Nói đến nữ sinh người ta nghĩ đến các cô gái trong tà áo dài trắng, thùy mị duyên dáng. Nhưng thời áo trắng của tôi dẫy đầy thành tích. Nói đến thành tích cũng có thể ngầm thêm nghĩa bất hảo, không ngoa đâu bạn. Thủa đó, thư tình phất phơ như bướm. Thời đó, ta là tất cả. Dòm lên thôi. Kẻ nào nghèo hơn, dốt hơn, xấu hơn là không đáng cho ta đoái hoài. Nào là vứt sọt rác, lượm hầm bứa, xách dép, đèo bòng là những nhóm từ cửa miệng, không một chút thương tiếc dành cho những kẻ bán than đòi rờ gót ngọc. Lúc hồi tưởng, mơ về những người ta yêu, ít khi dành một khoảng nào cho kẻ mang tội đã từng si mê tạ Tôi đang làm việc ngược ngạo, nói về một người tình không vương vấn.
Hôm nay tôi kể chuyện về một người con trai, anh Tiếp. Lần đầu tiên tôi gọi bằng anh, để tỏ lòng kính trọng mối tâm tình ngưỡng mộ của anh của một thời quá khứ mù xạ Anh chung lớp cùng tôi hơn ba năm. Là một trong những kẻ xấu số đã viết những bức thư tình mà tôi vẫn nhớ. Những bức thư bị tôi đem ra phanh phui giữa lớp, hí hố phê bình, và xúi giục đám ngũ quỉ châm chọc nạn nhân, đã dám đòi thương tôi. Cái thời đó sao mà tôi đanh ác quá. Tôi có trái tim không? Có chứ, nhưng mà trái tim non dại, chưa biết đau thương, khốn khổ là gì. Kẻ nào dưới cơ, một trong các mặt tôi kể trên, mà dám xớn xác hó hé với tôi, thì tôi coi như một sự sỉ nhục, làm giảm giá trị của mình. Giá trị của một con người hợm hĩnh. Tuổi mười hai, mười ba là tuổi ngọc ngà, giấc mơ gặp hoàng tử cỡi ngựa bạch bị mấy anh chàng sinh nhằm ngôi sao xấu án ngữ, thì chẳng khác nào sắp được bay lên mà bị nắm chân vậy. Không đá, thì cũng phải đạp chứ. Tôi không có ác ý nào trong việc đối xử không công bình với anh. Tôi chỉ không muốn tỉnh mộng, bị đánh thức bởi một người như anh. Anh lớn hơn tôi hai tuổi, Ba anh mất khi chúng tôi đang học lớp sáu. Mẹ già, anh là con độc nhất. Da mặt xanh xám, môi tim tím. Cái quần xanh polyester duy nhất bó anh như bó chả. Đầu lúc nào cũng cúi xuống, cử chỉ thật quái dị. Cái xoay mình của anh không giống bất cứ ai, như những con rối, người nộm. Đã thế, cái giọng biển của anh, lối nuốt chữ, múa môi và cách xưng hô mình mình, tớ tớ nghe muốn rợn cả người. Vậy mà anh thương tôi, một cô gái nghịch ngợm, đầu đảng phá phách, chọc ghẹo thiên hạ.
Anh là trưởng lớp trong những năm tôi học cùng với anh. Luôn tìm cách cà rà bên tôi trong mỗi kỳ cọng sổ cuối tháng. Tôi mấy năm liền đạt danh dự toàn trường. Đường mây của tôi thênh thang, cũng như con đường tình duyên. Ngó ngang cũng không muốn, huống chi phải dòm xuống. Thực tình mà nói, anh Tiếp học cần cù, giỏi toàn diện, tuy không xuất sắc môn nào. Sau này tôi bị Ông thầy Phạm Công Đích đì môn Pháp văn thì anh có vài lần chiếm vị trí của tôi. Tôi chỉ phục những người thông minh, chứ cần cù là không khoái. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi không hề cảm động những gì anh đã công khai, đã âm thầm lo lắng cho tôi, mà còn coi đó là sự bực mình. Trong những lần tổ chức du ngoạn, tôi luôn đặt điều kiện có anh là không có tôi. Dĩ nhiên, đám bạn khoái tôi hơn. Vả lại, hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, không cho phép anh tham gia các cuộc vui chơi do trường lớp tổ chức. Tuy tôi coi anh chẳng có kí lô nào, nhưng anh không hề tỏ thái độ bất mãn mà chấm dứt mối tình vô vọng dành cho tôi, cho tôi đở khổ.
