- Một cái siège Italỵ Tôi thích một cái siège Italy.
- À... siège Italy "hổng" có. Lâu lâu mới có. Thứ đó ít nhập cảng lắm. Ở Sài gòn này thầy kiếm đâu cho ra.
- Đắt bao nhiêu cũng được mà. Tôi chỉ cần lấy một cái thôi.
- "Tui" biết mà. Tại tui hổng có. Tui với thầy là chỗ quen biết mà. Nói thiệt, chỉ còn mấy cái siège Ăng lệ Quen lắm tôi mới dám giới thiệu.
- Ở đâu?
- Để ở nhà sau. Phải cất tuốt ở nhà sau. Để dành cho bà con quen lớn.
Ông Sử Cẩm Hưng tươi cười nhìn tôi, hai tròng kính trắng làm cho khuôn mặt thêm tròn.
Ông bước đi trước và tôi nối gót bước theo. Phải khéo tránh những đống sắt, những cuộn dây cao su, dây ni lông xếp thành bành cao, những hòn núi lon sơn, những thùng dầu, thùng bột màu. Thật là bề bộn lẩm cẩm.
Bước ra một khoảng sân hẹp. Những chậu hoa hồng: Brigitte Bardot, René Coty, Rendez-vous... Những giò phong lan: Bạch Ngọc, Tố Tâm...
- Đây, vô trong kho này, mặc ý thầy lựa. Ê! Bobby, nằm tránh ra.
Con chó mập như một con bê con, màu lông xám thẫm trên lưng. Nó lừ đừ đứng dậy đi ra sân. Tôi còn mải mê nhìn những chậu hoa hồng. Đóa hoa hai màu này chắc là giống mới ghép, chắc phải mang tên một nhân vật thời danh: De Gaulle, Christine Keller, Kennedy... Con Bobby chầm chậm đi ngang qua chỗ tôi đứng. Chợt nó quay đầu lại ngoạm vào đùi tôi.
- Ái cha!
Tôi khựng người, ôm chầm lấy chân la lên. Ông Sử Cẩm Hưng cũng la lên:
- Bobby.
Con Bobby lừ đừ đi vào nhà trong, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Tôi bị chó cắn rồi. Đầu óc tôi choáng váng.
Ở nhà trong có nhiều người chạy túa ra. Tôi vén quần lên. Máu ri rỉ chảy ở hai vết cắn cách nhau đến sáu phân. Tiếng ông Cẩm Hưng la oang oang:
- Sao bay không chịu xích chó? Tao dặn hoài. Ở nhà lo chuyện gì đâu đâu. Có sao không thầy? Đứa nào chạy vô lấy bông băng ra đây. Lấy thuốc tăng-câyđót. Lấy thuốc đo?
Tôi gác chân lên một trụ gạch cúi xuống nặn máu ở vết cắn. Thôi, không buồn để ý đến ai nữa. Mọi lời nói đều vô nghĩa. Tai nạn đến cho mình thì mình phải chấp nhận lấy, phải chịu lấy hậuquả. Ai cũng là bàng quan hết. Phải lo đi tiêm ngừa chó dại. Chao ôi, mười lăm, hăm mốt mũi kim sẽ đâm liên tiếp dưới da bụng hay dưới da lưng, nhức nhối làm cho người ta bỏ ăn, làm cho người ta bệnh hoạn hàng tháng. Thật buồn quá đỗi. Đáng lẽ mình không ghé lại hiệu ông Sử Cẩm Hưng để mua siège sáng nay! Nếu đi qua mà không gặp ông đứng trước cửa hiệu tười cười chào mình thì mình đâu có ghé? Chó cắn thật là phiền. Mười con cắn chỉ họa hoằn có một con dại, nhưng mình đâu có dám tin chắc con chó cắn mình thuộc thành phần chín con kia. Nhưng dù không tin chắc là nó dại mà vẫn phải mang lưng mang bụng đi lãnh sự đau đớn nhức nhối. Anh Công vừa bị chó cắn, mới tiêm năm mũi mà trông anh hom hem như một cụ già. Trong mười phút ngồi nói chuyện mà anh hết nhăn nhó đến nhăn nhó. Nhức bên này. Nhức bên kia. Cái lưng trẹo hẳn ngồi không được. Mời thầy mằn về nắn xương. Nhức đầu. Lạt miệng. Sốt. Phải ăn cháo và uống sữa. Chị Công chạy te tái để lo săn sóc anh. Đến lượt mình. Giận hết sức. Nhưng có thể từ chối không đi chích ngừa được không? Những trường hợp mắc bệnh dại cổ điển nhất đủ để làm mình kinh hãi. Một cậu học sinh đi học về bị một con chó rượt chạy theo cắn. Cậu nhỏ ba chân bốn cẳng chạy, chạy thót vô nhà. Con chó vù tới táp một cái. Hụt. Cậu nhỏ đóng sập cổng lại. Cậu kể chuyện với mẹ. Mẹ con mừng rỡ. Cái quần bị chó táp trúng, tét đi, mẹ lôi ra vá. Vá xong, mẹ tìm cái kéo để cắt sợi chỉ. Cái kéo bỏ lạc đâu đó, mẹ cúi xuống cắn sợi chỉ. Chừng vài tháng sau, đột nhiên một hôm mẹ lên cơn dại và không có thuốc nào chữa được. Người ta giảng rằng tinh độc bệnh dại trong nước bọt của chó dính nơi miếng quần bị cắn rách. Khi mẹ cắn vào sợi chỉ, tinh độc vào máu theo một vết lở nào đó trong miệng mẹ.
