Năm tôi bỏ nhà đi bộ đội, thằng Bảy em tôi mới lên tám. Thằng bé có mái tóc tơ, da trắng trẻo, môi hồng như con gái. Bây giờ ngồi trước mặt tôi là một thằng đàn ông già trước tuổi. Già vì da mặt phong trần, vì râu và ria bồm xồm cả mặt mũi. Chỉ có đôi mắt còn sáng, còn tinh anh, lanh lợi. Chưa đến bốn mươi mà cha của bầy con mười hai đứa, lóc nhóc đầy sân đầy nhà.
- Đẻ gì mà đẻ dữ vậy, Bẩy.
- Có gì mà nhiều, anh Năm.
- Như vậy mà chưa thấy đủ sao anh, Bẩy?
Hai hàm răng nó lóe lên trong lùm râu ria.
- Nếu chưa giải phóng thì em còn đẻ nữa, anh biết tại sao không? Ơở miền Nam này, trong quân đội cộng hoà của tụi em có cái gọi là "gia cảnh". Gia cảnh là cảnh gia đình đông con, khó khăn, thằng nào đông con như em tức là gia cảnh thì khỏi ra mặt trận, anh Năm hiểu chưa? Cho nên em phải đẻ tì tì, mỗi lần về phép là một đứa, nhờ vậy mà em được cầm máy chụp hình. Em chụp từ Thiệu cho tới thằng binh nhì, chụp đủ mặt tướng tá, đầy cả một rương.
- Hình đó đâu rồi?- Tôi hỏi.
- Đốt hết rồi.
- Sao lại đốt?- Tôi nói như thét vào mặt nó.
- Để làm gì? Người ta xét nhà, ở tù rục xương.
- Sao lại ở tù? Mày mất bao nhiêu triệu mày biết không?
- Dữ vậy sao? Anh cần à?
- Không phải tao. Đó là tư liệu quý. Ví dụ, nay mai người ta quay phim về quân đội cộng hoà, người ta rất cần để nghiên cứu, để tham khảo, đến lúc cần, bao nhiêu người ta cũng mua.
- Vậy sao? Thôi đừng tiếc nữa, anh Năm. Ba mươi năm khói lửa, anh em còn gặp nhau là quý rồi.
- Rõ ràng là nó không hề tiếc gì mấy tấm ảnh.
Nó ngước nhìn trời.
- Cũng tới giờ lai rai rồi anh Năm, anh ở lại lai rai với em.
Hai anh em gặp nhau, mừng mà sao buổi chiều ngoại ô lại ảm đạm quá. Mây đen u ám, gió lao.
Nó quay vào bếp:
- Nhà còn gì không?
Tiếng vợ nó trong bếp vọng ra:
- Còn mấy con khô sặc với dưa leo.
Nó hét:
- Thằng Nghiêm đâu?
- Dạ.
- Ra hè, hái cho ba vài nhánh sầu đâu mau lên. Khô sặc trộn với sầu đâu, cha mình thích lắm đó, anh Năm.
Hai anh em ngồi trước sân. Nó bỏ ô mai vào chai rượu trắng. Thấy tôi nhìn, nó bảo:
- Rượu ngâm ô mai vừa thơm vừa không say. Một lít mới ngà ngà...
Sau vài ly rượu, nó kể:
- Năm mười sáu, cha cho em theo nghề thợ bạc của mình. Cha làm đồ dũa, cha cho em học chạm. Khi em thành nghề, nói không phải khoe, em là thằng thợ chạm giỏi nhất xứ này. Thợ hồ, thợ sửa xe, thợ giầy, thợ nào cũng thợ nhưng thợ bạc là thợ sang nhứt. Em làm ăn khá, chưa giàu thì bị bắt lính. Không biết ngày nào chôn xác, em cưới vợ, rồi xoay qua nghề chụp hình.
- Bây giờ còn chạm được không?
- Sao không? Nhưng ai mướn mà làm.
- Nghề thợ bạc là nghề sang nhưng chỉ sang khi người ta sống yên ổn và giàu có. Trước ngày giải phóng, người ta còn tiền, còn vàng đó, nhưng lộn xộn, không ai nghĩ đến trang sức, thợ bạc đói. Bây giờ, đồ nữ trang người ta đập thành cục, giấu, thợ bạc thất nghiệp dài dài...
- Bây giờ em sinh sống sao?
