Trong đêm khuya bấy giờ chỉ còn có hai vợ chồng chú Ba. Chú Ba tuổi đã ngót bốn mươi. còn thím Ba chừng như kém hơn vài tuổi. Chú Ba ngồi dựa cột, chân duỗi thẳng lên chiếu trải dưới đất. Hai vợ chồng ngồi như vậy rất lâu, không ai nói câu nào. Chợt chú Ba đấm tay xuống chiếu:
- Thôi đi, tôi đã quyết rồi!
Thím Ba cũng chẳng nói gì. Song nước mắt bỗng trào ra khóe mắt thím. Khuôn mặt người đàn bà trông thật đáng thương. Đêm đã khuya. Chốc chốc lại có tiếng nổ "đoàng" ngoài vọng gác. ở ấp chiến lược, súng nổ mãi thành quen tai, nên hai vợ chồng hình như không lưu ý gì cho lắm. Khi không có cái tiếng súng bắn vu vơ nữa và khi cả hai vợ chồng đều im lặng thì gian nhà chỉ còn có tiếng ngáy đều đều của cậu con trai mười bảy tuổi đang ngủ trên vạt. Bỗng chú Ba co chân lại, vươn vai đứng lên, đi ra bộ ván trước. Thím Ba vội đứng dậy bước theo, thì thào:
- Vậy mình định chừng nào cho con nó đi?
- Chưa biết. Nhưng cũng không lâu đâu. Để tôi gặp lính Tư bàn coi đã. Hễ đêm nào lính Tư gác là cho nó đi!
- Trời... - Thím B buột kêu lên.
- Trời với đất gì. Đàn bà thiệt mau nước mắt quá. Tôi hỏi mình, vậy chớ để thằng Trung ở đây cho tụi nó bắt lính, mình mới vui sao?
Thím Ba đứng sững, nước mắt trào ra vuốt ướt tay. Thím biết tính chồng, hễ đã định làm chuyện gì thì khó mà can được. Gần nửa tháng nay, chồng thím có đem chuyện đứa con trai ra bàn với thím, bảo là không thể để thằng Trung ở giữa cái ấp chiến lược này được nữa. Rồi chồng thím lại bảo rằng sẽ thu xếp cho con nó đi. Thím hỏi cho con nó đi đâu thì chú Ba ghé sát vào tai thím mà nói: "Đi theo đằng giải phóng!". Chú còn căn dặn: "Mà chớ có nói với ai đó, tụi nó biết được thì khốn. Ngay như thằng Trung cũng đừng cho nó hay trước. Chuyện đó để tôi. Phần mình cứ lo sửa soạn cho nó, quần áo nó có rách thì vá lại, ở nhà còn hai trăm đồng bạc đừng đụng tới, để nó đem theo. Nhà mình chỉ có mỗi mình nó... tôi biết, nhưng tôi nghĩ nát óc rồi. Thằng nhỏ khỏe mạnh, lại gần tới tuổi đi lính, như miếng mồi treo sờ sờ trước mặt, sớm muộn gì nó cũng đớp...
Thôi, mình nên tính trước đi là hơn. Cho nó đi theo anh em, nó sẽ nên người. Chắc rồi nó cũng cầm súng, nhưng cầm súng nổ vô đầu tụi phản dân hại nước, nó chết tôi cũng mát dạ".