Chị Lan trước làm ở nhà thương Grall kể lại trường hợp một bà mẹ dẫn cô con gái chừng mười tám tuổi, đẹp đẽ, quí phái đến nhà thương. Cô con gái bị chó cắn và đã lên cơn dại. Bà mẹ khóc lóc lạy lục bác sĩ xin cứu mạng con nhưng bác sĩ nói khoa học không có cách nào chữa được hết. Ông chỉ còn có cách giúp đỡ bà mẹ là cho cô vào phòng lạnh cho nhiệt độ thật thấp để cho cô con sẽ chết trong sự yên tĩnh khỏi những hồi vật vã đau đớn làm cho bà mẹ khổ tâm.
Anh Quế kể chuyện ở nhà thương tỉnh Bình Tuy một hôm người ta đưa đến một trường hợp mắc bệnh dại. Đó là một thanh niên hai mươi tuổi. Anh ta làm thợ hồ. Trong giờ tỉnh táo nạn nhân kể lại: "Cháu nuôi một con chó con. Nó đùa giỡn với cháu. Nó cạp đùa tay cháu, trầy da chảy máu một chút rồi khô đi. Sau đó mươi hôm, con chó bỏ ăn rồi chết. Chẳng ai để ý đến cái chết tầm thường của nó. Nhưng chừng ba tuần lễ sau, một buổi trưa cháu đi làm về, ra nhà sau để rửa tay rửa mặt thì sao chợt thấy sợ nước. Sao cứ thấy nước là ngộp. Cháu bỏ ăn vô giường nằm. Đầu nhức. Cháu sợ ánh sáng, bắt người nhà đóng cửa lại."
- Sau chừng một giờ tỉnh táo như vậy, lời anh Quế,- thì nạn nhân đập bàn giậm chân rầm rầm rồi la những tiếng "Trời ơi" thật tọ Nạn nhân quằn quại lê lết trên giường. Nhưng nhà thương không có thuốc gì để chữa. Tôi thấy xót thương tìm hỏi ai có cách gì để cứu hắn không. Người ta mách một ông thầy thuốc Bắc. Tôi tìm tới và ông thầy bảo đảm chữa khỏi được. Tôi tiếp tay người nhà nạn nhân chở hắn đến nhà ông thầy. Phải trùm một cái mền bịt bùng lên đầu hắn vì hắn sợ ánh sáng rồi cho hắn ngồi lên xe ba gác. Chở đến nhà ông thầy, hắn xuống xe đi vào với cái mền chụp hùm hụp trên đầu. Người nhà ông thầy sợ quá, chạy túa ra sân, la như cắt cổ. Ông thầy cũng chạy ra sân luôn. Cả xóm nghe ồn ào chạy tới bao vây đứng coi. Tôi phải điều đình và ông thầy đặt điều kiện là phải chở hắn về nhà hắn và ông thầy sẽ đến đó chữa. Lúc bấy giờ hắn tỉnh, hắn khóc trong mền, giọng khóc nỉ non "Con không có điên mà. Con chó điên nó cắn con, chớ con không có điên mà. Con không cắn ai đâu. Lạy ông thầy cứu mạng cho con". Tôi lại cho hắn lên xe ba gác bảo chở hắn về nhà và gọi một cái xe ba gác khác bảo chở ông thầy đi theo luôn. Nhưng liền trưa hôm đó thì xe ba gác chở ông thầy về. Ông nói hắn vừa chết được nửa giờ...