Có lần, thầy Vĩnh Hân dạy tóan, kiêm chủ nhiệm lớp gọi tôi lên phát bằng danh dự. Thông thường, bằng đó được phát dưới cột cờ, sau khi chào cờ mỗi sáng thứ hai. Nhưng vì lễ hay sao đó, tháng ấy bằng phát tại lớp. Nghe gọi tên, tôi bước lên, thì bỗng nhiên tôi nghe cái giọng huế của thầy quát lên “ vô lễ!”, rồi truất cái bằng định trao cho tôi. Chẳng hiểu mô tê chi cả. Thì lúc đó thầy mắng tiếp, “Lãnh bằng là một niềm danh dự cho trò, tại sao trò tỏ thái độ bất đắc dĩ với gương mặt đưa đám?” Oan thật là oan! Thà lãnh dưới cột cờ, thiên hạ mang mang tôi có ngại gì ai, chứ trong lớp tôi không dám tỏ thái độ hả hê, toe toét vì sợ bạn bè cho là vênh váo, ngạo mạn. Nên mới chù ụ, xiu. mặt giả vờ. Dè đâu, ông thầy không thấy cái “thâm ý” của tôi, mà mắng tôi như tát nước vào mặt. Thảo nào, bạn bè thường nói, cái bản mặt của tôi mà xụ xuống thì trông ngầu lắm. Tôi mới học cách khiêm tốn lại bị trật đường rầy. Thế là anh Tiếp có cơ hội ra tay nghĩa hiệp. Tôi đâu muốn nhờ vả anh nà? Vậy mà thầy Hân phán là nể tình trưởng lớp lên tiếng nên không tướt bằng danh dự lần đó, nhưng đe rằng lần sau mà còn như vậy thì đừng trách số.
Rồi năm lên lớp Bảy, tôi cũng bị thầy Trần Hữu Định quạt cho một trận tơi bời. Ngộ ghê, toàn là mấy ông thầy cưng tôi nhất, mà trở thành mấy ông kẹ lúc nào không haỵ Thầy Định là sĩ quan biệt phái. Thầy dạy môn văn. Đám học sinh xì xào rằng thầy có máu băm. Thầy hay ngồi trên bàn của tôi, rồi vò đầu, sờ chóp mũi tôi, tùm lum. Lúc đó mới học lớp bảy, sau lưng chưa có những lằn ngang báo hiệu tuổi đã vào thời dậy thì, vậy mà tôi thấm nhuần lời xuyên tạc, bôi bác của đám con gái, nên tỏ thái độ vùng vằng mỗi lần thầy ngồi lên bàn tôi. Tôi né, gạt tay để tránh thầy. Thầy Định hay đọc bài để chép thay vì viết lên bảng. Thầy thường sai tôi nhắc lại cho các bạn cùng viết. Tôi xem đó như là một vinh dự. Nhưng lần ấy, đang chép bài Cô Thơm, thầy bảo tôi nhắc lại. Tôi vẫn nhớ cái câu mở đầu bài đó, “Dưới làn má li ti những gân máu... ” Không biết vì sao, tôi nói sảng hay bị nhập mà trả lời gọn lỏn tiếng một là “không!” Như không tin tôi trả lời như vậy, thầy hỏi lại một lần nữa. Tôi đang hăng, trả lời rành rọt từng tiếng, “ Không, em không thích đọc lại.“ Trời ạ, tôi chưa từng thấy một con người nào giận dữ như vậy. Mặt thầy đỏ rần, khoé miệng sùi bọt, tay vất cuốn sách một cái xoạch lên mặt bàn, rồi phùng mang trợn mắt gầm lên, “Khi con hổ ngủ thì khôn hồn hãy để nó yên, đừng có đánh thức nó dậy! “ Tôi thật bất ngờ trước phản ứng quá mạnh mẽ đó. Đang bàng hoàng thì nghe thầy quát, “Thật là vô lễ, bước ngay ra khỏi lớp!” Chưng hửng và cũng chưa lường được hậu quả của cơn thịnh nộ đột xuất đó, tôi nghênh ngang thu xếp sách