Lúc thoạt tiên, nghe chồng nói chuyện ấy, thím Ba giật nẩy người. Giữa ấp chiến lược đầy dẫy phường lang rợ sói này, nghe chuyện như thế mà không giật mình sao được. Thím Ba sợ lắm. Song nghĩ tới nghĩ lui thím thấy chồng nói đúng. Hai vợ chồng thím lấy nhau đã lâu chỉ có được một đứa con trai, năm nay nó đã mười bảy tuổi, người ta sắp sửa bắt nó đi, rõ ràng là như vậy mà ngồi đó chịu cho người ta bắt hay sao. Biết chồng nói phải nhưng thím vẫn khổ tâm áy náy. Dạo này giấc ngủ đến với thím sao mà khó khăn. Nằm xuống thím vụt nhớ lại mười bảy năm về trước mình đã sanh con mình như thế nào và nó đã cất tiếng khóc ra sao. Đêm đó, một cô y tá Vệ quốc đoàn đỡ đẻ cho thím giữa tiếng súng của một cái bót Tây đóng. Tã lót con cũng của bộ đội cho. Hồi ấy, vợ chồng thím vừa mới ở đợ cho người ta ra. Lấy nhau rồi, vợ chồng vẫn còn mặc đồ bố. Năm sau, cách mạng cấp cho vợ chồng thím hai mẫu đất, nhờ đó mà làm ăn khá lên, nuôi con khôn lớn. Ba tháng trước, thím gạt nước mắt mà từ biệt miếng đất đi ra đây dưới hàng lưỡi lê tua tủa. Lần đó chú Ba bị chúng đánh tất cả là bốn báng súng vì chú đã kéo chân cái thằng leo lên dỡ nhà chú, khiến nó té nhào xuống đất. Thím Ba với thằng Trung cũng bị lùa đi. Về đây, gia đình thím sống như bị cầm tù. Cực khổ, hằng ngày bị đe dọa đã đành, lại tiếp đến mối lo này. Mối lo âu này đối với vợ chồng thím thật là đáng sợ. Nó không là mũi dao hòn đạn giết chết vợ chồng thím nhưng nó giày vò, cấu xé lương tâm vợ chồng thím.
"Cách mạng đã đem đất lại cho mình, nhờ đó mình nuôi thằng Trung lớn lên. Giờ để tụi nó bắt thằng Trung đi lính bắn lại cách mạng à? Trả nghĩa cách mạng như vậy à?".
Chồng thím vẫn bảo thế. Thực ra thì thím Ba chưa hề cãi lại ý kiến của chồng. Độ một tuần nay, thím đã âm thầm thu xếp cho con trốn đi. Nhưng lòng thím vẫn đau. Cái nỗi đau mà người mẹ nào chả có trước khi chia tay với đứa con mình đã mang nặng đẻ đau mà không biết còn gặp lại nữa không.
Chú Ba đã cất tiếng ngáy khò khò ở bộ ván trước. Thím Ba nằm xuống bên cạnh con. Nhưng thím đâu có ngủ. Thím mở mắt trao tráo. Lát sau, thím lại ngồi dậy. Dưới ánh đèn, thím nhìn con trai đang ngủ. Trời nóng, thằng Trung ở trần trùi trụi. Tiếng ngáy của nó nghe rất đều và khỏe. Thím ba thừa lúc con ngủ, cầm trộm bắp tay con. Thím thấy bắp tay con rất chắc. Từ một đứa trẻ nó đã trở thành một thanh niên tráng kiện. Nhè nhẹ buông tay con ta, thím Ba mò kiếm cái rổ may ở góc vạt. Thím đứng lên đi lấy đèn lại, ngồi vá nốt chiếc áo của con bị rách. Tay luồn kim, ngồi vá nốt chiếc áo của con bị rách. Tay luồn kim, mặt thím lại nhòe ướt. Người đàn bà khóc thầm một mình, khi chồng và con đều ngủ cả. Giữa đêm tối, lâu lâu bọn dân vệ lại bắn đùng một cái. Không mấy lúc là ngớt tiếng giẫm thình thịch ở các ngõ nhà, hè nhà. Đó là tiếng giày của bọn công an đi sục sạo, nghe ngóng. Nhà nào nhà nấy đều im thin thít. Cái yên lặng ở ấp chiến lược khác hẳn cái im lặng ở một thôn xóm bình thường. Một sự yên lặng rợn người, man rợ và tăm tối. Bốn ánh đèn ở bốn chòi gác loi lói như mắt của quỷ dữ. Loáng thoáng hiện dưới ánh đèn, những sợi dây thép gai giăng giăng in bóng xuống mặt nước hào sâu.

*

- Chuyện tao muốn nói với mày là như vậy. Liệu có đi được không?