Những câu chuyện như thế lướt nhanh trong óc tôi. Tôi vừa nghĩ lan man đến những trường hợp lên cơn dại điển hình đó vừa nặn máu vết cắn. Chợt có một bàn tay nhỏ, trắng, gạt nhẹ bàn tay tôi ra và nặn máu hộ tôi. Tôi nhìn lại: một thiếu nữ Trung Hoa chừng hai mươi tuổi đã đứng cạnh tôi hồi nào tôi không haỵ Kề đó có một lọ thuốc đỏ, một hộp bông, ga, một cuộn vải keo. Tôi nhìn khuôn mặt. Khuôn mặt cúi xuống, tôi thấy đôi hàng mày dài, cái mũi và hàng mi cong. Những ngón tay trắng hồng nặn nhè nhẹ vết lên vết thương của tôi. Máu nhỉ ra, nàng nhẹ nhàng lau. Da mềm nơi ngón tay gây một cảm giác êm êm. Còn một vết cắn nữa, tôi chụm bốn ngón tay nặn thật mạnh. Máu đỏ vọt ra. Nàng lấy bông lau vết máu rồi gạt bàn tay tôi, nặn qua vết cắn đó.
Tiếng ông Sử Cẩm Hưng:
- Con chó này hiền lành lắm mà. Lâu lâu nó... ngứa răng... nhưng mà nó cắn không độc. Bữa trước nó cắn chú tài phú nhưng cũng không sao.
- Dạ, nhưng tôi cũng phải đi chích ngừa.
- Chích làm gì thầy? Đau đớn trong mình. Không sao đâu. Bên Thú y họ có khám con chó rồi mà. Nó vẫn mạnh như thường.
- Họ làm gì mà khám được?
- Ậy, thầy không tin tui. Họ khám cẩn thận lắm. Họ thử máu.
Vì những ngón tay màu trắng hồng kia, tôi cố gắng giữ bình tĩnh để giảng cho ông Sử Cẩm Hưng rằng họ đã nói dối.
- Người nào nói với ông rằng đã thử máu rồi là người ấy bịp ông đó. Vi trùng chó dại là một loại siêu vi trùng, nhỏ lắm, kính hiển vi thường không nhìn thấy được. Phải có kính hiển vi điện tử mới nhìn thấy nó. Mà kính hiển vi điện tử thì làm gì bên Ty Thú y có? Vả lại, con siêu vi trùng đó không có ở trong máu mà ở trong hệ thần kinh. Không ở trong máu thì thử máu làm gì? Họ nói bịp ông đó.
Tôi nói một hơi thì cơn giận nổi lên. Ông Sử Cẩm Hưng coi tôi như một ông xã nhà quê nên đem việc thử máu ra để trấn an tôi. Máu nóng hừng hực ở mũi, ở tròng con mắt, tôi không giữ được nữa:
- Thú y chỉ giữ con chó lại để xem xét trạng thái bên ngoài của nó mà thôi. Chẳng hạn nó bỏ ăn, chẳng hạn nó bị bại. Khám xét nó chỉ có bên viện Pasteur. Phải chặt đầu nó, chặt đầu nó, ông rõ chưa, phải chặt đầu nó, phải...
Những ngón tay bấu mạnh vết thương của tôi. Tôi ngừng nói nhìn xuống. Đôi mắt đen ngước nhìn lên tôi dịu dàng. Tôi hạ giọng:
- Nhưng xin ông an tâm. Tôi sẽ đi chích ngừa. chả sao đâu.
- Thầy đừng sợ mà. Con chó này không dại đâu. Chó dại thì ngó biết liền.
- Khó biết lắm, ông Sử ạ. Nhiều khi người và chó, - người bị cắn và con chó cắn, - cùng dại một lượt. Loại bệnh này phiền phức lắm.
- Con berger của tui cứ tiêm thuốc luôn.
Vừa lúc ấy có tiếng gọi to ở từ ngoài cửa hiệu vọng vào.
- Chú ơi. Chú. Chú ra cho tôi hỏi cái này một chút. Gấp lắm.