vở, bước ra khỏi lớp. Đến nhà bác Cai trường ngồi chờ hết giờ học, để dò tình hình thời sự. Tôi vẫn nghĩ thầy ra oai một chút thôi, nào hay đám bạn nói lại rằng, thầy sẽ cấm tôi thi học kỳ. Môn văn hệ số ba, không được thi có nghĩa là ở lại lớp. Kinh khủng quá, trầm trọng rồi chứ không phải là chuyện đùa như tôi tưởng bở. Từ giờ phút đó, con người tôi rụt xuống. Học tiếp hai giờ toán cuối, tôi trở nên chăm chú hiếm có, mà chẳng hiểu ông thầy nói gì cả. Tự nhiên thấy mình thua cả đứa học dốt nhất lớp, không dám ngước mắt dòm ai.
Hai ngày sau mới có giờ văn, trong thời gian đó mọi cử chỉ hành động của mình tôi cảm thấy đều gượng gạo. Chịu lắng đọng, chịu bình dân học vụ, ai hỏi gì cũng nhỏ nhẹ thưa thốt. Tôi chuẩn bị lời nói để xin thầy Định vào học lại. Ngày đó, lúc chuông vào lớp reng, ai nấy lục tục vào. Còn trơ trọi ở nhà bác Cai ngồi chờ, tôi mới thấy bỗng chốc tôi đã trở thành một con người khác. Tôi không có quyền bước vào lớp như các trò kia, chẳng còn là cái thá gì cả. Khỏang mười lăm phút thì tôi lò dò đến trước cửa lớp. Thầy Định đang oang oang giảng bài. Trông thấy tôi, cả lớp im phăng phắt nhìn ra. Thầy Định xây mặt lên bảng viết viết cái gì đó, nhìn chăm chăm vào bảng, coi như không hề hay biết có tôi tần ngần ra đó. Tình hình coi bộ không hay rồi, tôi rón rén bước vào. Đứng sau lưng thầy, tằng hắng nho nhỏ lấy giọng, rồi thỏ thẻ thưa, “Dạ thưa thầy!” Thầy vẫn viết viết. Tôi gọt rửa dung nhan mình kỹ lưỡng. Tuy không thích màu mè, nhưng hôm đó tôi cũng đính cái dây cột tóc màu rêu. Khốn nỗi, ông trời chơi tôi. Lúc mà tôi cần cái bộ mặt để ăn nói, thì ổng tặng cho tôi một cái hột ngọc trai điểm ngay trên mí mắt. Từ nhỏ, đó là lần đầu tiên tôi bị mụt lẹo. Nó chỉ tí tẹo bằng cái hột tiêu, mà tôi có cảm tưởng nó to như ngọn Ngũ Hành Sơn đè lên Tề Thiên vậy. Tôi chà, tôi xát xuống chiếu không biết bao nhiêu cái chín phù phép, rồi vất ra cửa sổ. Nó không chịu biến mà còn chai ra. Tôi đâu có muốn ông thầy quay lại dòm cái hạt châu quý hiếm án ngay cửa sổ tâm hồn túi thui của tôi lúc bấy giờ. Thu hết hơi, tôi thều thào lần nữa “Dạ thưa thầy cho em vào lớp!” Hình như cái hạt châu làm nhột lưng thầy, thầy quay lại. Tôi cố nhướng mí mắt lên dòm thầy, may quá! Thầy không thèm nhìn vào tôi mà dòm xuống lớp, coi tôi như rác rèo vậy đó. Không sao, đừng vào con mắt hạt ngọc là tốt rồi. Thầy nói, “Tôi đã cảnh cáo rồi, không được thi! Dù có vào lớp học chăng nữa.” Vừa mới xem xong câu chuyện gì đó của Duyên Anh, trong ấy có cảnh bà vợ khóc lóc xin ông chồng tha thứ rằng em cắn cỏ lạy anh. Tôi nhập vai ngay, buột miệng thốt, “Em cắn cỏ lạy thầy, thầy tha cho em lần này. Em không thi, ba em về đánh em chết thôi, thầy ơi!” Tôi