Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ... Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay là Hà Sơn Bình). Ông dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm, và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết. Sau khi đậu xong Cao Đẳng tiểu học, ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ; chịu sự dẫn dắt của Thế Lữ, bắt đầu nổi tiếng nhờ thi phẩm Kỳ Nữ mà Thế Lữ in trong truyện Trại Bồ Tùng Linh. Đinh Hùng di cư vào Sài Gòn năm 1954, chủ trương nhật báo Tự Dọ Ông mất ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư ruột. Từ nhỏ ông đã quen dùng nha phiến làm nguồn kích thích thi hứng. Tác phẩm tiêu biểu: 2 tập thơ Mê Hồn Ca (1954) và Đường Vào Tình Sử (1961 -- Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về Thi Ca năm 1962); tiểu thuyết dã sử Cô Gái Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La...; kịch Cánh Tay Hào Kiệt, Phan Thanh Giản. Sở trường của Đinh Hùng là thơ Tượng Trưng. Thơ ông trau chuốt, gọt dũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma. Ông cũng có những tác phẩm đài các, sang trọng đến lạ lùng. Tạ Tỵ gọi Đinh Hùng là nhà thơ với "cơn mê trường dạ". Hoàng Phủ Ngọc Tường thì lại chê thơ Đinh Hùng "lòe loẹt, ghê ghê như son phấn".