- À, à..., - Ông Sử Cẩm Hưng vỗ vai tôi, -... Thầy. Để tui chạy ra trước một chút. Thầy đứng chơi.
Đứng chơi! Tôi đang rối ruột lên đây. Thấy công chuyện đã êm xuôi, những người trong nhà tản đi dần. Người thiếu nữ vươn tay lấy lọ thuốc đỏ. Tôi giúp nàng mở nút lọ. Nàng thấm thuốc vào bông đặt lên vết cắn. Tôi giúp nàng, đè một ngón tay lên giữ cho khỏi rơi. Nàng lấy kéo cắt băng vải keo. Tôi giúp nàng xoa xoa cho đầu băng vải keo dính chặt vào dạ Tôi cám ơn nàng và nàng không mỉm cười. Nàng nhìn thẳng tôi rồi nói khẽ:
- Ông nên đi xuống viện Pasteur mà chích thuốc ngừa đi.
Tôi ngạc nhiên vì lời đề nghị.
- Ba cô mới nói...
Nàng không lưu ý đến câu nói của tôi, vẻ mặt xa vắng như đang nghĩ gì đâu đâu. Giọng nàng nhẹ nhàng:
- Con chó chưa được... Ông nên đi xuống Pasteur chích thuốc ngừa đi.
- Thât không êm đềm chút nào hết. Ai cũng sợ hãi những mũi tiêm nhức nhối đó.
- Ông chịu khó. Con chó chưa được... Ông hiểu chứ?
- Vâng. tôi hiểu.
- Ông đừng trách ba tôi.
- Không có. Tôi nghĩ rằng cụ muốn cho tôi an tâm nên cụ mới nói lạc quan thế. Cụ không quan niệm bệnh chó dại nguy hiểm ngang tầm mà chúng ta quan niệm.
- Ông đừng nên sợ đau. Tính mệnh quan trọng hơn một sự êm đềm nhất thời.
- Cám ơn cộ Tôi xin nghe lời cô.
Nàng thu dọn bông, băng, kéo, lọ thuốc... khẽ cúi đầu chào tôi rồi đi thẳng lên lầu. Bộ pyjama bằng vải hoa. Mái tóc mới cắt.
Bằng cách nào để lắng dịu những nỗi bực tức? Trên đường về nhà, tôi thấy chán nản lạ, mặc dù giữa những lúc buồn bã, những hồi xót xa, tôi gợi nhớ đến khuôn mặt xinh tươi đó, mười ngón tay trắng hồng đó, giọng nói êm đềm đó.
Bốn giờ chiều thì tôi đến viện Pasteur. Cô thư ký giải thích thể thức:
- Không thể đột nhiên vào bệnh viện để xin tiêm ngừa. Phải có giấy giới thiệu của Ty Mục súc.
Ty Mục súc! Mình bây giờ thuộc quyền điều động của Ty Mục súc. Tôi buồn cười nghĩ rằng với một vết chó cắn, mình bây giờ được đồng hóa với heo bị dịch và với gà toi.
- Giấy giới thiệu, sẽ có trong một giờ đồng hồ. Bây giờ thì xin cô làm ơn cho tôi một mũi tiêm. Tôi xin nợ cô mũi tiêm đó.
Cô thư ký suy nghĩ rồi gật đầu đưa tôi qua phòng thuốc.
- Chị Triết, tiêm cho ông một mũi chó dại.
Cô y tá có khuôn mặt dịu dàng. Đôi mắt bồ câu mở tọ cô rút thuốc vào ống tiêm. Tôi nói:
- Cô tiêm giùm vào lưng tôi. Tiêm ở dưới bụng đau lắm.
- Vâng. Tôi tiêm ở lưng cho ông.
Tôi ngồi xuống ghế, cuốn áo sơ mi lên. Cô y tá thoa rượu cồn và liền sau đó mũi kim châm nhẹ vào dạ Chưa kịp đau thì đã nghe miếng bông xoa qua và ngón tay ra hiệu kéo áo xuống. Nhanh và nhẹ nhàng như vậy sao? Người ta vẫn sợ tiêm ngừa chó dại lắm mà? Nhức nhối, bỏ ăn, sốt, bệnh. Sao với tôi lại nhẹ nhàng êm ái như thế?
Tôi cám ơn cô y tá.
