc đẹp của cô mà lại còn làm cho gương mặt tươi cười và tinh nghịch của cô có thêm một cái gì vừa duyên dáng vừa hấp dẫn lạ thường. Nếu không có những chiếc vòng vàng đính vào tai và bộ ngực tròn trĩnh mà người ta có thể đoán biết dưới làn áo, cô sẽ giống một chàng thiếu niên láu lỉnh và táo bạo. Chỉ lát nữa ta sẽ biết cô gái mang tên Rosa duyên dáng này là ai.
Qua tiếng quay vù vù của mấy chiếc xa, tiếng hát khe khẽ đơn điệu của mấy cô quay sợi, nhịp điệu dòn dã của cái khung cửi hoạt động không ngừng, tiếng reo và tiếng khóc của trẻ con, nếu lại gần ta vẫn có thể nghe lỏm được câu chuyện của mấy người thợ quay xa đang to nhỏ với nhau. Rosa ngồi trong đám này.
-Các bạn ạ, - một bà già lai da đen, thông thạo tất cả những chuyện bí mật của trang viên từ thời các cụ cố, nói với các cô thợ, - bây giờ, khi lão chủ nhân đã chết và cô chủ trẻ Malvina đã bỏ về nhà bố mẹ, chúng ta sẽ thực sự nếm mùi khổ ải của kiếp nô tỳ đấy.
- Bà nói thế là có ý gì, hở bà Joaquina?
- Có ý gì ấy à? Rồi các cô sẽ hiểu ngay thôi. Các cô đều biết Don Almeida nghiệt ngã ra sao rồi. Nhưng tôi e rằng ông chủ trẻ sẽ làm cho chúng ta tiếc thời ông cụ còn sống đấy. Giá không phải thế, giá tôi nghĩ sai thì may quá!
- Nếu bà nói đúng thì chúng ta chết quách ngay bây giờ còn hơn.
Ông chủ trẻ sẽ dẹp hết công việc xe chỉ, dệt len, - bà già nói tiếp. - Ông ấy định cho cả lũ đàn bà chúng ta ra làm đồng từ sáng cho đến chập tối, bắt chúng ta đi hái cà phê ở các đồn điền, dưới ngọn roi da của ông quản lý. Rồi các cô xem. Ông chủ chỉ thiết đến cà phê thôi, vì chỉ có món ấy mới có lời.
- Nói thật, tôi cũng chẳng biết đàng nào hơn, - một nô tỳ khác nói, - đi làm đồng hay phải ngồi lỳ ở đây từ sáng đến tối. Có lẽ đi làm đồng thế mà tự do hơn.
- Tự do hơn ấy à? Cô đùa đấy chứ! - một người thứ ba bác lại. - Tôi thấy ngồi dệt còn sướng gấp nghìn lần. Ít ra ở đây mình không phải chịu đựng lão quản lý chết tiệt ấy.
- Chỉ vớ vẩn thôi các cô này! - bà già lai kêu lên. - Làm gì mà chẳng thế? Cũng là thân phận nô tỳ cả. Ai đã không may sinh ra làm nô lệ cho một ông chủ ác thì chỉ có khổ một đời, dù làm chổ này hay chổ khác. Làm sao Trời lại có thể sinh ra kiếp nô lệ? Đây chỉ có thể là một trò do quỷ Satan bày ra thôi. Các cô không biết chuyện bà Juliana sao? Bà mẹ của Isaura ấy mà?
Một cô thợ quay ra ngắt lời:
- À, Isaura bây giờ ra sao rồi nhỉ? Hồi phu nhân Malvina còn ở đây, cô ta toàn hầu hạ ở phòng khách. Nhưng bây giờ thì sao?
- Bây giờ, - Rosa ném ra, giọng nhạo báng, - bây giờ thì cô ta tưởng mình là Malvina.
- Im đi cô bé! - bà già lai mắng, - mày chỉ nói bậy! Tội nghiệp cho Isaura. Cầu Chúa phù hộ cho mày khỏi lâm vào tình cảnh của con bé khốn khổ ấy! Các cô không biết chứ mẹ Isaura đã đau khổ đến nhường nào…Don Almeida đối với bà ấy thật tồi tệ hết sức. Lạy Chúa tha tội cho ông ta! Thế rồi bây giờ mọi việc dường như đều lập lại y hệt như thế với ông Leoncio và Isaura. Hồi ấy Juliana xinh đẹp mà hấp dẫn lắm. Da bà cũng trắng như Rosa, nhưng bà ấy xinh hơn, người đẹp hơn nhiều.
