Tiểu sử

Ngô Thì Nhậm
Trong khối lượng đồ sộ thơ và phú của Ngô Thì Nhậm để lại có bài phú Giấc mộng núi Thiên Thai làm trong thời kỳ sau vụ án năm Canh Tý (1780), ông bỏ quan rời khỏi Thăng Long về lánh nạn ở am Đại Trạch, làng Bách Tính (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Vụ án năm Canh Tý là vụ do một số quan đại thần, nhân Trịnh Sâm ốm nặng, mưu chống lại chủ trương phế con trưởng (Trịnh Khải), lập con thứ (Trịnh Cán) của Sâm. Việc bị lộ, số người chủ mưu bị xử rất nặng. Sau khi Sâm chết, kiêu binh Tam phủ đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa. Ngô Thì Nhậm bị ngờ oan là đã tố giác phe dựng Khải trước đó, sợ bị hại, phải trốn về làng Bách Tính, dạy học và viết sách. Xã hội Lê - Trịnh đang suy mạt, rối loạn đến cực độ. Bản thân ông đang là người lánh nạn, bị truy nã. Ông nằm mộng thấy thần núi Thiên Thai mời ông lên núi đó chơi. Ông xin khất không lên được:
... Chơi Đào Nguyên chừ, hẹn Thiên Thai,
Hẹn Thiên Thai chừ, ta chửa tới nơi,
Mong người tri kỷ chừ, một phương trời!...
Người tri kỷ của ông là ai, sau ngày ông gặp được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, mới thấy được lời giải đáp.
Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn, sinh năm 1746, là con của hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, thuộc dòng họ Ngô ở làng Tả Thanh Oai (tục danh là làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay là tỉnh Hà Tây). Dòng họ này liên tục gần hai thế kỷ có nhiều người đỗ cao, học rộng, làm quan liêm khiết, lừng tiếng Bắc Hà. Thừa kế truyền thống của ông cha, từ nhỏ Nhậm đã chăm đọc sách với ý nguyện lớn lên làm các việc phò vua, giúp nước. Mười một tuổi, cậu bé Nhậm đã xin phép các bô lão trong làng đặt tên cho ngôi lầu xây để rước bài vị Lê Đại Hành và vợ là Đô Hồ phu nhân ra tắm rửa trước khi rước về đình để tế là "Minh ngự lâu", nghĩa là cái lầu làm sáng lên vẻ đẹp của đấng đế vương. Cũng khoảng tuổi ấy, cậu lại xin cha cho mình lấy cái tên là Nhậm thay cho cái tên Phó mà cậu mang từ lúc mới lọt lòng. Nhậm nghĩa là nhận lấy nhiệm vụ, là gánh vác việc đời.
Bên cạnh chí hướng đó, Nhậm còn có một niềm say mê nghiên cứu không lúc nào giảm sút. Mới mười sáu tuổi, Nhậm đã hoàn thành bộ Việt sử toát yếu, rồi mấy năm sau, liên tiếp cho ra đời các bộ Tứ gia thuyết phả, Hải đông chí lược, v.v... Danh tiếng của Nhậm sớm đã lừng lẫy khắp nơi.
Năm 1775, Nhậm thi đỗ tiến sĩ, được bổ vào bộ Hộ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi liên tiếp mấy năm sau được thăng lên các chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, rồi Đông các hiệu thư, chuyên hiệu đính các văn từ, thư tịch của Nhà nước, và được cử đi đánh dẹp bọn Diễn quận công Hoàng Văn Đồng làm phản ở Thái Nguyên. Ông dẹp tan bọn Hoàng Văn Đồng hoàn toàn bằng cách vận động, giáo dục số người lầm đường, lạc lối trở về với chính nghĩa, không tốn một mũi tên, hòn đạn. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm rất trọng ông, gọi ông là con "Tuấn mã ngày đi ngàn dặm".
Nhậm cũng hết lòng phục vụ chúa Trịnh Sâm, đề xuất với Sâm nhiều phương án cải cách lớn nhằm thay đổi cách cai trị, chống quan lại tham nhũng, làm giảm nỗi khổ cho dân. Nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng: Trịnh Sâm cũng như các chúa Trịnh trước đó xa xỉ, hoang dâm vô độ, chỉ mỗi ngày một dấn sâu đất nước vào vòng đói khổ.
Người tri kỷ bao năm trời mong đợi của ông là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ với lá cờ Tây Sơn đỏ chói phương Nam mà ông đã từng nghe tường tin tức từ mấy năm về trước nay đã đến. "Chờ khi người biết đến mình, chí lớn nọ đem ra vùng vẫy; giúp tám cực mà chuyển xoay; vỗ chín cực yên rường mối". Bài phú nói lên ước mơ của ông đã trở thành hiện thực. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc, chỉ một trận quét sạch cơ đồ hai trăm năm của họ Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ hai, giết Võ Văn Nhậm chuyên quyền mưu phản, rồi cho mời ông đến, phong ngay cho ông chức Thị lang bộ Lại, sau đó lại giao cho ông cùng Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thuận Ngôn cai quản toàn bộ mười một trấn Bắc Hà.
Về quân sự, diệu kế "rút quân về Tam Điệp" của ông đề xuất đã góp phần quan trọng vào cuộc đại thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược; về ngoại giao, ông đã "lấy ngọn bút thay giáp binh" của Nguyễn Huệ giao cho, sau chiến thắng Đống Đa, dùng lý lẽ đập tan ý định phục thù của nhà Thanh, khiến chúng phải bỏ lệ cống người vàng và từ vua Càn Long trở xuống đều cảm phục vua Quang Trung về mọi mặt. Các văn từ của Ngô Thì Nhậm thảo ra trong thời kỳ này tập hợp trong Bang giao tập và các bài thơ đi sứ của ông trong bộ Hoa trình gia ấn thi tập là những bộ sách vô cùng quý báu của nước ta về tư thế ngoại giao, và niềm tự hào dân tộc to lớn của nhà ngoại giao Ngô Thì Nhậm.
Sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy sụp rất nhanh vì nội bộ chia rẽ, giết hại lẫn nhau, cuối cùng bị Nguyễn ánh tiêu diệt. Ngô Thì Nhậm đã về trí sĩ vẫn bị ánh bắt giam và sai Đặng Trần Thường cho quân lính đánh đòn thù đến chết. Đó là ngày mồng 9 tháng 3 năm 1803, ông vừa tròn 57 tuổi.
Ngô Thì Nhậm để lại rất nhiều trước tác và là cây bút tiêu biểu nhất trong bộ Ngô gia văn phái với gần 1.000 bài thơ, bài phú cùng bộ sách khảo luận về sử và triết học như Xuân thu quản kiến, Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh. Đặc biệt quý nhất là những tác phẩm văn thơ của ông gắn bó với nhà Tây Sơn dưới thời Quang Trung.

Xem Tiếp: ----