nghe có tiếng cười khúc khích đâu đó trong giờ phút linh thiêng, một mất một còn của tôi. Cùng lúc đó anh Tiếp đứng dậy xin lỗi giùm tôi, và xin được tha lỗi. Các bạn khác cũng lần lượt đứng lên xin hộ cho thôi. Từ thủa làm học trò, ra ơn thì nhiều, lần này thọ Ơn nhiều quá. Hình như thầy Định mềm dần. Lại nữa, cũng nể lời trưởng lớp và các bạn, thầy tha cho tôi. Nhưng buộc phải viết một ngàn câu “Tôi hứa từ nay về sau không còn vô lễ với giáo sư nữa.” Treo tôi một tháng, nếu tái phạm thì đuổi luôn, không những khỏi trường Thái Phiên, mà tất cả các trường công lập khác. Về nhà, mua cuốn vở mới, chờ cả nhà đi ngủ, chui vào một góc tối viết mò. Cái câu đó dù chữ viết nhỏ như kiến vẫn phải rơi rớt xuống hàng kế vài chữ, nên quyển vở trăm trang chi chít là tôi hứa. Bạn bè mách tôi cho nhảy số, hoặc bớt chữ nhưng tôi không dám. Tôi tởn tới già, không dám ọ ẹ gì với thầy cô nữa.
Dường như sau những biến cố như vậy, tôi đằm hơn. Biết người biết ta hơn. Có điều tôi vẫn không thể nào chịu được anh Tiếp mới kỳ chứ. Mà khổ nỗi tôi lại không biết che đậy. Tôi có con bạn học cùng lớp, nó đẹp nên nhiều anh chàng mê mệt. Thượng vàng hạ cám gì nó cũng ỏng ẹo, làm chàng nào cũng sướng rên, tưởng mình đã được một khoang trong trái tim của nó. Có chết ai đâu, hai bên đều vui vẻ. Còn tôi, khoái thì ngậm tăm, không khoái thì trừng, nguýt, háy. Bị hăm rạch mặt, bị chận đường hỏi thăm sức khỏe không biết bao lần. Có lần còn bị ăn tai cái thằng Nguyễn Thanh, bạn cùng lớp hồi tiểu học, thi rớt lớp sáu phải học trường tự Người ngợm dơ dáy, bị tôi gọi là đồ hầm bứa, nó táng cho một cái nhớ đời. Tôi nhục nhã lắm, đã tính đi học võ để trả thù, nhưng mà gáy thì to, chứ cái gan tôi chỉ là gan con cóc tía thôi. Thời đó ngựa chứng trong sân trường vô số kể. Không hiểu sao mấy tên du đảng lại thích theo tôi mới chết. Chúng tưởng tôi dân chơi thì phải. Cái đầu đờ- mi gạc-xông, quần ống loe, mũ rộng vành, mang giày cao gót. Tôi nào phải dân chơi. Tại cái đầu tóc rễ tre nên tém lại cho gọn. Còn quần loe, là do chị hàng xóm mới học may, thiết kế áo quần hip-py cho tôi, chứ tôi có biết ăn diện gì đâu. Vì cái tóc con trai, nên đội nón lá trông kỳ cục, tôi mới trùm đại cái mũ rộng vành, vậy thôi. Và tôi không thích thấp bé, cảm giác bị trời đè, nên mới xỏ vào đôi giày đế cao lênh khênh. Dạo đó, không biết là giày dỏm, hay là tôi chưa quen mang gót cao, mà sao cứ vài bước là tôi bị trẹo gót một cái. Con người mình dù có lanh chanh, lách chách đến đâu, khi mang đôi giày cao gót vào, bước nào bước nấy chững chạc ra, không còn cà tửng cà tưng được nữa. Vậy mà có vật gì tròn tròn lăn trước lối đi, là cái chân tôi nó sút ngay, bất luận áo dài, quần loe, giày cao gót.