Rosa bĩu môi ra dáng khinh khỉnh. Bà già nói tiếp.
- Chính vì thế mà khốn khổ. Tôi đã kể cho các cô nghe sự việc xảy ra như thế nào. Chính sắc đẹp đã là nguyên nhân của tất cả những nỗi khổ của Juliana, và cuối cùng đã làm cho bà ấy chết oan chết uổng. Miguel, bố Isaura, hồi ấy là quản lý của điền trang này. Ông ấy rất tốt, ai cũng phải mến trọng. Với ông ấy, làm việc rất dễ chịu. Khi Francisco vào thay ông ta là tai hoạ bắt đầu; đó là con người tàn ác nhất trong nhà này. Như tôi đã nói, Miguel yêu Juliana lắm lắm. Ông ta làm cật lực để có tiền chuộc Juliana, nhưng điều đó làm cho ông chủ phật lòng. Ông ta nổi cơn lôi đình, đuổi thẳng ông Miguel đi.
Bà già im lặng, trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi nói tiếp:
- Ít lâu sau Juliana chết vì chịu không nổi công việc nặng nhọc và vì bị hành hạ quá sức. Còn Isaura lúc bấy giờ đang còn bú, đã thành đứa bé mồ côi. Bà chủ cũ nhận nó về săn sóc - cầu Chúa nhận lấy linh hồn bà ta! Giá không có bà, không biết nó sẽ ra sao. Nhưng nếu Chúa cũng gọi nó về luôn có lẽ còn hơn.
- Sao thế bà Joaquina?
- Vì tôi thấy cứ cái cung cách mở đầu như thế này thì rốt cục thế nào cũng lại kết thúc đúng như mẹ nó mà thôi.
- Thế là đáng rồi chứ còn gì nữa? - Rosa lẩm bẩm, giọng hằn học. - Nó làm ra vẻ ta đây, nó khinh miệt chúng tôi vì nó được hầu hạ trên phòng khách. Thế rồi bây giờ lại lên mặt vì được nhiều người tán tỉnh! Kể từ khi bố nó tìm cách chuộc lại tự do cho nó, nó cứ tưởng đâu nó đã là một tiểu thư rồi. Tội nghiệp ông Miguel! Chẳng có lấy một đồng xu, thế mà phải nai lưng ra làm chết thôi để chuộc nó!
Bà già lại ném về phía Rosa một cái nhìn chê trách.
- Lưỡi mày thật như lưỡi rắn ấy con ạ! Sao mày lại ghét nó? Con bé Isaura nó ngây thơ vô tội hết sức, và tuy được dạy dỗ như thế mà nó có hề khinh rẻ ai đâu? Tính nó không thể khinh rẻ ai được. Giá mày ở vào địa vị nó thì lười biếng như mày, sẽ còn tệ hơn gấp mười ấy!
Rosa trạnh lòng cắn môi ngồi im. Cô ta toan cãi bà Joaquina thì một giọng ồm ồm vang lên trong lán, cắt đứt câu chuyện của mấy người quay xa.
- Im lặng! Đừng có nói chuyện nữa! Vậy ra chúng bay chỉ làm việc bằng mồm thôi hay sao?
Một người dáng vóc vạm vỡ, gương mặt nghiêm khắc đóng khung trong một bộ râu đen sì, đứng ở ngưỡng cửa. Đó là Francisco, viên quản lý. Sau lưng hắn là một cô gái lai tay cầm cái xa quay sợi: đó là Isaura.
Đám nô tỳ vội vã đứng dậy chào viên quản lý. Hắn cho đặt cái xa vào một góc lán. Isaura ngán ngẩm đến cùng cực khi thấy rằng mình sẽ phải ngồi bên cạnh Rosa.
Viên quản lý quay sang Isaura nói:
- Đến đây mà ngồi. Từ nay chổ của mày là ở đây. Xa của mày đây. Các bạn mày sẽ chia việc cho mà làm. Hình như mày không thích chổ này lắm thì phải. - Viên quản lý cười gằn khi thấy Isaura có vẻ ngại ngần. - Tao biết làm thế nào được: Ông chủ muốn thế! Nào, dọn chổ mà ngồi, và hãy coi chừng. Phải làm cho nhanh, không được để mất thì giờ vào những câu chuyện phiếm vô bổ.
