Tuyết nói:
- Ngày mai anh cứ đi làm như thường. Đừng xin nghỉ. Em không muốn anh đi tiễn em đâu. Em ghét nước mắt lắm bởi vì tính em mau nước mắt. Người ta vẫn thường ghét những cái người ta có. Những người béo rất ghét mỡ, ghét cái bàn cân ở hiệu thuốc tây. Những người gầy không muốn nhìn hình vẽ bộ xương và tỏ nhiều thiện cảm với những cuốn phim có Hardỵ Không hẳn là em thích xách va li đi một mình bơ vơ như một ả giang hồ. Người đàn bà đứng đắn bao giờ cũng có người đàn ông đi cạnh khi trên tay họ có hành lý...
Tuyết chợt ngồi bật ngửa chiếc ghế ra đằng sau, cầm lấy điếu thuốc lá của tôi gác ở mép dĩa, đặt lên môi. Nàng kéo một hơi thuốc dài rồi vẫn để điếu thuốc gắn lên môi, nàng nheo mắt tránh khói vừa gật gật đầu, mỉm cười:
- Cố nhiên là cuộc hành trình trong trường hợp này thì rất dài, là cả cuộc đời, là con đường calvaire của Đức Chúa Jésus. Em cũng đi lao đao như vậy, càng lao đao hơn nữa là bởi em đi mà không có mục đích. Cuộc đời là gì? Là những số nhà, những tên đường thay đổi liên tiếp, những chiếc ô tô hàng sơn màu xanh màu vàng, những chiếc DC3, DC6 có gắn ra đạ Anh, anh là một đàn ông tồi, nhút nhát, ích kỷ, nhút nhát bởi vì ích kỷ. Anh rót cho em thêm nửa ly nữa... Calvert uống lâu thấy ngọt. Cái gì rồi cũng quen đi hết. Chất đắng của cà phệ Chất đắng của thuốc lá. Chất đắng của tình yêu. À anh biết không...
Nàng ngừng nói, nốc một ngụm Calvert. Mặt nàng nhăn lại. Rượu chảy tràn ra hai bên mép, nàng quay mặt chùi lên vai áo.
- Anh biết không?... Thói quen thật là dễ sợ. Anh có thể tưởng tượng người ta mổ bụng moi gan người đồng loại -người sống hẳn hoi,- rồi móc lấy mật mà nuốt với rượu được không? Người nào đã nuốt chán rồi thì moi mật phơi khô để dành tặng bà con hoặc để bán. Năm trăm đồng một cái mật. Nuốt được mật thì người khỏe mạnh, trừ ho hen, con mắt sáng lên. Thật là tàn bạo. Tàn bạo... Sao anh không nói? Em chưa say đâu. Em sẽ thức trọn đêm naỵ Để cho chai rượu làm bạn với em nhé? Ngày mai nó sẽ cạn hết cạn hết những giọt êm đềm, ấm áp, say sưa của một giai đoạn. Bước lên xe "ca" tức là em qua giai đoạn khác.