Ngày đổi đời, tôi về quê bắt đầu những chuỗi ngày truân chuyên. Anh đạp xe vào nhà thăm tôi. Anh khoe anh là Đoàn viên, là cái gì đó của lực lượng hậu bị. Lại dám sờ đầu, vuốt tóc tôi nữa chứ. Vậy mà tôi tát cho một tai, và đuổi anh về. Còn mắng vói theo, tưởng tôi sa cơ thất thế mà chịu anh hả. Mơ đi, đừng có hòng! Đà Nẵng-Vĩnh Điện gần 30km, đạp chiếc xe cọc cạch vào thăm bạn gái. Tới giờ ăn cơm không được mời mà còn bị đánh đuổi. Chỉ có tội sờ cái ổ rơm chứ phải mái tóc óng ả gì cho đáng đồng tiền bát gạo. Chắc anh hận tôi lắm, nên từ đó anh không bao giờ trở lại nhà tôi nữa. Ba tôi bảo nghỉ học lo nuôi em, tôi nhảy băng lớp, nên tốt nghiệp trước các bạn thời Thái Phiên một năm. Anh Tiếp thôi học phổ thông sau khi xong lớp chín, rồi thi vào học trường trung cấp cơ khí nông nghiệp. Ra trường được bổ về huyện của tôi, nhưng anh không hề ghé lại nhà tôi lần nào nữa.
Sau đó tôi nghe tin anh lập gia đình. Có gì đáng quan tâm. Ngay những kẻ tôi thương yêu cũng đâu còn ai đến với tôi, họ lần lượt bỏ đi, ai nấy đều tìm thấy cho mình một bóng mát cuộc đời. Còn tôi ngờ ngờ ra đó, như để trả cái oan nghiệt đã gieo cho bao người xấu số. Rồi tôi cũng một mình lủi thủi ra đi, đi mãi, xa dần nơi chốn cũ. Tôi chưa một lần hân hạnh được tham dự đám cưới bất cứ bạn bè thân thiết nào, ngay cả anh chị em ruột tôi cũng vậy. Ngược lại, những ngày vui buồn trong đời, tôi cũng chỉ một mình thôi. Ông Vũ Thành An quan tâm, khi lìa trần có mấy người đưa. Sá gì lúc đã mất đi phần cảm giác, còn sống sờ sờ đây cũng chẳng có gì là phải ầm ĩ. Nghe tin tôi sắp trở lại, anh điều động bạn bè tụ họp đón mừng tôi hồi hương. Bạn bè thời chiến tranh, đa số từ các vùng bị chiếm, tản cư về thành phố. Sau 75 tản mạn khắp nơi. Phần công việc phải di chuyển, phần lập gia đình theo chồng theo vợ đi nơi khác... Vậy mà anh Tiếp đã bỏ công hàng tháng trời để mời mọc họp mặt. Tôi biết tin đó qua bạn bè khác.