Isaura không trả lời. Nàng ngồi xuống cạnh chiếc xa và lập tức bắt tay vào việc. Tuy vốn quen với những công việc tinh vi hơn, nàng cũng biết quay sợi, dệt vải, giặt, là và nấu ăn không kém gì các cô nô tỳ khác. Nàng ngồi xuống cạnh các bạn gái với cái vẻ ung dung thường có của nàng trong khi làm bất cứ việc gì. Chỉ có một thoáng u buồn và cam phận - dấu vết của những nỗi lo âu vừa đến với nàng - phảng phất trên cái nét mặt của nàng, nhan sắc lộng lẫy và những tài năng phong phú mà nàng không hề lấy gì làm hãnh diện, chẳng giây phút nào làm cho nàng quên thân phận của mình, nhưng khoé nhìn, cách ăn nói, dáng dấp cử chỉ của nàng đều bất giác để lộ ra trước mắt mọi người một thế ưu việt không thể nào chối cãi. Nhìn nàng, không ai có thể đoán ra được rằng nàng không phải là người tự do. Hẳn người ta phải nghĩ rằng nàng là một cô gái con nhà khá giả thỉnh thoảng xuống làm việc với đám nô tỳ chút ít cho đỡ buồn.
Phần lớn các nô tỳ đều nhìn nàng với một ý tò mò chứa chất lòng thương xót; chỉ có Rosa là ghét nàng và ganh tị với nàng. Thiết tưởng ở đây cũng nên nói đôi lời về những nguyên nhân của tình trạng này.
Đây không phải chỉ là một sự ghen ghét bình thường, mà quả là một mối căm thù cay độc. Thật vậy, Rosa từ lâu vốn là người được Leoncio ưa chuộng. Cậu chủ đã được Rosa chiều theo mọi sở nguyện mà chẳng cần van nài hay doạ nạt gì cả. Nhưng từ khi mê Isaura, Leoncio đã bỏ rơi cô gái mà chàng đã chinh phục được một cách quá dễ dàng. Rosa tủi nhục sâu xa, nhưng vì không thể làm gì cậu chủ cả, cho nên đã thề độc là sẽ trả thù kẻ tình địch của mình.
Isaura vừa ngồi xuống cạnh Rosa thì cô này đã bắt đầu ném ra những câu nói kháy và những lời mai mỉa.
- Tội nghiệp Isaura quá, tôi thấy thương cô lắm.
- Thật à? - Isaura nói. Nàng đã tâm niệm là sẽ đáp lại tất cả những sự khiêu khích bằng thái độ dịu hiền và nhường nhịn mà nàng đã quen. - Tại sao chị thương em?
- À, thì tôi cũng nghĩ là đang làm ở phòng khách mà phải đổi về ở nhà lều, phải đổi những chiếc đi - văng êm ái lấy những cái ghế gỗ, đổi chiếc dương cầm và những chiếc đệm xa tanh lấy cái xa quay sợi thô kệch này kể cũng chẳng dễ chịu mấy. Tại sao cô bị đuổi thế?
- Chẳng có ai đuổi em cả, chị Rosa ạ, chị cũng thừa biết đấy. Malvina về nhà bố với cậu em trai rồi, cho nên ở phòng khách chẳng có việc gì cho em làm nữa. Đương nhiên là họ phải cho em về đây làm việc với các chị.
- Tại sao Malvina quý cô thế mà không đưa cô theo? Thôi đừng dối quanh nữa Isaura ạ, tôi biết hết rồi. Chỉ tại cô bắt đầu tự coi mình như cô chủ, cho nên người ta mới cho cô về đây để nhắc cho cô nhớ lại ngôi thứ của cô.
- Chị chẳng biết gì đâu, chị ạ, - Isaura mỉm cười đáp. - Chị tưởng hàng ngày chung đụng với người da trắng ở phòng khách em sung sướng lắm sao? Chị nhầm quá…Vả lại nếu chị đừng nói với em những lời lẽ không hay như thế, thì em tin chắc là em sẽ hoàn toàn bằng lòng với cảnh sống ở đây.
- Nói thế thôi, chứ làm sao cô lại có thể vui thích khi sống ở một nơi chẳng có lấy một cậu chủ nào để mà yêu cả?