Tôi vẫn im lặng nhìn Tuyết không trả lời. chắc chắn là giọng nói của tôi sẽ làm sai lạc âm thanh của bản độc tấu chán chường của nàng. Ít khi tôi được nghe một giọng đàn bà trầm trầm như vậy. Phải có chất rượu làm rè đi, chất chán chường làm nhòa đi và trong cái âm thanh nứt rạn đó, tôi cảm nghe rung lên sự khắc khoải, sự hấp hối. chưa có khi nào tôi tưởng tượng được rằng Tuyết có thể ngồi cố nốc từng ly rượu như vậy trước mặt tôi như một tên lính ngoại quốc ngồi nhớ quê hương, nhớ những vườn ô liu, những lối đi có trồng cây táo, những rừng cây dẻ cây sồi cất tiếng ca khi gió len thổi giữa cành. Nàng sẽ sống như thế nào, ngày mai, với tâm trạng chán chường hôm nay? Thật là trong khoảnh khắc Tuyết đã thay đổi tất cả. Lần tôi giã từ nàng trước đây hai năm; tóc nàng còn uốn từng lọn dài. Bây giờ mái tóc đó cắt ngắn, tỉa lòi xòi kiểu Jean Seberg. Ngày đó nàng mặc áo dài thướt tha, choàng khăn, mang găng trắng và giữ khoảng cách với tôi khi tôi đưa tiễn nàng ra phi cảng. Nàng ngồi trước mặt tôi ở phòng đợi và khi móc gói thuốc lá, tôi phải xã giao xin phép nàng được hút và mong rằng khói thuốc không làm phiền nàng. Bây giờ thì tôi không phải xin phép tắc gì nữa hết. Tôi rút ra một điếu thuốc đặt lên môi nàng trước, bật lửa rồi mới châm điếu thuốc của tôi sau. Nàng không kịp từ chối, không buồn từ chối. Có khi nàng dụi tắt điếu thuốc mới bắt đầu rồi liền đó lấy điếu thuốc hút dở của tôi đặt lên môi. Cái khoảng cách ngày xưa không còn nữa. Thỉnh thoảng nàng ôm chầm lấy tôi, lùa những ngón tay lên mái tóc tôi hoặc ngả đầu lên vai tôi. Mỗi lần như vậy, tiếng nàng khắc khoải đứt quãng:
- Em sợ lắm. Em sợ lắm. Em không muốn trái đất xoay nữa, không muốn ngày mai sẽ đến để thay thế ngày hôm naỵ Em ghét lắm, ghét cái đồng hồ trên cổ tay anh, trên cổ tay em. Em là tên nô lệ bị cột chân vào xiềng, nô lệ của thời gian, của cuộc đời buồn nản. Thà là một ngày dài bất tận hay một đêm dài vô cùng. Như vậy ít nhất em cũng được an ủi là ngoại cảnh cũng chết đứng một chỗ như em. Đằng này trái đất cần mẫn quá, chí thú quá, trịnh trọng dọn cho con người một buổi sáng mát mẻ, một buổi chín giờ màu hồng, một buổi trưa trầm mặc, một buổi chiều gợi u hoài và một đêm tối êm ả. Chiếc Longines này là chiếc thứ tư mà em mang. Em đã đập, trước nó, ba chiếc trong cơn điên, thứ điên phản loạn bất lực. em đã đập chiếc Wesminster treo tường chỉ vì cách mười lăm phút là phải nghe nó thong thả, vô tình đàn cái bản đàn bất biến của nó. Nó trêu tức em. Em ghét. Em ghét. Em ghét hết.
Tôi lại phải giữ im lặng trong những lúc đó. Tôi sợ tiếng nói của tôi sẽ trở thành cái bản đàn dễ ghét của chiếc Westminster. Ai cũng làm cho Tuyết nghi hoặc, để cho Tuyết nghi hoặc.
Mới hai năm thôi! Trong khoảng thời gian ngắn đó, Tuyết đã lấy chồng. Tiếp tới, anh Đạo, -anh cả của Tuyết- bị chết trận ở chiến trường Đồng Tháp. Rồi đến anh Lương -anh kế của Tuyết- bị mất tích ở chiến trường trường Cao nguyên.
- Ngày mai, chuyến xe "ca" bắt đầu chạy mấy giờ, anh?
- Bốn giờ rưỡi.
- Còn chuyến thứ nhì?
- Hình như tám giờ.
- Vậy để em đi chuyến thứ nhì. Đi chuyến đầu thì thế nào anh cũng phải lịch kịch đi đưa.
- Đi chuyến đầu mát hơn.
- Mát? Em không có thấy sự liên hệ nào giữa khí hậu và tâm hồn của em hết. Em ở Đà Lạt mà có bao giờ thấy mát đâu? Lúc nào đầu óc em cũng nóng bừng lên. Em ở dưới đồng bằng mà có bao giờ thấy nóng đâu? Lúc nào cũng tâm hồn âm u lạnh lẽo.