- Ông chịu khó đi chích hàng ngày. Độ này có dịch chó đấy. Đã tới bốn, năm trường hợp chó dại được xác nhận.
- Vâng.
- Vừa rồi có một em nhỏ ba tuổi bị chó đè cắn nát mặt. Đáng lẽ phải tiêm mỗi ngày hai mũi nhưng sức em đó yếu quá tôi không dám tiêm. Thật nguy hiểm.
- Tôi hy vọng rằng con chó cắn tôi...
- Tôi cũng mong vậy. Nhưng ông sẽ không tiêm dưới năm mũi tối thiểu rồi đợi chờ trong mười lăm ngày.
Buổi tối vết tiêm bắt đầu đau. Gây sốt. Tôi nằm nghiêng bên lưng lành mạnh và nhờ chị Ở cho một chai nước nóng. Giấc ngủ nhọc nhằn. Thức giấc nghe lưng nhức, mỏi nhừ vì chỉ nằm nghiêng một bên. Sáng ngày, miệng hơi lạt. Tôi tiêm mũi thứ hai. Phản ứng nhẹ hơn mũi đầu tiên, ít sốt hơn nhưng cái lưng không còn chỗ để mà trở nữa. Bên trái và bên phải đều nhức, nhức cũ đậm đà hơn nhức mới, trải rộng trên bề mặt và ăn lún thâm vào bề sâu. A, đến bây giờ tôi mới biết mùi tiêm thuốc chó dại. May mà tôi chưa kịp ba hoa với ai rằng sao thiên hạ hay đồng thanh bi thảm hóa với một sự kiện hết đỗi tầm thường như thế. Khi tôi nhận mũi tiêm thứ ba thì rõ ràng là bắp thịt ở lưng tôi cứ tự nhiên phản ứng bằng cách co rúm lại và những ngón tay của cô y tá dạo từng luồng mát trên da lưng tôi. Tôi biết là mình sốt, cơ thể mình đang chống cự mãnh liệt với bệnh. Ngày tiêm mũi thứ tư nhằm vào ngày Chủ nhật. Hôm thứ Bảy, cô y tá nói:
- Ngày chủ nhật nhân viên nghỉ, chỉ có phòng trực làm việc đến chín giờ. Ông gắng đến trước chín giờ.
Sáng Chủ nhật mưa thật to, mưa như cầm chỉnh mà đổ. Lóp ngóp lội mưa để tới nhận lãnh một phát tiêm đau trong khi mọi người bình yên nằm trong giường đắp chăn tận cổ thưởng thức một buổi sáng Chủ nhật nhàn nhã, lúc đó tôi giận ông Sử Cẩm Hưng đến độ máu có thể sôi lên trong huyết quản. Nhưng liền khuôn mặt của cô con gái ông hiện ra, ngón tay dịu dàng vuốt lên vết thương của tôi, đôi con mắt nhìn êm đềm và giọng nói thanh tao ngập ngừng.
Bước vào hành lang viện Pasteur, tôi ngạc nhiên nhìn lũ bệnh nhân chó dại nam phụ lão ấu đủ hạng lôi thôi lếch thếch lớp đội nón lớp ôm áo mưa ngồi đứng lộn xộn. Những bạn đồng số phận của tôi đó. Mấy hôm trước tôi được đặc ân tiếp riêng một mình vào giấc bốn giờ chiều, - mọi người khác thì 9 giờ sáng, - nên không có dịp hòa mình vào một đại chúng lôi thôi như vậy. Họ nói chuyện to tiếng, hỏi thăm bệnh tình và hỏi thăm chuyện nhà, ồn ào tự nhiên như đang đi ngoài phố. Em bé bị chó berger vầy cắn nát mặt đây! Ngoài những lớp bông băng trắng chằng chịt, khuôn mặt còn sót lại chỉ là những vết nhăn nhó đau đớn.
- Cụ tiêm được mấy mũi rồi, - tôi hỏi một cụ già ngồi cạnh.
- Mười sáu.
- Sao tiêm chi nhiều vậy?
- Không bắt được con chó để thử. Con chó bị chủ nhà đánh chết cho phi tang nên mình phải đi chích cho đủ hăm mốt mũi.
- Kìa chị. Bị chó nhà ai cắn đó?