Chú Ba sau khi đem chuyện đó ra nói cho con trai nghe, chú hỏi con như thế. Thằng Trung ngồi im không nói. Nó đưa mắt liếc nhìn ba nói. Chú Ba không thấy con trả lời, liền hỏi tiếp:
- Sao! Hay là sợ không dám đi?
Thằng Trung đứng phắt dậy. Nó nói mà không nhìn ba nói:
- Tôi mà sợ. Có cái là tại sao phải đi ban đêm? Cứ ban ngày ban mặt mà đi, sợ thằng nào?
- ấy phải sợ nó thấy chớ. Mày ngu quá. Đi ban đêm dễ hơn. Tao đã bàn với lính Tư rồi, đêm mốt tới phiên chú Tư gác ở chòi gác chánh, chú sẽ để cho mày đi thong thả. Chừng mày đi rồi chú sẽ bắn súng báo động. Tao sẽ la rầm lên là mày đã bỏ nhà trốn...
Thằng Trung nghe ba nó nói thế thấy cũng có lý. Ngẫm nghĩ một chút nó bảo
- Tôi đi rồi thế nào nó cũng làm khó dễ ba má. Chú Ba nói:
- Ôi đừng lo. Xin miễn mày đi thoát là được. Còn tao, nếu nó đánh thêm vài báng súng nữa cũng chịu nổi. Chịu cho nó thúc vài báng súng để mày đi thoát thì tao chịu được.
Đứa con trai ngồi xuống. Nó yên lặng, không động đậy. Mi mắt của nó cứ chớp lia. Nó đang nghĩ tới lúc nó đã ra đi rồi không có ai đi kiếm củi cho má nó. Rồi xa nó, má nó thể nào cũng khóc. Nghĩ tới bước đường sắp tới thì nó khoan khoái, nhưng chạnh nhớ cảnh nhà thì nó hơi băn khoăn. Niềm vui xen lẫn với nỗi lo. Có lúc nó tưởng tượng nó đi bộ đội, có ngày nào đó nó sẽ về đây giải phóng cho má nó, thím Tám, chú Năm và mấy đứa nhỏ như con Lành, con Quế. Nó mà vô bộ đội, thì đám dân vệ bảo an ở đây nó coi không ra cái thớ gì. Bờ rào ấp chiến lược nó đạp đổ nhào hết. Trong đầu nó đã sắp sẵn: Những người của mình như chú Tư, anh Chín Cồ thì chừa ra, còn bắt được thằng nào là nó đem trấn nước. Chưa gì mà trước mắt thằng Trung đã vẽ ra những cảnh tượng hết sức sôi nổi. Ba nó bấy giờ lạibảo:
- Vô trong đó, phải siêng năng, hiểu chưa! Mà phải chịu cực khổ đã, tao nói trước. Được đi bộ đội càng hay, nhưng liên lạc cũng đi. Anh em người ta giao cho việc gì cũng làm, hiểu chưa?
Chú Ba nói nhấn mạnh tiếng "hiểu chưa" sau cùng. Thằng Trung có vẻ không thích ba nó cứ nhấn đi nhấn lại như thế. Cái chuyện đó nó thừa biết đi rồi mà ba nó cứ nói mãi. Đi làm cách mạng cực khổ, nó đâu có sợ. Lội sông, lội ruộng, lội bưng nó đã từng lội rồi. Nhịn đói hai ba ngày nó đã từng nhịn. Chà, cái thứ đói bụng thiệt mới khó chịu chớ. Nhưng nó tự hứa với lòng là sẽ cố gắng. Người ta sao, mình vậy. Ngồi ở đây, thằng Trung đưa mắt nhìn ra vòng rào dây thép gai. Xuyên qua một quãng bờ chướng ngại ấp chiến lược chưa đắp, nó nhìn thấy dòng sông và ven cây xanh mù dưới chân đồng. Đó là làng Mỹ Hiệp, kế làng Tân Hiệp của nó. Nó sẽ vượt qua con sông ấy, rồi băng đồng đi tới ven cây xanh đó. Dòng sông thì nó đã có lội, bốn lần lội qua lội lại mà không biết mệt. Còn cánh đồng nó chạy một hơi là tới. Thằng Trung cầm chắc là nó sẽ đi qua mấy chỗ đó một cách dễ dàng.