Tôi vuốt má Tuyết chầm chậm, vừa lựa những lời để nói cùng nàng:
- Em phải can đảm mà hòa mình vào cuộc sống. Hãy tìm hưởng lấy phần tươi vui ý nhị nhất của cuộc đời và bỏ qua những nỗi bất như ý.
Tuyết nhún vai:
- Đó không phải là một triết lý cao siêu. Đó là thứ khôn tầm thường. Anh nên nhớ là em mới ba mươi tuổi.
- Em còn hơn tuổi đó nhiều. Anh nói về tâm hồn chứ không nói về thể xác.
- Ừ. Em vừa trẻ vừa già. Mâu thuẫn trong một người. Thế hệ của em đều như thế hết.
Tuyết lảo đảo đứng dậy, tôi phải đỡ vai nàng.
- Em cần gì?
- Một cái khăn dấp nước lạnh để em lau mặt.
Tôi dìu nàng ngồi xuống ghế và đi vào phòng rửa mặt lấy khăn. Tôi lau lên mặt, lên cổ. Tuyết để yên cho tôi chìu chuộng nàng, ngẩng mặt lên đợi và dụi mặt vào khăn như một đứa trẻ con. Qua lớp khăn mỏng, xúc giác của tôi cảm thấy êm đềm khi chạm vào sóng mũi, gò má, vành môi. Dường như xúc giác cũng biết phân biệt được cái đẹp.
Giọng Tuyết vữa ra, thứ giọng vừa mỏi mệt vừa làm nũng:
- Anh chìu em một lần chót, hôm naỵ Đâu có dễ mà chìu chuộng nhau mãi được. Anh tồi lắm, ích kỷ, vô trách nhiệm. Nhưng em lại không thể ghét anh được.
Tôi tự nói một mình: Mọi tội lỗi em trách, anh đều có đủ. Tội còn nặng hơn là em tưởng nữa, nhưng mà sao thay vì phạt, em lại ban ơn? Yêu anh là ban ơn cho anh. Bởi anh không có gì hết, ngoài tình yêu.
Tuyết đột nhiên hiện đến với tôi một tháng trước. Căn gác nhỏ thuê lại của chủ nhà dưới làm nàng tưởng đã đi lầm nhà.
- Vô lý. Chẳng lẽ anh lại ở một nơi kém tiện nghi như thế này sao? Nếu không thấy anh hiện ra đón em thì nhất định là em không dám leo lên một cái thang gác khả nghi như vậy.
- Tại anh không bao giờ giàu nổi để thuê một căn nhà có vườn rộng có cuội trắng rải trên lối đi, có một giàn nho nơi đó người ta ngồi uống rượu để đợi trăng lên.
- Nếu kể ra những cái anh không có thì biết bao giờ cho hết? Những cái lồng chim bạch yến hót... những lẵng hoa lan, những chậu hoa huê... một cái xe hơi...
- Một con berger... một con mèo xiêm và...
- Em biết rồi. Và một người đàn bà. Một người dàn bà thì dễ có hơn những món kia.
- Chưa chắc. Vả lại anh không dám có một ý nghĩ phạm thượng như vậy.
- Với anh thì chả có gì chắc chắn hết. Thôi xuống mang va li lên hộ em.
Tôi không hỏi lý do vì đâu Tuyết đến với tôi. Cũng không hỏi nàng từ đâu đến. Nàng phải giải thích khi tôi vừa đặt va li xuống sàn gác:
- Em sẽ ở với anh ba tuần. Có phiền không?
Tôi lắc đầu.
- Có người đàn bà nào hiện ở với anh không?
Tôi chỉ lên cái tủ áo.
- Thế thì tốt. Nhưng có người đàn bà lâu lâu đến với anh không?
Tôi mỉm cười:
- Có.
- Anh có biết cách trả lời khi họ hỏi về em?