- Chó nhà mình. Nó nổi điên, cắn bốn người hàng xóm, cắn con nhỏ ở, cắn luôn mình. Bồi thường thiệt hại mỗi người bốn ngàn đồng. Mỗi ngày mình xuống chích vừa lãnh năm phần thuốc kia đem về thuê y tá chích cho năm người kia.
- Còn con chó?
- Chận bắt không được. Không ai dám bắt. Phải nhờ mấy người Mỹ ở bên cạnh bắn chết giùm. Đem cái đầu xuống nhờ Viện thử. Chưa có kết quả.
Bắt chuyện vẩn vơ thấy vui, người nào cũng sẵn sàng nói chuyện với mình. Khi có chung niềm đau khổ, người ta dễ trở nên bạn bè, muốn giúp đỡ nhau, muốn hy sinh cho nhau. Viễn tượng của một cái Chết bất-ngờ-và-có-thể đã tự nhiên hạn chế lòng tham, mọi người đều cúi xuống nhìn thân phận hữu hạn của mình. Giá lúc này mà đề nghị thành lập một hội Ái hữu, một hội Tương tế thì người nào cũng sẵn sàng chịu nhận làm ân nghĩa hội viên kiêm luôn hoạt động hội viên. Nhưng một tháng sau, khi đã chắc chắn tai qua nạn khỏi rồi thì người ta tham lam trở lại, rút gọn mình trong cái vỏ ích kỷ dày cộm.
Tôi nhận phát tiêm thứ tư, lội mưa mà về nhưng không thấy bực mình vì mưa. Mà cảm thấy sung sướng được sống để được gội mưa như thế.
Ngày thứ năm sau khi tiêm xong, cô Triết mời tôi qua phòng giấy. Tôi khai tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày bị chó cắn, vị trí vết cắn, độ dài và chiều sâu vết cắn...
- Ông cho biết chó hoang hay chó có chủ.
- Có chủ.
- Tên người chủ chó và địa chỉ.
- Sử Tuyết Quân, 240 đại lộ Trần Hưng Đạo.
- Người trung hoa?
- Vâng. Người Trung hoa.
Cô y tá vừa thoăn thoắt viết vừa nói:
- Ông chịu khó đến thăm con chó luôn. Đáng lẽ ông phải bắt con chó đem gửi tại ty Mục súc để nhân viên nơi đó theo dõi, nhưng đằng này ông bảo là chỗ quen không muốn làm họ phiền lòng.
Vâng. Tha hồ cho ông Sử Cẩm Hưng phiền lòng, tôi không cần. Nhưng tôi không nỡ làm buồn cô Sử Tuyết Quân.
-... Nhưng ông phải căn dặn là họ đừng giết con chó.
- Vâng.
- Thôi, thủ tục như vậy là đủ. Kính chúc ông bình an.
- Xin cám ơn cô.
Một người đẹp đẽ và dịu dàng như Sử Tuyết Quân thì tôi khó lòng mà giữ cho khỏi tò mò tìm biết tên nàng. Cái tên dính liền với con người và mối thâm tình của mình đối với một người sẽ lợt lạt hết sức nếu mình không gọi lên được tên người ấy. Chiều hôm qua tôi đến thăm con chó để biết tình hình sức khỏe phòng hôm nay nhận phát tiêm chót hay cần tiêm thêm nữa. Buổi chiều chủ nhật, trời hửng nắng và ông Sử Cẩm Hưng lại tíu tít về siège, về lavabo, về gương năm ly, về sắt tám, về sắt sáu, về bình lọc nước.
- A, thầy mạnh giỏi luôn chớ? Hả? Thầy đi chích thuốc à?... Dạ, dạ. Cái lavabo đó hai ngàn tám. Dạ, có luôn miếng gương soi. Không mắc đâu, gương thiệt mà... Hì hì. Gương làm ở chợ Lớn chớ không phải bên Tây, cái đó tui nói thiệt... à! thầy nói thầy đi chích thuốc hả? Bậy quá... tui đã biểu thầy đừng đi. Không sao đâu mà... Con chó hả? Thầy nói sao?... Nó mạnh như thần... Thầy muốn coi mặt nó... Dạ dạ, nếu thầy muốn. Thoòng ơi! Đưa thầy vô nhà trong.
A Thoòng đi xuống Nam Kiều hải vận công ty để nhận hàng. Công việc hướng dẫn tôi vô nhà trong thuộc phần Sử Tuyết Quân. Tôi chào nàng và xin lỗi đã quấy rầy nàng.