Hơn hai mươi năm tôi không hề liên lạc với anh. Sau này anh có gởi cho tôi mấy bài thợ Nghe nói vợ anh rất giống tôi mà dáng cao sang hơn tôi nhiều. Có thiệt không đó, hay là bạn tôi muốn kháy tôi thôi. Và nghe nói con gái của anh giống tôi lắm. Không phải một mà nhiều bạn khác cũng nói vậy. Tôi tò mò muốn biết sự thật. Tôi cũng thường gọi điện cho bạn bè ở Việt Nam, nhưng tên anh chưa bao giờ ở trong danh sách tôi gọi. Anh vẫn chưa xứng đáng để tôi xài mấy đồng bạc gọi viễn liên. Hôm nọ, cái hãng điện thoại mắc dịch Teleglobe lường gạt tôi, hứa cho gọi miễn phí một trăm năm mươi đồng tương đương khoảng ba tiếng gọi về Việt Nam. Còn đâu mười phút, hết người để gọi. Vả lại tôi muốn hỏi anh về vụ tổ chức tiếp đón. Giả vờ như đang ở tại nhà Việt Nam, mời anh vộ Anh khẳng khái, phải ra thăm anh trước, chứ nhất định không vộ Tôi dọa, vậy là tôi không ra Đà Nẵng dự họp mặt. Anh nói, tùy. Tôi nghĩ thầm, cha chả, Tiếp của thế kỷ mới chứ không phải Tiếp của ngày xưa đâu. Tôi nói, nếu không vô thì cúp điện thoại nghen. Ừ. Vậy là tôi cúp. Anh vẫn chưa biết là tôi đùa. Chưng hửng! cái cảm giác như bị thầy đuổi ngày nào. Họ yêu, họ thương ta, nhưng họ vẫn là họ. Một biên giới, một khoảng cách mà ta không khôn khéo xâm lấn vào thì sẽ bị đá dội ra thôi.
Cũng qua bạn bè, tôi được biết dạo rày anh làm ăn phát đạt lắm. Thoạt đầu tôi không tin. Đúng như tin đồn, sau khi bỏ việc làm cơ khí nông nghiệp anh trở lại Đà Nẵng, làm nghề đánh cá sao đó. Gặp thời cơ, anh đã tậu được chiếc tàu đánh cá riêng, và cứ thế tiền lại đẻ ra tiền. Trong đám bạn bè, nhà anh bề thế nhất, vợ con anh đẹp nhất. Tôi nghe mà tưởng như đang mợ Cái tướng mà tôi không cần nghiên cứu sách vở gì, cũng thấy chữ mạc suốt đời trên trán mà trở thành người giàu có được sao? Anh được bạn bè quý mến, vì cung cách đối xử của anh. Nội việc bỏ công ăn chuyện làm để hội tụ tất cả bạn bè về họp lớp sau hơn hai mươi năm là điều đâu phải ai cũng làm được. Đám ngũ quỷ ngày xưa của tôi đã coi anh có ra gì đâu, mà ngày nay khi nói đến anh với một giọng nể vì. Thật tình mà nói, tôi chưa hề coi khinh tư cách anh, mà chỉ không thích anh trở thành hoàng tử trong mộng của mình thôi. Không biết sự hất hủi của tôi ngày nào có góp phần đưa đẩy anh đi đến sự thành công? Nếu đúng vậy, thì anh quả là người đáng kính trọng. Đã biến đau thương thành tâm huyết, thành ý chí. Và tôi cũng nhẹ đi một phần mặc cảm làm con người quá nhẫn tâm, không xứng đáng với tấm lòng tin yêu của anh.
Tôi có ngờ đâu lần nói chuyện đó là lần đầu cũng là lần cuối được nói với anh. Hai tuần sau, tôi nghe bạn bè thông báo là sau vài ngày nằm bệnh viện thì anh đã đột ngột ra đi vĩnh viễn. Hai mươi mấy năm xa cách, chỉ còn một thời gian ngắn là được gặp lại nhau, mà chúng tôi không còn cơ hội. Nghe nói anh bị bệnh gan gì đó, hèn gì da dẻ thủa xưa của anh đã khác lạ. Anh Tiếp ơi, tôi không có cơ hội tỏ bày những hành vi quá quắt của mình ngày xưa, nhưng tôi biết anh không hề oán ghét, trách cứ tôi nên mới chuẩn bị ngày đón tôi về cùng bạn bè. Tôi nhớ bài thơ anh viết ngày nào, rằng: “Thái phiên ơi, ta vạch tổ trở về!”