- Không khó. Có những người em sẽ gặp đều đủ thông minh nên chúng ta không cần phải nói dối. Họ biết tôn trọng tự do của người khác và không để mũi vào khu vực nào không thuộc phạm vi của họ.
Tuyết bĩu môi:
- Bây giờ em mới hiểu vì sao bấy lâu nay anh không hề viết thư cho em.
- Lý do không phải như em nghĩ đâu. Thôi, em đi vào thay áo.
Tuyết bước vào nhà tắm. Chợt nàng bước ra, áo pyjamas mới thay chưa kịp gài khuy.
- Có nhiều đàn bà lâu lâu đến với anh không?
- Câu trả lời lấn vào phạm vi khu vực của anh.
- Biết rồi.
Và nàng đóng sầm cửa phòng tắm lại.
Bữa tối đó chúng tôi đi ăn ở Chiêu Anh. Tuyết ăn hết phần của nàng và gọi bồi mang thêm thức ăn. Nàng uống một ly Cap Corse.
- Lâu lắm em mới ăn một bữa ngon như hôm nay.
- Hân hạnh cho người đầu bếp, tôi chậm rãi nói.
- Không phải chỉ nhờ món ăn mà nhờ có anh. Em thấy có một sự thoải mái khi ngồi trước mặt anh. Y như khi em ngồi cạnh một dòng sông, khi em nhìn một bụi chuối tỏa bóng mát. Nơi anh, em nhận thấy một sự bảo vệ kín đáo và êm đềm.
- Cám ơn em.
Tuyết nhìn ra ban công nơi đó có những ánh đèn nhỏ màu xanh màu đỏ nhấp nháy giữa những chùm lá cây.
- Bình yêu em và chìu chuộng em nhưng em không có được sự thoải mái mà em mong ước. Hạnh phúc ở đời, theo em nghĩ, như là cảm giác của người đi giày. Một đôi giày làm mình dễ chịu khi mang nó vào chân rồi mà mình không nghĩ rằng mình đang mang giày.
Tôi mỉm cười:
- Khá nguy hiểm cho những người chồng! Đi với chồng ở giữa phố mà tưởng như mình còn là con gái, như người đàn ông đó không có liên hệ gì với mình hết..., anh chắc điều đó không có người chồng nào hoan nghênh...
Tuyết cười:
- Không đến nỗi như vậy. Tỷ dụ chỉ là một cách nói.
Công việc đầu tiên của Tuyết là chạy đi tìm thuê cho tôi thuê một căn gác có cầu thang bước lên bằng xi măng, có cửa sổ nhìn ra một khu vườn yên tĩnh. Khu vườn này của nhà bên cạnh nên mỗi lần nhìn sang những chùm lá xanh đong đưa uyển chuyển, mỗi lần đón nhận những luồng gió nhẹ thơm mùi hoa huệ hoa hồng, tôi cảm thấy rằng mình đang ăn cắp. Tôi bày tỏ ý kiến ấy cho tuyết và nàng cười:
- Tội ăn cắp ấy là tội của em. Anh chỉ có tội oa trữ, anh chỉ là đồng lõa. Anh có sợ phạm tội ăn cắp không? Em thì chả sợ. Xã hội đã ăn cắp của em nhiều quá rồi. Cả ngay trong việc em lấy chồng, em cũng bị mất cắp nặng.
-...?
- Hạnh phúc, niềm tin, sự an ổn trong hồn... em đâu có còn được chút chỉ Ông Tản Đà bảo rằng sống ở đời như ngồi một canh bạc. Em là con bạc khù khờ, mới ngồi xuống chiếu đã bị tụi nó chơi thấu cáy. À, anh có hay chơi xì tố không?
- Không.
- Xì lác?
- Thỉnh thoảng.
- Chơi xì tố thì mới có cảm xúc mạnh, mới có chút ít nghẹt thở. Y như đi coi phim suspense vậy. Nhưng mà anh thì chắc chỉ coi những thứ Valse dans l'ombre hay Mayerling.