- Giải phóng rồi, gia đình sum họp, phấn khởi trước cái đã, rồi tới đâu hay tới đó. Nói cho có trời, một bầy con nheo nhóc như vầy tưởng đói, không ngờ lại khá. Nhà em là một đội quân bán cà rem cây hùng mạnh nhứt xóm - Trừ bốn đứa nhỏ, còn tám đứa lớn mỗi thằng một thùng đi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới chín mười giờ đêm. Hồi trước, mỗi ngày mỗi thằng bán hết một thùng. Bây giờ, thằng nào bán hết mức một ngày ba, bốn thùng, có bữa tới năm thùng. Anh biết tại sao không? Anh bộ đội nào cũng thích cà rem, tụi nó nói có anh ăn một ngày hai ba lần, một lần ba bốn cây. Vừa được bán vừa được ăn. Lần nào anh em bộ đội cũng bắt tụi nó ăn trước một cây cho mấy ảnh thấy, cái cây tụi nó ăn, mấy ảnh bao luôn. Tại sao anh biết không? Mấy ảnh sợ có thuốc độc nên bắt tụi nó ăn cảnh giác trước. Có thằng ăn tới kiết.
Nó ngửa mặt, một tay vuốt râu cằm, một tay xoe mép ria. Nó cười. Tôi thì buồn.
- Bây giờ thì em làm gì?
- Ngồi nhà vuốt râu! - Thằng Nghiêm, đứa con của nó ngồi trong góc nói chõ vào.
Nó trợn mắt, thằng nhỏ vụt chạy.
- Nó bảo em ngồi vuốt râu là ý nói em thất nghiệp, chẳng biết làm gì, chỉ biết vuốt râu!
- Để râu ria làm gì, bồm xồm quá, sao không cạo cho sạch sẽ.
Nó chặc lưỡi.
- Em để râu để ria cũng có nguyên cớ của nó. Năm em lên mười lăm, mười sáu em đã có ria. Có một hôm cha nói: "Mầy có bộ ria giống ông nội quá". Nghe nói giống ông nội, em khoái. Từ chỗ khoái em cố ý để ria đi ra vô cho cha nhớ ông nội chơi. Rồi đi lính, để ria cho oai. Còn bây giờ để bồm xồm cho mấy ông cách mạng Ba mươi Tháng Tư ít nhứt cũng nể mặt thằng già, nếu không thì họ sẽ gọi mình bằng thằng.
Thằng Nghiêm lại quay vào, ngồi trong góc. Thằng Nghiêm, mặt lớn hơn tuổi mười lăm, nhưng người nhỏ như mới mười hai mười ba. Người gầy gò chỉ thấy xương với gân, da xạm như đất, chỉ có đôi mắt còn sáng tuổi học trò. Nó nhìn tôi với đôi mắt khao khát và hóng chuyện.
Bác Năm lớn hơn ba con đến tám tuổi mà trông bác trẻ ghê.
Ba nó trợn mắt, nói to:
- Bác Năm mầy là người chiến thắng, còn tao là thằng chiến bại.
Thằng Nghiêm cười:
- Nghe nói bác Năm đi bộ đội năm mười bốn hả bác Năm?
- Ưừm.
- Bác có đánh giặc không?
- Có chớ.
- Chừng bao nhiêu trận?
- Vài chục trận gì đó.
- Vài chục? Bác có sợ không?
- Vừa sợ vừa hăng.
Hai cái tay nó cung lại rung rung trước bụng:
- Vừa sợ vừa hăng như đánh lộn vậy hở bác?
- Cũng giông giống vậy.
- Bác có bị B52 không?
- Bị hoài.
- Bác có bị thương lần nào không vậy bác?
- Không.
Nó như giật mình, hơi chồm lên:
- Sao bác giỏi vậy bác?
Ba nó tợp một hớp rượu, phạt tay:
- Mầy phải bắt chước bác Năm chớ đừng bắt chước thằng cha mầy nghe chưa? Nè anh Năm, trong gia đình hay trong dòng họ, có một người để cho con cháu noi gương là quý rồi, không thể chia đều cho mọi đứa mọi thằng, thằng nào cũng ngon. Nghiêm, mầy nghe tao nói chưa!
Nhìn thằng Nghiêm, tôi chợt nhớ năm tôi mười ba, mười bốn. Khi tôi nghe chuyện giữa cha tôi và người bạn của ông, một nhà trí thức yêu nước, tôi khao khát được như ông, và ông đã thắp lên trong tôi một ngọn lửa ước mơ.
*
Đội quân cà rem cây của nó chỉ "hùng mạnh" được vài tháng. Anh bộ đội không ăn cà rem nữa. Cà rem cây ngày càng ế. Ơở lại đất Sài Gòn sống không nổi, trong phong trào đi kinh tế mới, nó kéo cả nhà trở về quê làm ruộng, làm mướn sống qua ngày.
Về quê, gặp lại nó tôi tưởng là ai, nhận không ra. Mặt mày láng lẫy. Không còn một cọng râu, một cọng ria.
- Lạ lắm sao mà nhìn?
- Cạo râu hồi nào vậy?