Ba nó thấy nó cứ ngồi ngó mông ở đâu đâu thì lại dặn thêm:
- Cái điều chủ chốt...
"Lại cái điều chủ chốt..." Thằng Trung nghĩ.
- Điều chủ chốt là phải có gan, - ba nó tiếp lời - Mình ăn thằng Mỹ - Diệm là ở sự tinh thần. Lính tụi nó chưa đánh đã chạy, bộ đội mình chưa hô là đã xung phong lên rồi...
Thằng Trung ngó ba nó, nghĩ bụng: "Chưa hô mà đã xung phong thì bỏ bà". Song nó chỉ nghĩ thầm trong bụng vậy thôi chớ không dám cãi. Nó tức cười mà cũng không dám cười. Tánh ba nó nóng lắm. Mấy lần ba nó rượt nó chạy thiếu điều hụt hơi chỉ vì nó hay bàn tới bàn lui. Nhưng nó không oán ba nó bao giờ. Ba nó thương nó với má nó lắm, tại tính ba nó không ưa thổ lộ, ra tuồng vuốt ve âu yếm. Có thương thì ba nó để bụng mà thôi. Má nó lại hay khóc, và lo lắng cho nó đủ điều. Đây nó đi rồi má nó khóc cho mà coi. Nhiều lúc nó cứ nghĩ sao má nó chỉ đẻ mỗi mình nó, phải chi nó có một đứa em, một đứa em gái như con Quế con chú Tám chẳng hạn thì dầu nó có đi, má nó hú hí với em nó cũng đỡ buồn. Bữa nay, trong lúc ba nó to nhỏ dằn dò nó trước lúc ra đi thì má nó nấu cơm dưới bếp. Má nó đương xào cái món gì bay mùi thơm quá. Chắc là hủ tiếu xào tôm. Món đó nó ưa lắm. ở đây rồi nó không được ăn, vì lẽ không có tôm. Cứ như lúc còn ở trong Tân Hiệp thì nó ăn thường. Nó làm siêng xuống rạch mò một chút là xách lên một xâu vài chục con tôm càng xanh. ở đây thì nhịn thèm. Sáng nay má nó cầy cục xin phép thằng Hai công an đi chợ mua về được một mớ tôm. Mắc muốn chết, có tám con tôm mà tới mười lăm đồng.
Giữa lúc má nó sắp dọn chén ăn cơm thì nghe có tiếng chân ai đi lạo xạo trước cửa. Nó ngó nhóng ra thì thấy thằng Hai công an. Hắn dừng chân trước cửa nhà, thọc sâu hai tay vào túi quần "đạcgờrông" kêu lớn:
- Ê, Ba Đô ơi, tối nay đi học tập nghe. Học về chánh sách chiêu hồi, quan trọng lắm đa!
Nói tới đó không thấy ai lên tiếng, hắn la lớn:
- ủa, nhà bộ chết hết rồi sao, không thấy ai lên tiếng vậy kìa!
- Có tôi ở nhà đây - Chú Ba đáp, nhưng vẫn không bước ra.
Tên công an nói:
- Kêu sao mần thinh vậy. Nè, tôi nhắc lại tối nay ra trụ sở học tập nghe, để thông hiểu chánh sách Ngô tổng thống rồi có bà con ai theo Việt Cộng thì kêu họ về... Chà... xào nấu giống gì mà bay mùi thơm dữ vậy?
- Dạ, bữa nay hết gạo xào hủ tiếu ăn trừ cơm đó thầy Hai!
- à... à, xào hủ tiếu ăn trừ cơm... Sung túc chưa, vậy mà hồi đó kêu đi ra đây còn làm bộ!
- Dạ, sung túc... thì cũng sung túc...