- Không có sao. Ông đi chích thuốc mấy hôm nay?
- Vâng, có. Tôi đi đều.
- Vết cắn của ông đã lành?
- Có lẽ.
Tôi kéo ống quần lên. Vẫn cái băng do nàng băng mấy hôm trước, tôi không thay và cũng không để ý đến nó. Nàng nhếch môi hơi mỉm cười, hai ngón tay ấn nhẹ lên lần bông băng.
- Ông còn thấy đau không?
Tôi trả lời mạnh dạn như mình là anh hùng vừa lập một chiến công.
- Không.
- Vậy thì có hy vọng lành rồi.
Nàng thoăn thoắt mở băng vừa nói:
- Ít ai như ông. Có một vết thương nơi chân mà cũng không biết đã lành chưa. Trả lời "có lẽ", làm như vết thương của ai.
Tôi cười theo:
- Tôi lo phần nội dung hơn hình thức. Nghĩa là tôi sợ nhiễm độc bên trong hơn là vết thương lở bên ngoài.
- Cũng có lý. Vết cắn đã đóng vảy. Thôi, có thể tháo băng ra luôn.
Tháo băng? Tôi không muốn. Tôi muốn giữ một dấu tích gì của nàng. Tôi sẽ cảm thấy êm ái và an ủi.
- Có lẽ vết lành còn non. Có lẽ nên băng thêm vài hôm nữa.
- Nếu ông muốn. Nhưng để tôi thay băng mới cho.
Lại thuốc đỏ, lại bông, lại băng, lại ngón tay manh mảnh trắng muốt. Tôi nói:
- Xin lỗi, quý danh là Sử Tuyết Quân?
Nàng ngước nhìn tôi, mở to mắt:
- Sao ông biết?
Tôi chỉ lên quyển vở đặt trên bàn.
- Tôi đọc trên bìa quyển vở kia.
- Ông đọc được chữ Trung Hoa?
- Tôi chỉ đọc được ba chữ đó mà thôi.
Nàng nhếch môi cười, có lẽ ngầm ý khen tôi trả lời thông minh.
- Cô học ở trường Trung học Hoa kiều?
- Vâng ạ.
- Học xong Cao trung mà muốn lên Đại học thì cô phải...
-... về Đài Loan.
Tôi vụt đưa hai bàn tay giữ chặt mười ngón tay của nàng đang lần lăn cuộn băng trên làn da chân tôi. Tôi có cảm tưởng nàng sắp bước lên phi cơ đi về Đài Loan và tôi phải vội vàng nắm tay nàng giữ lại.
- Sao vậy? Ông thấy đau hả?
- Không. À, vâng... còn đau.
Cứ theo trình tự đó, Sử Tuyết Quân và tôi cứ mỗi ngày mỗi quen nhau thêm. Chẳng lẽ mỗi ngày mỗi đi xem tình hình sức khỏe của con Bobby, tôi hạn định sự cần mẫn tới mức ba ngày rồi sau đó không chịu nổi, tôi hạ xuống còn hai ngày. Con Bobby cứ hiền lành cứ tha hồ nằm trầm tư mong đợi bữa ăn hoặc lừ đừ nhìn những con ruồi ranh mãnh cứ bò qua bò lại hoài trên mũi nó như cố ý trêu chọc nó. Nó không hề tỏ triệu chứng bỏ ăn, buồn bã, hay bại liệt một chân. Thật may cho tôi bởi lẽ có khi ba bốn kỳ liên tiếp tôi chẳng hề biết đến nó, chẳng hề hỏi xem nó nằm ở đâu, chẳng lưu ý chạy nhìn qua khuôn mặt nó một chút. Tôi chỉ biết có Sử Tuyết Quân. Còn ông Sử Cẩm Hưng thì cứ loay hoay giữa bầy siège và lavabo, sắt tám và sắt sáu, sơn Bạch Tuyết và sơn Hột xoàn, đèn nê- Ông sáu tấc và một thước hai. Ông vừa chào tôi vừa trách tôi đi chích thuốc chi cho đau đớn mình mẩy, vừa nói giá hàng cho khách và bảo đảm hàng ngoại quốc chính hiệu, rồi quay lại bảo đảm rằng con Bobby "có chích ngừa dại hẳn hoi mà". Cuối cùng ông gọi A Thoòng đưa tôi vào nhà trong và A Thoòng cứ bận liên miên ở Nam Kiều Hải vận công tỵ Cuối cùng, khi thời hạn hăm mốt ngày chấm dứt, tôi buồn vì không cách nào lui tới để khám bệnh cho con Bobby được. Thú thật, là tôi có nói láo và ăn gian ông Sử Cẩm Hưng được hai chuyến. Một chuyến tôi giả vờ bỏ quên cuốn sách để liền hôm sau chạy tới tìm và chuyến chót, thay vì tôi cám ơn ông ngay trong ngày thứ hăm mốt tôi lại lấy cớ là hôm nay ông bận khách nên ngày thứ hăm tư tôi mới đến cám ơn ông.