Bài thơ anh viết cho tôi thuở anh bắt đầu làm thi sĩ, khi nghe tin tôi ra đi mà hình dung tôi là nàng công chúa tuyệt vời, trong một buổi du ngoạn bị đại bàng quái ác cướp bắt vào rừng sâu:
“... Một cánh chim sà xuống bắt lấy người em.
Hình bóng bé - biến dần trong tầm mắt.
Trời đất cuồng quay..
Thời gian dừng lại,
Anh chàng ngẩn ngơ,
đau khổ, hỏi: Vì sao?... ”
Rồi những lúc ngang qua trường cũ anh dừng lại,
“Ta về qua phố rộng
Còn chút tình hương phai
Có phải tình dao nhọn
Đâm thấu hồn dửng dưng
Ta về se áo ướt
Vai lạnh chút tình không
Xưa vàng tình ngây dại
Nên bây giờ mất nhau
Chuyến xe chiều đã vắng
Một chỗ ngồi năm xưa... ”
Ngày tôi trở lại, bạn bè còn đó, những người mà anh đã lặn lội đưa về còn đó, mà anh không còn nữa. Trên bàn thờ, khuôn mặt một người đàn ông xa lạ, đeo kính trắng, ra vẻ trí thức. Khác hẳn hình ảnh năm xưa, đang nhìn tôi. Là anh đó sao, tha thứ cho tôi nghen. Trước đây, anh viết thư nói rằng cuộc họp mặt dù có đông đủ, nhưng thiếu tôi thì anh không cảm thấy trọn vẹn. Hôm nay đây, bạn bè tíu tít kể chuyện ngày xưa -- anh nằm yên dưới mộ sâu một mình, tôi thấy lòng bất nhẫn quá. Tôi thật sự không biết mình đang nghĩ gì. Đầu óc tôi choáng ngợp với đủ thứ vui buồn, tôi không biết trình diễn một khuôn mặt sao cho xứng hợp. Tôi tặng anh những bông hồng màu trắng dễ thương này để cám ơn tấm tình mà anh dành cho tôi. Trong suốt thời gian xa cách đó, tôi đã từng rớt thỏm dưới vực sâu. Tưởng cũng đủ cho tôi hiểu cái gì đáng trân trọng. Dù sao tôi cũng là người lập gia đình sau anh cả chục năm mà. Anh may mắn tìm được người bạn đời chia xẻ, gánh vác với anh, tôi rất mừng cho anh. Nếu cho cơ hội cho chúng ta làm lại từ đầu, chắc một điều là cũng vậy thôi. Cái gì đến đã đến, và tôi cũng chưa hề làm điều gì để cho bất cứ ai đã một lần mến yêu tôi, phải cảm thấy hối tiếc rằng đã yêu thương một con người không xứng đáng.
Vợ anh đã ra thăm mộ anh từ sáng sớm, có phải là chị không muốn cho tôi gặp mặt. Hay là chị không muốn anh nằm một mình lạnh lẽo ngoài kia. Phải chăng chị chịu đựng không nỗi sự mất mác, mọi người tề tựu đông đủ, rộn rịp càng khiến chị thêm đau lòng. Nhìn con anh, có lẽ do mái tóc và cái trán nên bạn bè cho là giống tôi. Nếu tôi có con gái chắc không đẹp bằng con của anh rồi. Từ đó, tôi mới ý thức được sự hiện hữu của anh trong đời tôi. Mặc dù, trước đây cũng có đôi lúc bị trầy trụa tôi nghĩ về anh, rằng vẫn có kẻ thương ta như một sự tự an ủi, rằng ta chưa hẳn là người mà ai cũng ghét bỏ. Tôi cám ơn anh đã có tấm lòng bao dung, lo việc sửa soạn đón tôi về. Cái tình cảm đó cao thượng quá. Tôi cũng từng thương người mà chẳng được thương, nhưng tôi không cư xử được như anh. Tôi thầm muốn chia sẻ nỗi đau của vợ anh, người đã đến với anh từ buổi hàn vi, đã cùng anh chèo chống qua khúc quanh ghềnh thác, và rồi phải lênh đênh một mình khi anh đã vội vã ra đi khi tuổi đời còn quá tre?