Tôi nhịn không cãi lời Tuyết. Cãi lại nàng làm chi khi chính nàng đã chạy đến tìm an ủi nơi tôi. Tôi phải làm cái bia hứng chịu những mũi tên hằn học, bất mãn. Vả tôi tôi tự xét mình không phải là không tồi. Ích kỷ cũng không thiếu. Tuyết đến với tôi không phải để tìm lý luận và lẽ phải. Nàng chỉ cần được vỗ về để quên.
Tuyết đau khổ là một điều vô lý. Tôi tưởng chỉ có đàn ông mới phải đau khổ vì nàng. Đôi mắt nàng với hàng mi đen thăm thẳm của nàng chính là thứ đại dương mênh mông, nơi đó đàn ông biến thành những tên thủy thủ. Tha hồ mà phiêu lưu và chết trong đó.
Tuyết thay cho tôi một loạt khăn trải giường, khăn bàn và rèm cửa. Tủ sách cũng được nàng xếp đặt lại có thứ tự. Bao nhiêu những vật trước đây tôi bỏ bề bộn, nàng khéo dọn dẹp thế nào mà mỗi vật đều chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ. Một lần tôi đi làm về bất chợt gặp nàng đang dùng một sợi ni lông khâu chiếc quai săng đan cho tôi. Chiếc xăng đan đứt đôi tôi ném mãi ở góc tủ. tôi cảm động ôm vai nàng nói:
- Bây giờ anh mới hiểu em, mới biết em, mới thưởng thức được em.
- Nhưng đã chậm.
Nàng quay nhìn ra hiên, im lặng không nói tiếp.
Buổi trưa đó, chúng tôi ít nói trong bữa ăn. Tôi có cảm tưởng người nào cũng cố giữ những giọt nước mắt của mình. Tình yêu không phải chỉ là những cái hôn. Nó còn là sự im lặng. Tôi tôn trọng khoảng cách giữa tôi và Tuyết, nó làm tình yêu của chúng tôi trở thành xót xa và cao quý. Người đàn bà không còn là một đối tượng ham muốn. Đó là cái "tôi" đau khổ và bất lực được tách ra đặt ở trước mặt mình.
Tôi nói:
- Bao giờ cũng vậy: hoặc là đã chậm rồi, hoặc là còn quá sớm.
- Áp dụng vào trường hợp em thì là: còn quá sớm để mà tuyệt vọng nhưng lại đã chậm rồi để mà hy vọng.
- Bình là một người chồng tốt, anh nghĩ như vậy.
- Về những phương diện nào đó. Về tài chánh chẳng hạn. Em có một cái Taunus để đi dạo phố, có vòng ngọc và kim cương để làm ganh tị những người đàn bà. Về trí thức chẳng hạn. Bình học giỏi, đỗ cao, được nhiều người nể v. v... Nhưng bao nhiêu ưu điểm Bình có chưa đủ để làm em sung sướng.
- Em đòi hỏi Bình phải...?
- Không thể đòi hỏi được. Mỗi người đều có những ưu điểm và nhược điểm của mình nhìn qua mắt của người khác. Mỗi người nhìn một cách khác nhau, không phải ai ai cũng đồng ý với nhau trong việc ghi nhận ưu điểm và nhược điểm. Nhưng mà thôi, em không muốn nhắc đến Bình khi em ở cạnh anh. Chúng ta không nên đầu độc những ngày vui ngắn ngủi.
- Em có hối hận khi lừa dối Bình mà đến đây?
- Một chút ít thôi. Bình lừa em trước, Bình đi Hồng Kông một tháng và có lén đem theo người tình nhân của hắn. Vợ của bạn hắn đó. Tụi thượng lưu thời nay học đòi lối chim vợ của nhau.
- Em không ghen?
- Vô ích. Vừa mang tiếng là quê mùa, tốt hơn hết là tiễn Bình lên phi cơ xong, em mang va li đến anh. Ít nhất chúng ta cũng còn cao thượng hơn bọn nó. Vì ở đây chỉ có một người bị lừa dối.