Cố nhiên là tôi có nhã nhặn xin phép ông được vào nhà sau cám ơn cô Tuyết Quân đã có lòng tốt băng bó hộ cho tôi cái chân trước đây.
Câu chuyện đến đây tôi chưa muốn chấm dứt bởi vì quả tình là tôi chưa gặp một người thiếu nữ nào vừa đẹp vừa thùy mị như Sử Tuyết Quân. Nhưng tôi biết làm cách nào để được gặp nàng luôn? Chẳng lẽ đem cái chân đến dứ vào miệng con Bobby và năn nỉ nó cắn giùm? Tôi chỉ còn có cách là siêng năng mua bóng đèn, - cứ chừng nửa tháng là nói dối bóng đèn bị cháy, - đinh một phân và cuốc, xẻng, lưỡi bào, lưỡi cưa, lưỡi câu, ống ni lông, dây thép... Khi lại quầy trả tiền, tôi hay làm bộ chợt nhớ đến con Bobby và xin phép chạy xuống theo dõi sức khỏe của nó. Sử tiên sinh lại vồn vã minh xác rằng nó đã được tiêm ngừa "mới gần đây thôi, gần đây thôi mà... "
Cứ theo cái đà "theo dõi sức khỏe của con Bobby" đó, một năm sau thì hôn lễ giữa Sử Tuyết Quân và tôi cử hành. Một đại yến hai mươi thồi được tổ chức tại Đồng Khánh đại tửu gia. Hai dây pháo cao ngút từ lầu bốn chấm xuống đất nổ bưng tai, nổ toé hào quang.
Sử Tuyết Quân không về Đài Loan để học lên Đại học nữa. Khi nàng tốt nghiệp Cao trung thì thì nàng đã có mang cho tôi đứa con đầu lòng, sau này tôi đặt tên là A Dành. Con Bobby cố nhiên từ đó chuyên môn vẫy đuôi mừng khi tôi lại gần. Trong bữa ăn, Sử Tuyết Quân thường lén gắp cho nó từng bún thịt bò bít tết hoặc giò lụa. Tôi bắt gặp, trừng mắt thì nàng mỉm cười đỏ mặt. Nàng nhớ ơn ông mai đó. Tôi nhớ bài thơ của Vu Hựu với hai câu chót:
"Nhất liên giai cú tùy lưu thủy
Thập tải ưu tư mãn cố hoài
Kim nhật khước thành loan phượng lữ
Phương tri hồng diệp thị lương mai" (#1)
Tôi muốn sửa lại là: "Phương tri Bốp tử (nghĩa là con chó tên Bốp) thị lương mai", nhưng chữ Bốp thì chắc Khang Hi tự điển không có, còn chữ "mai" viết thế nào, tôi định mở Vương Vân Ngũ tự điển ra tra mà rồi cũng lười chả bao giờ tra được. Vả lại, bây giờ tôi thường phải thay thằng A Thoòng đi xuống Nam Kiều Hải vận công ty hoặc thay chú tài phú cắt gương năm ly và chặt dây thép.
Còn siège Italỷ Một hôm Sử Tuyết Quân mở cửa kho trên lầu chỉ cho tôi coi: trái với lời cam đoan chân thành của nhạc phụ tôi, số siège Italy chính hiệu Ý quốc nhập cảng đang nằm đó có thể đủ để trang bị một Đại Khách sạn có hai mươi phòng tắm.
Chú thích:
(1-) Quách Tấn dịch:
Lững lờ mấy vận trôi dòng bích
Thờ thẫn mười năm quặn mối tình
Loan phụng nay mừng duyên hợp lứa
Mới hay lá thắm chị mai lành

Hết

Xem Tiếp: ----