- Không cạo không được, anh Năm. Người ta nói, chó mà thua thì chó cụp đuôi, người thua thì người xụi râu, còn tôi thì tôi trụi râu. Chánh quyền ở đây người ta không ưa thằng có râu. Nói đến tên tôi người ta gọi là thằng ngụy râu, đã ngụy còn râu nữa.
Thằng Nghiêm, cũng thằng Nghiêm chen vào:
- Hồi ba con mới cạo râu, thấy cái mặt của ổng như cái bánh bao, tụi con cứ ôm bụng mà cười, cười lăn lóc, cười chảy ra nước mắt.
- Bây giờ sống ra sao? Tôi hỏi.
- Ngày mới về vất vả lắm anh. Bây giờ thì khá rồi, trước nhứt là hũ gạo lúc nào cũng đầy.
- Trúng mùa?
- Lúa thì thất nhưng lại trúng cái khác. Con nhà thợ bạc, lúa với hành còn lẫn lộn, trúng sao được. Cuối cùng là nhờ cái nghề.
Nó kể:
- Về được vài tháng, em để ý thấy làng mình nhà nào cũng tìm ảnh Cụ Hồ để trưng để thờ.
- Aảnh Cụ Hồ mà người ta mua đều là ảnh giấy, duy nhứt chỉ có một người không biết tìm đâu ra một tấm ảnh dệt, người nào cũng trầm trồ. Em cũng mua một tấm ảnh. Em ngồi nhìn Cụ, em nhìn hoài, nhìn hoài rồi em bỗng nảy ra ý nghĩ, sao mình không khắc hình Cụ vào gỗ. Bàn tay chạm vàng chuyển qua khắc gỗ thì khó gì. Vậy là em bào một miếng gỗ mít, cái đầu tiên em dán ảnh vào mặt gỗ rồi theo đường nét có sẵn mà khắc. Nói cho anh biết, bây giờ thì em thuộc lòng. Tranh khắc gỗ đầu tiên em tặng cho Uủy ban để lấy uy tín. Mấy ông chánh quyền xúm lại xem, người nào cũng trầm trồ. Không ai biết mặt Cụ Hồ mà người nào cũng khen giống. Lại còn khen ảnh của em giống hơn ảnh của người khác nữa chứ. "Mấy ảnh khác thấy cụ mập quá. Aảnh này cụ vừa rắn rỏi, vừa khắc khổ, vừa nghị lực lại anh minh". Tranh khắc gỗ Cụ Hồ của em được trưng trong trụ sở Uủy ban. Em bắt đầu có uy. Tiếng lành đồn xa, người ta đến đặt. Giá cả phải chăng, tất nhiên là phải mắc hơn hình giấy. Nghề chạm của em bây giờ nguyên liệu không phải là vàng mà gỗ mít - Gỗ mít mỗi ngày mỗi cạn, nhưng không thất nghiệp, người ta mang gỗ đến cho mình. Bây giờ, đâu đâu nhà nào cũng có tranh khắc gỗ hình Cụ Hồ của em trên trang thờ.
Sạch nhẵn râu nhưng nó vẫn còn thói quen nhếch mép, đưa tay sờ mép, sờ cằm.
Vừa lúc đó có một anh chàng say bước vào. Say mà bên vai lại đeo súng.
Thằng Bảy quèo tôi, rỉ nhỏ:
- Ông xã đội phó. Trước có đi du kích vài ngày. Quậy lắm. Quậy cái bộ râu của tôi, tôi phải cạo, bây giờ quậy gì nữa đây. Anh cứ ngồi đây, anh xem.
Tay say bước tới cửa, ngả ngả nghiêng nghiêng, mặt đỏ lừ, không chào ai, đưa tay chỉ vào mặt thằng em tôi:
- Ê nầy, chú Bảy. Sau này tôi thấy tranh khắc gỗ Cụ Hồ của chú bán nhiều lắm đó. Nói cho chú biết, Cụ Hồ là cha già dân tộc, là thánh nhân. Không phải để cho chú... Tôi chưa nói hết, muốn nói phải giơ tay xin nói đàng hoàng. Nói cho chú biết, tôi đang viết thơ lên Trung ương, nghe nói có một tỉnh nào đó, làm tượng Cụ Hồ đưa tay chào... Anh chàng đã quá say, vừa ngã nghiêng, vừa đưa tay phạt và hét: Không được! Cụ Hồ không phải thằng nào đi ngang Cụ cũng chào. Lại còn làm con tem dán bao thơ. Không được. Cụ Hồ không đi thơ. Không được! Thơ viết tầm bậy tầm bạ, tụi trai gái viết thơ tình, Cụ cũng đi thơ cho nó à? Không được nghe chưa? Hử?
Thằng em tôi khúm núm:
- Thưa chú xã đội, tôi có dám đâu, chẳng qua tôi đưa Cụ đến nhà bà con, bà con trả công cho tôi thôi.