- Chị Rosa này, nào em có làm gì chị đâu? - Isaura thở dài. - Sao chị cứ nói những điều khó nghe như thế?
- Ô! Cô bạn thân mến, xin cô đừng giận, - Rosa vẫn nói giọng giễu cợt. - Thôi thì tôi xin lỗi vậy tiểu thư Isaura ạ, tôi cứ tưởng là cô để lại những cung cách lịch sự ở phòng khách rồi.
- Chị muốn nghĩ sao cũng được, - Isaura đáp, - chứ em thì xưa nay bao giờ cũng chỉ là một con nô tỳ, chẳng khác gì chị. Chị nên nhớ lấy điều đó: hôm nay thì biết người ta cho mình làm ở đây, nhưng ngày mai thì chỉ có trời biết họ sẽ bắt mình đi làm ở đâu. Thôi, chúng mình làm việc đi, vì đó là bổn phận của chúng mình đừng nói chuyện phiếm mất thì giờ.
Vừa lúc ấy có tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa. Đám nô tỳ ngừng tay đứng dậy.Chỉ có một mình Isaura vẫn ngồi yên, tiếp tục quay xa. Rosa nói, giọng giễu cợt:
- Kìa Isaura, không nghe thấy gì à? Đến giờ rồi, đi ăn xúp thôi!
- Chị để mặc em, Rosa ạ, em không đói, - Isaura đáp. - Em đến làm muộn hơn các chị, em muốn nhân thể làm bù.
- Cô nói phải đấy, một tiểu thư như cô sao lại có thể ăn chung với đám nô tỳ. Cô để tôi bưng lên một liễn xúp nhé? Hay một chén sô-cô-la?
- Thôi đi! - bà già lai đột nhiên can thiệp vào ( hình như bà ta có trách nhiệm trông coi cả đám thợ quay xa ) - Mày để cho nó yên đi, cái con lưỡi rắn độc kia, đi ăn đi!
Họ ra khỏi lán, để Isaura ngồi lại với cái xa quay sợi và với những suy tư buồn bã của nàng. Tay nàng thẫn thờ nắn con cúi bông như cái máy. Bàn chân thanh tú của nàng, để trần trong chiếc dép da, nhấn đều đều lên bàn đạp, cho xa quay. Vầng trán cúi thấp và đôi mi cúp xuống khiến cho gương mặt nàng buồn rười rượi. Trong cái tư thế ngồi hết sức giản dị này sắc đẹp của nàng dường như lại càng thêm lộng lẫy.
- Trời ơi! - nàng nghĩ thầm, dù đã đến đây mình vẫn không tìm thấy được sự thanh thản. Mọi người dường như đã cam kết với nhau quyết làm cho đời mình không sao sống nổi! Ở phòng khách thì mấy người da trắng cứ theo tán tỉnh mình. Đến đây những tưởng có thể sống yên ổn với các bạn cùng thân phận, thì lại có cái cô Rosa, không biết vì ghen tị hay vì lý do gì khác cứ nhè mình mà châm chọc mỉa mai. Rõ ràng là khi đã không may phải chịu thân phận nô lệ, thì ít ra cũng phải có được cái may mắn là mặt mày thật xấu xí mới mong sống nổi!
Một tiếng kẹt của cánh cửa ra vào cắt ngang dòng suy tưởng của Isaura. Ngước mắt lên, nàng trông thấy một người đàn ông bước về phía nàng.
Trời ơi! - Isaura nghĩ thầm, - người ta lại đến quấy rầy mình. Không thể có lấy một lúc nào được ngồi lại một mình!
Đó là Andre, người đầy tớ ban nãy đi theo viên quản lý đến lán. Hắn đến đứng sừng sững trước mặt Isaura.
- Chào người đẹp! khoẻ mạnh chứ? - hắn hỏi, giọng đầy ẩn ý.
- Khoẻ, - Isaura đáp xẵng.
- Trông cô có vẻ không hài lòng lắm. Kể ra cũng phải. Nhưng đằng nào rồi cô cũng phải cố quen dần với tình cảnh mới. Dù sao đối với một người đã quen sống trong nhung lụa, giữa đám hoa thơm, mà bỗng dưng lại phải ngồi giữa bốn bức tường bẩn thỉu sực mùi nến và mùi mồ hôi, cũng chẳng dễ gì.
- Miễn anh đừng thừa dịp quấy phiền tôi.