Tôi bĩu môi:
- Cao thượng!
- Chứ sao? Lừa một tên bịp, em không thấy máy mắt một chút nào hết.
Tuyết trầm ngâm một giây:
- Thực ra thì em không có ý lừa Bình. Bao nhiêu thằng bạn thân của Bình chúng tán tỉnh em trắng trợn công khai nhưng em đâu có sa ngã. Em chỉ muốn nhân dịp đến thăm anh coi anh sống hiện nay ra sao.
Tuyết nói điều đó không giả dối. Tôi sống như thế nào, ba tuần qua nàng đã biết. Đêm nay là đêm chót cùng nàng chung chia mái nhà với tôi.
Đêm vắng vẻ như tăng thêm chiều sâu.
- Đáng lẽ thừa lúc Bình lừa em mà đi xa như vậy, em có thể nhân dịp trở về quê hương sống những ngày êm đềm bên cạnh cây cỏ và người thân yêu như những ngày còn nhỏ. Quê hương ám ảnh em không ngớt. Em ghét tiếng xe cộ Ồn ào, tiếng máy thu thanh rộn ràng, tiếng cười nói nham nhở với cái đô thị dẫu quen thuộc mà vẫn rất xa lạ với em. Em yêu những con đường làng có bóng cây sung cây keo xanh mướt, em yêu sườn núi sau nhà mọc lẫn lộn những bụi quít bụi găng...
Tuyết thở dài trầm ngâm nhìn xuống chân.
- Nhưng quê hương đó không còn là của em nữa. Một phần tư thế kỷ rồi, chiến tranh và biến cố chính trị đã lần hồi đốn ngã những cột trụ mà em nương tựa. Thầy em đã chết trong ngục. Me em đã chết vì bệnh mà thiếu thuốc. Hai anh trai của em đã chết trên chiến trường. Ngôi nhà và khu vườn bị bom tàn phá. Và bây giờ em còn bị cách trở với quê hương bởi không biết bao nhiêu là phòng tuyến.
- Anh cũng không sung sướng gì hơn em.
- Vả lại, dù có về được e rằng em cũng không về. Nhìn lại những kỷ niệm chỉ làm mình buồn thêm. Coi như là em mất tất cả rồi. Sau lưng em chỉ còn là khoảng trống. Đưa hộ em tách nước...
Nàng uống một hơi cạn và trả tách cho tôi cất.
- Em tìm đến anh bởi vì anh là hình ảnh của cái quê hương hiền hòa và đau khổ đó. Anh là tượng trưng, anh là một phần của cái quê hương dày đặc kỷ niệm đó. Anh có thể khinh em đi, nhưng mà đừng phũ phàng với em.
- Anh không hề phũ phàng...
- Là em nói phòng xa thế. Người có nhiều lý trí bao giờ cũng nuốt gọn những tủi buồn mà chỉ để lộ ra vẻ đắc thắng. Em cũng thế. Em đắc thắng trước mặt mọi người. Chỉ buồn tủi với riêng anh.
Nàng im lặng và tiếng phi cơ thám thính rền từ góc này sang góc kia của khung trời, mất hút đi rồi lại trở lại rang rang trở lại. Hỏa châu sáng rực ở phía phi trường. Tôi nghĩ đến những trở ngại ở dọc đường.
- Hay là em đợi đến ngày kia có chuyến máy bay.
Tuyết lắc đầu:
- Em thích đi xe "ca" cho đường dài hơn. Có gì hấp dẫn em ở đầu kia con đường đâu mà anh biểu em hấp tấp về nhà? Chán ngắt là những khuôn mặt mình sẽ gặp: chị bếp, con sen, bác tài xế... Khung cảnh cũng chán ngắt nữa: ngôi nhà đồ sộ và vắng lạnh, càng vắng lạnh bởi vì đồ sộ, những chậu cây, những bức tranh trên tường, những giường tủ lọ hoa. Em không muốn nhìn thấy chúng nữa. Nhưng mà em phải về.