- Vậy thì được, nhưng sao chú không đưa đến nhà tôi?
- Dạ, tôi cũng vừa xong một bức, tôi xin biếu cho chú.
Thằng em tôi vào nhà bưng bức tranh khắc gỗ to cỡ 4x6 tấc dâng lên anh say. Anh chàng say bưng bức tranh, bỗng chỉ tay vào mặt tôi:
- Ai vậy?
- Dạ, anh Năm tôi ở Sài Gòn mới về.
- Vậy sao? Chú Năm hả.
Lạ lùng sao, nói đến tôi, con ma rượu như biến mất, anh ta tỉnh ngay. Như là nãy giờ anh ta giả say vậy. Cái mặt lừ đừ - hai con mắt lại sáng lên:
- Thưa chú Năm mới về.
- Chú ngồi chơi xơi nước.
- Dạ, được chú Năm. Chú về sao chú không báo xã đội biết. Báo để cháu bố trí người đi bảo vệ. Nè chú Bảy, thằng Nghiêm nữa, thằng Nghiêm đâu?
- Dạ, có cháu.
- Nhớ bảo vệ chú Năm mày nghe chưa. Thưa chú Năm, cháu về.
- Nè, chú Bảy. Tôi biết chú có đi lính ngụy, biết chú chỉ là lính chụp hình, không phải ác ôn. Lâu lâu tôi quậy cho vui vậy thôi. Chú yên tâm.
- Chờ chú say đi rồi thằng Nghiêm hỏi:
- Bác Năm, bác thấy ông xã đội đó sao?
- Cháu thấy sao?
- Vừa dễ ghét, vừa dễ thương.
Tôi cười. Thằng em tôi thì lắc đầu.
*
Hai năm sau tôi nhận được thư thằng cháu Nghiêm, thư viết rõ ràng không ngờ:
"... ở thành phố, chắc bác có nghe tin tụi Pôn Pốt đã đánh qua biên giới. Trong làng, mít tinh kêu gọi tòng quân. Con chưa đúng tuổi, mới mười bảy lớn hơn bác ba tuổi lúc bác đi bộ đội. Con nộp đơn tình nguyện. Con muốn đi vì ba lẽ:
- Một bảo vệ biên cương.
- Hai để trong làng không còn ai gọi con là thằng con lính ngụy nữa, để lúc trở về làng, mấy thằng nhỏ gọi mình là anh bộ đội cho sướng. Ông xã đội say phải ngán.
- Ba là noi gương bác.
Ba con đồng ý. Má con khóc nhưng cho tiền con đi đường...".
Những năm sau này tôi ít về quê, nhưng vẫn nghe tin. Tôi được biết thêm trong các cuộc mít tinh kêu gọi tòng quân, thằng cháu Nguyễn Văn Nghiêm luôn được nêu gương sáng.
Rồi lại nghe thằng cháu trở thành lính lái xe tăng. Đời sống của thằng em bắt đầu ổn định. "...Em đã trở lại nghề thợ chạm. Trước ăn mạt cưa với dăm bào, bây giờ thì ăn bụi nhưng là bụi vàng. Đã lợp lại nhà. Tụi nhỏ bắt đầu đi học. Thằng Nghiêm thỉnh thoảng viết thư về, khoe hết trận này đến trận khác..." Lòng tôi đỡ bứt rứt.
Sau ngày đánh tan bọn Pôn Pốt, thằng cháu Nghiêm trở về với cấp bậc trung úy. Uủy ban xã tổ chức mít tinh cho dân làng nghe nó báo cáo chiến công. Nó gọn gàng trong quân phục, da dẻ hồng hào, đeo lon một gạch hai sao. Chẳng biết nó giống ai mà miệng nói cứ dẻo quẹo, chắc là đã quen miệng rao bán cà rem, nó nói vừa hùng hồn, vừa lưu loát. Qua lời nó kể, người làng hình dung từng đoàn xe tăng ầm ầm vượt suối băng rừng. Nghe như vang lên cả tiếng nhạc hùng tráng như cảnh trong phim. Người nghe cứ hừng hực, cứ sôi lên tưởng như mình cũng là người lính đang lao lên trong tiếng súng...
Một hôm, tôi lại về quê. Đến nhà, thằng Bảy đi vắng. Nghe nói nó được Uủy ban mời đi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội với tư cách là cha của trung úy xe tăng. Tôi đến chỗ mít tinh tìm nó, người ta chỉ:
- Ôổng ngồi trên hàng Chủ tịch đoàn đó.
- Sao tôi không thấy.
- Đó đó, ổng để râu đó.
- A, đúng là nó. Nó lại để râu để ria, cái bộ ria củ ấu. Ngồi trên hàng ghế cao. Nó ngước mặt, vểnh râu.
30/11/1993