Tên công an ngắt lời chú Ba:
- Đó, đó sắp sửa mở giọng nói mắc mỏ rồi đó!
Tên công an đi khỏi, chú Ba lẩm bẩm:
- Lại chiêu hồi. Chiêu hồi ai đâu không thấy chớ nay mai tao cho con tao đi ra với Việt Cộng cho bây coi.
Ngay hôm sau, sau khi cơm nước xong, chú Ba gọi con đem bình mực và cây viết ra cho chú. Rồi chú bảo nó đứng ở cửa gác chừng. Chú nghĩ rằng không thể để con mình đi vô đó tay không được. Giao đứa con trai độc nhất của mình cho cách mạng, bổn phận người cha, chú thấy cần phải có ít lời. Chú cầm bút chấm vào bình mực. Có một cái gì rất thiêng liêng dâng lên trong người chú khi chú hạ bút sắp sửa viết những dòng chữ ấy. Chú Ba có cảm giác như hồi ở trong kia chú đứng chào cờ trong các buổi lễ, hoặc lúc chú đốt hương trong ngày đi tảo mộ liệt sĩ. Cái cảm giác đó làm mi mắt chú nóng hổi, rân rấn. Thành ra cây bút chú cầm trong tay cứ run lên. Thành ra cây bút chú cầm trong tay cứ run lên. Ngồi đã lâu mà chú chưa viết được một chữ. Vả lại, thuở giờ chú Ba có hay viết thư từ gì đâu. Nói sao cho rành rẽ, cho anh em hiểu được ý mình, tình mình đây. Quả là khó. Trước hết, chú nghĩ, phải nói là "Hai vợ chồng tôi chỉ đẻ được một thằng con trai"... Mà không ổn rồi, viết thư cho cách mạng mà gọi con mình bằng thằng như ở nhà thì không được. "Hai vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai..." Phải nói như thế. Chú Ba ngồi trên bộ vạt sau, khom lưng, nắn nót viết từng chữ. Lúc nào chú nghe thằng Trung húng hắng ho thì chú đút tờ giấy xuống chiếu. Xong lại đem ra viết. Cứ thế mãi tới lúc mặt trời đứng bóng chú mới viết xong bức thư. Một bức thư mà trong đời mình, người nông dân ấy chưa hề viết.

*

Buổi chiều nay cả nhà chú Ba ăn cơm sớm. Thím Ba ăn không được. Bưng chén cơm lên thím lại nghẹn ngào đặt xuống. Thằng Trung ăn cũng không thấy ngon. Chỉ có chú Ba là lặng lẽ ngồi ăn, thản nhiên như mọi bữa. Chú nói với con, giọng có phần âu yếm hơn ngày thường:
- Rán mà ăn chút đỉnh đi. Bữa cơm này là bữa cơm cuối cùng má mày nấu cho mày ăn đó!
Thím Ba nghe chồng nói câu ấy thì không chịu nổi nữa. Thím đưa ống tay áo lên quệt nước mắt lia lịa. Đoạn thím buông đũa, đi lại bộ vạt ngồi khóc sụt sịt. Thằng Trung và nốt mấy miếng cơm rồi cũng đứng dậy. Nó nói vẻ cứng cỏi:
- Thôi, đừng khóc má. Con đi đây đáng lẽ má phải mừng mới phải... Trời tối rồi, cái gói quần áo của con đâu?
- Đây!
Thím Ba lấy gói quần áo cột túm bằng chiếc khăn sọc đưa cho con. Tấm khăn đó thím đội thường ngày, nay đem gói quần áo cho con trai. Thằng Trung ôm cái tay nải, ngồi xổm dưới đất. Nó nghe từ tấm khăn toát ra mùi mồ hôi quen thuộc của má nó. Cái mùi mồ hôi tần tảo, lam lũ lao động của người mẹ chợt làm cho đứa con rộn rực một cách khó tả. Thằng Trung biết má nó nghèo nên không sắm cho nó một cái khăn mới. Nó cảm động, rơm rớm nước mắt. Nhưng nó quay mặt về phía bóng tối, giấu không cho má thấy. Nó thầm nghĩ, dầu cho nó có đi theo quân giải phóng tới chân trời góc biển nào, nó cũng sẽ giữ cái khăn ấy nhứt định không để mất. Nó chợt có cảm tưởng rồi đây má nó sẽ ở bên nó mãi mãi. Lúc ấy, má nó cũng ngồi thụp xuống, giúi vào tay nó một cái gói gì bằng giấy:
- Đây là tiền, con cất để dành xài...