- Đường bộ không được an toàn lắm.
- Nhưng mà vui. Em thích ngồi xúm xít trong một chuyến xe với nhiều người. Tha hồ gật gù trên con đường thiên lý. Những cảnh lam lũ nghèo khó trên con đường làm em được an ủi hơn. Quê hương ta nghèo nàn, đồng bào ta cơ cực, nơi nào cũng thế, không đi trên đường thì không thấy được. Phi cơ bay cao quá nên nhìn xuống đất thấy cái gì cũng đẹp, cái gì cũng pittoresque, cũng nên thơ hết.
Khi chúng tôi chia tay đi nghỉ thì kim đồng hồ đã chỉ ba giờ. Tôi chuẩn bị để trằn trọc suốt đêm bởi vì ngày mai sẽ bắt gặp tôi đối diện với nỗi cô đơn của tôi, nhưng không ngờ khi vùi đầu vào gối tôi chui ngay luôn vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau dậy trễ phải lật đật rửa mặt, cạo râu, thay áo và ăn sáng để đi làm, tôi chỉ kịp hôn Tuyết vừa lật đật nói:
- Thôi lát nữa em ra xe. Đi đường khỏe mạnh. Khóa cửa rồi gửi chìa khóa xuống nhà dưới.
Tuyết ôm chặt tôi không nói gì hết. Khi xe tôi ra đến đầu phố, tôi tự trách: Đáng lẽ mình có thể hôn Tuyết dài hơn, hôn thêm hai phút nữa. Đến sở trễ hai phút thì có gì nhiều.
Trưa hôm đó ở sở ra, tôi không muốn về nhà vội mà cứ muốn đi lang thang ở dọc đường. Tôi cho xe chạy chậm trước rạp chiếu bóng để tò mò nhìn xuống các bức hình quảng cáo. tôi ghé lại hiệu sách lơ đãng giở xem những tập báo ngoại quốc, xem hình những đàn bà đẹp có tô màu lộng lẫy. Tôi không muốn về căn nhà trống trơn, thiếu bóng dáng của Tuyết, nhưng buổi trưa không phải là giờ la cà nên tôi đành phải cho xe chạy về nhà. Chiếc chìa khóa tra vào ổ khóa. Cửa mở. Mùi nước hoa quen thuộc của nàng. Tôi bước nhẹ vào phòng như sợ làm kinh động một cái gì thiêng liêng. Hơi thở của Tuyết vẫn còn phảng phất đâu đây. Chiếc pouf kia nàng ưa ngồi. Bức ảnh bán thân của nàng đặt trên bàn viết. Những lọ phấn và nước hoa xếp thành dãy. Tôi đi lại tủ áo để thaỵ Một chiếc áo dài của nàng còn treo đó. Chiếc này, hôm nàng mặc đi phố với tôi, tôi khen:
- Em mặc áo này trông đẹp bội phần.
- Anh có nói nịnh em không?
- Không.
- Thế thì ta giống sở thích nhau. Em cũng thích cái áo này nhất trong tủ áo của em.
Tôi không nghĩ rằng Tuyết đã vội vàng đến quên xếp đem theo chiếc áo đó. Hay là nàng muốn tôi giữ mãi nó để đừng quên nàng. Cũng như dãy lọ phấn và lọ nước hoa kia.
Tối đó, khi tôi lật tập agenda, tôi thấy một mảnh giấy có chữ viết nguệch ngoạc gài trên tờ lịch. Nét chữ của Tuyết.
"Em khóc mười phút trước khi ra xe. Nhớ viết thư cho em. Gửi về địa chỉ của chị Phúc. Đừng thức khuya. Bớt hút thuốc lá. Em không tuyệt vọng đâu, anh yên tâm... "
Có chữ nét mực nhòe và giấy nhăn lại. Dấu vết của những giọt nước mắt.

Hết


Xem Tiếp: ----