Hôm nay nhân ngày kỷ niệm hai năm, ngày anh ra đi, tôi kể lại chuyện này. Không nhằm mục đích tôn vinh hoặc bôi nhọ mà nói lên một sự thật buồn phiền cho hai kẻ không may mắn. Anh không may khi đem lòng thương một người không thương mình, và tôi cũng đâu may mắn gì hơn khi có kẻ yêu mình mà mình thì chẳng hề rung động. Ở lứa tuổi mộng mơ đó, mỗi chúng có một mẫu người lý tưởng riêng mình. Tôi chưa hề dùng tấm tình anh dành cho tôi như một thứ trang sức cho đời mình. Ngày xưa là nợ, nay là duyên-- cái duyên của một tình người mà đâu phải ai cũng có được.
Là chuyện kể dĩ nhiên phiến diện. Tôi chỉ kể lại theo sự nhìn nhận một chiều của tôi thôi. Làm sao biết được lòng anh Tiếp đã nghĩ như thế nào? Và tôi cũng không biết là anh có hay rằng anh sắp ra đi không? Lần nói chuyện cuối cùng trước đó 25 năm đã làm anh và tôi cách xa ngàn trùng. Sau một quãng đời dài, chúng tôi nói chuyện lần đầu qua điện thoại, và là lần cuối cùng trước khi anh và tôi ngàn thu vĩnh biệt. Đối thoại của anh qua lần nói chuyện ngắn ngủi đó rất lạnh lùng và ngoan cố một cách kỳ lạ, khác xa những bài thơ anh vừa gởi tặng tôi. Trong thư còn nhắn lời thăm hỏi chồng tôi còn đùa là, vợ của anh (tức là tôi) ngày xưa ngang bướng lắm. Anh còn lo lắng căn dặn tôi, đừng có viết “bậy bạ“ mà khi trở lại sẽ bị khó dễ. Những thắc mắc này chỉ có mỗi mình anh mới có thể trả lời. Bây giờ anh không còn nữa thì biết ai đây.
Tình yêu ở độ tuổi mới lớn, không bị trói buộc bởi những cái “tôi cần” mà chỉ là một giấc mơ của “tôi muốn.” Lúc đó ai cũng muốn bay bổng trên chín tầng mây, cần biết chi đời cơm áo, cho nên tôi đâu có được ngoại lệ. Khi không đúng với “tôi muốn” thì con người trở thành vô tình, và đôi khi độc ác đối với kẻ yêu thương họ. Trong khi đó, chính họ cũng bị cuốn theo một lực hấp dẫn khác. Và theo tôi biết thời đó, có chị bạn trong lớp để ý Tiếp mà anh cứ phớt lờ. Như vậy làm sao trách tôi được hỡi bạn. Có điều là tôi hơi thẳng tay hơn các bạn khác, nhưng đó là cái tính trời ban cho tôi. Tôi cũng đâu ưa gì chuyện làm đau lòng ai. Bạn thấy đó, nếu không đoạt được người “tôi muốn” thì đâu phải thiên hạ chẳng còn ai để bạn muốn. Như anh Tiếp của tôi vậy, vợ của anh vượt trội hơn tôi nhiều mặt theo lời đánh giá của bạn bè. Trong tình yêu không thể nào có sự gượng ép và lòng thương hại. Không yêu thì tốt hơn cứ bảo là không, đừng ỡm ờ làm người khác phải điên đảo về mình trong khi lòng mình đã có một hình bóng khác. Có những sự việc tuy phũ phàng nhưng là sự thật. Sự thật thì bao giờ cũng vậy, tốt xấu lẫn lộn. Con người dù có được thương yêu đến thế nào đi nữa, nếu không biết nâng niu quý trọng thì cũng sẽ đánh mất tình cảm như trường hợp hai ông thầy. Và biết đâu chừng vì không biết quý anh, tôi đã đánh mất cả anh nữa đó, Tiếp ơi!...

Hết


Xem Tiếp: ----