Thằng Trung mở gói giấy. Nó thấy trong đó có bốn tờ giấy bạc năm chục đồng. Nó chỉ lấy một tờ, còn bao nhiêu nó đưa cho má nó.
- Đi bộ đội, lo gì!
Má nó không bằng lòng. Nài nỉ mãi nó mới chịu cầm thêm năm chục đồng nữa là chẵn một trăm.
Ba thằng Trung ăn cơm rồi quầy quả đi đâu, một chốc sau ba nó trở về, nói:
- Tôi đã gặp lính Tư, êm rồi!
- Đi chưa, ba?
- Chưa. Khuya khuya một chút mới đi được. Đây này, mày cầm cái này...
Chú Ba lấy cái thư trao cho con căn dặn:
- Cất kỹ nghe, vô đó trao cái thơ này cho chú Chín Tâm, ổng là chi bộ ở Mỹ Hiệp. Nếu không gặp chú Chín Tâm, gặp bộ đội hay du kích đưa cũng được. Tao dặn lại, một lát nữa cứ thẳng ra cửa mà đi, đã có lính Tư gác ở đó, không sợ gì. Đi một đỗi mày sẽ qua sông, lúc đó chẳng có súng nổ, nhưng cứ tỉnh, tiếng súng của lính Tư bắn, không lo. Có điều là vô tới vườn rồi thì phải bỏ đường bộ, xuống kinh lội đi. Trên lộ bà con người ta gài chông đi không được đâu...
Thím Ba nghe nói thế thì lo lắng ra mặt. Thằng Trung bảo: "Được rồi".
Chừng một tiếng đồng hồ sau, thằng Trung bước khỏi nhà. Ba nó đứng coi hoặc chừng đường. Nó đi một mạch. Lúc ngoảnh lại nó thấy bóng má nó đứng trên thềm nhà. Nó biết má nó đương khóc, nhưng không dám khóc lớn.
... Bây giờ thì thằng Trung đã ra tới cửa ấp. Nó thấy cửa mở he hé, chớ không đóng. Nó liền đẩy nhẹ một cái, lách qua rồi thoăn thoắt bước đi. Chốc sau nó qua khỏi hàng rào dây thép gai cuối cùng tới chân đồng. Nó xốc cái tay nải lên vai, bắt đầu chạy... Gió thổi lộng. Không khí trong lành quá. Chạy một quãng nó dừng lại thở. Nó cảm thấy không khí nó hít vào mát mẻ, dễ chịu hơn ở trong ấp nhiều lắm.
Tới bờ sông, thằng Trung cởi hết quần áo bỏ vào khăn, buộc túm lại. Nó giơ cái tay nải cao quá đầu, lội qua sông. Quả nhiên đúng như lời ba nó nói, lúc nó lội gần tới bờ thì nghe một phát súng nổ "đoàng". Vốn biết trước nên nó vẫn tỉnh, lên bờ lấy quần áo mặc vào. Nhìn về phía ấp chiến lược, nó thấy đèn ở chòi gác le lói. Lại thấy có ánh đèn "pin" chiếu lố nhố, nhì nhằng. Thằng Trung nghĩ bụng "Chắc tụi nó đương kiếm bắt mình".
Nó rơi vào tới ven vườn thì đêm đã khuya. Theo lời ba nó dặn, nó lại cởi quần áo lội xuống kinh. Nước chỉ tới ngực. Nó trầm mình dưới nước mà đi. Đi được một quãng, thình lình nó nghe một tiếng quát từ trên bờ dội xuống:
- Ai đó!