- Tôi đời nào lại làm thế! - người đàn ông cãi lại - Ngược lại tôi thật lấy làm phiền lòng rằng một cô gái đẹp như cô, đáng được sống trong cảnh giàu sang lại phải chen chúc giữa đám mọi đen kinh tởm này. Ông chủ thật là một người nhẫn tâm.
- Thế thì có dính dáng gì đến anh? Tôi ở đây là đúng chỗ rồi.
- Cô thừa biết là không đúng. Nhưng tôi thì tôi lại thấy mừng.
- Sao thế?
- Cô đã hỏi thì tôi cũng xin thưa: tôi rất thích cô. Ít nhất là ở đây chúng mình có thể tự do chuyện trò.
- Ra thế! Tôi xin nói trước với anh rằng tôi không muốn nghe chuyện của anh.
- Xem kìa! - Andre thốt lên, rất tức tối khi thấy mình bị gạt đi như vậy. - Tiểu thư chỉ thích nghe những lời tình tự thì thầm trong phòng khách mà thôi. Cô bé ạ, cô phải biết rằng những chuyện ấy đã chấm dứt rồi. Còn như ở đây, chẳng có thằng nào bén gót tôi đâu. Cô thử nhìn mà xem, tôi ăn mặc rất tử tế. Với lại, - hắn vừa nói thêm vừa nắn nắn lại túi quần, - lúc nào trong người tôi cũng có một số tiền kha khá. Rosa khoái tôi lắm đấy. Rosa cũng khá xinh, nhưng so với cô thì…Giá cô biết tôi khao khát cô như thế nào, cô sẽ không hắt hủi tôi như thế. Isaura ạ, nếu em muốn…
Vừa nói thì thầm bằng một giọng dịu dàng âu yếm, hắn vừa xán gần đến Isaura, rồi quàng tay qua cổ nàng như muốn rỉ tai điều gì, và toan ôm hôn nàng. Isaura đẩy mạnh hắn ra.
- Thôi đủ rồi. Anh đi ngay đi, không tôi mách với ông Leoncio bây giờ.
- Đừng giận, Isaura ạ, - Andre vội lùi ra, nói lắp bắp, - tôi không có ý muốn xúc phạm đến cô. Được rồi, tôi sẽ đi, nhưng xin Isaura chớ nói cho ai biết. Ông chủ mà biết được thì tôi bị treo cổ như chơi.
Nói đoạn Andre ra khỏi lán, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Chắc chắn là ông chủ đã vượt xa mình rồi.
Isaura suýt khóc oà lên. Nô lệ cũng chẳng hơn gì chủ nhân, đều muốn quấy rầy nàng. Bây giờ nàng đã có đến bốn kẻ thù, đều nguy hiểm như nhau: ba người đàn ông muốn gạ gẫm nàng, và một người đàn bà kình địch với nàng. Đối với nô lệ thì nàng còn có thể dễ dàng đối phó, chứ đối với ông chủ thì biết làm sao đây?
Đúng lúc ấy, Leoncio bước vào lán, có viên quản lý đi theo. Lúc bấy giờ Isaura đang ngồi bưng mặt, lòng tràn đầy những cảm nghĩ cay đắng, không để ý thấy hai người mới vào.
- Những nô tỳ thường làm ở đây đi đâu hết rồi? - Leoncio hỏi viên quản lý.
- Đi ăn rồi ạ, - Francisco đáp. - Cũng sắp về rồi đấy ạ.
- Hình như còn lại một người thì phải. À, té ra là Isaura! Leoncio nghĩ bụng: “ Thật là một tình cờ may mắn. Ta thử một lần nữa xem sao, may ra có thể làm xiêu lòng con đàn bà băng giá này “. Bèn nói với viên quản lý:
- Hễ chúng ăn xong, anh đưa chúng đi hái cà-phê nhé. Cho chúng làm ở cái lán này chẳng được tích sự gì. Chỉ nói chuyện phiếm suốt buổi, không cần xe dệt gì nữa. Vải vóc ở vùng này mua đâu chẳng được?
Viên quản lý vừa quay đi, Leoncio đã đến cạnh Isaura.
- Isaura…- chàng dịu dàng gọi.
- Dạ, - người nô tỳ vừa đáp vừa đứng phắt dậy. Nàng thấy trong lòng trống hoắc đi, và thầm tự nhủ: - Lạy Chúa! Giờ cực hình đã điểm.