- Tôi.
- Tôi là ai?
- Tôi... tôi ở ngoài ấp chiến lược vô đây, để tôi lên...
Một bóng đen trên bờ nhô ra. Rồi một bóng đen nữa. Họ chĩa mũi súng xuống kinh. Một ánh đèn "pin" vụt chiếu ngay mặt thằng Trung khiến nó lóa cả mắt. Nó nghe người kia nói:
- Có một người thôi... Một chú em.
- Chú ngoài ấp chiến lược vô à? Có ai nữa không?
- Không, chỉ có một mình tôi thôi!
Thằng Trung vừa nói vừa leo lên bờ kinh. Nó vội vàng mặc quần áo rồi hỏi thăm chú Chín Tâm. Hai người đó bảo Chín Tâm đi vắng không có nhà, ở đây giờ chỉ có bộ đội ở. Một người bước sát lại gần nó hỏi khẽ.
- Chú em có chuyện gì đó? Có thể nói với chúng tôi được không?
Thằng Trung suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Được.
- Vô nhà đi!
Thằng Trung theo một người đi vào nhà. Người đó đốt đèn, nhìn nó suốt lượt rồi đi gọi một người khác đương ngủ. Người được gọi thức dậy, dụi mắt hỏi:
- Gì đó?
- Báo cáo có một chú em vừa ở ấp chiến lược vào. Chú ấy muốn gặp đồng chí.
- Đâu, em ấy đâu?
Thằng Trung mạnh bạo đáp:
- Dạ, em đây!
Nói rồi nó mò trong túi lấy cái thư của ba nó đưa cho đồng chí ấy:
- Ba tôi dặn đưa thơ này cho chú Chín Tâm, nhưng nếu không gặp chú Chín Tâm mà gặp du kích hay bộ đội đưa cũng được.
Người chỉ huy đơn vị cầm lá thư, kê sát lại ngọn đèn. Mới đọc mấy dòng đầu, đôi mày rậm của anh chỉ huy vụt nhíu lại. Bức thư viết bằng mực tím, nét chữ ngoằn ngoèo và to cồ cộ:
Kính mến gởi anh em Cách mạng giải phóng,
Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con. Vì tình cảnh bị kẹt nên tôi phải ở trong ấp chiến lược. Trước đây vợ chồng tôi được Cách mạng cấp đất nên làm ăn đặng khá. Tôi vốn chịu ơn Cách mạng và Đảng rất nặng. Nay con trai tôi (là đứa cầm thơ này) đã lớn, tôi không thể để tụi Mỹ - Diệm bắt nó đi lính đánh lại Cách mạng. Tôi không đành lòng mà chịu cảnh đó được. Vậy nên vợ chồng tôi từ trong ấp chiến lược gởi đứa con trai một của chúng tôi cho Cách mạng. Xin coi như tôi hoàn toàn dâng cho Đảng đứa con của tôi. Nó còn khờ khạo, mong anh em cứ dạy dỗ, chỉ bảo cho nó thành người thì vợ chồng tôi lấy làm mừng lắm.
Nay kính thơ
Nguyễn Văn Ba, bần nông
Bên dưới lá thư, ngoài chữ còn có dấu lăn tay, ngón cái và ngón trỏ, lăn bằng lọ nghẹ với dầu dừa. Đọc xong bức thư, người chỉ huy vui vẻ bước tới đưa hai bàn tay chụp lấy vai thằng Trung, làm như tự nãy giờ chưa thấy nó:
- Em đó hả? Ba em gởi tới đây à?
Thằng Trung tủm tỉm gật đầu. Người chỉ huy tiếp lời:
- Tôi có nghe chú Chín Tâm của em nói. Thôi được, em cứ ở đây. Có lẽ là em sẽ đi với chúng tôi. Bây giờ khuya rồi, chúng ta đi ngủ, mai sẽ nói chuyện thêm. Mùng tôi rộng, em vô mùng tôi mà ngủ.
6-1963